Bản án 58/2021/HS-PT ngày 09/03/2021 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 58/2021/HS-PT NGÀY 09/03/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 09 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 260/2020/HS-PT ngày 16 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Châu Ngọc V cùng các đồng phạm. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2020/HS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Nam.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Châu Ngọc V, sinh năm 1976, tại xã T, huyện N; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn X (nay là P), xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: nông; trình độ văn hoá: 06/12; dân tộc: Kor; giới tính: nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Châu Ngọc M (chết) và con bà: Trương Thị L ( SN: 1954); có vợ là Nguyễn Thị X, sinh năm 1976 và 03 con (con lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2005); tiền án, tiền sự: không; Nhân thân:

- Tháng 02/2016 bị cáo Châu Ngọc V bị UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính về hành vi “Vận chuyển lâm sản trái phép”, số tiền là 20.000.000 đồng (đã chấp hành xong ngày 14 tháng 3 năm 2016);

- Ngày 29-6-2019 bị cáo Việt bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xử phạt 18 tháng tù về tội “Hủy hoại rừng” (bản án số 146/2018/HS-PT);

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Văn T, sinh năm 1987 tại huyện ...Quảng Nam; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn 01, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: nông; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kor; giới tính: nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Đảng phái: Đảng cộng sản Việt Nam (đã có Quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng); con ông Nguyễn Đình T và bà Lê Thị H; có vợ là Nguyễn Thị H và 01 con sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt tại phiên tòa.

3. Huỳnh Văn T, sinh năm 1979 tại Quảng Nam; Trú quán: thôn 02, xã T, huyện B, Quảng Nam; nghề nghiệp: nông; trình độ văn hoá: 03/12; dân tộc: Kor; giới tính:

nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Huỳnh Văn L và bà Nguyễn Thị L; có vợ là Trần Thị N, sinh năm 1981 và có 02 con (con lớn sinh năm 1999, con nhỏ sinh năm 2004); tiền án, tiền sự: không; nhân thân: không;

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt tại phiên tòa.

4. Trần Văn Đ, sinh năm 1986 tại Quảng Nam; Trú quán: Thôn 02, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: nông; trình độ văn hoá: 05/12; dân tộc: Kor; giới tính: nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Trần Văn L và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Nguyễn Thị H, sinh năm 1995 và có 02 con (cùng sinh năm 2020); tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt tại phiên tòa.

5. Lê Văn H, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1988 tại Quảng Nam; Trú quán: Thôn 02, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: nông; trình độ văn hoá: 03/12; dân tộc: Kor; giới tính: nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Văn P và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Võ Thị T, sinh năm:1987 và có 02 con (con lớn sinh năm 2005, con nhỏ sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào năm 2014, do có bà con ở xã T, huyện N nên Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H thường đi bộ đường rừng từ xã T, huyện B qua xã T, huyện N để chơi. Trong quá trình đó thì T, T, H, Đ thấy có một mảnh rừng tự nhiên tại khoảnh 12, tiểu khu 780, thôn 5b, xã T, huyện B (khu vực giáp ranh giữa thôn 2, T, huyện B và thôn P, xã T, huyện N) diện tích khoảng 30 ha, chưa có người khai phá nên cả nhóm nảy sinh ý định khai phá để trồng cây Keo nguyên liệu. Do đường từ xã T đến khu vực trên xa và chưa có đường xe ô tô nên cả nhóm bàn bạc rủ Châu Ngọc V cùng làm thì V đồng ý.

Sau khi bàn bạc cùng T, T, H và Đ để phát rừng trồng Keo thì V có rủ Trần Văn Tr (Tr là em rể của V) cùng tham gia thì Tr đồng ý. Các bên thống nhất T, H, T và Đ tìm diện tích đất rừng để trồng cây Keo, còn V và Tr chịu công phát, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Lợi nhuận ăn chia theo tỷ lệ 3/7 (tức là bên chỉ đất được 03 phần, bên chịu công phát, trồng được 07 phần).

Sau khi cả nhóm thống nhất thì cùng nhau lên khu vực rừng để xác định ranh giới cụ thể như sau: Diện tích rừng khoảng 30 ha, - Phía Đông giáp núi, rừng già T, N, Quảng Nam.

- Phía Tây giáp núi, rừng già Thôn 5B, T, B, Quảng Nam.

- Phía Nam giáp đất ông K, T, N, Quảng Nam.

- Phía Bắc giáp núi, rừng già Thôn 5B, T, B, Quảng Nam.

Đến ngày 13/4/2015, Nguyễn Văn T thảo một hợp đồng và điện thoại cho Châu Ngọc V đến nhà ông Nguyễn Đình T, tại thôn 1, xã T, B (ông T là cha ruột của T) cùng với T, H và Đ để ký hợp đồng. Do lúc đó T là Bí thư đoàn xã T nên không tiện đứng ra ký hợp đồng, T có lấy chứng minh nhân dân của ông T ghi số chứng minh và tên ông T trong hợp đồng, sau đó T ký vào và ghi tên Nguyễn Đình T. T đưa hợp đồng cho H, T, Đ và V cùng ký vào hợp đồng.

Vài ngày sau, T mang hợp đồng này cùng với H, T, Đ và V đến nhà của Tr ở xã T, huyện N để Tr ký vào hợp đồng. Hợp đồng này được đưa cho mỗi người giữ một bản.

Vào khoảng giữa năm 2015, V rủ Tr đi phát rừng thì Tr bận công việc gia đình nên không tham gia phát rừng theo như hợp đồng nên một mình V phát rừng. Trước khi phát rừng thì V có chuẩn bị mâm lễ rồi gọi T, T, H và Đ qua để cúng rừng theo phong tục địa phương. Châu Ngọc V tiến hành phát rừng một mình, V dùng rựa để phát dây leo, bụi rậm và dùng cưa đơn (cưa tay) để cưa hạ các cây gỗ lớn. Sau khi phát và hạ cây (chưa đốt) được một diện tích hơn 01 ha thì khoảng tháng 02 hoặc tháng 3 năm 2016, V gọi điện cho nhóm của T, T, Đ, H sang để kiểm tra việc phát rừng; nhóm của T sang thì thấy V đã chặt hạ được một diện tích hơn 01 ha và đang trỉa lúa nên nhóm của T yêu cầu V tiếp tục phát diện tích rừng còn lại và V đồng ý. Sau khi thu hoạch xong lúa thì V bỏ đất đến tháng 02/2017, khi có người dân mở đường vào để khai thác gỗ Keo thì V thuê xe máy đào làm đường đến khu rẫy đã phát để lấy gỗ về làm củi và bán. Đến tháng 4/2017, do Hạt kiểm lâm huyện B phát hiện nên Việt không lấy hết gỗ đã cưa hạ và bỏ lại khu vực trên cho đến nay.

Châu Ngọc V khai trong thời gian V phát rừng thì có Nguyễn Chí T, sinh năm:1982, trú thôn T, xã T, huyện N có lên phát rừng sát bên rẫy của V. T và V không có bàn bạc và không làm chung với nhau.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 18/6/2020 xác định được diện tích mà các bị cáo hủy hoại là 1,152 ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo, chức năng sản xuất.

Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện B thì thiệt hại về lâm sản và môi trường với diện 1,152 ha là 90.497.541 đồng.

Với nội dung vụ án như trên, tại bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2020/HS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Nam đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 15 (Mười lăm) tháng tù. Thời gian thụ hình tính từ ngày đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Châu Ngọc V 15 (Mười lăm) tháng tù. Thời gian thụ hình tính từ ngày đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Trần Văn T 12 (Mười hai) tháng tù. Thời gian thụ hình tính từ ngày đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Huỳnh Văn Đ 12 (Mười hai) tháng tù. Thời gian thụ hình tính từ ngày đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Lê Văn H 12 (Mười hai) tháng tù. Thời gian thụ hình tính từ ngày đi thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Vào các ngày 28/9/2020 và 30/9/2020, các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm a, đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời, đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự để làm căn cứ xử phạt các bị cáo V, T mỗi bị cáo 15 tháng tù; các bị cáo T, Đ, H mỗi bị cáo 12 tháng tù là có cơ sở, tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo. Tại cấp phúc thẩm, không phát sinh thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm.

Các bị cáo không tranh luận, đều xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong hạn luật định theo đúng quy định tại các Điều 331, 332, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên kháng cáo của các bị cáo là hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H khai nhận: Vào năm 2014, các bị cáo T, T, Đ, H phát hiện diện tích rừng khoảng 30ha nằm giáp ranh giữa xã T, huyện N với xã T, huyện B chưa có ai khai phá nên các bị cáo rủ bị cáo V cùng khai phá thì bị cáo V đồng ý.

Năm 2015, bị cáo T soạn sẵn hợp đồng đem cho các bị cáo cùng ký tên, trong đó xác định bên có rừng là T, T, Đ, H và bên bỏ công phát, trồng, chăm sóc, thu hoạch là bị cáo V và anh Trần Văn Tr và thỏa thuận tỉ lệ ăn chia lợi nhuận với nhau. Đến khoảng giữa năm 2015, bị cáo V thực hiện theo hợp đồng và đã dùng rựa chặt phá 1,152 ha (11.520 m2) rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo, chức năng sản xuất tại khoảnh 12, tiểu khu 780 (thuộc thôn 2, xã T, huyện B) do Uỷ ban nhân dân xã T quản lý.

[3] Xét lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận định giá tài sản và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Với mục đích lấy đất trồng rừng, các bị cáo đã có hành vi bàn bạc, hợp đồng bằng văn bản về phần việc, tỷ lệ ăn chia; cùng nhau chỉ đất, cúng rừng, kiểm tra việc phát dọn rừng của bị cáo V trên diện tích 11.520 m2 rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo, chức năng sản xuất; các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đồng phạm có tổ chức, trong đó bị cáo T là người tổ chức, các bị cáo T, Đường, H là người giúp sức và bị cáo V là người trực tiếp thực hành. Do đó, Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2020/HS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Nam đã kết án các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đường và Lê Văn Hùng về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm a, đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với Trần Văn Trấn có ký vào hợp đồng nhưng sau đó không tham gia, đã tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

[4] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của các bị cáo thì thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất của vụ án, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật Hình sự và xem xét nhân thân, vai trò của từng bị cáo để làm căn cứ xử phạt các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T mỗi bị cáo mức án 15 tháng tù; các bị cáo Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H mỗi bị cáo mức án 12 tháng tù là có cơ sở pháp luật, mức án thấp dưới khung hình phạt mà Điều luật quy định. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo đều cung cấp đơn cứu xét với cùng nội dung là hoàn cảnh gia đình khó khăn; tuy nhiên, tình tiết này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét áp dụng đối với các bị cáo khi quyết định hình phạt; đồng thời xét thấy hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng mà còn xâm phạm đến sự ổn định bền vững của môi trường sinh thái. Do đó, hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng và không cho các bị cáo hưởng án treo là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nên Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.

[5] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số:326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.

Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 15 (Mười lăm) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị bắt đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Châu Ngọc V 15 (Mười lăm) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị bắt đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Trần Văn T 12 (Mười hai) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị bắt đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Huỳnh Văn Đ 12 (Mười hai) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị bắt đi thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Lê Văn H 12 (Mười hai) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Các bị cáo đều bị kết án về tội “Hủy hoại rừng”.

2. Các bị cáo Châu Ngọc V, Nguyễn Văn T, Huỳnh Văn T, Trần Văn Đ và Lê Văn H mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 09/3/2021). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

343
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 58/2021/HS-PT ngày 09/03/2021 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:58/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Nam
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về