TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN ÁN 58/2019/HS-PT NGÀY 28/05/2019 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 28 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 57/2019/TLPT-HS ngày 05 tháng 4 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Văn Q và Nguyễn Thị L do có kháng cáo của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2019/HS-ST ngày 17 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận B, thành phố Cần Thơ.
- Các bị cáo bị kháng cáo:
1. Phạm Văn Q, sinh năm: 1967 tại Ninh Bình. Nơi cư trú: Ấp V, xã T, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long; chỗ ở: phường A, quận B, thành phố Cần Thơ; nghề nghiệp: Cơ khí; trình độ văn hoá: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn Đ (c) và bà Hoàng Thị M (c); anh ruột có 03 người (lớn nhất sinh năm: 1958, nhỏ nhất sinh năm: 1964); có vợ Nguyễn Thị L và có 01 người con sinh năm: 2011; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. (có mặt).
2. Nguyễn Thị L, sinh năm: 1975 tại Ninh Bình. Nơi cư trú: Ấp V, xã T, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long; chỗ ở: phường A, quận B, thành phố Cần Thơ; nghề nghiệp: Nội trợ; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn L1 (c) và bà Phạm Thị K (c); anh chị ruột có 05 người (lớn nhất sinh năm: 1956, nhỏ sinh năm: 1973); có chồng Phạm Văn Q và có 01 người con sinh năm: 2011; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Có mặt.
- Người bị hại: Ông Lê Văn N, sinh năm: 1968. Có mặt. Trú tại: phường A, quận B, thành phố Cần Thơ.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Luật sư Lưu Thế Hiệp – Văn phòng luật sư Lâm Sơn thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ. Có mặt.
Ngoài ra, trong vụ án còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan không có kháng cáo.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vợ chồng Phạm Văn Q – Nguyễn Thị L với ông Lê Văn N có tranh chấp lối đi phần đất số 113/22/35 đường Phạm Ngọc Hưng, khu vực 5, phường A, quận B, thành phố Cần Thơ. Phần đất này vợ chồng Q mua của anh trai ông N, trên lối đi chung có 02 cây dừa nên Q định chặt đi nhưng ông N không đồng ý vì cho rằng của gia đình ông và thuộc phần đất công cộng nên xảy ra mâu thuẫn. Vào trưa ngày 01/5/2018 sau khi uống rượu, ông N mang theo 01 chai nước sơn màu đỏ và 01 đoạn ống nước đi đến nhà Q; ông N dùng ống nước đo phần đường và xịt sơn dưới đất hướng vào nhà Q thể hiện phần đất đang tranh chấp và la lối lớn tiếng. Lúc này, L điện thoại cho ông Lưu Xuân Thu (Trưởng khu vực) trình báo việc ông N đến gây rối và cùng Q ra đứng nói chuyện với ông N. Trong lúc nói chuyện, ông N dùng tay đánh 01 cái trúng vào vùng cổ Q làm Q lùi về phía sau và té ngã; L chạy đến ôm ông N và kêu Q bắt trói ông N lại, Q đứng dậy chạy đến hàng rào lấy 02 sợi dây dù và cùng L đè ông N xuống đường. Q dùng tay bẻ hai tay ông N ra sau đầu gối chân để giữ, L luồn dây qua tay để Q buộc lại; tiếp tục L đè chân và luồn dây để Q tiếp tục trói chân ông N và đưa ông N đến ngồi cạnh gốc dừa gần đó. L tiếp tục điện thoại cho ông Thu để trình báo. Khoảng 15 phút sau, lực lượng Công an phường A đến mở trói cho ông N và yêu cầu tất cả về Công an phường làm việc. Lúc này ông N không đi lại được bình thường nên được lực lượng bảo vệ dân phố dùng xe mô tô chở về trụ sở Công an phường, sau đó ông N được đưa đến bệnh viện điều trị.
Tang vật thu giữ: 01 sợi dây dù màu xanh dài 78cm, 01 sợi dây dù dài 62cm và số tiền 20.000.000 đồng.
Tại bản kết luận giám định thương tích số: 118/TgT ngày 29/6/2018 của Trung tâm pháp y – Sở y tế thành phố Cần Thơ kết luận: tỷ lệ tổn thương cơ thể của Lê Văn N do thương tích gây nên hiện tại là 24%.
Quá trình điều tra Phạm Văn Q và Nguyễn Thị L thừa nhận hành vi phạm tội; bồi thường cho người bị hại số tiền 30.000.000 đồng và nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận B số tiền 20.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2019/HSST ngày 17/01/2019 của Tòa án nhân dân quận B đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn Q và bị cáo Nguyễn Thị L phạm tội “Bắt người trái pháp luật”.
Áp dụng: Điều 36; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn Q 01 năm 06 tháng cải tại không giam giữ. Bị cáo Nguyễn Thị L 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ.
Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ ngày Ủy ban nhân dân phường A, quận B, thành phố Cần Thơ nhận được bản án và quyết định thi hành án đối với các bị cáo. Giao các bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường A, quận B, thành phố Cần Thơ giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Miễn khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng trong thời gian chấp hành án đối với bị cáo Q và bị cáo L.
Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào Điều 590 Bộ luật Dân sự.
Buộc bị cáo Q và bị cáo L có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại số tiền 73.674.746 đồng. Khấu trừ số tiền 30.000.000 đồng bị hại đã nhận và số tiền 20.000.000 đồng (số tiền này các bị cáo đã nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận B để khắc phục hậu quả, hiện số tiền này chuyển đến Chi cục Thi hành án dân sự quận B theo quyết định chuyển vật chứng số: 01/QĐ- VKS ngày 13/12/2018) vào số tiền 73.674.746 đồng. Các bị cáo còn tiếp tục bồi thường số tiền còn lại cho bị hại là 23.674.746 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi tuyên án sơ thẩm, vào ngày 27/01/2019, bị hại ông Lê Văn N kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng mức bồi thường thiệt hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị hại ông Lê Văn N vẫn giữ yêu cầu kháng cáo, cụ thể yêu cầu xử phạt tù đối với hai bị cáo và bồi thường cho ông tổng số tiền 126.604.746 đồng. Với lý do hai bị cáo đã có hành vi trói và gây thương tích cho ông phải đi điều trị tại bệnh viện và để lại di chứng lâu dài nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chưa tương xứng đối với hành vi phạm tội của hai bị cáo.
Bị cáo Phạm Văn Q và Nguyễn Thị L thống nhất với bản án sơ thẩm đã tuyên đối với hai bị cáo. Do ông Lê Văn N có hành vi quậy phá, gây mất an ninh trật tự, chửi hai vợ chồng bị cáo và đánh bị cáo Q nên hai bị cáo đã trói ông N lại với mục đích giao cho chính quyền địa phương xử lý. Hai bị cáo không có đánh ông N nên thương tích của ông N không phải do hai bị cáo gây ra.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại thống nhất với tội danh và điều luật áp dụng đối với hai bị cáo. Hậu quả hai bị cáo đã gây ra cho ông Lê Văn N là rất nghiêm trọng, hiện nay do di chứng từ thương tích để lại làm cho ông N không thể lao động được nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt mỗi bị cáo 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ và bồi thường cho ông N tổng số tiền 73.674.746 đồng là chưa tương xứng với hành vi phạm tội của hai bị cáo cũng như mức độ thiệt hại về sức khỏe và tổn thất tinh thần của ông N. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của ông Lê Văn N, sửa án sơ thẩm, tăng hình phạt đối với hai bị cáo và buộc hai bị cáo bồi thường cho ông Lê Văn N tổng số tiền là 126.604.746 đồng.
Kiểm sát viên nhận định: Quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Bản án sơ thẩm đã tuyên có căn cứ và đúng pháp luật. Giữa bị cáo Phạm Văn Q và bị cáo Nguyễn Thị L với người bị hại ông Lê Văn N xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cự cải với nhau, sau khi bị hại dùng tay đánh bị cáo Q thì hai bị cáo đã dùng vũ lực để bắt trói, giữ người bị hại trái pháp luật và có đủ căn cứ xác định thương tích của người bị hại là do hành vi của hai bị cáo gây ra nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử hai bị cáo về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét hết tính chất, mức độ nguy hiểm đối với hành vi phạm tội của hai bị cáo nên chỉ xét xử mỗi bị cáo 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ là chưa nghiêm, cần áp dụng hình phạt tù đối với hai bị cáo mới đảm bảo tính răn đe giáo dục hai bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội. Vì vậy, sau khi xét xử sơ thẩm người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với hai bị cáo là có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên, hai bị cáo có mối quan hệ vợ chồng, có 01 người con sinh năm 2011 cần có người chăm sóc nên có xem xét và đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Văn Q với mức án 01 năm 06 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị L với mức án 01 năm 06 tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Về phần trách nhiệm dân sự: Ông Lê Văn N yêu cầu bồi thường số tiền 126.604.746 đồng nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ trách nhiệm bồi thường nên đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của ông Lê Văn N.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Quá trình tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho những người tham gia tố tụng.
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo thừa nhận hành vi đã bắt trói và giữ ông Lê Văn N vào trưa ngày 01/5/2018 là phù hợp với nhau, phù hợp với lời trình bày của ông N và các chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Hai bị cáo không thừa nhận thương tích của ông N là do hai bị cáo gây ra vì hai bị cáo không có đánh ông N, còn ông N cho rằng có nhiều người tham gia trói ông. Tuy nhiên, đối chiếu với lời khai của những người làm chứng có trong hồ sơ và lời thừa nhận của hai bị cáo thì chỉ có bị cáo Q với bị cáo L đè trói ông N và đối chiếu với giấy chứng nhận thương tích thì các vết thương của ông N phù hợp với hành vi của hai bị cáo đã thực hiện nên có căn cứ khẳng định thương tích 24% của ông N là do hai bị cáo gây ra và không có căn cứ để kết luận còn có người khác tham gia bắt trói, giữ ông N như lời trình bày của ông N.
Hai bị cáo là người đã thành niên, có nhận thức pháp luật. Giữa hai bị cáo với bị hại là người cùng xóm với nhau nhưng phát sinh mâu thuẫn do tranh chấp đất đai. Vào trưa ngày 01/5/2018, trong lúc cự cải với nhau ông N đã có hành vi dùng tay đánh bị cáo Q một cái thì hai bị cáo đã dùng vũ lực đè ông N xuống đường, trói tay chân của ông N lại, gây thương tích với tỷ lệ 24%. Hành vi của ông N không thuộc trường hợp phải bắt giữ khi hai bị cáo là người không có thẩm quyền. Vì vậy, hành vi của hai bị cáo là trái pháp luật và đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự nên cấp sơ thẩm xét xử hai bị cáo là có căn cứ nhưng chỉ tuyên hai bị cáo phạm tội “Bắt người trái pháp luật” là còn thiếu nên cần bổ sung.
Với tỷ lệ thương tích của ông N đã được giám định là 24%, ông N có yêu cầu khởi tố nhưng không có chứng cứ chứng minh hai bị cáo đã cố ý gây thương tích mà các thương tích này là do hành vi bắt giữ người gây ra nên không truy cứu đối với hành vi cố ý gây thương tích là phù hợp.
[2] Xét kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt của người bị hại. Xét thấy, hai bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, trước khi bắt trói, giữ ông N, hai bị cáo đã điện thoại báo cho người có thẩm quyền quản lý khu vực, báo cho chính quyền địa phương, khi tiến hành bắt trói, giữ ông N thì có nhiều người chứng kiến và sau khi bắt trói, giữ ông N thì hai bị cáo chờ chính quyền địa phương đến giải quyết chứ không có mục đích nào khác; thương tích mà hai bị cáo gây ra cho ông N là lỗi vô ý; sau khi vụ án xảy ra hai bị cáo đã bồi thường số tiền 50.000.000 đồng. Mặt khác, ông Lê Văn N đã có hành vi đến nơi ở của hai bị cáo để gây rối và tấn công bị cáo Q. Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo đã thành khẩn khai báo; trước khi xét xử sơ thẩm hai bị cáo đã bồi thường hơn 2/3 số tiền bồi thường thiệt hại so với bản án sơ thẩm đã quy kết và sau khi xét xử sơ thẩm hai bị cáo không kháng cáo cho thấy thiện chí bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả của hai bị cáo. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của từng bị cáo, cụ thể: Trong vụ án có hai bị cáo tham gia nhưng không có bàn bạc từ trước nên chỉ là đồng phạm giản đơn, bị cáo Q là người đã dùng sức mạnh bẻ tay của ông N về phía sau để tiến hành trói tay và trói chân ông N nên vai trò của bị cáo là cao hơn bị cáo L; cần áp dụng hình phạt đối với bị cáo Q nghiêm khắc hơn đối với bị cáo L mới phù hợp. Vì vậy, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lê Văn N, chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Q sang hình phạt tù mới đảm bảo tính răn đe giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội; giữ nguyên mức hình phạt đã tuyên đối với bị cáo L là phù hợp.
[3] Đối với kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường, tại phiên tòa phúc thẩm bị hại ông Lê Văn N không cung cấp thêm được chứng cứ gì mới, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ chi phí điều trị thương tích, tiền mất ngày công lao động và bồi thường tổn thất tinh thần nên khoản tiền bồi thường 73.674.746 đồng là phù hợp. Bị hại ông Lê Văn N đã nhận được số tiền 30.000.000 đồng; còn lại 20.000.000 đồng hai bị cáo đã nộp, do Chi cục Thi hành án quận B đang quản lý nên giải quyết cho ông N được nhận và buộc hai bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền 23.674.746 đồng như đề nghị của Kiểm sát viên là phù hợp.
[4] Về án phí: Người bị hại ông Lê Văn N kháng cáo thuộc trường hợp không phải nộp tạm ứng án phí và kháng cáo của ông N được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí phúc thẩm. Vì vậy, trả lại tiền tạm ứng án phí cho ông N là phù hợp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại. Sửa án sơ thẩm.
Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn Q và Nguyễn Thị L phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 157; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17 Bộ luật Hình sự.
Áp dụng thêm Điều 36 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị L.
Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn Q 06 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị L 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ. Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ ngày Ủy ban nhân dân phường A, quận B, thành phố Cần Thơ nhận được bản án và quyết định thi hành án đối với bị cáo. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường A, quận B, thành phố Cần Thơ giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Miễn khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng trong thời gian chấp hành án đối với bị cáo Nguyễn Thị L.
Áp dụng: Điều 48 Bộ luật Hình sự và Điều 590 Bộ luật Dân sự.
Buộc bị cáo Phạm Văn Q và bị cáo Nguyễn Thị L có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ông Lê Văn N số tiền 73.674.746 đồng. Ông N đã nhận xong 30.000.000 đồng và được nhận số tiền 20.000.000 đồng do hai bị cáo đã nộp; bị cáo Q với bị cáo L còn phải bồi thường thêm cho ông N số tiền 23.674.746 đồng.
Ông Lê Văn N được nhận lại số tiền 200.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền số 009640 ngày 18/02/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố Cần Thơ.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành.
Không ai phải chịu án phí phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 58/2019/HS-PT ngày 28/05/2019 về tội bắt, giữ người trái pháp luật
Số hiệu: | 58/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cần Thơ |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về