Bản án 57/2019/DS-PT ngày 11/03/2019 về tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 57/2019/DS-PT NGÀY 11/03/2019  VỀ TRANH CHẤP PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong các ngày từ ngày 07/3/2019 đến ngày 11/3/2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 281/2019/TLPT-DS ngày 20 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng tín dụng”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 05/10/2018 của Tòa án nhân dân quận NTL bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 06/2019/QĐ-PT ngày 03 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội - giữa:

- Nguyên đơn: Ngân hàng V ( VBank); Trụ sở: Tầng 1-7 Toà nhà TĐ, Số 72 phố THĐ, phường THĐ, quận HK, Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: ông Ngô Chí D, Chủ tịch HĐQT VBank. Người đại diện theo uỷ quyền: ông Ngô Nguyễn Mạnh C và bà Nguyễn DA; ông Nguyễn AT .Có mặt ông AT.

- Bị đơn: Ông Nghiêm Văn H, sinh năm 1971 và bà Trần Thị MH, sinh năm 1971 (vợ ông H), cùng địa chỉ: Phòng 220-CT1, ĐN4, đô thị MĐ, MT, phường MĐ 1, quận NTL, TP Hà Nội. Có mặt ông H và bà MH.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Nguyễn Thị KT, Luật sư Phạm Văn H; LS Nguyễn Thị VA- Văn phòng luật sư NT; Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn Ngân V( gọi tắt VBank) do người đại diện trình bày:

Ngày 28/6/2012, VBank và ông Nghiêm Văn H, bà Trần Thị MH đã ký kết hợp đồng tín dụng số LD 1216300235 với số tiền cho vay là 1.100.000.000đ (một tỷ một trăm triệu đồng), thời hạn vay là 60 tháng kể từ ngày 28/6/2012 đến ngày 28/6/2017 với lãi suất cho vay tại thời điểm giải ngân lần đầu là 18,5% năm ( biên độ 9,5%/ năm); mục đích sử dụng khoản tiền vay để ông H và bà MH mua đất tại địa chỉ số 6+8 ngách 550/9 BĐ, phường BĐ, quận HBT, Hà Nội. Tài sản ông H và bà MH thế chấp là căn hộ chung cư tại địa chỉ: P220 ( cầu thang 7) CT1- ĐN4 khu Đô thị mới MĐ, MT thuộc quyền sở hữu sử dụng của bà Trần Thị MH theo GCNQSD đất và sở hữu nhà ở số 012125044200456 do UBND huyện TL, Hà Nội cấp ngày 09/12/2009.

Quá trình thực hiện Hợp đồng tín dụng, ông H bà MH đã thanh toán cho VBank tổng số tiền là 606.289.983đ, trong đó tiền gốc là 244.262.902đ+ tiền lãi trong hạn 340.795.152đ + phí phạt chậm trả là 21.076.985đ. Đến ngày 25/8/2013, ông H và bà MH không trả được tiền nợ nên khoản vay đã bị chuyển sang quá hạn từ ngày 26/8/2013.

Nay VBank yêu cầu: ông H, bà MH phải thanh toán trả tiền cho VBank ( tạm tính đến 03/10/2018) số tiền là 2.452.443.891đ trong đó nợ gốc là: 855.737.098đ + nợ lãi là 997.915.668đ + phạt chậm trả lãi là 579.318.827đ và phải tiếp tục trả lãi theo thoả thuận đến khi thanh toán hết khoản nợ. Kể từ khi bản án của Toà án tuyên có hiệu lực thì VBANK có quyền yêu cầu cơ quan THA kê biên phát mại tài sản bảo đảm là căn hộ chung cư tại địa chỉ: P220 ( cầu thang 7) CT1-DDN khu Đô thị mới MĐ, MT thuộc quyền sở hữu sử dụng của bà Trần Thị MH theo GCNQSD đất và sở hữu nhà ở số 012125044200546 do UBND huyện TL, Hà Nội cấp ngày 09/12/2009. Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm nêu trên vẫn chưa thanh toán hết toàn bộ khoản nợ thì VBank có quyền đề nghị cơ quan THA xác minh các tài sản khác của ông H bà MH để tiến hành kê biên phát mại thu hồi nợ cho VBank.

Bị đơn ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH cùng thống nhất khai:

Ông bà công nhận có ký Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản với VBank như VBank đã khai. Khi ký kết các hợp đồng do ông bà tin tưởng cán bộ tín dụng của VBank và cũng do mong muốn vay được tiền nhanh nên cứ ký mà không đọc kỹ nội dung.

Ông bà công nhận bà MH đã nhận được số tiền vay do VBank giải ngân theo Hợp đồng tín dụng là 1.100.000.000đ.

Cả hai hợp đồng trên VBank chỉ giao lại cho ông bà bản sao chứng thực, không giao hợp đồng chính vì theo VBank nói 2 hợp đồng chính đã bị thất lạc.

Khoảng tháng 9/2012 cán bộ tín dụng của VBank- phòng giao dịch Đồng Tâm có yêu cầu bà MH ký 1 loạt chứng từ với lý do VBank thay đổi quy định. Trước khi ký bà MH có hỏi thì được cán bộ tín dụng giải thích không ảnh hưởng đến hợp đồng tín dụng.

Tháng 3/2013, bà MH ký Hợp đồng hạn mức thấu chi tài khoản để vay 62.000.000đ với VBank, lãi suất thoả thuận tại hợp đồng và thời hạn vay bao lâu bà MH không nhớ vì bà MH không được cầm hợp đồng này. Theo bà MH thì Hợp đồng thấu chi là phụ lục của hợp đồng tín dụng mà ông bà đã ký trước đó với VBank. Bà MH đã thanh toán xong hợp đồng thấu chi với VBank.

Ông bà đã thanh toán cho VBank tổng số tiền là 767.415.015đ trong đó trả nợ gốc là 697.712.045đ và thanh toán cho hợp đồng thấu chi là 69.703.000đ. Vì vậy ông bà không nhất trí yêu cầu khởi kiện của VBank v/v đòi lại tiền nợ gốc và tiền lãi vì VBank tính không đúng.

Ông bà xin được trả nợ gốc còn lại theo Hợp đồng tín dụng, và đề nghị Toà án tuyên vô hiệu hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản do nội dung ký kết trái quy định pháp luật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm số 14/2018/DSST ngày 05/10/2018 của Tòa án nhân dân quận NTL, Thành phố Hà Nội đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Vđối với ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH.

2. Buộc ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH phải thanh toán cho Ngân hàng V(VBank) tổng số tiền: 1.853.652.766đ (Một tỷ tám trăm năm ba triệu bảy trăm sáu sáu đồng), trong đó bao gồm 855.737.000đ (tám trăm năm lăm triệu bẩy trăm ba bẩy nghìn đồng) nợ gốc và 997.915.668 đồng (chín trăm chín bẩy triệu chín trăm mười lăm nghìn sáu trăm sáu tám đồng) nợ lãi.

Kể từ ngày 04/10/2018, bị đơn còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thoả thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng các bên có thoả thuận về điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng Vthì lãi suất mà bị đơn vay phải tiếp tục thanh toán cho VBank theo quyết định của Toà án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng V Trường hợp ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH không thanh toán được số nợ trên thì Ngân hàng V có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên phát mại tài sản thế chấp là toàn bộ căn hộ chung cư địa chỉ tại: P220 ( cầu thang 7) CT1- ĐN4 Khu đô thị mới MĐ MT (nay là phường MĐ, quận NTL, Hà Nội) để thu hồi nợ.

Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận...

3. Về án phí: Ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH phải liên đới chịu 67.609.583 đồng ( Sáu mươi bẩy triệu sáu trăm lẻ chín nghìn năm trăm tám ba đồng ) án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả lại Ngân hàng V22.572.000đồng (Hai mươi hai triệu năm trăm bẩy hai nghìn đồng) tiền dự phí án phí dân sự sơ thẩm mà Ngân hàng Vđã nộp tại Biên lai số AL/ 2010/0003537 ngày 01/12/2015 tại Chi cục THADS quận NTL.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 19/10/2018, ông H và bà MH nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn Ngân hàng V (VBank) giữ nguyên yêu cầu khởi kiện .

Bị đơn là ông H và bà MH sửa nội dung đã kháng cáo theo hướng đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm, huỷ hợp đồng tín dụng và huỷ hợp đồng thế chấp tài sản. Số tiền ông bà đã nộp trừ vào số tiền gốc mà ông bà đã ký nhận với VBank, các bên phải chịu thiệt hại đối với lỗi làm hợp đồng bị huỷ.

Các bên đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu luận cứ và đề nghị HĐXX : Sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng huỷ hợp đồng tín dụng giữa vợ chồng ông H và VBank và huỷ hợp đồng thế chấp tài sản giữa bà MH với VBank. Số tiền bà MH và ông H đã nộp cho VBank là 700.893.500đ được trừ vào số tiền vợ chồng bà MH đã vay theo hợp đồng tín dụng. Yêu cầu Toà án xem xét cả hợp đồng thấu chi mà vợ chồng bà MH đã ký với VBank.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Người kháng cáo đã nộp đơn kháng cáo, nộp tạm ứng án phí trong hạn luật định.

Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa ông H, bà MH với VBank là đúng theo quy định pháp luật. Vợ chồng bà MH cho rằng lãi suất vay thoả thuận trong hợp đồng tín dụng do VBank viết sau khi ký kết và viết bằng bút chì không có sự đồng ý của vợ chồng bà MH và ông bà không biết lãi suất vay là 18,5%/ năm là sai pháp luật. Tuy nhiên, vợ chồng bà MH không có tài liệu nào để chứng minh về việc VBank điền lãi suất chi vay 18,5% sau khi ông bà và VBank đã ký kết hợp đồng. Hơn nữa, vợ chồng bà MH công nhận chữ ký của ông bà cuối mỗi trang hợp đồng và ký dưới mục người vay tiền. Pháp luật cũng không quy định khi làm hợp đồng không được viết bằng bút chì. Ngoài ra, quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng bà MH còn có đơn gửi VBank để xin được giảm lãi suất tiền vay, nên không thể công nhận lời khai của ông bà về việc ký hợp đồng tín dụng nhưng không biết lãi suất cho vay của VBank. Vì vậy, đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu của ông H và bà MH về việc huỷ Hợp đồng tín dụng mà ông bà đã ký với VBank.

Đối với Hợp đồng thế chấp tài sản bà MH đã ký với VBank: xét về thủ tục, hình thức và nội dung của hợp đồng là đúng theo quy định pháp luật. Lý do bà MH đưa ra để yêu cầu huỷ HĐTCTS đó là: tại lời chứng của công chứng viên đã chứng việc hai bên ký kết trước mặt công chứng viên, nhưng thực tế thì chỉ có bà MH ký còn đại diện của VBank đã ký tên và đóng dấu trước đó. Xét thấy: Giả thiết hợp đồng thế chấp tài sản có sai sót về nội dung thì bên chịu thiệt hại là VBank không phải bên bà MH. Và lỗi này thuộc thủ tục hành chính không làm ảnh hưởng đến các nội dung hai bên thoả thuận về việc thế chấp tài sản. Nên đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu này của bà MH.

Về lãi suất cho vay, đề nghị HĐXX tính theo lãi suất quy định trong Bộ luật dân sự là: lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước 9%/ năm x 150% = 13,5%/năm.

Về lãi phạt chậm trả thì đề nghị HĐXX xem xét và trừ vào tiền vay gốc của vợ chồng bà MH.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, yêu cầu của các bên đương sự, luận cứ của Luật sư, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[I]. Đơn kháng cáo của ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH nộp trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét.

[II]. Xét đơn kháng cáo của ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH như sau:

[1]. Ngày 25/6/2012 bà Trần Thị MH đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân V(VBank), tài sản thế chấp bảo đảm các khoản tiền vay là căn hộ chung cư tại địa chỉ: P220 ( cầu thang 7) CT1- ĐN4 khu Đô thị mới MĐ, MT thuộc quyền sở hữu sử dụng của bà Trần Thị MH theo GCNQSD đất và sở hữu nhà ở số 012125044200546 do UBND huyện TL, Hà Nội cấp ngày 09/12/2009.

[2]. Ngày 28/6/2012, ông Nghiêm Văn H, bà Trần Thị MH đã ký kết hợp đồng tín dụng số LD 1216300235 với VBank và số tiền ông bà vay là 1.100.000.000đ (một tỷ một trăm triệu đồng), thời hạn vay là 60 tháng kể từ ngày 28/6/2012 đến ngày 28/6/2017. Ông H và bà MH đã nhận đủ số tiền vay 1.100.000.000đ do VBank giải ngân.

[3]. Ngày 18/4/2013, ông Nghiêm Văn H, bà Trần Thị MH đã ký kết hợp đồng thấu chi với VBank; số tiền vay là 62.000.000đ. Ông bà đã nhận đủ số tiền vay này do VBank giải ngân.

[4]. Xét nội dung kháng cáo bản án sơ thẩm của ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH như sau:

[4.1]. Bà MH và ông H yêu cầu huỷ Hợp đồng tín dụng ( sau đây gọi tắt là HĐTD) đã ký kết với VBank với lý do:

- Khi ông bà ký HĐTD thì bản hợp đồng chưa ghi rõ lãi suất cho vay là bao nhiêu, mặc dù vậy, ông bà vẫn ký đủ thủ tục đối với HĐTD. Sau đó, tại khoản 1 Điều 2 của HĐTD, đại diện VBank đã tự ghi lãi suất cho vay là 18,5% bằng bút chì mà không được sự đồng ý của vợ chồng bà, nếu có sự đồng ý phải có chữ ký nháy của ông bà bên lề trang hợp đồng tại vị trí ghi thêm. Ông bà xác định lãi suất cho vay 18,5% tháng của VBank là quá cao, ông bà đề nghị Toà án xem xét buộc VBank tính lãi suất cho vay như quy định tại BLDS năm 2005 là 9% x 150%= 13,5%; VBank không thể tính lãi suất cho ông bà vay cao hơn 13,5% được.

- Cách tính lãi của VBank cũng sai so với thoả thuận đó là tính lãi năm là 365 ngày không phải của 360 ngày.

Ông bà đề nghị về số tiền ông bà đã nộp cho VBank được trừ toàn bộ vào tiền vay gốc là 1.100.000.000đ. Thiệt hại được tính theo lỗi, ai có lỗi đến đâu chịu trách nhiệm tới đó.

[4.2]. Xét thấy: Hợp đồng tín dụng ( HĐTD) do các bên ký kết lập bằng văn bản ngày 28/06/2012, có chữ ký của bên vay tiền và bên cho vay tiền. Các trang HĐTD đều có chữ ký của ông H và bà MH. Tại khoản 1 Điều 2 của HĐTD có ghi lãi suất 18,5% bằng bút chì. Ông H và bà MH khai khi ký HĐTD thì trong hợp đồng chưa ghi lãi suất, đại diện VBank thì xác định HĐTD đã ghi đủ các nội dung và đã được các bên đọc và tự ký kết. Ông H và bà MH không có tài liệu nào khác để chứng minh về việc VBank đã ghi lãi suất cho vay sau khi các bên đã ký kết hợp đồng. Mặt khác, tại BL số 223 là Đơn xin giảm trừ lãi suất của bà Trần Thị MH đề nghị VBank xem xét giảm trừ lãi suất / số tiền lãi phải trả của bà tại kỳ trả lãi tháng 9/2012. Như vậy, vợ chồng bà MH khai không biết lãi suất cho vay của VBank theo HĐTD trên là không có căn cứ chấp nhận.

Ông H và bà MH cho rằng lãi suất cho vay 18,5% là không đúng pháp luật và đề nghị tính theo quy định là 9%/ năm ( lãi suất trần) x 150 % = 13,5% năm. Theo giải trình của đại diện VBank thì trên cơ sở lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước, VBank áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự và do VBank là tổ chức tín dụng nên VBank còn áp dụng Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Tại Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng có quy định “ Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”; ngoài ra còn áp dụng Công văn số 627/VPCP-KTTH áp dụng lãi suất cho vay thoả thuận của các tổ chức tín dụng do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 23/1/2009 “ Đồng ý, Ngân hàng Nhà nước Việt nam thực hiện việc hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với những dự án sản xuất- kinh doanh kể cả cho vay tiêu dùng có hiệu quả cao”. VBank xác định lãi xuất 18,5% trong HĐTD là đúng với thoả thuận của các bên và đúng với quy định pháp luật.

Cho thấy, lý giải của VBank đối với lãi suất cho vay theo HĐTD đã ký kết với bên vay là ông H và bà MH là đúng thoả thuận và có căn cứ pháp luật.

Còn về số ngày tính lãi 1 năm là 360 ngày hay 1 năm là 365 ngày. Theo lý giải của đại diện VBank thì số tiền khách hàng vay tại ngân hàng được tính lãi theo số ngày thực tế.

HĐXX có xem xét thoả thuận của các bên tại khoản 4 Điều 2 của HĐTD thì thấy các bên thoả thuận: “ Tiền lãi được tính trên cơ sở một tháng là 30 ngày, một năm là 360 ngày. Số tiền lãi phải trả mỗi kỳ= Dư nợ gốc thực tế tại thời điểm tính lãi x Số ngày thực tế của kỳ tính lãi x lãi suất đang áp dụng tại thời điểm tính lãi/ 30”. Theo khoản 2 Điều 4 của HĐTD có thoả thuận “ bên vay phải trả tiền lãi cho Ngân hàng theo định kỳ 01 tháng /1 lần...”. Như vậy, VBank tính lãi vợ chồng bà MH phải trả mỗi kỳ theo số ngày thực tế của kỳ tính lãi là đúng với thoả thuận.

Như phân tích trên, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của ông H và bà MH về việc huỷ hợp đồng tín dụng.

[4.2]. Bà MH kháng cáo yêu cầu huỷ Hợp đồng thế chấp tài sản ( HĐTCTS) do bà MH đã ký kết với VBank ngày 25/6/2012 với lý do:

Tài sản thế chấp để bảo đảm cho số tiền vay theo HĐTD đã ký kết với VBank để đảm bảo số tiền vay trong HĐTD mà vợ chồng bà MH yêu cầu huỷ do vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, như phân tích trên thì HĐTD mà vợ chồng bà MH đã ký kết với VBank không vi phạm pháp luật nên không bị huỷ HĐTCTS theo yêu cầu này của vợ chồng bà MH.

Ngoài ra bà MH yêu cầu huỷ HĐTCTS với lý do: HĐTCTS được công chứng tại Phòng Công chứng số 1 Thành phố Hà Nội, nhưng tại thời điểm công chứng cũng chỉ có bà MH ký trước mặt công chứng viên- thuộc bên thế chấp tài sản; còn bên nhận thế chấp tài sản là VBank thì đại diện VBank đã ký và đóng dấu trước đó. Như vậy HĐTCTS đã làm không đúng thủ tục pháp luật quy định.

Xét yêu cầu này của bà MH như sau: Tại phiên toà, VBank công nhận chữ ký và dấu đóng của ngân hàng bên nhận thế chấp tài sản và lý do ngân hàng phải ký và đóng dấu trước bởi con dấu của ngân hàng không thể mang ra khỏi cơ quan được. Cho thấy, việc bên nhận thế chấp tài sản đã ký trước bên thế chấp tài sản nếu có sai sót trong các nội dung thoả thuận của HĐTCTS thì bên thiệt hại là bên nhận tài sản thế chấp là VBank không phải là bà MH. Hơn nữa, việc đại diện VBank ký hợp đồng thế chấp trước người thế chấp tài sản không làm ảnh hưởng đến sự thoả thuận của các bên khi thế chấp tài sản và nhận thế chấp tài sản. Vì vậy căn cứ của bà MH đưa ra để huỷ hợp đồng thế chấp tài sản không được chấp nhận.

[5]. Các bên có tranh chấp về quá trình thực hiện Hợp đồng tín dụng, HĐXX xem xét như sau:

[5.1]. Ông H và bà MH khai đã nộp tiền trả nợ cho VBank đến ngày 1/8/2014 là: 697.712.045đ, và VBank tự hạch toán trả số tiền đo vào 2 Hợp đồng vay tiền mà ông bà đã ký kết. Đến nay ông bà vẫn còn nợ VBank chưa trả xong nhưng ông bà không nhất trí với số tiền nợ gốc còn lại và tiền lãi còn lại mà VBank đã chốt nợ để khởi kiện.

[5.2]. Đại diện VBank giải trình số tiền ông H và bà MH đã trả như sau: Tính đến ngày 1/8/2014, ông Hạnh và bà MH đã nộp nhiều lần tiền vào VBank để trả cho 2 hợp đồng vay tiền : 606.289.983đ. Tính đến nay ông H và bà MH đã thanh toán xong Hợp đồng thấu chi; còn HĐTD vẫn còn nợ lại tiền gốc là 855.737.098đ, và tiền lãi là 997.951.668đ.

[5.3]. Sau khi xem xét tại phiên toà: Ông H, bà MH và đại diện VBank đã thống nhất số tiền ông H và bà MH đã nộp cho VBank theo bản sao kê tài khoản ( từ 7/6/2010- 08/1/2015) được tính từ ngày 25/7/2012- 01/8/2014 là 697.693.500đ. Và số tiền vợ chồng bà MH nộp cho VBank theo bản sao kê tài khoản ( từ ngày 16/4/2013- 01/1/2015) được tính từ sau ngày 18/4/2013; cụ thể ngày 04/7/2013 nộp 1.200.000đ; ngày 20/8/2013 nộp 2.000.000đ. Cộng = 3.200.000đ.

[6]. Có căn cứ xác định tổng số tiền vợ chồng bà MH nộp cho VBank là: 697.693.500đ + 3.200.000đ = 700.893.500đ là có đúng như 02 bản sao kê tài khoản do VBank đã cung cấp.

[7]. Theo lời khai của vợ chồng bà MH thì số tiền ông bà nộp vào tài khoản trên là để thực hiện trả nợ 02 hợp đồng là hợp đồng tín dụng và hợp đồng thấu chi.

Theo giải trình của VBank thì số tiền bà MH và ông H đã nộp được hạch toán để thu hồi nợ của hợp đồng thấu chi xong; còn HĐTD thì đã thu nợ gốc là 244.231.137đ + Nợ lãi là 340.952.088đ + phạt chậm trả 40.439.729đ; Nay ông bà còn nợ gốc là 855.737.098đ và tiền lãi ( tính đến 3/10/2018) là 997.956.668đ.

Ông H và bà MH không nhất trí theo hạch toán trả nợ của VBank. Theo ông bà thì số tiền 700.893.500đ đã nộp VBank phải trừ vào tiền nợ gốc mỗi tháng là 18.300.000đ như trong thoả thuận của HĐTD đó là: tính từ ngày 28/6/2012 ông bà nhận tiền vay của HĐTD là 1.100.000.000đ; ông bà đã nộp được 26 tháng tiền gốc: 26 x 18.300.000đ= 475.800.000đ; còn lại trừ vào tiền lãi mới đúng. Tuy nhiên, ông H và bà MH lại có lời khai: những lần ông bà nộp tiền vào tài khoản cũng chỉ ghi nội dung là “ nộp tiền vào tài khoản” và để dành quyền cho ngân hàng tự hạch toán thu nợ cho 2 Hợp đồng là HĐTD và HĐthấu chi.

Vấn đề này VBank có giải trình: theo bản sao kê tài khoản, thì vợ chồng bà MH trả nợ gốc và lãi theo đúng thoả thuận HĐTD là 6 tháng không phải 26 tháng như ông H và bà MH khai.Còn những lần trả tiền tiếp sau ông bà đã vi phạm thời hạn trả, vì vậy trên phần mềm của máy tính đã hạch toán chính xác số tiền thu nợ gốc và nợ lãi ( quá hạn).

Sau khi VBank giải trình, ông H và bà MH không có ý kiến gì.

Xét thấy: Căn cứ giải trình của đại diện VBank và số liệu cụ thể trên 2 bản sao kê của VBank là có căn cứ để chấp nhận. Xác định ông H và bà MH còn phải tiếp tục trả tiền theo HĐTD với số nợ gốc còn là 855.737.098đ và tiền lãi ( tính đến 03/10/2018) là 997.956.668đ và tiếp tục phải chịu tiền lãi đến khi ông bà trả xong nợ gốc.

Toà án sơ thẩm đã đánh giá chứng cứ tài liệu các bên xuất trình trên cơ sở quy định pháp luật để xác định ông H và bà MH còn nợ VBank số tiền gốc là 855.737.098đ; và tiền lãi tạm tính đến ngày 03/10/2018 là 997.915.668đ. Cộng = 1.853.652.766đ là đúng.

[8]. Các bên còn có tranh chấp về số tiền 66.353.140đ thể hiện trong Bản sao kê tài khoản ( từ ngày 16/4/2013- 01/1/2015):

Theo vợ chồng bà MH thì ngày 14/8/2013 vợ chồng bà nộp tiền mặt vào VBank là 66.353.140đ, nhưng đại diện VBank xác định không có việc bà MH ông H nộp số tiền này. Vợ chồng bà MH không có Giấy nộp tiền mặt vào ngân hàng để chứng minh đã nộp tiền vào tài khoản là 66.353.140đ vì theo bà MH khai đã làm mất giấy nộp tiền này; nhưng theo lý giải của ông bà thì phải có việc ông bà nộp tiền vào VBank nên trong “Bản sao kê tài khoản” ( từ ngày 16/4/2013-01/1/2015) mới thể hiện tại cột “ Phát sinh có” 66.353.140đ.

Tuy nhiên đại diện VBank có giải trình nội dung thể hiện trong bản sao kê tài khoản tại phần “nội dung: Ngày giao dịch 14/08/2013”; cột “ Số chứng từ PDCA 1322600005”; tại cột “ Phát sinh có: 66.353.140” ; đó là bút toàn quá hạn toàn bộ PDCA 1322600005: Bút toán quá hạn thấu chi. Tức là do vợ chồng bà MH không trả được tiền nợ của hợp đồng thấu chi nên VBANK đã ghi Bút toán này để tiện theo dõi.

Vợ chồng bà MH không có tài liệu nào khác để chứng minh cho việc đã nộp tiền mặt ngày 14/8/2013 cho VBank là 66.353.140đ. Số tiền này có liên quan đến hợp đồng thấu chi và VBank đã có bản sao kê tài khoản theo dõi số tiền này. Tại phiên toà cấp phúc thẩm, ông H và bà MH yêu cầu Toà án xem xét Hợp đồng thấu chi mà ông bà đã ký với VBank. Nhưng theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là VBank chỉ khởi kiện tranh chấp đối với Hợp đồng tín dụng và yêu cầu xem xét hợp đồng thế chấp tài sản khi ông H và bà MH không trả được tiền vay của hợp đồng tín dụng. Ông H và bà MH không có yêu cầu phản tố đối với VBank về hợp đồng thấu chi. Vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm không thể giải quyết được. Trường hợp ông H và bà MH có tranh chấp với VBank về hợp đồng thấu chi và có đơn yêu cầu thì Toà án sẽ giải quyết theo quy định pháp luật bằng vụ kiện khác và sẽ xem xét cụ thể đối với số tiền 66.353.140đ .

Bản án sơ thẩm đã đánh giá chứng cứ vụ án toàn diện triệt để trên cơ sở pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên. Nên giữ nguyên án sơ thẩm.

Về án phí DSPT: ông H và bà MH phải chịu án phí DSSP. Vì các lẽ trên; Căn cứ Khoản 1 Điều 308 của BLTTDS.

QUYẾT ĐỊNH

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DSST ngày 5/10/2018 của Tòa án nhân dân quận NTL, Thành phố Hà Nội.

Căn cứ các Điều 471, Điều 474 của Bộ luật dân sự.

Khoản 2 Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010. Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Ngân hàng Nhà nước.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Vđối với ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH.

2. Buộc ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH phải thanh toán cho Ngân hàng V tổng số tiền: 1.853.652.766đ (Một tỷ tám trăm năm ba triệu sáu trăm năm hai nghìn bẩy trăm sáu sáu đồng), trong đó bao gồm 855.737.000đ (Tám trăm năm năm triệu bẩy trăm ba bẩy nghìn đồng) nợ gốc và 997.915.668 đồng ( Chín trăm chín bẩy triệu chín trăm mười lăm nghìn sáu trăm sáu tám đồng) nợ lãi.

Kể từ ngày 04/10/2018, bị đơn còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thoả thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng các bên có thoả thuận về điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng Vthì lãi suất mà bị đơn vay phải tiếp tục thanh toán cho VBank theo quyết định của Toà án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng V Trường hợp ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH không thanh toán được số nợ trên thì Ngân hàng Vcó quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên phát mại tài sản thế chấp là toàn bộ Căn hộ chung cư địa chỉ tại: P 220 ( cầu thang 7) CT1- ĐN4 Khu đô thị mới MĐ MT (nay là phường MĐ1, quận NTL, Hà Nội) để thu hồi nợ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Về án phí:

Ông Nghiêm Văn H và bà Trần Thị MH phải liên đới chịu 67.609.583 đồng (Sáu mươi bẩy triệu sáu trăm lẻ chín nghìn năm trăm tám ba đồng ) án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả lại Ngân hàng V22.572.000 đồng (Hai mươi hai triệu năm trăm bẩy hai nghìn đồng) tiền dự phí án phí dân sự sơ thẩm mà Ngân hàng Vđã nộp tại Biên lai số AL/2010/0003537 ngày 01/12/2015 tại Chi cục THADS quận NTL.

Án phí DSPT: ông H và bà MH đều phải chịu án phí 300.000đ/ người; Số tiền phải nộp này được đối trừ vào số tiền 300.000đ dự phí phúc thẩm do bà Trần Thị MH nộp tại BL thu tiền số AK/2010/0008108 ngày 19/10/2018 của Chi cục THADS quận NTL; được đối trừ vào số tiền 300.000đ dự phí phúc thẩm do ông Nghiêm Văn H nộp tại BL thu tiền số AK /2010/ 0008110 ngày 19/10/2018 của Chi cục THADS quận NTL.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

654
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 57/2019/DS-PT ngày 11/03/2019 về tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng

Số hiệu:57/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về