TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 57/2018/DS-PT NGÀY 26/10/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 26 tháng 10 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 50/2018/TLPT-DS ngày 19/9/2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 08/2018/DS-ST ngày 14/08/2018 của Toà án nhân dân huyện Thạch Thành bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 55/2018/QĐ-PT ngày 09/10/2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Bùi Thị A
Địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hoá.
- Bị đơn: Chị Trương Thị T
Địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hoá.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Bùi Thị H
Địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hoá.
- Người làm chứng: Chị Nguyễn Thị Q
Địa chỉ: thị trấn K, huyện T, tỉnh Thanh Hoá. Tại phiên toà có mặt các bên được triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 05/01/2018 và tại bản tự khai ngày 22/01/2018, chị Bùi Thị A trình bày:
Ngày 27/02/2017 (dương lịch), chị Trương Thị T có đến vay của chị số tiền là 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng), lãi suất hai bên thoả thuận ngoài, không viết vào giấy vay, chị T hẹn trong vòng 30 sẽ trả. Thời hạn được tính từ ngày 12/11/2017, nhưng đến ngày hẹn trả nợ không thấy chị T đến trả, chị có đến hỏi nhiều lần nhưng chị T vẫn không chịu trả. Nay, chị yêu cầu Toà án buộc chị T phải trả cho chị số tiền gốc là 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng) và lãi 1%/tháng, tính từ ngày 27/02/2017 đến 27/12/2017 là 15.000.000đ x 1% x 10 tháng = 1.500.000đ. Tổng số tiền mà chị T phải thanh toán cho chị cả gốc và lãi đến ngày 27/12/2017 là 16.500.000đ (Mười sáu triệu năm trăm ngàn đồng).
Tại phiên tòa, chị A không yêu cầu tính lãi suất đối với số tiền chị T đã vay mà chỉ yêu cầu chị T trả số tiền nợ gốc là 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng).
Tại bản tự khai ngày 16/01/2018 và tại phiên hoà giải ngày 05/6/2018 cũng như tại phiên tòa, chị Trương Thị T trình bày:
Ngày 27/02/2017 (dương lịch), chị có vay của hai chị em chị Bùi Thị A và chị Bùi Thị H số tiền là 15.000.000đ, lãi hai bên thỏa thuận ngoài là 4%/tháng, khi nào cần thì sẽ trả. Đến ngày 21/7/2017 dương lịch, khi chị đang ốm phải nằm bệnh viện thì chị Bùi Thị H có điện thoại cho chị hỏi tiền và bảo phải trả gấp. Chị có nhờ bạn chị là Nguyễn Thị Q đứng ra giao dịch để trả nợ cho chị H, chị Q đã trả cho chị H 13.000.000đ trả làm hai lần lần 1 chị Q đưa trực tiếp cho chị H 5.000.000đ và lần 2 chuyển khoản cho chị H là 8.000.000đ. Nhưng sau khi nhận được tiền từ chị Q thì chị H nói đây là số tiền chị nợ riêng chị H. Chị H cho rằng chị đã nợ riêng chị H số tiền gốc là 10.000.000đ và lãi phát sinh là 3.000.000đ nên số tiền 13.000.000đ mà chị Q trả cho chị H không liên quan đến khoản nợ 15.000.000đ mà chị vay của chị A và chị H. Chị có đến nhà gặp chị A về việc chị đã trả tiền cho chị H nhưng chị A không thừa nhận mà còn lăng mạ chị, túm tóc và tát vào mặt chị, đập điện thoại của chị. Chị A còn rút dao đã để sẵn dưới gầm bàn và ép chị ký vào giấy vay nợ 15.000.000đ là vẫn còn nợ chị ấy. Nếu không ký sẽ chặt ngón tay của chị cho đủ số tiền chị đã vay. Vì lo sợ quá nên chị bắt buộc phải ký vào giấy vay nợ theo lời của chị A. Thực tế là chị đã trả cho chị A và chị H được 13.000.000đ, chị chỉ còn nợ chị A và chị H 2.000.000đ nên chị chỉ chấp nhận số nợ 2.000.000đ.
Tại bản tự khai ngày 24/4/2018 và tại phiên hoà giải ngày 05/6/2018 cũng như tại phiên tòa, chị Bùi Thị H trình bày:
Vào ngày 15/01/2017(âm lịch), chị có cho chị T vay số tiền gốc là 10.000.000đ, lãi suất hai bên thỏa thuận ngoài là 5% tháng và khi nào cần số tiền thì chị báo trước cho chị T một thời gian để chị T chuẩn bị. Đến tháng 6 năm 2017(âm lịch), chị có việc cần tiền nên đã hỏi nợ chị T và chị T đã nhờ bạn là chị Nguyễn Thị Q đưa trực tiếp cho chị 5.000.000đ, sau đó chị Q tiếp tục chuyển khoản cho chị 8.000.000đ. Tổng số tiền mà chị nhận từ chị Q là 13.000.000đ, trong đó 10.000.000đ tiền gốc mà chị T đã vay và 3.000.000đ tiền lãi của 06 tháng vay. Đây là số tiền mà chị T vay riêng của chị, không liên quan đến số tiền 15.000.000đ mà chị T vay của chị A như chị T đã trình bày. Đến thời điểm hiện tại, chị T không còn nợ chị bất cứ khoản nào. Còn về số tiền 15.000.000đ chị T vay của chị A không liên quan đến chị.
Tại bản án dân sự số 08/2018/DS-ST ngày 14/8/2018 của Toà án nhân dân huyện T đã quyết định:
Căn cứ vào Điều 463; khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 6; điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án:
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Bùi Thị A. Buộc chị Trương Thị T phải trả cho chị Bùi Thị A số tiền 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng).
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các bên đương sự.
Sau khi án sơ thẩm xử, ngày 17/8/2018 chị Trương Thị T kháng cáo với nội dung: đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận số tiền 13.000.000đ chị H đã nhận từ cô Q, đó là số tiền trả nợ vào khoản 15.000.000đ chị vay chị A và chị H ngày 27/02/2017 do chị A đứng tên cho vay. Đồng thời yêu cầu chị H trả lại số tiền 13.000.000đ để chị trả cho chị A.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa: đề nghị bác kháng cáo của chị T, giữ nguyên án sơ thẩm, chị T phải nộp án phí phúc thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, nghe lời trình bày, tranh luận của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Chị Bùi Thị A căn cứ “Giấy vay tiền” (Bút lục 02) với nội dung: Chị T vay của chị A 15.000.000đ ngày 27/02/2017, để khởi kiện đòi nợ chị T. Án sơ thẩm đã căn cứ Giấy vay tiền này để buộc chị T phải trả nợ cho chị A.
Chị T kháng cáo cho rằng chị đã nhờ chị Q trả cho chị H 13.000.000đ (là trả cho khoản nợ theo Giấy vay tiền với nội dung chị vay chị A 15.000.000đ). Tuy nhiên, tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm chị T không xuất trình được chứng cứ nào chứng minh khoản tiền chị nhờ chị Q trả cho chị H 13.000.000đ là trả cho khoản 15.000.000đ chị nợ chị A (theo Giấy vay tiền ngày 27/02/2017). Mặt khác, chị T cũng không xuất trình được chứng cứ nào chứng minh khoản tiền 15.000.000đ chị vay của chị A (theo Giấy vay tiền ngày 27/02/2017) là chị vay chung của chị A và chị H, theo chị T thì thực tế chị vay của cả chị A và chị H nhưng chỉ là nói miệng, còn giấy vay chỉ ghi chị vay của chị A.
Chị T cho rằng khoản nợ theo Giấy vay tiền ghi chị nợ chị A 15.000.000đ, chị nhờ chị Q trả cho chị H 13.000.000đ, hiện chỉ còn nợ chị A 2.000.000đ. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm chị T không biết khoản nợ 15.000.000đ này thì tiền lãi là bao nhiêu và chị thừa nhận chưa trả lãi.
Chị A cho rằng khoản 15.000.000đ chị cho chị T vay ngày 27/02/2017 có giấy vay tiền rõ ràng, không liên quan đến chị H, chị A cũng không nhờ chị H đòi nợ chị T.
Chị H cho rằng ngày 15/01/2017 chị T có vay tiền của chị là 10.000.000đ, lãi xuất 4%, hẹn 6 tháng trả. Tháng 6/2017 chị T nhờ chị Q trả cho chị tổng 13.000.000đ (gồm tiền gốc là 10.000.000đ và lãi 3.000.000đ). Chị H không thừa nhận chị và chị A cùng cho chị T vay 15.000.000đ như chị T khai, chị không liên quan đến khoản chị T vay chị A 15.000.000đ.
Chị Q cho rằng chị nhờ chị T vay tiền 2 lần (ngày 27/2/2017 là 15.000.000đ và ngày 16/3/2017 là 10.000.000đ). Chị T đã nhờ chị trả nợ cho chị H 2 lần là 13.000.000đ và chị đến nhà chị A cùng chị T để trả cho chị A là 14.000.000đ (gồm: 10.000.000đ gốc và 4.000.000đ lãi). Tại phiên tòa phúc thẩm chị Q cho rằng số tiền chị trả cho chị H là 10.000.000đ tiền gốc và 3.000.000đ tiền lãi, như vậy, chị mới trả cho chị T 20.000.000đ gốc (gồm 10.000.000đ trả cho chị H và 10.000.000đ trả cho chị A), chị còn nợ chị T 5.000.000đ tiền gốc.
[2] Việc chị T khiếu nại phần dưới của Giấy vay tiền ngày 27/02/2017 chị có ghi nội dung hẹn 30 ngày nữa sẽ trả nợ số tiền 15.000.000đ cho chị A là do chị bị chị A ép và đe dọa viết. Tuy nhiên, theo các chứng cứ trong hồ sơ và lời khai anh T (Công an xã) là người chị T nhờ đi cùng chị T và chị Q đến trả nợ cho chị A ngày 12/11/2017 thì do chị A đòi nợ chị T 25.000.000đ nhưng chị T mới trả được 10.000.000đ nên chị A yêu cầu chị T khất nợ số tiền còn nợ 15.000.000đ, chị T không viết nên chị A mới dơ dao lên dọa yêu cầu chị T viết.
Theo Công văn của Công an huyện T, ngày 03/7/2018 thì hành vi của chị A chưa đến mức uy hiếp tinh thần chị T và không có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Vì vậy, chứng cứ chị A yêu cầu chị T trả nợ (tại Bút lục số 02) gồm nội dung chị T vay tiền của chị A 15.000.000đ và phần dưới cùng trang với Giấy vay tiền là nội dung hẹn trả nợ 15.000.000đ, chị T thừa nhận là chữ viết của chị T viết, đủ cơ sở buộc chị T phải trả nợ cho chị A.
[3] Chị T kháng cáo yêu cầu chị H phải trả lại cho chị 13.000.000đ đã nhận của chị Q để chị trả nợ cho chị A, đây là quan hệ pháp luật khác, chị T không xuất trình được chứng cứ chứng minh có liên quan đến vụ án này nên không có cơ sở chấp nhận.
[3] Tại cấp phúc thẩm chị T xuất trình USB cho rằng có nội dung chị H thừa nhận đã nhận 13.000.000đ do chị Q giao. Tuy nhiên, xét thấy chứng cứ này không thể hiện việc chị H thừa nhận khoản tiền chị đã nhận của chị Q giao là khoản tiền chị T vay chị A 15.000.000đ. Vì vậy, Tòa án đã trả lại USB cho chị T, vì không liên quan đến vụ án này. Xét thấy kháng cáo của chị T không có cơ sở chấp nhận, nên cần giữ nguyên án sơ thẩm buộc chị T phải trả nợ cho chị A15.000.000đ theo yêu cầu của chị A là phù hợp pháp luật.
[3] Chị T phải nộp án phí phúc thẩm vì án không được cải sửa. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 1 Điều 308; Khoản 1 Điều 148; Nghị quyết 326 của Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Không chấp nhận kháng cáo của chị Trương Thị T, Giữ nguyên toàn bộ án sơ thẩm số 08/2018/DS-ST ngày 14/8/2018 của Toà án nhân dân huyện T.
Án phí phúc thẩm: chị Trương Thị T phải nộp 300.000đ, đã nộp đủ tại Biên lai thu số 3411, ngày 17/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.
Án xử công khai phúc thẩm có hiệu lực thi hành./
Bản án 57/2018/DS-PT ngày 26/10/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 57/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/10/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về