Bản án 57/2017/DS-PT ngày 14/12/2017 về tranh chấp thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 57/2017/DS-PT NGÀY 14/12/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ

Ngày 14 tháng 12 năm 2017, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 46/2017/TLPT-DS ngày 03 tháng 10 năm 2017 về “Tranh chấp thừa kế ”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/DSST ngày 8 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn bị kháng nghị và kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 98/2017/QĐPT-DS ngày 14 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà: Hoàng Thị N; Cư trú tại: Số nhà 00, tổ 00, khu LL, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh - Vắng mặt

Người đại diện theo uỷ quyền của bà Nhịm: là anh Nguyễn Hữu L; trú tại: Số nhà 00, tổ 00, khu LL, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh (Hợp đồng uỷ quyền ngày 09/12/2015 ) - Có mặt.

2. Anh: Nguyễn Hữu L; cư trú tại: Số nhà 00, tổ 00, khu LL, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh - Có mặt.

3. Anh: Nguyễn Hữu C; cư trú tại: Số nhà 00, tổ 00, khu LL, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh - Có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Huy X - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư NL thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội - Có mặt.

- Bị đơn: Anh Nguyễn Văn N1; cư trú tại: Số nhà 00, tổ 00, khu LL, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh - Có mặt

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Hà Thị T2: cư trú tại: Số nhà 00, tổ 00, khu LL, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh - Có mặt.

2. Chị Hà Thị T1: cư trú tại: Số nhà 00, tổ 00, khu LL, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh - Có mặt.

Người kháng cáo: Nguyên đơn anh Nguyễn Hữu L, anh Nguyễn Hữu C. Bị đơn anh Nguyễn Văn N; người có liên quan chị Hà Thị T.

Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Huyện VĐ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Năm 1960 ông Nguyễn Văn T2 (tức C) và bà Hà Thị T2 đăng ký kết hôn tại UBND xã CH, huyện CP, tỉnh Quảng Ninh. Nhưng ông T2, bà T2  không có con nên có nhận anh Nguyễn Văn N1 làm con nuôi (anh N1 là con đẻ của ông Dương Văn T3 và bà Hà Thị T3)

Đến năm 1978 ông T2 chung sống với bà Hoàng Thị N (tức T) và có 02 người con chung là Nguyễn Hữu C và Nguyễn Hữu L.

Ngày 18 tháng 01 năm 2010 (Ngày âm lịch), ông Nguyễn Văn T2 chết không để lại di chúc.

Theo nguyên đơn thì khi còn sống, ông T2 đã tạo lập được khối tài sản là đất ở và nhà ở có diện tích 217,8m2, tại thôn 00, xã HL, huyện VD, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 12/01/2004, Ủy ban nhân dân huyện VD đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn T2 và bà Hà Thị T2. Sau đó nhà đất của ông T2 bà T2 bị thu hồi và được bồi thường 2.963.996.000đ (làm tròn là 2.964.000.000đ). Số tiền này hiện anh Nguyễn Văn N1 đứng ra nhận. Nay nguyên đơn xác định di sản của ông T2 là một nửa số tiền được bồi thường (là 1.482.000.000đ). Di sản của ông T2 được chia làm 5 phần: 4 phần cho 4 người được hưởng thừa kế là anh N1, bà T2, anh C, anh L; còn 01 phần cho anh N1 được hưởng vì anh N1 là người có công chăm sóc, nuôi dưỡng, mai táng cho ông T2 và duy trì, quản lý tài sản của ông T2. Cụ thể 2 suất của anh C, anh L làm tròn là 600.000.000đ (anh C 300.000.000đ, anh L 300.000.000đ (Tại phiên tòa sơ thẩm anh L rút yêu cầu khởi kiện của bà N).

Ý kiến của anh N. Thừa nhận anh C, anh L là con đẻ của ông Nguyễn Văn T2. Năm 1960 ông Nguyễn Văn T2 và bà Hà Thị T2 đăng ký kết hôn tại UBND xã CH, huyện CP, tỉnh Quảng Ninh (nay là Thành phố CP), ông T2, bà T2 kết hôn không có con và nhận anh Nguyễn Văn N1 làm con nuôi (anh N1 là con đẻ của ông Dương Văn T3 và bà Hà Thị T3).

Về di sản thì anh N1 cho rằng, năm 1986 ông T3, bà T3 (Bố mẹ đẻ anh N1)  cho vợ chồng anh Nguyễn Văn N1 chị Hà Thị T1 một phần đất ở phía Nam của ông bà là 105m2 đất và  xây cho vợ chồng anh N1, chị T1 01 ngôi nhà cấp 4 để ở. Sau đó anh N1, chị T1 đón ông T2 (tức C) và bà T2 về ở cùng tại Xóm 00, thôn 00, xã HL nay là thôn 00, xã HL. Năm 2000, anh N1, chị T1 và bà T2, ông T2 đã khai hoang tôn tạo thêm bờ đất bỏ trống phía trước nhà được thêm 112,8m2 và xây thêm một ngôi nhà để làm nhà ở còn nhà cũ để làm nhà bếp. Tháng 10 năm 2003, vợ chồng anh chị N1, T1 nhận công trình xây dựng ở ngoài đảo xã Quan Lạn nên phải xa nhà. Khi về anh chị được bố mẹ nuôi cho biết nhà nước yêu cầu gia đình phải đăng ký và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu hết đợt làm thì sau này không có đợt làm nữa, nên ông T2, bà T2 đã đi làm và đứng tên làm thủ tục giấy tờ. Vì vẫn ở chung cùng một hộ gia đình nên anh N1 chị T1 không có ý kiến gì về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ai. Năm 2010 ông T2 chết không để lại di chúc.

Đến năm 2014 Nhà nước thu hồi toàn bộ nhà đất mang tên ông T2 và đã bồi thường cho anh N1, chị T1 và bà T2 tổng số tiền là: 2.963.996.000đ.

Ngày 28/3/2017 anh Nguyễn Văn N1 bị đơn có yêu cầu phản tố và Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chị Hà Thị T1 có yêu cầu độc lập đề nghị Toà án xác định Toàn bộ tài sản là nhà đất của ông T2 bà T2 đã được bồi thường bằng số tiền 2.963.996.000đ (Hai tỷ chín trăm sáu mươi ba triệu chín trăm chín sáu nghìn đồng) không phải là di sản thừa kế của ông T2 mà trong đó của anh N1 là 1.109.580.665đ và của chị T1 là 1.109.580.665đ.

Người có quyền lợi liên quan chị Hà Thị T1 trình bày: Năm 1986, ông Dương Văn T3 và bà Hà Thị T3 cho hai vợ chồng chị 105m2 đất và 01 ngôi nhà cấp 4 trên diện tích đất đó để ở. Năm 1998, Uỷ ban nhân dân xã HL và Phòng địa chính  huyện VD đã xác nhận quyền sở hữu nhà đất trên cho chị và anh N1. Tháng 10 năm 2003, vợ chồng anh chị N1, T1 đi làm ăn ở ngoài đảo xã Quan Lạn nên phải xa nhà, đến gần tết âm lịch mới xong công trình về nhà được. Khi về anh chị được ông T2 và bà T2 cho biết nhà nước yêu cầu gia đình phải đăng ký và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu hết đợt làm thì sau này không có đợt làm nữa, nên ông T2, bà T2 ở nhà đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ các con vì gấp quá ông T2, bà T2 cũng không nhắn ai báo cho anh N1 chị T1 về được, nên ông T2  bà T2 đứng tên và ký thay cho các con. Vì cả gia đình đang chung sống cùng nhau và ông T2, bà T2 không có con nên chị nghĩ mang tên ai thì anh chị cũng là người ở cùng và nuôi dưỡng ông T2 bà T2. Trong quá trình ông T2 ốm, chết vợ chồng chị đã phải chi phí hết  58.000.000đ.

Nay anh Nguyễn Văn N1 và chị Hà Thị T1 tính giá trị khối tài sản chung của họ được hưởng theo giá nhà nước đã đền bù như sau:

- Anh Nguyễn Văn N1 được sở hữu: 1.109.580.665đ (Một tỷ, một trăm linh chín triệu, năm trăm tám mươi nghìn, sáu trăm sáu mươi lăm đồng).

- Chị Hà Thị T1 được sở hữu: 1.109.580.665đ (Một tỷ, một trăm linh chín triệu, năm trăm tám mươi nghìn, sáu trăm sáu mươi lăm đồng).

Với nội dung trên Tòa án nhân dân huyện VD quyết định: Áp dụng: Điều 205, 206, 207, 209, 212; điểm a khoản 1 Điều 651, khoản 2 Điều 651, Điều 653, Điều 658; Điều 357; Điều 468 Bộ luật dân sự

Chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của anh Nguyễn Hữu C, anh Nguyễn Hữu L.

Chấp nhận một phần yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản của anh Nguyễn Văn N1 và chị Hà Thị T1

Xác định số tiền 2.963.996.000đ (Hai tỷ chín trăm sáu mươi ba triệu chín trăm chín mươi sáu nghìn đồng) là tài sản thuộc quyền sở hữu của các thành viên gia đình anh Nguyễn Văn N1 bao gồm: ông T2, bà T2 , anh N1, chị T1, anh Nguyễn Hữu N, anh Nguyễn Hữu V ( con anh N1, chị T1)

Xác định số tiền 1.302.952.668đ (Một tỷ ba trăm linh hai triệu chín trăm năm mươi hai nghìn sáu trăm sáu mươi tám đồng) trong tổng số tiền 2.963.996.000đ là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của anh N1, chị T1 chia theo phần: Anh N1 sở hữu 651.476.334đ (Sáu trăm năm mươi mốt triệu bốn trăm bảy mươi sáu nghìn ba trăm ba mươi bốn đồng) và chị T1 sở hữu 651.476.334đ (Sáu trăm năm mươi mốt triệu bốn trăm bảy mươi sáu nghìn ba trăm ba mươi bốn đồng).

Xác định số tiền 1.563.183.699đ (Một tỷ năm trăm sáu mươi ba triệu một trăm tám mươi ba nghìn sáu trăm chín mươi chín đồng) là tài sản thuộc sở hữu chung của bốn người gồm: anh N1, chị T1, ông T2, bà T2, chia theo phần:

Anh Nguyễn Văn N1 được sở hữu 390.795.924đ (Ba trăm chín mươi triệu bảy trăm chín mươi năm nghìn chín trăm hai mươi bốn đồng),

Ông Nguyễn Văn T2 (tức C) được sở hữu 390.795.924đ (Ba trăm chín mươi triệu bảy trăm chín mươi năm nghìn chín trăm hai mươi bốn đồng);

Chị Hà Thị T1 được sở hữu 390.795.924đ (Ba trăm chín mươi triệu bảy trăm chín mươi năm nghìn chín trăm hai mươi bốn đồng);

Bà Hà Thị T2 được sở hữu 390.795.924đ (Ba trăm chín mươi triệu bảy trăm chín mươi năm nghìn chín trăm hai mươi bốn đồng).

Xác định di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn T2 (tức C) để chia cho những người thừa kế là: 332.795.924đ:

- Anh Nguyễn Văn N1 được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

- Anh Nguyễn Hữu L được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

- Anh Nguyễn Hữu C được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

- Bà Hà Thị T2 được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

Anh N1 được hưởng tổng số tiền là: 651.476.334đ + 390.795.924đ + 83.198.981đ = 1.125.471.239đ (Một tỷ một trăm hai mươi lăm triệu bốn trăm bảy mốt nghìn hai trăm ba mươi chín đồng).

Anh N1 có nghĩa vụ thanh toán cho anh L, anh C, bà T2 số tiền hưởng di sản thừa kế nêu trên mỗi người 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng) .

Anh N1 có nghĩa vụ thanh toán cho chị T1 số tiền 1.042.272.258đ (Một tỷ không trăm bốn mươi hai triệu hai trăm bảy mươi hai nghìn hai trăm năm mươi tám đồng).

Căn cứ Khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự: Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của bà Hoàng Thị N (tức T) về yêu cầu chia thừa kế và yêu cầu chia thừa kế cho anh Dư Đức T. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu anh N1 về chia số tiền 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng).

Về án phí: Áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 quy định về án phí lệ phí Toà án; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Anh  L phải chịu 4.159.855đ tiền  án  phí  dân sự sơ thẩm; Anh C phải chịu 4.159.855đ tiền án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 22.820.000đ theo biên lai thu tiền số 0008279 ngày 14/10/2015 mà anh L đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện VD, trả lại anh C, anh L số tiền 14.500.000đ (Mười bốn triệu năm trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

Anh N1 phải chịu 45.763.855đ án phí dân sự sơ thẩm và 1.865.420đ án phí cho yêu cầu không được chấp nhận. Tổng cộng: 47.629.275đ. Miễn cho anh N1 50% tiền án phí dân sự sơ thẩm nên anh N1 còn phải nộp 23.814.000đ nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 11.305.000đ đã nộp theo biên lai thu tiền số 0002786 ngày 17/4/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện VD, anh N1 còn phải nộp 12.509.637đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Chị T1 phải chịu 43.267.942đ tiền án phí dân sự sơ thẩm và 3.365.795đ án phí cho phần yêu cầu không được chấp nhận. Tổng cộng 46.633.700đ nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 11.305.000đ đã nộp theo biên lai thu tiền số 0002786 ngày 17/4/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện VD, chị T1 còn phải nộp 35.328.737đ án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra Tòa án còn quyết định về việc thi hành án, thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 20/8/2017 anh Nguyễn Văn N1, chị Hà Thị T1 làm đơn kháng cáo.   Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm anh N1, chị T1 rút đơn kháng cáo. Và  đề nghị Tòa án tỉnh giải quyết như quyết định của bản án sơ thẩm. Chị T1, bà T2 không yêu cầu anh N1 phải trả lại tiền mai táng phí như kháng nghị của Viện kiểm sát. Bà T2, anh N1, chị T1 cho rằng trong số 217,8m2  đất thì có 105m2  và ngôi nhà xây cấp 4 là của riêng anh N1 chị T1. Còn 112,8m2  đất, ngôi nhà xây năm 2000, sân bê tông, bể nước, mái tôn, cống thoát nước có giá trị là 1.563.183.669đ là tài sản chung của bốn người gồm ông T2, bà T2 và anh N1, chị T1.

Anh N1, chị T1, bà T2 không yêu cầu phải phân chia cụ thể anh N1, chị T1, bà T2 mỗi người được sở hữu bao nhiêu tiền như quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngày 28/8/2017 anh Nguyễn Hữu L, Nguyễn Hữu C làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án với lý do bản án không phản ánh khách quan vụ án, có dấu hiệu cố tình kéo dài thời gian xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm anh L, anh C vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, và yêu cầu Tòa án xác định di sản của bố anh là toàn bộ 217,8m2, và tài sản trên đất. Về tiền án phí anh L đồng ý nộp thay cho anh C như quyết định của bản án sơ thẩm, anh L cũng đồng ý trừ tiền án phí của anh C vào số tiền tạm ứng án phí của anh. Người bảo vệ cho nguyên đơn cho rằng cấp sơ thẩm không sử dụng chứng cứ một cách khách quan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, và có quan điểm chấp nhận trong 217,8m2 đất thì có 105m2  đất là của riêng anh N1, chị T1. 163.100.000đ tiền tái định cư không phải là di sản thừa kế. Còn lại 112,8m2 đất, ngôi nhà xây năm 2000, sân bê tông, bể nước, mái tôn, cống thoát nước có giá trị là 1.563.183.669đ là tài sản chung của ông T2, bà T2 vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ mang tên ông T2 bà T2. Do đó di sản của ông T2 là một nửa trong số tiền 1.563.183.669đ và chia cho các hàng thừa kế là bà T2, anh N1, anh L, anh C (Sau khi trừ mai táng phí cho ông T2 là 58 triệu đồng), mỗi người được chia 180.000.000đ. Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện VD có căn cứ. Anh L, anh C không bổ sung gì ý kiến của luật sư.

Ngày 21/8/2017 Viện trưởng VKSND huyện VD ban hành kháng nghị với nội dung: Căn nhà và công trình phụ xây năm 2000 trên diện tích đất 112,8m2  là tài sản chung của gia đình ông T2, bà T2, anh N1 và chị T1, với số tiền được đền bù là 1.498.270.074đ. Chia theo phần xác định di sản thừa kế do ông T2 để lại là 390.795.924đ. Trước khi chia thừa kế, vợ chồng anh N1 đã đề nghị được thanh toán 58.000.000đ chi phí mai táng cho ông T1 theo phong tục tập quán; chị T1 còn đề nghị chia số tiền này cho chị T1, anh N1 và bà T2. Bản án sơ thẩm đã chấp nhận số tiền phải thanh toán 58.000.000đ là phù hợp, nhưng không buộc anh N1 có nghĩa vụ thanh toán số tiền này cho chị T1 và bà T2 là thiếu sót.

Về án phí:

Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của anh N1 và chị T1 đề nghị Tòa án xác định toàn bộ tài sản là nhà, đất được bồi thường không phải di sản thừa kế. Lẽ ra trường hợp này anh N1 và chị T1 không phải chịu án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận. Nhưng bản án lại buộc anh N1 chịu 1.865.420đ và chị T1 chịu 3.365.795đ án phí là vi phạm Điều 12, Nghị Quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định miễn nộp án phí cho anh N1 50%, trong khi anh N1 cũng được chia tài sản chung và được hưởng di sản thừa kế của ông T2, là vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 5 Nghị Quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Quá trình khởi kiện, anh L đã nộp tạm ứng án phí 22.820.000đ. Bản án sơ thẩm tuyên nghĩa vụ chịu án phí của anh L và anh C mỗi người phải nộp 4.159.000đ là đúng quy định. Tuy nhiên, bản án lại đối trừ nghĩa vụ của anh C vào tiền tạm ứng án phí do anh L nộp, trong khi anh L chưa có quan điểm đồng ý là mâu thuẫn. Không những thế, bản án còn tuyên trả lại số tiền thừa còn lại 14.500.000đ cho anh C và anh L, trong khi anh C không phải là người nộp tiền tạm ứng án phí là không đảm bảo quyền lợi cho anh L. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm theo hướng trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm Đại diện Viện kiểm sát có ý kiến: về tố tụng, thẩm phán, hội đồng xét xử và các đương sự đã chấp hành đúng quy định của BLTTDS. Về nội dung Viện kiểm sát rút nội dung kháng nghị về việc buộc anh N1 có nghĩa vụ thanh toán số tiền mai táng phí cho chị T1 và bà T2. Rút nội dung kháng nghị về án phí của anh C, anh L vì các bên đã thỏa thuận được các nội dung này tại phiên tòa phúc thẩm. Giữ nguyên nội dung không buộc anh N1, chị T1 phải chịu án phí phần yêu cầu không được chấp nhận và nội dung miễn án phí cho anh N1. Còn về việc chia thừa kế như cấp sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên như bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Ngày 20/8/2017 anh Nguyễn Văn N1, chị Hà Thị T1 làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại phần án phí, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm anh N1 chị T1 rút đơn kháng cáo nên Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với nội dung kháng cáo của anh N1 chị T1.

[2] Đối với nội dung kháng cáo của anh C và anh L. Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy:

- Ngày 18/01/2010 (âm lịch) ông Nguyễn Văn T2 chết không để lại di chúc. Căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 650 Bộ luật dân sự Tòa án cấp sơ thẩm đã chia di sản thừa kế của ông T2 theo pháp luật là đúng.

- Căn cứ Điều 613; điểm a khoản 1 điều 651 Bộ luật dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Hà Thị T2 (vợ hợp pháp của ông T2) anh C, anh L (con đẻ ông Tô) và anh N1 (con nuôi ông T2) là những người được hưởng thừa kế di sản của ông T2 là đúng.

- Về di sản của ông T2: Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T2 bà T2 được UBND huyện VD cấp ngày 07-7-2004 thì ông T2 bà T2 được quyền sử dụng 217,8m2 đất ở tại thôn 00 xã HL. Ngày 12/2/2015 UBND huyện VD quyết định thu hồi toàn bộ thửa đất và tài sản trên đất, giải quyết bồi thường 2.963.996.000đ cho gia đình anh N1 (anh N1 là người nhận tiền bồi thường).

Trong đó, đất ở: 2.389.266.000đ (đơn giá 10.970.000đ x 217,8m2). Chính sách tái định cư cho 5 người là bà T2, anh N1, chị T1 và  cháu V, cháu N là 163.100.000đ; Vật kiến trúc: 411.630.369đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn, người bảo về quyền lợi cho Nguyên đơn chấp nhận trong số 217,8m2 đất thì có 105m2 và ngôi nhà cấp 4 là của riêng anh N1 chị T1, tiền tái định cư không phải là di sản, quan điểm này cũng như quan điểm của bị đơn nên Tòa án không xét.

Còn lại 112,8m2 đất, ngôi nhà xây năm 2000, sân bê tông, bể nước, mái tôn, cống thoát nước có giá trị là 1.563.183.669đ. Người bảo vệ quyền lợi cho anh L, anh C cho rằng là tài sản chung của ông T2, bà T2. Không phải là tài sản chung của ông T2, bà T2, anh N1, chị T1 vì trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ mang tên ông T2, bà T2. Tòa án cấp phúc thẩm thấy mặc dù trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ mang tên ông T2, bà T2, nhưng phải xét ông T2, bà T2 tuổi đã cao lại ở chung với vợ chồng anh N1. Theo lời khai của bà T2 (vợ ông T2) thì phần tài sản này có công đóng góp chung của bà và ông T2, vợ chồng anh N1. Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm xác định 112,8m2 đất, ngôi nhà xây năm 2000, sân bê tông, bể nước, mái tôn, cống thoát nước có giá trị 1.563.183.669đ là tài sản chung của ông T2, bà T2, anh N1, chị T1 là có căn cứ. Điều 612 Bộ luật dân sự quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Ông T2, bà T2, anh N1, chị Hà Thị T1 có khối tài sản chung là 1.563.183.669đ vì vậy di sản của ông T2 sẽ là 390.795.924đ (1.563.183.669 : 4= 390.795.924đ)

Ông T2 chết nên phải chi phí mai táng hết 58 triệu đồng (số tiền này do anh N1 chị T1 bỏ ra) vì vậy căn cứ khoản 1 điều 615 và khoản 1 điều 658 Bộ luật dân sự thì số tiền này được trừ vào di sản của ông T2. Do đó Tòa án xác định di sản của ông T2 còn lại là 332.795.924đ (390.795.924 đ - 58.000.000đ = 332.795.924đ).

Căn cứ điều 651 Bộ luật dân sự. Thì 332.795.924đ là di sản của ông T2  được chia cho bốn người là bà Hà Thị T2 (vợ hợp pháp của ông T2) anh C, anh L (con đẻ ông T2) và anh N1 ( con nuôi ông T2) mỗi người được 83.198.981đ.

Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử rất khách quan, đúng quy định của Bộ luật dân sự, vì vậy không chấp nhận nội dung kháng cáo của anh C anh L và quan điểm của người bảo vệ quyền lợi cho anh C anh L.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh N1, chị T1, bà T2 không yêu cầu phải phân chia cụ thể anh N1, chị T1, bà T2 mỗi người được sở hữu bao nhiêu tiền, do vậy Tòa án chỉ chia di sản của ông T2, không phân chia cụ thể số tiền còn lại.

[3] Xét nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát về phần án phí:

Căn cứ điểm a mục 7 điều 27 Nghị quyết số 326 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án quy định khi “có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch”.

Do đó anh C, anh L và anh N1 phải chịu 5% án phí trên số tiền họ được hưởng, tức là mỗi người phải chịu 4.159.949đ án phí. Riêng bà T2 (sinh năm 1935) là người cao tuổi nên theo điểm đ khoản 1 điều 12 và điều 11 Nghị quyết số 326 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án thì bà Tấn được miễn nộp án phí.

Anh N1, chị Hà Thị T1 có yêu cầu Tòa án chia tài sản chung nên phải chịu án phí theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia (tức là anh N1, chị T1 phải chịu án phí trên số tiền mỗi người được chia (651.476.334đ).

Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Do đó anh N1 không phải chịu 1.865.420đ, chị T1 không phải chịu 3.365.795đ tiền án phí như quyết định của bản án sơ thẩm. Việc Tòa án cấp sơ thẩm miễn 50% án phí cho anh N1 là không phù hợp  điều 13 Nghị quyết số 326 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án vì theo quyết định của bản án thì anh N1 có tài sản để nộp án phí.

Bởi vậy Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát. Sửa bản án sơ thẩm về phần án phí.

Đối với nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát về việc buộc anh N1 phải thanh toán cho bà T2, chị T1 số tiền chi phí mai táng cho ông T2, tiền án phí của anh C thì tại phiên tòa phúc thẩm Viện kiểm sát rút lại nội dung kháng nghị này vì vậy Tòa án đình chỉ xét xử nội dung kháng nghị này của Viện kiểm sát.

[4] Về án phí.

Căn cứ điều 27 và khoản 2 điều 29 Nghị quyết số 326 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, anh C, anh L, anh N, chị T  phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1; 2 điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Không chấp nhận nội dung kháng cáo của anh anh Nguyễn Hữu L, Nguyễn Hữu C.

Chấp nhận một phần nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện VD.

Sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 651, khoản 2 Điều 651, Điều 653, Điều 658; Điều 357; Điều 468 Bộ luật dân sự.

Chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của anh Nguyễn Hữu C, anh Nguyễn Hữu L.

+ Trong số tiền 2.963.996.000đ (Hai tỷ chín trăm sáu mươi ba triệu chín trăm chín mươi sáu nghìn đồng) được UBND huyện VD bồi thường thì có:

- 1.237.712.669đ là tài sản thuộc sở hữu riêng của anh N1, chị T1.

- 163.100.000đ tiền hỗ trợ tái định cư là tài sản thuộc sở hữu chung của anh N1, chị T1, bà T2, cháu Vt và cháu N.

- 1.563.183.699đ là tài sản thuộc sở hữu chung của bốn người gồm: anh N1, chị Hà Thị  T1, ông  Nguyễn  Văn  T2,  và  bà  T2.  Chia  theo  phần  mỗi  người  được 390.795.924đ (Ba trăm chín mươi triệu bảy trăm chín mươi năm nghìn chín trăm hai mươi bốn đồng).

Sau khi trừ 58 triệu đồng chi phí mai táng cho ông T2 thì di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn T2 (tức C) là: 332.795.924đ (390.795.924đ - 58.000.000đ = 332.795.924đ) chia cho 04 người thừa kế gồm:

- Anh Nguyễn Văn N1 được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

- Anh Nguyễn Hữu L được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

- Anh Nguyễn Hữu C được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

- Bà Hà Thị T2 được hưởng phần di sản thừa kế là 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng).

Do vậy buộc anh Nguyễn Văn N1 có nghĩa vụ thanh toán cho anh L, anh C, bà T2 mỗi người 83.198.981đ (Tám mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn chín trăm tám mốt đồng.

Căn cứ điều 289 BLTTDS. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với nội dung kháng cáo của anh N1, chị T1. Và nội dung Viện Kiểm sát rút kháng nghị.

Kể từ ngày anh C, anh L, bà T2 có đơn yêu cầu thi hành án, nếu anh N1 không thanh toán cho họ số tiền trên thì hàng tháng anh N1 còn phải trả lãi cho họ theo lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 1, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án  được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Về án phí: Căn cứ điểm a mục 7 điều 27 và khoản 2 điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Đối với án phí sơ thẩm:

Anh L phải chịu 4.159.855đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. C phải chịu 4.159.855đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Số tiền án phí của anh L, anh C được trừ vào số tiền 22.820.000đ tạm ứng án phí mà anh L nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện VD ngày 14/10/2015 (theo biên lai thu tiền số 0008279), trả lại anh L số tiền 14.500.000 đồng (Mười bốn triệu năm trăm nghìn đồng).

Anh N1 phải chịu 45.763.855đ án phí dân sự sơ thẩm. Số tiền tạm ứng án phí 11.305.000đ anh N1 nộp theo biên lai thu tiền số 0002786 ngày 17/4/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện VD, được trừ vào số tiền án phí anh N1 phải nộp. Anh N1 còn phải nộp 34.458.855đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Chị T1 phải chịu 43.267.942đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Số tiền tạm ứng án phí 11.305.000đ chị T1 đã nộp theo biên lai thu tiền số 0002786 ngày 17/4/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện VD, được trừ vào tiền án phí chị T1 phải nộp. Chị T1 còn phải nộp 31.962.942đ án phí dân sự sơ thẩm.

Đối với án phí phúc thẩm:

Anh L, anh C mỗi người phải nộp 300.000đ án phí phúc thẩm, số tiền này được trừ vào tiền tạm ứng án phí  mà anh L, anh C nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện VD ngày 11/9/2017 (anh L, anh C đã nộp đủ án phí phúc thẩm).

Chị T1, anh N1 mỗi người phải chịu 300.000đ án phí phúc thẩm. Được trừ vào số tiền mà chị T1, anh N1 nộp ngày 17/9/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự  huyện VD.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1122
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 57/2017/DS-PT ngày 14/12/2017 về tranh chấp thừa kế

Số hiệu:57/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về