Bản án 564/2020/HS-PT ngày 08/12/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 564/2020/HS-PT NGÀY 08/12/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 08/12/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, số 131 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 418/2020/HS-PT ngày 07/10/2020 đối với bị cáo Trần Vũ Trường G, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 5525/2020/QĐXXPT-HS ngày 04/11/2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 5750/2020/HSPT-QĐ ngày 18/11/2020, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án sơ thẩm số 168/2020/HS-ST ngày 24/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Trần Vũ Trường G; giới tính: nam; tên gọi khác: (không); sinh năm 1977 tại tỉnh Bến Tre; nơi đăng ký thường trú: 273D, A4, xã NT, thành phố BT, tỉnh Bến Tre; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: (không); nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 9/12; họ và tên cha: Lê Văn B; họ và tên mẹ: Trần Thị H; hoàn cảnh gia đình: chưa có vợ con:

Tiền án, tiền sự: (không); Bắt, tạm giam: 27/02/2020; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Đại Nghĩa, Công ty luật Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tư vấn Cộng đồng; Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

Người có liên quan đến kháng cáo:

Bị hại: Anh Dương Bình L; sinh năm 1972; nơi cư trú: 55/1/16 đường Phan Xích Long, Phường 16, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt:

Người làm chứng: Nguyễn Thị Trúc M; sinh năm 1983; nơi cư trú: 92/36/22 đường BTT, KP4, phường AL, quận BT, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ông Dương Bình L và bà Nguyễn Thị Trúc M là vợ chồng, kết hôn và chung sống với nhau từ năm 2007. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, giữa đôi bên phát sinh mâu thuẫn không thể hàn gắn được nên bà M có làm đơn khởi kiện ly hôn với ông L và gửi đến Tòa án nhân dân quận Bình Tân yêu cầu giải quyết. Hồ sơ khởi kiện của bà M được Tòa án nhân dân quận Bình Tân thụ lý vào ngày 27/02/2019. Trong thời gian chờ Tòa án nhân dân quận Bình Tân giải quyết, ông L và bà M sống ly thân với nhau: bà M sống tại địa chỉ 92/36/22 đường Bùi Tư Toàn, Khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân; còn ông L thì sống tại địa chỉ 55/1/16 đường Phan Xích Long, Phường 16, Quận 11. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2019, vụ án tranh chấp ly hôn vẫn chưa được giải quyết xong do ông L cố tình không đến Tòa án nhân dân quận Bình Tân để tham gia vào quá trình tố tụng.

Ông L cho rằng bị cáo Trần Vũ Trường G cùng bà M đã lấy danh nghĩa của ông L để vay tiền Ngân hàng. Từ lý do đã nêu, vào khoảng 9 giờ 10 phút ngày 23/8/2019, ông L điện thoại cho bị cáo và chất vấn, tra hỏi bị cáo về nội dung đã đề cập. Bị cáo trả lời rằng không có việc đó thì ông L có lời lẽ xúc phạm bị cáo. Ông L bảo bị cáo đến nhà bà M ở số 92/36/22 đường Bùi Tư Toàn, Khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân để đối chứng. Sau đó, ông L chạy xe máy đến nhà bà M.

Khi đi đến nhà bà M, ông L vô cớ đạp và hất vỡ 02 chậu bông bằng sành để trước nhà, rồi tiếp tục vào trong nhà đập vỡ 01 hồ cá. Lúc này, trong nhà bà M chỉ có một mình chị Trần Thị Yến Nhi (là người trông coi nhà giúp cho bà M). Chứng kiến sự việc vừa nêu, chị Nhi gọi điện thoại báo cho bà M biết. Một lúc sau thì bà M về đến nhà, giữa bà M và ông L lớn tiếng cãi nhau. Về phần bị cáo, sau khi nói chuyện qua điện thoại với ông L, theo yêu cầu của ông L, bị cáo đón xe ôm đi đến nhà bà M. Vào khoảng 9 giờ 30 cùng ngày, xe ôm chở bị cáo đến đầu hẻm vào nhà bà M; bị cáo xuống xe và đi bộ đến nhà bà M, trên tay bị cáo cầm 01 chiếc nón bảo hiểm (là chiếc nón mà bị cáo mang theo khi đi xe ôm).

Khi bị cáo đi đến gần nhà bà M thì ông L nhìn thấy và lao đến dùng chân đạp bị cáo. Sẵn có nón bảo hiểm đang cầm trên tay, bị cáo dùng nón bảo hiểm và tay đánh lại, trúng vào đầu và mặt ông L. Sau đó, bị cáo và ông L ôm nhau giằng co tiếp tục đánh nhau. Thấy vậy, bà M can ngăn bằng cách lấy cây gỗ vuông (dài khoảng 1,5m) dựng trước nhà, vừa đẩy vừa đánh vào người bị cáo và ông L. Sau một hồi ẩu đả và được mọi người can ngăn, bị cáo và ông L buông nhau ra. Sau đó, ông L lượm một mảnh đá ốp lát xây dựng (dài khoảng 50cm – 60cm, bề rộng khoảng 10cm) để làm hung khí định tiếp tục đánh nhau với bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo bỏ đi nên việc ẩu đả chấm dứt. Thấy ông L bị thương nên mọi người đưa ông L đến bệnh viện để chữa trị.

Tại bản kết luận giám định thương tích số 948/TgT.19 ngày 01/11/2019 của Trung tâm Pháp y-Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của ông Dương Bình L như sau:

-Chấn thương vùng thái dương trái gây sưng bàm mô mềm, nứt vỡ xương và tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương trái đã được điều trị, hiện:

-Chấn thương vùng mũi gây sưng bầm và sây sát da, gãy xương mũi đã được điều trị, hiện:

-Các thương tích trên do vật tày tác động gây ra, không nguy hiểm đến tính mạng đương sự.

-Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 34%.

Về dân sự: Gia đình Trần Vũ Trường G đã tự nguyện bồi thường 50.000.000đ cho ông L; ông L không có yêu cầu gì thêm.

Bị cáo G bị ông L dùng tay, chân đánh nhưng gây thương tích không đáng kể nên bị cáo không yêu cầu xử lý hình sự đối với ông L và từ chối giám định thương tích (bl.47).

Bà M có dùng cây đánh trúng bị cáo và ông L nhưng cũng không gây thương tích.

Vật chứng thu giữ:

- 01 nón bảo hiểm màu vàng có sọc ở giữa màu trắng, trên nón có ghi chữ “GALANT”:

- 01 cây kìm bằng kim loại:

- 01 cây gỗ vuông kích thước 0,8cm x 1,5m.

- 01 USB chứa đoạn phim ghi hình vụ việc đánh nhau ngày 23/8/2019:

Bản cáo trạng số 176/CT-VKS ngày 02/7/2020 của Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố bị cáo Trần Vũ Trường G về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 168/2020/HS-ST ngày 24/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định như sau:

Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51: Điều 38; Điều 54 Bộ luật Hình sự, Tuyên bố bị cáo Trần Vũ Trường G phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”:

Xử phạt bị cáo Trần Vũ Trường G 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 27/02/2020.

Ngoài ra, bản án còn tuyên xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo và bị hại.

Ngày 28/8/2020, bị cáo G có đơn kháng cáo với nội dung: Bị cáo phạm tội lần đầu; là lao động chính trong gia đình, phải nuôi cha mẹ già và một người em bị bệnh thiểu năng trí tuệ bẩm sinh; hiện tại, hoàn cảnh gia đình của bị cáo hết sức khó khăn. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét lại bản án để bị cáo được trở về chăm lo cho gia đình.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo đồng thời bổ sung nội dung kháng cáo như sau: Ông L đã vô cớ tấn công bị cáo, lúc đó bị cáo đang cầm nón bảo hiểm nên bị cáo phản ứng chống trả một cách tự nhiên. Vì các lý do đã nêu, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Luật sư Nghĩa, người bào chữa cho bị cáo cung cấp cho Hội đồng xét xử các tài liệu sau:

– Giấy chứng nhận thương tích ngày 19/11/2020 số 1615/CN ngày 19/11/2020 của Bệnh viện chấn thương chỉnh hình – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, chứng nhận bị cáo bị gãy xương sên (T)):

Giấy khai sinh của bà Trần Thị Hạnh (mẹ bị cáo), bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Võ Thị Miễn (mẹ bà Hạnh, bà ngoại của bị cáo):

Một số giấy tờ liên quan xác định bị cáo có người em ruột bị thiểu năng.

Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết kháng cáo như sau:

Bị cáo thuộc thành phần lao động; phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi gây án đã cùng gia đình bồi thường cho bị hại, được bị hại làm đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt. Trong vụ án có một phần lỗi của bị hại đã có lời nói xúc phạm và tấn công bị cáo. Mặt khác, tại phiên tòa, luật sư bào chữa có cung cấp một số tài liệu chứng cứ chứng minh bị cáo là người bị thương tật, gãy xương sên (xương cổ chân); có một người em bị thiểu năng; bà ngoại bị cáo là liệt sỹ. Đây là các tình tiết mới phát sinh, cần được xác định là tính tiết giảm nhẹ. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có đủ điều kiện để cho hưởng án treo. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Bị cáo không có ý kiến bào chữa, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh của bị cáo và chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Luật sư Nghĩa bào chữa cho bị cáo như sau: Trong vụ án này, bị hại là người có lỗi trước khi đã có lời lẽ xúc phạm, quy chụp bị cáo mạo danh bị hại để vay tiền Ngân hàng; khi bị cáo vừa đến nhà bà M thì bị hại đã lao vào tấn công bị cáo trước nên bị cáo đánh trả là để phòng vệ. Hành vi của bị hại cũng đã gây thương tích nhẹ cho bị cáo nhưng vì không muốn làm căng thẳng thêm sự việc nên bị cáo từ chối đi giám định. Vì các lý do đã nêu, việc kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là chưa thỏa đáng, gây bất lợi cho bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, chuyển tội danh, xử phạt bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 136 Bộ luật Hình sự. Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bản thân bị cáo bị thương tật do tai nạn lao động (bị ngã xương sên); có 01 người em bị thiểu năng, có bà ngoại là liệt sỹ; bị cáo là lao động chính trong gia đình; sau khi phạm tội, bị cáo đã tác động để gia đình bị cáo tự nguyện bồi thường cho bị hại và được bị hại bãi nại. Vì các lý do đã nêu, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện ý kiến của kiểm sát viên và của các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1].Căn cứ lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, lời khai người bị hại, người làm chứng trong quá trình điều tra, kết quả giám định, hình ảnh do camera ghi lại và các tài liệu chứng cứ thu thập được, có căn cứ để xác định như sau:

Vào lúc 9 giờ 10 phút ngày 23/8/2019, do ghen tuông vô cớ, nghi ngờ bị cáo Trần Vũ Trường G và bà Nguyễn Thị Trúc M có quan hệ tình cảm với nhau; đồng thời nghi ngờ G đã mạo danh mình để vay tiền Ngân hàng, nên ông Dương Bình L gọi điện thoại cho bị cáo, chất vấn, tra hỏi bị cáo và yêu cầu bị cáo đến nhà bà M (địa chỉ số 92/36/22 đường Bùi Tư Toàn, Khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân) để đối chứng.

Sau khi nói chuyện qua điện thoại với ông L và thực hiện theo yêu cầu của ông L, bị cáo đã thuê xe ôm đi đến nhà bà M; ông L cũng chạy xe máy đi đến nhà bà M. Ông L đến nhà bà M trước và vô cớ đập vỡ 02 chậu bông bằng sành để trước nhà, rồi tiếp tục vào trong nhà đập vỡ thêm 01 hồ cá. Lúc này, bà M không có ở nhà mà chỉ có chị Trần Thị Yến Nhi (người trông coi nhà cho bà M). Chị Nhi chứng kiến sự việc vừa nêu nên gọi điện thoại báo cho bà M biết.

Khoảng 3 phút sau thì bà M về đến nhà, bà M và ông L lớn tiếng cãi nhau. Khoảng 9 giờ 30 cùng ngày, bị cáo đến đầu hẻm nhà bà M và đi bộ từ đầu hẻm vào nhà bà M, trên tay bị cáo cầm nón bảo hiểm (chiếc nón bị cáo mang theo khi đi xe ôm). Khi bị cáo còn cách nhà bà M khoảng 4m thì ông L nhìn thấy và lao vào dùng chân đạp bị cáo; sẵn nón bảo hiểm đang cầm trên tay, bị cáo dùng nón bảo hiểm và tay đánh lại trúng đầu và mặt ông L; tiếp theo đó, cả hai ôm nhau giằng co và đánh nhau bằng tay, chân. Sau đó, sự việc được bà M và mọi người can ngăn.

Theo kết quả giám định pháp y, thì thương tích mà bị cáo gây ra cho ông L có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 34%.

[2].Ông Dương Bình L (bị hại) đã có hành vi chủ động gây hấn trước và dùng tay, chân đánh bị cáo. Tuy nhiên, theo lời khai trình của bị cáo thì bị cáo chỉ bị xưng mặt, trật ngón tay, trầy mình không đáng kể; vì không muốn làm lớn chuyện bị cáo từ chối đi giám định. Vì lý do vừa nêu, không có căn cứ để xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe mà ông L gây ra cho bị cáo. Bị cáo cũng không yêu cầu xử lý hình sự đối với ông L. Do vậy, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông L.

[3].Về một số nội dung bào chữa của luật sư:

Nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội là do: ông L đã vô cớ gọi điện thoại cho bị cáo, có lời lẽ xúc phạm, quy buộc bị cáo đã có hành vi mạo danh ông L để vay tiền Ngân hàng, dẫn đến việc đôi bên có mâu thuẫn với nhau; sau đó, ông L chủ động yêu cầu bị cáo đến nhà bà M để đối chứng, giải quyết mâu thuẫn, nhưng khi bị cáo đến nhà bà M thì ông L lại không nói chuyện mà chủ động lao đến đạp bị cáo.

Ông L có hành vi xâm hại trái phép đến sức khỏe bị cáo, gây kích động tinh thần của bị cáo. Tuy nhiên, hành vi của ông L chưa thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội phạm nên không đủ căn cứ để xác định hành vi của ông L là trái pháp luật nghiêm trọng, gây kích động mạnh đến tinh thần bị cáo. Do vậy, không đủ căn cứ để chuyển tội danh, kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích cho người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Ông L có hành vi trái pháp luật đó là đã đập phá tài sản của bà M. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra sự việc, về mặt pháp lý thì bà M và ông L vẫn còn là vợ chồng, chỉ đến ngày 18/11/2019, Tòa án nhân dân quận Bình Tân mới xét xử và phán quyết cho bà M và ông L ly hôn. Do vậy, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông L về tội hủy hoại tài sản. Đây cũng không phải là căn cứ để cho rằng bị cáo bị kích động bởi hành vi của ông L, bởi lẽ bị cáo không biết được sự việc đã nêu.

Khi bị cáo vừa đến nhà bà M thì ông L đã chủ động lao vào tấn công bị cáo. Tuy nhiên, gần như cùng lúc, bị cáo cũng tiến tới đánh trả. Do vậy, hành vi của bị cáo không được xem là phòng vệ, để từ đó làm căn cứ chuyển tội danh, kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

[4].Bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, nhưng do không biết tự kềm chế nên bị cáo đã gây thương tích cho ông L.

[5].Căn cứ vào những nhận định đã nêu, đối chiếu với quy định của pháp luật, có cơ sở để kết luận rằng bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án bị cáo theo tội danh, điều luật như đã nêu là có căn cứ, đúng pháp luật.

[6].Về kháng cáo của bị cáo:

Bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, xử phạt bị cáo với mức án dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt là có là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong vụ án này, nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội là có một phần lỗi của ông L, đó là: ông L có lời lẽ xúc phạm và quy buộc bị cáo mượn danh ông L để vay tiền Ngân hàng nhưng không có căn cứ; đồng thời, ông L chủ động tấn công bị cáo trước. Như đã nhận định thì hành vi của ông L chưa đến mức độ để được xem là đã gây kích động mạnh đến tinh thần của bị cáo. Tuy nhiên, hành vi của ông L phải được xem là đã gây kích động đáng kể đến tinh thần của bị cáo. Do vậy, cần áp dụng thêm điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông L xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cũng cung cấp một số tài liệu chứng cứ chứng minh bị cáo là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi cha mẹ già và 01 người em bị bệnh thiểu năng. Bản thân bị cáo hiện cũng bị thương tật do tai nạn lao động (theo giấy chứng nhận thương tích ngày 19/11/2020 số 1615/CN ngày 19/11/2020 của Bệnh viện chấn thương chỉnh hình – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thì bị cáo bị gãy xương sên (T)); bị cáo có bà ngoại là liệt sỹ Võ Thị Miễn. Đây là các tình tiết mới. Các tình tiết này cũng cần được xem là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Mặc dù bị cáo có thêm một số tình tiết giảm nhẹ như đã nêu nhưng mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng. Bị cáo là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và có nhiều tình tiết giảm nhẹ; có nơi cư trú rõ ràng; có khả năng tự cải tạo; có đủ điều kiện để cho hưởng án treo. Hơn nữa, bị cáo cũng đã bị tạm giữ, tạm giam gần 10 tháng. Vì các lý do đã nêu, cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, tạo điều kiện cho bị cáo có thể tự cải tạo và ổn định cuộc sống gia đình.

[7].Các nhận định đã nêu cũng là căn cứ để chấp nhận ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên và kháng cáo của bị cáo; chấp nhận một phần ý kiến bào chữa của luật sư Trần Đại Nghĩa.

[8].Kháng cáo của bị cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357, khoản 4 Điều 328 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, 1.Sửa bản án sơ thẩm số 168/2020/HS-ST ngày 24/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, e, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54; khoản 1, 2 và 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Xử phạt bị cáo Trần Vũ Trường G 2 (hai) năm 6 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 (năm) tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Tuyên trả tự do cho bị cáo Trần Vũ Trường G ngay tại phiên tòa, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm nào khác.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre để giám sát giáo dục trong thời gian thử thách; trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án này. Trường hợp bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án này và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2.Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3.Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4.Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

267
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 564/2020/HS-PT ngày 08/12/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:564/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về