Bản án 562/2017/HS-PT ngày 22/08/2017 về tội giết người

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 562/2017/HS-PT NGÀY 22/08/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 22 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lại Châu, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 15/2016/TLHS-PT ngày 05/01/2016 đối với bị cáo Tẩn A N bị xét xử về tội Giết người. Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 12/2015/HSST ngày 30-11-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu.

* Bị cáo có kháng cáo: Tẩn A N, sinh năm 1993; ĐKNKTT và cư trú tại bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; dân tộc: Dao; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn: Lớp 07/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Tẩn Sú C và con bà Tẩn Liều M1; có vợ là Tẩn San M (là nạn nhân trong vụ án); bị cáo chưa có con; bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 18-4-2013; có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo (Bị cáo mời): Luật sư Nguyễn Hà L, Lê Văn L1 và luật sư Vũ Văn D-Văn phòng luật sư H, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt Luật sư Nguyễn Hà L.

* Người đại diện hợp pháp của bị hại: Bà Chẻo U M3 (mẹ bị hại), sinh năm 1969; địa chỉ: Bản P, xã L, huyện S, tỉnh Lai Châu, có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị NLQ1, sinh năm 1986; địa chỉ: Bản L, xã L, huyện S, tỉnh Lai Châu; có mặt.

* Người làm chứng:

1. Ông NLC1, sinh năm 1983; Cán bộ Công an tỉnh Lai Châu; có mặt.

2. Anh NLC2, sinh năm 1987 (anh trai N); địa chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; có mặt;

3. Chị NLC3, sinh năm 1992 (chị dâu N); cư trú tại Bản L 2, xã L, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

4. Chị NLC4; sinh năm 1973; địa chỉ: Khu 6 thị trấn S, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

5. Anh NLC5; sinh năm 1985; địa chỉ: Bản P, xã L, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

6. Bà NLC6; sinh năm 1963; địa chỉ: Bản B, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu;

có mặt.

7. Anh NLC7, sinh năm 1991; địa chỉ: Bản L 1, xã L, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

8. Anh NLC8; sinh năm 1990; địa chỉ: Bản L 2, xã L, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

9. Ông NLC9 (bố N), sinh năm 1965; cư trú tại bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; có mặt.

10. Bà NLC10 (mẹ N), sinh năm 1966; cư trú tại bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; có mặt.

11. Anh NLC11, sinh năm 1986; địa chỉ: Bản B, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

12. Anh NLC12; sinh năm 1987; địa chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

13. Ông NLC13; sinh năm 1966; địa chỉ: N 3, phường Q, thành phố L, tỉnh Lai Châu; có mặt.

14. Chị NLC14, sinh năm 1993; Địa chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt

15. Anh NLC15, sinh năm 1987; địa chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt

16. Anh NLC16, sinh năm 1987; địa chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt

17. Bà NLC17; đị chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

18. Anh NLC18; sinh năm 1985; địa chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

19. Ông NLC19; sinh năm 1983; địa chỉ: Bản Xà Choong, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

20. Bà NLC20; sinh năm 1961; địa chỉ: Bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; vắng mặt.

21. Ông NLC21, sinh năm 1968; địa chỉ: Bản Bành Phán, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; có mặt.

22. Ông NLC22; cư trú tại bản T, xã T, huyện S, tỉnh Lai Châu; có mặt.

23. Ông NLC23; sinh năm 1975; địa chỉ: Cán bộ Công an huyện S, tỉnh Lai Châu; có mặt.

* Người phiên dịch: Ông Tẩn Kim M – Càn bộ Đài Truyền hình tỉnh Lai Châu; có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tài liệu có trong hồ sơ và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu có nội dung tóm tắt như sau: Khoảng 10 giờ 00’ ngày 17-4-2013, gia đình và quần chúng nhân dân tổ chức đi tìm chị Tẩn San M đi làm nương không thấy về nhà đã phát hiện xác chị M bị chôn lấp tại khu vực L thuộc bản H, xã L, huyện S, tỉnh Lai Châu.

Biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 14h35’ ngày 17-4-2013 (BL 01), Sơ đồ hiện trường (BL 04), Bản ảnh hiện trường (BL 05-32) xác định: Cách gốc cây cụt nằm trên đường mòn hướng từ bản H đi nương 21,4m về phía Đông có một lối mòn dốc 30 độ hướng Nam – Đông nam. Cách đầu lối mòn 18m phát hiện lớp đất mới, phía dưới 10cm phát hiện tử thi Tẩn San M cùng các trang phục và vật dụng; tử thi nằm ngửa (hơi nghiêng trái), bên ngoài là áo sơ mi dài tay, các cúc áo trong tình trạng mở, cúc áo dưới cùng bị đứt rơi tại vị trí phát hiện tử thi (M1); áo phông cổ tròn mặc bên trong bị kéo lên qua ngực; dưới mặc 01 quần bó (dạng quần ngố); cách gốc cây cụt 12,9m về phía Đông, đo ngang về hướng Bắc 6,2m phát hiện trong đám cây cỏ thấp có 01 đoạn gậy gỗ (gậy đập ngô, lúa) có hình dạng góc tù dài 83cm+24cm đường kính 2,4cm (M2); cách gốc cây cụt về phía Đông 25,2m, đo ngang về hướng Bắc 15,6m phát hiện trong đám cây bụi 01 áo khoác nam màu đen, mặt trước túi áo ngực bên trái có chữ “Lob” màu xannh da trời (M3); cách vị trí M1 về phía Bắc –Tây bắc phát hiện 01 mảnh vải (nghi là nơ áo bên phải) có màu sắc trùng với màu áo của nạn nhân (M5). Biên bản ghi lời khai NLC10 (mẹ bị cáo) ngày 29-10-2014 có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu (BL 528) phản ánh: Tôi được mời chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường..Trong lúc khám nghiệm tôi (M) được nhìn thấy thu giữ 01 chiếc gậy gỗ đập lúa có hình chữ L; 01 áo khoác màu đen của Tẩn A N; 01 bộ quần áo của Tẩn San M; 01 bao tải đựng ngô; 01 hòn đá bằng bát ăn cơm.

Biên bản khám nghiệm tử thi hồi 16h12’ ngày 17-4-2013 (BL 16) xác định:

Da hoại tử tại ½ mặt trái gồm trán, mắt trái, đôi mắt phải bầm tím tụ máu diện 23,5cm x 9,5cm; vùng cằm có vết bầm tím tụ máu (5cm x 2cm) mũi bị sập, dập, gãy xương sống mũi; trên tai có đeo 02 hoa tai bằng kim loại màu trắng; vùng cổ phía sau bầm tím lan rộng trên diện (11cm x 8cm), có dấu hiệu gãy đốt sống cổ; tại ½ vùng ngực phía trên, ở giữa ngực có một vết bầm tím (16cm x 8cm); mặt trước trên vai phải có vết bầm tím (15cm x 11cm), xương vùng ngực không có dấu hiệu tổn thương; bộ phận sinh dục có nhiều dịch màu trắng (dạng nước gạo), lỗ hậu môn có nhiều phân tiết ra; tổ chức cân cơ dưới da đầu vùng chẩm trái và vùng đỉnh phải bị bầm dập tụ máu, xương hộp sọ bình thường, có máu tụ dưới màng cứng vùng chẩm trái và đỉnh phải; rạch các vết bầm tím vùng mặt, ngực, gáy thấy tổ chức cân cơ dưới da bị bầm dập tụ máu; đốt sống cổ 1-2 gãy rời. Bản kết luận pháp y về tử thi số 15/BKL-TTGĐ ngày 21-4-2013 của Trung tâm giám định pháp Y tỉnh Lai Châu (BL 80) xác định: Nguyên nhân chết: Chấn thương tủy cổ, gãy đốt sống cổ 1-2 không hồi phục, có máu tụ dưới màng cứng vùng chẩm trái và đỉnh phải. Cơ chế chết: Do lực tác động trực tiếp vào làm ưỡn quá mức. Gây chấn thương tủy cổ. gãy gãy đốt sống cổ 1-2. Thời gian chết: Tính đến thời gian khám nghiệm là 06 ngày. Vật gây nên thương tích là vật tày.

Các Biên bản ghi lời khai Tẩn A N ngày 19-4-2013 (BL105); Biên bản ghi lời khai ngày 06-5-2013 (BL 113); Biên bản ghi lời khai ngày 08-5-2013 có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu tham gia (BL 117,121); Biên bản ghi lời khai ngày 10-7-2013 có người bào chữa Nguyễn Thị Nga tham gia (BL 123) cùng có nội dung: Ngày 05-4-2013 Tôi và M đi từ nhà đến lán trồng ngô tại bản N đến ngày 10-4-2013 tôi bảo không làm nữa đi xuống chị Tẩn Mỷ D chơi nhưng M không chịu nên hai vợ chồng cãi nhau và tôi có tát M 3 cái. Ăn trưa xong tôi bỏ đi chơi đến 19 giờ ngày 11-4-2013 tôi về bị M nói lấy tiền đi hút thuốc phiện…Khoảng 07giờ ngày 12-4-2013, tôi cùng M ăn cơm, sau khi ăn tôi lấy thanh gậy đập ngô được khoảng 15kg thì M cho khoảng 8kg ngô vào chiếc bao tải bằng xác rắn màu trắng loại nhỏ, lấy chiếc túi vải của dân tộc Dao bên trong có đựng quần áo đi về nhà. Khi M đi được 10 phút, tôi nghĩ M về nhà mẹ đẻ không về nhà tôi nữa nên tôi cầm chiếc gậy đập ngô để trong lán đuổi theo vợ tôi để đánh cho bõ tức. Khoảng 12 giờ cùng ngày, tôi đuổi kịp vợ hỏi bây giờ đi về bản T hay đi về bản L nhưng M không nói gì. Khoảng gần 13 giờ đi đến bãi đất phẳng, tôi và M ngồi nghỉ hai bên lại cãi nhau nên tôi đã cầm gậy đập ngô vụt một nhát vào đầu và một số nhát vào người M, sau đó tôi vứt luôn chiếc gậy đó ở ngay vị trí tôi giết M. Khi M ngã xuống tôi nhặt hòn đá to bằng bát ăn cơm đập liên tiếp nhiều nhát vào mặt M cho đến chết rồi bế cho mặt vợ ốp vào ngực tôi nhưng đi được 2m thấy vợ tôi đã chết nên tôi đặt vợ tôi xuống đất sau đó cầm chân M kéo xuống phía dưới khe nước chảy khi có mưa được khoảng hơn 4m tôi thấy có một cái hố do nước chảy tạo thành nên tôi đã cho M nằm ngửa xuống hố đầu quay lên dốc. Tôi cho toàn bộ ngô túi quần áo của vợ tôi xuống hố dùng đoạn gậy đào đất lấp kín M. Sau khi giết chết M tôi thò tay vào cổ giật sợi dây chuyền màu trắng ở cổ M đút vào túi áo ở trước ngực rồi chạy về lán, trên đường tôi đã bị làm rơi chiếc dây chuyền đó.. Biên bản nhận dạng và Bản ảnh nhận dạng ngày 01-6-2013 có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát tỉnh Lai Châu đều có nội dung thề hiện: Tẩn A N nhận dạng đúng chiếc gậy gỗ và chiếc áo thu giữ ở hiện trường là của N mang theo dùng đánh vợ (BL 45-52).

Kết luận giám định số 309/GĐ-KTHS ngày 19-4-2013 của Phòng kỹ thuật hình sự-Công an tỉnh Lai Châu (BL85) có nội dung: Chiếc gậy gỗ, chiếc áo rét gửi dến giám định đều có dấu vết máu và là máu người. Kết luận giám định số 4318/C54 (P8) ngày 21-8-2014 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an (BL 314) xác định: Trên đoạn gậy gỗ kích thước 83 +24cm, đường kính 2,4cm, trên chiếc áo khoác nam màu đen, trên chiếc áo sơ mi nam dài tay màu trắng đã cũ, trên chiếc áo phông cổ tròn, cộc tay, màu xanh gửi đi giám định đều không có máu người. Văn bản số 107/BC-PC54 ngày 01-4-2015 của Phòng kỹ thuật hình sự-Công an tỉnh Lai Châu (BL 317) giải thích hai kết quả của 02 Kết luận giám định có nội dung: Trong thời gian từ Phòng kỹ thuật hình sự-Công an tỉnh Lai Châu tiến hành giám định tới khi Viện khoa học hình sự Bộ Công an tiến hành giám định thì dấu vết máu trên chiếc gậy gỗ và chiếc áo khoác nam màu đen đã bị tác động của điều kiện môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tác động cơ học, hóa học.) làm phân hủy tế bào máu và các thành phần của tế bào máu. Báo cáo của Lê Xuân H, Nguyễn Đăng Đ, Nguyễn Huy H, Nguyễn Văn T, Trần Vĩnh G, Phạm Văn C, Lê Quang H, Lương Văn L về việc tiến hành khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi Tẩn San M là khách quan, có mẹ bị cáo, mẹ và anh trai của người bị hại trực tiếp tham gia và ký tên điểm chi vào các văn bản tố tụng trên (BL 332-348).

Tại Bản án sơ thẩm số 111/2013/HSST ngày 23-9-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu tuyên phạt Tẩn A N tử hình về tội Giết người (BL198). Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Tẩn A N kháng cáo kêu oan. Bản án phúc thẩm số 355/2014/HSPT ngày 24-6-2014 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã hủy Bản án sơ thẩm trên đây để điều tra lại (BL 217).

Tài liệu thu thập trong quá trình điều tra bổ sung thể hiện:

Bị cáo Tẩn A N khẳng định mình không giết vợ, do bị ép cung nên bị cáo phải nhận đã giết Tẩn San M (BL 551). Liên quan đến vật chứng, tại các biên bản ghi lời khai từ ngày 28-11-2013 đến ngày 05-11-2014 ( BL 532,538,553-571) Tẩn A N đều khai nhận: Ngày 16/4/2013, tôi cùng các anh Bình, Tẩn A S, NLC2 (anh N), NLC8, NLC14, Tẩn U M3, Tẩn Mý L, Tẩn Thảo C, Tẩn A S, Tẩn A S, Chẻo A S cùng một số người khác đi tìm vợ tôi…Tôi cùng anh rể đồng hao NLC8 đi tìm quanh khu vực lán tôi thì trời tối nên quay về nhà chị gái ở đấy đến sang 17-4-2013 tiếp tục. Khi đi tôi mặc áo khoác màu đen loại áo gió. Đến khu vực tôi chôn vợ, tôi đã cởi áo khoác tôi đang mặc ở trên người cuộn tròn lại rồi dúi vào bụi cây cách chỗ chôn vợ tôi khoảng 100m. Khoảng 09giờ20’ khi tôi đang tìm vợ tôi ở khu vực cạnh bản N thì có người thấy vợ tôi ở khu vực K thuộc bản H.

Ông NLC9 (bố bị cáo N) có đơn tố cáo sợi dây chuyền chị NLQ1 mua được là sợi dây chuyền của con dâu Tẩn San M đeo trước khi bị chết. Biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu của NLQ1 hồi 16giờ 30’ ngày 17/4/2013 tại bản H xã L có nội dung: Một sợi dây chuyền bằng kim loại màu trắng dài 53cm, rộng 0,5cm được nối với nhau bằng các mắt xích và miếng kim loại có hoa văn đã sử dụng (có ảnh mô tả nhận dạng). NLQ1 khai mua sợi dây chuyền này của một thanh niên dân tộc Thái khoảng 28 tuổi, không biết họ tên, địa chỉ ở đâu với giá 300.000đ tại bản H xã L khoảng 14 giờ ngày 03-4-2013. Biên bản có chữ ký, điểm chỉ của NLQ1 chữ ký của Điều tra viên Lê Quang H, Sùng Cha P và người làm chứng Tẩn A S (BL 324). Cơ quan điều tra đã tổ chức nhận dang sợi dây chuyền thu được của chị NLQ1 đối với bà Chẻo U M3 là mẹ đẻ bị hại, ông NLC9 là bố chồng bị hại, bà NLC10 là mẹ chồng bị hại và bị cáo Tẩn A N là chồng bị hại, nhưng tất cả những người này đều không nhận dạng được chiếc dây chuyền nào là dây chuyền của Tẩn San M (BL 358-365). Ông NLC9 bố N khai: Tôi chỉ nghe mọi người nói nên trình bày để ông Tẩn Cuổi D viết vào đơn còn nội dung cụ thể việc mua bán sợi dây chuyền… tôi đều không biết (BL 465, 466).

NLC3 (chị dâu bị hại) khai: .Giữa Tẩn San M và Tẩn A N thường có mâu thuẫn cãi chửi nhau… Tẩn San M thường bị Tẩn A N chửi bới đánh đập nhiều lần nên Tẩn San M bỏ về nhà ở cùng với gia đình mẹ chồng tôi, tôi cũng ở cùng nhà nên biết, Sau đó Tẩn A N sang nhà bảo Tẩn San M quay về nhà nhưng Tẩn San M không muốn về nên N đe dọa sẽ giết chết M… sẽ chặt làm 3 khúc… Có lần Tẩn A N còn đến nhà hỏi vay tiền với tôi (Phẩy) nói là đưa M đi phá thai vì M đi ngoại tình.(BL 449, 450).

Tẩn Vàng Sơn (ở gần nương của N) khai: Khoảng 8 giờ sáng ngày 03-3-2013 âm lịch (AL) tôi nghe thấy tiếng N nói to: “Nếu sợ về một mình thì cùng nhau vẽ thêm ít ngô để cùng nhau mang về nhà”… Khoảng 15-16 giờ khi đang cùng vợ, con trai và chị Tẩn Sai Pu làm nương thì tôi nhìn thấy N đi bộ một mình có đeo 01 (một) chiếc túi của người dân tộc Dao (BL 425, 426).

NLC21 và NLC12 (ở gần nương của N) khai: Khoảng 14 giờ chiều khi chúng tôi (D, P, NLC2) đang ăn cơm thì Tẩn A N đi bộ một mình đến, mọi người hỏi vợ đâu thì N nói là Tẩn San M đi về nhà. N cùng ngồi ăn cơm sau đó đi làm nương. Chẻo A Phóng (BL 409) khai: Tôi không nhớ rõ Tẩn A N lúc đến lán nương mặc quần loại gì, màu gì, tôi chỉ nhớ là N có mặc 01 chiếc áo ngắn tay, màu thì không nhớ, đằng sau lưng N có đeo 01 bao tải, loại bao đựng thóc gạo (BL 413) .

Chẻo Sếnh C5 (người cùng bản) khai: Sáng 08-3-2013 ÂL, tôi (C5) có được nhờ cùng mọi người đi tìm Tẩn San M bị mất tích. Tôi (C5) đi cùng Tẩn A S, Tẩn Toòng S và Tẩn Sêng P theo đường mòn đến “K” thì Sun thấy phía mép khe dưới đường có những hạt ngô rơi gần đó, Sun hô to là có đường đi ở đây có mấy hạt ngô rơi ở đây. Tôi (C5) chạy đến thấy mấy hạt ngô rơi ở đó thì lần theo dấu thấy một đống đất mới có nhiều hạt ngô lẫn đất ở đó. Tôi lấy tay bới đất và hạt ngô ra thì thấy dưới lớp đất có một tấm nilon màu trắng. Tôi dùng tay gạt tấm nilon đó ra thì thấy có quần áo lúc này lộ ra tay của Tẩn San M. Tôi gọi điện cho NLC5 biết…Một lúc sau mọi người lên chỗ phát hiện xác M lúc này có cả Tẩn A N nói tôi “Anh làm thế nào tìm thấy nó”, Tôi nói “ thấy đống đất mới bới ra thì thấy thôi”. Biểu hiện lúc này của N cũng không tỏ ra thương xót, không lao vào xem Tẩn San M bị chết thế nào? mà chỉ ngồi đó hút thuốc lào và tay ôm đầu thôi… tôi có gặp Tẩn A N khi đến chỗ hiện trường mặc áo phông cộc tay màu trắng, còn dọc đường đi tìm tôi không gặp Tẩn A N (BL 477, 478).

NLC5 (anh rể bị hại) khai: Tối ngày 16-4-2013 chúng tôi tập trung về bản N nghỉ và ăn cơm ở nhà Chẻo A S.. Sáng 17-4-2013 chúng tôi tiếp tục chia nhau ra đi tìm đến khoảng tầm 10h00’ thì nhận điện thoại báo đã tìm thấy Tẩn San M… Khi lên tôi (Sì) nhìn thấy tay của Tẩn San M thò ra khỏi đất. Mọi người cùng nhìn thấy có 01 gậy gỗ đập lúa có hình chữ “L”… trong bụi cỏ sau đó có 01 (một) chiếc áo khoác màu đen thì anh trai của N cũng ở đấy nói “Chết rồi chiếc áo này là của Tẩn A N” (BL 469-470).

NLC2 (anh trai N) khai: Ngày 03-3-2013 AL, một mình N đến lán nương của tôi mặc áo phông cộc tay màu xanh bộ đội. Tôi hỏi thì N nói vợ đã đi về nhà trước rồi.ở nhà vợ chồng N cũng hay đánh chửi nhau, chủ yếu là N chửi và đánh Tẩn San M (BL 139)…Khoảng 10 giờ ngày 08-3-2013 AL, khi tôi (S) và mọi người đang đi tìm Tẩn San M… ở khu vực Thiên Lùng bản H… nhận được tin là mọi người đã tìm thấy xác em dâu tôi… ở khu vực K…Tôi (S) và mọi người nghe thấy tin báo thì đi thẳng lên chỗ mọi người phát hiện xác em dâu… Tôi (S) không xuống chỗ phát hiện xác Tẩn San M mà chỉ ở trên đường. Khi ở trên cùng mọi người thì Tôi (S) được mọi người nói và chỉ cho Sơn ở phía bên trái đường theo hướng từ bản H xuống bản N, cách đường đi khoảng 10m phát hiện 01 (một) chiếc áo khoác màu đen có các sọc xanh, phía trên cổ áo cùng màu xanh, Tôi (S) nhận ra áo của em trai tôi là Tẩn A N nên Tôi (S) nói: “Đó là áo thằng N”. Chiếc áo được cuộn lại và để ở dưới gốc cây bụi (BL 461-462). Mẹ đẻ tôi là NLC10 có mặt chứng kiến khám nghiệm hiện trường (BL 493).

NLC4 (dì bị hại) khai: Ngày 08-3-2013 AL, Khi có tin tìm thấy M nên chúng tôi cùng nhau đi đến chỗ tìm thấy M. Sau đó mọi người đi xung quanh tìm xem thì thấy chiếc gậy đập lúa và 01 chiếc áo khoác màu đen quấn giấu trong bụi cỏ, khi thấy áo thì anh trai của Tẩn A N là NLC2 nói “Áo đấy là của Tần A N rồi, lần này thì N chết chắc rồi” (BL 443, 444) .

NLC7 (em Chèo A S) khai: Khi Tôi đi tìm đến lán nương của N thì gặp N, anh trai N là NLC2, NLC4, Tẩn Lảo U (em rể N), NLC8 và 2 người khác không biết tên…Khi nhận được tin đã tìm thấy xác của Tẩn San M, đến nơi Tôi cùng mọi người xuống xem, nhưng N không xuống mà ngồi trên đường, lúc tôi quay lên thấy mọi người nói tìm thấy gậy đập lúa và một chiếc áo khoác màu đen được giấu trong bụi cây cỏ trên ta luy dương (BL 489).

NLC8 (anh rể bị hại) khai: Chúng tôi đi tìm dọc theo đường mòn cùng Tẩn A N và một người nữa bên T tôi không biết tên. .Khi đó Tẩn A N mặc áo phông màu trắng đã ngả màu, còn quần màu tối. Khi đến K thì N nói với mọi người “chỗ này không có đâu, phải đi xuống đằng sau lán nương mới có”. Khi đi vào khu vực rừng phía dưới đường thì N tỏ ra sợ cầm tay tôi và nói “vào rừng sợ phải đi cùng nhau”. Khoảng 10 giờ ngày 08-3-2013 thấy mọi người nói tìm thấy M rồi và rất đông người cùng nhau lên khu K, tôi không xuống chỗ Mẩy mà đứng ở bên đường cách 30m, Tẩn A N cũng đứng gần tôi không xuống xem ở đường, mặt tái, thái độ lo lắng cúi mặt xuống, thỉnh thoảng lại ngồi hút thuốc lào (BL 509) Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2015/HSST ngày 30-11-2015, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đã quyết định: Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Hình sự, xử phạt bị cáo Tẩn A N tù chung thân về tội Giết người, thời hạn tù tính từ ngày 18/4/2013. Áp dụng Điều 305; Điều 604; Điều 605; Điều 606; Điều 610 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo Tẩn A N phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại bà Chẻo U M3 là mẹ của người bị hại số tiền 76.681.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí, thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 07-10-2015, bị cáo Tẩn A N kháng cáo kêu oan (BL 790).

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21-6-2017: Bị cáo Tẩn A N không thừa nhận mình giết vợ Tẩn San M. Những người làm chứng có mặt đã khai nhận như sau: Chẻo U M3, Tẩn Sú S (anh bị hại), NLC10, NLC9, NLQ1 đều khẳng định lời khai của mình tại Cơ quan điều tra là đúng sự thật. NLC8 (anh rể bị hại) khai: N đi một xe máy tôi không nhớ N đi cùng ai, vợ chồng tôi đi một xe chạy thẳng xuống đám ruộng có lán nương thấy có cả S (anh bị cáo). Sau đó mọi người chia nhau ra, tôi cùng N đi loanh quanh vòng qua lại rồi về bản N nhà bà D ăn cơm. NLC4 (dì bị hại) khai: N nói không muốn tìm thấy M, lúc đó có Thảo Cuổi cũng nghe thấy; gần chỗ M chết tất cả mọi người đều nhìn thấy áo và gậy. Sơn nói đấy là áo của N, thì em gái của N bảo “anh S không được nói”. NLC2 (anh bị cáo) khai: Lúc đi tìm gặp dì L có cả N đi đến dốc lán mới chia ra; .khi nhìn thấy chiếc áo thì tôi có nói: “sao áo của N lại ở đây, em gái của tôi chỉ nói anh S ơi có đúng không”.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22-8-2017:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên toà, sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ và lời khai của những người tham gia tố tụng xác định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Tẩn A N về tội Giết người và quyết định hình phạt tù chung thân là có căn cứ pháp luật. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Bị cáo N khai ngày 17-4-2013 bị cáo được công an yêu cầu lên trụ sở làm việc, bị cáo không ra đầu thú. Bị cáo bị ép cung nên trước khi xét xử lần thứ nhất đã nhận giết vợ. Bị có có được nhận dạng chiếc áo và chiếc gậy gỗ thu ở hiện trường đúng là của mình, nhưng chiếc áo đó là do bị cáo cởi ra để ở vị trí đó khi đi tìm vợ, còn chiếc gậy gỗ là do người khác nhặt ở lán của bị cáo đem vào hiện trường. Trong suốt quá trình đi tìm vợ, bị cáo đi cùng NLC8. Trưa ngày 12-4-2013 bị cáo mặc áo cộc tay mang theo gạo, mỡ, muối đến lán nương của anh trai NLC2 ăn cơm và ở đó làm đến ngày 15-4-2013 đi cùng Sơn về nhà.

Người bào chữa cho bị cáo xuất trình 01 tài liệu gốc do anh trai bị cáo là NLC2 cung cấp có tiêu đề “Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu” do Điều tra viên Hoàng Ngọc S – Công an tỉnh Lai Châu lập tại lán nương NLC2 hồi 11h30’ ngày 18-4-2013 có nội dung thu giữ 03 chiếc gậy gỗ góc tù hình chữ L của Sơn (01 chiếc gậy; 01 thanh củi bị đẽo cong; 01 cành cây). NLC2 khai cả 03 chiếc gậy bị thu giữ không có chiếc nào bị lửa làm cháy xém và gia đình chỉ sử dụng gậy bằng thanh củi để đập lúa. Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi cho NLC2 nhận dạng tại phiên tòa vật chứng là chiếc gậy thu tại hiện trường thì NLC21 đã khẳng định đây không phải là một trong số chiếc gậy đã thu giữ tại lán nương của Sơn tại biên bản nêu trên.

Người bào chữa của bị cáo Tẩn A N cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm áp đặt ý thức ngay từ đầu là N giết vợ nên thu thập không đầy đủ chứng cứ và lời khai người làm chứng còn có nhiều mâu thuẫn. Người bào chữa cho rằng không thể coi bị cáo N có tội hay là không có tội, tuy nhiên với nội dung bào chữa trên đây đề nghị Tòa án cấp thúc thẩm giải quyết đúng pháp luật.

Những người làm chứng NLC22 xác định có đi tìm Tẩn San M cùng với N, các ông NLC23, Phạm Mạnh H, Hoàng Ngọc S có mặt tại phiên tòa đều khẳng định có thu giữ 03 chiếc gậy của Sơn nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án, không có việc ép cung đối với bị cáo N.

Hội đồng xét xử đã công bố một số bút lục là các văn bản tố tụng và lời khai của người làm chứng vắng mặt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra và kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện lời khai của bị cáo và quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm có nhận xét như sau:

Trong quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, bị cáo Tẩn A N khai nhận N đã thực hiện hành vi giết vợ, tuy nhiên sau khi bị tuyên phạt mức án cao nhất thì bị cáo kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo N không thừa nhận mình đã thực hiện hành vi giết vợ và việc bị cáo đã khai trước đây là do bị bức cung. Để xác định bị cáo N có thực hiện hành vi giết vợ mình là Tẩn San M hay không? Hội đồng xét xử phúc thẩm đi sâu phân tích các chứng cứ vật chất khách quan phản ánh nội dung tình tiết của vụ án, so sánh lời khai của bị cáo với lời khai của những người làm chứng để từ đó xác định sự thật khách quan của vụ án. Cụ thể:

[1] Về việc đánh giá chứng cứ vật chất:

[1.1] Kết luận pháp y về tử thi xác định cơ chế chết của Tẩn San M là do lực tác động trực tiếp gây chấn thương tủy cổ, gãy đốt sống cổ 1-2 và vật gây nên những thương tích này là vật tày. Sau khi bị giết, Tẩn San M còn bị hung thủ chôn vùi dưới đất. Đây là chứng cứ vật chất đã chứng minh Tẩn San M bị chết là do con người tác động. Thời điểm M bị giết chết trong khoảng thời gian ngày 12-4-2013, có mang theo tư trang, dụng cụ nên có căn cứ xác định Tẩn San M bị chết trên đường đi từ lán nương về nhà.

[1.2] Kết luận giám định thương tích xác định Tẩn San M bị gãy đốt sống cổ 2-3, do vật tày tác động là phù hợp với chiếc gậy gỗ của nhà bị cáo N thu được tại hiện trường. Vết thương làm sập dập, gãy xương sống mũi và một số vết thương gây bầm tím ở vùng đầu, mặt, ngực Tẩn San M phù hợp với “hòn đá” thu được tại hiện trường. Như vậy, có căn cứ xác định hung thủ đã dùng gậy gỗ phang vào gáy và dùng đá đập vào mặt và ngực Tẩn San M. Vết thương làm đứt đốt sống cổ 2-3 làm cho nạn nhân rất đau đớn, có biểu hiện giãy chết do tác động của hệ thần kinh tạo nên những cơn co thắt đã làm cho dịch và phân tiết ra trước khi chết.

[1.3] Kết quả khám nghiệm xác định chiếc áo ngoài của Tẩn San M bị bật cúc và làm một bông hoa trên áo bị đứt mắc lại trên lối đi, còn áo phông bên trong bị tốc ngược trên ngực là chứng cứ phản ánh tình trạng Tẩn San M bị hung thủ cầm chân kéo với tư thế nằm ngửa từ nơi bị giết đến vị trí chôn xác khoảng 18m. Như vậy, có căn cứ xác định việc nạn nhân Tẩn San M bị chết là hậu quả của một vụ án giết người, không phải là một vụ tai nạn.

[2] Xác định vật chứng của vụ án:

[2.1] Sợi dây chuyền chị NLQ1 mua được Cơ quan điều tra đã tổ chức cho ông NLC9, bà NLC10, Chẻo U M3 và bị cáo Tẩn A N nhận dạng, nhưng đều không xác định là sợi dây chuyền của Tẩn San M. Như vậy, không có căn cứ xác định sợi dây chuyền chị NLQ1 mua là của Tẩn San M.

[2.2] Cơ quan điều tra đã tổ chức cho bị cáo Tẩn A N nhận dạng vật chứng là chiếc gậy gỗ và chiếc áo khoác thu được tại hiện trường là của Tẩn A N. Các vật chứng này cũng được bị cáo N xác định đúng là của mình tại phiên tòa phúc thẩm. Lời khai của bà NLC10 (mẹ) và NLC2 (anh) của bị cáo N đều xác nhận chiếc áo khoác thu được tại hiện trường là áo của Tẩn A N. Như vậy, có căn cứ xác định chiếc gậy gỗ và chiếc áo khoác thu được tại hiện trường là của Tẩn A N.

[2.3] Bị cáo Tẩn A N và tất cả các những người làm chứng đều công nhận việc phát hiện ra chiếc gậy gỗ tại hiện trường là do những người tham gia đi tìm Tẩn San M phát hiện và thời điểm phát hiện của họ xảy ra trước khi có mặt lực lượng Công an tại hiện trường. Tại phiên tòa đã được NLC2 khẳng định rõ chiếc gậy bị xém lửa thu giữ tại hiện trường xuất kho vật chứng để tại phiên tòa không phải chiếc gậy thu giữ của NLC2. Mặt khác Biên bản khám nghiệm hiện trường thu giữ chiếc gậy gỗ ngày 17-4-2013, còn chiếc gậy thu giữ tại lán của Sơn ngày 18-4-2013. Vì vậy việc bị cáo Tẩn A N cho rằng chiếc gậy do Công an lấy tại lán của N đưa vào hiện trường là không có căn cứ. Mặt khác, các nhóm người chia nhau đi tìm M đều có người của cả hai bên gia đình bị cáo và bị hại cùng tham gia, vì vậy không thể có người nào trong số họ lấy chiếc gậy gỗ đập lúa từ lán của N đưa vào hiện trường khi chưa biết rõ vị trí M bị giết ở đâu.

[2.4] Bị cáo Tẩn A N khai khi đi tìm vợ bị cáo luôn đi cùng với những người trong gia đình, phù hợp với lời khai của NLC8, NLC4 Tẩn Thảo Cuổi, NLC2 (anh bị hại), NLC5, NLC7, NLC2 (anh bị cáo). Tuy nhiên, không có ai nhìn thấy bị cáo mặc áo khoác màu đen đi tìm vợ và cũng không có ai nhìn thấy Tẩn A N cởi áo khoác màu đen để ở bụi cây. Tương tự như chiếc gậy gỗ đập lúa, tất cả các những người làm chứng đều công nhận việc phát hiện ra chiếc khoác màu đen để ở gốc cây tại hiện trường là do những người tham gia đi tìm Tẩn San M nhìn thấy và tại thời điểm họ phát hiện xảy ra trước khi có mặt N cũng như lực lượng Công an đến hiện trường. Chính anh trai của bị cáo là NLC2 khai khi nhìn thấy chiếc áo đã nói “Sao áo của N lại ở đây” đã phản ánh rõ N không mang theo chiếc khoác màu đen khi đi tìm vợ. Vì vậy, việc bị cáo Tẩn A N khai khi đi tìm vợ có mặc chiếc khoác màu đen, khi đi đến gần chỗ chôn vợ N đã cởi ra để ở bụi cây là không đúng sự thật. Chính lời khai này của bị cáo N càng khẳng định rõ thêm việc N biết vị trí chôn vợ mình ở đâu và phù hợp với hành vi của N khi thực nghiệm điều tra đã xin thắp hương và khấn vợ bằng tiếng dân tộc Dao được người làm chứng NLC23 khai tại phiên tòa được dịch ra tiếng Kinh là “Tôi sai rồi, tôi xin lỗi”. Do vậy, những lời khai của bị cáo N đã cởi áo khoác giấu vào bụi cây trong khi đi tìm vợ là không có cơ sở.

[3] Xác định thủ phạm giết bị hại Tẩn San M [3.1] Trước khi xét xử sơ thẩm ngày 23-9-2013, bị cáo Tẩn A N đều khai nhận do mâu thuẫn vợ chồng trên đường từ lán nương về nhà, N đã dùng gậy đập lúa của nhà đem theo phang vào gáy và dùng đá đập vào mặt Tẩn San M, sau đó kéo và vùi xác vợ xuống khe đất. Trong khi giết vợ, N đã cởi chiếc áo khoác ngoài giấu vào bụi cây. Một số lời khai của bị cáo N có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu và có sự tham gia của người bào chữa đều có nội dung bị cáo N khẳng định mình là người đã giết vợ. Đặc biệt, khi thực nghiệm điều tra, chính bị cáo N còn hướng dẫn chị Tuyết (người đóng thế bị hại Tẩn San M) phải ngồi cùng chiều với N và phải nằm nghiêng sau khi bị N phang gậy vào gáy (BL 262) là chứng cứ xác định chỉ có bị cáo N mới biết được các tư thế của vợ mình như trên. Đối chiếu hành vi của bị cáo N mô tả phù hợp với vật chứng thu giữ, các dấu vết và cơ chế hình thành thương tích trên cơ thể nạn nhân, nên được coi là chứng cứ khách quan. Ngoài ra, một số người làm chứng trong đó có cả anh trai N khai tầm buổi trưa đầu giờ chiều ngày 12-4-2013 có nhìn thấy N đi bộ một mình mặc áo cộc tay đeo một túi của người dân tộc Dao đến lán của họ ăn cơm. Lời khai này phù hợp và logic với diễn biến của vụ án là sau khi giết Tẩn San M, N đã cởi bỏ áo khoác ngoài chỉ mặc áo lót bên trong và N cầm luôn chiếc túi của người dân tộc Dao mà M đã đem theo trước đó, vì vậy khi mọi người phát hiện xác M chiếc túi đã không còn ở hiện trường. Như vậy, có căn cứ xác định lời khai ban đầu của Tẩn A N về việc giết vợ mình là có cơ sở. Đặc biệt, N viết trong bản tự khai của mình câu“Chó nghe mày nói”của Tẩn San M khi nói chuyện với N đã phản ánh rõ chỉ có người dân tộc mới sử dụng câu nói như vậy trong khi giao tiếp. Đây cũng là một trong những chứng cứ bác bỏ quan điểm của bị cáo khai bị cáo bị ép cung và nại ra các lý do ngoại phạm phủ định về vật chứng và hành vi của mình là không có cơ sở chấp nhận.

[3.2] Đánh giá về ý thức chủ quan của bị cáo để xác định động cơ mục đích phạm tội được phản ánh ngay từ lời khai ban đầu của chính bị cáo Tẩn A N là do mâu thuẫn thường xuyên giữa hai vợ chồng bị cáo. Xuất phát từ việc sau khi cãi nhau, Tẩn San M không ở lán nương bỏ về nhà nên Tẩn A N đã đuổi theo ngăn cản. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của ông Tẩn Vàng Sơn ở gần nương nghe thấy tiếng N nói to Nếu sợ về một mình thì cùng nhau vẽ thêm ít ngô để cùng nhau mang về nhà. Đặc biệt, NLC2 là anh của N xác nhận vợ chồng N và M hay cãi chửi nhau, Tẩn A N hay đánh vợ, nên Tẩn San M có lần đã bỏ về nhà mẹ đẻ ở L. Những người cùng đi tìm Tẩn San M là NLC8, NLC5 và NLC4 đều xác nhận Tẩn A N có thái độ không bình thường trong quá trình đi tìm vợ.

Như đã phân tích, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống vợ chồng, ngày 12-4-2013 Tẩn A N đã sử dụng gậy gỗ và đá giết vợ mình là Tẩn San M tại khu vực La Háo Kiềm, xã H, huyện S, tỉnh Lai Châu. Hành vi của Tẩn A N đã phạm tội Giết người quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự như Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, nên xử phạt bị cáo mức hình phạt tù chung thân là tương xứng với tính chất nguy hiểm và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ Luật Tố tụng Hình sự,

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tẩn A N, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2015/HSST ngày 30-11-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Tẩn A N tù chung thân về tội Giết người, thời hạn tù tính từ ngày 18/4/2013.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự ; khoản 1 Điều 584; Điều 591; điểm a, b khoản 2 Điều 593; khoản 3 Điều 357; Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015, buộc bị cáo Tẩn A N phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Chẻo U M3 là mẹ của người bị hại số tiền 76.681.000 đồng.

Bị cáo Tẩn A N phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không trả được số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải trả tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. Việc thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại các Điều 7; Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hiệu kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

799
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 562/2017/HS-PT ngày 22/08/2017 về tội giết người

Số hiệu:562/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về