TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 56/2018/HS-PT NGÀY 19/07/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 19 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 41/2018/TLPT-HS ngày 13 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo Phạm Văn Ch do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 13/2018/HS-ST ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện V, thành phố Hải Phòng.
- Bị cáo có kháng cáo:
Phạm Văn Ch, sinh năm 1975, tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn 2, xã TL, huyện V, thành phố Hải Phòng; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 3/12; con ông Phạm Văn Q và con bà Nguyễn Thị K, có vợ là Đặng Thị L và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; bị cáo là người khuyết tật đặc biệt nặng; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày 24/10/2017, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Trần Thị Thúy - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hải Phòng, có mặt.
- Bị hại: Anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1977. Nơi cư trú: Thôn 2, xã Trung Lập, huyện V, thành phố Hải Phòng, có mặt.
- Người làm chứng:
+ Chị Lê Thị C, có mặt;
+ Ông Phạm Văn B, vắng mặt;
+ Bà Đào Thị Th, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 11 giờ ngày 09 tháng 7 năm 2017, anh Nguyễn Văn Đ dùng búa, gạch chỉ đóng cọc sắt ở khu vực giáp nhau giữa trước cửa nhà mình với nhà Phạm Văn Ch để phân chia ranh giới và đã làm gạch vỡ vương vãi sang nhà Ch. Thấy vậy, Ch ra nói chuyện với anh Đ thì giữa Ch và anh Đ đã xảy ra xích mích, xô xát. Trong quá trình xô xát, Ch chỉ bị xây xước da mặt, thương tích nhẹ, còn anh Đ bị Ch nhặt 1/3 viên gạch chỉ ở đó đập trúng đầu gây thương tích. Sau đó mọi người can ngăn rồi đưa anh Đ đi điều trị tại Bệnh viện huyện V đến ngày 17 tháng 7 năm 2017 thì xuất viện.
Sau khi sự việc xảy ra, anh Đ có đơn tố cáo gửi Công an huyện V yêu cầu khởi tố, xử lý Ch theo pháp luật hình sự.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Văn Ch khai nhận: Khi thấy anh Đ đóng cọc, Ch đi ra nói chuyện với anh Đ thì anh Đ chửi và túm cổ áo của Ch lôi về bên phần đất của nhà anh Đ. Còn Ch thì nhặt được 1/3 viên gạch ở đó cầm ở tay. Cùng lúc này chị Lê Thị C là vợ của anh Đ ở trong nhà chạy xông vào túm tóc của Ch và cùng với anh Đ dùng chân tay đấm đá Ch làm xây xước da mặt. Do đó Ch đã dùng 1/3 viên gạch trên đập trúng đầu gây thương tích cho anh Đ mục đích để anh Đ không đánh Ch nữa.
Còn anh Đ khai báo: Khi anh Đ đang đóng cọc thì Ch ra hỏi rồi đứng phía sau túm tóc và đập một vật cứng vào đầu gây thương tích cho mình. Khi đó chỉ có anh Đ và Ch ở đó, chị C và mọi người chỉ biết, có mặt và can ngăn sau khi anh Đ đã bị Ch đánh rồi.
Riêng chị C và ông Phạm Văn B ở cạnh đó khai báo: Chị C và ông B chỉ biết việc việc xô xát, đánh nhau giữa anh Đ với Ch sau khi Ch đã đánh anh Đ như anh Đ đã khai trên.
Quá trình điều tra, Cơ quan C sát điều tra Công an huyện V đã tiến hành cho Ch đối chất với anh Đ và chị C để làm rõ mâu thuẫn trên. Tuy nhiên, cả Ch, anh Đ và chị C vẫn giữ nguyên và khẳng định lời khai của mình đã nêu trên là đúng.
Tại Bản Kết luận giám định pháp y số 472/2017/TgT ngày 01/9/2017 của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Hải Phòng đã kết luận về thương tích của anh Nguyễn Văn Đ như sau: “... Nạn nhân bị 02 vết thương phần mềm da đầu, không tổn thương sọ, đã được điều trị để lại hai sẹo nhỏ, nhẵn... Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích trên gây nên là 02%... Các thương tích trên có đặc điểm do vật có góc cạnh cứng tác động trực tiếp gây nên.”.
Đối với việc Ch bị thương tích: Do Ch chỉ bị thương tích nhẹ, không phải điều trị tại đâu và từ chối việc giám định nên không có căn cứ để đánh giá tỷ lệ tổn thương phần trăm của cơ thể.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Phạm Văn Ch đều khai nhận hành vi phạm tội như nêu trên.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 13/2018/HS-ST ngày 04 tháng 5 năm 2018,
Toà án nhân dân huyện V, thành phố Hải Phòng đã áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 31 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm p khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Phạm Văn Ch 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý gây thương tích” và bồi thường thiệt hại cho anh Nguyễn Văn Đ do sức khỏe bị xâm phạm là: 11.890.000 đồng.
Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 09 tháng 5 năm 2018, bị cáo Phạm Văn Ch có đơn kháng cáo vơi nôi dung kháng cáo đối với mức hình phạt và mức bồi thường thiệt hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, bị cáo không cố ý gây thương tích cho anh Nguyễn Văn Đ, bị cáo bị xử phạt 09 tháng cải tạo không giam giữ là quá nặng, và số tiền bồi thường thiệt hại 11.890.000 đồng là quá cao và không hợp lý.
Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa thể hiện như sau: Xét kháng cáo giảm nhẹ hình phạt của bị cáo: Căn cứ vào tài liệu chứng cứ và lời khai của bị cáo, bị hại có trong hồ sơ vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm kết luận hành vi bị cáo đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” là có cơ sở, đúng quy định pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có kháng cáo, đề nghị giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường thiệt hại. Thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo và tuyên phạt bị cáo 09 tháng cải tạo không giam giữ là hợp tình, hợp lý. Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Về số tiền bồi thường thiệt hại, bản án sơ thẩm đã tính toán hợp lý và có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Vì những lý do trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo trình bày: Bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện V xin giảm nhẹ hình phạt và giảm số tiền bồi thường vì những lý do sau đây: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, hoàn C xảy ra hành vi phạm tội của bị cáo là do anh Đ đóng cọc vào phần sân nhà của bị cáo, và trong hoàn C bị vợ chồng bị hại tấn công, bị cáo đã nhặt 1/3 viên gạch ném vào đầu anh Đ để chống trả, tự vệ. Mặt khác, tỉ lệ thương tích chỉ có 2%, là thương tích rất nhẹ. Đề nghị áp dụng cho bị cáo thêm tình tiết giảm nhẹ theo điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (gây thiệt hại không lớn). Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ.
Về mức bồi thường thiệt hại: Cần xem xét đến lỗi của bị hại, chi phí giám định và chi phí thuê xe đi giám định không thuộc danh mục phải bồi thường; trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào chứng minh thu nhập bị mất của bị hại, một số người làm chứng đã cho biết anh Đ không phải làm nghề cơ khí như anh Đ khai; tỉ lệ thương tích 02% là vết thương nhỏ, đề nghị không xem xét đến khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Hơn nữa bị cáo là người khuyết tật nặng, không thể lao động, thu nhập của gia đình bị cáo chỉ phụ thuộc vào vợ bị cáo, bị cáo còn có02 con còn nhỏ. Đề nghị HĐXX xem xét giảm số tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình bị cáo.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục khẳng định: Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” chứ không phải tự vệ, vì vậy không áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999. Mức bồi thường thiệt hại theo bản án sơ thẩm tuyên là hợp lý và có cơ sở, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo không nói lời sau cùng.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
- Về việc áp dụng pháp luật:
[1] Về việc áp dụng Bộ luật Hình sự để giải quyết vụ án: Hành vi của bị cáo được thực hiện vào ngày 09 tháng 7 năm 2017 tức là trước ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Tội phạm và mức hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là ngang bằng như nhau. Do đó, căn cứ vào Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 Tòa án cấp sơ thẩm xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là đúng quy định của pháp luật.
- Về yêu cầu kháng cáo:
[2] Về hình phạt: Bị cáo có đơn kháng cáo đối với mức hình phạt vì cho rằng bị cáo gây thương tích cho bị hại là do bị hại đánh bị cáo trước, bị cáo đánh bị hại chỉ là tự vệ nên Tòa sơ thẩm tuyên hình phạt 09 tháng cải tạo không giam giữ là quá nặng. Tuy nhiên tài liệu điều tra có trong hồ sơ vụ án cũng như diễn biến thực tế tại phiên tòa phúc thẩm, thấy rằng lời trình bày của bị cáo là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ tính chất vụ án, hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phạm Văn Ch, tuyên mức hình phạt là 09 tháng cải tạo không giam giữ đối với bị cáo là phù hợp, đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ mới nên không có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
[3] Về phần trách nhiệm dân sự: Tòa sơ thẩm đã tính toán các khoản bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, tuyên bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền: 11.890.000 đồng là hợp lý, đúng pháp luật.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử không xét.
[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo là người khuyết tật đặc biệt nặng do đó bị cáo được miễn án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn Ch, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 31 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm p khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Phạm Văn Ch 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục bị cáo nhận được bản án và quyết định thi hành án.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã TL, huyện V, giám sát giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999; các điều 584, 585 và 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Buộc bị cáo Phạm Văn Ch phải bồi thường thiệt hại cho anh Nguyễn Văn Đ do sức khỏe bị xâm phạm là: 11.890.000 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
3. Về án phí: Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 12, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Miễn án phí hình sự, dân sự sơ thẩm và phúc thẩm cho bị cáo Phạm Văn Ch.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 56/2018/HS-PT ngày 19/07/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 56/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/07/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về