TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 55/2018/HS-PT NGÀY 23/01/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 23 tháng 01 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 618/2017/TLPT-HS ngày 10 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Văn T do có kháng cáo của bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.
- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:
Nguyễn Văn T, sinh năm 1996, tại Long An; nơi cư trú: Ấp C1, xã C2, huyện C, tỉnh Long An; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn N1 và bà Nguyễn Thị Đ; có vợ và 0l con, sinh năm 2017. Tiền án: Không.
Tiền sự: Năm 2012, bị Công an xã C2 xử phạt hành chính số tiền 375.000 đồng về hành vi đánh nhau, đến nay bị cáo chưa thi hành nộp phạt.
Bị bắt tạm giam từ ngày 02/7/2017 (có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Phạm Minh T1 và Luật sư Huỳnh Ngọc C3 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long (có mặt).
Người bị hại: Trần Trọng N, sinh năm 1983 (chết);
Người đại diện hợp pháp của người bị hại có kháng cáo: Bà Đặng Thị Thùy T2, sinh năm 1986 (vợ của bị hại N); nơi cư trú: Ấp P1, xã P2, huyện C, tỉnh Long An (có mặt).
Người đại diện hợp pháp của người bị hại không có kháng cáo: Bà Đỗ Thị T3, sinh năm 1954 (mẹ ruột bị hại N); nơi cư trú: Ấp P1, xã P2, huyện C, tỉnh Long An (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đại diện bị hại: Luật sư Phạm Quang K thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 18 giờ ngày 01/7/2017, Trần Khắc Q tổ chức sinh nhật cho con gái tại nhà và mời bạn đến chơi, trong đó có Trần Trọng N. Khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, những người dự sinh nhật ra về, chỉ còn lại Q và N. N đưa cho Q 500.000 đồng rủ đi mua ma túy đá về sử dụng, Q điện thoại cho Hồ Ngọc Sơn Điền
Anh B mua 200.000 đồng ma túy đá. Sau đó, Q chở N đến nhà B, B là con rể của bà Nguyễn Thị Đ, ở chung nhà với bà Đ. Lúc này, Nguyễn Văn T4 điều khiển xe mô tô chở anh ruột là Nguyễn Văn T về trước sân nhà, thấy Q và N đang ngồi tại sân nên hỏi “Mấy anh đi đâu, vô đây tìm ai”, Q nói “tao đang kiếm thằng B, tụi bay muốn đánh lộn hay gì”, hai bên xảy ra cự cãi. Bà Đ kêu T4, T vào nhà ngủ. Sau đó, B mở cửa cho Q vào lấy ma túy đá, bên ngoài N bắt con chó của nhà bà Đ đi ra phía ngoài đường cách nhà bà Đ khoảng 20m, T, T4 và Nguyễn Văn T5 nhìn thấy N ôm con chó của nhà mình nên la lên rồi chạy ra, N bỏ con chó xuống, Q và B trong nhà chạy ra. Hai bên cự cãi, sau đó, Q chở N về nhà, còn T, T4, Thương, B vào nhà ngủ.
Q và N về nhà để xe và sang bên đường đối diện nhà Q để sử dụng ma túy. Sau đó, N nói với Q bị mất 4 triệu đồng và kêu Q lấy xe chở N đi đến nhà bà Đ. Khi đến ngã ba cách nhà bà Đ khoảng 20m, N xuống xe, bẻ một đoạn thân cây đước cầm trên tay đi vào sân nhà bà Đ. Q chạy xe một mình vào nhà gặp B, viện cớ mua thêm 200.000 đồng ma túy đá. Trong nhà bà Đ có T, T4, Thương, nhìn thấy bẻ cây đước nên la lên. B lấy con dao Thái Lan có lưỡi màu trắng, cán dao màu đen, cầm trên tay phải chạy ra chỗ N đang đứng, chém ngang đầu N một dao nhưng không trúng. T chạy vòng ra hồ nước phía sau nhà lấy một cây kéo bằng sắt, cán bọc nhựa màu đen (loại kéo làm cá) để trên nắp hồ nước, chạy đến đâm từ trên xuống, từ phải sang trái trúng vào sau lưng ngay dưới vai N 2 nhát. N bỏ đi ra đường lộ 830. Q lấy xe chạy theo, khi ra đến đường lộ 830, Q thấy N đang ngồi tựa lưng vào thùng rác ở bên đường, máu chảy ra nhiều. Q ôm N lên xe chạy về nhà Q, sau đó chở N đến trạm y tế xã C2. Trên đường đi thấy N mệt và ngồi không vững nên Q để N xuống đường lộ 830, rồi chạy kêu người hỗ trợ và kêu xe ô tô đưa N đi cấp cứu nhưng khi quay lại thì N đã tử vong.
Sau khi dùng kéo đâm trúng vào người N, T mang kéo ra hồ nước phía sau nhà để rửa vết máu dính trên kéo, để kéo lại vị trí cũ. Sáng ngày 02/7/2017, T đến Công an xã C2, huyện C đầu thú.
Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 63 ngày 27/7/2017, Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Long An kết luận nguyên nhân tử vong của Trần Trọng N như sau: Vết thương vùng lưng dài 12cm và 8cm, vết thương thấu ngực, thủng phổi, đứt động mạch gian sườn sau, thần kinh và cơ. Nguyên nhân chết do bị vết thương hở vùng lưng, thấu ngực làm thủng đứt động mạch gian sườn sau, gây choáng chấn thương, sốc mất máu không hồi phục.
Bà Đỗ Thị T3 là mẹ ruột người bị hại Trần Trọng N yêu cầu Nguyễn Văn T bồi thường chi phí mai táng cho Trần Trọng N số tiền 79.900.000 đồng, không yêu cầu khoản nào khác.
Bà Đặng Thị Thùy T2 là vợ của người bị hại Trần Trọng N yêu cầu Nguyễn Văn T trợ cấp tiền nuôi dưỡng cho con anh N là Trần Hoàng Phát Đ1, sinh ngày 10/12/2009 mỗi tháng 3.000.000 đồng cho đến khi cháu Đ1 18 tuổi và yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 28/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội “Giết người”.
Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 45; Điều 33 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn T 9 (chín) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 02/7/2017.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 591 Bộ luật Dân sự 2015;
Ghi nhận sự thỏa thuận giữ bị cáo Nguyễn Văn T và người đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Đỗ Thị T3. Bị cáo Nguyễn Văn T có trách nhiệm bồi thường cho bà Đỗ Thị T3 số tiền 79.900.000 đồng (bảy mươi chín triệu, chín trăm ngàn đồng) chi phí mai táng.
Buộc bị cáo Nguyễn Văn T phải bồi thường cho chị Đặng Thị Thùy T2 số tiền 40.000.000 đồng tổn thất tinh thần.
Buộc bị cáo Nguyễn Văn T có trách nhiệm cấp dưỡng cho Trần Hoàng Phát Đ1, sinh ngày 10/12/2009 (là con của Trần Trọng N đã chết) mỗi tháng 650.000 đồng. Thời gian cấp dưỡng được tính từ tháng 7/2017, cho đến khi cháu Đ1 đủ 18 tuổi do chị Đặng Thị Thùy T2 là mẹ đẻ nhận.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm thi hành án, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/10/2017, bị cáo Nguyễn Văn T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 11/10/2017, người đại diện hợp pháp của bị hại là bà Đặng Thị Thùy T2 có đơn kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo, tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần và mức tiền cấp dưỡng nuôi con bị hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn T và đại diện hợp pháp của người bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến: Kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại trong hạn luật định. Nội dung vụ án đúng như chủ tọa phiên tòa tóm tắt. Quá trình điều tra, xét xử cho thấy nguyên nhân dẫn đến vụ án là nhỏ nhặt, bị cáo sử dụng hung khí là kéo tấn công bị hại dẫn đến cái chết của người bị hại, nguyên nhân tử vong của người bị hại đã được kết luận tại biên bản giám định pháp y. Sau khi phân tích các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về phần hình phạt của bị cáo; kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại yêu cầu tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần, tăng tiền cấp dưỡng nuôi con của người bị hại là có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, chấp nhận.
Các Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn T không đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao cho rằng mâu thuẫn giữa bị cáo và bị hại là nhỏ nhặt vì người bị hại và Q đến mua ma túy nhưng có những lời lẽ đe dọa gia đình bị cáo, sau đó quay lại nhà bị cáo để gây chuyện, khi đến nhà bị cáo thì cầm cây đi vào, từ đó dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Các Luật sư cũng không thống nhất với đề nghị của Viện kiểm sát chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần và tăng mức cấp dưỡng cho con của người bị hại vì vụ án này xuất phát từ chính lỗi của người bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: bị cáo thuộc hộ nghèo, gia đình bị cáo đã vay tiền khắc phục hậu quả 10.000.000 đồng; bị cáo phạm tội trong tình trạng bị kích động mạnh, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải để từ đó áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo mức án dưới khung hình phạt tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện bị hại trình bày: Trong vụ án này, B là người cầm dao chém người bị hại trước, người bị hại chỉ cầm cây đước để chống trả lại B chứ không hề đánh nhau với bị cáo nhưng bị cáo đã dùng kéo chuẩn bị sẵn đâm người bị hại, thể hiện hành vi “phạm tội có tính chất côn đồ”.
Khi người bị hại cầm cây đước đi vào thì bị cáo đã ra hồ nước lấy kéo, cầm sẵn chứ không phải bị cáo đi lấy kéo trong lúc đánh nhau. Bị cáo đã có 01 tiền sự đến nay chưa nộp phạt, thể hiện sự coi thường pháp luật của bị cáo. Do đó, đề nghị áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo với tình tiết tăng nặng là bị cáo phạm tội “có tính chất côn đồ”. Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi xác định B là người làm chứng vì B là người chém bị hại trước bằng dao, vì lẽ phải xác định B là bị cáo trong vụ án. Mặt khác, B còn là anh rể của T, lời khai của B không khách quan, không thể là người làm chứng. Q là người làm chứng duy nhất không có quan hệ thân thích với bị cáo. Tòa sơ thẩm không triệu tập Q tới Tòa dẫn đến Bản án không khách quan. Bị cáo và gia đình bị cáo chưa bồi thường tiền mai táng là 79.900.000 đồng mà chỉ mới bồi thường 10.000.000 đồng nhưng Tòa sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự cho bị cáo là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại, buộc bị cáo bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại 130.000.000 đồng tiền tổn thất tinh thần và cấp dưỡng hàng tháng cho con bị hại 1.500.000 đồng cho đến khi con bị hại 18 tuổi.
Bà Đỗ Thị T3 đại diện hợp pháp của người bị hại trình bày: người bị hại chỉ cầm cây đước nhỏ đi tới và xô xát với B, bị cáo không những không can ngăn mà còn dùng kéo đâm người bị hại tử vong nên đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt đối với bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát tranh luận: Bị cáo không vô cớ tước đoạt tính mạng bị hại, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét người bị hại có lỗi khi cầm cây đước (có khả năng gây thương tích) tới nhà bị cáo gây chuyện nên đã xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự là có căn cứ. Mặc dù gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo nhưng bị cáo đã xâm phạm tính mạng của người khác nên phải bồi thường. Do đó, lời trình bày của những người bào chữa cho bị cáo là không có cơ sở chấp nhận.
Hành vi của B đã được cơ quan điều tra tách ra để xử lý riêng, B và N đánh nhau nhưng chưa có hậu quả xảy ra nên không xem xét xử lý trong vụ án này. Vì vậy, không có căn cứ cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng, bỏ lọt tội phạm như lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 01/7/2017, sau khi dự tiệc sinh nhật tại nhà Trần Khắc Q, Trần Trọng N đã rủ Q đi mua ma túy về để sử dụng. Q chở N đến nhà bà Nguyễn Thị Đ để gặp Hồ Ngọc Sơn Điền Anh B mua ma túy đá. Tại đây đã xảy ra cự cãi giữa Q, N và anh Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn T4. Sau đó, Q vào nhà gặp B còn N đứng ngoài bắt con chó của bà Đ đi ra phía ngoài đường thì bị anh T, anh T4 và anh Đông phát hiện, hai bên tiếp tục xảy ra cự cãi nhưng do được bà Đ can ngăn nên hai bên đi về. Sau khi dùng ma túy, do tức giận N kêu Q chở quay lại nhà bà Đ, vì muốn gây sự nên khi gần tới nhà bà Đ, N đã bẻ 01 cành đước cầm theo đi vào sân nhà bà Đ. Thấy N bẻ cành đước đi vào, B lấy 01 con dao Thái Lan chém ngang đầu N nhưng không trúng, N dùng cây đánh vào người B nhưng cũng không trúng. Do tức giận nên bị cáo đã ra sau nhà lấy 01 cây kéo đi tới đâm liên tiếp 02 nhát vào lưng của N dẫn đến tử vong.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự và tình tiết tăng nặng bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ để xét xử bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy: Người bị hại đến nhà bị cáo gây sự trước, khi vào nhà bị cáo còn bẻ một cành cây (theo kết luận giám định có khả năng gây thương vong) và dùng cây để đánh nhau với B (là người nhà bị cáo) nên bị cáo mới cầm kéo đâm người bị hại, do đó không thể cho rằng người bị hại không có lỗi. Nếu người bị hại không đến nhà bị cáo để gây sự trước thì sẽ không xảy ra hành vi phạm tội của bị cáo, không thể cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là “có tính chất côn đồ” vì hành vi này không phải xuất phát hoàn toàn từ bản thân của bị cáo. Bản án sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo là có căn cứ do đó không chấp nhận yêu cầu của đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị xử phạt bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.
[3] Về phần hình phạt, bản án sơ thẩm đã xem xét hành vi phạm tội của bị cáo cũng như các tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình người bị hại, bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi phạm tội bị cáo đã tự nguyện ra đầu thú, từ đó áp dụng các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự giảm cho bị cáo một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu là có căn cứ. Đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự vì bị cáo chỉ bồi thường cho gia đình người bị hại 10.000.000 đồng chứ chưa bồi thường toàn bộ, tuy nhiên điểm b khoản 1 Điều 46 chỉ quy định về việc bị cáo tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chứ không quy định bị cáo phải bồi thường toàn bộ, khắc phục toàn bộ hậu quả mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày tình tiết mới là người thân của bị cáo đã nộp thêm số tiền 10.000.000 đồng để bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình người bị hại theo quyết định tại bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, do bản án sơ thẩm đã áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Về kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo có nhân thân xấu, có một tiền sự chưa được xóa án tích, thể hiện thái độ coi thường pháp luật nên cần phải áp dụng một mức hình phạt thật nghiêm khắc đối với bị cáo mới đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Xét, với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo, kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại là có cơ sở. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại, tăng hình phạt đối với bị cáo so với mức án sơ thẩm.
[4] Trong vụ án này, Hồ Ngọc Sơn Điền Anh B có hành vi dùng dao chém bị hại khi bị hại cầm cây đước đi vào nhà bị cáo T, tuy nhiên, hành vi của B không gây ra hậu quả gì nên không bị xử lý. Đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy của B, Cơ quan điều tra đã tách ra và chuyển về cho Công an huyện C tiếp tục điều tra xử lý theo thẩm quyền. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm đối với B là không có căn cứ. Đối với Trần Khắc Q, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập Q tham dự phiên tòa sơ thẩm với tư cách người làm chứng nhưng cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của Trần Khắc Q trong quá trình điều tra (Bút lục số 98-101), lời khai của Q không mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác nên việc Q không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị hại cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không khách quan khi không triệu tập Q tham gia phiên tòa sơ thẩm là không có cơ sở chấp nhận.
[5] Xét kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị bị cáo phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho mẹ bị hại, vợ bị hại và con bị hại mỗi người là 130.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy: Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Như vậy, mức bồi thường tối đa cho một người bị thiệt hại về tính mạng là 130.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong vụ án này, do người bị hại cũng có một phần lỗi nên cần phải xem xét một mức bồi thường tương ứng. Do đó, chấp nhận một phần yêu cầu của đại diện hợp pháp người bị hại, buộc bị cáo phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại 78.000.000 đồng do đại diện bà Đặng Thị Thùy T2 nhận.
[6] Về yêu cầu tăng số tiền cấp dưỡng cho con của người bị hại lên 1.500.000 đồng/tháng, Hội đồng xét xử xét thấy: mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Q hội là 1.300.000 đồng, tuy nhiên trách nhiệm nuôi con là của cả hai vợ chồng nên cấp sơ thẩm buộc bị cáo cấp dưỡng cho con của người bị hại là cháu Trần Hoàng Phát Đ1 (sinh ngày 10/12/2009) mỗi tháng 650.000 đồng là có cơ sở. Do đó, không chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng mức cấp dưỡng của đại diện hợp pháp người bị hại.
[7] Bị cáo T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.
[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
1/ Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại, sửa án sơ thẩm.
2/ Về hình phạt: Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 10 (mười) năm tù về tội “Giết người” Thời hạn tù tính từ ngày 02/7/2017.
Tiếp tục tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử để đảm bảo thi hành án.
3/ Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; các Điều 584, 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Ghi nhận thỏa thuận giữa bị cáo Nguyễn Văn T và người đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Đỗ Thị T3. Bị cáo Nguyễn Văn T phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Đỗ Thị T3 số tiền 79.900.000 đồng (bảy mươi chín triệu, chín trăm ngàn đồng) chi phí mai táng.
Buộc bị cáo Nguyễn Văn T bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại do chị Đặng Thị Thùy T2 đại diện nhận số tiền 78.000.000 đồng tiền tổn thất tinh thần.
Buộc bị cáo Nguyễn Văn T phải cấp dưỡng cho trẻ Trần Hoàng Phát Đ1, sinh ngày 10/12/2009 (là con của Trần Trọng N) mỗi tháng 650.000 đồng. Thời gian cấp dưỡng được tính từ tháng 7/2017 cho đến khi cháu Đ1 đủ 18 tuổi do chị Đặng Thị Thùy T2 là mẹ trẻ Đ1 nhận.
Ghi nhận bị cáo đã tự nguyện nộp 15.000.000 đồng (Theo Biên lai thu tiền số 0000854 ngày 13/9/2017 và số 0000930 ngày 17/01/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An).
4/ Về án phí:
Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
Sửa án phí dân sự sơ thẩm, buộc bị cáo phải chịu 300.000 đồng án phí cấp dưỡng và 7.645.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 55/2018/HS-PT ngày 23/01/2018 về tội giết người
Số hiệu: | 55/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về