Bản án 54/2019/HS-PT ngày 16/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 54/2019/HS-PT NGÀY 16/07/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 16 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 63/2019/TLPT-HS, ngày 11/6/2019 đối với bị cáo Nguyễn Tăng G; do có kháng cáo của bị cáo, của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2019/HSST ngày 02/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

- Bị cáo kháng cáo:

Họ và tên: Nguyễn Tăng G, sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh; nơi ĐKHKTT và cư trú: Số nhà 06/27, thôn PT, xã HT, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 9/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn L (đã chết), con bà Lê Thị T (đã chết); có vợ: Trịnh Thị Tr, sinh năm 1958 và có 05 con, lớn nhất sinh năm 1986, nhỏ nhất sinh năm 2000; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại. Có mặt.

- Bị hại kháng cáo: Ông Trần Văn L, sinh năm 1948. Địa chỉ: số 06, tổ 28, thôn PT, xã HT, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Luật sư Lê Cao Tánh - Văn phòng luật sư Bá Tánh thuộc đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người làm chứng: Bà Thới Thị Mai, sinh năm 1952. Địa chỉ: số 06, tổ 28, thôn PT, xã HT, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nhà bị cáo Nguyễn Tăng G và nhà bị hại Trần Văn L có đất vườn giáp ranh với nhau và được xác định ranh giới bằng con mương nước. Gia đình ông Trần Văn L có nuôi gà nhưng không nhốt lại nên nhiều lần gà nhà ông L sang vườn nhà bị cáo để đào bới tìm thức ăn gây thiệt hại hư hỏng một số cây rau màu của bị cáo G, bị cáo G đã nhiều lần nhắc nhở ông L nên giữa hai bên có xảy ra mâu thuẫn cãi vã nhau. Ngày 18/7/2017 khi bị cáo thấy gà nhà ông L bới tìm thức ăn bên vườn của mình nên đã đuổi gà về phía vườn nhà ông L, sau đó bị cáo qua nhà ông L để nói chuyện, hai bên đã xảy ra cãi vã nhau vì ông L cho rằng không phải gà của nhà ông L phá vườn của nhà bị cáo. Đến khoảng 14 giờ ngày 18/7/2017 bị cáo ra vườn thấy có gà ngoài vườn nên mới đuổi bắt được 01 con rồi mang con gà sang nhà ông L để nói chuyện, tuy nhiên nhà ông L đều đi vắng nên bị cáo mới cột con gà ở ngoài cổng nhà ông L. Đến 16 giờ cùng ngày bị cáo ra vườn thấy vợ chồng ông L đang đào mương thuộc phần đất của mình nên bị cáo chạy tới nói: “Ông Năm Lại, đất đó của ai mà ông lại đào”, ông L nói lại: “Tao lấy đất của tao chứ không lấy đất của mày”, hai bên cãi nhau được một lúc thì bị cáo nhặt một khúc cây cà phê dài 1,6m đánh vào đầu ông L một cái, rồi tiếp tục đánh thêm hai cái trúng vào cánh tay trái của ông L làm ông L bị thương, sau đó bị cáo đi về nhà còn ông L được đưa đi cấp cứu.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 206/2017/TgT ngày 03/10/2017 và số 10/2018/TgT ngày 31/01/2018 của Trung tâm y tế tỉnh Lâm Đồng kết luận ông Trần Văn L bị vết thương đỉnh đầu 2cm, gãy đầu trên xương trụ trái mổ kết hợp xương, trật khuỷu tay trái, vết mổ dài 13cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 17%. Tổn thương do vật tày tác động.

Vật chứng của vụ án:

- 01 cây gỗ (cà phê) dài 1,6m, đường kính 4cm do ông Nguyễn Tăng G giao nộp.

- 01 cây tre dài 03m một đầu có đóng một đoạn gỗ dài 25cm do bà Thới Thị Mai giao nộp. Hiện các vật chứng trên được xem xét tại phiên tòa.

Về trách nhiệm dân sự: Bị hại yêu cầu bồi thường số tiền 352.320.632đ bao gồm chi phí điều trị, chi phí xe cộ đi lại, thu nhập thực tế bị mất, công chăm sóc, tổn thất về tinh thần. Bị cáo đã nộp số tiền 10.000.000d để bồi thường một phần thiệt hại.

Tại bản cáo trạng số 29/CT - VKS ngày 18 tháng 01 năm 2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng truy tố Nguyễn Tăng G về tội “Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại bản án số 49/2019/HS-ST ngày 02/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng đã xử: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Tăng G phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, x khoản 1 Điều 51; Điều 54 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Tăng G 12 (Mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 46 Bộ luật Hình sự, Điều 590 Bộ luật Dân sự: Buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền 103.516.201đ (Một trăm lẻ ba triệu năm trăm mười sáu ngàn hai trăm lẻ một đồng). Bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục cho bị hại số tiền 10.000.000đ (Mười triệu đồng) theo biên lai thu số AA/2010/09762 ngày 26/12/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Trọng. Do đó bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho bị hại số tiền 93.516.201đ.

Bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/5/2019 bị hại ông L kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo, tăng mức bồi thường.

Ngày 13/5/2019 bị cáo kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm. Cho rằng bị cáo phòng vệ chính đáng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày: Khi bị cáo đang ở sau vườn nhà thì ông L cầm cuốc nhảy qua bờ rào tấn công bị cáo, lần đầu bị cáo giật được cuốc vứt đi, sau đó ông L tiếp tục nhặt cuốc và rượt đuổi đánh tiếp nên bị cáo cầm cây cà phê chống đỡ nên trúng vào người ông L, hành vi của bị cáo là phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội cố ý gây thương tích như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Bị hại ông L và người bảo vệ quyền lợi bị hại trình bày: Việc Đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng thêm tình tiết thành khẩn khai báo là không đúng, vì bị cáo vẫn cho rằng phòng vệ chính đáng. Hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn và phạm tội với người đủ 70 tuổi trở lên nên phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d, đ, i khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Về trách nhiệm dân sự yêu cầu bị cáo bồi thường cho bị hại tổng số tiền 227.120.632đ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị hại, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, áp dụng thêm cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 và Điều 65 Bộ luật hình sự, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở hồ sơ vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Khoảng 16 giờ 18/7/2018 bị cáo ra vườn thấy vợ chồng ông Lại đang đào mương thuộc phần đất của mình nên bị cáo chạy tới nói: “Ông Năm Lại, đất đó của ai mà ông lại đào”, ông L nói lại: “Tao lấy đất của tao chứ không lấy đất của mày”, hai bên cãi nhau được một lúc thì bị cáo nhặt một khúc cây cà phê dài 1,6m đánh vào đầu ông L một cái, rồi tiếp tục đánh thêm hai cái trúng vào cánh tay trái của ông L làm ông L bị thương, sau đó bị cáo đi về nhà còn ông L được đưa đi cấp cứu. Hậu quả ông Trần Văn L bị vết thương đỉnh đầu 2cm, gãy đầu trên xương trụ trái mổ kết hợp xương, trật khuỷu tay trái, vết mổ dài 13cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 17%.

Bị cáo cho rằng, khi bị cáo đang ở sau vườn nhà thì ông L cầm cuốc nhảy qua bờ rào tấn công bị cáo, bị cáo giật được cuốc vứt đi, sau đó ông L tiếp tục nhặt cuốc và rượt đuổi đánh tiếp nên bị cáo cầm cây cà phê chống đỡ nên trúng vào người ông L, hành vi của bị cáo là phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội cố ý gây thương tích như bản án sơ thẩm đã tuyên là không có căn cứ. Bởi lẽ, tại lời khai ban đầu ngày 18/7/2019; 10/8/2018 và ngày 30/10/2018 tại các bút lục 20; 21; 23 bị cáo khai “Đến 16 giờ cùng ngày tôi ra vườn thấy vợ chồng ông L đang đào mương thuộc phần đất của mình nên tôi chạy tới nói: “Ông Năm Lại, đất đó của ai mà ông lại đào ”, ông L nói lại: “Tao ly đất của tao chứ không ly đất của mày”, hai bên cãi nhau được một lúc thì ông Lại cầm cuốc định phang tôi, tôi tránh và bỏ chạy, nhặt một khúc cây cà phê dài 1,6m, đường kính 4-5 cm phang lại vào người ông L, ông bị té thì tôi không đập nữa..”. Như vậy, hành vi của bị cáo không phải là phòng vệ chính đáng, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi gây thương tích cho bị hại.

Căn cứ vào các lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra, lời khai của bị hại, người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá toàn diện chứng cứ, đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Tăng G phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, không oan sai.

[2] Lời trình bày của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại và bị hại cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn, bị cáo phạm tội với người già để tăng nặng hình phạt đối với bị cáo thì thấy rằng; Tại thời điểm vụ án xảy ra, bị hại chưa đủ 70 tuổi, nguyên nhân xảy ra vụ án do có mâu thuẫn từ lâu, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ tình tiết, tính chất, mức độ của vụ án, tình tiết giảm nhẹ để xử phạt bị cáo mức án trên là phù hợp, nên không chấp nhận kháng cáo của bị hại đề nghị tăng nặng hình phạt.

Đối với kháng cáo tăng mức bồi thường: Người bị hại yêu cầu tăng bồi thường tổng số tiền 227.120.632đ bao gồm các khoản chi phí gồm: Tiền xe cộ đi lại, viện phí trong thời gian điều trị tại bệnh viện và điều trị ngoại trú tại nhà số tiền: 67.720.632đ. Tiền trông nom, chăm sóc tại bệnh viện, tại nhà trong thời gian điều trị và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc là: 21.200.000đ. Tiền tổn thất tinh thần là 1.300.000đ/tháng x 60 tháng = 78.000.000đ. Khoản thu nhập thực tế bị mất của người bị hại, tiền công ngày đêm của người chăm sóc bị hại tính từ ngày bị thương tích 18/7/2017 đến ngày 15/5/2018 là 301 ngày x 200.000đ = 60.200.000đ.

Cấp sơ thẩm đã xác định từng khoản thiệt hại để buộc bị cáo bồi thường số tiền 103.516.201đ là có căn cứ. Riêng khoản tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị tính 500.000đ/ngày là cao. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo nhất trí các khoản bồi thường, chỉ đề nghị xem xét khoản bồi thường tổn thất tinh thần, nhưng xét cấp sơ thẩm buộc bồi thường 30 tháng lương cơ bản là phù hợp.

Bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục cho bị hại số tiền 60.000.000đ (nộp tại Công an Đức Trọng 10.000.000đ ngày 13/11/2017; Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức trọng 50.000.000đ theo các biên lai số AA/2017/0000308 ngày 12/4/2019; số AA/2017/0000331 ngày 07/6/2019; số AA/2017/0000352 ngày 15/7/2019).

Do đó bị cáo còn phải bồi thường tiếp cho bị hại số tiền 43.516.201đ (làm tròn số là 43.516.000đ).

Xét thấy bị cáo sau khi xử sơ thẩm đã nộp thêm 50.000.000đ khắc phục hậu quả, tuy bị cáo cho rằng bị cáo phòng vệ chính đáng nhưng đã khai nhận hành vi của mình, cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo là không đúng, bị cáo là người có công với cách mạng, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến, nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại các điểm b, s, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tuổi đã cao, có nơi cư trú rõ ràng, việc cho bị cáo được hưởng án treo không ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Do vậy, áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội, dưới sự giám sát giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình theo như đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

[8] Về án phí: Bị cáo, bị hại không phải chịu án án phí hình sự phúc thẩm.

Do bị cáo đã bồi thường một phần sau khi xét xử sơ thẩm, nên bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trên số tiền còn phải bồi thường tiếp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị hại; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Tăng G phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s, x khoản 1 Điều 51; Điều 54; Điều 65 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Tăng G 12 (Mười hai) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 24 (Hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Tăng G cho Ủy ban nhân dân xã HT, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án. Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú thì việc Thi hành án thực hiện theo qui định tại khoản 1 điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ các Điều 584, 585, 591 của Bộ luật dân sự: Buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho bị hại số tiền 43.516.000đ (Bốn mươi ba triệu năm trăm mười sáu ngàn đồng).

Tuyên giao số tiền 60.000.000đ (gồm: 10.000.000d theo biên lai AA/2010/09762 ngày 26/12/2017; 5.000.000đ theo biên lai số AA/2017/0000308 ngày 12/4/2019; 35.000.000đ theo biên lai thu số AA/2017/0000331 ngày 07/6/2019; 10.000.000d theo biên lai thu số AA/2017/0000352 ngày 15/7/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Trọng) cho bị hại ông Trần Văn L.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí: Áp dụng Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo, bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo Nguyễn Tăng G phải chịu 2.175.800đ án phí dân sự sơ thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2, Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

381
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 54/2019/HS-PT ngày 16/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:54/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về