TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRẢNG BÀNG, TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 54/2017/HS-ST NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 27 tháng 9 năm 2017 tại Tòa án nhân dân huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 51/2017/TLST-HS, ngày 28 tháng 8 năm 2017 đối với các bị cáo:
1. Đỗ Quốc K, sinh ngày 09/9/2000, tại Tây Ninh; nơi cư trú: Ấp C, xã GB, huyện TB, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; con ông Đỗ Thân H, sinh năm 1975 và bà Nguyễn Thị Tr, sinh năm 1981; vợ, con: Chưa có; tiền sự, tiền án: Không có.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày13/7/2017, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tây Ninh; có mặt.
Người đại diện hợp pháp của bị cáo K:
Ông Đỗ Thân H, sinh năm 1975; địa chỉ: Ấp C, xã GB, huyện TB, tỉnh Tây Ninh và bà Nguyễn Thị Tr, sinh năm 1981; địa chỉ: Ấp LC, xã LG, huyện ĐH, tỉnh Long An; là cha mẹ bị cáo K; có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo K:
Bà Nguyễn Thị Ngọc L - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tây Ninh; có mặt.
2. Hồ Quốc Th, sinh ngày 22/6/1997, tại Tây Ninh; nơi cư trú: Ấp LT, xã GL, huyện TB, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hoá: 8/12; dân tộc: Kinh; con ông Hồ Văn G, sinh năm 1975 và bà Đỗ Thị Mỹ H, sinh năm 1975; vợ, con: Chưa có; tiền sự, tiền án: Không có. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 13/7/2017, hiện đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh; có mặt.
3. Trần Quốc T, sinh ngày 08/5/1999, tại Tây Ninh; nơi cư trú: Ấp PH, xã GB, huyện TB, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Không có; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; con ông Trần Quốc C, sinh năm 1976 và bà Nguyễn Thị Thu T, sinh năm 1979; vợ, con chưa có; tiền sự, tiền án: Không có.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 13/7/2017, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tây Ninh; có mặt.
Bị hại: Anh Nguyễn Thành Tr, sinh ngày 28/8/2001; có mặt.
Người đại diện hợp pháp của bị hại:
Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1964, là mẹ của bị hại Tr; có mặt. Cùng địa chỉ cư trú: Ấp AQ, xã AH, huyện TB, tỉnh Tây Ninh. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Tr:
Ông Huỳnh Văn S –Cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tây Ninh; có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 05/02/2017, bị cáo Đỗ Quốc K nhìn thấy Trần Thị Thanh T ăn lẩu tại quán ăn TH dưới chân Cầu Quan do bà Nguyễn Thị Ch làm chủ cùng với nhân viên quán cà phê NS gồm Nguyễn Thành Tr, sinh ngày 28/8/2001; Lý Kim S, sinh năm 1974; Trần Thị Kim M, sinh năm 1976; Lý Nghi B, sinh năm 2003; Lý Ngạn B, sinh năm 1995, cùng ngụ ấp AQ, xã AH, huyện TB, tỉnh Tây Ninh; Hà Thanh Đ, sinh năm 1990, thường trú: ấp AP, xã AH, huyện CT, tỉnh An Giang, tạm trú: Ấp An Quới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Bị cáo K nhìn thấy T đùa giỡn với Tr nên bị cáo K điện thoại yêu cầu T về nhưng T không đồng ý.
Vì ghen tức bị cáo K điện thoại cho bị cáo Trần Quốc T đến nhà bị cáo K lấy con dao Thái Lan dài khoảng 25cm, cán bằng gỗ dài khoảng 10cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng dài khoảng 15cm, phần đầu lưỡi dao nhọn, chiều ngang lưỡi dao khoảng 02cm, con dao được bỏ trong rỗ trên ghế đá trước nhà bị cáo K; bị cáo K yêu cầu bị cáo T đem dao đến Cầu Quan đưa cho bị cáo K làm hung khí gây thương tích cho Tr thì được bị cáo T đồng ý. Lúc này bị cáo T đang ở cùng bị cáo Hồ Quốc Th; Trần Quốc A, sinh năm 2001 (em ruột bị cáo T); Trần S, sinh năm 2001; Nguyễn Phước Vĩnh A, sinh năm 1997, cùng ngụ ấp Chánh, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Phan Thanh Q, sinh năm 2001, ngụ ấp BN, xã GB, huyện TB, tỉnh Tây Ninh và 03 người nữ là bạn gái của S, Vĩnh A, Quốc A chưa xác định được lai lịch địa chỉ, nên bị cáo T nói cho cả nhóm biết và yêu cầu cả nhóm đến Cầu Quan để gặp và hỗ trợ cho bị cáo K thì tất cả đồng ý. Sau đó bị cáo T về nhà bị cáo K, khoảng 30 phút sau, bị cáo T và cả nhóm đến Cầu Quan gặp bị cáo K. Bị cáo T đưa con dao Thái Lan cho bị cáo K. Vì biết Q mang bình xịt hơi cay bên người nên bị cáo K yêu cầu Q đưa bình xịt hơi cay cho bị cáo K thì được Q đồng ý.
Khi đến trước quán TH, bị cáo K không cho mọi người đi vào cùng, một mình cầm con dao Thái Lan và bình xịt hơi cay đi vào quán TH gây thương tích cho Tr. Lúc này bị cáo Th và bị cáo T sợ bị cáo K đi một mình bị nhóm của Tr đánh nên mới chạy theo cùng bị cáo K đi vào gây thương tích cho Tr.
Vào quán TH, bị cáo K thấy Tr đang ngồi trên ghế nhựa màu đỏ, bị cáo K cầm dao bằng tay phải chạy đến phía sau Tr dùng dao đâm từ trên xuống thì Tr đưa tay lên đỡ làm con dao đâm trúng mặt sau cẳng tay phải của Tr, thấy vậy Đ cầm ghế nhựa định đánh bị cáo K thì bị bị cáo T nhặt 01 vỏ chai bia đánh trúng đầu Đ 01 cái. Lúc này bị cáo Th tay trái cầm chai nước ngọt, tay phải cầm ghế nhựa giơ lên đe dọa để cho bị cáo K và bị cáo T bỏ chạy,bị cáo T bỏ chạy đến Cầu Quan, lấy xe mô tô chở bị cáo K chạy đến Cầu GD thuộc huyện GD, tỉnh Tây Ninh, tại đây bị cáo K ném con dao và bình xịt hơi cay xuống sông. Nguyễn Thành Tr, sau khi bị thương tích được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu và điều trị đến ngày 09/02/2017 xuất viện về yêu cầu xử lý các bị cáo K, T và Th theo pháp luật.
Đến ngày 02/3/2017, Công an huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mời bị cáo K làm việc thì bị cáo K giao nộp 01 con dao xếp dài 22cm, cán bằng nhựa màu đen dài 12cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng dài 10cm, có 01 mép sắc bén, phần rộng nhất gần cán dao là 2,2cm, phần kết nối giữa lưỡi dao và cán dao bị hư hỏng và khai đây là con dao bị cáo K dùng để gây thương tích cho Tr. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra xác định con dao xếp bị cáo K giao nộp này không phải là hung khí trong vụ án.
Đến ngày 13/7/2017, các bị cáo K, T và Th cùng đồng phạm có hành vi giết người tại ấp AH, xã AH, huyện TB, tỉnh Tây Ninh, hiện đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh tạm giữ để điều tra.
* Kết luận giám định:
- Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 101/2017/TgT ngày 11/5/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Tây Ninh, kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Nguyễn Thành Tr, sinh năm 2001 do thương tích gây nên hiện tại là 12%.
* Vật chứng thu giữ:
- 01 (một) con dao xếp dài 22cm, cán bằng nhựa màu đen dài 12cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng dài 10cm, có 01 mép sắc bén, phần rộng nhất gần cán dao là 2,2cm, phần kết nối giữa lưỡi dao và cán dao bị hư hỏng (do bị cáo K giao nộp). Đã trả lại cho ông Đỗ Thân H, sinh năm 1975, là cha bị cáo K.
- Đối với 01 (một) con dao Thái Lan dài khoảng 25cm, cán bằng gỗ dài khoảng 10cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng dài khoảng 15cm, phần đầu lưỡi dao nhọn, chiều ngang lưỡi dao khoảng 02cm và 01 (một) bình xịt hơi cay, sau khi gây án xong bị cáo K đã vứt bỏ tại khu vực cầu GD, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức truy tìm nhưng không thu giữ được.
* Trách nhiệm dân sự: Bị hại Nguyễn Thành Tr yêu cầu các bị cáo K, T và Th bồi thường các chi phí do thương tích gây ra, số tiền 20.000.000 đồng.
Tại phiên tòa các bị cáo K, T và Th thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung vụ án đã nêu và đồng ý bồi thường thiệt hại như yêu cầu của bị hại Tr và bà Nguyễn Thị C.
Người bào chữa cho bị cáo K: Thống nhất với tội danh và các tình tiết giảm nhẹ của đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo K. Tuy nhiên, đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội đối với trẻ em theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự là không phù hợp vì:
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự: Trong trường hợp này nên áp dụng tình tiết định khung, không áp dụng tình tiết tăng nặng; chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng trong trường hợp tình tiết này không có quy định trong tình tiết định khung. Ngoài ra, bị cáo K được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo K.
Bị hại Nguyễn Thành Tr và bà Nguyễn Thị C người đại diện hợp pháp của bị hại trình bày: Trước khi khai mạc phiên tòa, ông H (cha của bị cáo K) đã bồi thường cho bị hại số tiền 1.000.000 đồng. Vì vậy, bà C có yêu cầu giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo. Tại phiên tòa, bị hại yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường số tiền 19.000.000 đồng. Ngoài ra, bị hại không yêu cầu các bị cáo bồi thường thêm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Thống nhất với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về tội danh và điều luật áp dụng. Đối với yêu cầu của bị hại, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.
Bản Cáo trạng số 54/QĐ-KSĐT, ngày 25/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh truy tố các bị cáo Đỗ Quốc K, Trần Quốc T và Hồ Quốc Th về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như nội dung bản Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69, Điều 74; điểm h khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự;
Xử phạt bị cáo Đỗ Quốc K từ 30 đến 36 tháng tù.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69, Điều 74; điểm h khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự;
Xử phạt bị cáo Trần Quốc T từ 24 đến 30 tháng tù.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm h khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự;
Xử phạt bị cáo Hồ Quốc Th từ 24 đến 30 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 586 và Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015;
Đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận yêu cầu của bị hại; các bị cáo có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho bị hại số tiền 19.000.000 đồng.
Các bị cáo nói lời nói sau cùng: Đề nghị Hội đồng xét xử xử nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Trảng Bàng, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bàng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Hình sự. Bị cáo, bị hại, những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Xét hành vi của các bị cáo thấy rằng: Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với chứng cứ, tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định: Vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 05/02/2017, bị cáo Đỗ Quốc K nhìn thấy Trần Thị Thanh T ăn lẩu cùng với bị hại Nguyễn Thành Tr tại quán ăn TH dưới chân Cầu Quan do bà Nguyễn Thị Ch làm chủ. Chỉ vì ghen tức bị cáo K đã điện thoại cho bị cáo Trần Quốc T đến nhà bị cáo K lấy con dao Thái Lan đem đến Cầu Quan đưa cho bị cáo K làm hung khí gây thương tích cho Tr thì được bị cáo T đồng ý. Lúc này bị cáo T đang ở cùng bị cáo Hồ Quốc Th, Trần Quốc A, Trần S, Nguyễn Phước Vĩnh A, Phan Thanh Q và 03 người nữ là bạn gái của S, Vĩnh A, Quốc A chưa xác định được lai lịch địa chỉ, nên bị cáo T nói cho cả nhóm biết và yêu cầu cả nhóm đến Cầu Quan để gặp và hỗ trợ cho bị cáo K thì tất cả đồng ý. Đến khoảng 23 giờ 30 phút, bị cáo T, bị cáo Th và cả nhóm đến Cầu Quan gặp bị cáo K, bị cáo T đưa con dao Thái Lan cho bị cáo K, biết Q mang bình xịt hơi cay bên người nên bị cáo K yêu cầu Q đưa bình xịt hơi cay cho bị cáo K thì được Q đồng ý.
Đến trước quán TH, bị cáo K, bị cáo Th và bị cáo T đi vào quán TH, bị cáo K cầm dao bằng tay phải chạy đến phía sau Tr dùng dao đâm từ trên xuống thì Tr đưa tay lên đỡ làm con dao đâm trúng mặt sau cẳng tay phải của Tr, thấy vậy Đ cầm ghế nhựa đánh bị cáo K thì bị bị cáo T nhặt 01 vỏ chai bia đánh trúng đầu Đ 01 cái, bị cáo Th tay trái cầm chai nước ngọt, tay phải cầm ghế nhựa giơ lên đe dọa để cho bị cáo K và bị cáo T bỏ chạy.
Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa các bị báo K, T và Th thừa nhận hành vi phạm tội như đã nêu. Bị cáo K là người chủ mưu, bị cáo K biết dao là hung khí nguy hiểm nhưng chỉ vì ghen tức cá nhân, với bản tính côn đồ, xem thường pháp luật, bị cáo K đã có hành vi dùng dao đâm 01 cái trúng mặt sau cẳng tay phải của bị hại Tr (Tr được 15 năm 05 tháng 08 ngày tuổi, là trẻ em), tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại Tr do thương tích gây nên hiện tại là 12%. Đối với bị cáo T và bị cáo Th, các bị cáo nhận biết được hành vi dùng dao hung khí nguy hiểm đâm người là nguy hiểm và vi phạm pháp luật nhưng không can ngăn bị cáo K, ngược lại, các bị cáo còn giúp sức cho bị cáo K thực hiện hành vi phạm tội. Do các bị cáo phạm tội với các tình tiết như: Dùng hung khí nguy hiểm; đối với trẻ em; có tính chất côn đồ; quy định tại điểm a, d, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự gây thương tích cho bị hại Tr là 12% nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Do đó, đủ cơ sở kết luận các bị cáo K, T và Th đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
[3] Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, cụ thể:
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự ở địa phương.
Tính chất vụ án nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo gây nguy hại lớn cho xã hội. Cần xử lý nghiêm các bị cáo để đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng điểm h khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo. Tuy nhiên, lời đề nghị của người bào chữa cho bị cáo K xét thấy có căn cứ nên không áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự mà áp dụng tình tiết định khung theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ngoài ra, bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại có yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Do đó, các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Riêng bị cáo K đã tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo K theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Đối với các bị cáo K, T khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo là người chưa thành niên, do đó khi áp dụng hình phạt đối với các bị cáo K, T cần áp dụng Điều 69, 74 để xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Mặt khác, khi so sánh khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 và khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, thấy rằng quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 có mức hình phạt nhẹ hơn; căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo khi áp dụng hình phạt.
Người bào chữa cho bị cáo K đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo K. Thấy rằng, bị cáo K phạm tội với các tình tiết: Dùng hung khí nguy hiểm; đối với trẻ em; có tính chất côn đồ; quy định tại điểm a, d, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự nên Hội đồng xét xử không áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo K.
Đối với hành vi của bị cáo T dùng vỏ chai bia đập 01 cái trúng vào đầu của Đ nhưng Đ đã từ chối giám định thương tật, không yêu cầu bị cáo T bồi thường và cũng không yêu cầu xử lý hình sự nên không đủ cơ sở để xử lý. Do đó, Hội đồng xét xử không đưa Đ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đối với Trần Quốc A, Trần S, Nguyễn Phước Vĩnh A và 03 người nữ (không rõ lai lịch địa chỉ) mặc dù biết bị cáo K đi gây thương tích cho Tr, nhưng khi đến quán bị cáo K không cho vào quán để gây thương tích và cũng không tham gia gây thương tích nên không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi của Phan Thanh Q đưa bình xịt hơi cay cho bị cáo K. Mặc dù biết bị cáo K sử dụng bình xịt hơi cay để gây thương tích cho bị hại nhưng Q sinh ngày 14/02/2001 (dưới 16 tuổi) chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, Công an huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã xử phạt hành chính đối với Q là phù hợp.
[4] Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự; Điều 586, 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Các bị cáo K, T và Th có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho bị hại Tr số tiền 20.000.000 đồng. Trong vụ án này, bị cáo K là người trực tiếp gây ra thiệt hại cho bị hại Tr nên bị cáo K có nghĩa vụ bồi thường số tiền 10.000.000 đồng, bị cáo T bồi thường số tiền 5.000.000 đồng, bị cáo Th bồi thường số tiền 5.000.000 đồng.
Do ông H, cha của bị cáo K đã bồi thường cho bị hại được số tiền 1.000.000 đồng nên bị cáo K có nghĩa vụ tiếp tục bồi thường số tiền 9.000.000 đồng cho bị hại. Trường hợp bị cáo K không có đủ tài sản để bồi thường thì ông Đỗ Thân H và bà Nguyễn Thị Tr phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
[5] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Ghi nhận ông Đỗ Thân H (cha bị cáo K) đã nhận lại: 01 (một) con dao xếp dài 22cm, cán bằng nhựa màu đen dài 12cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng dài 10cm, có 01 mép sắc bén, phần rộng nhất gần cán dao là 2,2cm, phần kết nối giữa lưỡi dao và cán dao bị hư hỏng (do bị cáo K giao nộp).
[6] Về án phí: Áp dụng Điều 98 và 99 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Bị cáo K, T và Th mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo K phải chịu 500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo T, Th mỗi bị cáo phải chịu 250.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố các bị cáo Đỗ Quốc K, Trần Quốc T, Hồ Quốc Th phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69, Điều 74 của Bộ luật Hình sự năm 1999;
Xử phạt bị cáo Đỗ Quốc K 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 13/7/2017.
Áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 69, Điều 74 của Bộ luật Hình sự năm 1999;
Xử phạt bị cáo Trần Quốc T 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 13/7/2017.
Áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999;
Xử phạt bị cáo Hồ Quốc Th 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 13/7/2017.
2. Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự; Điều 586, 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Các bị cáo K, T và Th có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho bị hại Tr số tiền 20.000.000 đồng. Trong đó, bị cáo K có nghĩa vụ bồi thường số tiền 10.000.000 đồng, bị cáo T bồi thường số tiền 5.000.000 đồng, bị cáo Th bồi thường số tiền 5.000.000 đồng. Ghi nhận ông H cha của bị cáo K đã bồi thường cho bị hại được số tiền 1.000.000 đồng; bị cáo K có nghĩa vụ tiếp tục bồi thường số tiền 9.000.000 đồng. Trường hợp bị cáo K không có đủ tài sản để bồi thường thì ông Đỗ Thân H và bà Nguyễn Thị Tr phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Ghi nhận ông Đỗ Thân H (cha bị cáo K) đã nhận lại: 01 (một) con dao xếp dài 22cm, cán bằng nhựa màu đen dài 12cm, lưỡi bằng kim loại màu trắng dài 10cm, có 01 mép sắc bén, phần rộng nhất gần cán dao là 2,2cm, phần kết nối giữa lưỡi dao và cán dao bị hư hỏng (do bị cáo K giao nộp).
4. Về án phí: Áp dụng Điều 98 và 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Bị cáo K, T và Th mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo K phải chịu 500.000 (năm trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bị cáo T, Th mỗi bị cáo phải chịu 250.000 (hai trăm năm mươi nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
5. Các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
6. Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 54/2017/HS-ST ngày 27/09/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 54/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Trảng Bàng - Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về