Bản án 52/2021/DS-PT ngày 08/09/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 52/2021/DS-PT NGÀY 08/09/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày từ ngày 07 đến ngày 08 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 21/2021/TLPT-DS ngày 23 tháng 04 năm 2021 về tranh chấp thừa kế tài sản.

Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 04 tháng 03 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 295/2021/QĐ-PT ngày 23 tháng 07 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên toà số 315/QĐPT-TA ngày 23 tháng 8 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Trần Thị A, sinh năm 1970; nơi cư trú: Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên toà, vắng mặt khi tuyên án;

2. Bà Trần Thị E, sinh năm 1972; nơi cư trú: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên toà;

3. Bà Trần Thị G, sinh năm 1980; nơi cư trú: Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên toà 4. Bà Trần Thị H, sinh năm 1984; nơi cư trú: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên toà;

- Bị đơn:

1. Ông Trần Văn I (tên gọi khác là Trần Quốc I), sinh năm 1976; nơi cư trú:

Thôn G, xã N, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trần Thị K, sinh năm 1968;

2. Ông Trần Văn L, sinh năm 1965;

Cùng nơi cư trú: Thôn G, xã N, , huyện D, thành phố Hải Phòng; bà K có mặt tại phiên toà, vắng mặt khi tuyên án; ông L vắng mặt tại phiên toà;

3. Bà Phạm Thị M, sinh năm 1976; nơi cư trú: Thôn G, xã N, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người kháng cáo:

1. Bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H là nguyên đơn;

2. Ông Trần Văn I là bị đơn.

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện nhận ngày 18/03/2019; Đơn khởi kiện bổ sung ngày 05/09/2019; bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm, các nguyên đơn - bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H thống nhất trình bày:

Bố mẹ của các nguyên đơn là cụ Trần Quốc O (chết năm 1989) và cụ Nguyễn Thị P (tức Trần Thị P) – chết năm 2010. Cụ O và cụ P sinh được 6 người con là bà Trần Thị K, bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, ông Trần Quốc I, bà Trần Thị G và bà Trần Thị H. Khi còn sống, cụ O và cụ P tạo dựng được khối tài sản chung là ngôi nhà cấp 4 ba gian mái lợp ngói diện tích khoảng 50,0m2 xây dựng trên diện tích đất 1.144m2 tại thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24; địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng. Cụ O và cụ P chết không để lại di chúc. Năm 2004, khi cụ P còn sống đã cắt cho con gái là bà Trần Thị K diện tích đất là 115,0m2 nên diện tích đất còn lại là 1.029m2. Bà K và chồng là ông Phạm Văn Q đã xây dựng tường bao và sinh sống trên diện tích đất được cho từ năm 2004 cho đến nay. Phần diện tích đất còn lại sau khi cụ P chết, thì vợ chồng ông I, bà M quản lý, sử dụng. Diện tích đất này chỉ có trích đo mang tên cụ Trần Thị P và hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2010, sau khi cụ P chết thì bà H tiếp tục canh tác ruộng đất của cụ O và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất từ năm 2010 cho đến nay. Năm 2019, vợ chồng ông I, bà M đã san lấp diện tích đất ao (khoảng 50,0m2), xây tường bao xung quanh đất và cũng tự ý phá căn nhà ba gian của cụ O, cụ P xây dựng ngôi nhà mới như hiện nay (trị giá căn nhà khoảng 50.000.000 đồng) mà không hỏi ý kiến của các đồng thừa kế. Khi biết ông I tự ý phá ngôi nhà của cụ O và cụ P để xây dựng nhà mới, các nguyên đơn không đồng ý và có ý kiến thì ông I cho rằng các chị em gái không có quyền về đòi đất của bố mẹ, đồng thời có những lời nói không hay xúc phạm đến các cụ. Sau đó, ông I đã đến từng nhà chị em ruột chửi bới, từ mặt và không nhận chị em, con cháu. Trước khi cụ P chết, ông I cũng đã nhiều lần xúc phạm các đồng thừa kế nhưng vì nghĩ chị em trong nhà nên các nguyên đơn đã bỏ qua mọi chuyện để tránh mâu thuẫn. Tuy nhiên, lần này thì các nguyên đơn không thể chấp nhận được cách cư xử của ông I nên ngày 27/12/2018, các nguyên đơn đã có đơn đề nghị Uỷ ban nhân dân xã C giải quyết. Ngày 21/01/2019, Uỷ ban nhân dân xã C đã tổ chức hoà giải nhưng không có kết quả. Do vậy, các nguyên đơn làm đơn khởi kiện đề nghị Toà án giải quyết phân chia di sản thừa kế diện tích đất của cụ O và cụ P để lại là 1.029m2 cho các đồng thừa kế theo quy định pháp luật. Đối với căn nhà của cụ O, cụ P, ông I đã phá có giá trị 50.000.000 đồng, đề nghị Toà án phân chia cho mỗi người được hưởng 10.000.000 đồng.

Tại bản tự khai ngày 29/09/2019, ngày 30/9/2019 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn – ông Trần Văn I; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Phạm Thị M thống nhất trình bày:

Ông I và bà M có quan hệ vợ chồng. Vợ chồng ông I và bà M chung sống cùng cụ P trên diện tích đất của cụ P và cụ O. Về quan hệ huyết thống trong gia đình, ông I xác nhận lời trình bày của các nguyên đơn là đúng. Tuy nhiên, ông I bổ sung thêm, trước khi lấy cụ P thì cụ O đã có vợ là cụ Nguyễn Thị R. Cụ O và cụ R có người con chung là bà Trần Thị S. Khi bà S mới được 01 tuổi thì cụ R và bà S đã chết (cùng một ngày) do chiến tranh. Sau khi cụ R và bà S chết thì cụ O lại kết hôn với cụ P. Về nguồn gốc diện tích đất hiện các nguyên đơn đang tranh chấp là do Hợp tác xã cấp cho cụ O và cụ R, sau này cụ O và cụ P sinh sống trên diện tích đất này. Tài sản của cụ O và cụ P để lại là diện tích đất 1.144m2, trên đất có một ngôi nhà ba gian cấp 4 diện tích khoảng 70,0m2 được xây dựng vào năm 1975. Khi đến tuổi trưởng thành, các chị em ông I đi lấy chồng, chỉ có ông I là ở lại. Đến năm 2000, ông I lấy vợ là bà M, vợ chồng ông I, bà M ở cùng với cụ P trên thửa đất của các cụ. Sau thời điểm cụ O chết, cụ P đã tự phân chia cho bà Trần Thị K diện tích đất 115,0m2 trong tổng diện tích đất 1.144,0m2 mà không hỏi ý kiến của các con về việc này. Vì vậy, ông I đề nghị Toà án nhập cả diện tích đất 115,0m2 mà cụ P đã cắt chia cho bà K vào diện tích đất của các cụ để chia di sản thừa kế cho các đồng thừa kế. Đề nghị Toà án chia lại vị trí diện tích đất bà K được sử dụng để mở rộng ngõ đi chung vào khu đất. Sau khi cụ P chết thì ông I, bà M đã quản lý di sản thừa kế của cụ O và cụ P để lại. Nay các nguyên đơn khởi kiện, ông I đề nghị Toà án phân chia di sản thừa kế của cụ O và cụ P theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng ông I. Ông I không đồng ý yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế đối với ngôi nhà của các cụ để lại. Sở dĩ ông I phải phá dỡ ngôi nhà này là vì ngôi nhà đã xuống cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng của những người trong gia đình nên vợ chồng ông I phải xây dựng nhà mới để ở và có nơi thờ cúng. Quá trình sử dụng thửa đất thì ông I, bà M đã san lấp ao, tôn tạo đất, xây tường bao và xây mới căn nhà như hiện nay.

Tại bản tự khai ngày 16/09/2019, biên bản lấy lời khai ngày 21/10/2019 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Trần Thị K và ông Phạm Văn Q thống nhất trình bày:

Bà K và ông L có mối quan hệ vợ chồng. Về quan hệ huyết thống trong gia đình, bà K xác nhận lời trình bày của các nguyên đơn là đúng. Sau khi kết hôn, ông L ở rể tại nhà bà K và đã được cụ P tách cho diện tích đất là 115,0m2 trong tổng số diện tích đất của cụ P và cụ O tại Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng. Sau khi được cụ P cho đất thì vợ chồng ông L, bà K đã làm nhà ở. Đến năm 2014, Uỷ ban nhân dân huyện D đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Trần Thị K được quyền sử dụng diện tích đất là 115,0m2, thửa đất số 388B, tờ bản đồ số 24; địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng. Sau khi cụ P chết thì vợ chồng ông I, bà M quản lý sử dụng diện tích đất còn lại của các cụ. Đến cuối năm 2018, vợ chồng ông I đã lấp ao và đến đầu năm 2019 thì vợ chồng ông I phá nhà cũ của cụ O, cụ P để xây dựng nhà mới. Bà K đã nhiều lần góp ý nhưng vợ chồng ông I không nghe. Nay nguyên đơn khởi kiện về việc yêu cầu chia di sản thừa kế, bà K đề nghị Toà án không phân chia diện tích đất mà cụ P đã cắt cho bà K và giao cho bà K tiếp tục quản lý, sử dụng.

Với nội dung như trên, tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 04/03/2021, Tòa án nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào Điều 609, Điều 610, Điều 611, Điều 612, Điều 613, Điều 614, Điều 623, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 660, điểm d khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 95, Điều 99, Điều 167, điểm d khoản 1 Điều 169 của Luật Đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn: Giao cho bà H được quyền quản lý sử dụng diện tích đất 152,5m2, trị giá 381.250.000 đồng; Giao cho bà Trần Thị G được quyền 148.6m2, trị giá 371.500.000 đồng; Giao cho bà Trần Thị A 148,3m2, trị giá 370.750.00 đồng; Giao cho bà Trần Thị E 146,4m2, trị giá 366.000.000 đồng; Giao cho ông Trần Văn I 309,4m2, trị giá 773.500.000 đồng; Giao cho bà Trần Thị K 124,7m2, trị giá 331.750.000 đồng và toàn bộ tài sản trên đất do ông L, bà K tạo lập gồm: Một nhà cấp 4, cây cối hoa màu tại thửa đất số 388B (có sơ đồ kèm theo). Vợ chồng bà K, ông L; bà A; bà E; bà G và bà H; vợ chồng ông I, bà M được quyền sử dụng lối đi chung có diện tích là 114,1m2. Đối với diện tích đất 145,3m2 hiện các con cụ O sử dụng là rãnh thoát nước của nhà nước, khi nào nhà nước có chủ trương thu hồi thì họ phải có trách nhiệm chấp hành quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Buộc ông I, bà M có trách nhiệm tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất đã phân chia cho các đồng thừa kế theo bản án. Buộc ông I phải thanh toán cho mỗi người số tiền là 10.000.000 đồng (là giá trị của căn nhà cấp 4 mái ngói ba gian của cụ O và cụ P). Tiếp tục áp dụng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2019/QĐ-ADBPKCTK ngày 09/10/2019 của Toà án nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang có tranh chấp đối với ông Trần Văn I cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Người được phân chia quyền sử dụng đất có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, lãi suất chậm thi hành án và tuyên quyền kháng cáo đối với các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17 tháng 03 năm 2021, bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại do việc phân chia di sản thừa kế không công bằng giữa các đồng thừa kế, việc chia ngõ đi chung không hợp lý.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19 tháng 03 năm 2021, ông Trần Văn I kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa hoặc huỷ bản án sơ thẩm. Lý do của việc kháng cáo: Bản án dân sự sơ thẩm phân chia di sản thừa kế không khách quan, không phù hợp với thực tế và các quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông I và gia đình ông I. Toà án cấp sơ thẩm đã phân chia di sản thừa kế ông I được hưởng đúng vị trí vợ chồng ông I đã xây nhà mới nhưng lại không huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời mà vẫn tiếp tục áp dụng là không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật. Việc phân chia diện tích ngõ đi cũng không hợp lý, cụ thể là ngõ tiếp giáp với diện tích đất của bà K là 3,06m nhưng phần cuối ngõ qua gia đình ông I chỉ có 2,0 m, diện tích ngõ là quá hẹp không đảm bảo việc đi lại cho gia đình ông I và các đồng thừa kế khác. Các diện tích đất Toà án phân chia cho các đồng nguyên đơn là không đúng, không có căn cứ, không phù hợp với quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19 tháng 03 năm 2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện D đã có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01 QĐKNPT/VKS/DS đối Bản án sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 14/03/2021 của Toà án nhân dân huyện D, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử sửa bản án sơ thẩm nêu trên của Toà án nhân dân huyện D theo hướng chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế còn lại của cụ O, cụ P là 1.029m2, không buộc bà K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 15.587.500 đồng (đối với diện tích đất bà K được quyền quản lý sử dụng). Lý do kháng nghị: Quyết định của bản án đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người có quyền, lợi ích nghĩa vụ liên quan bởi lẽ: Năm 2004, cụ P đã chia tách diện tích đất 115,0m2 cho bà K, Uỷ ban nhân dân huyện D đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị K vào ngày 28/07/2004, vợ chồng bà K đã xây dựng công trình nhà ở trên đất, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước mà không có tranh chấp. Do vậy, di sản của cụ O, cụ P để lại chỉ còn 1.029m2 và trị giá căn nhà ba gian lợp ngói. Bản án sơ thẩm đã chia di sản thừa kế của cụ O, cụ P đối với diện tích đất 1.144,0m2 mà không trừ diện tích đất 115,0m2 đã tách cho bà K thuộc thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24 là không đúng. Toà án sơ thẩm lại chia cho bà K 124,7m2 là diện tích cụ P đã chia tách cho bà K khi cụ P còn sống đồng thời tuyên bà K phải chịu án phí sơ thẩm đối với tài sản được hưởng là 15.587.500 đồng là không đúng, gây thiệt hại cho đương sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử phân chia diện tích đất cho các đồng thừa kế bằng nhau và chia lại ngõ đi chung rộng 2,5m, về vị trí diện tích đất bản án sơ thẩm đã phân chia cho các nguyên đơn, các nguyên đơn đồng ý.

Ông I, bà M giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bị đơn xác nhận cụ O và cụ P để lại ngôi nhà đúng như các nguyên đơn đã trình bày. Tuy nhiên, thời điểm bị đơn phá ngôi nhà này thì ngôi nhà đã bị hư hỏng, không thể sử dụng được. Bản án sơ thẩm vẫn quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời – cấm thay đổi hiện trạng trong khi vợ chồng ông I, bà M đã xây dựng nhà mới là không đúng. Về diện tích là ngõ đi chung là quá hẹp, không thuận tiện cho việc sử dụng ngõ đi chung của các đồng thừa kế nên nếu phải phân chia đề nghị Hội đồng xét xử để ngõ đi chung rộng 2,5m. Việc phân chia phần di sản thừa kế cho mỗi đồng thừa kế là cũng không phù hợp.

Tại phiên toà, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà K từ chối nhận di sản thừa kế của cụ O, cụ P để lại vì khi cụ P còn sống đã cắt chia cho bà K một phần diện tích đất để sử dụng và đã được cấp giấy chứng nhận từ năm 2004.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo, kháng nghị: Giữ nguyên Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 19/3/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện D, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, chấp nhận một phần kháng cáo của các nguyên đơn và bị đơn. Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 19/3/2021 đã phân tích.

- Về tố tụng:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do vụ án có kháng cáo, kháng nghị nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng - quy định tại khoản 5 Điều 26; điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

[2] Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế: Cụ O chết năm 1989 (trước ngày 10/9/1990), cụ P chết năm 2010. Vụ án được thụ lý vào ngày 17/9/2019 nên theo quy định tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015 còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế.

- Xét kháng cáo của các nguyên đơn – bà E, bà H, bà A và bà G; bị đơn – ông Trần Văn I và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng:

[3] Nghiên cứu lời trình bày của các đương sự, những người liên quan đến vụ án và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

[4] Về quan hệ huyết thống: Cụ Trần Quốc O (chết năm 1989) và cụ Nguyễn Thị P (chết năm 2010) sinh được 06 người con là bà Trần Thị K, bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, ông Trần Văn I, bà Trần Thị G và bà Trần Thị H. Trước khi kết hôn với cụ P thì cụ O đã có vợ là cụ Nguyễn Thị R. Cụ O và cụ R sinh được 01 người con chung là bà Trần Thị S. Tuy nhiên, cụ R và bà S đã chết do chiến tranh khi bà S mới được một tuổi.

[5] Về nguồn gốc thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24; địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng (viết tắt là thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24): Căn cứ sổ địa chính, sổ mục kê và bản đồ giải thửa lập năm 1993 hiện đang lưu tại xã C thì thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24 có diện tích là 1.144,0m2 đứng tên chủ sử dụng cụ O, loại đất thổ cư. Khi cụ P còn sống đã cắt cho bà K một phần diện tích đất là 115,0m2 nên diện tích đứng tên cụ O chỉ còn 1.029,0m2. Diện tích đất chia tách cho bà K đã được Uỷ ban nhân dân huyện D cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA 097690, số vào sổ cấp CH 01979 ngày 28/7/2004. Diện tích đất còn lại đứng tên cụ O hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện vợ chồng ông I đang quản lý, sử dụng diện tích đất này. Toà án cấp sơ thẩm tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ xác định trên thực tế, ngoài việc đang quản lý sử dụng thửa đất đứng tên cụ O thì vợ chồng ông I còn đang tự sử dụng cả phần diện tích đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp và một phần rãnh thoát nước do Uỷ ban nhân dân xã quản lý. Diện tích đất của bà K quản lý, sử dụng thực tế là 127,0m2 ; 12,0m2 là phần diện tích đất mương và rãnh thoát nước do Uỷ ban nhân dân xã quản lý. Diện tích đất vợ chồng ông I tự quản lý sử dụng ngoài thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24 là 87,6m2 (xem xét thẩm định tại chỗ ngày 26/8/2021).

[6] Các đương sự đều xác nhận di sản thừa kế của cụ O và cụ P để lại là một ngôi nhà ba gian cấp 4, lợp ngói, 01 gian thò và công trình phụ. Hiện ông I, bà M đã phá dỡ. Các nguyên đơn cho rằng gía trị của ngôi nhà tại thời điểm vợ chồng ông I phá - năm 2019 là 50.000.000 đồng. Ông I cho rằng ngôi nhà đã xuống cấp, nếu ở sẽ không an toàn cho người sử dụng nên không còn giá trị. Hội đồng định giá theo mô tả của đương sự xác định giá trị của ngôi nhà là 75.273.218 đồng.

[7] Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA 097690, số vào sổ cấp CH 01979 ngày 28/7/2004 đứng tên người sử dụng bà Trần Thị K được quyền sử dụng 115,0m2; đất ở tại thửa số 388B, tờ bản đồ số 24. Căn cứ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà K thì có chữ ký của cụ Nguyễn Thị P và chữ ký của các đồng thừa kế khác là bà K, bà A, bà E, bà G, bà H và ông I đều ký đồng ý với việc cắt cho bà K diện tích đất đã được cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà K đã xây nhà và sinh sống ổn định.

[8] Theo Kết luận của Hội đồng định giá tài sản thì:

[8.1] Giá trị tài sản trên thửa đất số 388B tờ bản đồ số 24 hiện do vợ chồng bà K, ông L quản lý, sử dụng là: 117.398.229 đồng.

[8.2] Tổng giá trị tài sản trên thửa đất số 388 tờ bản đồ số 24 hiện do vợ chồng ông I, bà M quản lý, sử dụng là: 1.693.674.854 đồng.

[8.3] Giá trị san lấp ao là 29.890.600 đồng.

[8.4] Giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường: 2.500.000 đồng/m2.

[9.1] Từ những những nội dung trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: nguồn gốc thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24, diện tích 1.144m2, đất ở; địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng đứng tên cụ Trần Văn Lấp (Trần Quốc O). Các nguyên đơn, bị đơn đều xác nhận điều này. Năm 2003, cụ P đã tách một phần diện tích của thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24 cho con gái là bà Trần Thị K. Ngày 28/7/2004, Uỷ ban nhân dân huyện D đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA 097690, số vào sổ cấp CH 01979 cho bà Trần Thị K được quyền sử dụng diện tích đất 115,0m2, thửa số 388B, tờ bản đồ số 24. Các đồng thừa kế đều biết việc này và việc cụ P cắt cho bà K phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ P nên phần diện tích đất này không còn là di sản thừa kế của cụ O và cụ P. Phần diện tích đất còn lại của cụ O và cụ P sau khi cho bà K còn 1.029m2 là di sản thừa kế của cụ O và cụ P để lại, hiện vợ chồng ông I, bà M đang quản lý, sử dụng. Các đồng thừa kế đều xác nhận cụ O và cụ P chết không để lại di chúc; các cụ không có con nuôi, con riêng. Nay các nguyên đơn khởi kiện chia di sản thừa kế đối với diện tích đất này là có căn cứ nên cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của các nguyên đơn và chia bằng đất cho các đồng thừa kế. Tuy nhiên, quá trình quản lý, sử dụng thửa đất vợ chồng ông I, bà M đã san lấp ao, xây tường bao, cải tạo và có công gìn giữ đất nên cần tính công sức cho ông I bằng một suất thừa kế theo luật. Bà K từ chối nhận di sản thừa kế của cụ O, cụ P nên di sản thừa kế của cụ P, cụ O được chia thành 06 suất thừa kế theo luật, cụ thể: Diện tích đất 1.029m2 trừ đi diện tích đất mở ngõ đi chung vào phần diện tích phân chia cho các đồng thừa kế, còn lại chia cho 06 phần: 1.029m2 – 119,8m2 = 909,2 m2 : 6 = 151,53m2. Như vậy mỗi suất thừa kế theo luật là 151,53m2. Các bà A, E, H, bà G mỗi người được quyền sử dụng 151,53m2. Ông I được quyền sử dụng 303,0m2. Tuy nhiên, do hình thể của thửa đất và các công trình hiện vợ chồng ông I, bà M đã xây dựng trên thửa đất thì cần phân chia diện tích đất cho các đương sự cụ thể như sau: Bà Trần Thị A được quyền sử dụng diện tích đất 136,5m2; bà Trần Thị E được quyền sử dụng diện tích đất 135,6m2; bà Trần Thị H được quyền sử dụng diện tích đất 135,4m2; bà G được quyền sử dụng 155,2m2. Hiện tại, ông I, bà M đã xây dựng nhà ở và các công trình xây dựng khác nên để ổn định cuộc sống, việc giao đất hợp lý để giữ được giá trị của đất và các tài sản trên đất cần giao cho ông I, bà M được quyền sử dụng phần diện tích đất 346,5m2, tại vị trí có ngôi nhà hai tầng và các vật kiến trúc khác do vợ chồng ông I, bà M xây dựng. Để đảm bảo giá trị sử dụng các công trình xây dựng của ông I, bà M cần giao thêm cho ông I bà M vượt quá phần diện tích đất ông I được hưởng là 43,5m2. Ông I, bà M phải có nghĩa vụ hoàn trả bằng giá trị cho các nguyên đơn phần diện tích đất vượt quá quyền thừa kế được hưởng, cụ thể: 43,5m2 x 2.500.000 đồng = 108.750.000 đồng : 4 = 27.187.500 đồng. Ông I, bà M phải có nghĩa vụ hoàn trả bà A, bà E, bà G và bà H mỗi người 27.187.500 đồng – Điều 609, 612, 613, 620, 649, 650, 651 của Bộ luật Dân sự. Bà G được chia diện tích vượt quá phần diện tích đất bà G được hưởng là 3,7m2 tương đương giá trị: 3,7m2 x 2.5000.000 đồng = 9.250.000 đồng. Bà G có nghĩa vụ hoàn trả bằng giá trị cho bà A, bà E và bà H mỗi người 3.083.333 đồng.

[9.2] Về ngôi nhà của cụ O và cụ P (hiện ông I, bà M đã phá để xây dựng nhà mới), theo lời trình bày của các đương sự, xây dựng năm 1980, gạch chỉ tường 220, mái ngói xi măng, xà gỗ, nền láng xi măng, phần hiên nhà mái bằng bê tông cốt thép. Theo kết luận của Hội đồng định giá còn 30% giá trị sử dụng tương đương 75.273.218 đồng. Tại đơn khởi kiện các đồng nguyên đơn nêu giá trị ngôi nhà là 50.000.000 đồng. Tài sản định giá ngôi nhà chỉ dựa trên cơ sở lời trình bày của các đương sự; bản án sơ thẩm chấp nhận giá trị ngôi nhà theo lời trình bày của nguyên đơn thấp hơn giá trị định giá là hợp lý nên cần xác định giá trị căn nhà của cụ O và cụ P có trị giá là 50.000.000 đồng. Đây là di sản thừa kế của các cụ để lại nên cần phân chia cho các đồng thừa kế, cụ thể: 50.000.000 đồng: 6 = 8.333.333 đồng. Ông I, bà M đã phá đi nên cần buộc ông I, bà M phải thanh toán cho bà A, bà E, bà G và bà H mỗi người 8.333.333 đồng.

[9.3] Phần giá trị san lấp ao theo kết luận của Hội đồng định giá là 29.890.000 đồng, cần buộc các nguyên đơn thanh toán cho ông I bà M, chia phần cụ thể:

29.890.000 đồng : 4 = 7.472.500 đồng. Ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M có nghĩa vụ hoàn trả cho các bà Trần Thị A, Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H mỗi người số tiền là 8.333.333 đồng phần di sản thừa kế ngôi nhà của cụ Trần Văn Lấp và cụ Nguyễn Thị P. Đối trừ nghĩa vụ giữa các bên, ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M còn phải hoàn trả cho các bà Trần Thị A, Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H mỗi người số tiền là: 860.833 đồng. Đối trừ nghĩa vụ của bị đơn về việc phải thanh toán giá trị di sản thừa kế của ngôi nhà đối với các nguyên đơn thì, ông I, bà M còn phải thanh toán cho các nguyên đơn mỗi người là 860.833 đồng.

[9.4] Đối với phần quyết định của bản án sơ thẩm về việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp – buộc ông Trần Quốc I dừng xây dựng các công trình trên diện tích đất đất có tranh chấp thuộc thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24, Hội đồng xét xử thấy rằng: Sau khi Toà án cấp sơ thẩm ban hành quyết định này, ông I bà M vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trên thửa đất có tranh chấp và đến thời điểm xét xử sơ thẩm thì ông I bà M đã hoàn thiện các công trình xây dựng này nên việc Toà án cấp sơ thẩm quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp này là không cần thiết, cần huỷ bỏ nội dung này.

[9.5] Ông I, bà M đã làm nhà xưởng sản xuất cốp pha gỗ: Mái lợp tôn kẽm sà sắt hộp kẽm, tường xung quanh ốp tôn kẽm, xà sắt hộp và cổng, tường rào khi Toà án cấp sơ thẩm đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên cần buộc ông I, bà M phải tháo dỡ để trả lại mặt bằng diện tích đất đã phân chia cho các đồng thừa kế. Trên phần diện tích đất phân chia cho các nguyên đơn, còn có một số cây cối, giá trị không lớn và tại phiên toà phúc thẩm ông I không yêu cầu các đồng thừa kế được phân chia phải bồi hoàn nên không đặt vấn đề giải quyết.

[9.6] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng một phần kháng cáo của các các nguyên đơn; một phần kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện D là có căn cứ nên cần chấp nhận, sửa bản án sơ thẩm – khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về án phí dân sự và chi phí tố tụng:

[10.1] Các nguyên đơn, bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật - khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

[10.2] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[11] Về chi phí định giá tài sản và xem xét thẩm định tại chỗ - các nguyên đơn tự nguyện chịu nên không đặt vấn đề giải quyết.

- Về án phí dân sự phúc thẩm:

[12] Do bản án dân sự bị sửa nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại các nguyên đơn, bị đơn số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp - khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

1. Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng; chấp nhận một phần kháng cáo của bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H; chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Văn I;

Sửa bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các Điều Điều 609, 612, 613, 620, 649, 650, 651 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 7 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế của cụ Trần Quốc O (Trần Văn Lấp) và cụ Nguyễn Thị P.

2.1. Bà Trần Thị A được quyền sử dụng diện tích đất 136,5m2, thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24; địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng, bao gồm các mốc 23, 24, 26, 27, 23.

2.2. Bà Trần Thị E được quyền sử dụng diện tích đất 135,6m2, thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24 địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng, bao gồm các mốc 22, 23, 27, 28, 22.

2.3. Bà Trần Thị H được quyền sử dụng diện tích đất 135,4m2, thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24 địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng, bao gồm các mốc 21, 22, 28, 29, 21.

2.4. Bà Trần Thị G được quyền sử dụng diện tích đất 155,2 m2, thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24 địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng, bao gồm các mốc 7, 4, 5, 6, 7.

(Diện tích đất chia cho các đương sự có sơ đồ kèm theo) 2.5. Ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M được quyền sử dụng diện tích đất 346,5m2, thửa đất số 388, tờ bản đồ số 24; địa chỉ: Thôn G, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng và toàn bộ nhà ở và các công trình xây dựng khác, cây cối trên diện tích đất này, bao gồm các mốc 10,11,9,8,7,4,3,10.

3. Về ngõ đi chung: Các nguyên đơn, bị đơn được sử dụng ngõ đi chung: Ngõ đi chung có diện tích 119,8m2, bao gồm các mốc: 12, 11, 9, 8, 7, 6, 24, 23, 22, 21, 20, 19, 18, 17, 16, 15, 14, 13, 12.

4. Ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M có nghĩa vụ hoàn trả cho các bà Trần Thị A, Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H mỗi người số tiền chênh lệch do được sử dụng diện tích vượt quá suất thừa kế theo luật là: 27.187.500 đồng; và có nghĩa vụ hoàn trả cho các bà Trần Thị A, Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H mỗi người số tiền là 860.833 đồng do đối trừ nghĩa vụ của ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M về việc phải thanh toán phần di sản thừa kế là giá trị ngôi nhà và nghĩa vụ của các bà Trần Thị A, Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H phải thanh toán giá trị san lấp ao của ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M.

Kể từ ngày bà Trần Thị A, Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

5. Bà Trần Thị G có nghĩa vụ hoàn trả cho các bà Trần Thị A, Trần Thị E và bà Trần Thị H mỗi người số tiền chênh lệch do được sử dụng diện tích vượt quá suất thừa kế theo luật là: 3.083.333 đồng.

Kể từ ngày bà Trần Thị A, Trần Thị E và bà Trần Thị H có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng bà Trần Thị G còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

6. Huỷ mục 5 phần quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 04/03/2021 của Tòa án nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng về nội dung: “Tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2019/QĐ-ADBPKCTT ngày 09/10/2019 của Toà án nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang có tranh chấp đối với người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ông Trần Văn I (ông Trần Quốc I) cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật” 7. Ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M có nghĩa vụ tháo dỡ nhà xưởng sản xuất cốp pha (lán tôn) để trả lại mặt bằng diện tích đất đã phân chia cho Bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, bà Trần Thị H.

8. Tạm giao cho ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M quản lý, sử dụng diện tích đất tự sử dụng là 87,6m2 thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân xã C, huyện D. Khi Nhà nước có yêu cầu hoàn trả thì ông Trần Văn I và bà Phạm Thị M phải có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật.

9. Về án phí:

9.1. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H mỗi người phải chịu 19.357.916 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 2.300.000 đồng tại các Biên lai thu tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm số 0004458, 0004456 (ngày 16/9/2019), 0004459 và 0004457 cùng ngày 17/9/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, thành phố Hải Phòng. Các bà Trần Thị A, bà Trần Thị E, bà Trần Thị G, bà Trần Thị H mỗi người còn phải nộp 17.057.916 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

9.2. Ông Trần Văn I phải chịu 34.966.666 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

9.3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Trần Thị K, ông Phạm Văn Q và bà Phạm Thị M không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

10. Về án phí dân sự phúc thẩm:

10.1. Trả lại bà Trần Thị A, Trần Thị E, Trần Thị G, Trần Thị H mỗi người 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tại các Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số 0013094, 0013096, 0013095, 0013093 cùng ngày 01/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, thành phố Hải Phòng.

10.2. Trả lại Trần Văn I 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số 0013089 ngày 01/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, thành phố Hải Phòng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

262
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 52/2021/DS-PT ngày 08/09/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:52/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về