Bản án 52/2020/DS-PT ngày 16/12/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 52/2020/DS-PT NGÀY 16/12/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 16 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 41/2020/TLPT-DS ngày 13/10/2020 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 01/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 46/2020/QĐPT-DS ngày 06/11/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 36/2020/QĐST-DS ngày 30/11/2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Văn B1; sinh năm 1947; địa chỉ: Số 22, đường L, khu dân cư N, phường S, thành phố C, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị Thu H - Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hải Dương. Có mặt.

2. Bị đơn: Ông Trần Văn Y (tên gọi khác: Trần Y); sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Trần Thị D1; sinh năm 1941; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.2. Bà Trần Thị T2; sinh năm 1951; địa chỉ: Thôn T, xã H, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.3. Bà Trần Thị M; sinh năm 1954; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.4. Bà Trần Thị S; sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn Đ, xã B, huyện L, tỉnh Bắc Giang. Có mặt.

3.5. Bà Trần Thị S1; sinh năm 1958; đia chỉ: Thôn T, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.6. Ông Trần V; sinh năm 1962; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.7. Ông Trần Văn B2; sinh năm 1954; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.8. Ông Trần T3; sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.9. Ông Trần Văn G (tên gọi khác: Trần G); sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.10. Bà Nguyễn Thị V1; sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3.11. Chị Trần Thị H; sinh năm 1987; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.

3.12. Anh Trần T4; sinh năm 1990; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

- Người kháng cáo: Ông Trần Văn Y.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện ngày 20/5/2019, các bản tự khai, biên bản ghi lời khai và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn ông Trần Văn B1 trình bày: Bố mẹ ông là cụ Trần D, sinh năm 1921, mất ngày 18/01/2017 và cụ Nguyễn Thị T, sinh năm 1922, mất năm 1947. Sau khi cụ T mất, cụ D lấy vợ hai là cụ Phạm Thị B, sinh năm 1921 (mất ngày 19/4/2008). Trong thời gian chung sống cùng cụ B, cụ D lấy thêm vợ ba là cụ Lê Thị T1, sinh năm 1924 (mất ngày 05/11/2012). Cụ D và cụ T sinh được 02 người con là bà Trần Thị D1 và ông (Trần Văn B1). Cụ D và cụ B sinh được 06 người con là: Bà Trần Thị T2, bà Trần Thị M bà Trần Thị S, bà Trần Thị S1, ông Trần V và ông Trần Văn Y. Cụ D và cụ T1 sinh được 03 người con là: Ông Trần Văn B2, ông Trần T3 và ông Trần Văn G. Bố mẹ đẻ của cụ T, cụ D, cụ B và cụ T1 đều mất trước các cụ, còn vào thời gian nào không rõ, không có tài liệu xác định. Nguồn gốc thửa đất số 149 tờ bản đồ 08 là của cha ông để lại cho cụ D từ trước những năm 1945. Khi cụ D kết hôn với cụ T thì được cụ cố nội cho ra ở riêng trên thửa đất hơn 500m2 (hiện có một phần đất là thửa 149, tờ bản đồ 08). Hai cụ đã xây 1 ngôi nhà 5 gian, công trình phụ, trồng cây lâu năm và sinh sống trên thửa đất đó. Năm 1947 cụ T mất, cụ D kết hôn với cụ B. Cụ B về chung sống cùng cụ D ở trên thửa đất đó và vẫn ở ngôi nhà cũ do cụ D, cụ T xây dựng. Một thời gian sau ngôi nhà xuống cấp, cụ D, cụ B đã phá đi xây lại một ngôi nhà mới. Trong khoảng thời gian cụ D chung sống với cụ B, cụ D lấy thêm vợ ba là cụ T1, nhưng cụ T1 ở nhà đất riêng nên cụ T1 không có đóng góp tài sản, công sức đối với thửa đất số 149. Năm 1981 ông V lấy vợ và ở chung với cụ D và cụ B. Năm 1986 cụ D tách cho ông V hơn 200m2 đất để ông V làm nhà ra ở riêng. Ông Y lấy vợ sau ông V, vợ chồng ông Y ở cùng nhà với cụ D, cụ B và ở trên phần đất hơn 300m2 còn lại. Sau đó vợ chồng ông Y đã phá bỏ nhà và toàn bộ các công trình do các cụ xây dựng để làm lại nhà và các công trình mới. Khoảng năm 2015 cụ D có nguyện vọng lấy lại một phần đất làm nhà ở riêng sau này cụ chết thì để làm nhà thờ, còn phần còn lại chia cho cho hai con là ông Y, ông V. Tất cả các anh chị em trong gia đình đều nhất trí quan điểm đó, riêng vợ chồng ông Y và ông B2 không đồng ý nên không thực hiện được. Tại thời điểm đó cụ D và anh em trong nhà mới biết thửa đất của các cụ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Y, ông V. Ngày 30/10/2015 cụ D có văn bản ủy quyền cho ông đề nghị UBND huyện N xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ cho ông Y, ông V. Quá trình giải quyết UBND huyện N đã có kết luận việc cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 149, tờ bản đồ 08, diện tích 327m2 cho vợ chồng ông Y là không hợp pháp nên UBND huyện đã ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho vợ chồng ông Y, bà V1 (Quyết định số 3633/QĐ-UBND ngày 03/11/2017). Vợ chồng ông Y không đồng ý nên đã khiếu nại việc thu hồi GCNQSDĐ nhưng đều không được chấp nhận. Đối với phần đất và GCNQSDĐ cụ D đã tách cho ông V hiện đang đứng tên ông V, UBND huyện không ra quyết định thu hồi, đến nay ông và tất cả các anh em trong gia đình không ai có ý kiến gì. Ông không yêu cầu Tòa án giải quyết đối phần đất đó. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện diện tích thực trạng của thửa 149, tờ bản đồ 08 là 315,5m2, giảm 11,5m2 so với số diện tích đo đạc năm 1995, ông không có ý kiến gì, ông đề nghị giải quyết theo hiện trạng là 315,5m2. Ông không biết theo quy định của pháp luật thì thửa đất đó là tài sản riêng của cụ D hay tài sản chung của cụ D với cụ T1, cụ B, cụ T1 nhưng ông đề nghị chia thừa kế đối với tài sản quyền sử dụng đất thửa đất số 149 cho tất cả các con của cụ D. Trong diện tích 315,5m2 đó có 27m2 đất trồng cây lâu năm là đất của hộ gia đình ông Y bị trừ tiêu chuẩn đất 03 nên ông nhất trí trả lại cho gia đình Y phần đất đó. Phần đất còn lại là 288,5m2 đất ở đề nghị chia thừa kế theo pháp luật.

Tại các bản tự khai, Biên bản ghi lời khai và trong quá trình tố tụng, bị đơn ông Trần Văn Y và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị V1 trình bày: Ông bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông B1. Thửa đất số 149 tờ bản đồ số 08 tại thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương là tài sản của vợ chồng ông bà. Nguồn gốc thửa đất đó ông bà được cụ D và cụ B tặng cho từ khi các cụ còn sống nên không phải là di sản thừa kế của các cụ. Về năm sinh, thời gian mất, con của các cụ D, cụ T, cụ B, cụ T1 như ông B1 trình bày là chính xác. Nguồn gốc thửa đất số 149, tờ đồ 08 là của cha ông để lại cho cụ D, lúc đầu thửa đất có diện tích hơn 500m2. Cụ D, cụ B sinh sống và xây dựng các tài sản trên đất. Cụ T khi còn sống có ở trên thửa đất đó không, có xây dựng tài sản gì trên đất hay không ông bà không biết, còn đối với cụ T1 không ở trên thửa đất đó mà ở riêng. Năm 1984, bà V1 kết hôn với ông Y, ông bà ở chung với cụ D, cụ B. Khi đó các anh chị em đều đã lập gia đình và ra ở riêng chỉ có vợ chồng ông bà và vợ chồng ông V ở cùng với hai cụ. Năm 1986 cụ D, cụ B đã tách đất cho vợ chồng ông bà và vợ chồng ông V mỗi người một nửa đất. Vợ chồng ông V được phần đất không có nhà, còn vợ ông bà được ở ngôi nhà cũ của các cụ, nên hai cụ yêu cầu ông bà phải trả cho vợ chồng ông V 10 thúng thóc. Đến năm 2001, vợ chồng ông bà và vợ chồng ông V được cấp GCNQSDĐ. Vợ chồng ông bà được cấp đối với thửa 149, tờ bản đồ 08, diện tích 327m2. Còn vợ chồng ông V được cấp đối với thửa 153, tờ bản đồ 08, diện tích 398m2. Cụ D là người đi lấy GCNQSDĐ và đưa lại cho ông bà giữ. Ngày 30/5/2015, ông B1 đưa cụ D về nhà ông B1 ở sau đó lại đưa cụ về nhà ông V ở. Khi đó cụ D tuổi đã cao không còn minh mẫn nữa nên đã viết giấy ủy quyền cho ông B1 để khiếu nại việc cấp GCNQSDĐ. Sau đó, UBND huyện N đã ra Quyết định thu hồi GCNQSDĐ đối với thửa 149, tờ bản đồ 08. Ông bà không đồng ý nên đã khiếu nại đối với quyết định thu hồi GCNQSDĐ nhưng không được chấp nhận.

Đến nay ông bà không yêu cầu giải quyết đối với quyết định thu hồi GCNQSDĐ. Việc UBND huyện N thu hồi GCNQSDĐ chỉ là do thủ tục hành chính cấp GCNQSDĐ không đúng còn quyền sở hữu, sử dụng thửa đất số 149, tờ bản đồ số 08 vẫn là của ông bà. Quá trình sử dụng đất ông bà đã nhiều lần đổ đất tôn nền nhưng do thời gian lâu nên không nhớ rõ khối lượng, giá trị tôn tạo. Năm 1993 khi Nhà nước chia đất nông nghiệp cho các hộ dân, theo tiêu chuẩn mỗi hộ chỉ được 300m2 đất ở còn lại sẽ chuyển thành đất vườn thừa và sẽ bị trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp vào đất vườn thừa. Do cụ D, cụ B đã cho đất ông bà nên UBND xã đã trừ 27m2 đt ngoài đồng của hộ gia đình ông bà (gồm ông Y, bà V1, anh T4, chị H) vào đất vườn thừa thuộc thửa 149, tờ bản đồ 08. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện diện tích đất hiện nay là 315,5m2, giảm 11,5m2 so với kết quả đo đạc năm 1995, ông bà không có ý kiến gì, nhất trí với diện tích thửa 149 theo hiện trạng là 315,5m2. Ông bà xác định toàn bộ thửa đất số 149 và tài sản trên đất là tài sản chung của ông bà. Còn nếu trường hợp Tòa án xác định thửa đất số 149 là di sản thừa kế và phân chia theo quy định của pháp luật, thì đề nghị đối với các tài sản trên đất, công sức và một phần đất trồng cây lâu năm nằm trên thửa 149 phải trả lại cho ông bà. Ông Y chấp nhận để cho bà V1 cùng sở hữu đối với phần di sản thừa kế mà ông Y được hưởng. Còn phần quyền lợi mà anh T4, chị H đối với diện tích đất trồng cây lâu năm nằm trong thửa 149 đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo pháp luật. Đối với thửa đất số 153, tờ bản đồ 08 vợ chồng ông V đang sử dụng ông bà không yêu cầu giải quyết.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị D1, bà Trần Thị T2, bà Trần Thị M, ông Trần T3, bà Trần Thị S1, ông Trần G, ông Trần V, bà Trần Thị S trình bày: Nht trí với quan điểm của ông B1 đề nghị Tòa án giải quyết phân chia thừa kế quyền sử dụng đất đối với thửa đất sô 149, tờ bản đồ số 08 theo quy định của pháp luật. Xác định nội dung về năm sinh, năm mất, các con của các của cụ D, cụ T, cụ B, cụ T1 như ông B1 trình bày là đúng. Nhất trí với diện tích theo hiện trạng hiện nay của thửa đất số 149 là 315,5m2. Xác định các tài sản trên đất là của vợ chồng ông Y. Ông V từ chối phần di sản mà mình được hưởng theo quy định của pháp luật. Bà D1, bà T2, bà M, bà S1, bà S, ông T3, ông G đề nghị đối với phần tài sản mà các ông bà được hưởng, các ông bà tặng lại cho ông B1. Ông bà không yêu cầu giải quyết đối với thửa đất số 153, tờ bản đồ 08 vợ chồng ông V đang sử dụng và nhất trí trả lại cho hộ gia đình ông Y, bà V1 27m2 đất trồng cây lâu năm nằm trong thửa đất số 149, tờ bản đồ 08.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn B2 trình bày: Xác định nội dung về năm sinh, năm mất, các con của cụ D, cụ T, cụ B, cụ T1 như ông B1 trình bày là đúng. Không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông B1 vì xác định thửa đất số 149 cụ D đã cho vợ chồng ông Y. Trường hợp nếu Tòa án xác định thửa đất là tài sản thừa kế của các cụ thì đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật. Nhất trí với diện tích thửa 149 theo hiện trạng là 315,5m2. Không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với thửa đất số 153, tờ bản đồ 08 vợ chồng ông V đang sử dụng. Nhất trí trả lại cho hộ gia đình ông Y bà V1 27m2 đất trồng cây lâu năm nằm trong thửa đất số 149.

Tại Biên bản xác minh với UBND xã T, huyện N và tài liệu do UBND huyện N, tỉnh Hải Dương cung cấp thể hiện: Nguồn gốc thửa đất số 149, tờ bản đồ 08 thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương theo hồ sơ địa chính qua các thời kỳ thể hiện như sau: Theo hồ sơ 299 (gồm có tờ bản đồ, sổ mục kê, sổ đăng ký ruộng đất) thì thửa 149 là một phần đất thuộc thửa 239, tờ bản đồ 08 diện tích 586m2 loi đất (T), ghi tên chủ sử dụng là cụ Trần D (tại cột khai báo về biến động ruộng đất của sổ đăng ký ruộng đất ghi “tách cho V 258”). Năm 1988, UBND xã T tự lập 01 quyển Sổ mục kê khu vực dân cự đạc lại tháng 10/1988 theo dõi cấp GCNQSDĐ năm 1989 và 01 quyển sổ đăng ký đất thổ cư để cấp GCNQSDĐ, tại quyền Sổ mục kê có ghi tên ông V sử dụng 258m2, cụ D sử dụng 331m2. Theo tờ bản đồ, sổ mục kê năm 1995 thì thửa 239, tờ bản đồ 08 được tách thành 2 thửa là thửa 149, tờ bản đồ 08 diện tích 327m2, ghi tên chủ sử dụng là hộ ông Trần Văn Y; Thửa 153, tờ bản đồ 08, diện tích, ghi chủ sử dụng là hộ ông Trần V. Ngày 31/12/2001 ông Y, bà V1 được cấp GCNQSDĐ số U1627167 đối với thửa 149, tờ bản đồ 08, diện tích 327m2 (trong đó đất ở là 300m2, đất trồng cây lâu năm là 27m2); ông V, bà T5 được cấp GNCQSDĐ đối với thửa 153, tờ bản đồ 08, diện tích 398m2 (trong đó đất ở là 300m2, đất trồng cây lâu năm là 98m2). Năm 2015 ông B1 (có giấy ủy quyền của cụ D) đã có đơn khiếu nại đề nghị xem xét việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Y, ông V. Ngày 03/11/2017, UBND huyện N ra Quyết định số 3633/QĐ-UBND thu hồi GNCQSDĐ số U1627167 ngày 31/12/2001 đối với thửa số 149, tờ bản đồ 08 đã cấp cho ông Y, bà V1, xóa tên ông Y, bà V1 trong danh sách được cấp GCNQSDĐ. Ông Y, bà V1 không đồng ý và có đơn khiếu nại, kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND huyện N và quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của UBND tỉnh Hải Dương đều không chấp nhận khiếu nại của ông Y, bà V1 giữ nguyên Quyết định số 3633/QĐ- UBND ngày 03/11/2017 của UBND huyện N. Hiện nay thửa đất số 149, tờ bàn đồ 08 chưa được cấp lại GCQSDĐ, vợ chồng ông Y đang quản lý, sử dụng. Theo tờ bản đồ, sổ mục kê đo đạc năm 2018 thể hiện là thửa 154, diện tích 322,6m2 ghi tên chủ sử dụng hộ cụ Trần D. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện N ngày 06/01/2020 diện tích theo hiện trạng sử dụng của thửa 149 (nay là thửa 154) là 315,5m2, như vậy diện tích đất theo hiện trạng giảm 11,5m2 so với số liệu đo đạc năm 1995, lý do giảm là do sai số đo đạc và quá trình sử dụng đất gia đình đã tự thống nhất về mốc giới đất đối với hộ giáp ranh. Đối với phần diện tích đất bị giảm đó không thể xác định được là giảm diện tích đất ở, hay giảm diện tích đất trồng cây lâu năm, vì hồ sơ địa chính của thửa đất từ trước đến nay đều không thể hiện rõ vị trí của các loại đất, nên không thể xác định được. Năm 1993, hộ gia đình ông Trần Văn Y gồm 4 nhân khẩu là ông Y, bà V1 và hai người con là Trần Thị H, Trần T4; hộ gia đình cụ D gồm 2 nhân khẩu là cụ D, cụ B đều được cấp đất nông nghiệp tại địa phương. Căn cứ vào các tài liệu quản lý đất nông nghiệp tại địa phương có đủ cơ sở xác định hộ gia đình ông Y bị trừ 27m2 đt nông nghiệp được cấp theo tiêu chuẩn vào 27m2 diện tích trồng cây lâu năm thuộc thửa đất số 149, tờ bản đồ 08.

Tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ và Biên bản định giá tài sản thể hiện:

1. Diện tích thửa đất số 149, tờ bản đồ 08 bằng 315,5m2, giá trị quyền sử dụng đất: đất ở 800.000đ/m2, đất trồng cây lâu năm: 75.000đ/m2..

2. Các tài sản trên đất: 01 nhà mái bằng 2 tầng (diện tích tầng một 58m2, diện tích tầng tum 16m2) trị giá 161.647.000đ; 01 nhà vệ sinh diện tích 2,9m2 trị giá 8.015.200đ; 01 nhà tôn trị giá diện tích 6m2 trị giá 4.585.400đ; 01 nhà tắm trị giá 3.978.200đ; 01 bể nước trên mái nhà tắm và 01 bể phốt trị giá 8.695.000đ; 01 bể nước trị giá 16.340.200đ; 01 nhà kho trị giá 1.608.200đ; sân bê tông diện tích 114,9m2 trị giá 14.433.800đ; tường bao phía Đông gồm 2 bức có tổng trị giá 11.796.000đ; tường bao phía Nam 3.431.000đ; tường bao phía Tây tổng trị giá 7.819.000đ; cổng phía Tây gồm hai trụ cổng và 2 cánh cổng sắt 4.451.000đ; 01 cánh cổng bằng sắt phía Đông trị giá 443.000đ; tường hoa trên sân trị giá: 2.436.400đ; Rãnh thoát nước nằm ở vườn trị giá 379.000đ; giàn gấc gồm 13 cột bê tông, dàn khung ống kẽm trị giá 7.469.000đ; cây nhãn đường kính tán 6m 4 cây x 1.500.000đ/cây = 6.000.000đ; cây nhãn giống đường kính gốc 1cm cao từ 04 – 1,2m 12 cây x 12.000đ/cây = 144.000đ; Cau ăn quả đường kính gốc 15cm cao 6m 2 cây x 300.000đ/cây = 600.000d; 01 cây cau giống đường kính gốc 2cm trị giá 10.000đ; cây chùm ngây đường kính gốc 15cm 3 cây x 100.000đ/cây = 300.000đ; 01 cây bưởi đường kính gốc 2 cm, cao 1,4m, tán 1m trị giá 58.000đ; mít giống 02 cây x 20.000đ/cây = 40.000đ; thanh long 5 cây x 1.000đ/cây = 5.000đ; lá nốt 47m2 x 10.000đ = 470.000đ; cây dáy không có giá. Tổng giá trị tài sản trên đất 265.154.500đ. Giá trị san lấp không có căn cứ định giá vì không xác định khối lượng, vật liệu san lấp.

* Tại bản án Dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 01/9/2020, TAND huyện Nam Sách đã quyết định:

Áp dụng: Các Điều 688, 611, 623, 649, 650, 651, 652, 660, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự. Khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 147, các Điều 157, 158, 165, 166 Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phí và lệ phí; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

1. Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn B1 về chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thửa đất số 149 tờ bản đồ 08 địa chỉ thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương của cụ Trần D, cụ Nguyễn Thị T, cụ Phạm Thị B.

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Trần Văn V về việc từ chối nhận di sản thừa kế. Chấp nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị D1, bà Trần Thị T2, bà Trần Thị M, bà Trần Thị S, bà Trần Thị S1; ông Trần T3, ông Trần Văn G cho phần di sản được hưởng cho ông Trần Văn B1.

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Trần Văn Y cho bà Nguyễn Thị V1 cùng được sở hữu đối với phần tài sản thừa kế ông Y được hưởng.

Chấp nhận sự tự nguyện của anh Trần T4 cho ông Trần Văn Y và bà Trần Thị V1 6,75m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa 149 tờ bản đồ 08 thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương trị giá 506.000đồng.

2. Xác định quyền sử dụng 288,5 m2 đất ở tại thửa số 149, tờ bản đồ số 08 (nay là thửa 154 tờ bản đồ 20, bản đồ đo đạc năm 2010 thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương, trị giá 230.800.000đồng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị T, cụ Trần D, cụ Phạm Thị B.

Xác định quyền sử dụng 27m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa số 149, tờ bản đồ số 08 (nay là thửa 154 tờ bản đồ 20, bản đồ đo đạc năm 2010) thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương, trị giá 2.025.000đồng là tài sản của hộ gia đình ông Trần Văn Y (gồm ông Trần Văn Y, bà Nguyễn Thị V1, anh Trần T4, chị Trần Thị H).

Xác định các tài sản nằm trên thửa đất số 149 tờ bản đồ 08 gồm: 01 nhà mái bằng 2 tầng, 01 nhà vệ sinh, 01 nhà tôn, 01 nhà tắm cùng bể nước trên mái, bể phốt, 01 bể nước, 01 nhà kho, sân bê tông, tường bao, cổng, tường hoa, rãnh thoát nước, giàn gấc và toàn bộ các cây trồng trên đất, tổng giá trị tài sản bằng 265.154.500đồng là tài sản của vợ chồng ông Trần Văn Y, bà Nguyễn Thị V1.

- Áng trích công sức tôn tạo, trông nom, duy trì tài sản thừa kế của ông Y, bà V1 và trích trả bằng quyền sử dụng đất 30m2 trị giá 24.000.000đồng.

- Di sản thừa kế của cụ T, cụ B, cụ D sau khi trừ đi tiền công sức là 230.800.000đồng - 24.000.000đồng = 206.800.000đồng.

- Xác định trị giá di sản của cụ T là 103.400.000đồng. Người được hưởng thừa kế của cụ T gồm: Cụ D, ông B1, bà D1, mỗi người được hưởng là 34.466.667đồng.

- Xác định trị giá di sản của cụ B là 68.933.333đồng. Người được hưởng thừa kế của cụ B gồm: Cụ D, bà T2, bà M, bà S, bà S1, ông Y, mỗi người được hưởng là 11.488.889đồng.

- Xác định trị giá di sản của cụ D là 80.422.222đồng. Người được hưởng thừa kế của cụ D gồm: Ông B1, bà D1, bà T2, bà M, bà S, bà S1, ông Y, ông B2, ông T3, ông G mỗi người được hưởng là 8.042.222đồng.

3. Về chia hiện vật:

- Giao cho ông Trần Văn B1 được sử dụng: 161,2m2 đất ở trị giá 128.960.000đồng thuộc thửa 149 tờ bản đồ 08, được giới hạn bởi các điểm các điểm A1, A2, B1, B2, A12, A13, A14 đến A1. Giao cho ông B1 được sở hữu được các tài của ông Y, bà V1 trên đất gồm: Sân bê tông diện tích 65m2 trị giá 8.165.000đồng; cổng bao gồm hai trụ cổ và hai cánh cổng bằng sắt trị giá 4.451.000đồng; tường hoa bao sân trị giá 2.436.400đồng; tường bao phía đông giáp đất cụ C dài 12,35m trị giá 8.375.000đồng; tường bao phía nam giáp đất ông V dài 5,06m trị giá 3.431.000đồng;

ờng bao phía Tây giáp đường dài 5,96m trị giá 4.041.700đồng; dàn trồng gấc trị giá: 7.469.00đồng; rãnh thoát nước 379.00đồng; 01 cây cau ăn quả trị giá 300.000đồng; 01 cây cau giống trị giá 10.000đồng; 03 cây chùm ngây trị giá 300.000đồng; 01 cây bưởi trị giá 58.000đồng; 12 cây nhãn giống trị giá 144.000đồng; 02 mít giống trị giá 40.000đồng; 05 cây thanh long trị giá 5.000đồng; lá nốt 47m2 trị giá 470.00đồng; cây dáy (không có giá trị), tổng giá trị tài sản bằng: 40.075.435đồng. Ông B1 phải trả cho ông Y, bà V1 giá trị các tài sản bằng tiền là 40.075.435đồng.

- Giao cho ông Trần Văn Y, bà Nguyễn Thị V1 được sử dụng 154,3m2 đất trong đó có: 127,3m2 đt ở trị giá 101.840.000đồng, 27m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 2.025.00đồng thuộc thửa 149 tờ bản đồ số 8, được giới hạn bởi các điểm B1, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, B2 đến B1. Ông Y, bà V1 tiếp tục được sở hữu các tài sản trên đất.

4, Ông Y, bà V1 phải trả tiền chênh lệnh tài sản cho cho ông B1 là 50.266.667đồng. Đối trừ với số tiền tài sản, cây trồng trên đất ông B1 phải trả cho ông Y, bà V1 là 40.075.435đồng. Ông Y, bà V1 còn phải trả cho ông B1 số tiền là 10.191.232đồng.

- Ông Y, bà V1 trả tiền chênh lệnh tài sản cho ông Trần Văn B2 là 8.042.222đồng.

- Ông Y, bà V1 phải trả cho chị Trần Thị H giá trị của 6,75m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa 149 tờ bản đồ 08 thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương bằng 506.000đồng.

Các đương sự tự mở cổng đi và có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của Pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia. Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ.

Ngoài ra, tại bản án sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Nam Sách còn quyết định về nghĩa vụ chậm thi hành, án phí, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 13 và 14 tháng 9 năm 2020, bị đơn ông Trần Văn Y kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, ông xác định thửa đất 149, tờ bản đồ 08 thuộc thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương là của ông và bà V1 do đã được cụ D và cụ B tặng cho.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn ông Trần Văn B1 vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Ông yêu cầu Tòa án chia thừa kế bổ sung đối với phần di sản của cụ Lê Thị T1 trong số tài sản đang tranh chấp.

Bị đơn ông Trần Văn Y giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Bà Trần Thị D1, bà Trần Thị T2, bà Trần Thị M, bà Trần Thị S, bà Trần Thị S1, ông Trần T3, ông Trần Văn G không nhất trí với yêu cầu kháng cáo của ông Trần Văn Y; nhất trí với yêu cầu chia thừa kế bổ sung của ông B1.

Bà Nguyễn Thị V1 và ông Trần Văn B2 nhất trí với yêu cầu kháng cáo của ông Trần Văn Y.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn Y, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng. Đánh giá, phân tích các căn cứ liên quan đến nội dung kháng cáo của đương sự; đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn nhưng sửa bản án Dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 01/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Nam Sách theo hướng bổ sung việc chia thừa kế đối với phần di sản thừa kế của cụ Lê Thị T1 trong số tài sản đang tranh chấp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Giai đoạn sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Ông Trần Văn Y kháng cáo và đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong thời hạn nên là kháng cáo hợp lệ.

[2] Xét kháng cáo của ông Trần Văn Y, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Thửa đất số 149, tờ bản đồ số 08; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương có nguồn gốc được thể hiện tại hồ sơ 299 là thửa 239, tờ bản đồ 08, diện tích 586m2, loại đất (T), ghi chủ sử dụng cụ Trần D. Các đương sự đều xác định cụ D được cha ông để lại cho cụ từ trước năm 1945. Theo Bản đồ, Sổ mục kê năm 1995 thì thửa 239 được tách thành 2 thửa: Thửa 149, tờ bản đồ 08 diện tích 327m2 (trong đó đất ở là 300m2, đất trồng cây lâu năm là 27m2), ghi tên chủ sử dụng hộ ông Trần Văn Y và Thửa 153, tờ bản đồ 08, diện tích 398m2 (trong đó đất ở là 300m2, đất trồng cây lâu năm là 98m2), ghi chủ sử hộ ông Trần Văn V. Ngày 31/12/2001 ông Y, bà V1 được cấp GCNQSDĐ số U1627167 đối với thửa số 149, tờ bản đồ 08; ông V, bà T5 được cấp GNCQSDĐ đối với thửa số 153, tờ bản đồ 08, diện tích 398m2. Tại hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Trần Văn Y và bà Nguyễn Thị V1 không có tài liệu chứng cứ thể hiện cụ D và các vợ của cụ tặng cho hay chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 149 cho ông Y và bà V1. Năm 2015, khi còn sống, cụ D đã ủy quyền cho ông B1 làm đơn yêu cầu xem xét việc cấp GCNQSDĐ cho ông Y và bà V1. Tại Giấy ủy quyền ngày 30/10/2015 cụ D trình bày việc các cơ quan nhà nước cấp GCNQSDĐ cho ông Y và bà V1 vào năm 2001 cụ không biết nên đề nghị xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ cho ông Y và bà V1. Cụ D có yêu cầu lấy lại 1/3 diện tích đất để xây nhà riêng biệt để sinh hoạt lúc tuổi già và làm nơi thờ tự sau này nhưng ông Y và bà V1 không đồng ý. Trên cơ sở khiếu nại về việc thu hồi GCNQSDĐ của cụ D (Do ông B1 nhận ủy quyền), Thanh tra huyện N đã tiến hành thanh tra và kết luận: Tại hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Y và bà V1 không có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất cho ông Y và bà V1, không có cơ sở xác định việc cụ D và cụ B đã chia tách đất cho ông Y và bà V1. Do đó Thanh tra huyện N kiến nghị UBND huyện N thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông Y. Ngày 03/11/2017, UBND huyện N ra Quyết định số 3633/QĐ-UBND thu hồi GNCQSDĐ số U1627167 cấp ngày 31/12/2001 đối với thửa số 149, tờ bản đồ 08 đã cấp cho ông Y và bà V1. Ông Y, bà V1 xác định thửa đất số 149 là tài sản của vợ chồng ông bà do được cụ D, cụ B tặng cho từ năm 1986. Ông bà khai cụ D và cụ B cho đất ông bà không lập biên bản nhưng có tuyên bố bằng miệng có nhiều người là con của hai cụ chứng kiến. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, tất cả các đương sự khác là con của cụ D đều khẳng định không chứng kiến việc các cụ tuyên bố cho đất. Mặt khác theo quy định tại Điều 691 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì việc chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền. Về thực tế sử dụng đất, cụ D và cụ B vẫn ở cùng vợ chồng ông Y ở trên thửa đất 149 từ năm 1986 đến khi các cụ chết, vẫn sử dụng chung đất và nhà do vợ chồng ông Y xây dựng từ năm 1990. Nay ông B1 khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật do cụ T, cụ B, cụ T1 và cụ D khi chết không để lại di chúc. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn B1 về việc yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất số 149, tờ bản đồ số 8 là có căn cứ. Do đó yêu cầu kháng cáo của ông Trần Văn Y về việc vợ chồng ông đã được cụ D và cụ B tặng cho đất từ năm 1986 nên không nhất trí yêu cầu chia thừa kế của ông B1 là không có cơ sở chấp nhận.

[3] Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ diện tích theo hiện trạng của thửa đất số 149 là 315,5m2. Như vậy diện tích đất theo hiện trạng giảm 11,5m2 so với số liệu đo đạc năm 1995, lý do giảm là do sai số đo đạc và quá trình sử dụng đất có sự thống nhất về mốc giới đất giữa các hộ giáp ranh. Các đương sự đều thống nhất quan điểm yêu cầu Tòa án giải quyết theo diện tích hiện trạng là 315,5m2. Đối với thửa đất số 153 tờ bản đồ 08 GCNQSDĐ đứng tên ông V, bà T5 các đương sự không yêu cầu giải quyết, do đó HĐXX chỉ xem xét giải quyết đối với thửa đất số 149, tờ bản đồ 08 theo diện tích hiện trạng là 315,5m2. Trong 315,5m2 đt thuộc thửa 149 có 27m2 đất trồng cây lâu năm xác định là tiêu chuẩn đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Y, bà V1, các đương sự đều nhất trí trả lại cho hộ gia đình ông Y, bà V1. Diện tích đất còn lại là 288,5m2 đt ở nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Do đó xác định 288,5m2 đất ở tại thửa đất số 149, tờ bản đồ 08 là di sản thừa kế để xem xét giải quyết chia thừa kế theo pháp luật.

[4] Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện về yêu cầu chia đối với bất động sản là 30 năm, kể từ ngày mở thừa kế. Theo hướng dẫn tại mục I Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Tối cao thì: Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì ...thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Ngày 12/7/2019, ông B1 làm đơn khởi kiện và nộp cho Tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế như vậy, thời hiệu khởi kiện thừa kế trong vụ án vẫn còn. Ông Y kháng cáo cho rằng thời hiệu khởi kiện của vụ án là đã hết là không có căn cứ.

[5] Hiện không có tài liệu, chứng cứ về việc kết hôn của cụ Trần D với cụ T, cụ B và cụ T1. Tuy nhiên các đương sự đều xác định cụ D có chung sống với cụ T, cụ B và cụ T1. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông B1 trình bày: Cụ D và cụ T kết hôn năm 1940; cụ D và cụ B kết hôn năm 1949 và cụ D và cụ T1 kết hôn năm 1952. Lời trình bày của ông B1 có cơ sở bởi lẽ: Cụ D và cụ T có 02 con là bà D1 sinh năm 1941 và ông B1 sinh năm 1947; cụ D và cụ B có 06 người con là bà Trần Thị T2 sinh năm 1951, bà Trần Thị M sinh năm 1954, bà Trần Thị S sinh năm 1958, bà Trần Thị S1 sinh năm 1958, ông Trần V sinh năm 1962 và ông Trần Văn Y sinh năm 1966; cụ D và cụ T1 có 03 người con là: Ông Trần Văn B2 sinh năm 1954, ông Trần T3 sinh năm 1956 và ông Trần Văn G sinh năm 1960. Do đó xác định cụ D kết hôn với cụ T, cụ B và cụ T1 đều trước ngày 15/01/1960 (là ngày có hiệu lực thi hành của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959) nên cụ T, cụ B và cụ T1 đều vợ hợp pháp của cụ D. Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định “Vợ và chồng đều có quyền thừa kế tài sản của nhau”. Cụ B chết năm 2008, cụ T1 chết năm 2012 và cụ D chết năm 2017. Do vậy có cơ sở xác định di sản thừa kế là 288,5m2 đất ở tại thửa đất số 149, tờ bản đồ số 8 trị giá 230.800.000đ là của cụ T, cụ D, cụ B và cụ T1. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào lời khai của các đương sự xác định cụ T1 không ở trên đất, không có đóng góp tài sản công sức, thửa đất số 149 không phải là tài sản của cụ T1 nên xác định cụ T1 không được cùng sở hữu đối với thửa đất này là không đúng pháp luật. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đầy đủ hàng thừa kế theo pháp luật của cụ D, cụ T, cụ B. Ông B2, ông T3 và ông G là con của cụ D và cụ T1 cũng đã được Tòa án cấp sơ thẩm xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án do đó Tòa án cấp phúc thẩm chỉ cần bổ sung việc chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của cụ T1 trong tổng số tài sản đang tranh chấp cũng đảm bảo về thủ tục tố tụng và quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.

[6] Về công sức của ông Y, bà V1 trong khối di sản thừa kế: Ông Y và bà V1 sau khi kết hôn đã ở trên thửa đất này cùng cụ D và cụ B từ năm 1986 và đến khi cụ D và cụ B chết vợ chồng ông Y, bà V1 vẫn là người quản lý, trông nom, sử dụng thửa đất, là người nộp thuế sử dụng đất theo quy định. Ông Y, bà V1 trình bày quá trình ở trên đất đã nhiều lần tôn nền thửa đất nhưng không cung cấp cho Tòa án về khối lượng, giá trị phần tôn tạo. Xét ông Y, bà V1 có công sức tôn tạo, quản lý, duy trì di sản thừa kế nên để đảm bảo quyền lợi của ông Y, bà V1, Tòa án cấp sơ thẩm đã áng trích công sức cho ông Y, bà V1 bằng hiện vật là có căn cứ. Tuy nhiên ông Y và bà V1 đã cùng cụ D và cụ B quản lý, sử dụng đất trong một thời gian dài và tiếp tục quản lý, duy trì thửa đất sau khi các cụ chết. Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ áng trích công sức cho ông Y và bà V1 với quyền sử dụng 30m2 đất trị giá 24.000.000đồng trong khối di sản của cụ T, cụ D, cụ B, cụ T1 là chưa thỏa đáng. Tòa án cấp phúc thẩm cần tăng công sức tôn tạo, quản lý, duy trì cho ông Y và bà V1 lên mức 50m2 đất ở bằng 40.000.000đ Như vậy di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ T, cụ B, cụ D và cụ T1 sau khi trừ tiền công sức cho ông Y, bà V1 còn lại là 238,5m2 đất ở trị giá 190.800.000đồng.

[7] Từ phân tích trên, xét thấy cần phải sửa bản án sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 01/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương về việc xác định lại công sức của ông Y và bà V1, bổ sung việc chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản thừa kế cụ Lê Thị T1 trong tổng số tài sản đang tranh chấp.

[8] Cụ T chết năm 1947 do đó di sản thừa kế được xác định là 238,5m2 đất ở trị giá 190.800.000đồng là tài sản chung của cụ D, cụ T. Di sản của cụ T là ½ giá trị tài sản bằng 95.400.000đ. Cụ D được hưởng ½ giá trị tài sản bằng 95.400.000đ. Di sản thừa kế của cụ T được chia thành 3 phần cho cụ D, ông B1 và bà D1, mỗi suất thừa kế bằng 31.800.000đ.

[9] Sau khi cụ T chết, cụ D kết hôn với cụ B và nhập phần tài sản của cụ D thành tài sản chung của cụ D, cụ B và cụ T1 giá trị bằng 95.400.000đ + 31.800.000đ = 127.200.000đồng. Cụ B được hưởng 1/3 giá trị tài sản = 42.400.000đồng. Tại thời điểm cụ B chết, hàng thừa kế thứ nhất của cụ B gồm 7 người là cụ D và 6 người con là bà T2, bà M, bà S, bà S1, ông V, ông Y. Ông V từ chối nhận di sản thừa kế, nên chia cho 6 người còn lại mỗi suất thừa kế được hưởng tài sản trị giá bằng 7.066.666đồng.

[10] Tại thời điểm cụ T1 chết (năm 2012), tài sản của cụ T1 và cụ D trị giá 84.800.000đ + 7.066.666đồng= 91.866.666đồng. Cụ T1 được hưởng 1/2 giá trị tài sản = 45.933.333đồng. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1 gồm 4 người là cụ D, ông B2, ông T3 và ông G nên mỗi suất thừa kế được hưởng tài sản trị giá bằng 11.483.333đồng.

[11] Tại thời điểm cụ D chết (năm 2017), tài sản của cụ D được hưởng là ½ tài chung với cụ T1 và tài sản cụ D được thừa kế của cụ Tý là 45.933.333đồng + 11.483.333đồng = 57.416.666đồng. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ D gồm 11 người con là ông B1, bà D1, bà T2, bà M, bà S, bà S1, ông V, ông Y, ông B2, ông T3, ông G. Ông V từ chối nhận di sản thừa kế nên chia cho 10 người còn lại, mỗi suất thừa kế được hưởng tài sản trị giá bằng 5.741.666đồng.

[12] Bà D1, bà T2, bà M, bà S, bà S1, ông T3, ông G đề nghị giao phần thừa kế của các ông bà được hưởng cho ông B1, nên phần thừa kế ông B1 được hưởng và được tặng cho trị giá bằng 160.766.658đồng. Ông Y được hưởng phần thừa kế trị giá bằng 12.808.332đồng. Ông B2 được hưởng phần thừa kế trị giá bằng 17.224.999đồng.

[13] Ông Y tự nguyện nhập phần tài sản thừa kế của mình được hưởng để cho bà Vang cùng được sở hữu chung với ông. Nên xác nhận bà V1, ông Y cùng được sở hữu chung khối tài sản thuộc phần di sản thừa kế ông Y được hưởng là 12.808.332đồng và giá trị phần công sức trông nom duy trì, tôn tạo di sản thửa kế là 40.000.000đồng.

[14] Về chia hiện vật: Cần giữ nguyên phần chia hiện vật cho các đương sự của Tòa án cấp sơ thẩm.

[15] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản: Ông B1 tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản bằng 4.500.000đồng. Ông B1 đã nộp tạm ứng số tiền trên, xác định ông B1 đã thực hiện xong nghĩa vụ.

[16] Về án phí sơ thẩm: Ông B1 và ông B2 là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm. Do sửa bản án có liên quan đến giá trị cần chia cho đương sự nên cấp phúc thẩm sửa án phí dân sự sơ thẩm đối với phần ông Y và bà V1 được giao tài sản theo quy định của pháp luật. Chị H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản mình được nhận.

[17] Về án phí phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của bị đơn được chấp nhận một phần nên ông Y không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Văn Y, sửa Bản án Dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 01/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương như sau:

Căn cứ các Điều 609, 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 652, 660, 688, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 691 Bộ luật Dân sự năm 1995; các Điều 147, 148, 157, 158, 165, 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn B1 về chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 149, tờ bản đồ 08; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương.

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Trần Văn V về việc từ chối nhận di sản thừa kế. Chấp nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị D1, bà Trần Thị T2, bà Trần Thị M, bà Trần Thị S, bà Trần Thị S1; ông Trần T3, ông Trần Văn G cho phần di sản được hưởng cho ông Trần Văn B1.

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Trần Văn Y cho bà Nguyễn Thị V1 cùng được sở hữu đối với phần tài sản thừa kế ông Y được hưởng.

Chấp nhận sự tự nguyện của anh Trần T4 cho ông Trần Văn Y và bà Trần Thị V1 6,75m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa 149 tờ bản đồ Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương trị giá 506.000đồng.

2. Xác định quyền sử dụng 288,5 m2 đất ở tại thửa số 149, tờ bản đồ số 08 (nay là thửa 154 tờ bản đồ 20, bản đồ đo đạc năm 2010) thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương, trị giá 230.800.000đồng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị T, cụ Trần D, cụ Phạm Thị B và cụ Lê Thị T1.

Xác định quyền sử dụng 27m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa số 149, tờ bản đồ số 08 (nay là thửa 154 tờ bản đồ 20, bản đồ đo đạc năm 2010) thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương, trị giá 2.025.000đồng là tài sản của hộ gia đình ông Trần Văn Y (gồm ông Trần Văn Y, bà Nguyễn Thị V1, anh Trần T5, chị Trần Thị H).

Xác định các tài sản nằm trên thửa đất số 149 tờ bản đồ 08 gồm: 01 nhà mái bằng 2 tầng, 01 nhà vệ sinh, 01 nhà tôn, 01 nhà tắm cùng bể nước trên mái, bể phốt, 01 bể nước, 01 nhà kho, sân bê tông, tường bao, cổng, tường hoa, rãnh thoát nước, giàn gấc và toàn bộ các cây trồng trên đất, tổng giá trị tài sản bằng 265.154.500đồng là tài sản của vợ chồng ông Trần Văn Y, bà Nguyễn Thị V1.

- Áng trích công sức tôn tạo, trông nom, duy trì di sản thừa kế của ông Y, bà V1 và trích trả bằng quyền sử dụng đất là 50m2 trị giá 40.000.000đồng.

- Di sản thừa kế của cụ T, cụ B, cụ D và cụ T1 sau khi trừ đi tiền công sức là:

230.800.000đồng - 40.000.000đồng = 190.800.000đồng.

- Xác định trị giá di sản của cụ T là 95.400.000đồng. Người được hưởng thừa kế của cụ T gồm: Cụ D, ông B1, bà D1, mỗi người được hưởng là 31.800.000đồng.

- Xác định trị giá di sản của cụ B là 42.400.000đồng. Người được hưởng thừa kế của cụ B gồm: Cụ D, bà T2, bà M, bà S, bà S1, ông Y, mỗi người được hưởng là 7.066.666đồng.

- Xác định trị giá di sản của cụ T1 là 45.933.333đồng. Người được hưởng thừa kế của cụ T1 gồm: Cụ D, ông B2, ông T3 và ông G mỗi người được hưởng là 11.483.333đồng.

- Xác định trị giá di sản của cụ D là 57.416.666đồng. Người được hưởng thừa kế của cụ D gồm: Ông B1, bà D1, bà T2, bà M, bà S, bà S1, ông Y, ông B2, ông T3, ông G mỗi người được hưởng là 5.741.666đồng.

3. Về chia hiện vật (có sơ đồ kèm theo):

- Giao cho ông Trần Văn B1 được sử dụng: 161,2m2 đt ở trị giá 128.960.000đồng thuộc thửa 149 tờ bản đồ 08, được giới hạn bởi các điểm các điểm A1, A2, B1, B2, A12, A13, A14 đến A1. Giao cho ông B1 được sở hữu các tài của ông Y, bà V1 trên đất gồm: Sân bê tông diện tích 65m2 trị giá 8.165.000đồng; cổng bao gồm hai trụ cổng và hai cánh cổng bằng sắt trị giá 4.451.000đồng; tường hoa bao sân trị giá 2.436.400đồng; tường bao phía đông giáp đất cụ C dài 12,35m trị giá 8.375.000đồng; tường bao phía nam giáp đất ông Vĩnh dài 5,06m trị giá 3.431.000đồng; tường bao phía Tây giáp đường dài 5,96m trị giá 4.041.700đồng; dàn trồng gấc trị giá:

7.469.000đồng; rãnh thoát nước 379.000đồng; 01 cây cau ăn quả trị giá 300.000đồng;

01 cây cau giống trị giá 10.000đồng; 03 cây chùm ngây trị giá 300.000đồng; 01 cây bưởi trị giá 58.000đồng; 12 cây nhãn giống trị giá 144.000đồng; 02 mít giống trị giá 40.000đồng; 05 cây thanh long trị giá 5.000đồng; lá nốt 47m2 trị giá 470.000đồng; cây dáy (không có giá trị), tổng giá trị tài sản bằng: 40.075.435đồng. Ông B1 phải trả cho ông Y, bà V1 giá trị các tài sản bằng tiền là 40.075.435đồng.

- Giao cho ông Trần Văn Y, bà Nguyễn Thị V1 được sử dụng 154,3m2 đt trong đó có: 127,3m2 đt ở trị giá 101.840.000đồng, 27m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 2.025.000đồng thuộc thửa 149 tờ bản đồ số 8, được giới hạn bởi các điểm B1, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, B2 đến B1. Ông Y, bà V1 tiếp tục được sở hữu các tài sản trên đất.

4. Ông Y, bà V1 phải trả tiền chênh lệnh tài sản cho cho ông B1 là 31.806.658đồng. Đối trừ với số tiền tài sản, cây trồng trên đất mà ông B1 phải trả cho ông Y, bà V1 là 40.075.435đồng thì ông B1 phải trả cho ông Y, bà V1 số tiền là 8.268.777đồng.

- Ông Y, bà V1 phải thanh toán kỷ phần thừa kế bằng tiền cho ông Trần Văn B2 là 17.224.999đồng.

- Ông Y, bà V1 phải trả cho chị Trần Thị H giá trị của 6,75m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa 149 tờ bản đồ 08 thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương bằng 506.000đồng.

Các đương sự tự mở cổng đi và có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của Pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia. Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ.

5. Về án phí, chi phí tố tụng:

- Về án phí: Ông Trần Văn Y và bà Nguyễn Thị V1 phải chịu 711.366đ án phí dân sự sơ thẩm. Chị Trần Thị H phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm. Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Trần Văn B1, ông Trần Văn B2.

Ông Trần Văn Y không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông Y 300.000đ tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/0003614 ngày 17/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nam Sách.

- Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản: Ông B1 tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản bằng 4.050.000đồng, ông B1 đã nộp tạm ứng số tiền trên. Xác định ông B1 đã thực hiện xong nghĩa vụ.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án khoản tiền trên mà người phải thi hành án chậm thi hành thì phải trả lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được xác định theo khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 16/12/2020.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 của Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hánh án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

569
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 52/2020/DS-PT ngày 16/12/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:52/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:16/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về