Bản án 52/2018/DS-PT ngày 21/03/2018 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán và đòi tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 52/2018/DS-PT NGÀY 21/03/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN VÀ ĐÒI TÀI SẢN

Ngày 21/3/2018, tại trụ sở Tòa án tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số  234/2017/TLDS-PT, ngày 22/12/2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán và đòi tài sản” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử 24/2018/QĐPT-DS ngày 16/01/2018,Quyết định hoãn phiên tòa 39/2018/QĐ-PT ngày 09/02/2018 giữa:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Văn L.

Địa chỉ: Thôn E, xã C, huyện K, tỉnh Đăk Lăk (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn: Luật sư Ngô Văn Th. Văn phòng luật sư K, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: Đường T, phường Đ, Quận Q, thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bị đơn: Công ty TNHH MTV Cà phê P (Nay là Công ty cổ phần cà phê P)Địa chỉ: Quốc lộ 26, xã E, huyện K, tỉnh Đăk Lăk.

Người đại diện theo Pháp luật: Ông Hồ Sỹ Tr. Chức vụ: Tổng giám đốcCông ty TNHH MTV Cà phê P (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Nhị H - Cán bộ Phụ trách pháp chế của Công ty. Theo văn bản ủy quyền ngày 17/7/2017. (có mặt)

Địa chỉ liên hệ: Quốc lộ 26, xã E, huyện K, tỉnh Đăk Lăk.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Lưu Thị Thu H. Luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật H, tỉnh Đăk Lăk.

Địa chỉ: Đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đăk Lăk (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Phạm Văn L và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn trình bày:

Năm 1999, ông L và Công ty cà phê P ký hợp đồng kinh tế liên kết đầu tư vốn khai hoang trồng mới kinh doanh cây cà phê tại vùng đất thuộc xã C, huyện K, tỉnh Đăk Lăk với diện tích 0,9ha, mã số lô B45. Thời gian thực hiện hợp đồng là 25 năm. Hợp đồng quy định: tỷ lệ vốn góp và quyền lợi được hưởng cho bên A (Công ty) là 60% và cho bên B (Gia đình ông Phạm Văn L) 40%. Sau khi kết thúc hợp đồng 25 năm, giá trị còn lại trên vườn cây được tính 50% cho bên A và 50% cho bên B (đất thuộc sở hữu nhà nước).

Ngày 30/7/2003 ông Phạm Văn L nhận Quyết định chính thức là công nhâncông tác tại đội 10 – Xí nghiệp cà phê A.

Năm 2004, xí nghiệp cà phê A không thanh lý hợp đồng năm 1997, cũng không có biên bản hủy hợp đồng. Thay vào đó là hợp đồng giao nhận khoán năm 2004 do xí nghiệp cà phê A tự soạn sẵn có nội dung điều khoản bất lợi hơn so với hợp đồng 1997, cụ thể như sau: Tăng sản lượng khoán lên 1.000kg cà phê tươi/ha; Giảm 300kg phân các loại/ ha; Trích 3% trong sản lượng nộp khoán để lập quỹ dự phòng rủi ro và quỹ phúc lợi, nhưng Công ty lại thu ngoài sản lượng nộp khoán với số lượng 272kg cà phê tươi/ha. Do đó, gia đình ông Phạm Văn L không chấp nhận ký. Cán bộ xí nghiệp cà phê A đã ép buộc, hăm dọa nếu không ký hợp đồng năm 2004, xí nghiệp A không cấp phân nên ông Phạm Văn L đành phải ký vào hợp đồng năm 2004.

Năm 2012, lô cà phê của gia đình ông Phạm Văn L bị bệnh, Công ty TNHH MTV cà phê P thành lập Đoàn kiểm tra yêu cầu gia đình ông Phạm Văn L phải nhổ để trồng cải tạo số cây: 300cây. Sau đó vụ cà phê 2013, Công ty vẫn thu đủ sản lượng, và 3% lập quỹ, không miễn giảm gì cho gia đình ông Phạm Văn L.Ông Phạm Văn L đề nghị Tòa án xem xét giải quyết các yêu cầu sau đây:

1. Tuyên hủy bỏ hợp đồng giao nhận khoán vườn cây cà phê ngày 30/4/2004 do bị ép buộc và đe dọa; tiếp tục thực hiện hợp đồng năm 1997 đã ký;

2. Trả lại 11.700kg cà phê quả tươi đã thu trong 13 năm do tăng sản lượng nộp khoán so với hợp đồng năm 1997.

3. Trả lại sản lượng để nộp quỹ 3%, do thu ngoài sản lượng là 2.937 kg càphê quả tươi

4. Trả lại lượng phân cắt giảm trong 13 năm có giá trị 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng).

5. Trả lại sản lượng nộp khoán và 3% nộp quỹ mà công ty đã thu trên vườn cây dịch bệnh phải nhổ bỏ là 300 cây, sản lượng là 11.000kg cà phê quả tươi (tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi yêu cầu xuống còn 140 cây, sản lượng là 6.400kg cà phê quả tươi).

6. Ông L là công nhân của Công ty nhưng Công ty không đóng bảo hiểm cho ông, yêu cầu trả lại 17% bảo hiểm không đóng cho người lao động trong 13 năm là 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng)

Tổng cộng, yêu cầu Công ty TNHH MTV Cà phê P trả cho ông Phạm Văn L số tiền là 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng) và số cà phê quả tươi là 21.037kg.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, bà Nguyễn Thị Nhị H trìnhbày:

Năm 1999 Công ty cà phê P ký hợp đồng liên kết sản xuất kinh doanh cà phê với ông Phạm Văn L với diện tích 0,90ha. Năm 2004, được đo giảm xuống thành 0,88 ha.

Đến ngày 30/4/2004, ông Phạm Văn L ký hợp đồng giao – nhận khoán vườn cây cà phê với Xí nghiệp A (Thuộc Công ty cà phê P) nay là công ty TNHH MTV cà phê P. Theo hợp đồng này, ông L nhận chăm sóc vườn cây cà phê của công ty có diện tích 0,88 ha (Trong đó cà phê trồng năm 1995 là 0,88ha). Thời gian giao, nhận khoán là 25 năm, kể từ năm trồng mới (Từ năm1995 đến ngày 31/3/2020). Hàng năm, công ty đầu tư phân bón theo định mức trong hợp đồng, còn ông L thực hiện việc chăm sóc vườn cà phê. Tổng sản lượng cà phê giao khoán và các khoản quỹ ông L phải nộp cho công ty của từng vụ thu hoạch được ghi chi tiết, cụ thể trong hợp đồng giao khoán. Hai bên thực hiện theo đúng các cam kết trong hợp đồng và các bên không có tranh chấp gì.

Với các yêu cầu của ông Phạm Văn L, Công ty có quan điểm như sau:

1. Đối với yêu cầu hủy bỏ hợp đồng 2004, tiếp tục thực hiện hợp đồng năm1997: Trên cơ sở chi phí đầu tư thực tế vào vườn cây của hai bên từ năm 1995 đến năm 2003 đã xác định như sau: Giá trị vốn góp vào vườn cây của công ty là 80,33%, hộ nhận khoán là 19,67%. Ngày 02 tháng 3 năm 2004, công ty đã tổ chức đại hội đại biểu công nhân viên chức và người nhận khoán. Kết quả đại hội, 80% đại biểu đồng ý thống nhất thay đổi lại toàn bộ hợp đồng khoán năm1997 bằng hợp đồng khoán mới năm 2004. Sau khi đại hội kết thúc, công ty và100% người nhận khoán đã tiến hành ký kết hợp đồng giao nhận khoán vườn cây cà phê.

Bằng việc hai bên thỏa thuận, ký kết hợp đồng năm 2004 với các nội dung tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995. Do đó, tại thời điểm hai bên ký kết hợp đồng năm 2004 thì hợp đồng năm 1997 đương nhiên hết hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Từ đó Công ty không đồng ý với yêu cầu trả lại 11.700kg cà phê quả tươi và số tiền phân là 20.000.000đ.

2. Đối với yêu cầu trả lại quỹ 3% thu ngoài sản lượng.

Tại điều III hợp đồng 2004 đã thể hiện chi tiết các khoản bên B phải nộp cho bên A bao gồm: Sản lượng khoán; dự phòng rũi ro 2%; chính sách xã hội 1%. Từ đó Công ty không đồng ý với yêu cầu trả lại 2.937kg cà phê quả tươi.

3. Đối với yêu cầu trả 17% bảo hiểm không đóng cho người nhận khoán. Trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng giao khoán giữa công ty và ông Phạm Văn L là quan hệ dân sự chứ không phải quan hệ lao động. Do vậy, Công ty không có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Phạm Văn L theo quy định của Luật lao động.

4. Đối với nội dung trả lại sản lượng đã thu trên vườn cây dịch bệnh.

Năm 2011, Công ty và người nhận khoán có thỏa thuận công ty hỗ trợ chi phí cải tạo vườn cây cho người nhận khoán, các chi phí đầu tư của công ty như phân bón, tưới nước...vẫn giữ nguyên. Và sản lượng giao nộp của người nhận khoán vẫn giữ nguyên theo hợp đồng. Ông L có 140 cây cà phê nằm trong diện tổ chức trên, do đó Công ty không chấp nhận yêu cầu này của ông L.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DSST ngày 11/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc đã quyết định:

Áp dụng khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 và Điều 220 của Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 05/4/1988;

Từ Điều 2 đến Điều 12; từ Điều 130 đến Điều 133 và từ Điều 394 đến Điều 401 và Điều 418; về việc chấm dứt hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 501; 502; khoản 4 Điều 506; khoản 2 Điều 508 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 688 của Bộ luật dân sự 2015.

Áp dụng Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Toà án;

Tuyên xử:

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ông Phạm Văn L. Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/10/2017, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung:

*Về tố tụng:

- Cấp sơ thẩm gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho nguyên đơn chậm so với quy định tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS; việc cho sao chụp hồ sơ vụ án chậm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

- Việc ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Nhị H không đảm bảo, vì Giấy ủy quyền thể hiện cá nhân Tổng giám đốc Công ty ủy quyền cho bà H chứ không phải Công ty ủy quyền;

- Luật sư Lưu Thị Thu H là Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân nên không đủ điều kiện tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;

- Không triệu tập vợ của nguyên đơn tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Không triệu tập nhân chứng Nguyễn Hào Q, là người chủ trì cuộc họp hoàn thành sổ khoán năm 2004, để làm rõ nội dung hợp đồng giao nhận khoán năm 2004 bị ép buộc khi giao kết;

* Về nội dung: Cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm hoặc áp dụng Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện là không có cơ sở, bởi lẽ: Nguyên đơn không tham dự Đại hội, nhưng Công ty dựa vào kết quả Đại hội để thay đổi hợp đồng giao khoán cũ bằng hợp đồng mới là vô lý. Việc nguyên đơn ký kết hợp đồng giao nhận khoán năm 2004 là do bị ép buộc, vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng. Hợp đồng năm 2004 không có điều khoản nào thay thế hợp đồng năm 1997, nên hợp đồng năm 1997 vẫn còn hiệu lực. Do đó, yêu cầu hủy hợp đồng năm 2004, tiếp tục thực hiện hợp đồng năm 1997 là có căn cứ.

Do hợp đồng năm 2004 có điều khoản bất lợi hơn so với hợp đồng năm 1997, hợp đồng năm 1997 tiếp tục được thực hiện nên Công ty phải hoàn trả lại sản lượng khoán đã thu vượt, thanh toán giá trị lượng phân bị cắt giảm và trả lại 3% sản lượng cà phê đã thu ngoài sản lượng nộp khoán để lập quỹ dự phòng rủi ro và quỹ chính sách xã hội, trả lại sản lượng đã thu trên 140 cây cà phê bị dịch bệnh là có căn cứ.

Đối với yêu cầu thanh lý 50% giá trị vườn cây: Mặc dù trong đơn khởi kiện không nêu rõ yêu cầu này nhưng quá trình hòa giải vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn có trình bày yêu cầu thanh lý 50% giá trị vườn cây. Cấp sơ thẩm xác định chưa đủ điều kiện khởi kiện là không đúng, vì nếu bị đơn cho rằng hợp đồng năm 1997 hết hiệu lực, thì phải thanh lý hợp đồng năm 1997, và thanh toán 50% giá trị vườn cây. Do đó, nguyên đơn đã đủ điều kiện khởi kiện, dù thời hạn 25 năm chưa đến. Đáng lẽ, cấp sơ thẩm phải dừng phiên tòa, cho nguyên đơn nộp tạm ứng án phí để xem xét, giải quyết đối với yêu cầu này mới đúng quy định.

Đối với yêu cầu trả lại 17% bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế do không đóng cho người lao động: nguyên đơn đã cung cấp thông báo về việc hợp đồng tuyển dụng công nhân dài hạn, mặc dù nguyên đơn đã làm thất lạc quyết định tuyển dụng công nhân nhưng Tòa án không xác minh, thu thập mà bác yêu cầu này là không đảm bảo.

Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bác bỏ toàn bộ quan điểm của nguyên đơn và Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Lăk tham gia phiêntòa

- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đã thựchiện đúng, đầy đủ các quy định của BLTTDS.

- Về nội dung: Hợp đồng năm 2004 được các bên ký kết và thực hiện được 13 năm, hàng năm không có khiếu nại gì. Nguyên đơn không chứng minh được việc ký kết hợp đồng năm 2004 là do bị ép buộc, đe dọa. Do đó, Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện là có căn cứ. Do yêu cầu hủy hợp đồng năm 2004 không có cơ sở chấp nhận, nên nội dung kháng cáo đối với các yêu cầu: trả lại sản lượng khoán đã nộp, yêu cầu trả lại tiền phân bón bị cắt giảm, yêu cầu trả lại sản lượng khoán đã thu để nộp quỹ, cũng không có căn cứ, vì các nội dung này đã được ghi nhận cụ thể trong hợp đồng. Đối với Yêu cầu trả lại sản lượng khoán đã thu trên vườn cây bị dịch bệnh: Công ty đã hỗ trợ tiền tiền công trồng và chăm sóc cà phê cải tạo, thời điểm nộp khoán ông L cũng không có ý kiến gì, do đó kháng cáo của ông L về nội dung này là không có căn cứ. Yêu cầu thanh toán 50% giá trị vườn cây là chưa đủ điều kiện khởi kiện vì chưa hết thời hạn hợp đồng. Đối với yêu cầu trả lại 17% tiền bảo hiểm không đóng cho người lao động, đây là tranh chấp lao động nên cần tách ra để giải quyết bằng vụ án khác. Về án phí: ông L thuộc diện hộ cận nghèo, nên miễn toàn bộ án phí cho ông L. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng đã phân tích.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét kháng cáo của nguyên đơn về tố tụng:

[1.1] Mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm gửi Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho nguyên đơn và người bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp, cũng như việc cho sao chụp tài liệu có chậm trễ, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và người bảo vệ quyền lợi đều có mặt và không đề nghị hoãn phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nên việc cấp sơ thẩm vẫn tiến hành mở phiên tòa là đảm bảo đúng quy định.

[2.1] Việc ủy quyền:

Khoản 7 Điều 69 BLTTDS quy định: đương sự là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Theo Điều lệ và Quyết định về việc phân công nhiệm vụ đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần cà phê P (sau đây viết tắt cà Công ty), thì Tổng Giám đốc là người đại diện cho Công ty với tư cách nguyên đơn, bị đơn… Tại văn bản ủy quyền ngày 17/7/2017, ông Hồ Sỹ T– chức vụ: Tổng giám đốc Công ty đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Nhị H được thay mặt Tổng giám đốc Công ty trực tiếp tham gia tố tụng. Do đó, việc ủy quyền là hoàn toàn đúng quy định.

[3.1] Tư cách tham gia tố tụng của Luật sư Lưu Thị Thu H:

Ngày 30/01/2018, Công ty P có đơn yêu cầu luật sư gửi Trung tâm tư vấn pháp luật H, tỉnh Đăk Lăk. Luật sư Lưu Thị Thu H được Trung tâm giới thiệu tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là đảm bảo quy định tại Khoản 2 Điều 75 BLTTDS, Điều 23 Luật luật sư (sửa đổi bổ sung năm 2012), Điều 7 Nghị định 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ.

[4.1] Việc không triệu tập ông Nguyễn Hào Q tham gia với tư cách người làm chứng và không triệu tập vợ ông Phạm Văn L tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

-Nguyên đơn đã cung cấp biên bản họp Đội ngày 08/6/2004 để chứng minh yêu cầu khởi kiện nên việc triệu tập ông Nguyễn Hào Q với tư cách người làm chứng là không cần thiết;

-Trong hợp đồng giao nhận khoán năm 1997 và năm 2004, chỉ có cá nhân ông Phạm Văn L ký hợp đồng với Công ty, do đó cấp sơ thẩm không triệu tập vợ ông Phạm Văn L tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đảm bảo. Do đó, kháng cáo của nguyên đơn về thủ tục tố tụng không có căn cứ chấp nhận. 

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn về nội dung vụ án:

[1.2] Đối với kháng cáo yêu cầu tuyên hủy hợp đồng giao nhận khoán vườn cà phê ngày 30/4/2004, tiếp tục thực hiện hợp đồng giao nhận khoán năm 1997. Hội đồng xét xử xét thấy: Năm 1997, giữa Công ty cà phê P (Sau đó đượcchuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên cà phê P, và nay là Công ty Cổ phần cà phê P) và ông Phạm Văn L ký kết Hợp đồng giao nhận khoán (viết tắt là hợp đồng năm 1997). Thời gian liên kết là 25 năm được tính kể từ năm trồng mới (năm 1995). Đến ngày 30/4/2004, giữa ông Phạm Văn L và Công ty tiếp tục ký hợp đồng giao nhận khoán (viết tắt là hợp đồng năm 2004). Thời gian giao nhận khoán là 25 năm kể từ năm trồng mới. Đây là giao dịch dân sự nên được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự. Mặc dù Hợp đồng năm 2004 không có điều khoản nào thể hiện hợp đồng này thay thế hợp đồng năm 1997, nhưng cả hai hợp đồng giao nhận khoán đều được ký đối với cùng một thửa đất mà ông Phạm Văn L đang nhận khoán, nên sau khi hợp đồng năm 2004 được ký kết, hợp đồng năm 1997 đương nhiên chấm dứt. Hợp đồng năm 2004 được ký kết vào ngày 30/4/2004, nhưng đến ngày 03/7/2017 nguyên đơn mới làm đơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng năm 2004 với lý do bị ép buộc, đe dọa. Từ khi ký kết hợp đồng cho đến khi nguyên đơn khởi kiện, nguyên đơn thừa nhận, hàng năm cả hai bên (Công ty và nguyên đơn), đều thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ quy định trong hợp đồng năm 2004. Các bên đã thực hiện hợp đồng được 13 năm không có tranh chấp, khiếu nại gì. Do đó, kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này là không có căn cứ.

[2.2] Đối với kháng cáo yêu cầu bị đơn trả lại 11.700kg cà phê quả tươi do hợp đồng năm 2004 tăng sản lượng nộp khoán; số tiền phân bị cắt giảm trong 13 năm là 20.000.000đ; yêu cầu trả lại sản lượng cà phê đã nộp là 3% (ngoài sản lượng nộp khoán) để lập quỹ dự phòng rủi ro và quỹ phúc lợi xã hội; yêu cầu thanh toán 50% giá trị vườn cây. Hội đồng xét xử thấy rằng: Các nội dung về sản lượng khoán phải nộp, số lượng phân được cấp hàng năm, cũng như sản lượng cà phê phải nộp để lập quỹ đều được quy định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng năm 2004, hàng năm đều đã được thực hiện. Mặt khác, yêu hủy bỏ hợp đồng giao khoán năm 2004 của ông L không được chấp nhận, nên kháng cáo của ông L về nội dung này không có căn cứ chấp nhận.

[3.2] Đối với kháng cáo yêu cầu trả lại sản lượng khoán đã thu trên vườn cây bị dịch bệnh: Nguyên đơn cho rằng, vào năm 2011, vườn cây bị dịch bệch phải nhổ bỏ hết 140 cây nhưng công ty vẫn thu khoán. Hội đồng xét xử thấy rằng: Tháng 01 năm 2013, nguyên đơn đã được nhận khoản tiền công trồng và chăm sóc cà phê cải tạo do Công ty hỗ trợ. Thời điểm Công ty thu khoán, nguyên đơn vẫn nộp, không có ý kiến gì là sự thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện. Đến tháng 7 năm 2017, nguyên đơn mới khởi kiện yêu cầu Công ty trả lại sản lượng khoán đã nộp năm 2011 với lý do đang yêu cầu hủy bỏ hợp đồng năm 2004, là không có căn cứ. Cấp sơ thẩm bác yêu cầu này của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật.

[4.2] Đối với kháng cáo yêu cầu thanh lý 50% giá trị vườn cây: Hợp đồng năm 1997 và hợp đồng năm 2004 đều xác định thời hạn liên kết là 25 năm tính từ năm trồng mới (năm 1995). Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn không yêu cầu lý 50% giá trị vườn cây. Cấp sơ thẩm không thụ lý đối với yêu cầu này với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện là đúng pháp luật. Ông L có quyền khởi kiện khi có đủ điều kiện khởi kiện.

[5.2] Đối với yêu cầu trả lại 17% tiền bảo hiểm không đóng cho người lao động. Đây là tranh chấp lao động, không phải là tranh chấp dân sự nhưng cấp sơ thẩm vẫn thụ lý, giải quyết chung trong vụ án dân sự là không đúng thẩm quyền. Do vậy, cần tách ra để giải quyết bằng vụ án lao động khác khi nguyên đơn có đơn yêu cầu.

[3] Về án phí

Ông Phạm Văn L là hộ cận nghèo nên được miễn toàn bộ án phí theo quy định tạiđiểm đ Điều 12 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phạm Văn L, sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 11/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc.

Căn cứ vào các Điều từ Điều 2 đến Điều 12; từ Điều 130 đến Điều 133 và từ Điều 394 đến Điều 401, Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 501, 502, khoản 4 Điều 506, khoản 2 Điều 508 của BLDS năm 2005; Điều 688 của BLDS năm 2015.

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 củaUỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Toà án; Tuyên xử:1. Bác yêu cầu khởi

kiện của nguyên đơn, ông Phạm Văn L đối với các yêu cầu: Hủy hợp đồng giao nhận khoán ký ngày 30/4/2004 giữa Công ty Cà phê P (Nay là Công ty cổ phần cà phê P) và ông P; yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng giao nhận khoán năm 1997; yêu cầu Công ty Cổ phần Cà phê P trả lại11.700kg cà phê quả tươi do tăng sản lượng nộp khoán, số tiền phân bị cắt giảm trong 13 năm là 20.000.000đ, 2.937kg cà phê quả tươi để nộp quỹ dự phòng rủi ro và quỹ chính sách xã hội và 6.400kg cà phê quả tươi đã thu khoán trên vườn cây bị dịch bệnh năm 2011.

2. Tách yêu cầu trả lại 17% bảo hiểm không đóng cho người lao động trong 13 năm là 100.000.000đ để giải quyết bằng vụ án Lao động khác khi ông Phạm Văn L có đơn khởi kiện.

3. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông Phạm Văn L. Ông L được nhận lại 3.640.000đ tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0002276 ngày 06/7/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện K.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

685
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 52/2018/DS-PT ngày 21/03/2018 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán và đòi tài sản

Số hiệu:52/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về