Bản án 51/2020/HS-PT ngày 20/08/2020 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 51/2020/HS-PT NGÀY 20/08/2020 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM HƯ HỎNG TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 107/2020/TLPT-HS ngày 13 tháng 7 năm 2020 đối với bị cáo Phạm Đình D do có kháng cáo của bị cáo và bị hại trong vụ án đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 28a/2020/HS-ST ngày 27/05/2020 của Tòa án nhân huyện GB, tỉnh Bắc Ninh.

* Bị cáo có kháng cáo: Phm Đình D, sinh năm 1989; Nơi cư trú: Thôn CN, xã SG, huyện GB, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn:

6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Đình T, sinh năm 1965 và bà Trịnh Thị A, sinh năm 1964; vợ, con: chưa có; tiền án: Không; nhân thân: Ngày 06/6/2018 có hành vi xâm hại sức khỏe người khác. Đến ngày 21/10/2018 Công an huyện GB ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người khác bằng hình thức phạt tiền 4 triệu đồng, bị cáo chưa nộp phạt; Bị cáo bị cáp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo Phạm Đình D: Bà Khương Thị Thùy Tr- Luật sư thuộc Văn Phòng luật sư Đức Thịnh- Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh; có mặt.

* Người đại diện hợp pháp của bị cáo Phạm Đình D: Ông Phạm Đình T, sinh năm 1965 và bà Trịnh Thị An, sinh năm 1964 là bố đẻ và mẹ đẻ của bị cáo. Cùng địa chỉ: Thôn CN, xã SG, huyện GB, tỉnh Bắc Ninh. Có mặt,

* Bị hại có kháng cáo: Dòng họ Phạm S, thôn CN, xã SG, huyện GB, tỉnh Bắc Ninh. Người đại diện của dòng họ Phạm S: Ông Phạm S Lý, sinh năm 1959; Địa chỉ: CN, SG, GB, Bắc Ninh; có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án còn có những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo của bị cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do bực tức việc ông Phạm S Lý là trưởng họ Phạm S đã nói với mẹ của D về việc D có đến đền thờ Phạm Gia Cầm ở thôn CN, xã SG, huyện GB lấy trộm tiền và ăn hoa quả tại đền thờ, nên khoảng gần 15 giờ ngày 19/8/2018 D đi bộ từ nhà ra đền thờ Phạm Gia Cầm mục đích để đập phá tài sản. Khi ra đến sân đền thờ D nhìn thấy ở sân đền thờ có đặt bộ đồ thờ tạc từ đá xanh và đá xanh đen Thanh Hóa nguyên khối. Gồm: 01 lư hương, chiều cao 0,98m trạm khắc hình rồng, lư hương có hai cái tai; ở cạnh hai bên tai lư hương là 02 con hạc đứng trên mai rùa. D nhìn xung quanh thì thấy trên nền sân có một đoạn gậy gỗ hình trụ tròn nằm trên vỏ bao xi măng, D cầm chiếc gậy trên đập gãy một phần đầu của con hạc đặt ở bên phải của lư hương, đập gẫy từ phần đầu đến phần cổ của con hạc đặt ở bên trái của lư hương và đập gẫy một phần tai lư hương bên phải, ngoài ra D còn đập vỡ một chiếc chum đựng nước bằng sứ ở phía trước lư hương. Sau khi đập phá số tài sản trên thì D bỏ đi về nhà.

Ngày 20/8/2018 ông Phạm S Lý có đơn đề nghị gửi Cơ quan Công an xem xét xử lý hành vi hủy hoại tài sản của Phạm Đình D theo quy định.

Ngày 20/8/2018 ông Phạm Đình Tĩnh là bố đẻ Phạm Đình D giao nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GB 01 chiếc gậy bằng gỗ màu nâu đen hình trụ tròn, chiều dài 84cm, đường kính 3,5cm, một đầu phẳng, đầu còn lại vát nhọn, trên thân gậy có bám dính chất màu nâu xám.

Tại bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 25 ngày 06/10/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện GB kết luận:

- 01 lư hương bằng đá, loại đá xanh đen Thanh Hóa nguyên khối, có chiều cao 0,98m, chỗ rộng nhất 1,1m; dạng hình tròn, bề mặt chạm hình rồng, có hai tai bề dày 06cm có giá trị còn lại là 6.992.666đ.

- 02 con hạc bằng đá xanh Thanh Hóa nguyên khối, có chân tựa cố định vào rùa đá có giá trị còn lại là 15.630.666đ.

- 01 chiếc chum bằng sứ màu nâu, miệng chum hình tròn đường kính 15cm, vành miệng chum có gắn quai sứ có giá trị còn lại là 119.600đ.

Tng giá trị còn lại của các tài sản trên là: 22.742.932 đồng.

Quá trình xác minh, giải quyết vụ việc, gia đình Phạm Đình D cung cấp cho Cơ quan điều tra tài liệu thể hiện ngày 12/12/2014 D vào khám tại Bệnh viện Bạch Mai và được chuẩn đoán bị Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Do vậy, ngày 28/8/2018 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện GB ra quyết định trưng cầu giám định số 101, trưng cầu Viện pháp y tâm thần Trung ương giám định pháp y tâm thần đối với Phạm Đình D.

Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 328/KLGĐ ngày 09/10/2018 của Viện pháp y tâm thần trung ương kết luận:

Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội ngày 19/8/2018 và tại thời điểm giám định đối tượng Phạm Đình D bị bệnh tâm thần phân liệt thể không biệt định. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã số F20.3.

Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội bệnh ở giai đoạn thuyên giảm. Đối tượng Phạm Đình D hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại thời điểm giám định bệnh ở giai đoạn tiến triển đối tượng Phạm Đình D mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Căn cứ vào bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 328/KLGĐ ngày 09/10/2018 của Viện pháp y tâm thần trung ương ngày 17/10/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GB ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Đình D về tội “Hủy hoại tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự.

Ngày 19/10/2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện GB ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Phạm Đình D.

Ngày 26/10/2018 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện GB bàn giao bị can Phạm Đình D cho Viện pháp y tâm thần Trung ương để chữa bệnh bắt buộc.

Ngày 31/10/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GB ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án; Quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Phạm Đình D.

Ngày 03/10/2019 Viện pháp y tâm thần Trung ương có thông báo số 1188/VPYTTTU gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GB và Viện kiểm sát nhân dân huyện GB về việc “Hiện tại bệnh tâm thần của Phạm Đình D ở giai đoạn ổn định, không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Ngày 11/10/2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GB ra quyết định trưng cầu giám định số 121, trưng câu Viện pháp y tâm thần Trung ương giám định tình trạng bệnh tâm thần sau bắt buộc chữa bệnh của Phạm Đình D. Tại bản kết luận giám định sức khỏe tâm thần sau điều trị bắt buộc chữa bệnh số 45/GĐSKTT- SBBCB ngày 21/10/2019 của Viện pháp y tâm thần Trung ương kết luận: Hiện tại bệnh tâm thần của Phạm Đình D đã ổn định (Giai đoạn khỏi bệnh). Đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Ngày 31/10/2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện GB ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GB ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, quyết định phục hồi điều tra đối với bị can Phạm Đình D để tiến hành điều tra, xử lý đối với hành vi hủy hoại tài sản của Phạm Đình D theo quy định của pháp luật.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GB và tại phiên tòa Phạm Đình D đã thừa nhận toàn bộ hành vi đập phá tài sản tại đền thờ Phạm Gia Cầm ở thôn CN vào ngày 19/8/2018.

Với nội dung trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 28a/2020/HS-ST ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện GB, tỉnh Bắc Ninh đã xét xử và tuyên bố bị cáo Phạm Đình D phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, i, q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Phạm Đình D 14 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra bản án còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/5/2020 bị cáo kháng cáo và ngày 04/6/2020 bị cáo bổ sung kháng cáo với nội dung xin được giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Ngày 04/6/2020 đại diện dòng họ Phạm S thôn CN, xã SG, huyện GB, tỉnh Bắc Ninh là ông Phạm S Lý kháng cáo với nội dung xin cho bị cáo D được hưởng án treo.

Tại phiên tòa bị cáo D vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi của mình như bản án sơ thẩm đã xét xử. Bị cáo thừa nhận hành vi đã thực hiện là có tội, nhưng mức hình phạt đã tuyên của bản án sơ thẩm là nặng đối với bị cáo, đồng thời, bản thân bị cáo hiện nay vẫn đang tiếp tục điều trị bệnh tâm thần, bị cáo mong được hưởng án treo, cải tạo tại địa phương để có cơ hội chữa bệnh và sửa chữa lỗi lầm của mình.

Đại diện bị hại là ông Phạm S Lý giữ nguyên kháng cáo xin HĐXX xem xét cho bị cáo D được hưởng án treo. Vì sau khi sự việc xảy ra, dòng họ đã nhận được bồi thường từ gia đình bị cáo và không có yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm. Đồng thời, bị cáo có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân vẫn đang phải tiếp tục điều trị bị bệnh tâm thần. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo D được hưởng án treo.

Đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Phạm Đình Tĩnh và bà Trịnh Thị An trình bày: gia đình nhận thức được hành vi của bị cáo đã thực hiện là vi phạm pháp luật, tuy nhiên do bị cáo bị bệnh, không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình nên mới phạm tội. Đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh của bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo, gia đình sẽ có trách nhiệm quản lý, giáo dục đối với bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên toà phát biểu ý kiến: sau khi xem xét nội dung vụ án, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo và đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tuy nhiên mức hình phạt đã tuyên đối với bị cáo là nặng, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện bị hại tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Do đó, đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, i, q, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo D 14 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 28 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Luật sư Khương Thị Thùy Trang trình bày bào chữa cho bị cáo: Luật sư nhất trí với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát, nhất trí về tội danh của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ áp dụng đối với bị cáo. Đề nghị HĐXX xem xét thêm điều kiện của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội là người bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đến nay mặc dù không còn phải điều trị tại bệnh viện nhưng bị cáo vẫn phải duy trì uống thuốc để điều trị nếu không thì bệnh lại tái phát; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho người bị hại, bị cáo thành thẩn khai báo ăn năn hối cải, người bị hại có đơn kháng cáo xin cho bị cáo được hưởng án treo. Vì vậy, đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS sự quy định tại điểm b, i, q, s khoản 1 và khoản 2 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo D và đại diện hợp pháp của bị cáo D nhất trí với bài bào chữa của luật sư Trang, không có ý kiến tranh luận thêm.

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm, không đối đáp thêm với luật sư bào chữa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tội danh: tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo như nội dung bản án sơ thẩm đã quy kết, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của những người làm chứng, hiện trường vụ án, kết luận định giá và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, HĐXX có đủ cơ sở để kết luận: khoảng 15 giờ, ngày 19/8/2018 Phạm Đình D đã có hành vi dùng gậy dỗ đập phá các tài sản trong đền thờ Phạm Gia Cầm gồm: 01 lư hương, 02 hạc đá, 01 chiếc chum sứ có giá trị tài sản là 22.742.932đ; trong đó chiếc lư hương chỉ bị gãy một phần tại lư hương bên phải; 01 con hạc đá bị gẫy một phần đầu, 01 con hạc đá bị gẫy từ phần đầu đến phần cổ. Các tài sản này đã được dòng họ Phạm S đã khắc phục được nguyên trạng bằng cách hàn gắn lại các mảnh vỡ của hạc đá và lư hương. Hiện nay các tài sản này vẫn được thờ tại đến Phạm Gia Cầm. Như vậy giá trị sử dụng của số tài sản trên vẫn còn và đã được khắc phục. Mặt khác, bản thân D khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo bị hạn chết khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bị cáo chỉ có ý thức dùng gậy đập phá số tài sản tại đền thờ, thấy tài sản bị vỡ thì D dừng lại ngay. Do vậy theo nguyên tắc có lợi, thiệt hại về tài sản D gây ra đến đâu thì xử lý đến đó, nên hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” mà không phải là tội “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Bộ luật hình sự như Bản án sơ thẩm đã quy kết là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của dòng họ Phạm S tại thôn CN, gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây bất bình trong quần chúng nhân dân và dư luận xấu trong xã hội. Hành vi đập phá làm hư hỏng tài sản ở nơi linh thiêng của dòng họ thể hiện thái độ coi thường pháp luật của bị cáo. Do vậy, cần có mức án tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[2] Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo và bị hại thì thấy:

Bản án cấp sơ thẩm đã đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hình vi phạm tội, xem xét nhân thân và áp dụng cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên mức hình phạt 14 tháng tù đã tuyên với bị cáo là có phần nghiêm khắc. Ngoài ra, bản án sơ thẩm đánh giá bị cáo có nhân thân xấu là đúng, tuy nhiên, cần xem xét hành vi xâm hại sức khỏe của người khác mà bị cáo thực hiện vào ngày 06/6/2018 là tại thời điểm bị cáo đang bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, sau đó bị cáo đã bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại bệnh viện tâm thần trung ương. Đến nay, mặc dù bị cáo đã được cơ quan chuyên môn xác định là đã khỏi bệnh nhưng bệnh có thể tái phát nếu không được uống thuốc duy trì. Đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại giữ nguyên kháng cáo xin cho bị cáo được hưởng án treo. HĐXX xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, đồng thời bản thân vẫn đang tiếp tục phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần, do đó, không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, giao bị cáo cho gia đình và địa phương quản lý cũng có tác dụng giáo dục đối với bị cáo. Vì vậy, có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đại diện bị hại, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên HĐXX không xem xét;

[3] Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự;

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Đình D, sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, i, q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Đình D 14 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 28 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã SG, huyện GB, tỉnh Bắc Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

2. Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

334
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 51/2020/HS-PT ngày 20/08/2020 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản

Số hiệu:51/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về