Bản án 51/2017/HS-PT ngày 18/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 51/2017/HS-PT NGÀY 18/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 18 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 37/2017/HSPT ngày 02/8/2017 đối với bị cáo Nguyễn Văn M, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 22/2017/HSST ngày 27/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện C.

Bị cáo có kháng cáo:

Nguyễn Văn M; Sinh năm: 1995; Cư trú: ấp P, xã P, huyện L, tỉnh Sóc Trăng;

Nghề nghiệp: làm thuê; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Trình độ văn hóa: 12/12; con ông Nguyễn Văn D (s) và bà Lê Thị T (s); anh chị em ruột có 02 người (lớn nhất là bị cáo, nhỏ nhất sinh năm 1999); Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (bị cáo có mặt).

Những người dưới đây không kháng cáo, không bị kháng nghị nhưng liên quan đến kháng cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm triệu tập:

Người bị hại: Ông Diệp Vũ K, sinh năm 1984. Nơi cư trú: ấp X, xã M, huyện M, Sóc Trăng (vắng mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Văn D, sinh năm: 1955. Nơi cư trú: Ấp P, xã P, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

2. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1994. Nơi cư trú: Ấp N, thị trấn H, huyện M, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3. Ông Diệp Vũ A sinh năm: 1996. Nơi cư trú: Ấp X, xã M, huyện M, tỉnhSóc Trăng. (vắng mặt)

4. Ông N, sinh năm: 1986. Nơi cư trú: Ấp C, xã H, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện C và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc khoảng 23 giờ ngày 13/01/2015 sau khi dọn quán xong, chị C chủ quán tổ chức cho nhân viên trong quán uống rượu, khi đó K có tham gia uống khoảng 10 phút thì vào phòng ngủ, còn lại C, M, A, H và H1 tiếp tục uống rượu đến 00 giờ ngày 14/01/2015 thì cả nhóm nghỉ uống rượu. Sau đó H kêu A chở về nhưng A không chịu nên cả hai bên cự cãi nhau, lúc này K nghe vậy mới la A “Giờ này mà mày chửi ai vậy”, A không trả lời và lấy xe chở H về. Còn M đi vào khóa cửa quán lại, C và H1 vào phòng ngủ, khi K đi đến trước phòng ngủ của mình thì dùng chân đá vào cánh cửa làm bằng mêca làm cánh cửa bị bể, sau khi đá xong K đi đến ghế ngồi gần bếp nấu ăn. Riêng M sau khi khóa cửa xong đi từ ngoài vào thấy vậy mới hỏi K “Anh bực tức chuyện gì mà đá bể cửa vậy” thì K trả lời “Chuyện gia đình tao không liên quan đến mày, mày muốn gì”, nói xong K lấy cây dao chặt thịt cầm trên tay chém M trúng vai gây thương tích nhẹ, thấy vậy M dùng cùi trỏ tay phải đánh vào mặt K một cái và câu cổ K vật té xuống nền nhà và ngồi trên người K đánh nhiều cái vào người K. Lúc này chị C từ trong phòng bước ra thấy vậy mới kéo M ra, thì K vật M nằm phía dưới, thì bị M dùng chân đạp vào bụng làm K té, sau đó M lượm được cây dao cầm trên tay định chém K nhưng bị chị C ôm M lại. Còn K đi lùi lại phía sau về phòng ngủ, M cầm dao đi theo, khi K đi lùi được vài bước thì bị vấp té xuống giường, M thấy K bị té nên cầm dao xông vào chém vào người K nhiều dao gây thương tích. Sau đó K được đưa đến Trung tâm Y tế huyện C điều trị, đến ngày 19/01/2015 thì xuất viện.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 39/TgT-PY ngày 13/02/2015 của Trung tâm Pháp y, thuộc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng kết luận đối với thương tích của Diệp Vũ K: tỉ lệ tổn hại sức khỏe của Diệp Vũ K do thương tích gây nên hiện tại là 12%. Tổn thương vùng đầu là vùng nguy hiểm tính mạng. Tổn thương không gây cố tật.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 22/2017/HSST ngày 27/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện C tuyên xử như sau:

Tuyên bố: bị cáo Nguyễn Văn M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điểm b, p, đ  Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 45; Điều 33; Điều 41; Điều 42 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29/12/2016 của Quốc Hội khóa 13, Khoản 3 Điều 7, Khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Áp dụng Điều 605, Điều 609 Bộ luật Dân sự;

Áp dụng Điều 99; Điểm đ Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Khoản 1 Điều 22; Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12, ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử phạt: bị cáo Nguyễn Văn M  01 (Một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt chấp hành án.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Đến ngày 10/7/2017 bị cáo Nguyễn Văn M kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ xét xử vụ án.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn M giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng Điểm a Khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Về tính hợp pháp của kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân huyện C vào ngày 10/7/2017, theo quy định tại Khoản 1 Điều 234 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc kháng cáo của bị cáo là hợp lệ nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận và xem xét giải quyết kháng cáo theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

[2] Xét về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay bị cáo Nguyễn Văn M thừa nhận hành vi phạm tội như sau: Vào khoảng 00 giờ ngày 14/01/2015 bị hại Diệp Vũ K bực tức A (là em của K) nên dùng chân mình đá vào cửa phòng, bị cáo lại hỏi thì K cầm cây dao chém trúng bị cáo, nên bị cáo dùng cù trỏ tay phải đánh vào mặt K một cái và câu cổ K vật té xuống nền nhà và ngồi trên người K đánh nhiều cái vào người K. Lúc này chị C từ trong phòng bước ra mới kéo bị cáo ra, thì K vật bị cáo nằm phía dưới, bị cáo dùng chân đạp vào bụng làm K té, sau đó bị cáo lượm được cây dao cầm trên tay định chém K nhưng bị chị C ôm lại. Còn K đi lùi lại phía sau về phòng ngủ, bị cáo cầm dao đi theo, khi K đi lùi được vài bước thì bị vấp té xuống giường, nên bị cáo cầm dao xông vào chém vào người K nhiều dao gây thương tích. Kết luận giám định tỷ lệ thương tích của bị hại K là 12%.

Lời thừa nhận về hành vi phạm tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên hành vi phạm tội của bị cáo M đã cấu thành tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự và cấp sơ thẩm xác định tội danh và khung hình phạt cho bị cáo như trên là chính xác, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhẹ hình sự cho bị cáo: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo không tiền án tiền sự; bị cáo khắc phục một phần hậu quả cho bị hại và được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; sự việc xảy ra là do một phần lỗi của người bị hại; bị cáo có người thân có công với nước theo quy định tại điểm b, đ, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như trên là chính xác, đúng pháp luật.

Sau khi xét xử, bị cáo kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ xét xử vụ án với lý do: bị hại đã bãi nại cho bị cáo; kết luận giám định bổ sung đối với thương tích của bị hại chưa xác định được vật gì gây nên thương tích cho bị hại, xác định không hợp lý tình trạng vết thương là không khách quan; bị hại là người dùng dao chém bị cáo trước nên bị cáo mới tức giận chém lại bị hại gây thương tích.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo về thì thấy:

Xét kháng cáo của bị cáo yêu cầu hủy án và đình chỉ vụ án với lý do bị hại đã có đơn bãi nại cho bị cáo, không yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo nên phải đình chỉ vụ án thì thấy: Tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) có quy định đối với tội “Cố ý gây thương tích” mà thuộc Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) thì chỉ khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại và phải đình chỉ giải quyết vụ án khi bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án, tuy nhiên trong vụ án này hành vi phạm tội của bị cáo cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự do bị cáo dùng hung khí nguy hiểm (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 104 BLHS) và tỷ lệ thương tích bị cáo gây ra cho bị hại là 12%, vì vậy hành vi phạm tội của bị cáo không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 105 BLTTHS, nên việc bị hại có đơn bãi nại cho bị cáo trong vụ án này không phải đình chỉ giải quyết vụ án đối với bị cáo. Kháng cáo của bị cáo nêu trên là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với kháng cáo cho rằng có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra nhưng tại tòa bị cáo khai các biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung, thực nghiệm điều tra do bị cáo tự khai, tự diễn lại các hành vi chứ không ai ép buộc bị cáo. Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Cơ quan điều tra Công an huyện C, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thanh trong quá trình quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo xuất trình tài liệu, chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật; Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm Luật sư, bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, kháng cáo của bị cáo cho rằng có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp nhưng không đưa ra được là hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều không hợp pháp. Lý do kháng cáo này không có căn cứ chấp nhận.

Xét về việc bị cáo cho rằng Kết luận giám định bổ sung số 152/TgT-PY, ngày 07/9/2016 đối với thương tích bị hại là chưa xác định rõ là do vật gì gây ra cũng như xác định không đúng tình trạng các vết thương của bị hại thì thấy: Tại bản kết luận giám định bổ sung ngày 07/9/2016 (Bút lục 357) đã có kết luận các vết thương của bị hại là do vật sắc gây nên do đó việc bị cáo cho rằng Bản kết luận giám định chưa nêu rõ thương tích của bị hại do vật gì gây ra là không có cơ sở;

Xét kháng cáo yêu cầu hủy Bản kết luận giám định bổ sung số 152/TgT-PY, ngày 07/9/2016. Xét thấy tại Bản án hình sự phúc thẩm số 21/2016/HSPT, ngày 07/6/2016, Tòa án cấp phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã hủy án sơ thẩm xét xử đối với bị cáo yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ các sự chênh lệch về kích thước, số đo của các vết thương bị hại tại Giấy chứng nhận thương tích Kết luận giám định thương tích của bị hại, theo đó các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã có văn bản hỏi các cơ quan chuyên môn (bút lục 409 - 411) và các cơ quan chuyên môn đã có trả lời (tại bút lục 412 - 414) là lý do có sự khác nhau của tình trạng vết thương của bị hại là do quá trình điều trị có vết thương bị phù nề, có vết thương khô nên co dãn (bút lục 414) và tỷ lệ vết thương tật đã có cộng lùi theo quy định, nên kết luận giám định pháp y số 152/TgT-PY, ngày 07/9/2016 là hợp pháp. Cơ quan điều tra chỉ trưng cầu đối với vấn đề kết luận còn thiếu là vết thương do vật gì gây ra và căn cứ vào giấy chứng nhận thương tích để xác định vết thương do vật gì gây ra là phù hợp với pháp luật. Việc giám định bổ sung là khách quan nên kháng cáo của bị cáo yêu cầu hủy Bản kết luận giám định bổ sung là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với lý do kháng cáo bị cáo cho rằng bị hại chém bị cáo trước nên bị cáo mới câu vật để thoát thân sau đó lại có sự tiếp sức của chị C (vợ anh K) vật bị cáo xuống sàn để bị hại đâm chém bị cáo, bị cáo vì quá đau và tức giận bị cáo đã chụp con dao chém bị hại khoảng 2-3 dao. Xét thấy, tại bản tự khai ngày 14/1/2015 (bút lục số 31) bị cáo khai “Tôi và anh K xô xát lẫn nhau, trong lúc vật nhau anh ấy cầm cây dao chém tôi và  tôi chụp tay anh ấy lại đồng thời tay tôi nhặt được môt vật gì đó, trong lúc tôi không biết thứ gì thì, nhưng tôi đập liên tiếp vào người anh K và anh ấy làm rớt dao trên tay xuống xong chị P (chị C) là chủ quán mới chạy ra ngăn cản nhưng anh K vẫn còn chửi tôi nên tôi xông vào đập vào người anh K”, lời khai này phù hợp với các biên bản hỏi cung bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp lời khai của bà P (C), đồng thời bà C là chủ quán không phải là vợ ông K như kháng cáo của bị cáo, do vậy việc bị cáo cho rằng bà P (C)   tiếp sức cho K là không có căn cứ chấp nhận.

Việc bị cáo cho rằng bị cáo cầm dao chém K để tự vệ, tuy nhiên bị cáo khai khi bị cáo chụp được cây dao chém K thì bà C can ngăn, K chạy vào phòng, bị cáo xô bà C ra và chạy vào phòng cầm dao chém K, K lùi về sau thì té xuống giường, bị cáo nhào vô chém K, K đưa 2 chân lên đỡ nên bị cáo không biết chém trúng đâu vì khi đó trong phòng chỉ bật đèn ngủ (bút lục 44). Lời khai của bị cáo là phù hợp với lời khai của bà C tại bút lục số 85 “.....Khi K lấy dao chặt thịt lúc này tôi mới lấy lại dao từ K cầm chọi bỏ,.....M cầm dao chém vào người K nhưng không biết trúng ở đâu, tôi ôm M lại đẩy M ra còn K đi vào phòng, lúc này M xô tôi ra một bên, cầm dao nhào vô chém K, K lùi về sau thì vấp té xuống giường, M nhào theo chém K”.  Lời trình bày của bị cáo là không căn cứ chấp nhận, vì hành vi nêu trên của bị cáo không phải là tự vệ, khi sự việc đã được can ngăn, bị hại đã chạy vào phòng nhưng bị cáo vẫn rượt theo và tiếp tục chém bị hại, nên kháng cáo của bị cáo là không căn cứ chấp nhận.

Từ những phân tích trên, xét thấy đề nghị của vị Kiểm sát viên về việc không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt của cấp sơ thẩm là có căn cứ Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[4] Án phí hình sự phúc thẩm bị cáo phải nộp theo quy định của pháp luật vì đơn kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận.

[5] Các phần quyết định khác của quyết định Bản án hình sự sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn M về việc hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuyên bố: bị cáo Nguyễn Văn M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Áp dụng Khoản 2 Điều 104; Điểm b, p, đ  Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 45; Điều 33; Điều 41; Điều 42 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29/12/2016 của Quốc Hội khóa 13, Khoản 3 Điều 7, Khoản 2 Điều 134 cảu Bộ luật Hình sự năm 2015.

Áp dụng Điều 605, Điều 609 Bộ luật Dân sự;

Áp dụng Điều 99; Điểm đ Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Khoản 1 Điều 22; Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12, ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử phạt: bị cáo Nguyễn Văn M  01 (Một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt chấp hành án.

[2] Án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo Nguyễn Văn M phải nộp là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng);

Các phần quyết định khác của quyết định Bản án hình sự sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật;

Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

353
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 51/2017/HS-PT ngày 18/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:51/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về