Bản án 506/2017/HSPT ngày 29/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 506/2017/HSPT NGÀY 29/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 29 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 694/2016/HSPT ngày 07 tháng 11 năm 2016 đối với bị cáo Phạm Sỹ Hoài N và các bị cáo khác do có kháng cáo của các bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 363/2016/HSST ngày 23 tháng 9 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo có kháng cáo:

1/ Phạm Sỹ Hoài N; Giới tính: Nam; Sinh năm 1980; Tại: Thành phố Hồ Chí Minh; HKTT: 350/4 (số cũ 32/1A) Nguyễn Văn L, phường 16, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nguyên công an quận T; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông Phạm Sỹ N và bà Phạm Thị L; Hoàn cảnh gia đình: Chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không.

Ngày 07/11/2014 bị bắt tạm giam, đến ngày 13/02/2015 hủy bỏ biện pháp tạm giam, bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

2/ Nguyễn Minh C1; Giới tính : Nam; Sinh năm 1991; tại Quảng Ngãi; Nơi đăng ký HKTT: Xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi; Chỗ ở: 229/40/15 T, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 10/12; Con ông Nguyễn Thanh L và bà Nguyễn Thị T; Hoàn cảnh gia đình: Chưa có vợ con; Tiền sự: Không; Tiền án: Tại bản án số 104 ngày 15/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long, xử phạt 03 năm tù về tội: “Cướp giật tài sản”. Tạm giam ngày 05/7/2014 (có mặt).

Bào chữa cho bị cáo C1 có Luật sư Trần Thị T – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh – có mặt.

3/ Phạm Thanh Kim H (Ba K); Giới tính: Nam; Sinh ngày 13/4/1997; tại Ninh Bình; Nơi đăng ký HKTT: Tổ 3, thôn 3, xã N, huyện Đ, tỉnh Đắc Nông; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 5/12; Con ông Phạm Thanh H và bà Phạm Thị H; Hoàn cảnh gia đình: Chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không. Tạm giam ngày 01/7/2014 (có mặt).

4/ Trần Đức V; Giới tính: Nam; Sinh năm 1996; tại Quảng Ngãi; Nơi đăng ký HKTT: Thôn P, xã Đ, huyện M, tỉnh Quảng Ngãi; Chỗ ở: 42/25/4 V, phường 13, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 10/12; con ông Trần Thanh T và bà Võ Thị Tuyết M; Hoàn cảnh gia đình: Chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không;

Nhân thân: Ngày 26/3/2013 bị Công an phường 13, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: Sử dụng trái phép chất ma túy; Tạm giam ngày 06/8/2014 (có mặt).

Bị cáo có liên quan đến kháng cáo:

Ngô Thành V1 (C), giới tính: Nam; sinh ngày 24/02/1996 tại Hải Dương; Nơi đăng ký thường trú: 26 Nguyễn Chánh S, phường 13, Quận T, TP. Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Học sinh; Trình độ học vấn: 11/12; Con ông: Ngô Văn P và bà Trần Thị Đ; chưa có vợ; Tiền án: không; Tiền sự: Ngày 20/06/2014 bị Công an phường 14, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt hành chính về hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Tạm giam ngày 02/7/2014 (có mặt).

Người bị hại: Ông Nguyễn Văn C; Sinh năm: 1970 (đã chết).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại:

Vợ: Bà Dương Thị T, sinh năm 1970 (có mặt).

Cùng thường trú: 1050/8 Quang T, phường 8, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà T: Luật sư Hoàng Cao S –Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh – có mặt.

(Những người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, kháng nghị, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa không triệu tập).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 25/6/2014, tổ tuần tra Đội cảnh sát giao thông – Công an quận T gồm: Lê Trường G, Nguyễn Huy T, Hoàng Văn N, Nguyễn Nhật N, Vũ Bá L, Hồ Thiên H và Phạm Sỹ Hoài N (do N làm tổ trưởng) tiến hành tuần tra, kiểm soát trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận T, Thành phố  Hồ Chí Minh, sau đó, dừng và đứng chốt trước Đài tưởng niệm liệt sĩ, tại giao lộ ngã tư đường Trường C và Tân K - Tân Q, phường 13, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến 22 giờ 20 phút cùng ngày, cảnh sát giao thông Lê Trường G phát hiện thấy anh Nguyễn Văn C điều khiển xe mô tô biển số 51F5-9249, có biểu hiện sử dụng rượu, bia nên đã ra hiệu dừng xe kiểm tra. Kết quả đo nồng độ cồn của anh C là 0,943/0,4mg/l khí thở, vượt quá quy định, cảnh sát G đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện, nhưng anh C không đồng ý ký tên vào biên bản mà còn cự cãi. Phạm Sỹ Hoài N đến giải thích và đề nghị anh C chấp hành việc lập biên bản nhưng anh C vẫn tiếp tục cự cãi, la lối và lớn tiếng chửi lại tổ công tác. Đến khoảng 22 giờ 50 phút, Phạm Sỹ Hoài N điện thoại cho Nguyễn Minh C1 (là người quen của N, lúc đó đang điều khiển mô tô chở Nguyễn Quốc K đi trên đường Lê Hồng P, Quận 10), yêu cầu đến ngã tư đường Trường C – Tân K Tân Q. Nghe điện thoại xong, C1 gọi điện thoại cho Phạm Thanh Kim H và Trần Đức V, yêu cầu đến ngã tư đường Trường C và Tân K- Tân Q, phường 13, quận T có việc. C1 dặn H gọi thêm người đi cùng. Đồng thời, C1 và K cũng đi đến khu vực ngã tư đường Trường C và Tân K - Tân Q. Khi đến nơi, C1, K gặp H đang đứng chờ. Một lúc sau, Trần Đức V điều khiển xe mô tô biển số 59S1-63356 chở Ngô Thành V1 đến. Sau đó, C1 điện thoại cho N hỏi giúp việc gì. N kể sự việc anh C vi phạm giao thông, khi bị lập biên bản không chịu ký tên mà còn cự cãi, chửi lại tổ tuần tra. N kêu C1 đánh anh C để dằn mặt và đuổi đi để tổ công tác làm việc, nhưng không được để ảnh hưởng tổ Cảnh sát giao thông đang làm việc. N đã mô tả và chỉ đặc điểm hình dáng của anh C (người mặt quần tây, áo sơ mi bỏ trong quần) đứng ngay chỗ đội đang làm việc cho C1 biết. C1 nói lại nội dung N nói cho H, V1 và V biết, rồi chỉ tay về phía anh C. Sau đó, C1 kêu H, V1, V điều khiển xe đến trước nhà sách Nhân V trên đường Trường C, đứng chờ. C1 đi bộ về hướng anh C và nói với anh C đã vi phạm giao thông mà còn cự cãi lại thì không lấy xe ra được đâu, muốn lấy được xe thì đi theo C1. C1 dẫn anh C đi về hướng mà H, V1, V đang đứng. Đến nơi V1 xông vào dùng tay phải “đánh chỏ” vào mặt, vùng cằm trái của anh C; H dùng tay phải đánh vào mặt trái của anh C, anh C té ngửa về phía sau xuống đất. H chống tay trái vào vùng ngực của anh C, khom người xuống, dùng tay phải đấm vào vùng dưới sườn, gần hông trái của anh C. V tiến đến dùng chân phải đạp vào vùng bụng của anh C. Lúc này có anh Nguyễn Hùng M và một số người dân kéo đến can ngăn nên C1, H, V1, V liền bỏ đi. Đến 23 giờ 32 phút, ngày 25/6/2014, C1 gọi điện thoại báo cho N là đã đánh xong anh C rồi đi về.

Khoảng 24 giờ cùng ngày, tổ tuần tra đi về trụ sở thì cảnh sát Lê Trường G phát hiện anh C đang ngồi trên lề đường Trường C, gần Đài tưởng niệm liệt sĩ nên đã gọi xe taxi biển kiểm soát 51A-72922 do tài xế Đỗ Quốc H điều khiển và nói đưa anh C về nhà. Trên đường đi, anh C than đau và nói tài xế xe taxi đưa anh C vào bệnh viện Thống nhất cấp cứu. Đến 04 giờ 05 phút ngày 27/6/2014, anh C tử vong.

Tại bản án hình sự sơ thẩm 363/2016/HSST  ngày 23/9/2016 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Tuyên bố: Các bị cáo Phạm Sỹ Hoài N, Nguyễn Minh C, Phạm Thanh Kim H, Trần Đức V phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.

1/ Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm d khoản 1 Điều 48; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Sỹ Hoài N: 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắtđầu chấp hành án được trừ đi thời gian tạm giam từ ngày 07/11/2014 đến ngày 13/02/2015.

2/ Áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm n,g,d khoản 1 Điều 48; Điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 33; Điều 45; Điều 53 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Minh C: 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 05/7/2014.

3/ Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm d khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45; Điều 53; Điều 69; Điều 74 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo: Phạm Thanh Kim H (Ba Ke): 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 01/7/2014.

4/ Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm d khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45; Điều 53 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Đức V: 11 (mười một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/8/2014.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Ngô Thành V1 (Cún), trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo và thi hành án theo quy định pháp luật.

Ngày 27/9/2016 bị cáo Phạm Sỹ Hoài N kháng cáo kêu oan.

Ngày 29/9/2016 bị cáo Nguyễn Minh C kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 26/9/2016 bị cáo Phạm Thanh Kim H và Trần Đức V kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 03/10/2016 đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Dương Thị T kháng cáo đề nghị làm rõ một số vấn đề mà bản án sơ thẩm chưa làm rõ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa có quan điểm cho rằng:

Căn cứ các chứng cứ đã thu thập cho thấy bị cáo N có vai trò chính trong việc gây ra cái chết cho người bị hại. Chính bị cáo là người đã gọi bị cáo C1 đến và bị cáo này (C1) gọi các bị cáo khác đến để đánh người bị hại. Lời khai của các bị cáo khác đã thể hiện việc này. Bị cáo N đã hứa hẹn với bị cáo C1 về việc nhận tội thay, điều này phù hợp với lời khai của bị cáo C1, anh K1 và anh K. Vì vậy án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo N là đúng người, đúng tội, không oan.

Đối với yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo còn lại là không có cơ sở, đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo này.

Đối với yêu cầu kháng cáo của người đại diện hợp pháp cho người bị hại cho rằng hành vi của các bị cáo đã phạm tội “Giết người” là không có cơ sở chấp nhận. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các Luật sư bào chữa cho bị cáo, Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại cùng lời khai của các bị cáo và người đại diện hợp pháp cho người bị hại,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Minh C1 đã phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây tại cấp sơ thẩm và cho rằng bị cáo N chỉ điện thoại yêu cầu bị cáo đưa người bị hại lên xe ta xi về, đồng thời không thừa nhận việc bị cáo N có thỏa thuận với bị cáo về việc nhận tội thay như những lời khai trước đây.

[2] Qua xem xét, nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu đã thu thập tại hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Trong suốt quá trình điều tra và tại tòa án cấp sơ thẩm, bị cáo Phạm Sỹ Hoài N không thừa nhận việc có nhờ và chỉ đạo bị cáo Nguyễn Minh C1 và các bị cáo khác đánh người bị hại, bị cáo cho rằng chỉ nhờ bị cáo C1 đến để đưa người bị hại lên xe taxi để về.

Trong khi đó, lời khai của bị cáo Nguyễn Minh C1 (trước đây) và những người biết sự việc gồm Nguyễn Quốc K và Trần Tấn Anh K1 – là bạn và quen biết bị cáo N và bị cáo C1 trong quá trình điều tra hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Như. Cụ thể:

Tại cơ quan điều tra, bị cáo C1 luôn khai nhận việc được bị cáo N gọi điện thoại đến để đánh dằn mặt người bị hại. Đặc biệt, tại lời khai vào ngày 21/01/2015 (bút lục 308) bị cáo C1 còn khai nhận: “Chiều ngày 27/6/2014, sau khi N gọi điện, bị cáo C1 cùng các anh K1 và K gặp bị cáo N tại quán cà phê. Tại đây, bị cáo N nói bị cáo C1 kêu K qua bàn khác ngồi. C1, N và K1 ngồi tại bàn, N nói bị cáo C1 đứng ra “gánh” hết cho N. Tiếp đó, rạng sáng ngày 28/6/2014, cả ba lại gặp nhau tại quán ốc khu vực bờ kè. Nội dung cuộc nói chuyện này là N nói bị cáo C1 ra đầu thú, nhận tội hết cho N, N sẽ cho C1 200.000.000đ, ngoài ra hàng tháng còn thăm nuôi và cho C1 5.000.000đ”.

Lời khai của anh Nguyễn Quốc K: Tại biên bản lấy lời khai ngày 29/7/2014 (bút lục số 404) thể hiện: “Tối ngày 28/7/2014 có đi cùng bị cáo C1 đến quán cà phê. Đến quán có gặp anh Trần Tấn Anh K1 và bị cáo N, sau đó K ra bàn khác ngồi để N, K1 và bị cáo C1 nói chuyện. Đến khi ra về mới nghe C1 nói việc bị cáo N nói C1 ra chịu vụ đánh chết người, N sẽ cho C1 200.000.000đ và thăm nuôi hàng tháng”.

Lời khai của Trần Tấn Anh K1 tại biên bản lấy lời khai vào ngày 05/8/2014 (bút lục số 466) cũng thể hiện việc anh K1 có ngồi C1 cùng bị cáo N và bị cáo C1, và cùng bàn bạc về nội dung như lời khai của bị cáo C1.

Như vậy, giữa lời khai của bị cáo N và bị cáo C1, anh K1, anh K là mâu thuẫn với nhau. Đây là nội dung rất quan trọng và là cơ sở để xác định một cách vững chắc việc bị cáo N  phạm tội như cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm đã nêu và quy kết. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra chưa tiến hành cho đối chất giữa bị cáo N, bị cáo C1, anh K và anh K1 là thiếu sót và thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu sót này đã vi phạm quy định tại Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, theo bản Kết luận giám định pháp y số 714/GĐTT.14 ngày 19/7/2014 của Trung tâm giám định Pháp y thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thì ngoài việc xác định nguyên nhân tử vong của người bị hại là: Chấn thương bụng kín do vỡ ruột non – Suy hô hấp cấp do sặc chất chứa trong dạ dày. Ngoài ra, bản kết luận còn thể hiện vết thương khác trên cơ thể người bị hại, đó là: Bầm tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh chẩm phải kích thước 4 x 3cm.

[3] Do các bị cáo bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, vì vậy các thương tích đã gây ra cho người bị hại phải được điều tra, xác minh và làm rõ. Trong khi đó, chứng cứ đã thu thập thể hiện: Tại bút lục số 493 người làm chứng là bà Trần Thị Thu H1 khai bà là người bán nước giải khát gần cạnh nơi xảy ra vụ đánh nhau, bà thấy hai thanh niên dùng nón bảo hiểm và dùng tay, chân đánh người bị hại. Tại bút lục số 352 bị cáo Phạm Thanh Kim H khai: “Người dân có đuổi theo V1, V1 liền bỏ mũ bảo hiểm của V qua xe tôi (H) rồi bỏ về trước

Như vậy, từ lời khai của bà H1 cho thấy, trong nhóm các bị cáo tham gia đánh người bị hại, ngoài việc dùng chân, tay thì có bị cáo đã dùng mũ bảo hiểm đánh người bị hại. Như vậy vết thương vùng chẩm để lại trên đầu người bị hại là do vật gì gây nên, có phải do mũ bảo hiểm gây nên hay không, và bị cáo nào là người dùng mũ bảo hiểm đánh người bị hại? Trên cơ sở đó mới có đủ căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo đã trực tiếp tham gia đánh người bị hại. Đồng thời, theo như lời khai của bị cáo H thì bị cáo V1 là người cầm mũ bảo hiểm của bị cáo V. Tuy nhiên, tại biên bản đối chất tại các bút lục số 387 – 389 giữa bị cáo V1 và bị cáo V cũng đã không đề cập đến những nội dung này. Việc điều tra, thu thập chứng cứ trong trường hợp này là chưa đầy đủ.

[4] Về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp cho người bị hại xét thấy: Tại bút lục số 1074 là Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại ngày 23/9/2016 (ngày xét xử sơ thẩm) của bà Dương Thị T – là vợ của người bị hại đã chết. Tại đơn này, ngoài việc yêu cầu các bị cáo phải bồi thường các chi phí điều trị, chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần…, bà T còn yêu cầu các bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cha, mẹ của người bị hại đang còn sống là ông Nguyễn Văn C và bà Trương Thị T1.

Như vậy, ở trường hợp này, người đại diện hợp pháp cho người bị hại theo quy định của pháp luật phải là cha, mẹ và vợ của ông C. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án này, cấp sơ thẩm chưa triệu tập để lấy lời khai của cha, mẹ ông C (hoặc yêu cầu họ có văn bản ủy quyền) để làm rõ về việc thỏa thuận cử bà T là người đại diện hợp pháp cho ông C, mà đã mặc nhiên xác định bà T tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp cho người bị hại là chưa đủ điều kiện và trái với hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Thiếu sót này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền tố tụng của ông C và bà T1 theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự và được xem là đã bỏ sót tư cách tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp cho người bị hại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nếu như việc xác định tư cách và đưa ông C, bà T1 tham gia tố tụng thì mới có cơ sở để tòa án xem xét, quyết định về yêu cầu buộc các bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường khoản tiền cấp dưỡng đối với cha, mẹ của người bị hại theo quy định của Bộ luật dân sự hay không?.

[5] Tóm lại: Trong vụ án này, do cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, xác định tư cách tham gia tố tụng chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này đã dẫn tới việc chưa đủ cơ sở vững chắc để xác định hành vi phạm tội của bị cáo Như, cũng như xác định tính chất, mức độ trong hành vi phạm tội của một số bị cáo trực tiếp tham gia đánh người bị hại; đồng thời việc xác định chưa đầy đủ tư cách tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp cho người bị hại, đã ảnh hưởng đến việc xác định đầy đủ quyền, nghĩa vụ dân sự của phía bị hại cũng như đối với các bị cáo. Những thiếu sót này tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, vì vậy cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

[6] Do hủy án sơ thẩm, vì vậy quan điểm bào chữa của các Luật sư bào chữa cho bị cáo C1 và Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Dương Thị T sẽ được xem xét trong quá trình giải quyết lại vụ án.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự

Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 363/2016/HSST ngày 23/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra và giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục tạm giam các bị cáo Nguyễn Minh C, Phạm Thanh Kim H (B), Ngô Thành V1, Trần Đức V cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý lại hồ sơ vụ án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

367
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 506/2017/HSPT ngày 29/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:506/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về