Bản án 50/2021/DS-PT ngày 10/03/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 50/2021/DS-PT NGÀY 10/03/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 10 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 366/2020/TLPT-DS ngày 13/11/2020 về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 61/2020/DSST ngày 30/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh D bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 10/2021/QĐPT-DS ngày 08tháng 01năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đỗ Thành L, sinh năm 1960; hộ khẩu thường trú: Ấp V, xã T, huyện T, tỉnh D.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Đỗ Thị Thu H, sinh năm 1977; hộ khẩu thường trú: Tổ 6, ấp B, xã A, huyện T, tỉnh D (văn bản ủy quyền ngày 29/11/2018); có mặt.

-Bị đơn: Bà Đỗ Thị V, sinh năm 1958 và bà Huỳnh Thị Thùy D, sinh năm 1988; cùng hộ khẩu thường trú: Tổ 4, ấp V, xã T, huyện T, tỉnh D; có mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Đỗ Thành L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn bà Đỗ Thị Thu H trình bày: Khoảng 09 giờ ngày 18/9/2016, ông L là cha ruột của bà H đang ở nhà thì bà V, cùng con gái bà V là bà D đến nhà ông L. Bà V cầm đá đập vào đầu ông L, bà D dùng cây tầm vông dài khoảng 0,5m đánh liên tiếp vào người ông L. Bà V nắm tóc ông L đập vào tường nhà liên tục. Sau khi bà V, bà D đi ra về. Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày (ngày 18/9/2016) ông L được đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để điều trị thương tích đến ngày 20/9/2016 thì xuất viện, đến ngày 26/9/2016, ông L tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để tái khám. Do đó, ông L khởi kiện yêu cầu bà Đỗ Thị V, bà Huỳnh Thị Thùy D liên đới bồi thường cho ông L tổng số tiền 108.523.600 đồng bao gồm: Chi phí điều trị và thuốc tại bệnh viện 4.923.600 đồng; chi phí thuê xe chở đi điều trị 06 chuyến 3.600.000 đồng; chi phí thiệt hại do ông L không đi làm được 05 tháng 50.000.000 đồng; tiền tổn hại về sức khỏe 10.000.000 đồng; tiền thiệt hại về tinh thần 40.000.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cho rằng đã tính sai số tiền khởi kiện ngày 25/01/2019 là 85.733.600 đồng (gồm các chi phí: Chi phí điều trị và thuốc tại bệnh viện 4.923.600 đồng; chi phí thuê xe chở đi điều trị 03 chuyến 1.800.000 đồng; tiền thiệt hại do ông L không đi làm được 03 tháng 30.000.000 đồng; tiền tổn hại về sức khỏe 10.000.000 đồng; tiền thiệt hại về tinh thần 40.000.000 đồng), tổng cộng là 86.723.600 đồng chứ không phải là 85.733.600 đồng theo đơn khởi kiện. Do đó, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu bị đơn (bà V, bà D ) liên đới bồi thường cho nguyên đơn tổng số tiền 108.523.600 đồng.

- Bị đơn bà Đỗ Thị V trình bày:Do ông L, bà V thường xuyên tranh chấp đất đai nên khoảng 08 giờ 30 phút, ngày 18/9/2016, bà V đến nhà ông L để nói chuyện thì bị ông L đẩy bà V ra khỏi nhà. Cùng lúc đó con gái bà V là bà D vừa đến thấy bà V bị ông L xô đẩy nên nắm áo ông L kéo ra thì bị ông L đánh mấy cái vào đầu nên bà D bỏ chạy, ông L đuổi theo đánh bà D nhưng ông L bị trượt chân té làm rớt điện thoại và vé số. Ông L tự té chứ không phải do bà V và bà D đánh ông L. Do đó, bà V không đồng ý bồi thường bất cứ khoản chi phí nào cho ông L.

- Bị đơnbà Huỳnh Thị Thùy D trình bày:Bà D thống nhất với lời trình bày của bà V. Bà D rút lại yêu cầu phản tố đối với số tiền yêu cầu ông L bồi thường tiền thuốc cho bà D là 5.000.000 đồng. Ngoài ra, bà D không có ý kiến gì khác.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 61/2020/DSST ngày 03/9/2020, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh D đã quyết định:

1.Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của nguyên đơn ông Đỗ Thành L đối với bị đơn bà Đỗ Thị V, bà Huỳnh Thị Thùy D.

2. Đình chỉ yêu cầu phản tố số tiền 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) của bị đơn (bà Huỳnh Thị Thùy D) đối với nguyên đơn (ông Đỗ Thành L).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ chậm thi hành án của các đương sự.

Sau khi tuyên án, ngày 12/10/2020,nguyên đơn ông Đỗ Thành L có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo;các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Căn cứ Bản kết luận điều tra số 23/KLĐT ngày 19/4/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T kết luận bà V, bà D có hành vi dùng tay đánh vào người ông L, hành vi này tuy không cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” nhưng đã xâm phạm đến sức khỏe của ông L nên ông L phải điều trị thương tích ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, do đó không miễn trừ trách nhiệm dân sự của bà V, bà D . Căn cứ Nghị quyết 03/2006/HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về chi phí điều trị, chi phí đi lại; không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc thu nhập bị mất. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày, tranh tụng của các đương sự tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:Trong đơn kháng cáo nguyên đơn xác định kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện nguyên đơn xác định nguyên đơn chỉ kháng cáo đối với phần nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, còn đối với nội dung đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn thì nguyên đơn không kháng cáo. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét đối với một phần bản án sơ thẩm liên quan đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đối với việc đình chỉ thì Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu này do nguyên đơn rút yêu cầu kháng cáo về phần này.

[2] Về áp dụng pháp luật: Sự việc xảy ra vào ngày 18/9/2016, thời điểm này Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực nên áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết nội dung vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 là không phù hợp.

[3] Về nội dung xét kháng cáo của nguyên đơn:

[3.1] Bị đơn bà Huỳnh Thị Thùy D có yêu cầu phản tố yêu cầu nguyên đơn bồi thường số tiền thuốc 5.000.000 đồng nhưng bà D đã rút toàn bộ yêu cầu phản tố. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ đối với yêu cầu phản tố của bà D là phù hợp với Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3.2]Nguyên đơn kháng cáo cho rằng bị đơn thừa nhận đánh nguyên đơn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng thương tích của nguyên đơn không xác định được là do tự té, tự gây thương tích hay do người khác nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[3.2.1] Xét chứng cứ Tòa án cấp sơ thẩm thu thập đượctừ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T: Tại Bản kết luận điều tra số 23/KLĐT ngày 19/4/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng (BL số 63) xác định nội dung vụ việc: “Khoảng 09 giờ 00 ngày 18/9/2016 ông L đi làm phụ hồ ở xã Thanh An về đến nhà và mở bugi xe mô tô ra để sửa thì bà V đi bộ từ nhà của mình sang, bà V nói với ông L “Mày đi ra ngoài tao nói chuyện chút coi”, ông L nói “Có gì thì nói ở đây đi, tôi không đi đâu hết”, bà V đi lại dùng tay nắm và kéo cổ áo của ông L đi ra ngoài trước nhà nói “May nói căn nhà này là c ủa ba để lại cho mày hả?” bà V vừa nói vừa dùng tay đấm vào mặt ông L cùng lúc này con gái bà V tên Huỳnh Thị Thùy D (tên thường gọi là Misa) sinh năm 1988, HKTT ấp V, xã T, huyện T, tỉnh D đi bộ từ nhà bà V sang thấy mẹ mình đang đánh ông L thì chạy lại chửi và dùng tay đánh vào đầu, mặt của ông L làm ông L té ngã xuống đất, sau đó mẹ con bà V bỏ đi về nhà, ông L được gia đình chở đi đến phòng khám khu vực xã Thanh Tuyền sơ cứu vết thương sau đó chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương tiếp tục điều trị đến ngày 20/9/2016 thì xuất viện.” Tại phần kết luận của Bản Kết luận điều tra có nội dung: Hành vi dùng tay đánh vào người ông L không có tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà V, bà D không đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, tại Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 23/QĐ ngày 19/4/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự do hành vi dùng tay đánh vào người ông Đỗ Thành L của bà V, bà D không có tỷ lệ tổn thương cơ thể. Như vậy, Kết luận điều tra và Quyết định không khởi tố vụ án hình sự nêu trên đã xác định bà V và bà D có hành vi đánh vào người ông L. Hành vi này tuy chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đã vi phạm khoản 1 Điều 32 của Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, thân thể của người khác.

[3.2.2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bà V cho rằng không có hành vi đánh ông L, lời khai của ông Được tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T là không đúng sự thật. Bà V yêu cầu Tòa án triệu tập những người chứng kiến sự việc làm chứng cho bà V, bà D . Người làm chứng ông Được xác định không thấy sự việc xảy ra; người làm chứng bà Trang không có lời khai tại cơ quan điều tra nhưng có đơn xác định bà D không đánh ông L (đơn của bà Trang do bà V nộp chưa có chứng thực của địa phương nơi bà Trang cư trú). Bà V, bà D xác định khi thấy ông L và bà V giằng co thì bà D nắm cổ áo ông L để kéo ông L ra, do nền đất không bằng phẳng nên ông L mất thăng bằng té xuống nền đất trước nhà. Lời thừa nhận của bị đơn là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Căn cứ giấy chứng nhận thương tích ngày 21/9/2016 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thì tình trạng thương tích của ông L khi xuất viện như sau: Tỉnh, G15đ, đau đầu, sây sát thái dương + vành tai (P), tim đ ều, phổi rõ, bụng mềm, không yếu liệt chi. Qua tình trạng thương tích nêu trên, đối chiếu với lời khai của các bên đương sự và bản kết luận điều tra thì không có dấu vết của vật cứng tác động làm tổn thương cơ thể “làm đầu bị lệch một bên, tay không cử động được” như lời trình bày của ông L. Có căn cứ xác định trong lúc bà V, bà D đến nhà ông L có hành vi dùng tay giằng co với ông L và bà D có hành vi nắm cổ áo ông L kéo ra làm ông L bị té ngã xuống đất. Hậu quả là ông L bị đau đầu, phải đến khám và điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Khi khám bệnh thì bác sĩ xác định ông L bị sây sát thái dương và vành tai (P),ngoài ra ông L không còn thương tích nào khác. Ông L cho rằng bị bà V, bà D dùng gậy tầm vông và đá đánh đập gây thương tích nhưng trên người ông L không thể hiện dấu vết của việc bị gậy tầm vông, gạch đá tác động, đồng thời tại hiện trường vụ việc (BL 94) không phát hiện hung khí gạch, đá, gậy tầm vông nên lời trình bày của ông L là không có căn cứ.

[3.2.3] Ông L khởi kiện cho rằng bà V và bà D có hành vi đánh ông L gây thương tích và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân… mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Trong trường hợp này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng đã xác định bà V và bà D có hành vi đánh vào người của ông L. Ông L cho rằng hành vi này đã gây thiệt hại cho ông L thì ông L phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại.

[3.2.4] Ông L cho rằng ông bị thiệt hại tổng cộng 108.523.600 đồng bao gồm: Chi phí điều trị và thuốc tại bệnh viện 4.923.600 đồng; chi phí thuê xe chở đi điều trị 06 chuyến 3.600.000 đồng (mỗi chuyến 600.000 đồng); thu nhập bị mất do ông L không đi làm được trong thời gian 05 tháng là 50.000.000 đồng (mỗi tháng 10.000.000 đồng); bồi thường tổn hại về sức khỏe 10.000.000 đồng; bồi thường thiệt hại về tinh thần 40.000.000 đồng.

[3.2.5] Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

[3.2.6] Tại khoản 1 Mục 2 Nghị quyết 03/2006/HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

“Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có).

Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 Bộ luật Dân sự.”

[3.2.7] Xét các chứng cứ do cơ quan cảnh sát điều tra thu thập được và do ông L cung cấp đối chiếu với các quy định nêu trên thì thiệt hại thực tế của ông L được xác định như sau:

- Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông L có đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để điều trị, căn cứ Giấy chứng nhận thương tích ngày 21/9/2016 và Giấy ra viện ngày 20/9/2016 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương (bút lục 85) thì ông L nhập viện lúc 13 giờ 30 phút ngày 18/9/2016 và xuất viện vào lúc 16 giờ 00 phút ngày 20/9/2016, chẩn đoán tổn thương nông ở đầu và chỉ định uống thuốc theo toa, tái khám vào ngày 26/9/2016. Như vậy, có cơ sở xem xét các chi phí điều trị theo chỉ định của bác sĩ gồm:

Chi phí khám chữa bệnh, nằm viện, tái khám, thuốc theo toa của bác sĩ tổng cộng: 3.548.600 đồng.Không có cơ sở xem xét đối với số tiền 840.000 đồng và 535.000 đồng vì chi phí này được chi trả theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện T, không phải là chi phí điều trị thương tích.

- Về chi phí thuê phương tiện: Theo quy định nêu trên thì có chi phí thuê phương tiện đi cấp cứu nên chỉ có cơ sở chấp nhận 01 lần thuê phương tiện chở đến bệnh viện để điều trị ban đầu là 600.000 đồng theo xác nhận của chủ phương tiện ô tô là ông Nguyễn Đức T (bút lục 160) và lái xe ông Nguyễn Văn Th, không thể chấp nhận yêu cầu của ông L đối với chi phí thuê phương tiện cho 05 lần còn lại.

- Đối với yêu cầu của ông L về bồi thường thu nhập bị mất trong 05 tháng, mỗi tháng 10.000.000 đồng, tổng cộng 50.000.000 đồng.Xét thấy: Ông L có nộp chứng cứ tại Tòa án cấp sơ thẩm là xác nhận của ông Nguyễn Thành Tn xác định có thuê ông L làm thợ hồ chính với số tiền 370.000 đồng/ngày,ngày 18/9/2016 là ngày xảy ra vụ việc sau khi ông L đi làm về và chiều ngày 18/9/2016 nhập viện, ngày 19/9/2016 ông được bác sĩ chỉ định điều trị tại bệnh viện và ngày 20/9/2016 xuất viện.Như vậy, ông L chỉ nghỉ trong 02 ngày nằm viện vàtừ ngày 21/9/2016đến ngày bác sĩ hẹn tái khám vào ngày 26/9/2016, ngoài ra các ngày khác bác sĩ không có chỉ định nghỉ việc để điều trị bệnh nên chỉ có cơ sở xác định ông L bị mất thu nhập trong 08 ngày, mỗi ngày 370.000 đồng, tổng cộng 2.960.000 đồng, không có cơ sở xem xét thời gian nghỉ làm việc 04 tháng 22 ngày còn lại theo như yêu cầu của ông L.

- Đối với yêu cầu bồi thường tổn hại sức khỏe và thiệt hại tinh thần: Xét thấy tỷ lệ tổn thương cơ thể theo kết luận giám định của cơ quan giám định pháp y xác định đối với thương tích của ông là 0% nên không có cơ sở xem xét yêu cầu này của ông.

Từ những phân tích trên, có cơ sở xác định các thiệt hại thực tế mà ông L phải chịu gồm chi phí cho việc điều trị tại bệnh viện theo chỉ định của bác sĩ 3.548.600 đồng, chi phí thuê phương tiện cấp cứu ban đầu 600.000 đồng, thu nhập bị mất trong 08 ngày không đi làm theo chỉ định điều trị của bác sĩ là 2.960.000 đồng, tổng cộng thiệt hại là 7.108.600 đồng.

[3.2.8] Các thiệt hại thực tế phát sinh làdo trong lúc bà V, bà D qua nhà ông L sau đó bà V, bà D có hành vi dùng tay giằng co với ông L, bà D cóhành vi kéo cổ áo ông L làm ông L bị té ngã xuống đất nên bà V và bà D phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho ông L số tiền 7.108.600 đồng theo quy định tại Điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[3.3] Ông L kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông nhưng chỉ chứng minh được một phần yêu cầu của ông L là có căn cứnên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của ông L như đã phân tích trên.

[3.4] Tòa án sơ thẩm cho rằng không có cơ sở xác định ông L tự té, tự gây thương tích hay do người khác gây thương tíchnên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông L là chưa xem xét, đánh giá toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đặc biệt là chứng cứ từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng, lời trình bày của các đương sự và những người làm chứng, do đó cần sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn bà V và bà D bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn theo quy định tại các Điều 604,605,606,609 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[3.5] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp một phần.

[4]Về án phí sơ thẩm: Nguyên đơn ông L và bị đơn bà V không phải chịu án phí do là người cao tuổi. Bị đơn bà D phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận.

[5] Về án phí phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 2 Điều 148; điểm c khoản 1 Điều 289; khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các Điều 25, 32, 604, 605, 606, 609 Bộ luật Dân sự năm 2005; Nghị quyết 03/2006/HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Đình chỉ một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn đối với việc đình chỉ yêu cầu phản tố của bà Huỳnh Thị Thùy D về việc buộc nguyên đơn ông Đỗ Thành L bồi thường số tiền thuốc là 5.000.000 đồng (năm triệu đồng).

2. Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơnông Đỗ Thành L, sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 61/2020/DSST ngày 03/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện T như sau:

2.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đỗ Thành L về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:Buộc bị đơn bà Đỗ Thị V, bà Huỳnh Thị Thùy D liên đới bồi thường cho nguyên đơn ông Đỗ Thành L số tiền 7.108.600 đồng (bảy triệu một trăm lẻ tám nghìn sáu trăm đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong, nếu người phải thi hành án chậm thi hành thì còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2.2. Án phí dân sự sơ thẩm:

Nguyên đơn ông Đỗ Thành L không phải chịu. Hoàn trả cho ông L số tiền 2.143.340 đồng (hai triệu một trăm bốn mươi ba nghìn ba trăm bốn mươi đồng) tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo Biên lai số 0012890 ngày 25/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng.

Bị đơn bà Đỗ Thị V không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Bị đơn bà Huỳnh Thị Thùy D phải chịu 177.715 đồng (một trăm bảy mươi bảy nghìn bảy trăm mười lăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

3. Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn ông Đỗ Thành L không phải Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tạiĐiều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2043
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 50/2021/DS-PT ngày 10/03/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:50/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về