Bản án 50/2020/DS-PT ngày 11/12/2020 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 50/2020/DS-PT NGÀY 11/12/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN

Ngày 11 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 43/2020/TLPT-DS ngày 14/10/2020 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản".

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/08/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tuyên Quang bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 52/2020/QĐXXPT-DS ngày 12 tháng 11 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Quan Văn K, sinh năm 1971 và bà Hỏa Thị M, sinh năm 1972; Cùng địa chỉ: Thôn A, xã U, huyện, tỉnh Tuyên Quang. (Ông K, bà M có mặt).

2. Bị đơn: - Ông Chẩu Quang P, sinh năm 1965 (có mặt);

- Bà Quan Thị L, sinh năm 1963 (vắng mặt). Người đại diện theo ủy quyền củabàQuanThị L – Ông Chẩu Quang P,sinh năm1965. Cùng địa chỉ: Thôn C, xã U, huyện B, tỉnh Tuyên Quang.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Hoàng Văn O, sinh năm 1969 Địa chỉ: Thôn A, xã U, huyện B, tỉnh Tuyên Quang (có mặt).

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Chẩu Quang P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Quan Văn K trình bày:

Gia đình ông có 01 con bò cái 12 tháng tuổi do tập thể Hội Nông dân thôn A giao cho vào ngày 28/6/2018 theo chương trình vay bò trả bê. Con bò nhà ông được nhận là con bò của nhà bà Vi Thị Y cùng thôn A đẻ ra và bà Y là người trực tiếp giao cho gia đình ông. Sau khi nhận bò ông có nhờ ông Ma Văn I chăn dắt ở khu vực đèo Kéo Ca (trên Đèo Nàng), đến tháng 12/2018 chuyển bò về chăn cùng bò mẹ ở nhà bà Vi Thị Y . Đến tháng 4/2019 ông chuyển bò đi khu Nà Đá nhờ ông Quan Văn D và bà Nông Thị H chăn dắt hộ. Đến tháng 7 (âm lịch) năm 2019 bà Nông Thị H gọi điện báo cho biết là không thấy con bò của gia đình ông. Sau khi biết bị mất bò gia đình ông không báo cho chính quyền địa phương mà tự đi tìm bò. Đến ngày 14/11/2019 trong lúc đi tìm trâu ông phát hiện thấy con bò đi theo đàn bò bà Nông Thị Huyến, sau đó ông có nhờ bà Vi Thị Y đi hộ nhận dạng con bò và xác định chính xác là con bò của gia đình ông. Đến ngày 17/11/2019 ông dắt con bò về nhà, khi dắt bò về có sự chứng kiến của ông Quan Văn D anh, bà Nông Thị H và ông Triệu Đức Q, ông Q chở bò hộ qua sông đi thuyền lên bờ. Sau khi dắt lên bờ ông nhờ ông Quan Văn T lấy xe ô tô chở bò về nhà ông. Đến ngày 24 tháng 11 năm 2019 thì có ông Chẩu Quang P đến nhà bảo con bò đấy là của ông P, sau đó ông có nhờ thôn A giải quyết. Ngày 25 tháng 11 năm 2019 thôn A giải quyết và bảo ông dắt bò xuống cho nhận dạng thì ông Chẩu Quang P và bà Quan Thị L đã tự ý dắt con bò đi.

Nay ông K xác định con bò là của gia đình ông, có đặc điểm là bò cái đã được 30 tháng tuổi, có cắt tai bên trái theo thẳng thân con bò, phía dưới gần mỏm nhọn của tai con bò, cắt sâu khoảng một đốt ngón tay trỏ, bà Vi Thị Y cắt trước khi chuyển bò cho gia đình ông. Lông bò màu nâu đen, có 01 khoáy ở lưng ngang chân. Con bò mẹ đẻ ra con bò này do bà Vi Thị Y nuôi và hiện nay bà Y đã bán cho người buôn trâu bò, hiện không xác định được địa chỉ người mua.

Ông xác định nguồn gốc con bò đang tranh chấp được Hội Nông dân xã U giao cho gia đình dưới hình thức vay bò trả bê, tức là gia đình nhận nuôi con bê, khi sinh sản gia đình được lấy bò mẹ và giao bê con cho xã để luôn cho người khác. Khi giao bò xã lập biên bản với điều kiện nếu gia đình làm mất hoặc bò bị chết thì phải mua con khác trị giá 8 triệu đồng trả cho xã.

Về giá trị tranh chấp ông nhất trí với kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 17/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tuyên Quang xác định giá trị con bò tranh chấp khoảng 13.000.000đ (mười ba triệu đồng).

Ông đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết buộc vợ chồng ông Chẩu Quang P và bà Quan Thị L trả lại con bò đang tranh chấp cho gia đình ông.

Bị đơn ông Chẩu Quang P trình bày:

Tháng 4 năm 2019 ông có thỏa thuận đổi gác một con bò cái với anh Nông Văn B, trú tại thôn E, xã C. Con bò khoảng 12 tháng tuổi, rất thuần, màu vàng đen, chưa sấn sẹo, có đeo chuông, lúc đổi chưa có vết sẹo ở chân. Sau khi đổi bò ông mang về trang trại chăn thả cùng với trâu của ông. Tháng 5 năm 2019, con bò đi ăn cỏ dẫm vào nứa bị đứt chân trái sau, ông được chăm sóc vết thương. Ngày 10/11/2019 ông vẫn thấy trâu, bò đủ; đến ngày 12 /11/ 2019 ông từ nhà đến lều thì thấy trâu, bò không đủ; đến ngày 14/11/2019 ông thấy một con trâu cái đẻ đạp đổ bờ rào và bị chết. Không thấy bò, ông tìm đến lều ông Chẩu Văn N, trú tại thôn C, xã U, ở cùng khu vực V cho ông biết ngày 17/11/2019 thấy hai vợ chồng ông Quan Văn K và bà Hỏa Thị M cùng ông Quan Văn D ở trang trại Nà Đá vào bắt và sấn sẹo bò ở dưới lều ông Ma Văn G trú tại thôn X, xã U dắt về 01 con bò bê cái. Đến ngày 24/11/2019 hai vợ chồng ông đến nhà ông Quan Văn K xem con bò thì chính xác là con bò của ông vì con bò có đặc điểm màu vàng đen, có một vết sẹo do dẫm vào nứa bị đứt chân trái sau, ông được chăm sóc vết thương, vết sẹo đã lành lâu, mới sấn sẹo, tai mới cắt còn dính máu đông, ông khẳng định con bò là của ông. Ông có trao đổi với ông K và bà M là đã bắt nhầm bò của ông, cho ông xin nhưng ông K và bà M không cho. Đến chiều ngày 25/11/2019, thôn A và thôn C lập biên bản giải quyết tranh chấp bò giữa hai bên nhưng không thành.

Về giá trị con bò có tranh chấp, ông nhất trí với kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 17/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tuyên Quang xác định giá trị con bò tranh chấp khoảng 13.000.000đ (mười ba triệu đồng).

Ông đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết con bò đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hoàng Văn O trình bày:

Ngày 17 tháng 6 năm 2020, tôi có nhận chăn dắt con bò đang tranh chấp giữa gia đình ông Quan Văn K và ông Chẩu Quang P, tôi nhất trí tiếp tục chăn dắt con bò trên đến khi Tòa án xét xử xong. Tôi đề nghị Tòa án giải quyết thanh toán tiền công chăn dắt bò cho tôi theo quy định của pháp luật.

Vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tuyên Quang xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; không hòa giải được và đưa ra xét xử. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tuyên Quang quyết định: Căn cứ khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, 155, 156, 157, 158, 235, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 165; Điều 166, 357, 554, 559,561, 579, 580 Bộ luật dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên Xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M. Xác định con bò cái có đặc điểm loại bò ta, độ tuổi từ 32 đến 34 tháng tuổi, màu lông vàng, đầu có 1 khoáy, bả vai phải có 1 khoáy, răng có 3 răng chính, 5 răng sữa, mép tai trái có 1 vết sẹo dài 1cm, vết sẹo cũ; chân trái sau có 1 vết sẹo dài 2cm, mũi có vết sứt, sừng hai bên dài 2cm, trọng lượng con bò khoảng 128kg, giá trị con bò theo giá thị trường khoảng 13.000.000đ (mười ba triệu đồng) thuộc quyền sở hữu của ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M.

Ông Hoàng Văn O có trách nhiệm trả lại con bò đã được Tòa án nhân dân huyện B lập biên bản tạm giao ngày 17 tháng 6 năm 2020 cho ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M.

Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Ông Chẩu Quang P phải thanh toán cho ông Quan Văn K số tiền 4.000.000đ (bốn triệu đồng).

Về chi phí chăn dắt bò: Ông Chẩu Quang P phải thanh toán cho ông Hoàng Văn O là 6.300.000đ (sáu triệu ba trăm nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo bản án của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 01/9/2020 Tòa án nhận được đơn kháng cáo của bị đơn ông Chẩu Quang P ghi ngày 27/8/2020 có nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện B với lý do Tòa án cấp sơ thẩm xử nghiêng về phía ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M ông không nhất trí, con bò đó chính xác là con bò của ông, đề nghị Tòa án xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo ông Chẩu Quang P trình bày ông có nhân chứng sống, đủ chứng cứ xác định con bò tranh chấp là của ông, đề nghị Tòa án xem xét xác định con bò có tranh chấp là của gia đình ông.

Ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo bị đơn ông Chẩu Quang P hợp lệ, trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm.

Về nội dung: Việc ông P cho rằng nguồn gốc con bò đang tranh chấp với ông bà M K là con bò của ông đổi với anh Nông Văn B vào ngày 25/4/2019, con bò có đặc điểm lông màu vàng đen, có vết sẹo ở chân trái, ông P và anh Bđều thừa nhận khi đổi bò thì con bò đổi cho ông P khoảng 12 tháng tuổi. Như vậy, con bò ông P nhận đổi của anh Bngày 25/4/2019 đến ngày thẩm định 17/6/2020 là 26 tháng tuổi. Con bò phía nguyên đơn ông K bà M vay của Hội nông dân huyện B từ ngày 28/6/2018 khi đó con bò được 12 tháng tuổi, đến ngày thẩm định 17/6/2020 là 34 tháng tuổi. Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 17/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện B thể hiện con bò đang tranh chấp có độ tuổi từ 32 đến 34 tháng tuổi phù hợp với độ tuổi con bò của nguyên đơn nên cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn giữ nguyên bản án sơ thẩm về nội dung xác định quyền sở hữu. Đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm tuyên trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn, xác định lại tiền công chăn bò và xác định lại nghĩa vụ chịu án phí, chi phí thẩm định tại chỗ đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn ông Chẩu Quang P, Hội đồng xét xử xét thấy:

Ngày 28/6/2018 gia đình ông Quan Văn K và bà Hỏa Thị M ký hợp đồng vay bò cái giống với Hội nông dân huyện B, theo hình thức Vay bò trả bê, theo hợp đồng ông K, bà M được giao 01 con bò cái 12 tháng tuổi, với trọng lượng 100kg, trị giá 8.000.000đ, thời hạn vay là 36 tháng kể từ ngày 28/6/2018 đến ngày 28/6/2021 với cam kết sau khi bò giống cái ban đầu đẻ ra bê cái đủ 12 tháng tuổi thì chủ hộ nuôi bò trả bê giao cho Hội nông dân xã.

Con bò cái giống ông K, bà M nhận từ Hội nông dân huyện B thông qua luân chuyển từ bò nhà bà Vi Thị Y đã nuôi trước đó, bà Y đã hoàn thành việc vay bò trả bê con và con bê con được bàn giao cho gia đình ông Quan Văn K để tiếp tục thực hiện chương trình của dự án. Sau khi nhận bò ông bà K M gửi nhờ ông Ma Văn I sấn sẹo và chăn dắt hộ (BL 26). Đến tháng 12/2018 ông bà K M lấy bò về gửi nhờ bà Y chăn cùng bò mẹ, do sợ bò bị thất lạc nên bà Y dùng kéo cắt vào gần đỉnh mỏm nhọn mép tai bên trái con bò, vết cắt rách sâu khoảng 1 đốt ngón tay (BL 18). Khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5/2019 ông K chuyển bò nhờ ông Quan Văn D và bà Nông Thị H chăn dắt hộ, lúc đó con bò đã có sẹo ở mũi (BL 19). Đến tháng 7/2019 bà Huyến gọi điện báo cho bà M là không thấy con bò của nhà bà M đâu. Khi mất bò gia đình bà M không báo chính quyền địa phương mà tự đi tìm bò, đến ngày 14/11/2019 gia đình bà M phát hiện thấy con bò đi theo con bò ông bà Danh Huyến, bà M nhờ bà Y đi nhận dạng bò hộ xác định là con bò của gia đình bà M. Đến ngày 17/11/2019 gia đình bà M nhờ ông D sỏ dây vào chỗ sấn sẹo cũ (BL 21) để dắt bò lên thuyền chở về nhà. Từ đó các bên có tranh chấp.

Việc thu thập mẫu vật giám định gen: Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành điều tra xác minh tại địa phương, kết quả xác minh thể hiện:

Con bê con của gia đình ông Quan Văn K và bà Hỏa Thị M nhận nuôi là con của con bò mẹ do gia đình bà Vi Thị Y tham gia chương trình Vay bò trả bê, gia đình bà Y đã hoàn thành hợp đồng với Hội nông dân huyện B nên luân chuyển con bê cho gia đình ông K tiếp tục tham gia chương trình. Quá trình tham gia dự án con bò mẹ do gia đình bà Y nuôi đẻ được 02 con trong đó có 01 con chuyển cho gia đình ông K, còn lại 01 con bò con và con bò mẹ, sau khi hoàn thành chương trình dự án gia đình bà Y đã bán cho người buôn trâu bò không biết tên tuổi địa chỉ.

Ông Chẩu Quang P, bà Quan Thị L xác định gia đình bà tham gia chương trình Vay bò trả bê của Quỹ Thiện Tâm -Tập đoàn Vingroup, sau khi nuôi do không sinh sản nên gia đình ông P, bà L đã mang ra đổi cho anh Nông Văn B lấy 02 con bê con, 01 con ông P chuyển luân phiên cho anh Ma Chung K, còn 01 con gia đình ông P nuôi tại trang trại, đến tháng 11/2018 do bờ rào bị đổ nên con bê sổng ra ngoài và bị mất. Anh Nông Văn B trình bày con bò mà anh đã đổi cho gia đình ông P là do anh mua tại chợ gia súc tại tỉnh Bắc Kạn, không nhớ mua của ai, địa chỉ ở đâu.

Các tài liệu thu thập được thể hiện không còn đối tượng và mẫu vật để thực hiện việc lấy mẫu vật giám định, nên không thể thực hiện việc giám định gen.

Về độ tuổi con bò có tranh chấp:

Các tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 28/6/2018 gia đình ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M ký hợp đồng và nhận bò luân chuyển từ gia đình bà Vi Thị Y , thời điểm này con bò con do gia đình bà Y chăn nuôi do đủ 12 tháng tuổi nên đủ điều kiện hoàn thành hợp đồng vay bò trả bê đối với Hội nông dân huyện, thời điểm tháng 6/2018 con bò đủ 12 tháng tuổi.

Tại bản tự khai ngày 09/3/2020 (BL số 15) ông Chẩu Quang P trình bày: “Tôi có 1 con bê cái khoảng 12 tháng tuổi, đến khoảng tháng 4/2019 tôi có đổi cho cháu Nông Văn B”; tại lời khai anh Nông Văn B (BL 24) thể hiện: “cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2019 âm L anh đổi cho ông P 01 con bò, tại thời điểm anh Bđược ông Chẩu Quang P nhờ nhận dạng con bò tháng 11/2019 âm L con bò khoảng 15 tháng tuổi”. Lời khai của ông Chẩu Quang P (BL 31, 60) khẳng định: “Tháng 4/2019 gia đình tôi có đổi cho cháu Nông Văn B con bò 12 tháng tuổi màu vàng đen, chưa sấn sẹo, có đeo chuông”, BL 75: “Tháng 4/2019 tôi đổi con bê với cháu Biên lúc đó con bê có đặc điểm lúc đổi khoảng 12 tháng tuổi, chưa sấn sẹo, tôi không để ý bao nhiêu khoang khoáy”.

Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 17/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện B thể hiện: Con bò có tranh chấp màu lông vàng, có 03 răng chính, 05 răng sữa, độ tuổi từ 32-34 tháng tuổi. Các tài liệu trong hồ sơ thể hiện gia đình ông K bà M ký hợp đồng nhận bò ngày 28/6/2018 lúc đó con bò 12 tháng tuổi, đến tháng 6/2020 là 35 tháng tuổi.

Ông Chẩu Quang P khẳng định thời điểm đổi bò cho anh Blà tháng 4/2019, lúc đổi con bò 12 tháng tuổi, đến ngày 17/6/2019 con bò sẽ được 25-26 tháng tuổi.

Tòa án cấp sơ thẩm đã cùng các cơ quan chuyên môn thực hiện việc thẩm định tại chỗ bằng hình thức kiểm tra răng để xác định độ tuổi con bò có tranh chấp, căn cứ số lượng răng chính của con bò (đã thay 3 răng chính), cân nặng, vòng ngực, Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ cấp sơ thẩm kết luận xác định độ tuổi con bò là 32 đến 34 tháng tuổi. Như vậy, kết quả thẩm định xác định độ tuổi còn bò có tranh chấp phù hợp với lời khai, lời trình bày của ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M về thời gian nhận, và độ tuổi của con bò.

Về đặc điểm con bò có tranh chấp:

Tại Biên bản hòa giải ngày 20/5/2020 (BL 31,32) nguyên đơn bà Hỏa Thị M, ông Quan Văn K mô tả đặc điểm con bò của gia đình nguyên đơn bị thất lạc: “Con bò là bò cái đã được 30 tháng tuổi có cắt tai bên trái thẳng theo thân con bò phía dưới gần mỏm nhọn của tai con bò, cắt sâu khoảng một đốt ngón tay trỏ, bà Vi Thị Y cắt trước khi chuyển cho gia đình tôi”. Tại biên bản lấy lời khai ngày 14/7/2020 (BL 70) bà M mô tả “ ...đến ngày hôm sau là ngày 29/6/2019 vợ chồng tôi có nhờ ông Ma Văn I sấn sẹo bò, sấn sẹo xong vẫn gửi ở nhà bà Thuy”.

Bị đơn ông Chẩu Quang P xác định: Tại bản tự khai ngày 09/3/2020 (BL 15) ông P mô tả đặc điểm con bò: “Con bò khoảng 12 tháng tuổi màu vàng đen, chưa sẵn sẹo”, tại tờ trình (BL 16) ông Chẩu Quang P khẳng định: “Bò của tôi lúc chăn thả chưa sấn sẹo.....còn tôi được biết con bò của bà M K đã sấn sẹo đi gửi theo đàn bò của ông Quan Văn D anh”, các biên bản hòa giải ngày 20/5/2020 (BL 31,32) ngày 26/6/2020 (BL 61,62) cũng như lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm ông Chẩu Quang P đều xác định con bò của gia đình ông lúc thả vào trang trại chưa sấn sẹo và khi bị gia đình ông K bà M bắt về mới sấn sẹo nên khi gia đình ông và anh B đến nhận dạng thì con bò có vết cắt ở tai là vết mới, còn dính máu đông, mũi mới sỏ sẹo còn dính máu.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại các biên bản giải quyết vụ việc ngày 24, 25/11/2019 (BL 02,03) không có nội dung thể hiện việc con bò đang tranh chấp mới sấn sẹo, hoặc vết sấn sẹo có dính máu đông, cũng không có nội dung thể hiện tai mới cắt còn có máu đông. Tại các biên bản lấy lời khai ngày 25/11/2020 đối với ông Ma Văn Z, ông Quan Văn J, trú tại thôn A đều thừa nhận khi lập biên bản ngày 24/11/2019 con bò đã sấn sẹo, có một vết cắt ở tai trái là vết cắt cũ không còn dính máu. Biên bản lấy lời khai ngày 25/11/2020 ông Hoàng Văn R là Phó Chủ tịch Hội nông dân xã U, kiêm cán bộ thú y ông R xác định: “Theo tôi được biết tình trạng con bò khi lập biên bản ngày 24/11/2019 có đặc điểm con bò đã sấn sẹo, vết sẹo đã cũ...Con bò có một vết cắt ở tai trái, vết cắt đã cũ”.

Như vậy, lời khai của bị đơn ông P mô tả đặc điểm con bò của gia đình ông P bị mất không phù hợp với đặc điểm con bò được mô tả trong biên bản xem xét thẩm định, cũng không có căn cứ chứng minh vết sấn sẹo, vết cắt tai là vết cắt mới, còn dính máu đông.

Lời khai mô tả đặc điểm con bò của nguyên đơn xác định con bò có một vết cắt tai trái, đã sấn sẹo từ trước; vết cắt tai, vết sấn sẹo cũ là phù hợp với đặc điểm con bò được mô tả trong biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, phù hợp với lời khai của những người làm chứng tham gia buổi hòa giải, nhận dạng ngày 24, 25/11/2019; phù hợp với lời khai người làm chứng Ma Văn I (BL 20, 26, 86, 87): “Ngày 28/6/2018 bà Y lấy lại cả bò cả bê về để giao cho bà M, khoảng 3 ngày sau tôi giúp bà M chọc sẹo con bê con”, phù hợp với lời khai của bà Vi Thị Y (BL 19a, 84, 85): “con bê có đặc điểm màu nâu đen tôi có cắt tai trái thẳng theo thân con bò phía dưới gần mỏm nhọn của tai con bò tôi cắt sâu khoảng một đốt ngón tay trỏ”.

Các lời khai người làm chứng anh Nông Văn B và ảnh chụp con bò của ông Chẩu Quang P và con bò của ông ngày đổi cũng chỉ thể hiện hình dáng, màu sắc con bò. Hơn nữa tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/8/2020 anh Bkhông khẳng định con bò đang tranh chấp là của ông P mà anh Bchỉ khẳng định anh có đổi bò cho ông P (BL 98).

Từ những phân tích nêu trên HĐXX thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ kết quả xem xét thẩm định xác định độ tuổi con bò từ 32 đến 34 tháng tuổi, căn cứ lời khai của nguyên đơn mô tả đặc điểm con bò phù hợp với kết quả thẩm định, xác định lời khai mô tả đặc điểm, độ tuổi con bò có tranh chấp của bị đơn không phù hợp với kết quả thẩm định tại chỗ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là phù hợp, đúng quy định của pháp luật, do đó không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Chẩu Quang P, giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn xác định con bò có tranh chấp thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn.

Về chi phí chăn dắt bò trong thời gian ông P chăn nuôi từ tháng 7/2019 âm L cho đến ngày 14/11/2019, quá trình giải quyết vụ án ông P không yêu cầu giải quyết nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là đúng quy định, tại phiên tòa phúc thẩm ông P không đề nghị xem xét nên HĐXX không giải quyết.

Về chi phí chăn dắt bò trong thời gian từ ngày 17/6/2020 đến ngày 20/8/2020 là 63 ngày: Sau khi xem xét thẩm định tại chỗ, Tòa án cấp sơ thẩm đã tạm giao con bò có tranh chấp cho ông Hoàng Văn O chăn dắt chờ xét xử, việc tạm giao tài sản có tranh chấp cho người thứ 3 là không đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, làm phát sinh quyền của ông Phong, phát sinh thêm nghĩa vụ của đương sự khác. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự cùng xác định sau khi Tòa án sơ thẩm tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ đại diện Tòa án và các đương sự cùng thống nhất giao con bò có tranh chấp cho ông O chăn dắt, quản lý để thuận lợi cho quá trình thi hành án, và cũng thống nhất bên nào thua sẽ phải thanh toán chi phí chăn dắt cho ông Hoàng Văn O. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án sơ thẩm đã đưa ông O vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và buộc ông P thanh toán chi phí chăn dắt là đảm bảo quyền lợi của ông Hoàng Văn O. Tuy nhiên cấp sơ thẩm căn cứ mức thu nhập bình Q của người lao động tại địa phương buộc bị đơn phải thanh toán cho ông Hoàng Văn O mức 100.000 đồng/ngày là chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Chẩu Quang P, bà Quan Thị L. Kết quả ủy thác thu thập chứng cứ của Tòa án nhân tỉnh Tuyên Quang thể hiện quá trình ông Hoàng Văn O chăn dắt con bò có tranh chấp ông O chăn theo đàn gồm 3 con. Kết quả ủy thác thu thập chưng cứ đã xác định tiền công chăn trâu bò tại UBND xã U theo hình thức chăn theo đàn từ 3 đến 5 con là 35.000 đồng/con/ngày. Do đó, HĐXX phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm xác định số tiền công chăn dắt bò là 35.000 đồng/ngày. Tòa án cấp sơ thẩm buộc một mình ông P phải chịu khoản tiền này là chưa phù hợp, cần buộc các đồng bị đơn phải chịu khoản tiền này. Do vậy, cần buộc ông P, bà L cùng có nghĩa vụ trả cho ông Hoàng Văn O tiền công chăn dắt bò là 63 ngày x 35.000 đồng/ngày = 2.205.000 đồng.

Về chi phí thẩm định tại chỗ: Tổng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 4.000.000 đồng, số tiền này phía nguyên đơn đã nộp tạm ứng, do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn chịu khoản tiền này là phù hợp, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc riêng ông Chẩu Quang P phải chịu khoản tiền này là chưa phù hợp, HĐXX sửa bản án sơ thẩm về nội dung này theo hướng buộc ông P phải chịu 2.000.000 đồng, bà L phải chịu 2.000.000 đồng.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc ông P phải chịu 650.000 đồng án phí sơ thẩm có giá ngạch (5% của 13.000.000 đồng) mà không chia nghĩa vụ và buộc bà Quan Thị L cùng chịu án phí, đồng thời không buộc bị đơn phải chịu án phí đối với khoản tiền công chăn dắt mà bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho ông Hoàng Văn O là chưa phù hợp. Tòa án cấp sơ thẩm cũng không xử lý tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp là có thiếu sót. HĐXX sửa bản án về phần án phí buộc ông P, bà L cùng phải chịu án phí của số tiền phải thi hành là 5% x (13.000.000 đồng + 2.205.000 đồng) = 760.000 đồng, trong đó ông P phải chịu 380.000 đồng, bà L phải chịu 380.000 đồng.

Ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại cho ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 300.000 đồng tại biên thu tạm ứng án phí số 0000024 ngày 20/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B tỉnh Tuyên Quang.

[2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị đơn ông Chẩu Quang P không được chấp nhận nên ông P phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 308, Điều 309; Điều 147, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, 561, 579, 580; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Chẩu Quang P yêu cầu Tòa án xác định con bò có tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Chẩu Quang P, bà Quan Thị L, giữ nguyên bản án sơ thẩm như sau:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M. Xác định con bò cái có đặc điểm loại bò ta, độ tuổi từ 32 đến 34 tháng tuổi, màu lông vàng, đầu có 1 khoáy, bả vai phải có 1 khoáy, răng có 3 răng chính, 5 răng sữa, mép tai trái có 1 vết sẹo dài 1cm, vết sẹo cũ; chân trái sau có 1 vết sẹo dài 2cm, mũi có vết sứt, sừng 2 bên dài 2cm, có giá trị là 13.000.000 đồng (mười ba triệu đồng) thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M (Con bò đã được bàn giao cho nguyên đơn theo biên bản ngày 20/8/2020).

2. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tuyên Quang như sau:

Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Buộc bị đơn ông Chẩu Quang P, bà Quan Thị L phải thanh toán cho nguyên đơn ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M số tiền 4.000.000đ (bốn triệu đồng), chia ra ông P phải thanh toán 2.000.000 đồng, bà L phải thanh toán 2.000.000 đồng cho nguyên đơn.

Về chi phí chăn dắt bò: Buộc bị đơn ông Chẩu Quang P, bà Quan Thị L phải thanh toán cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hoàng Văn O là 2.205.000đ (Hai triệu hai trăm linh năm nghìn đồng), chia ra ông P phải thanh toán 1.102.500 đồng, bà L phải thanh toán 1.102.500 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Chẩu Quang P, bà Quan Thị L phải chịu 760.000đ (Bảy trăm sáu mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, chia ra ông P phải chịu 380.000 đồng, bà L phải chịu 380.000 đồng.

Ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại cho ông Quan Văn K, bà Hỏa Thị M số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tại biên thu tạm ứng án phí số 0000024 ngày 20/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Tuyên Quang.

3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Chẩu Quang P phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền 300.000đ đã nộp tạm ứng tại biên lai thu số 0000065, ngày 08/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Tuyên Quang. Ông Chẩu Quang P đã nộp đủ tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 11/12/2020).

"Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự"./ 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

463
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 50/2020/DS-PT ngày 11/12/2020 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản

Số hiệu:50/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:11/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về