Bản án 49/2019/HS-ST ngày 31/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MAI SƠN - TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 49/2019/HS-ST NGÀY 31/07/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 30 và 31 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 43/2019/TLST-HS ngày 14 tháng 6 năm 2019 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 43/2019/QĐXXST-HS ngày 21 tháng 6 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 13/2019/HSST-QĐ ngày 02 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo:

PHẠM T. Giới tính: Nam. Tên gọi khác: Không. Sinh ngày 01/01/1971 tại: huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Bản A, xã B, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nghề nghiệp: Kinh doanh. Quốc tịch: Việt Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Trình độ học vấn: 07/12. Con ông Phạm T1 (đã chết); con bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1950. Bị cáo có vợ là Trần Thị T3, sinh năm 1974. Bị cáo có 04 con, con lớn nhất sinh năm 1994, con nhỏ nhất sinh năm 2015. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại tại nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

Bị hại: Phạm K, sinh năm 1989. Địa chỉ: Thôn K1, xã K2, huyện K3, thành phố Hà Nội. Vắng mặt có lý do.

Người làm chứng:

- Tòng Văn G1, sinh năm 1987. Địa chỉ: Bản E, xã E1, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

- Nguyễn Văn G2, sinh năm 1988. Địa chỉ: Bản A, xã B, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Có mặt.

- Nguyễn Thị Hằng G3, sinh năm 1988. Địa chỉ: Thôn E2, xã B, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Có mặt.

- Nguyễn Duy G4, sinh năm 1952. Địa chỉ: Khu vực 2, xã E3, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 17 giờ 20 phút ngày 16/11/2018, Phạm K điều khiển xe ô tô nhãn hiệu MISUBISHI sơn màu đen biển kiểm soát: 30E-709.10 đi đến trụ sở của Doanh Nghiệp tư nhân Thu Thủy tại Bản A, xã B, huyện Mai Sơn để tìm bạn tên là Trần Văn Đ (sinh năm 1979, trú tại Đội 2, xã E3, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) đang làm thuê cho doanh nghiệp. Khi đến cổng trụ sở doanh nghiệp Thu Thủy, K nhìn thấy xe ô tô của Trần Văn Đ đang đỗ bên trong doanh nghiệp nên K điều khiển xe ô tô lùi vào trong và dừng ở trước cửa phòng Kế toán của doanh nghiệp (đầu xe quay ra phía cổng trụ sở doanh nghiệp, bánh xe trước và sau bên trái của xe ô tô đỗ trên mặt bàn cân tải trọng điện tử). K không tắt máy, vẫn ngồi trên xe, hạ cửa kính bên lái và phụ xuống, sau đó K quan sát qua cửa bên phụ thấy Tòng Văn G1 đang ngồi trong phòng Kế toán nên K hỏi G1 “Có anh Đ ở đây không” thì G1 trả lời là “không có”. K chỉ tay về phía phòng Kế toán và chửi: “chúng mày sống cho nó đàng hoàng, xe Đ ở trong kia mà bảo không biết, không có …”. Lúc này anh Nguyễn Văn G2 (người quản lý doanh nghiệp), Nguyễn Thị Hằng G3 (người nấu ăn cho công nhân) và Nguyễn Duy G4 (công nhân của doanh nghiệp) đang làm việc thì nghe thấy tiếng K chửi ở phía cổng trụ sở nên G2 và G3 đi ra xem thì thấy K đang ngồi trên ghế lái và chửi bậy nên G3 gọi điện thoại cho Phạm T (Giám đốc doanh nghiệp) bảo “Có thằng đi xe ô tô vào cổng chửi bậy”. Sau đó G3, G2, G4 ra hỏi K có chuyện gì thì đều bị K chửi và đuổi đi. Đến khoảng 17 giờ 28 phút cùng ngày, T đi bộ từ trong xưởng ra cổng trụ sở gặp K và nói: “Mày cút đi, đây là chỗ tao làm ăn, không phải là chỗ chúng mày chửi nhau” rồi T đi về phía cửa bếp ăn của doanh nghiệp (cách đó khoảng 7m đến 10m) lấy 01 đoạn gậy gỗ dài 1,2m, một đầu kích thước 2,2 x 2,3cm, một đầu kích thước 2,3 x 4,2cm đang chống ở cửa bếp ăn của doanh nghiệp. Lúc này K nhìn qua gương chiếu hậu bên trái thấy T đang lấy gậy ở phía sau nên K điều khiển xe ô tô ra khỏi cổng trụ sở thì T cầm gậy đuổi theo K. K điều khiển xe ô tô đi qua cổng trụ sở khoảng 1 – 2m thì giảm tốc độ và điều khiển xe ô tô chuyển hướng sang bên phải để đi về hướng thành phố Sơn La, do K điều khiển xe đi chậm nên T đuổi kịp và đứng song song với cửa bên lái của xe ô tô (cách cửa khoảng 50cm lúc này kính bên lái đang hạ), T cầm gậy bằng hai tay, giơ ngang vai, chọc theo chiều hướng từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, một đầu gậy hướng vào vị trí K đang ngồi và dùng lực của hai tay chọc 02 phát liên tiếp trong đó phát thứ nhất trúng vào vị trí sau đầu bên phải, phát thứ hai trúng vào vị trí đuôi mắt bên trái của K. Sau khi bị T chọc, K điều khiển xe ô tô đi được khoảng 10 - 15m thì dừng lại, K nhìn thấy bên lề đường bên phải có 01 con dao nhọn, cán bằng gỗ dài khoảng 30cm, bản rộng nhất khoảng 10cm, K xuống nhặt con dao rồi quay lại phía cổng trụ sở của Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy và tuyên bố ai thích đánh nhau thì ra đây, lúc này T cũng đang đứng ở cổng trụ sở nhưng cả hai được mọi người can ngăn nên T đi vào phòng quản lý ở phía trong doanh nghiệp, còn K do bị T dùng gậy gây thương tích rách ra chảy nhiều máu ở đuôi mắt trái nên được Chử Văn Q (sinh năm 1973, trú tại thôn 2, xã B, huyện Mai Sơn) gọi xe taxi đưa đến Bệnh viện đa khoa Cuộc Sống để rửa và khâu vết thương.

Ngày 19/11/2018, Phạm K làm đơn trình báo vụ việc gửi đến Công an huyện Mai Sơn. Ngày 10/3/2019 K làm đơn yêu cầu xử lý và giải quyết theo quy định của pháp luật hình sự đối với Phạm T.

Vật chứng thu giữ: 01 thanh gỗ dài 1,2m, một đầu kích thước 2,2 x 2,3cm, một đầu kích thước 2,3 x 4,2cm.

Ngày 07/01/2019 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn ra quyết định trưng cầu giám định số 250 trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích và cơ chế hình thành thương tích đối với Phạm K.

Ngày 14/01/2019, Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La ra bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 11 kết luận: “tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với Phạm K là 02%, cơ chế hình thành vết thương là do tác động tương hỗ của vật tầy cứng gây nên.” Bản cáo trạng số 42/CT-VKSMS ngày 14/6/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mai Sơn đã truy tố bị cáo Phạm T về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

Sau khi kết thúc phần thẩm vấn, đại diện Viện kiểm sát trình bày lời luận tội đối với bị cáo và đã giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo theo cáo trạng và đề nghị hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Tuyên bố bị cáo Phạm T phạm tội Cố ý gây thương tích.

Xử phạt bị cáo Phạm T từ 06 tháng đến 09 tháng cải tạo không giam giữ.

Về vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015:

Tịch thu tiêu hủy: 01 thanh gỗ dài 1,2m; một đầu kích thước 2,2 x 2,3cm; một đầu kích thước 2,3 x 4,2cm.

Về trách nhiệm dân sự: Chấp nhận việc bị cáo Phạm T tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho bị hại là 5.000.000VNĐ.

Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015; Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án: Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000VNĐ (Hai trăm nghìn đồng chẵn), án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 VNĐ (G4 trăm nghìn đồng chẵn).

Bị cáo Phạm T nhất trí với nội dung luận tội của đại diện Viện kiểm sát và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án cải tạo không giam giữ.

Trong đơn xin vắng mặt tại phiên tòa bị hại Phạm K không yêu cầu bị cáo Phạm T phải bồi thường về dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Mai Sơn, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân huyện Mai Sơn, Kiểm sát viên, thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tình tiết định tội, định khung hình phạt:

Tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận: Ngày 16/11/2018, do Phạm K điều khiển xe ô tô đi vào trụ sở doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy do Phạm T làm chủ và có hành vi chửi bới, lăng mạ đối với công nhân của doanh nghiệp gây mất trật tự nên Phạm T đã dùng thanh gỗ dài 1,2m, 01 đầu có kích thước 2,2cm x 2,3cm, 01 đầu có kích thước 2,3 x 4,2cm là hung khí nguy hiểm gây tỷ lệ thương tích 02% cho K.

Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với biên bản xem xét dấu vết trên thân thể của Phạm K do Công an huyện Mai Sơn lập hồi 12 giờ 10 phút ngày 19/11/2018, kết luận giám định pháp y về thương tích số 11/TgT ngày 14/01/2019 đối với Phạm K của Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La; biên bản khám nghiệm hiện trường do cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn lập hồi 10 giờ 20 phút ngày 21/11/2018, phù hợp với biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung đối với bị can, biên bản lấy lời khai của bị hại, người làm chứng và phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, hành vi của bị cáo Phạm T gây thương tích cho Phạm K đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Viện kiểm sát truy tố và Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn xét xử bị cáo Phạm T là chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai cho bị cáo.

Điều 134 BLHS năm 2015 quy định: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

…”

[3] Xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm: Hội đồng xét xử thấy rằng: hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, hoang mang lo lắng trong dư luận xã hội.

[4] Xét về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Sự việc xảy ra có một phần lỗi của bị hại khi bị hại có hành vi gây gổ, chửi bới tại doanh nghiệp nơi bị cáo làm chủ nên dẫn tới việc bị cáo đã gây thương tích cho bị hại trong tình trạng bị kích động. Bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải về việc đã làm. Trước phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền là 5.000.000VNĐ vào Chi cục thi hành án dân sự để khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra cho bị hại. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ được Hội đồng xét xử xem xét khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Căn cứ vào tính chất mức độ và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo có một phần lỗi của bị hại. Mặc khác, bị cáo không có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã tự nguyện khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra cho bị hại, do đó xét thấy không cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, giao bị cáo cho chính quyền địa phương để giám sát, giáo dục cũng đủ để bị cáo cải tạo trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung.

[5] Về việc khấu trừ thu nhập: Căn cứ biên bản xác minh của Cơ quan điều tra và tại phiên tòa xét thấy: Bị cáo làm kinh doanh tự do, thu nhập không ổn định, thu nhập trung bình hàng tháng là 10.000.000VNĐ. Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 36 Bộ luật Hình sự Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng đối với bị cáo là 05% thu nhập trung bình là 500.000VNĐ trong thời gian bị cáo chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

[6] Về bồi thường dân sự:

Qua điều tra xác minh, hành vi của bị cáo đã gây thiệt hại sức khỏe cho bị hại là 02%. Bị hại đã thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa cuộc sống với chi phí là 2.060.000VNĐ (thể hiện tại các chứng từ do Công an thu thập tại Bệnh viện đa khoa cuộc sống). Mặc dù bị hại Phạm K không yêu cầu bị cáo Phạm T phải bồi thường về dân sự. Tuy nhiên, trước phiên tòa bị cáo đã tự nguyện nộp 5.000.000VNĐ vào Chi cục thi hành án dân sự huyện Mai Sơn để khắc phục hậu quả. Xét thấy, đây là sự tự nguyện của bị cáo, không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội nên cần chấp nhận.

[6] Về vật chứng, xử lý vật chứng:

Đối với 01 thanh gỗ dài 1,2m; một đầu kích thước 2,2 x 2,3cm; một đầu kích thước 2,3 x 4,2cm. Xét thấy đây là vật bị cáo đã dùng vào việc phạm tội nên cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tuyên tịch thu tiêu hủy.

[7] Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015; Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000VNĐ (Hai trăm nghìn đồng chẵn), án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 VNĐ (G4 trăm nghìn đồng chẵn).

[8] Về các vấn đề khác:

Đối với việc Phạm T khai trước ngày xảy ra sự việc trên có Phạm Văn H (sinh năm 1967, trú tại Hợp tác xã 3, xã F, huyện Mai Sơn) đến trụ sở Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy dọa đánh Trần Văn Đ (là cháu của T), và một số đối tượng nam giới không quen biết tụ tập quậy phá ở cổng trụ sở doanh nghiệp, T nghi ngờ những người này là do K cử đến quấy rối doanh nghiệp. Quá trình điều tra xác định H đến tìm Đ để giải quyết nợ nần cá nhân giữa H và Đ, không liên quan đến Phạm K, H không quen biết K. Đối với các đối tượng đến tụ tập quậy phá ở cổng trụ sở doanh nghiệp, T khai không biết tên tuổi địa chỉ nên Cơ quan điều tra không xác minh được các đối tượng trên, quá trình điều tra không thu thập được chứng cứ tài liệu chứng minh các đối tượng trên có liên quan đến Phạm K.

Về hành vi của Phạm K lái xe vào trụ sở doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy và có những lời lẽ thô tục xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với K theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 126/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

Đối với con dao K khai K nhặt ở ven đường và cầm quay lại trụ sở doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy. Quá trình điều tra xác định sau khi điều trị khâu vết thương tại Bệnh viện đa khoa Cuộc Sống, trên đường đi đến nhà nghỉ tư nhân tại khu vực Ngã tư Cầu Trắng thuộc phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, K đã vứt con dao ở dọc đường, do trời tối nên K không nhớ vứt dao ở vị trí nào. Vì vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra không có căn cứ xác minh, truy tìm.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Tuyên bố bị cáo Phạm T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt bị cáo Phạm T 08 (tám) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã B, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhận được bản án có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành án. Giao bị cáo Phạm T cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú là Ủy ban nhân dân xã B, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La giám sát giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ. Gia đình bị cáo Phạm T có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã B trong việc giám sát, giáo dục bị cáo Phạm T.

Áp dụng biện pháp khấu trừ thu nhập hàng tháng đối với bị cáo là 500.000VNĐ/01 tháng để sung quỹ Nhà nước. Việc khấu trừ được thực hiện hàng tháng kể từ ngày UBND xã B, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhận được bản án và quyết định thi hành án đến khi bị cáo chấp hành xong hình phạt 08 (tám) tháng cải tạo không giam giữ.

2. Về vật chứng của vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015:

Tịch thu tiêu hủy: 01 thanh gỗ dài 1,2m; một đầu kích thước 2,2 x 2,3cm; một đầu kích thước 2,3 x 4,2cm.

3. Về trách nhiệm dân sự: Chấp nhận bị cáo Phạm T tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho bị hại là 5.000.000VNĐ theo Biên lai thu tiền số AA/2016/0002665 ngày 30/7/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Bị hại Phạm K được nhận số tiền 5.000.000VNĐ mà bị cáo Phạm T đã nộp khắc phục hậu quả tại Biên lai thu tiền số AA/2016/0002665 ngày 30/7/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

4. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015; Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án: Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000VNĐ (Hai trăm nghìn đồng chẵn), án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 VNĐ (G4 trăm nghìn đồng chẵn).

Báo cho bị cáo biết được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 31/7/2019); Bị hại vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết công khai.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

274
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 49/2019/HS-ST ngày 31/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:49/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mai Sơn - Sơn La
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:31/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về