TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 49/2019/DS-PT NGÀY 04/04/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM
Ngày 04 tháng 4 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 38/2019/DS-PT, ngày 11 tháng 02 năm 2019 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 295/2018/DS-ST ngày 29/11/2018 của Toà án nhân dân huyện PT, tỉnh An Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 43/2019/QĐXX- DSPT ngày 21 tháng 02 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa số: 36/2019/QĐ- PT ngày 13 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Thái Thị K, sinh năm 1970 (có mặt) Địa chỉ: Số 709, tổ 08, ấp PT B, xã PL, huyện PT, tỉnh AG.
2. Bị đơn:
2.1. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1947 (vắng mặt)
2.2. Anh Nguyễn Ngọc N, sinh năm 1988 (vắng mặt)
2.3. Chị Nguyễn Thị Ngọc T, sinh năm 1980 (vắng mặt)
2.4. Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1978 (vắng mặt)
Cùng địa chỉ: Tổ 03, ấp TP, xã PL, huyện PT, tỉnh AG.
Người đại diện hợp pháp của ông H, chị T, chị D: Anh Nguyễn Ngọc N là đại diện theo ủy quyền (theo Giấy ủy quyền ngày 07/3/2018) (vắng mặt)
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Phạm Văn N1, sinh năm 1966 (có mặt)
Địa chỉ cư trú: số 709, tổ 08, ấp PT B, xã PL, huyện PT, tỉnh AG.
3. Người kháng cáo: Bà Thái Thị K là nguyên đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Thái Thị K (sau đây gọi tắt là bà K) trình bày:
Vào lúc 7 giờ ngày 08/10/2015, bà đang bán bánh tằm tại chợ TP, đối diện quán bán cà phê của chị Nguyễn Thị Ngọc T (sau đây gọi tắt là chị T). Bà và chị T có cự cãi lời qua, tiếng lại, chị T điện thoại gọi anh Nguyễn Ngọc N, chị Nguyễn Thị D với ông Nguyễn Văn H (sau đây gọi tắt là anh N, chị D, ông H) cùng đến. Anh N nắm đầu đánh bà và con của bà là chị Phạm Thị Bảo Yến (sau đây gọi tắt là chị Yến), tiếp theo, ông H, chị T và chị D cùng đánh bà và đánh chị Yến.
Khoảng 05 phút sau, con gái của bà là chị là Phạm Thị Bảo Ngọc (sau đây gọi tắt là chị Ngọc) tình cờ đến chứng kiến sự việc, nên chị Ngọc cầm một cái ly thủy tinh ném vào anh N, cha chồng của bà là ông Phạm Văn Có (sau đây gọi tắt là ông Có) đến để can ngăn thì cũng bị ông H với anh N lấy nón bảo hiểm ông Có đang đội trên đầu và đánh vào ông Có.
Khoảng 7 giờ 30 phút, Công an xã PL đến hiện trường thì bà đã nằm bất tỉnh do bị đánh vào vùng mặt, vùng đầu chảy máu rất nhiều, bà được đưa đi cứu chữa ngay tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Tân Châu, tỉnh AG (sau đây gọi tắt là Bệnh viện Tân Châu).
Khoảng 16 giờ 45 phút cùng ngày chồng bà là ông Phạm Văn N1 (sau đây gọi tắt là ông N1) ký tên vào bệnh án xin cho bà xuất viện để về nhà điều trị.
Ngày 09/10/2015, bà đến điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Bệnh viện Đại học Y Dược) và Bệnh viện tâm thần thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Bệnh viện tâm thần) hơn 02 năm.
Cơ quan giám định pháp y tỉnh AG kết luận tỉ lệ thương tật của bà là 16%, bao gồm: sẹo khuyết gò má phải kích thước 1,8 x 0,1 cm, tỉ lệ thương tật 15%, ảnh hưởng thẩm mỹ, không gây cố tật và sẹo mờ má trái kích thước 0,6 x 0,6 cm, tỉ lệ thương tật 01%, không ảnh hưởng thẩm mỹ, không gây cố tật.
Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện PT ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do tỉ lệ thương tật của bà là 01%.
Nay bà yêu cầu ông H, anh N, chị T và chị D cùng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bà số tiền là 158.042.577đ. Cụ thể:
1. Chi phí điều trị là 44.522.577đ, gồm:
- Tại Bệnh viện Tân Châu: 1.231.263đ.
- Tại Bệnh viện Đại học Y Dược từ ngày 09/10/2015 đến ngày 10/10/2015: 4.449.456đ.
- Tại Bệnh viện Đại học Y Dược từ ngày 20/10/2015 đến ngày 10/11/2015: 23.127.124đ.
- Tại Bệnh viện Đại học Y Dược từ ngày 10/11/2015 đến ngày 26/10/2016: 15.714.734đ.
- Tại Bệnh viện Tâm thần từ ngày 11/11/2016 đến ngày 11/01/2017: 2.943.192đ.
2. Chi phí xe là 12.120.000đ, gồm:
- Xe cấp cứu chuyển bệnh; vé xe cho 02 người đi, về từ ngày 08/10/2015 đến ngày 23/12/2015 là 4.150.000đ.
- Vé xe cho 02 người đi, về từ ngày 05/01/2016 đến ngày 11/01/2017 là 7.970.000đ.
3. Mất thu nhập của người bệnh là 58.500.000đ, gồm:
- Thu nhập từ ngày 08/10/2015 đến ngày 08/10/2016 là 300 ngày x 150.000đ/ngày = 45.000.000đ (đã trừ 65 ngày nghỉ lễ, tết)
- Thu nhập từ ngày 09/10/2016 đến ngày 11/01/2017 là 90 ngày x 150.000đ/ngày = 13.500.000đ.
4. Mất thu nhập của người nuôi bệnh là 8.400.000 đồng, gồm:
- Từ ngày 08/10/2015 đến ngày 23/12/2015 là 16 ngày x 200.000đ/ngày = 3.200.000 đồng.
- Tiền nuôi bệnh 13 đợt x 02 ngày x 200.000 đồng = 5.200.000 đồng.
5. Tổn thất tinh thần là 30 tháng lương tối thiểu x 1.150.000 đồng = 34.500.000 đồng.
Theo bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, anh N đại diện bị đơn trình bày:
Khoảng 7 giờ ngày 08/10/2015, chị T đang bán cà phê và nước uống tại Chợ TP đối diện với quán bán bánh tằm của bà K. Lúc này có học sinh đến gọi nước uống của quán chị T, các em học sinh nhìn thấy chị Yến nên nói: “chị đó là vợ của Thầy Khến”, bà K nghe vậy, đến chỉ vào mặt các em học sinh và nói: “vợ thầy Khến thì có gì không”. Các em học sinh kể sự việc cho chị T nghe; khi quán vắng khách, chị T và chị Diễm (là người bán cơm chung trong quán) cùng nói chuyện với nhau, nhưng việc nói chuyện giữa chị T và chị Diễm không liên quan đến bà K, nhưng bà K nghi ngờ là chị T nói chuyện với chị Diễm có liên quan đến bà K nên bà K và chị T cải nhau, lời qua tiếng lại.
Anh cùng ông H và chị D biết được sự việc nên đến can ngăn. Trong lúc, đôi bên không còn cự cãi, ông Có và chị Ngọc dùng những lời lẽ thô tục chửi gia đình anh, nên anh có nói chuyện qua lại, bất ngờ bị ông Có nắm cổ áo của anh, chị Ngọc dùng 01 cái ly thủy tinh ném vào mặt anh. Thấy vậy, ông H dùng tay đánh 01 cái vào nón bảo hiểm đang đội trên đầu ông Có, lúc đó, ông Có thả anh ra và ông Có dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu ông H và chị D; chị Ngọc dùng ly cà phê đập tiếp vào đầu anh vài cái; bà K và chị Yến đánh chị D. Nhìn thấy chị D bị đánh, anh bật dậy xông vào dùng tay đánh bà K 01 cái, đánh chị Yến 01 cái; cùng lúc đó Công an xã PL đến hiện trường nên mọi người ngừng đánh nhau.
Anh được đưa đi băng bó vết thương; bà K được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tân Châu điều trị.
Do phía bà K chủ động đánh phía gia đình anh, nên anh, ông H, chị D và chị T đánh trả lại. Sự việc xảy ra, anh bị thương tích với tỷ lệ là 3%, bà K bị thương tích với tỉ lệ là 01%, anh không yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nay anh cùng ông H, chị D và chị T không đồng ý bồi thường theo yêu cầu khởi kiện của bà K.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông N1 trình bày:
Ông là chồng của bà K, sau khi bà K bị đánh thì ông là người trực tiếp xin Bệnh viện Tân Châu cho bà K xuất viện; ông tự đưa bà K điều trị tại Bệnh viện đại học Y Dược và Bệnh viện tâm thần. Trong thời gian điều trị ông cũng là người trực tiếp nuôi bệnh nên bị mất thu nhập với số tiền đúng như bà K trình bày, ông yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải bồi thường số tiền mất thu nhập của ông như bà K yêu cầu.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 295/2018/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện PT, tỉnh AG tuyên xử:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà K đối với anh N.
- Buộc anh N phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà K số tiền là 1.531.000đ.
- Không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của bà K về yêu cầu ông H, anh N, chị D và chị T cùng chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho bà K số tiền là 157.426.577đ.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 10/12/2018, bà K kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường 158.042.577đ.
Tại phiên tòa:
- Bà K trình bày: Rút một phần yêu cầu kháng cáo về bồi thường thiệt hại mất thu nhập của người bệnh và người nuôi bệnh. Bà yêu cầu bị đơn cùng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm các khoản như sau:
+ Chi phí điều trị thương tích: 44.522.577đ.
+ Chi phí xe đi, lại trong quá trình điều trị thương tích: 12.120.000đ
+ Tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.
- Anh N, ông H, chị T, chị D: Vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông N1 trình bày: Thống nhất như ý kiến và yêu cầu của bà K.
- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu ý kiến:
+ Về tuân theo pháp luật tố tụng:
Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Những người tham gia tố tụng: Các đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử:
+ Không nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
+ Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự: Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện PT.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về hình thức đơn kháng cáo: Bà K nộp đơn kháng cáo trong thời hạn kháng cáo là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bà K kháng cáo nhưng thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí theo quy định tại điểm d khoản 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét vụ án theo trình tự phúc thẩm.
[2]. Về tham gia phiên tòa phúc thẩm: Tòa án đã thực hiện hợp lệ thủ tục triệu tập các đương sự tham gia phiên tòa phúc thẩm đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng anh N, ông H, chị T và chị D vắng mặt. Căn cứ vào khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt anh N, ông H, chị T và chị D.
[3]. Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà K rút một phần kháng cáo về bồi thường thiệt hại mất thu nhập của người bệnh và người nuôi bệnh. Căn cứ vào điểm c khoản 1 và 3 Điều 289 và Điều 295 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần yêu cầu kháng cáo của bà K về bồi thường thiệt hại mất thu nhập của người bệnh và người nuôi bệnh.
[4]. Xét nội dung kháng cáo:
[4.1]. Người gây thương tích cho bà K:
Theo Báo cáo kết thúc kiểm tra xác minh ngày 26/9/2017 của cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện PT; Lời khai của ông Măng (Ban quản lý chợ TP); Lời khai của ông Nguyễn Văn Nguyên (là người chứng kiến sự việc đánh nhau giữa nguyên đơn và bị đơn); Lời khai của chị T, chị D, ông H tại cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện PT đều thể hiện như sau: Anh N dùng tay đánh vào mặt bà K, chị T cầm cái mâm đánh vào người bà K, chị D dùng tay đẩy vào mặt bà K, ông H cùng chị T, chị D dùng tay đánh bà K nằm dưới đất đến khi bà K bị thương tích. Như vậy, anh N, ông H, chị T, chị D cùng tham gia đánh bà K và gây thương tích cho bà K, nhưng cấp sơ thẩm nhận định ông H, chị T và chị D không gây thương tích cho bà K và loại trừ trách nhiệm của ông H, chị T và chị D là thiếu sót.
[4.2]. Về việc điều trị thương tích tại Bệnh viện Tân Châu:
Theo Phiếu kết quả CT-Scanner ngày 08/10/2015 của Phòng khám bệnh đa khoa Hà Văn Tâm kết luận về tình trạng sức khỏe của bà K như sau: chưa phát hiện bệnh lý nhu mô và xương sọ; phù nề mô tế bào vùng mắt bên trái; máu tụ hốc mũi trái; Lời khai của Bác sĩ Huỳnh Văn Tâm (là người trực tiếp điều trị thương tích của bà K khi nhập viện tại Bệnh viện Tân Châu) xác nhận về thương tích của bà K khi nhập viện ngày 08/10/2015 như sau: “bệnh nhân tỉnh táo; trầy sướt vùng trán; sưng nề mắt trái, má trái; cháy máu mũi đã cầm. Ngoài ra, không có vết thương nào khác; bệnh nhân K không thuộc trường hợp bệnh nặng nên chồng bệnh nhân xin xuất viện về nhà”. Do đó, cấp sơ thẩm chấp nhận chi phí điều trị tại Bệnh viện Tân Châu là có cơ sở.
[4.3]. Về việc điều trị thương tích vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 08/10/2015 đến ngày 10/10/2015 tại Bệnh viện Đại học Y Dược:
Vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 08/10/2015, Bà K nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược, tuy không có giấy chuyển viện từ bệnh viện cấp huyện, cấp tỉnh, nhưng xét về tâm lý của người bị thương tích do đả thương là hợp tình, hợp lý và thực tế bà K có điều trị thương tích do đả thương tại Bệnh viện Đại học Y Dược từ ngày 08/10/2015 đến ngày 10/10/2015 xuất viện với chẩn đoán“chấn thương đầu sau khi bị đả thương”. Do đó, việc bà K nhập viện điều trị thương tích vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 08/10/2015 đến ngày 10/10/2015 tại Bệnh viện Đại học Y Dược là có cơ sở chấp nhận, nhưng cấp sơ thẩm không chấp nhận là ảnh H đến quyền lợi của bà K.
[4.4]. Về việc điều trị thương tích từ ngày 13/10/2015 đến ngày 22/10/2015; từ sau ngày 22/10/2015 đến ngày 11/01/2017:
Theo tài liệu, chứng cứ do bà K giao nộp cho Tòa án và tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập đều thể hiện: Từ ngày 13/10/2015, tình trạng thương tích của bà K có chiều hướng giảm, sức khỏe bình thường, tinh thần tỉnh táo, cụ thể tại: Giấy ra viện đề ngày 10/10/2015 của Bệnh viện Đại học Y Dược chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bà K như sau: “chấn thương đầu sau khi bị đả thương”, tình trạng ra viện: “giảm” (Giấy ra viện không ghi nhận ngày tái khám); Vào lúc 09 giờ 00 phút ngày 13/10/2015, bà K có mặt tại Công an huyện PT cung cấp lời khai“hiện nay, tôi đang mua bán bánh tằm tại Chợ TP, xã PL, huyện PT” và tiếp theo trong biên bản ghi lời khai, bà K tường trình về sự việc đánh nhau rất chi tiết, cụ thể, việc ghi lời khai của bà K kết thúc vào lúc 11 giờ 00 phút ngày 13/10/2015, bà K ký tên và ghi họ tên.
Nhiều lời khai của bà K tại Công an huyện PT như sau: “tình trạng sức khỏe của tôi hiện nay bình thường, không bệnh tâm thần, đủ bình tĩnh và sáng suốt trả lời các câu hỏi mà cơ quan điều tra đặt ra” và cùng nhiều lời khai chi tiết như nhau về sự việc đánh nhau xảy ra vào ngày 08/10/2015, thể hiện tại các Biên bản ghi lời khai của bà K do Công an huyện PT lập ngày 03/12/2015, ngày 22/01/2016, ngày 26/01/2016, ngày 28/02/2016, ngày 26/8/2016, ngày 16/8/2016, ngày 09/9/2016, ngày 01/9/2017.
Hơn nữa, sau khi điều trị và xuất viện ngày 10/10/2015, sức khỏe của bà K bình thường nên với vết thương “chấn thương phần mềm quanh hốc mặt (T)” (theo Giấy ra viện ngày 22/10/2015 và nhiều toa thuốc sau ngày 22/10/2015) các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh vẫn có khả năng điều trị.
Ngoài ra, bà K đến Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện tâm thần điều trị những bệnh không liên quan đến thương tích do đả thương, như: bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhiều tầng; chèn ép nhẹ rễ C6 hai bên, C7 (p); bệnh hội chứng ống cổ tay hai bên (thể hiện tại Giấy ra viện ngày 22/10/2015 và nhiều toa thuốc). Đồng thời, theo chứng từ điều trị tại Bệnh viện tâm thần thể hiện: “khám bệnh theo yêu cầu”, như vậy, bà K tự ý đến Bệnh viện tâm thần khám, chữa bệnh, không có sự chỉ định của Bác sĩ đang điều trị.
Như vậy, việc bà K nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược vào lúc 16 giờ 24 phút ngày 13/10/2015 đến ngày 22/10/2015 xuất viện và những lần điều trị tiếp theo từ sau ngày 22/10/2015 đến ngày 11/01/2017 là không hợp lý.
Do đó, bà K yêu cầu anh N, ông H, chị T và chị D bồi thường thiệt hại từ ngày 13/10/2015 đến ngày 11/01/2017 là không có cơ sở nên cấp sơ thẩm không chấp nhận là đúng.
[4.5]. Về tổn thất tinh thần:
Tuy kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định tỉ lệ thương tật của bà K 01% không ảnh hưởng thẩm mỹ, không gây cố tật nhưng sau sự việc anh N, ông H, chị T, chị D cùng đánh bà K và gây thương tích cho bà K đã làm ảnh hưởng đến giao tiếp của bà K đối với xã hội và công việc mua bán của bà K, vì bà K đang có nghề mua bán bánh tằm tại Chợ TP. Nhưng cấp sơ thẩm không buộc anh N, ông H, chị T và chị D bồi thường tổn thất tinh thần cho bà K là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 609 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và điểm b mục 1.5 phần II của Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà K yêu cầu bồi thương tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật. Do đó, căn cứ vào tại khoản 2 Điều 609 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc anh N, ông H, chị T và chị D bồi thường tổn thất tinh thần cho bà K là 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
[5]. Từ những nhận định trên, xét ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm là không có căn cứ.
Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bà K, buộc anh N, ông H, chị T và chị D cùng liên đới trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà K với số tiền là 20.780.719đ, làm tròn số là 20.781.000đ, bao gồm các chi phí:
- Chi phí điều trị tại Bệnh viện Tân Châu là 1.231.263đ và tại Bệnh viện Đại học Y Dược vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 08/10/2015 đến ngày 10/10/2015 là 4.449.456đ, tổng cộng là 5.680.719đ.
- Chi phí thuê phương tiện đưa bà K đến nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược lúc 22 giờ 45 phút ngày 08/10/2015 là 1.200.000đ.
- Tổn thất tinh thần: Lương tối thiểu do Nhà nước quy định hiện nay là 1.390.000đ x 10 tháng = 13.900.000đ.
[4]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Căn cứ vào điểm d khoản 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, bà K được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
- Khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Điểm d khoản 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
- Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Thái Thị K.
- Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 295/2018/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện PT.
+ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Thái Thị K.
+ Buộc anh Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Văn H, chị Nguyễn Thị Ngọc T và chị Nguyễn Thị D cùng liên đới trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Thái Thị K với số tiền 20.781.000 đồng (Hai mươi triệu bảy trăm tám mươi mốt ngàn đồng).
+ Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
+ Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Thái Thị K được miễn án phí dân sự sơ thẩm. Anh Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Văn H, chị Nguyễn Thị Ngọc T và chị Nguyễn Thị D cùng chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.039.000đ.
- Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Thái Thị K được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 49/2019/DS-PT ngày 04/04/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Số hiệu: | 49/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân An Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 04/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về