Bản án 49/2018/DS-PT ngày 09/04/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 49/2018/DS-PT NGÀY 09/04/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Ngày 09 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 300/2017/TLPT-DS ngày 31 tháng 10 năm 2017 về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 72/2017/DS-ST ngày 23 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 308/2018/QĐ-PT ngày 15 tháng 3 năm 2018  giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Trường tiểu học X.

Địa chỉ: ấp A, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thu T; Chức vụ: Hiệu trưởng Trường tiểu học X - Là đại diện theo pháp luật của nguyên đơn (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bà T: Anh Nguyễn Toàn N, sinh năm 1982; Chức vụ: Cán bộ địa chính Ủy ban nhân dân xã X. (Theo giấy ủy quyền ngày 04/4/2016) (vắng mặt).

Bị đơn: Ông Đào Công P, sinh năm 1962 (có mặt).

Nơi cư trú: ấp A, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Nguyễn Văn D - Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội luật gia tỉnh Tiền Giang (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Nguyễn Thị X1, sinh năm 1964 (có mặt);

- Anh Đào Hoài T1, sinh năm 1992 (có mặt);

Nơi cư trú: ấp A, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang;

Địa chỉ: số 23, đường 30 tháng 4, Phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện hợp pháp của UBND tỉnh Tiền Giang: Ông Lê Văn H; Chức vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Là đại diện theo pháp luật của UBND tỉnh Tiền Giang (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông H: Ông Văn Đình T2; Chức vụ: Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tiền Giang (Theo giấy ủy quyền ngày 24/3/2017) (có mặt)

- Bà Trần Thị L, sinh năm 1940 (có mặt);

Nơi cư trú: ấp A, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

- Bà Đào Thị V, sinh năm 1957 (có mặt);

Nơi cư trú: ấp M, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

- Bà Đào Thị H1, sinh năm 1959 (vắng mặt);

Nơi cư trú: ấp A, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

- Ông Đào Công T3, sinh năm 1964 (vắng mặt);

Nơi cư trú: ấp N, xã O, huyện S, tỉnh Tiền Giang.

- Bà Đào Thị H2, sinh năm 1967 (có mặt);

Nơi cư trú: ấp Tân Thạnh, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

- Ông Đào Công K, sinh năm 1969; (xin vắng mặt)

Nơi cư trú: ấp A, xã X, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

- Người kháng cáo: bị đơn là ông Đào Công P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai ngày 17/9/2015, bản tự khai ngày 22/12/2015, biên bản hòa giải ngày 01/6/2016 và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Trường tiểu học X, anh Nguyễn Toàn N trình bày:

Nguồn gốc đất tranh chấp là của bà Trần Thị L (mẹ ông Đào Công P). Khi làm cống Xuân Hòa thì Ủy ban nhân dân xã trưng dụng đất của bà L và các hộ khác, có hỗ trợ tiền hoa màu trên đất. Lúc đó, chưa có luật đất đai nên không có quyết định trưng dụng. Sau khi làm cống xong, phần đất nào không sử dụng thì trả lại các hộ dân, phần nào sử dụng thì tiếp tục trưng dụng trong đó có một phần đất (khoảng 1.600m2) của gia đình ông P để xây dựng Trường tiểu học X, trả lại gia đình ông P khoảng 1.000m2.

Năm 2003, Trường tiểu học X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp diện tích 1.620m2.

Trong suốt quá trình trưng dụng và sử dụng từ năm 1978 đến năm 2007, gia đình bà L không khiếu nại hay tranh chấp gì đối với phần đất trên.

Đến năm 2010 hộ ông P tự ý tháo dỡ hàng rào đem mai vàng, dừa vào trồng trong phần đất trường diện tích khoảng 800m2 và xây dựng nhà trên phần đất trường tiểu học diện tích khoảng 12m2. Ủy ban nhân dân xã cũng đã nhiều lần vận động gia đình ông P di dời nhưng gia đình ông P không thực hiện. Ủy ban nhân dân xã có lập văn bản xử lý hành chính, ông P khiếu nại hành chính nhiều lần nhưng không được chấp nhận. Tuy hiện nay trường không còn sử dụng nhưng phần đất đó cũng quy hoạch làm chợ.

Trường tiểu học X yêu cầu hộ ông Đào Công P gồm ông P, bà Nguyễn Thị X1, anh Đào Hoài T1 phải di dời toàn bộ số cây mai, cây dừa trả lại cho Trường tiểu học X phần đất diện tích 632m2 (sau khi trừ phần diện tích nhà lấn chiếm 11,2m2  và phần đất tự nguyện giao cho ông P 21,3m2). Thời gian thực hiện là 03 tháng từ khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án. Trường tiểu học X hỗ trợ cho ông P 5.000.000 đồng và công đốn dừa, còn công di dời, dọn dẹp ông P tự thực hiện.

Đối với diện tích nhà 11,2m2 gia đình ông P đã xây dựng nhà, Trường tiểu học X đồng ý không yêu cầu hộ ông P tháo dỡ và hộ ông P được sử dụng thêm phần đất ngang 1m tính tứ mép (mí) nhà ông P đến hết phần đất tranh chấp (21,3m2).

Đối với yêu cầu phản tố của ông P, anh N đại diện Trường tiểu học X không đồng ý.

Tại bản tự khai, đơn phản tố ngày 11/11/2015, bản tường trình ngày 26/5/2016, biên bản hòa giải ngày 01/6/2016 và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn ông Đào Công P (ông P còn là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị X1, Đào Hoài T1) trình bày:

Nguồn gốc đất từ trước năm 1950, từ thời ông bà nội là Đào Công Q và Võ Thị M canh tác đến khi qua đời thì cha ông là Đào Công C và mẹ ông là Trần Thị L canh tác.

Đến năm 1964, cha mẹ ông lên đất vườn và quản lý canh tác ổn định đến năm 1978, khi nhà nước làm cống Xuân Hòa có mượn mặt bằng phần đất vườn của cha mẹ có diện tích 2.500m2  để vật tư xây dựng, việc mượn này chỉ nói miệng không có quyết định hay văn bản nào thu hồi, trưng dụng đất và cũng không bồi thường về đất.

Năm 1984 hoàn thành công trình cống Xuân Hòa, Ban quản lý công trình trả lại 2.500m2 cho gia đình ông nhưng Ủy ban nhân dân xã X không trả lại phần đất cho gia đình ông mà tiếp tục trưng dụng khoảng 1.500m2  để làm sân chơi trường, và cũng chỉ nói miệng không có văn bản.

Năm 2008, trường di dời nơi khác, phần đất trên trống nên gia đình ông tiếp tục quản lý cất nhà và trồng cây. Những hộ khác cũng được trả đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông có làm đơn kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được cấp.

Ngoài diện tích đất tranh chấp, gia đình ông còn sử dụng phần đất ngoài khoảng 1.000m2. Phần đất này trước đây cũng trưng dụng làm cống nhưng được trả lại.

Thời điểm trường được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông không biết.

Nhà trên đất là nhà xây tường, lúc xây bên phía trường có yêu cầu ngưng để giải quyết tranh chấp nhưng không thấy giải quyết nên ông tiếp tục xây.

Phần đất tranh chấp và phần phía ngoài gia đình ông đang sử dụng là do ông được mẹ ông cho.

Với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn gia đình ông không đồng ý, ông P yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cấp cho Trường tiểu học X ngày 01/8/2003 và công nhận phần đất tranh chấp 820m2 (đo đạc thực tế 664,5m2, trong đó phần diện tích nhà là 11,2m2) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông. Nếu Trường tiểu học X bồi thường tiền cây trồng 19.994.000 đồng thì ông P đồng ý trả lại đất.

Tại bản khai lý lịch ngày 13/6/2016, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trần Thị L, Đào Thị V, Đào Thị H1, Đào Công T3, Đào Thị H2, Đào Công K trình bày: Các đương sự đồng ý cho ông P phần đất tranh chấp để ra Tòa đòi lại quyền sử dụng đất và xin vắng mặt.

Tại văn bản số 1067/UBND-TD ngày 21/3/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trình bày:

Ngày 04/12/2002, Phòng địa chính huyện B (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng địa chính xã X và Trưởng ấp A tiến hành đo đạc xác định ranh giới, diện tích đất Trường tiểu học X, điểm ấp A diện tích 1.620m2 (trong đó lộ giới 192m2).

Ranh giới:

- Đông giáp đất Nguyễn Văn T4 50m.

- Tây giáp lộ giới Vàm Kỳ H3 42,6m.

- Nam giáp đất cống Xuân Hòa 15m; 18,5m.

- Bắc giáp đất Đào Công P, Nguyễn Văn Đ 237m; 6,5m.

Biên bản đo đạc có chữ ký của các hộ giáp ranh và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã X.

Ngày 05/12/2002, Trường tiểu học X, địa chỉ ấp A, xã X, huyện B có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất phần đất thửa số 142, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.620m2  (trong đó lộ giới 191,7m2), mục đích sử dụng: xây dựng gửi đến Ủy ban nhân dân xã X. Đến ngày 28/3/2003, UBND xã X xác nhận đất không tranh chấp và đến ngày 17/7/2003, Sở địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) xác nhận đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 01/8/2003, UBND tỉnh Tiền Giang có Quyết định số 2945/QĐ.UB về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường tiểu học X, địa chỉ ấp A, xã X, huyện B, diện tích đất 1.620m2 (trong đó có 192m2 lộ giới) mục đích sử dụng: XD. Cùng ngày 01/8/2003, Trường tiểu học X được UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số y, số thửa 142, diện tích 1.620 m2, mục đích sử dụng: XD, thời hạn sử dụng lâu dài.

Việc UBND tỉnh Tiền Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường tiểu học X (điểm ấp A) là phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Thông tư số 346/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 72/2017/DSST ngày 23 tháng 8 năm 2017, Tòa án nhân dân Tỉnh Tiền Giang quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Trường tiểu học X.

Buộc ông Đào Công P và các thành viên trong hộ gồm bà Nguyễn Thị X1, anh Đào Hoài T1 có nghĩa vụ liên đới di dời toàn bộ cây trồng trên đất để trả lại cho Trường tiểu học X phần đất 632m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất y, số thửa 142, diện tích 1.620m2 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cấp ngày 01/8/2003 cho Trường tiểu học X, có vị trí như sau:

+ Đông giáp phần đất còn lại của Trường tiểu học X cạnh 38,81m + 1,29m;

+ Tây giáp đường Lộ Vàm Nhựa cạnh 4,79 m + 21,37m + 13,14m;

+ Nam giáp đất thửa thửa 415 cạnh 17,21m;

+ Bắc giáp đất 21,3m2  ghi nhận giao gia đình ông Đào Công P cạnh 15,41m;

- Ghi nhận sự tự nguyện của Trường tiểu học X cho hộ gia đình ông P giữ nguyên hiện trạng phần nhà đã xây dựng và được quyền quản lý, sử dụng phần đất diện tích 11,2m2, có vị trí:

+ Đông giáp phần diện tích 21,3m2 cạnh 01m;

+ Tây giáp đường Lộ V1 cạnh 01m;

+ Nam giáp phần diện tích 21,3m2 cạnh 11,17m;

+ Bắc giáp thửa 413 cạnh 11,23m.

- Ghi nhận sự tự nguyện của Trường tiểu học X giao cho phía gia đình ông P quản lý, sử dụng quyền sử dụng đất ngang 1m tính từ mí nhà của ông P đến hết phần đất tranh chấp có diện tích 21,3 m2, có vị trí:

+ Đông giáp phần đất còn lại của Trường tiểu học X cạnh 2,71m;

+ Tây giáp đường Lộ V1 cạnh 01m;

+ Nam giáp phần đất thửa 414 cạnh 15,41m:

+ Bắc giáp phần đất 11,2m2 và thửa 413 cạnh 11,17m + 1m + 4,36m; (có sơ đồ vị trí kèm theo)

- Ghi nhận Trường tiểu học X hỗ trợ cho ông Đào Công P 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) và công đốn dừa trên phần đất 632m2.

Thực hiện giao tiền và di dời cây trồng làm một lần trong thời gian 03 tháng, kể từ khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm, trách nhiệm thi hành án và thông báo về quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/8/2017, bị đơn ông Đào Công P có đơn kháng cáo toàn bộ phần nội dung bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vắng mặt mặc dù đã được triệu tập hợp lệ. Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của của bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm giải quyết vụ án: Về thủ tục tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tiến hành đúng theo qui định của luật tố tụng hiện hành, không làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Về nội dung, ông P thừa nhận có lấn chiếm đất của trường để trồng cây, Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Nhận định về việc tiến hành thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm: Nguyên đơn yêu cầu hộ ông P phải di dời, tháo dỡ tài sản trên đất để trả lại cho trường phần đất diện tích đo đạc thực tế 664,5m2  trong đó phần diện tích nhà là 11,2m2; Bị đơn không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn, cho rằng phần đất tranh chấp của gia đình bị đơn nên yêu cầu công nhận phần đất này cho gia đình ông và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Trường tiểu học X.

[2] Căn cứ nội dung đơn yêu cầu của bị đơn (được Tòa án cấp sơ thẩm xác nhận là đơn phản tố) cũng như phần trình bày của bị đơn tại cấp sơ thẩm, nhận định của bản án sơ thẩm thì yêu cầu của bị đơn là: Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn (đây là yêu cầu hủy Quyết định hành chính cá biệt) và yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất xuất phát từ việc sử dụng thực tế lâu dài. Khi nhận đơn yêu cầu của bị đơn, Tòa cấp sơ thẩm phải xác định được yêu cầu nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì thụ lý, phần nào không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì không thụ lý mà giải thích cho đương sự rõ (vì phần đất của gia đình bị đơn yêu cầu công nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

[3] Mặt khác, đối với vụ kiện này nguyên đơn Trường tiểu học X (là trường công lập) kiện đòi lại tài sản từ phía bị đơn, mặc dù có xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất với bị đơn như án sơ thẩm nhận định thì phải khẳng định đó là tranh chấp tài sản công, không thuộc trường hợp được hòa giải. Tuy vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã căn cứ việc nguyên đơn tự nguyện không yêu cầu phía gia đình ông P tháo dỡ nhà trả lại diện tích 11,2m2 và cho gia đình bị đơn sử dụng thêm phần đất diện tích ngang 1m tính từ mí nhà ông P đến hết đất tranh chấp (diện tích 21,3m2)… Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm đưa ra phán quyết:

“- Ghi nhận sự tự nguyện của Trường tiểu học X giao cho phía gia đình ông P quản lý, sử dụng quyền sử dụng đất ngang 1m tính từ mí nhà của ông P đến hết phần đất tranh chấp có diện tích 21,3 m2…

- Ghi nhận Trường tiểu học X hỗ trợ cho ông Đào Công P 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) và công đốn dừa trên phần đất 632m2.”

Xét thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất cho nguyên đơn, nguyên đơn không còn nhu cầu sử dụng thì phải thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh biết để Ủy ban ban nhân dân tỉnh có kế hoạch sử dụng đất phù hợp theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn là đơn vị sự nghiệp công lập, không phải cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương nên không có thẩm quyền giao đất cho người khác sử dụng. Nguyên đơn tự thỏa thuận và giao bị đơn quản lý, sử dụng một phần diện tích đất Nhà nước công nhận cho nguyên đơn là trái pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận sự thỏa thuận về định đoạt tài sản công cũng là trái pháp luật. Hơn nữa, nội dung thỏa thuận giữa các bên không thể thực hiện được vì không thể điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn cũng như không thể cấp quyền sử dụng đất cho bị đơn đối với diện tích đất trên.

[4] Nhận định về việc thu thập chứng cứ:

Tại phiên tòa, các đương sự thống nhất phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của bà Trần Thị L (mẹ ruột ông P) cho ông P. Năm 1978 Nhà nước trưng dụng phần đất của ông để làm cống Xuân Hòa cùng với các hộ khác, năm 1984 khi hoàn thành xong công trình Ủy ban nhân dân xã X có trả lại gia đình bà L khoảng 1.500m2; phần còn lại tiếp tục trưng dụng để xây dựng Trường tiểu học X. Ngày 01/8/2003, Trường tiểu học X được UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số y, số thửa 142, diện tích 1.620m2. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết phần thu thập chứng cứ Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành thẩm định tại chỗ nhưng không đo vẽ để xác định thực tế sử dụng đất của phía nguyên đơn có đúng với diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng được cấp hay không?; Diện tích đất đang tranh chấp thuộc thửa đất nào, có thuộc phần đất mà nguyên đơn được cấp quyền sử dụng không, nếu không thì phần đất này đã cấp quyền sử dụng cho ai chưa?... Từ đó mới có đủ cơ sở để phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hay không. Việc tiến hành thẩm định chỉ đo vẽ riêng phần diện tích đất đang tranh chấp mà cấp sơ thẩm đã thực hiện là chưa đầy đủ dẫn đến thiếu chính xác trong phần phán quyết.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh những quyết định không đúng của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn, giao đất cho bị đơn sử dụng. Những lỗi vi phạm về tố tụng cũng như nội dung của cấp sơ thẩm đã nêu trên không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm. Vì thế, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Đào Công P, hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo qui định của pháp luật.

Án phí dân sự phúc thẩm đương sự có kháng cáo không phải chịu. Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoan 3 Điều 308 và khoản 2 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[1] Chấp nhận một phần nội dung đơn kháng cáo của bị đơn ông Đào Công P. Hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 72/2017/DS-ST ngày 23 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

[2] Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đào Công P không phải nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho ông P số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000 (ba trăm ngàn) đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 002116 ngày 28/08/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

945
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 49/2018/DS-PT ngày 09/04/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Số hiệu:49/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:09/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về