TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 49/2017/HSST NGÀY 30/11/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐIỀU KHIỂN, GIAO CHO NGƯỜI KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐIỀU KHIỂN CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG
Ngày 30/11/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện K, tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 42/2017/HSST ngày 20/10/2017 đối với các bị cáo:
Dương Đức T, sinh năm 1993; Nơi đăng ký HKTT: xóm 1, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hoá lớp 10/12; Con ông Dương Đức H, sinh năm 1968 và bà Dương Thị H, sinh năm 1969; vợ là Khà Thị L, sinh năm 1993; có 02 con, lớn sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị tạm giữ ngày 28/5/2017 chuyển tạm giam ngày 29/5/2017 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình ( có mặt).
Dương Văn C, sinh năm 1968; Nơi đăng ký HKTT: phố T, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: lái xe; trình độ văn hoá lớp 10/10; Con ông Dương Văn T ( đã chết) và bà Trịnh Thị T, sinh năm 1945; vợ là Bùi Thị N, sinh năm 1978; có 02 con, lớn sinh năm 2003, nhỏ sinh năm 2005; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị tạm giam ngày 29/5/2017 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình, đến ngày 11/9/2017 được thay thế biện pháp ngăn chặn Bảo lĩnh ( có mặt).
Phạm Ngọc T, sinh năm 1968; Nơi đăng ký HKTT: phố T, thị trấn P, huyện K, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Phó trưởng bến xe khách K; trình độ văn hoá lớp 10/10; Con ông Phạm Bá T và bà Hoàng Thị D ( đều đã chết) vợ là Trần Thị L, sinh năm 1974; có 02 con, lớn sinh năm 1999, nhỏ sinh năm 2006; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).
Người bị hại: Ông Dương Hùng T, sinh năm 1952; trú tại: xóm 7A, xã K, huyện K, tỉnh Ninh Bình (đã chết);
Ông Trần Ngọc Q, sinh năm 1957; trú tại: phố T, TT P, huyện K, tỉnh Ninh Bình (đã chết);
Ông Vũ Thanh C, sinh năm 1962; trú tại: xóm 3, xã A, huyện K, tỉnh Ninh Bình (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của ông T: Bà Phạm Thị D, sinh năm 1956; chị Dương Thị G, sinh năm 1978; anh Dương Hùng T1, sinh năm 1983 cùng trú tại: xóm 7A, xã K, huyện K, tỉnh Ninh Bình và chị Dương Thị T, sinh năm 1981; trú tại thành phố B, tỉnh Bình Dương (Bà D, chị G và chị T cùng ủy quyền cho anh Dương Hùng T1 tham gia tố tụng) có mặt.
Người đại diện hợp pháp của ông Q: Bà Lại Thị L, sinh năm 1936; trú tại: xóm 1, xã K, huyện K; bà Lê Thị H, sinh năm 1961; trú tại: phố T, thị trấn P, huyện K, tỉnh Ninh Bình và chị Trần Thu T, sinh năm 1986; trú tại: số nhà 602-B2 nhà công vụ H, phường Ô, quận Đ, thành phố Hà Nội ( Bà L, bà H và chị T cùng ủy quyền cho anh Lê Hồng Q, sinh năm 1979; trú tại: số nhà 602-B2 nhà công vụ H, phường Ô, quận Đ, thành phố Hà Nội tham gia tố tụng) có mặt.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Anh Lã Hữu H, sinh 1971, ông Dương Đức H, sinh năm 1968 đều trú tại: xóm 1, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình, chị Bùi Thị N, sinh năm 1978; trú tại: phố T, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình và anh Dương Văn Đ, sinh năm 1966; trú tại: phố N, phường T, Thành phố N, tỉnh Ninh Bình ( đều có mặt).
NHẬN THẤY
Các bị cáo Dương Đức T, Dương Văn C và Phạm Ngọc T bị Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Ninh Bình truy tố về hành vi phạm tội như sau: Dương Văn C là chủ sở hữu đồng thời là lái xe ô tô BKS 35B-000.15 hiệu SAMCO loại xe chở khách 34 chỗ ngồi, xe ô tô được cấp phép chạy theo tuyến cố định từ xã L, huyện K đi huyện Y - bến xe M, Hà Nội và chiều ngược lại; C thuê Dương Đức T và Lã Hữu H, sinh năm 1971, trú tại Xóm 1, xã K, huyện Y làm phụ xe. Biết T không có giấy phép lái xe theo quy định nhưng sáng 27/5/2017 Dương Văn C vẫn giao xe ô tô cho Dương Đức T điều khiển từ huyện Y xuống bến xe K để làm lệnh xuất bến (trên xe còn có Lã Hữu H đi cùng). Phạm Ngọc T là Phó trưởng bến xe K là người được phân công trực làm nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi xe ra vào bến; khi kiểm tra, đối chiếu giấy tờ của phương tiện và người điều khiển xe theo quy định, T không kiểm tra đầy đủ nhưng vẫn ký vào lệnh cho xe xuất bến. Hồi 5 giờ 50 phút ngày 27/5/2017 Dương Đức T điều khiển xe ô tô 35B-000.15 xuất phát từ bến xe K đi huyện Y trên Quốc lộ 481D theo hướng K, L, Y; khi đến khu vực chân cầu T, thuộc phố T, thị trấn P, huyện K, T phát hiện trên đường đê phía bắc cầu có 01 xe mô tô đang đi ra Quốc lộ 481D nên đánh tay lái sang trái với mục đích để tránh xe moto ; do không kịp trả lái nên xe ô tô 35B-000.15 đi sang phần đường bên trái theo chiều đi rồi tiếp tục lao lên lan can cầu, thành cầu T. Lúc này tại lan can cầu phía nam có ông Trần Ngọc Q, sinh năm 1955 trú tại phố T, thị trấn P và ông Dương Hùng T, sinh năm 1952 trú tại xóm 7A, xã K đang đứng tập thể dục nên phần đầu bên trái của xe ô tô 35B-000.15 đã xô vào và hất văng ông Q xuống Sông V; ông T bị đẩy đi khoảng 02m và bị ngã đập đầu xuống lan can cầu, xe ô tô cuốn theo chiếc xe đạp của ông T đang dựng dưới mặt cầu rồi tiếp tục đâm vào xe mô tô đi ngược chiều do ông Vũ Thanh C, sinh năm 1962, trú tại xóm 3, xã A điều khiển phía trước; ông C đã nhảy ra khỏi xe, sau đó xe ô tô kéo rê cả xe đạp và xe mô tô trên mặt cầu khoảng 10m thì dừng lại. Hậu quả: ông T tử vong ngay tại chỗ, ông Q bị rơi xuống Sông V sau đó tử vong; xe ô tô, xe mô tô và xe đạp bị hư hỏng nhẹ, tổng thiệt hại là 11.930.000đ. Kết luận giám định pháp y tử thi số 30/KLGĐ-PY ngày 30/5/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình kết luận Nguyên nhân chết của ông Dương Hùng T là chấn thương sọ não: vỡ phức tạp xương sọ, rách màng cứng, tổ chức não dập nát. Kết luận giám định pháp y tử thi số 32/KLGĐ-PY ngày 30/5/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình kết luận: Cơ chế hình thành dấu vết tổn thương trên cơ thể của ông Trần Ngọc Q do tác động của vật tày. Nguyên nhân chết: Ngạt nước trên cơ thể có các chấn thương vùng đầu, chi trên và chi dưới.
Bản cáo trạng số 46/VKS ngày 19/10/2017 Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã truy tố bị cáo Dương Đức T về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo điểm a, đ khoản 2 Điều 202 BLHS; bị cáo Dương Văn C về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ" theo khoản 2 Điều 205 BLHS và Phạm Ngọc T về tội “ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 BLHS.
Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị HĐXX:
Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 202; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Dương Đức T từ 30 đến 36 tháng tù.
Áp dụng khoản 2 Điều 205; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 và Điều 31 BLHS năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7 và điểm a khoản 2 Điều 264 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Dương Văn C từ 12 đến 15 tháng cải tạo không giam giữ; bị cáo được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam; khấu trừ từ 05 đến 10% thu nhập của bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt.
Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47 và Điều 31 BLHS năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; điểm x khoản 1 Điều 51 và điểm a, khoản 2 Điều 360 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Phạm Ngọc T từ 21 đến 24 tháng tháng cải tạo không giam giữ; khấu trừ 05 đến 10% thu nhập của bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt. Trách nhiệm dân sự đã được giải quyết xong.
Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa các bị cáo Dương Đức T, Dương Văn C, Phạm Ngọc T đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã truy tố. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau; phù hợp với lời khai người bị hại; lời khai các nhân chứng; biên bản khám nghiệm hiện trường; biên bản khám nghiệm phương tiện vụ tai nạn; biên bản định giá tài sản bị thiệt hại và kết luận giám định pháp y tử thi của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình đã kết luận nguyên nhân tử vong của người bị hại…Như vậy có đủ cơ sở kết luận khoảng 5 giờ 50 phút ngày 27/5/2017 trờn Quốc lộ 481D thuộc khu vực cầu T, thuộc phố T, thị trấn P, huyện K, tỉnh Ninh Bình, bị cáo T không có Giấy phép lái xe xe theo quy định đã điều khiển xe ô tô 35B- 00015 xuất phát từ bến xe K, đi huyện Y trên Quốc lộ 481D; do không làm chủ được tay lái nên T đã điều khiển xe đi sang phần đường bên trái theo chiều đi của mình sau đó xe ô tô lao lên lan can cầu phần đường dành cho người đi bộ của Cầu T gây tại nạn dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng làm ông Dương Hùng T và ông Trần Ngọc Q bị tử vong là vi phạm Khoản 9, 23 Điều 8, Khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ; hành vi của Dương Đức T đã phạm tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại các Điểm a, đ Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự.
Bị cáo C là chủ xe ô tô 35B-00015 mặc dù biết rõ bị cáo T chưa có Giấy phép lái xe theo quy định những vẫn giao xe cho T điều khiển dẫn đến gây tai nạn và hậu quả làm ông T và ông Q tử vong là vi phạm Khoản 10 Điều 8 Luật giao thông đường bộ; hành vi của Dương Văn C đó phạm tội “ Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Khoản 2 Điều 205 Bộ luật hình sự.
Bị cáo T là Phó trưởng bến xe K, người được phân công trực làm nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi xe ra vào bến, sáng 27/5/2017 do không kiểm tra, đối chiếu giấy tờ của phương tiện và người trực tiếp điều khiển xe 35B-000.15 nhưng vẫn ký vào lệnh cho xe xuất bến dẫn đến vụ tai nạn làm hai người tử vong; hành vi của Phạm Ngọc T đã phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự.
Hành vi phạm tội của các bị cáo có tính chất nguy hiểm cho xã hội; xâm phạm đến trật tự an toàn và vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ; xâm phạm đến tính mạng của con người được pháp luật bảo hộ. Mặc dù các bị cáo phạm tội do lỗi vô ý, nhưng cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự đối với các bị cáo để cải tạo, giáo dục các bị cáo trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Trong vụ án này bị cáo T là người trực tiếp điều khiển xe ôtô và là người gây tai nạn; bị cáo C và bị cáo T không phải là người trực tiếp gây ra tai nạn, nhưng bị cáo C là chủ xe ô tô và bị cáo T là người ký lệnh cho xe xuất bến là nguyên nhân gián tiếp của vụ án nêu trên. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt cần xem xét các bị cáo đều có nhân thân tốt; phạm tội lần đầu; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình các bị cáo đã cùng nhau bồi thường thiệt hại cho các gia đình người bị hại; đại diện các gia đình bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; gia đình bị cáo T có hoàn cảnh khó khăn, bản thân lại là lao động chính trong gia đình, sau gây tai nạn đã ra đầu thú. Bị cáo C cũng là lao động chính trong gia đình, vợ thường hay đau ốm. Bị cáo T là người nhiều năm có thành tích xuất sắc trong công tác, được Sở giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình tặng giấy khen; có bố và mẹ đều được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, hạng ba; đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, 2 Điều 46 BLHS năm 1999 và theo Nghị quyết 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 áp dụng theo hướng có lợi cho người phạm tội thì bị cáo T và bị cáo T còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
Mặt khác đối với tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” thì tại khoản 2 Điều 205 BLHS năm 1999 mức khung hình phạt từ 02 đến 07 năm tù; tại điểm a khoản 2 Điều 264 BLHS năm 2015 thì mức khung hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù; đối với tội “ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 mức khung hình phạt từ 03 đến 12 năm tù; tại điểm a khoản 2 Điều 360 BLHS năm 2015 thì mức khung hình phạt từ 03 năm đến 07 năm tù và theo Nghị Quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017; khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội nên áp dụng cho bị cáo C và bị cáo T.
Xét các bị cáo đều có nhân thân tốt, phạm tội do lỗi vô ý, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên áp dụng Điều 47 BLHS để xử phạt bị cáo T và bị cáo T dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; xong xét thấy cần phải cách ly bị cáo T khỏi xã hội một thời gian nhất định. Bị cáo C và bị cáo T mức độ phạm tội thấp hơn so với bị cáo T nên không cần phải cách ly bị cáo C, bị cáo T khỏi xã hội mà chỉ cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, giao các bị cáo cho cơ quan nơi làm việc; chính quyền địa phương nơi thường trú giám sát, giáo dục là phù hợp. Bị cáo T, bị cáo C đều có công việc và thu nhập ổn định nên khấu trừ một phần thu nhập đối với bị các bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt.
Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng: Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình các bị cáo đó tự nguyện bồi thường xong cho gia đình ông T, ông Q; riêng ông C không bị thương tích gì; nay đại diện gia đình ông T, ông Q và ông C không có yêu cầu, đề nghị gì về trách nhiệm dân sự nên không xem xét.
Đối với phần hư hỏng xe ôtô BKS 35B-00015 hiệu SAMCO của gia đình bị cáo Chiến; xe môtô BKS 35F1- 5040 hiệu HONDA của ông Cảnh và xe đạp hiệu SODEK của ông T; quá trình giải quyết không ai có đề nghị gì, nên Cơ quan CSĐT công an huyện K đã trả lại xe ôtô cho gia đình bị cáo C; trả chiếc xe môtô cho ông C và chiếc xe đạp cho đại diện gia đình ông T. Riêng 01 giấy phép lái xe hạng E mang tên Dương Văn C; 01 lệnh vận chuyển ngày 27/5/2017 đang thu giữ nay trả lại cho Dương Văn C.
Về án phí: Các bị cáo phải nộp án phí HSST theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố các bị cáo: Dương Đức T phạm tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; Dương Văn C phạm tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ ” và Phạm Ngọc T phạm tội “ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Áp dụng điểm a, đ khoản 2 điều 202; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 51 của BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Dương Đức T 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 28/5/2017.
Áp dụng khoản 2 điều 205; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 31 BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; điểm a Khoản 2 Điều 264 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Dương Văn C 15 ( Mười lăm) tháng cải tạo không giam giữ; được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/5/2017 đến ngày 11/9/2017; bị cáo còn phải chấp hành 4 tháng 18 ngày cải tạo không giam giữ. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày Uỷ ban nhân dân thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình nhận được quyết định thi hành án. Giao bị cáo cho UBND thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thi hành án. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo, dục bị cáo. Trong thời gian chấp hành án bị cáo bị khấu trừ một phần thu nhập là 5% để sung quỹ nhà nước. Trả cho bị cáo C 01 giấy phép lái xe hạng E và 01 lệnh vận chuyển đề ngày 27/5/2017.
Áp dụng khoản 2 điều 285; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 31 BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; điểm a Khoản 2 Điều 360; điểm x khoản 1 Điều 51BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Phạm Ngọc T 24 (Hai mươi bốn) tháng tạo không giam giữ. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày UBND Thị trấn P, huyện K nhận được quyết định thi hành án; Giao bị cáo cho UBND Thị trấn P, huyện K, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thi hành án. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND Thị trấn P, huyện K trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong thời gian chấp hành án bị cáo bị khấu trừ một phần thu nhập là 5% để sung quỹ nhà nước.
Căn cứ điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án buộc mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm .
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử sơ thẩm công khai các bị cáo; người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.
Bản án 49/2017/HSST ngày 30/11/2017 về tội vi phạm quy định điều khiển; giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ và thiếu trách ...
Số hiệu: | 49/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kim Sơn - Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về