TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SÌN HỒ, TỈNH LAI CHÂU
BẢN ÁN 49/2017/HSST NGÀY 24/08/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 24 tháng 8 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Sìn Hồ; Tòa án nhân dân huyện Sìn Hồ mở phiên toà xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 08/2017/HSST ngày 14/02/2017 đối với bị cáo:
1.1 Họ và tên: Vừ A C - Sinh năm: 1977. Nơi sinh: huyện S, tỉnh Lai Châu.
Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: bản N. xã P, huyện S, tỉnh Lai Châu. Nghề nghiệp: Trồng trọt.
Trình độ văn hóa: 00/12.
Dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam;Tôn giáo: Tin lành.
Tiền sự: Không. Tiền án: Không
Con ông: Vừ A P - sinh năm 1952. Con bà: Hạng Thị L - sinh năm 1955. Trú tại: xã P, huyện S, tỉnh Lai Châu
Gia đình bị cáo có 03 anh, chị em ruột, bị cáo là con thứ nhất trong gia đình.
Vợ: Hạng Thị C - sinh năm: 1984 hiện đang sinh sống tại bản N, xã P, huyện S, tỉnh Lai Châu.
Con: bị cáo có 02 con, con lớn sinh năm 1997 con nhỏ sinh năm 2001.
Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 28 tháng 10 năm 2016 đến nay bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Những người tham gia tố tụng khác:
+ Người bị hại: anh Hạng A P - sinh năm: 1977; trú tại: bản P 2, xã P, huyện S, tỉnh Lai Châu ( có mặt tại phiên tòa)
+ Người làm chứng: anh Hạng A H – sinh năm: 1999; trú tại: bản P 2, xã P, huyện S, tỉnh Lai Châu ( có mặt tại phiên tòa)
+ Người phiên dịch cho bị cáo: anh Sùng A Thắng – sinh năm: 1992; trú tại: khu 2 thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ( có mặt tại phiên tòa)
+ Người bào chữa cho bị cáo: ông Vũ Thế Anh – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lai Châu ( có mặt tại phiên tòa)
NHẬN THẤY
Bị cáo Vừ A Chứ bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Sìn Hồ truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Sáng ngày 20 tháng 10 năm 2016, Vừ A C đi xem vườn chuối của gia đình ở khu vực Nù Náng thuộc bản N, xã P, huyện S thì phát hiện một con trâu mẹ và một con trâu con của Hạng A P đang ăn cây chuối trong vườn nhà C. C dắt trâu về buộc tại lán nương nhà C và nhờ người gọi điện thoại thông báo cho P. Đến 17 giờ chiều cùng ngày, C dắt trâu đến lán nương của P và thả trâu vào ăn chuối của gia đình P và gọi P. P đi một mình lên gặp C. Hai bên cãi nhau và xảy ra xô xát, vật lộn. C rút con dao ra khỏi bao dao đeo bên người dọa P nhưng sau đó lại đút dao vào bao đựng dao. Vật lộn, đánh nhau một lúc thì cả hai người cùng đứng dậy. Khi đó con trai của P là Hạng A H đang chặt chuối ở gần đó thấy đánh nhau nên chạy tới, trên tay có cầm theo 01 con dao phát. H đứng cách C 1,8m và cách P 87cm để can ngăn nhưng không dùng dao để tấn công C. Khi H đi tới thì P lấy con dao phát dài 1,03m từ tay H. C giật được con dao phát từ tay P rồi di chuyển cách vị trí đang đứng 02m con P di chuyển tới vị trí mới cách vị trí ban đầu 3,46m và cách vị trí P mới di chuyển đến 1,4m. H di chuyển đến vị trí cách vị trí P mới di chuyển đến 27cm. Sau đó C dùng hai tay cầm con dao phát chém vào chân trái của P làm P bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện P, tỉnh Lai Châu. Sau đó C cầm con dao và đi về nhà.
Ngày 22 tháng 10 năm 2016, Hạng A P đã làm đơn gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sìn Hồ đề nghị xử lý đối với Vừ A C.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 71/TgT-TTPY ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Trung tâm pháp y sở y tế tỉnh Lai Châu kết luận: Tỷ lệ phần trăm thương tích của Hạng A P là 15% (mười lăm phần trăm).
Tại cơ quan cảnh sát điều tra, bị cáo Vừ A C đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tại bản cáo trạng số: 11/CT-VKS ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sìn Hồ truy tố bị cáo Vừ A C về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Tại phiên toà hôm nay: Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Sìn Hồ giữ nguyên quan điểm truy tố của bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điều 47 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Vừ A C từ 01 năm 06 tháng đến 02 năm 06 tháng tù.
Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: trả lại 01 con dao phát có cán được làm bằng gỗ có chiều dài 1,03m, phần lưỡi dao dài 33cm, cán dao dài 70cm cho Hạng A H; trả lại 01 con dao nhọn có lưỡi sắc, cán dao làm bằng gỗ, chiều dài 35cm, lưỡi dao dài 23cm, phần cán dao dài 12cm, phần lưỡi rộng nhất 04cm kèm theo bao bằng gỗ và 01 chứng minh thư nhân dân số 045063126 mang tên Vừ A C cho bị cáo.
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật Dân sự và Điều 246 Bộ luật Tố tụng Dân sự công nhận sự thỏa thuận của các bên với nội dung: gia đình Vàng A C bồi thường thiệt hại và đã bàn giao cho Hạng A P số tiền 25.000.000 đồng.
Người bị hại trình bày: khi xảy ra mâu thuẫn do không làm chủ được bản thân nên người bị hại đã túm cổ áo và đè Vừ A C xuống đất dẫn đến Vừ A C sau khi đứng dậy đã giật lấy con dao phát đánh vào chân trái người bị hại. Lỗi một phần từ hành vi vi phạm pháp luật của người bị hại; bên cạnh đó gia đình bị cáo đã bồi thường cho người bị hại 25.000.000 đồng. Do đó người bị hại không yêu cầu gì thêm về trách nhiệm dân sự và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Người bào chữa cho bị cáo trình bày: bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, phạm tội do bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại; bị cáo là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b,p,đ khoản 1, khoản 2 điều 46, điều 47, khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội, khoản 3 điều 7, khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo bằng thời hạn tạm giam. Công nhận sự thỏa thuận của các bên về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng theo qui định của pháp luật.
Căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, ý kiến của người bị hại, người bào chữa và bị cáo.
XÉT THẤY
Lời khai của bị cáo tại phiên toà hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở để kết luận:
Khoảng 17 giờ ngày 20 tháng 10 năm 2016, tại bản N, xã P, huyện S, tỉnh Lai Châu, Vừ A C thực hiện hành vi dùng sống con dao phát dài 1,03m đánh một nhát vào chân trái của Hạng A P gây thương tích 15%.
Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự , hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện bằng hình thức dùng sống dao phát đánh vào chân trái của người bị hại gây ra thiệt hại về thể chất, xâm phạm đến quyền bảo vệ sức khỏe của công dân, gây mất trật tự trị an trên địa bàn. Mặc dù biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng do không làm chủ được bản thân nên bị cáo đã thực hiện hành vi dùng sống của con dao phát là hung khí nguy hiểm đánh từ trái sang phải vào chân trái của người bị hại với lỗi cố ý trực tiếp.
Như vậy hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “Dùng hung khí nguy hiểm” tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Bản cáo trạng số: 11/CT-VKS ngày 13 tháng 02 năm 2017 của viện kiểm sát nhân dân huyện Sìn Hồ truy tố bị cáo theo tội danh và điều luật được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; bị cáo tích cực tác động đến gia đình bồi thường cho người bị hại. Do người bị hại có hành vi trái pháp luật ( túm cổ áo vật bị cáo xuống đất, chửi mắng) xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể được pháp luật bảo vệ, vì thế bị cáo đã bị kích động về tinh thần mà thực hiện hành vi phạm tội. Người bị hại đã nhận lỗi về mình và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Khi thực hiện hành vi cố ý gây thương tích bị cáo đã dùng sống của con dao phát để giảm thiểu tổn hại về thể chất cho Hạng A P. Về nhân thân: bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa; hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hóa không biết chữ nên phần nào ảnh hưởng tới nhận thức pháp luật của bị cáo.
Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, p,đ khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự để áp dụng giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Theo qui định tại khoản 2 điều 104 BLHS năm 1999 hành vi “ Cố ý gây thương tích” có khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù. Tuy nhiên thực hiện nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc áp dụng những qui định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 điều 7 BLHS năm 2015; hành vi Cố ý gây thương tích qui định tại khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm tù; thấp hơn so với khung hình phạt qui định tại khoản 1 điều 194 BLHS năm 1999 nên Hội đồng xét xử áp dụng nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, khoản 3 điều 7, khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 khi quyết định hình phạt để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Do vậy những căn cứ pháp lý mà người bào chữa đề nghị để áp dụng cho bị cáo là có cơ sở cần được xem xét khi lượng hình.
Về vật chứng: Đối với 01 con dao phát có cán được làm bằng gỗ có chiều dài 1,03m, phần lưỡi dao dài 33cm, cán dao dài 70cm là tài sản của anh Hạng A H sử dụng để phục vụ sinh hoạt trong gia đình nên trả lại cho anh Hạng A H; đối với 01 con dao nhọn có lưỡi sắc, cán dao làm bằng gỗ, chiều dài 35cm, lưỡi dao dài 23cm, phần cán dao dài 12cm, phần lưỡi rộng nhất 04cm kèm theo bao bằng gỗ của Vừ A C cùng 01 chứng minh nhân dân số 045063126 mang tên Vừ A C là tài sản không liên quan đến hành vi phạm tội nên trả lại cho bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự: Gia đình bị cáo và người bị hại thỏa thuận bồi thường cho người bị hại 25.000.000 đồng là sự thỏa thuận tự nguyện, không trái với pháp luật và đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử công nhân sự thỏa thuận của các bên.
Về án phí: Hội đồng xét xử buộc bị cáo Vừ A C phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1/Tuyên bố: Bị cáo Vừ A C phạm tội “Cố ý gây thương tích”
Áp dụng: khoản 2 Điều 104 ; điểm b, p,đ khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 điều 7, khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015
Xử phạt: Vừ A C 02 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” thời hạn tù tính từ ngày 28 tháng 10 năm 2016.
2/Về vật chứng: Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: trả lại cho Hạng A H: 01 con dao phát có cán được làm bằng gỗ có chiều dài 1,03m, phần lưỡi dao dài 33cm, cán dao dài 70cm; trả lại cho Vừ A C:01 con dao nhọn có lưỡi sắc, cán dao làm bằng gỗ, chiều dài 35cm, lưỡi dao dài 23cm, phần cán dao dài 12cm, phần lưỡi rộng nhất 04cm và kèm theo bao bằng gỗ và 01 Chứng minh nhân dân số 045063126 mang tên Vừ A C.
3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật Dân sự và Điều 246 Bộ luật Tố tụng Dân sự công nhận sự thỏa thuận bồi thường thiệt hại giữa người bị hại và gia đình bị cáo với nội dung người bị hại bồi thường cho người bị hại 25.000.000 đồng.
4/Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Án xử công khai sơ thẩm, báo cho bị cáo, người bị hại biết được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (24/8/2017)
Bản án 49/2017/HSST ngày 24/08/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 49/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Sìn Hồ - Lai Châu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về