Bản án 491/2017/HS-PT ngày 21/09/2017 về tội giết người và gây rối trật tự công cộng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 491/2017/HS-PT NGÀY 21/09/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Trong ngày 21 tháng 9 năm 2017 tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Thànhphố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 173/2017/TLPT-HS ngày 26 tháng 4 năm 2017 đối với các bị cáo Nguyễn Đình T và Trần Văn M do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 95/2017/HSST ngày 17 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Đình T sinh ngày 22 tháng 4 năm 1994 tại tỉnh Bình Định; nơi cư trú: thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: công nhân; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Đình T4 và bà Lê Thị Kim T5; có vợ và02 con (lớn sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2015); tiền án, tiền sự: không; bị bắt, tạm giam ngày 22/01/2016 (có mặt).

2. Trần Văn M sinh ngày 27 tháng 8 năm 1997 tại tỉnh Cà Mau; nơi cư trú: xã K, huyện U, tỉnh Cà Mau; tạm trú tại: đường P, Phường I, Quận J, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn B và bà Nguyễn Thị L; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại (có mặt).

Ngoài ra còn có bị cáo Nguyễn Thị Thanh T2 không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Hà Ngọc T3 thuộc văn phòng Luật sư Hà Tuyền – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đình T theo yêu cầu của bị cáo (có mặt).

- Bị hại:

1. Anh Hồ Tấn N (đã chết).

2. Bị cáo Trần Văn M.

- Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Hồ Tấn H.

 (Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập bị cáo Nguyễn Thị Thanh T2 và ông Hồ Tấn H vì không có kháng cáo và không bị kháng cáo, không bị kháng nghị).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 00 giờ 30 phút 18/01/2016, tại quán bar Z đường Q, Phường G, Quận J, Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Nguyễn Đình T nghe nhạc, uống bia với anh Nguyễn Văn C, bị cáo Nguyễn Thị Thanh T2 và anh Q (là chú họ, cô họ và em họ của bị cáo T). Trong lúc nhảy, anh Nguyễn Văn C va chạm với anh Hồ Tấn N (ngồi bàn bên cạnh cùng với bị cáo Trần Văn M, anh Trần Mười E và anh Lê Trúc P3) nên anh N nói với bị cáo M là nhóm anh C kiếm chuyện. Đến 01 giờ 15 phút cùng ngày, nhóm của bị cáo T về thì anh N kéo tay bị cáo M đi theo. Ra trước quán, bị cáo M chạy đến xe gắn máy của anh N, lấy một nón bảo hiểm xông vào đánh nhiều cái vào đầu anh C nhưng không gây thương tích. Bị cáo T rút dao xếp đem theo sẵn (cán dao dài khoảng 08 cm, lưỡi dài 08 cm, mũi nhọn) đâm trúng tay và nách của bị cáo M nên bị cáo M lùi lại. Anh N xông đến thì bị cáo T2 nắm tóc anh N giữ lại đến khi thấy bị cáo T chạy đến mới buông ra. Anh N lùi lại và bị bị cáo T dùng dao đâm trúng cổ, ức và tay phải làm anh N gục xuống. Bị cáo T tiếp tục đuổi theo đâm 02 nhát vào lưng bị cáo M. Anh N và bị cáo M được người dân đưa đi cấp cứu. Anh N chết trước khi vào bệnh viện.

Bị cáo T chở bị cáo T2 về phòng trọ ở xã Đ, huyện E. Tại nhà trọ, bị cáo T2 rửa vết máu dính trên giày của bị cáo T. 16 giờ ngày 18/01/2016, bị cáo T chở bị cáo T2 về Bình Định trốn (Trên đường đi bị cáo T2 lấy dao gây án trong túi quần của bị cáo T ném vào bụi cây ven đường). Ngày 22/01/2016, bị cáo T và bị cáo T2 ra đầu thú tại Công an huyện T, tỉnh Bình Định.

Tại Kết luận giám định pháp y tử thi số 161-16/KLGĐ-PY ngày29/02/2016, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Hồ Tấn N chết do sốc mất máu cấp bởi đa vết thương đâm thủng động mạch cảnh phải, phổi phải và gan. Nồng độ cồn trong máu 75mg/100ml. Không tìm thấy thành phần các chất ma túy thường gặp trong máu. Máu Hồ Tấn N thuộc nhóm máu A.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 249/TgT.16 ngày 05/5/2016, Trung tâm Pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của Trần Văn M: Đa vết thương phần mềm, đã được điều trị, hiện còn: sẹokích thước 15,4 x (0,5-1) cm tại trước hõm nách phải, sẹo kích thước 4,4 x 0,5cm tại mặt sau cẳng tay phải; Các thương tích do vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vậtcó cạnh sắc gây ra; Con dao như mô tả gây ra được các thương tích này; Các thương tích không nguy hiểm đến tính mạng đương sự. Hai vết thương vùng lưng, thấu ngực gây tràn khí màng phổi 2 bên, đã được điều trị đặt dẫn lưu màng phổi 2 bên, hiện còn: 02 sẹo đâm kích thước 3,5 x 0,6 cm và 1,5 x 0,5 cm tại lưng, 02 sẹo dẫn lưu tại mạn sườn phải, trái; Các thương tích do vật sắc nhọn gây ra, có nguy hiểm đến tính mạng đương sự; Con dao như mô tả gây ra được các thương tích này. Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 23%.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 95/2017/HSST ngày 17 tháng 3 năm 2017, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đình T phạm tội “Giết người”, bị cáo Trần Văn M phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Áp dụng điểm a, n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Đình T tù chung thân. Thời hạn tù tính từ ngày 22/01/2016.

Áp dụng khoản 1 Điều 245; điểm h, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Trần Văn M 01 năm 06 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngàybắt bị cáo chấp hành án.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh T2, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, trách nhiệm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 21/3/2017, bị cáo Nguyễn Đình T kháng cáo xin giảm hình phạt tù. Ngày 28/3/2017, bị cáo Trần Văn M kháng cáo xin được cải tạo không giam giữ.

Bị cáo Nguyễn Đình T thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm: Vì thấy anh Nguyễn Văn C bị bị cáo Trần Văn M đánh nên bị cáo đã dùng dao xếp mang theo (cán dao dài 08 cm, lưỡi dài 08 cm, mũi nhọn) đâm vào lưng, tay của bị cáo M, đâm nhiều nhát vào cổ, ức và tay phải của anh N làm anh N chết và bị cáo M bị thương tích với tỷ lệ 23%. Bị cáo T trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ, đã khắc phục một phần hậu quả, có cha mẹ già, xin giảm nhẹ hình phạt để về khắc phục hậu quả tiếp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Văn M thừa nhận vì anh Nguyễn Văn C va chạm với anh N khi nhảy trong quán bar nên bị cáo đã dùng nón bảo hiểm đánh nhiều cái vào đầu anh C gây ra đánh nhau giữa hai bên. Bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo để về chăm sóc cha mẹ già.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm về việc giải quyết kháng cáo của bị cáo T và bị cáo M như sau:

Bị cáo T phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, làm một người chết và một người bị thương tích với tỷ lệ 23%, xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của nhiều người. Bị cáo M đã dùng nón bảo hiểm đánh anh C, là người gây ra vụ án. Tòa án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xử phạt các bị cáo Nguyễn Đình T tù chung thân về tội “Giết người” và bị cáo Trần Văn M 01 năm 06 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” là phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội các bị cáo gây ra. Nay không có tình tiết gì mới để chấp

nhận kháng cáo của các bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đình T và Trần Văn M, giữ nguyên bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Nguyễn Đình T tù chung thân về tội “Giết người” và xử phạt bị cáo Trần Văn M 01 năm 06 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo T trình bày ý kiến như sau: Hành vi của bị cáo T đâm anh N và bị cáo M như bản án nêu là không chính xác với camera vì bị cáo M bị đâm vào tay ngã xuống rồi vùng lên đánh bị cáo T tiếp nên bị cáo T mới đâm bị cáo M. Ý thức của bị cáo T đâm bị cáo M là do lỗi của người bị hại vì anh N rủ bị cáo M đánh nhau (Bị cáo T đã đi về trước mà vẫn bị nhóm bị cáo M tấn công). Anh C là chú của bị cáo T nên bị cáo T mới đâm anh N để bênh chú mình. Bị cáo T không có ý thức tước đoạt sinh mạng của bị cáo M, chỉ có hậu quả là gây thương tích nên theo hậu quả chỉ xử tội “Cố ý gây thương tích” là đúng. Các tình tiết giảm nhẹ đã được xem xét nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt hình phạt quá nặng. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét ý thức, thái độ của bị cáo, thiện chí khắc phục hậu quả, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn nên chưa khắc phục hậu quả thêm được.

Bị cáo M không trình bày lời tự bào chữa.

Trong lúc đối đáp, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm như đã nêu và bổ sung ý kiến như sau: Hành vi các bị cáo đã được ghi nhận đúng như camera ghi. Bị cáo T vì nguyên cớ nhỏ đã đâm vào tay và lưng của bị cáo M, đâm chết anh N và quay lại đâm bị cáo M. Bị cáo T dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào những vùng trọng yếu của người bị hại (Theo giám định là có nguy hiểm đến tính mạng của bị cáo M). Vì vậy, không phải là bị cáo T phạm tội “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo M và “Giết người” đối với anh N.

Luật sư tranh luận và nêu bị cáo cần được hưởng tình tiết phạm tội do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét.

Đại diện Viện kiểm sát tranh luận: Tình tiết hành vi trái pháp luật của người bị hại không áp dụng được vì bị cáo phạm tội côn đồ và hành vi của người bị hại chỉ là hành vi gây mâu thuẫn nhỏ.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, các kết luận giám định và tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Đình T phạm tội “Giết người” và bị cáo Trần Văn M phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” như Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định.

 [2] Hành vi của bị cáo T là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, gây đau thương cho gia đình người bị hại, làm mất trật tự trị an xã hội. Khi thấy bị cáo M dùng nón bảo hiểm đánh anh C, bị cáo không can ngăn mà còn dùng dao xếp mang theo gây thương tích cho bị cáo M, đâm anh N gục xuống rồi tiếp tục đuổi theo đâm nhiều nhát vào lưng bị cáo M (Hậu quả làm anh N chết và bị cáo M bị thương với tỷ lệ 23%) thể hiện tính chất côn đồ của bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp giết nhiều người và có tính chất côn đồ được quy định tại điểm a, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

 [3] Bị cáo T đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình người bị hại, phạm tội do bị cáo M có lỗi đánh anh C trước nên Hội đồng xét xử sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, không xử phạt bị cáo mức hình phạt cao nhất là tử hình mà chỉ phạt bị cáo hình phạt tù chung thân về tội “Giết người” là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân nhân bị cáo. Bị cáo T xin giảm hình phạt với lý do bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo đã bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình bị hại là các tình tiết đã được Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét, áp dụng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nêu thêm tình tiết có hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng không đủ làm căn cứ để giảm hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

 [4] Chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ giữa anh C và anh N trong quán bar, bị cáo Trần Văn M đã lấy nón bảo hiểm đánh nhiều cái vào đầu anh C, tuy không gây thương tích cho anh C nhưng là hành động mở đầu sự việc đánh nhau giữa hai nhóm, làm mất trật tự nơi công cộng, gây hậu quả nghiêm trọng là chết 01 người và chính bị cáo bị thương tích. Vì vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự là có căn cứ.

 [5] Bị cáo M phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Hội đồng xét xử sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự tuyên xử bị cáo mức án 01 năm 06 tháng tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân bị cáo. Bị cáo xin được hưởng án treo với các lý do bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hoàn cảnh gia đình khó khăn và hành vi của bị cáo không gây thương tích cho anh C. Các tình tiết bị cáo trình bày đều đã được Tòa sơ thẩm xem xét, áp dụng nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

 [6] Các lý do Luật sư bào chữa cho bị cáo T trình bày tại phiên tòa tương tự với lý do mà bị cáo nêu nên không có cơ sở chấp nhận. Quan điểm của Luật sư cho rằng bị cáo T phạm tội “Giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự (về hành vi đâm anh N) và phạm tội “Cố ý gây thương tích” (về hành vi đâm bị cáo M) là không có căn cứ bởi vì bị cáo T đâm bị cáo M xong, quay sang đâm anh N gục xuống lại tiếp tục đuổi theo đâm bị cáo M nhiều nhát là cố tình tước đoạt sinh mạng của cả hai người.

 [7] Tình tiết Luật sư nêu hành vi của người bị hại là hành vi trái pháp luật không thể áp dụng được vì hành vi bị cáo M đánh anh C (chú họ của bị cáo T) chỉ là vi phạm nhỏ, không đáng để áp dụng là một hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.

 [8] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nêu trên nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

 [9] Kháng cáo của bị cáo T và bị cáo M không được chấp nhận nên mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 98, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và danh mục Án phí, lệ phí Tòa án banh thành kèm theo Nghị quyết này.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 241 và Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đình T và bị cáo Trần Văn M, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 95/2017/HSST ngày 17 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đình T phạm tội “Giết người”, bị cáo Trần Văn M phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Áp dụng điểm a, n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Đình T tù chung thân. Thời hạn tù tính từ ngày22/01/2016.

Áp dụng khoản 1 Điều 245; điểm h, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Xử phạt bị cáo Trần Văn M 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.

Bị cáo Nguyễn Đình T và bị cáo Trần Văn M, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án là ngày 21 tháng 9 năm 2017.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

318
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 491/2017/HS-PT ngày 21/09/2017 về tội giết người và gây rối trật tự công cộng

Số hiệu:491/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về