Bản án 48/2020/HS-PT ngày 24/12/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 48/2020/HS-PT NGÀY 24/12/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ngày 24 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 45/2020/TLPT-HS ngày 21 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo Phạm Văn T về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Do có kháng cáo của bị cáo, bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2020/HS-ST ngày 07, 08/09/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Phạm Văn T, sinh năm 1975 tại tình Thái Bình; nơi cư trú: 200 P, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH DVTM hướng nghiệp Q; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Quang H (đã chết) và bà Hoàng Thị U; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo là Đảng viên đảng cộng sản, ngày 31/5/2019 Ủy ban kiểm tra huyện ủy K đình chỉ sinh hoạt đảng.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 02/5/2019 đến nay (có mặt).

- Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo:

Những người bào chữa cho bị cáo:

- Ông Võ Hữu D, Luật sư Văn phòng Luật sư X, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

- Bị hại có kháng cáo: Ông Trần Văn T, sinh năm 1968 và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1971; địa chỉ: huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Ông Trần Văn T có mặt, bà Nguyễn Thị L vắng mặt.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Văn T có Luật sư Nguyễn Huy H - Chi nhánh Công ty Luật TNHH Hai thành viên B tại tỉnh Đắk Lắk, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại hướng nghiệp Q (gọi tắt là Công ty hướng nghiệp Q) được Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên số 6001361948 ngày 12/10/2012 do Phạm Văn T sinh năm 1975, trú tại 200 P, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk là chủ sở hữu và là giám đốc. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là: Đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm trong nước; Cung ứng lao động tạm thời; Cung ứng và quản lý nguồn lao động trong nước... Tư vấn hướng dẫn học tập các ngành nghề phù hợp với các cá nhân, nhà tuyển dụng.

Trong đó các ngành nghề hoạt động của các trung tâm, đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm trong nước; Cung ứng lao động tạm thời; Cung ứng và quản lý nguồn lao động trong nước phải được Sở lao động và thương binh xã hội tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm trước khi hoạt động nhưng đến nay Công ty hướng nghiệp Q chưa được cấp giấy phép.

Sau khi được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp Công ty hướng nghiệp Q, Phạm Văn T không hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đăng ký mà lợi dụng danh nghĩa Công ty, đưa ra các thông tin gian dối về việc có thể xin vào làm việc, vào biên chế trong các cơ quan nhà nước, xin đi học, xin chuyển công tác... rồi nhận tiền của người có nhu cầu việc làm sau đó chiếm đoạt. Sau khi nhận tiền và hồ sơ xin việc, T đã nhờ bạn bè (không rõ nhân thân lai lịch) làm giả 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 01 giấy đăng ký xe ô tô đứng tên Phạm Văn T để đưa cho người bị hại nhằm mục đích tạo lòng tin và chiếm đoạt thêm tiền để tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn như trên từ năm 2014 đến tháng 3/2019 Phạm Văn T đã thực hiện 56 lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại, đối với hành vi lừa đảo của bị cáo đối với ông Trần Văn T, bà Nguyễn Thị L, cụ thể như sau:

Đầu năm 2016, thông qua ông Phạm Minh K sinh năm 1966 (trú tại tổ dân phố 7, thị trấn K), ông T bà L biết và nhờ Phạm Văn T xin cho con là Trần Văn L sinh năm 1993 (đang thực hiện nghĩa vụ tại Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Nam Trung Bộ - Bộ Công An) được vào biên chế trong Ngành Công an. T đồng ý xin cho L đi học Đại học Cảnh sát hệ cử tuyển với chi phí 600.000.000 đồng. Ngày 08/4/2016 và ngày 22/02/2017 vợ chồng ông T bà L đưa đưa cho T 02 lần với tổng số tiền là 600.000.000 đồng (có lập hợp đồng thể hiện). Sau khi nhận tiền T không xin được cho L và không trả lại tiền.

Như vậy, Phạm Văn T đã có hành vi chiếm đoạt của vợ chồng ông Trần Văn T bà Nguyễn Thị L số tiền 600.000.000 đồng (sáu trăm triệu đồng).

Cũng bằng phương thức, thủ đoạn tương tự, bị cáo Phạm Văn T đã chiếm đoạt của 56 bị hại khác, tổng số tiền bị cáo Phạm Văn T chiếm đoạt của ông T bà L và 56 người khác là 7.246.011.000 đồng (bảy tỷ hai trăm bốn mươi sáu triệu không trăm mười một ngàn đồng), T đã tiêu xài cá nhân hết.

- Tại các bản Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận:

- Tại Kết luận giám định số 243 ngày 10/4/2019 kết luận:

+ Chữ viết phần nội dung trong HỢP ĐỒNG TƯ VẤN VÀ THỎA THUẬN XIN VIỆC đề ngày 08/4/2016 (ký hiệu A1) so với chữ viết đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, là do cùng một người viết ra.

+ Chữ viết phần nội dung trong HỢP ĐỒNG TƯ VẤN VÀ THỎA THUẬN XIN VIỆC đề ngày 08/4/2016 không bị tẩy xóa, không bị điền thêm.

+ Chữ ký mang tên Phạm Văn T dưới mục “ĐẠI DIỆN BÊN A” trong tài liệu cần giám định ký hiệu A1 và chữ ký mang tên Phạm Văn T dưới mục “ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN TIỀN” trong các tài liệu cần giám định ký kiệu A2 so với chữ ký đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, là do cùng một người ký ra.

- Tại Kết luận giám định số 348 ngày 23/5/2019 kết luận:

+ Nội dung trong các tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A13 không bị viết chèn thêm.

+ Chữ viết phần nội dung và chữ ký, chữ viết mang tên Phạm Văn T trong các tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A13 so với chữ viết, chữ ký mang tên Phạm Văn T trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, là do cùng một người viết và ký ra.

- Tại Kết luận giám định số 675 ngày 18/9/2019 kết luận:

+ Chữ viết phần nội dung trong các tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A51; chữ ký, chữ viết đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A4, từ A6 đến A44, từ A46 đến A51 và chữ ký, chữ viết đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu cần giám định ký hiệu A5, A45 so với chữ ký, chữ viết đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, M3, là do cùng một người ký và viết ra.

- Tại Kết luận giám định số 881 ngày 20/11/2019 kết luận:

+ Chữ viết phần nội dung trong các tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A9; từ A11 đến A20; A25; từ A25 đến A28 so với chữ viết của ông Phạm Văn T trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, M3 là do cùng một người viết ra.

+ Chữ ký, chữ viết đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu cần giám định ký hiệu từ AI đến A28 so với chữ ký, chữ viết của Phạm Văn T trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2,M3 là do cùng một người ký và viết ra.

- Tại Kết luận giám định số 213 ngày 03/4/2020 kết luận:

+ Chữ viết, chữ ký đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A6 so với chữ viết, chữ ký đứng tên Phạm Văn T trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, M3 là do cùng một người viết và ký ra.

2. Về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:

Quá trình điều tra xác định Phạm Văn T sau khi đưa ra thông tin gian dối làm cho người bị hại tin tưởng, đưa tiền nhờ xin việc, T đã nhờ bạn bè quen biết ngoài xã hội (không xác định được là ai) làm giả 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 01 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô, cụ thể như sau:

Năm 2016 Phạm Văn T thuê 01 chiếc xe ô tô Toyota Fortuner biển số xe 47A-112.72 của ông Phan Văn C, sinh năm 1982, trú tại: 130 N, thành phố B, trong thời gian khoảng 6 tháng thì trả lại xe cho anh C, đến ngày 16/10/2017 anh C bán xe trên cho Công ty cổ phần V, địa chỉ thôn N, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định. Trong quá trình thuê xe và sử dụng T đã nhờ bạn bè quen biết ngoài xã hội (không xác định được là ai) làm giả 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 007281, loại xe Toyota Fortuner biển số xe 47A-112.72 đứng tên chủ sở hữu Phạm Văn T, do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 13/4/2015. Do vào ngày 18/11/2015 T có nhận của chị H 150.000.000 đồng để xin chuyển công tác cho chị H, nhưng không được nên chị H yêu cầu trả lại tiền thì T hứa hẹn sẽ trả tiền, đồng thời đưa cho chị H một Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả số 007281, biển số xe 47A-112.72, do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 13/4/2015, đứng tên Phạm Văn T là chủ sở hữu để làm tin.

Khoảng năm 2010, ông Lê Văn C mua 02 lô đất tại tỉnh Kon Tum, cụ thể 01 lô có diện tích 54.825m2 mua của ông A T và lô còn lại có diện tích 69.175 m2 mua của ông A V, với giá khoảng 50.000.000 đồng. Khi mua đất chỉ viết giấy tay với ông A T và ông A V đồng thời ông A T giao cho ông C 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W723638 và ông A V giao cho ông C 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W723631. Sau khi mua 02 lô đất trên ông C không làm thủ tục sang tên. Năm 2013 ông C sang nhượng lại cho T với số tiền 60.000.000 đồng và giao lại 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cho T giữ. Sau đó, T đã nhờ bạn bè quen biết ngoài xã hội (không xác định được là ai) làm giả 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cùng số W859425, thửa số 475, tờ bản đồ số KT189, tại thôn B, xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum, đứng tên chủ sở hữu Phạm Văn T, do Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum cấp ngày 17/12/2011 và 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W859420, thửa đất số 189, tờ bản đồ số 20 tại thôn B, xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum đứng tên chủ sở hữu Phạm Văn T, do Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum cấp ngày 17/12/2011.

Sau khi có được các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trên vào ngày 17/9/2016 T thế chấp 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang số W859425 cho ông Nguyễn Thanh H để vay nhiều lần, tổng cộng là 410.000. 000 đồng.

Đưa 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang số W859425 cho anh Đinh Duy C để anh C tin tưởng sau khi chiếm đoạt của anh C số tiền 200.000.000 đồng.

Đưa 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang số W859420, cho ông Mai Xuân Q để ông Q tin tưởng sau khi chiếm đoạt của ông Q số tiền 100.000.000 đồng.

Xác minh tại Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum, thể hiện:

Tháng 12/2002 ông A T được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W723638 đối với diện tích đất 54.825m2 tờ bản đồ số 1, thửa đất số 20, địa danh thửa đất TK189, địa chỉ đất tại thôn B, xã S, huyện N.

Tháng 12/2002 ông A V được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W723631 đối với diện tích đất 69.175m2 tờ bản đồ số 1, thửa đất số 475, địa danh thửa đất TK189, địa chỉ đất tại thôn B, xã S, huyện N.

Chưa ghi nhận hay tiếp nhận hồ sơ sang tên đổi chủ gì đối với hai thửa đất nêu trên. Hai thửa đất nêu trên là đất rừng phòng hộ.

Xác minh tại phòng tài nguyên và môi trường huyện N, tỉnh KonTum thể hiện:

Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W859425 ngày 17/12/2011 cho thửa số 475, tờ bản đồ số KT189, tại thôn B, xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum, cho Phạm Văn T. Ủy ban nhân dân huyện chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất số 475 tờ bản đồ số 01, địa danh thửa đất KT189 cho hộ ông A V tại thôn B, xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum. Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W859425 từ trước đến nay Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum không quản lý đối với phôi bìa này.

- Tại các bản Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận:

- Tại Kết luận giám định số 802 ngày 03/10/2019 kết luận:

+ Chữ ký mang tên A C dưới mục "Chủ tịch UBND" trong các tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3 so với chữ ký đứng tên A C trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, là không phải do cùng một người ký ra.

+ Hình dấu tròn có nội dung "UBND HUYỆN NGỌC HỒI - T. KON TUM" trong các tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3 so với hình dấu tròn có cùng nội dung trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, là không phải do cùng một con dấu đóng ra.

- Tại Kết luận giám định số 881 ngày 20/11/2019 kết luận:

+ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ XE Ô TÔ số 007281 ghi Công an tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 13/4/2015 (ký hiệu A29) là Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ vật chứng vụ án gồm:

Thu giữ tài liệu, đồ vật do các bị hại giao nộp:

- Các hợp đồng, giấy nhận tiền;

- 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cùng số W859425 có cùng tờ bản đồ, số thửa đứng tên chủ sở hữu Phạm Văn T, do Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum cấp ngày 17/12/2011, đất tại thôn B, xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum.

- 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W859420 thửa đất số 189 tờ bản đồ số 20 tại thôn B, xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum, đứng tên chủ sở hữu Phạm Văn T, do Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum cấp ngày 17/12/2011.

- 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 007281, loại xe Fortuner biển số xe: 47A-112.72 đứng tên chủ sở hữu Phạm Văn T, do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 13/4/2015 .

Thu giữ vật chứng trong quá trình bắt và khám xét:

- 08 bộ hồ sơ trong quá trình thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam.

- 234 bộ hồ sơ trong quá trình thi hành Lệnh khám xét tại trụ sở Công ty TNHH TMDV hướng nghiệp Q.

Các giấy chứng nhận, hồ sơ tài liệu thu giữ trên được lưu tại hồ sơ vụ án.

- 01 két sắt có kích thước (58 x 100 x 51)cm đã qua sử dụng.

Với các nội dung trên,

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2020/HS-ST ngày 07,08/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, quyết định:

Tuyên bố Bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; đim g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015:

Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 20 (Hai mươi) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 04 (Bốn) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Buộc bị cáo Phạm Văn T phải chấp hành hình phạt chung của cả 02 tội là 24 (Hai mươi bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 02/5/2019.

Bản án sơ thẩm còn quyết định về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, tuyên quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 15/9/2020, bị cáo Phạm Văn T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt;

Ngày 24/9/2020, ông Trần Văn T và bà Nguyễn Thị L kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe; bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo hoàn trả 600.000.000 đồng tiền chiếm đoạt mà không tính lãi suất cho bị hại là không đúng vì khoản tiền này bị hại vay ngân hàng; chưa xem xét vai trò của ông Phạm Minh K và bà N; cấp sơ thẩm có vi phạm thủ tục tố tụng vì ông bà có yêu cầu Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp nhưng không được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T và kháng cáo của bị hại ông Trần Văn T và bà Nguyễn Thị L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại ông Trần Văn T và bà Nguyễn Thị L cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo chưa thuyết phục, cần xem xét lại cho người bị hại về khoản tiền lãi của khoản tiền 600.000.000 đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt của bị hại, vì khoản này bị hại vay Ngân hàng phải trả lãi suất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, xem xét ý kiến của Luật sư và quan điểm của Viện kiểm sát, sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1]. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Phạm Văn T thừa nhận hành vi và tội danh như Tòa án cấp sơ thẩm xét xử là đúng, chỉ giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm hình phạt. Người bị hại có kháng cáo ông Trần Văn T và bà Nguyễn Thị L giữ nguyên nội dung kháng cáo.

[2]. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình đúng với lời khai của bị cáo tại trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm; lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, có đủ căn cứ để kết luận: Từ năm 2014 đến tháng 3 năm 2019, bị cáo Phạm Văn T đăng ký thành lập Công ty hướng nghiệp Q, tuy nhiên không hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đăng ký mà lợi dụng danh nghĩa Công ty, đưa ra các thông tin gian dối về việc có thể xin vào làm việc, vào biên chế trong các cơ quan nhà nước, xin đi học, xin chuyển công tác... rồi nhận tiền của những người có nhu cầu xin việc làm sau đó chiếm đoạt. Sau khi nhận tiền và hồ sơ xin việc, T đã sử dụng 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và 01 giấy đăng ký xe ô tô giả đứng tên Phạm Văn T để đưa cho người bị hại nhằm mục đích tạo lòng tin và kéo dài thời gian nhằm chiếm đoạt tổng số tiền 7.246.011.000 đồng (bảy tỷ, hai trăm bốn mươi sáu triệu, không trăm mười một nghìn đồng) của những người bị hại.

Với hành vi phạm tội đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Văn T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b, khoản 3, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Trong vụ án này, hậu quả do bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo đã không những dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân, gây thiệt hại lớn về tài sản của những người bị hại trong vụ án mà còn thực hiện hành vi xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, như: thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình; bố bị cáo tham gia kháng chiến và được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Đó là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo. Bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng “phạm tội từ hai lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Sau khi đánh giá tính chất hành vi phạm tội, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 04 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, là phù hợp, tương xứng với tính chất mức độ của hành vi và hậu quả của vụ án. Trong giai đoạn phúc thẩm bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo không được chấp nhận.

Ngoài ra, trong đơn kháng cáo cho rằng trong phiên tòa sơ thẩm, một số người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có mặt đầy đủ nhưng Tòa án xét xử có phù hợp không. Thấy rằng, tại phiên tòa sơ thẩm, một số bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt, như: Nguyễn Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Thị C, Trần Thị T, Vũ Thị N, Phạm Thị H, Nguyễn Thị Thu H, Phạm Văn L, Nguyễn Thị Ngọc T, Nguyễn Công H vắng nhưng họ đã có đơn đề nghị xét xử vắng mặt (BL- 118 đến 129). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử vụ án là đúng quy định theo Điều 292 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[4] Xét nội dung kháng cáo của ông Trần văn T và bà Nguyễn Thị L, thấy rằng về hình phạt của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên đối với bị cáo, như đã phân tích ở trên là thỏa đáng và phù hợp và không nhẹ nên không có cơ sở để xử tăng hình phạt đối với bị cáo. Về phần dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho ông và bà số tiền 600.000.000 đồng là có cơ sở và đúng quy định tại Điều 584, 585, 589 Bộ luật dân sự, “thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Trong vụ này ông Trần Văn T và bà Nguyễn Thị L bị Phạm Văn T chiếm đoạt số tiền 600.000.000 đồng nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường 600.000.000 đồng là đúng. Còn ông bà yêu cầu xem xét buộc bị cáo phải bồi thường thêm khoản tiền lãi do ông bà vay ngân hàng, đây là quan hệ dân sự giữa ông T, bà L với ngân hàng, còn về mặt nguyên tắc pháp luật bị cáo chiếm đoạt của bị hại bao nhiêu thì phải buộc bị cáo bồi thường bấy nhiêu. Về nội dung cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét trách nhiệm của ông Phạm Minh K và bà N (vợ ông K), thấy rằng ông K không liên quan đến hành vi phạm tội của Phạm Văn T. Tại Biên bản ghi lời khai của ông Trần Văn T ngày 22/3/2019 (BL 778-779), ông T khai: “ông K và bà N chỉ giới thiệu vợ chồng tôi với ông T, ngoài ra không nhận tiền của vợ chồng tôi”. Tại Biên bản ghi lời khai của ông Phạm Minh K ngày 4/4/2019 (BL 782), ông K khai: “Tôi biết anh T là Giám đốc Công ty, tôi là người giới thiệu cho T gặp T, tôi có cho T s điện thoại của T, khi gặp thì T T trao đổi với nhau, vợ chồng tôi không tham gia vào việc trao đổi”. Lời khai này phù hợp với các chúng cứ vật chất có trong hồ sơ như: Hợp đồng tư vấn và thỏa thuận xin việc, lập ngày 8/4/2016 giữa Phạm Văn T và Trần văn T (BL 787); Giấy nhận tiền giữa Phạm Văn T và Trần Văn T và Nguyễn Thị L (BL 786). Về nội dung kháng cáo của ông T bà L cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm thủ tục tố tụng vì trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, các ông bà có yêu cầu Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp nhưng không được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa, về nội dung này thấy sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, bị hại có yêu cầu Luật sư Nguyễn Huy H bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình; tuy nhiên, ngày 4 tháng 9 năm 2020, ông Trần Văn T đã biết được lịch xét xử vụ án và có Đơn xin hoãn phiên tòa với lý do: Hiện nay chúng tôi đang ở xa, không về kịp để tham gia tố tụng tại phiên tòa, hơn nữa tôi có yêu cầu Luật sư, Luật sư chưa tiếp cận hồ sơ nhưng không được Tòa án chấp nhận. Đây là vụ án hình sự nhưng ông Trần Văn T là người bị hại và luật sư là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, do đó việc vắng mặt của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại trong vụ án này không ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án nên việc Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử mà không hoãn phiên tòa là đúng quy định theo Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự. Từ các nội dung phân tích trên, thấy kháng cáo của bị hại Trần Văn T và Nguyễn Thị L không có cơ sở, không được chấp nhận.

Từ những vấn đề phân tích và lập luận trên, thấy kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của bị hại Trần Văn T, Nguyễn Thị L không có căn cứ nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát: không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T và kháng cáo của bị hại Trần Văn T, Nguyễn Thị L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[5]. Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Phạm Văn T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự và Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH về án phí, lệ phí Tòa án.

Do kháng cáo về phần dân sự không được chấp nhận nên người bị hại Trần Văn T và Nguyễn Thị L phải chịu án phí phúc thẩm dân sự theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 23 Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH về án phí, lệ phí Tòa án.

[6]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T; không chấp nhận kháng cáo của bị hại ông Trần Văn T, bà Nguyễn Thị L và giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 65/2020/HS-ST ngày 07, 08/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; đim g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015:

Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 20 (Hai mươi) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 04 (Bốn) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Buộc bị cáo Phạm Văn T phải chấp hành hình phạt chung của cả 02 tội là 24 (Hai mươi bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 02/5/2019.

2. Về phần dân sự: Giữ nguyên theo quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2020/HS-ST ngày 07,08 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk (trong đó buộc bị cáo Phạm Văn T có nghĩa vụ bồi thường cho ông Trần Văn T và bà Nguyễn Thị L 600.000.000 (Sáu trăm triệu) đồng).

3. Về án phí phúc thẩm:

- Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Phạm Văn T phải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí phúc thẩm hình sự.

- Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 23 nghị quyết 326/NQ-UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Buộc ông Trần Văn T và bà Nguyễn Thị L phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng tiền án phí phúc thẩm dân sự.

4. Quyết định của bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

461
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 48/2020/HS-PT ngày 24/12/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Số hiệu:48/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về