Bản án 47/2020/KDTM-PT ngày 18/05/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 47/2020/KDTM-PT NGÀY 18/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG 

Trong các ngày 13,18 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 18/2020/TLPT-KDTM ngày 03/01/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2019/KDTM-ST ngày 29/8/2019 của Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 90/2020/QĐ-PT ngày 17/03/2020; Thông báo thay đổi thời gian mở lại phiên tòa số 108/2020/TB-TA ngày 31/03/2020 và quyết định hoãn phiên tòa số 143/2020/QĐ-PT ngày 04/5/2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ngân hàng NT (nguyên đơn)

Trụ sở: Số 2, phố LH, phường TC, quận BĐ, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Tiết Văn T – Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Hồng H, bà Ngô Phan Nam H (Bà H vắng mặt, bà H có mặt).

Bị đơn: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu TH II (bị đơn)

Trụ sở: Số 212/1, đường NT, phường Nguyễn CT, Quận I, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Trường Gi - Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Sỹ H. (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:Luật sư Lê Văn K - Văn phòng luật sư Ánh sáng công lý thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.(Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện ngày 08/5/2018, tại biên bản tự khai và biên bản ghi lời khai tại Tòa án nguyên đơn trình bày:

Theo Giấy ủy quyền số 32/QĐ-UQ ngày 01/01/2010, bị đơn đã ủy quyền cho Chi nhánh của bị đơn tại Hà Nội, với nội dung: Đồng ý cho Chi nhánh Công ty vay vốn tại nguyên đơn - Chi nhánh Hà Nội với hạn mức dư nợ cao nhất là 100 tỷ đồng hoặc bằng ngoại tệ tương đương tại mọi thời điểm, cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Chi nhánh Công ty. Tại Mục 3 của Giấy ủy quyền có nội dung: “Nếu có bất cứ lý do nào bên được ủy quyền không trả nợ ngân hàng, bên bảo lãnh đồng ý trả thay số tiền (cả gốc và lãi) thuộc trách nhiệm ủy quyền của bị đơn”.Căn cứ giấy ủy quyền trên, trong năm 2010, nguyên đơn chi nhánh Hà Nội đã ký kết 07 hợp đồng tín dụng với Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội, cụ thể như sau:

1.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201003732, ngày giải ngân 28/6/2010 và ngày 06/8/2010, số tiền: 347,673.92 USD (quy đổi VND theo từng lần nhận nợ tương đương 6.631.857.954 đồng), mục đích vay vốn: Nhập khẩu giấy photocopy, thời hạn: 04 tháng, lãi suất: 14,5%/năm.

2.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201003767, ngày giải ngân: 09/08/2010 và ngày 18/8/2010 số tiền: 114,751.00 USD, mục đích vay vốn: Thanh toán tiền hàng nhập khẩu máy bơm nước, thời hạn: 04 tháng, lãi suất: 6,5%/năm.

3.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201005253, ngày giải ngân: 02/11/2010, số tiền: 524,008.05 EUR, mục đích vay vốn: nhập khẩu linh kiện CKD ô tô tải, thời hạn: 04 tháng, lãi suất: 5,5%/năm.

4.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201005254, ngày giải ngân: 02/11/2010, số tiền: 14,555.78 EUR, mục đích vay vốn: Nhập khẩu lưỡi dao cạo, thời hạn: 04 tháng, lãi suất: 5,5%/năm.

5.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201005048, ngày giải ngân: 08/11/2010, số tiền: 44,370 USD, mục đích vay vốn: Thanh toán tiền nhập khẩu hạt nhựa, thời hạn: 04 tháng, lãi suất: 7%/năm.

6.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201004696, ngày giải ngân: 22/11/2010, số tiền: 124,839 USD, mục đích vay vốn: Nhập khẩu phụ tùng ô tô tải, thời hạn: 04 tháng, lãi suất: 7%/năm.

7.Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201101744 ngày 04/4/2011 (theo Yêu cầu phát hành thư tín dụng ngày 16/8/2010), ngày giải ngân: 04/4/2011, số tiền: 10.295.824.000 đồng, mục đích vay vốn: Thanh toán tiền hàng hợp đồng ngoại 019/PY-THHN/08-10 ngày 14/8/2010, thời hạn: 03 tháng, lãi suất: 18%/năm.

Quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng trên, Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận tại các hợp đồng tín dụng. Ngân hàng đã rất nhiều lần làm việc và gửi thông báo nợ đến hạn và thông báo nợ quá hạn đến Chi nhánh Công ty tại Hà Nội và bị đơn. Chi nhánh Công ty cũng đã nhiều lần gửi văn bản xin gia hạn, hứa hẹn thanh toán. Tuy nhiên, đến nay Chi nhánh Công ty vẫn không thanh toán hết nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng.

Tại Đơn khởi kiện ngày 08/5/2018 và Đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 03/7/2018, Ngân hàng đã tính tiền lãi mà bị đơn phải trả theo 07 hợp đồng tín dụng nêu trên tạm tính đến ngày 08/5/2018 là 9.878.158.894 đồng và được Tòa án chấp nhận thông báo nộp tạm ứng án phí để thụ lý, nhưng do thiếu sót, nên chỉ nêu 06 hợp đồng tín dụng còn dư nợ gốc, không nêu Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201101744 ngày 04/4/2011 đã thu hết nợ gốc. Nay Ngân hàng bổ sung yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn thanh toán dư nợ lãi còn lại của Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201101744 ngày 04/4/2011 được xác lập trên cơ sở Yêu cầu phát hành thư tín dụng ngày 16/8/2010 của Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội.

Tính đến ngày 05/8/2019, Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội còn nợ nguyên đơn các khoản tiền cụ thể như sau:

1.Hợp đồng tín dụngsố 1500LAV201003732: Nợ gốc: 1.551.700.000 đồng, nợ lãi trong hạn: 0 đồng, nợ lãi quá hạn: 3.097.209.829 đồng. 2.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201003767: Nợ gốc: 57,325.10 USD, nợ lãi trong hạn: 3,009.12 USD, nợ lãi quá hạn: 199,703.39 USD, theo lãi suất .

3.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201005253: Nợ gốc: 304,213 EUR, nợ lãi trong hạn: 6,474.03 EUR, nợ lãi quá hạn: 226,685.72 EUR.

4.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201005048: Nợ gốc: 44,370 USD, nợ lãi trong hạn: 897.26 USD, nợ lãi quá hạn: 39,354.34 USD.

5.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201004696:Nợ gốc: 124,839 USD, nợ lãi trong hạn: 2,111.86 USD, nợ lãi quá hạn: 111,345.98 USD.

6.Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201005254:Nợ gốc: 7,049.73 EUR, nợ lãi trong hạn: 195,69 EUR, nợ lãi quá hạn: 6,273.56 EUR.

7. Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201101744: Nợ gốc: 0 đồng, nợ lãi trong hạn: 293.785.404 đồng, nợ lãi quá hạn: 7.748.018 đồng.

Tổng dư nợ quy đổi tạm tính đến ngày 05/8/2019 (theo tỷ giá 1 USD = 23.310 đồng, 1 EUR = 25.988 đồng) là: 29.272.755.884 đồng, gồm nợ gốc là: 14.921.305.698 đồng và nợ lãi: 14.351.450.186 đồng.

Nay nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả hết số nợ gốc quy đổi là:

14.921.305.698, nợ lãi phát sinh tạm tính đến ngày 05/8/2019 là 14.351.450.186 đồng và phải tiếp tục trả tiền lãi theo lãi suất nợ quá hạn đã thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng đối với số nợ gốc thực tế đến khi trả hết nợ hoặc đến khi thi hành án xong.

Tại văn bản Quan điểm pháp lý nộp ngày 14/11/2018 và Biên bản phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, bị đơn là bị đơn do người đại diện theo pháp luật và theo ủy quyền trình bày: Toàn bộ số tiền gốc và lãi mà nguyên đơn - Chi nhánh Hà Nội cho Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội vay theo 07 hợp đồng tín dụng nêu trên, trong toàn bộ quá trình vay, cho vay, thanh toán lãi, đáo hạn nợ và việc sử dụng vốn, Công ty hoàn toàn không được biết. Giấy ủy quyền số 32/QĐ-UQ ngày 01/01/2010 của ông Bùi Vũ Quý - Tổng Giám đốc là hoàn toàn trái với Điều lệ và Quy chế quản lý tài chính của Công ty, không được Hội đồng quản trị Công ty thông qua, nên không có giá trị. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng.

Tại Bản tự khai ngày 03/7/2019, ông Đỗ Tuấn Anh là Phó Giám đốc Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội trình bày: Ông đã được sao chụp đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo của nguyên đơn về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng với bị đơn là bị đơn. Hiện Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội vẫn đăng ký hoạt động tại địa chỉ theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh ngày 21/12/2006, nhưng thực tế không còn hoạt động tại địa chỉ đó. Người đứng đầu Chi nhánh là bà Lê Minh Thu đã nghỉ hưu từ năm 2016, nhưng Công ty chưa bổ nhiệm người khác làm Giám đốc. Từ vài năm gần đây, bà Thu sang Trung Quốc ở với con gái, ông không biết địa chỉ cụ thể và không thể liên lạc được. Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội có vay vốn của Chi nhánh nguyên đơn, chưa trả được hết nợ là do bị khách hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dẫn đến việc kinh doanh và thu hồi vốn của Chi nhánh gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình điều tra, một số đối tượng liên quan đến các vụ án khác đã bị bắt tạm giam, việc thu hồi công nợ và xử lý tài sản phải đợi phán quyết của Tòa án. Ông nhất trí với quan điểm của Công ty về việc giấy ủy quyền tại thời điểm đó không đúng với Điều lệ và Quy chế quản lý tài chính của Công ty, không được Hội đồng quản trị thông qua, mà Ngân hàng vẫn cho Chi nhánh Công ty vay. Ông đề nghị Tòa án xem xét có đủ căn cứ để xét xử không. Hiện Chi nhánh đang giải quyết, đòi nợ khách hàng và cam kết nếu khách hàng trả nợ thì Chi nhánh sẽ trả nợ cho Ngân hàng.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2019/KDTM-ST ngày 29/8/2019 của Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đòi bị đơn trả số tiền nợ phát sinh theo Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ 1500LAV201003732 ngày 28/6/2010, Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201003767 ngày 09/08/2010, Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005253 ngày 02/11/2010, Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005254 ngày 02/11/2010, Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005048 ngày 08/11/2010, Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201004696 ngày 22/11/2010, Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201101744 ngày 04/4/2011.Buộc bị đơn phải trả nguyên đơn tổng số tiền tính đến ngày 29/8/2019gồm: Nợ gốc: 1.551.700.000 đồng; 226,534.1 USD và 311,262.73 EUR; Tiền lãi trong hạn: 293.785.404 đồng; 2,741.67 USD và 6,669.72 EUR; Tiền lãi quá hạn: 3.127.457.497 đồng; 201,672.04 USD và 234,671.22 EUR. Tổng số nợ gốc quy đổi là: 14.862.269.294 đồng; Tổng số nợ lãi phát sinh quy đổi là:14.410.594.245 đồng, tổng là:29.272.863.539 đồng.

2. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền gốc còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm ngày 04/9/2019 bị đơn có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm.

Tại phiên tòa Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự xác nhận ngoài các tài liệu chứng cứ đã xuất trình cho Tòa án thì không còn chứng cứ nào khác và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn sau khi trình bày luận cứ có quan điểm: Quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không đưa chi nhánh bị đơn vào tham gia tố tụng và không tiến hành lấy lời khải của người ký Hợp đồng vay tín dụng là không khách quan.

Tại thời điểm chi nhánh bị đơn tại Hà Nội vay vốn của nguyên đơn thì ông Bùi Văn Quý – Tổng giám đốc công ty ký 06 giấy ủy quyền cho chi nhánh bị đơn tại Hà Nội vay tiền của các Ngân hàng với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng là vượt quá 50% vốn điều lệ của Công ty. Theo quy định của Điều lệ Công ty và theo quy định của pháp luật thì việc ủy quyền này của ông Quý phải được thông qua Hội đồng quản trị. Do vậy dẫn đến việc ký kết các hợp đồng tín dụng giữa chi nhánh bị đơn tại Hà Nội là vô hiệu. Mặt khác, Công ty không hề biết việc chi nhánh vay tiền và sử dụng số tiền đó vào việc gì, nên bị đơn không có nghĩa vụ thanh toán tiền trả cho nguyên đơn. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên tòa phúc thẩm trình bày quan điểm:

+ Về tố tụng: Thẩm phán, thư ký đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử đã tiến hành xét xử vụ án theo trình tự luật định, các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

+ Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm; Về án phí các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1].Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn làm trong thời hạn luật định.Sau khi kháng cáo bị đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nên việc kháng cáo là hợp lệ.Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội giải quyết là đúng thẩm quyền.

1.1. Về người tham gia tố tụng: xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn đề nghị Tòa án hủy án sơ thẩm, đưa Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Hội đồng xét xử xét thấy: Theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì bị đơn tại Hà Nội là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân là bị đơn, bị đơn chi nhánh Hà Nội không phải là pháp nhân, người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi ủy quyền và thời hạn được ủy quyền. Chi nhánh không có năng lực pháp luật dân sự như pháp nhân, nên cũng không có năng lực pháp luật tố tụng dân sự. Do đó, căn cứ vào khoản 4 Điều 68, khoản 1 Điều 69của Bộ luật Tố tụng dân sự,Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Chi nhánh bị đơntại Hà Nội vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật.

[2].Về nội dung:

2.1. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn Hội đồng xét xử xét thấy:

Ngày 01/01/2010, ông Bùi Vũ Quý - Tổng giám đốc bị đơn ký Giấy ủy quyền số 32/QĐ-UQ với nội dung: “… ủy quyền cho Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội vay vốn tại nguyên đơn - Chi nhánh Hà Nội với hạn mức dư nợ cao nhất là 100 tỷ đồng hoặc bằng ngoại tệ tương đương tại mọi thời điểm, cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Chi nhánh Công ty…”. Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 39 Điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp II (được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 23/9/2006) quy định Hội đồng quản trị “Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị, công nghệ và các hợp đồng vay vốn có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty”. Điểm a khoản 4 Điều 49 Điều lệ quy định Tổng Giám đốc có quyền “Quyết định các vấn đề có liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của Công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị”. Điểm a khoản 4 Điều 4 Quy chế quản lý tài chính Công ty (được ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-HĐQT ngày 07/11/2006 của Hội đồng quản trị) quy định:“Tổng Giám đốc Công ty quyết định các hợp đồng mua, bán, vay vốn có giá trị dưới 50% giá trị tổng tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất”. Theo Báo cáo tài chính ngày 31/12/2010, tổng tài sản ngắn hạn và dài hạn đầu năm 2010 (tức là cuối năm 2009) của Công ty là 407.606.736.549 đồng. Do đó, việc ông Bùi Vũ Quý là Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty ký Giấy ủy quyền số 32/QĐ-UQ ngày 01/01/2010 ủy quyền cho Chi nhánh Công ty tại Hà Nội vay vốn tại nguyên đơn - Chi nhánh Hà Nội đến hạn mức 100.000.000.000 đồng trong năm 2010 là không vượt quá thẩm quyền. Do vậy, Giấy ủy quyền số 32/QĐ-UQ ngày 01/01/2010 có hiệu lực pháp luật, nên bị đơn chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập.

Căn cứ Giấy ủy quyền số 32/QĐ-UQ ngày 01/01/2010, trong năm 2010, nguyên đơn - Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội đã ký kết 06 hợp đồng tín dụng và 01 yêu cầu phát hành thư tín dụng, gồm:

Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201003732 ngày 28/6/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201003767ngày 09/08/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005253 ngày 02/11/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005254 ngày 02/11/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005048 ngày 08/11/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201004696 ngày 22/11/2010 và yêu cầu phát hành thư tín dụng ngày 16/8/2010, theo đó hai bên đã ký Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201101744 ngày 04/4/2011. Xét thấy, các hợp đồng tín dụng trên có hình thức và nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, nên các Hợp đồng tín dụng phát sinh hiệu lực đối với các bên.

2.1.1. Về yêu cầu đòi nợ gốc: Quá trình thực hiện hợp đồng nguyên đơn đã giải ngân cho bị đơn tại Hà Nội theo các Hợp đồng tín dụng trên với tổng số tiền là: 16.927.681.864 đồng; 283.951 USD và 538.563,83 EUR. Tổng số tiền ngân hàng giải ngân quy đổi ra tiền VNĐ tại thời điểm cho vay là: 37.810.152.004 đồng.

Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện : Tính đến ngày 05/4/2018, Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội đã trả được số nợ gốc gồm: 15.375.981.864 đồng; 57.416,9 USD và 227.301,1 EUR ( riêng hợp đồng tín dụng số 1500LAV201101744 đã trả hết nợ). Số nợ gốc chưa trả gồm: 1.551.700.000 đồng; 226.534,1 USD và 311.262,73 EUR. Tòa án đã kiểm tra các chứng từ giải ngân, chứng từ thu nợ gốc do Ngân hàng giao nộp, xác định đúng với số nợ gốc theo yêu cầu của Ngân hàng. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay bị đơn cho rằng Công ty không có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm thanh toán số tiền nợ trên cho nguyên đơn, vì ông Quý Tổng giám đốc ký ủy quyền cho bị đơn tại Hà Nội được ký kết các hợp đồng vay vốn của ngân hàng vượt quá thẩm quyền của Tổng giám đốc, chi nhánh công ty đã sử dụng số tiền này vào việc gì thì bị đơn không biết. Nhận thấy như đã phân tích ở trên thì việc bị đơn tại Hà Nội ký kết các hợp đồng tín dụng với nguyên đơn theo giấy ủy quyền số 32/QĐ-UQ ngày 01/01/2010 là phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, Báo cáo tài chính của bị đơn đều thể hiện khoản vay của của bị đơn tại Hà Nội, các hợp đồng tín dụng đều ghi rõ mục đích vay vốn là để phục vụ việc đầu tư kinh doanh của bị đơn tại Hà Nội. Tại phiên tòa hôm nay bị đơn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào khác để phản đối yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán trả số nợ gốc cho nguyên đơn gồm: 1.551.700.000 đồng; 226,534.1 USD và 311,262.73 EUR là có căn cứ và phù hợp với quy định của Điều 95 của Luật Các tổ chức tín dụng.

2.1.2. Về yêu cầu đòi tiền lãi: Căn cứ các chứng từ thu tiền lãi từ việc trích tài khoản tiền gửi của Chi nhánh bị đơn tại Hà Nội tại nguyên đơn - Chi nhánh Hà Nội, thì bị đơn tại Hà Nội đã trả số tiền lãi đối với các khoản tiền vay theo Giấy nhận nợ ngày 06/8/2010 của Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201003732 ngày 28/6/2010,Giấy nhận nợ ngày 18/8/2010 của Hợp đồng tín dụng số 1500LAV201003767 ngày 09/08/2010 và 05 hợp đồng tín dụng gồm: 185.770.429 đồng; 2.591 USD và 3.159,4 EUR. Quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng, Chi nhánh Công ty tại Hà Nội vi phạm thời hạn trả nợ, nên Ngân hàng đã chuyển số nợ gốc chưa trả sang nợ quá hạn với lãi suất bằng 150% của lãi suất cho vay. Qua kiểm tra thấy việc tính lãi trong hạn, quá hạn của Ngân hàng theo đúng thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng và phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán trả số tiền lãi phát sinh theo 07 hợp đồng tín dụng trên tính đến ngày 29/8/2019 gồm: tiền lãi trong hạn là:293.785.404 đồng; 2.741,67 USD và 6.669,72 EUR; tiền lãi quá hạn là: 3.127.457.497 đồng; 201,672.04 USD và 234,671.22 EUR là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.

2.1.3 Về trách nhiệm trả nợ: Theo quy định khoản 5 Điều 92 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 6 Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh xác lập, thực hiện. Do vậy, khi bị đơn tại Hà Nội không có khả năng trả nợ cho nguyên đơn, thì bị đơn phải có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn có trách nhiệm thanh toán trả toàn bộ số nợ phát sinh từ 07 hợp đồng tín dụng nêu trên tính đến ngày 29/8/2019 ( ngày xét xử sơ thẩm), gồm nợ gốc:1.551.700.000 đồng; 226,534.1 USD; 311,262.73 EUR; Nợ lãi trong hạn: 293.785.404 đồng; 2.741,67 USD; 6.669,72 EUR; Nợ lãi quá hạn: 3.127.457.497 đồng; 201.672,04 USD; 234.671,22 EUR. Tổng số nợ gốc quy đổi ra VNĐ là: 14.862.269.294 đồng; Tổng số nợ lãi phát sinh quy đổi ra VNĐ là 14.410.594.245 đồng (Số tiền quy đổi ra VNĐ được tính theo tỷ giá 1 USD = 23.250 đồng, 1 EUR = 25.842 đồng).

Kể từ ngày 30/8/2019 bị đơn còn phải tiếp tục trả lãi cho nguyên đơn đối với số nợ gốc chưa trả theo lãi suất thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng.

Quá trình giải quyết và tại phiên tòa hôm nay các đương sự đều xác nhận khoản vay trên không có tài sản đảm bảo, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Từ những phân tích trên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Đề nghị của luật sư không phù hợp với quy định của pháp luật, nên không được chấp nhận.

Đề nghị của Viện kiểm sát phù hợp với quy định của pháp luật, nên được chấp nhận.

Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp II phải chịu án phí phúc thẩm.

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng: Khoản 1 Điều 30, 220 và khoản 1 Điều 308; Điều 314 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 5 Điều 92của Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 6 Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điều 302,305,342,344,351 Bộ luật dân sự năm 2005. Áp dụng Điều 91 và Điều 98 Luật tổ chức tín dụng.

Căn cứ Nghị Quyết số 326/NQ-QH ngày 30/12/2016, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng án phí và lệ phí.

Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2019/KDTM-ST ngày 29/8/2019 của Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.

Xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn 2.Buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán trả nợ cho nguyên đơn phát sinh theo Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201003732 ngày 28/6/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201003767ngày 09/08/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005253 ngày 02/11/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005254 ngày 02/11/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201005048 ngày 08/11/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201004696 ngày 22/11/2010; Hợp đồng tín dụng ngắn hạn kiêm giấy nhận nợ số 1500LAV201101744 ngày 04/4/2011 tính đến ngày 29/8/2019 gồm:

+ Nợ gốc: 1.551.700.000 đồng; 226.534,1 USD và 311.262,73 EUR (Tổng số nợ gốc quy đổi ra VNĐ là: 14.862.269.294 đồng).

+ Nợ lãi trong hạn: 293.785.404 đồng; 2.741,67 USD và 6.669,72 EUR.

+ Nợ lãi quá hạn: 3.127.457.497 đồng; 201.672,04 USD và 234.671,22 EUR.

( Tổng số nợ lãi trong hạn và lãi quá hạn quy đổi ra VNĐ là:14.410.594.245 đồng).

Kể từ ngày 30/8/2019, bị đơn còn phải tiếp tục trả nợ lãi trên số dư nợ gốc chưa thanh toán cho nguyên đơn theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong số tiền nợ gốc trên.

3. Về án phí:

+ Án phí sơ thẩm: Hoàn trả nguyên đơn 66.541.000 đồng (Sáu mươi sáu triệu, năm trăm bốn mươi mốt nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0004249 ngày 11/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Bị đơn phải chịu số tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 137.272.863 đồng (Một trăm ba mươi bảy triệu, hai trăm bảy mươi hai nghìn, tám trăm sáu mươi ba đồng) và 2.000.000 đồng án phí phúc thẩm được trừ vào 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí bị đơn đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0002870 ngày 13/10/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Bị đơn còn phải nộp 137.272.863 đồng (Một trăm ba mươi bảy triệu, hai trăm bảy mươi hai nghìn, tám trăm sáu mươi ba đồng).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

716
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 47/2020/KDTM-PT ngày 18/05/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:47/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 18/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về