TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
BẢN ÁN 47/2020/DS-PT NGÀY 31/07/2020 VỀ TRANH CHẤP SỞ HỮU CHUNG
Vào các ngày 27/7 và 31/7/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 115/2019/TLPT-DS ngày 31/12/2019, về việc: “Tranh chấp sở hữu chung” đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2019/DSST ngày 11/10/2019 của Toà án nhân dân huyện P bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 50/2020/QĐXX-PT ngày 27/4/2020; Thông báo mở lại phiên tòa số 34/2020/TB-TA, ngày 09/ 7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1/ Ông Võ T- sinh năm: 1959
2/ Ông Võ Gia Th- sinh năm: 1978
Người đại diện theo ủy quyền của ông Th: Ông Võ T
Cùng trú tại: Thôn Đ, xã H, huyện P, tỉnh Bình Thuận.
Bị đơn:
1/ Ông Nguyễn K- Sinh năm: 1958
2/ Bà Võ Thị D– Sinh năm: 1969
Người đại diện theo ủy quyền của ông K: Bà Võ Thị D
Cùng trú tại: Thôn Đ, xã H, huyện P, tỉnh Bình Thuận.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Bà Võ Thị V– Sinh năm: 1971
2/ Bà Trần Thị H– Sinh năm: 1959
3/ Bà Trần Thị Mỹ L– Sinh năm: 1981 Người đại diện theo ủy quyền của bà H, bà L: Ông Võ T- Sinh năm: 1959;
Cùng trú tại: Thôn Đ, xã H, huyện P, tỉnh Bình Thuận.
4/ Bà Nguyễn Thị H(tên gọi khác: Nụ) - Sinh năm: 1980 Trú tại: Thôn H, xã T, huyện P, tỉnh Bình Thuận Do có kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn K, bà Võ Thị D và Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn ông Võ T và ông Võ Gia Th, trình bày:
Vào năm 2012, cha con ông cùng với bà Võ Thị V, Nguyễn Thị H, và vợ chồng ông Nguyễn K, bà Võ Thị D góp vốn mua chung 01 chiếc thuyền số BTh- 96697-TS. Thuyền hoạt động đến năm 2013 thì bà V, bà H sang lại phần hùn cho cha con ông và vợ chồng ông K, bà D; Việc sang nhượng này nói bằng miệng. Nên sau đó, còn lại cha con ông sở hữu ½ chiếc thuyền, vợ chồng bà D, ông K sở hữu ½ chiếc thuyền.
Đến cuối năm 2015 (âm lịch) và đầu năm 2016 (dương lịch) do làm ăn không hiệu quả, nên cha con ông với vợ chồng bà D đã thỏa thuận hóa gía chiếc thuyền để một trong hai bên nhận và trả lại tiền cho bên kia. Vợ chồng bà Dnói nếu cha con ông nhận thuyền thì phải trả lại cho vợ chồng bà D300 triệu đồng, nếu vợ chồng bà D nhận thuyền thì trả lại cha con ông 250 triệu đồng. Cha con ông đồng ý để cho vợ chồng bà D, ông K nhận thuyền với giá 500.000.000 đồng. Do giữa ông Th và bà D là anh em ruột nên tin tưởng nhau không làm giấy tờ, bà Dhứa mỗi năm sẽ trả cho cha con ông là 100.000.000 đồng. Nhưng từ đó đến nay vẫn không trả, mặc dù cha con ông có đòi nhiều lần. Khi cha con ông sang lại phần hùn cho vợ chồng bà D thì tiền quỹ chung của thuyền còn 110.000.000 đồng chưa chia.
Cha con ông yêu cầu bà D, ông K phải có trách nhiệm trả cho cha con ông 250.000.000 đồng tiền sang lại phần hùn và 55.000.000 đồng tiền quỹ chung chưa chia, tổng cộng 305.000.000 đồng.
Bị đơn ông Nguyễn K, bà Võ Thị D, trình bày:
Thừa nhận việc mua thuyền làm ăn chung gồm 4 phần như nguyên đơn trình bày; sau khi mua thuyền về đã sửa chữa, tu bổ lại thuyền, tổng trị giá chiếc thuyền là 530 triệu đồng. Năm 2013 bà V, bà H sang lại phần hùn; nên ông Th trả cho bà V 133 triệu đồng, phần của bà H do vợ chồng ông bà trả. Sau đó ông Th và ông Tsở hữu ½ chiếc thuyền, ông bà sở hữu ½ chiếc thuyền. Cuối năm 2015 (lịch âm) đầu năm 2016 (lịch dương) ông Th, ông Th tự động bỏ thuyền không đi biển, chứ ông bà không mua lại ½ chiếc thuyền của ông T, ông Th như cha con ông Th khai.
Theo bà D khai: Khi thuyền còn hoạt động, thì mọi sổ sách, thu chi như thế nào và quyền quyết định trong chiếc thuyền này chồng bà là ông Nguyễn K giao cho bà tự quyết định. Từ đầu năm 2016 cho đến nay, mỗi năm hoạt động làm ăn, đến cuối năm bà không mời hay gọi ông Th, ông T đến để thanh quyết toán thu chi. Tiền quỹ chung của thuyền vào đầu năm 2016 còn 110.000.000 đồng nhưng bà đã cho các thuyền khác mượn hết, khi nào lấy được sẽ chia cho cha con ông Th, ông Thoại.
Ông bà không đồng ý trả 250 triệu đồng theo yêu cầu của nguyên đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà H, bà V trình bày:
Lời trình bày của nguyên đơn về việc mua thuyền chung, việc sang lại phần hùn trong thuyền BTh-96697-TS của các bà là đúng; vào năm 2013 các bà sang lại phần hùn trong thuyền cho cha con ông Th, ông T và cho vợ chồng bà D, ông K bằng giá ban đầu; việc sang lại phần hùn này của các bà cũng chỉ nói bằng miệng và cha con ông Th, ông K đã trả lại tiền trị giá phần hùn cho các bà. Sau đó ông Th và ông Tsở hữu ½ chiếc thuyền, vợ chồng bà D, ông K sở hữu ½ chiếc thuyền.
Theo bà V, vì là anh chị em trong gia đình, nên bà biết vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 ông Th, ông T đã sang lại phần hùn cho vợ chồng bà D, ông K với giá 500 triệu đồng; việc sang lại phần hùn này của của ông Th, ông Tcũng chỉ nói bằng miệng và bà đã nộp cho Tòa án đoạn ghi âm, trong đó bà Dcũng thừa nhận có mua lại ½ chiếc thuyền BTh-96697-TS của cho cha con ông Th; bà đề nghị Tòa án giải quyết buộc vợ chồng bà D, ông K phải trả cho ông Th, ông T250 triệu đồng mà trước đây vợ chồng bà D đã hứa.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Hường, bà Loan trình bày:
Bà Hường là vợ ông Th đã ủy quyền cho ông tự quyết định, bà Loan là vợ ông T có ý kiến: Cuối năm 2015 (lịch âm) đầu năm 2016 (lịch dương) cha chồng bà là ông Võ Tvà chồng bà là ông Võ Gia Th đã bảo bà đến nhà bà D tính sổ sách qua một năm hoạt động, đồng thời nói với vợ chồng bà D về việc sang lại phần hùn ½ chiếc thuyền BTh-96697-TS, vì làm ăn bao nhiêu năm mà không có chia được đồng nào. Qua buổi tính sổ sách, bà D có chia cho bên nhà bà (ông Th, ông T) được 10.000.000 đồng tiền quỹ chung, còn lại 110.000.000 đồng chưa chia. Sau đó, bà có nói việc bán lại ½ phần hùn thuyền BTh-96697-TS và được bà D mua lại với giá 500.000.000 đồng, mỗi bên ½ là 250.000.000 đồng. Bà D hứa một tháng sau sẽ trả, sau đó, bà có hỏi thì bà D bảo chờ một năm sau sẽ trả và cộng thêm tiền lời cho. Sau 01 năm bà có hỏi thì bà D bảo khi nào có tiền dầu sẽ trả lần 100.000.000 đồng. Nhưng từ đó đến nay vợ chồng bà D không trả.
Sau khi hoà giải không thành, ngày 11/10/2019 Toà án nhân dân huyện P đưa vụ án ra xét xử tại bản án số 02/2019/DSST, quyết định:
Áp dụng:
- Khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 1, 2 Điều 288; khoản 2 Điều 229 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 214, 216, 222, 223, 224, 226, 280, 281, 282 Bộ luật dân sự 2005;
- Khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Toà án năm 2016.
Tuyên xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn là ông Võ Tvà ông Võ Gia Th, buộc bị đơn là ông Nguyễn K và bà Võ Thị D phải trả cho ông Võ T và ông Võ Gia Th với tổng số tiền là 295.000.000 đồng (trong đó: 240.000.000 đồng là số tiền sở hữu ½ chiếc thuyền BTh-96697-TS, 55.000.000 đồng là tiền quỹ chung chưa chia).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 16 tháng 10 năm 2019, ông Nguyễn K và bà Võ Thị D kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không bảo đảm quyền lợi của ông, bà; nên đề nghị Tòa án tỉnh Bình Thuận xem xét lại.
Ngày 08 tháng 11 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận có Quyết định kháng nghị số 360/QĐKNPT-VKS-DS đối với bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận sửa án sơ thẩm theo hướng lấy giá chiếc thuyền theo giá Hội đồng định giá đã định là 275.000.000 đồng để làm căn cứ giải quyết vụ án; Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận tài sản chung 110.000.000 đồng, nhưng chưa tính toán lời, lỗ là chưa có căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo;
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận vẫn giữ nguyên Quyết định kháng nghị - Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 BLTTDS tuyên chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát và kháng cáo của bị đơn: Sửa án sơ thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với việc buộc bị đơn trả lại ½ giá trị chiếc thuyền BTh-96697-TS là 137.500.000 đồng; Về tiền quỹ của thuyền do các bên đều thống nhất bị đơn trả cho nguyên đơn ½, nên giữ nguyên như Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết. Về án phí đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng và đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Xét kháng cáo của bị đơn, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau: Căn cứ vào các chứng cứ, lời khai của các bên đương sự có trong hồ sơ vụ án, cũng như lời khai của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, đủ cơ sở kết luận:
[1] Vào năm 2012, cha con nguyên đơn cùng với vợ chồng bị đơn và bà Võ Thị V, bà Nguyễn Thị H góp vốn mua chung 01 chiếc thuyền, sau đó đã sửa chữa lại, tổng cộng trị giá chiếc thuyền là 530 triệu đồng. Thuyền mang số BTh-96697- TS, do ông Võ Tđứng tên trên Giấy chứng nhận Đăng ký tàu cá.
[2] Đến năm 2013, bà Võ Thị Vvà bà Nguyễn Thị H(Nụ) sang lại phần hùn trong thuyền cho cha con nguyên đơn và vợ chồng bị đơn theo giá ban đầu 530 triệu đồng. Việc sang nhượng này chỉ nói bằng miệng và ông Th đã trả lại tiền cho bà V, vợ chồng bị đơn trả phần hùn cho bà H. Nên sau đó cha con nguyên đơn sở hữu ½ chiếc thuyền, vợ chồng bị đơn sở hữu ½ chiếc thuyền.
[3] Mặc dù trong quá trình tham gia tố tụng, bị đơn không thừa nhận có việc nguyên đơn sang lại phần hùn cho bị đơn. Nhưng tại Biên bản hòa giải ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân xã Long Hải, huyện P, tỉnh Bình Thuận thể hiện như sau:
“ * Ý kiến ông Th: … tôi và ông T hùn vốn làm ăn vào chiếc thuyền 96697.
Cuối năm 2015, đầu 2016 chúng tôi không làm ăn nữa nên hóa giá chiếc thuyền là 500 triệu. Tiền quỹ thuyền còn lại là 110 triệu, tiền dầu hỗ trợ năm 2015 là 19 triệu. Tổng thuyền gồm 2 phần, tôi và ông T1 phần, ông Kháng và bà D1 phần. Tổng tiền phải thối lại cho chúng tôi là 314,5 triệu. Bà Dhứa mỗi năm sẽ thối cho chúng tôi 100 triệu. Nhưng từ 2016 đến giờ vẫn chưa thối đủ số tiền 314,5 triệu cho chúng tôi.
* Ý kiến ông K: … tôi hùn vốn đóng thuyền gồm 4 chủ: Ông Th và ông T,; bà V; bà Nụ; tôi và bà D. Sau đó bà V và bà N ra đầu hùn. Tiền thối bà Nụ là tiền tôi thối, tiền thối bà V là tiền vay để thối, do ông Th đứng tên vay. Sau đó 2016 ông Th và ông T ra đầu hùn giao lại cho tôi đứng tên vay và nhận thuyền để đi. Tôi có nói khi nào làm ăn có sẽ thối lại, nhưng từ đó đến nay toàn làm ăn thua lỗ nên không có thối lại cho ông Th và ông T”… [4] Trong quá trình tham gia tố tụng bà Võ Thị V cũng xác nhận bà có nghe chị là bà Võ Thị D nói đã mua lại ½ chiếc thuyền BTh-96697-TS của cha con ông Th vào đầu năm 2016 và bà đã ghi âm lời nói của bà D đã thừa nhận việc sang nhượng này. Lời khai này của bà V phù hợp với lời khai của ông Th và ông K như đã viện dẫn ở trên, nên có căn cứ để tin cậy;
[5] Do đó, việc nguyên đơn khai đã sang lại toàn bộ phần hùn của mình trong chiếc thuyền BTh-96697-TS cho vợ chồng bị đơn vào cuối năm 2015, đầu 2016 là có căn cứ.
[6] Do nguyên đơn, bị đơn không thống nhất được với nhau về giá trị chiếc thuyền tại thời điểm nguyên đơn sang lại phần hùn cho bị đơn vào đầu năm 2016. Nên hội đồng xét xử lấy chênh lệch giá chiếc thuyền BTh-96697-TS tại thời điểm bà V bà bà H sang lại phần hùn cho nguyên, bị đơn vào năm 2013 là 530 triệu đồng trừ giá tại thời điểm xét xử sơ thẩm 2019 là 275 triệu đồng = 255 triệu đồng là tiền chênh lệch giá từ 2013 đến 2019 là 07 năm; Số tiền 255 triệu đồng được chia bình quân cho 07 năm, mỗi năm giảm 36.429.000 đồng (đã làm tròn) và được chia làm 02 giai đoạn:
- Từ năm 2013 đến năm 2015 = 03 năm, sẽ là 36.429.000 đồng x 3 = 109.290.000 đồng (đã làm tròn). Do trong giai đoạn này cả nguyên đơn và bị đơn còn làm ăn chung và mỗi bên sở hữu ½ chiếc thuyền, nên mỗi bên phải chịu ½ = 54.642.000 đồng (tính chẵn) - Từ năm 2016 đến năm 2019 = 04 năm, sẽ là 36.429.000 đồng x 4 = 145.716.000 đồng. Do giai đoạn này nguyên đơn đã sang lại phần hùn cho bị đơn;
bị đơn là người trực tiếp quản lý, sử dụng và khai thác hoa lợi, cũng như được hưởng các khoản ưu đãi của Nhà nước; nên bị đơn phải chịu toàn bộ số tiền này.
Tổng số tiền mà bị đơn phải chịu là 54.642.000 đồng + 145.716.000 đồng = 200.358.000 đồng; nguyên đơn phải chịu là 54.642.000 đồng.
[7] Giá chiếc thuyền tại thời điểm đầu 2016 sẽ là: 530.000.000 đồng trừ đi số tiền nguyên đơn phải chịu 54.642.000 đồng, còn lại trị giá 475.358.000 đồng. Bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn ½ = 237.679.000 đồng [8] Đối với số tiền quỹ chung 110 triệu đồng của thuyền thuộc sở hữu chung của nguyên, bị đơn chưa chia. Trong quá trình tham gia tố tụng tại cấp sơ thẩm, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn yêu cầu và bị đơn đồng ý chia trả cho nguyên đơn ½ . Nên tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả ½ khoản tiền này cho nguyên đơn là có căn cứ.
Từ những nhận định trên, nên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn và một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận. Bản án sơ thẩm vì vây sẽ bị sửa một phần.
[9] Do sửa án sơ thẩm, nên án phí dân sự sơ thẩm cũng phải sửa cho phù hợp; người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả tạm ứng án phí phúc thẩm cho bị đơn.
Bởi các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận. Sửa một phần bản án sơ thẩm.
Áp dụng:
- Khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 1, 2 Điều 288; khoản 2 Điều 229 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 214, 216, 222, 223, 224, 226, 280, 281, 282 Bộ luật dân sự 2005;
- Khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Toà án.
Tuyên xử:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Võ T và ông Võ Gia Th;
buộc ông Nguyễn K và bà Võ Thị D phải trả cho ông Võ T và ông Võ Gia Th292.679.000 đồng (trong đó: 237.679.000 đồng là tiền trị giá ½ chiếc thuyền BTh-96697-TS tại thời điểm đầu 2016 và 55.000.000 đồng là tiền quỹ chung chưa chia).
- Buộc ông Nguyễn K và bà Võ Thị D phải nộp 14.633.950 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
- Buộc ông Võ T và ông Võ Gia Th phải nộp 616.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 7.625.000 đồng, theo biên lai thu tiền số 0021614 ngày 18.3.2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P. Hoàn lại ông Th và ông T 7.009.000 đồng.
- Ông Nguyễn K và bà Võ Thị D không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả 600.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho ông Nguyễn K và bà Võ Thị D đã nộp theo biên lai thu tiền số 0021647 ngày 25.10.2019 và số 0021660 ngày 23.12.2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án); kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014,thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7,7a,7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.
Bản án phúc thẩm, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 31.7.202.
Bản án 47/2020/DS-PT ngày 31/07/2020 về tranh chấp sở hữu chung
Số hiệu: | 47/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Thuận |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 31/07/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về