Bản án 47/2018/HS-ST ngày 30/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẤT ĐỎ, TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU

BẢN ÁN 47/2018/HS-ST NGÀY 30/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 30 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 45/2018/TLST-HS ngày 15 tháng 11 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 47/2018/QĐXXST-HS ngày 19 tháng 11 năm 2018 đối với bị cáo:

Phạm Lê H (Tí), giới tính: Nam, sinh năm 1993 tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;

HKTT: ấp A, xã B, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;

Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ học vấn:6/12; nghề nghiệp: Làm nông;

Con ông Phạm Quang N và bà Võ Thị Hồng H;

Vợ Võ Thị Tuyết N1; Con Phạm Duy K, sinh năm 2017

Bị cáo là con đầu trong gia đình có 2 anh em. T án; T sự: Không;

Bị bị bắt tạm giam từ ngày 02/10/2018 theo lệnh bắt bị can để tạm giam số17/LB-LBTG ngày 27/9/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện an huyện Đất Đỏ. (có mặt)

-Bị hại: Ông Đoàn Phong P, sinh năm 1982; địa chỉ: tổ 34, ấp A, xã B,huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; (có mặt)

-Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+Ông Lý Thanh T, sinh năm 1990; địa chỉ: ấp A, xã B, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; (có mặt)

+Bà Võ Thị Tuyết N1, sinh năm 1996; địa chỉ: ấp A, xã B, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; (có mặt)

-Người làm chứng:

+Bà Đặng Thị T1, sinh năm 1982; địa chỉ: tổ 34, ấp A, xã B, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (có mặt)

+Ông Phạm Quang N, sinh 1967; địa chỉ: ấp A, xã B, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 17 giờ ngày 13 tháng 8 năm 2018, Phạm Lê H uống rượu cùng Lý Thanh T, ông C và cha bị cáo tại nhà H, đến khoảng 20 giờ cùng ngày thì nghỉ nhậu, lúc này H nghĩ lại chuyện cách đây 02 ngày ông Đoàn Phong P dọa đánh ông Phạm Quang N (cha H), H bực tức nên đã rủ T đi đến nhà ông P để nói chuyện (BL41-CAH). Khi đi H cầm theo một con dao gọt trái cây, chiều dài khoảng 15cm, bề rộng khoảng 02cm, đầu dao nhọn bỏ trong người đề phòng nếu bị ông P đánh thì sẽ sử dụng đánh lại nhưng không cho T biết. H dùng xe máy không có biển số của gia đình chở T tới nhà ông P; khi tới cách nhà ông P chừng 10m, T đứng ngoài xe đợi còn H vào nhà gọi vợ chồng ông P dậy nói chuyện. Trong lúc nói chuyện ông P và T xảy ra tranh cãi, ông P dùng tay đánh 01 cái vào mặt H làm H ngã xuống nền nhà và dùng chân đạp lên chân H, trong lúc xô xát H rút con dao mang theo đâm một nhát vào ngực bên phải của ông P.

Chứng kiến hai bên xô xát và ông P bị đâm, bà Đặng Thị T1 là vợ công P mới kêu la, hô hoán gọi người giúp đỡ, lúc này T đi từ ngoài vào, T không nói gì mà chạy vào giữ tay bà Thanh và ông P giơ lên cao, mục đích can ngăn không để các bên đánh nhau; lợi dụng ông P bị T giữ tay H cầm dao đứng dậy đâm ông P một nhát vào bụng, thấy ông P máu chảy ra nhiều thì H bỏ chạy về nhà, còn T buông tay bà Thanh và ông P ra ra lấy xe đi về nhà H.

Trên đường về H làm rơi con dao nhưng không rõ rơi ở vị trí nào, đến 21 giờ cùng ngày H và T đến Công an xã Láng Dài đầu thú và trình báo sự việc. Sau khi H và T về, ông P được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 238/TgT ngày 18/9/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đối với Đoàn Phong P kết luận:

1.Dấu Hiệu chính:

-01 Vết thương thấu ngực phải gây tràn máu màng phổi, đã dẫn lưu màng phổi qua miệng vết thương. Hiện tại có hình ảnh dịch màng phổi hai bên lượng ít, dày rãnh liên thùy lớn phổi phải;

-01 Vết thương thấu bụng phòi mạc nối lớn ra ngoài, rách mạc nối lớn, thủng dạ dày, thủng đuôi tụy, đã phẫu thuật khâu lỗ thủng dạ dày, khâu đuôi tụy, khâu mạc nối lớn, dẫn lưu ổ bụng. Hiện bệnh nhân ăn uống được, theo dõi tụ dịch kèm abscess vết mổ trên rốn.

2.Về vật gây thương tích và chiều hướng tác động:

-Thương tích 1: Được gây ra do sự tác động tương hỗ của vật cứng sắc nhọn, tác động vào vị trí vết thương theo chiều hướng từ phải sang trái.

-Thương tích 2: Được gây ra do sự tác động tương hỗ của vật cứng sắc nhọn, tác động vào vị trí vết thương theo chiều hướng từ trước ra sau.

3.Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại là 69%.

Về vật chứng: Đối với con dao Phạm Lê H sử dụng để gây thương tích cho Đoàn Phong P, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đất Đỏ đã truy tìm nhưng không tìm được.

Đối với chiếc xe máy H dùng chở T đến nhà ông P là của ông Phạm Quang N (cha H), nhưng ông N không biết H sử dụng chở T đến nhà ông P nên cơ quan CSĐT huyện Đất Đỏ không tạm giữ.

Về dân sự: Bà Võ Thị Tuyết N1 là vợ bị cáo H đã bồi thường cho bị hại Phú số tiền 80.000.000 đồng; sau khi nhận tiền ông P không có yêu cầu gì thêm và có đơn bãi nại.

Tại bản cáo trạng số 44/CT-VKS ngày 14/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã truy tố Phạm Lê H về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (viết tắt là VKSND) huyện Đất Đỏ sau khi luận tội và đưa ra quan điểm xét xử đã đề nghị Hội đồng xét xử (viết tắt là HĐXX):

Về hình phạt: Áp dụng khoản 4 Điều 134, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS): Xử phạt bị cáo Phạm Lê H từ 07 (bảy) đến 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo và bị hại đã bồi thường xong cho nhau.

Tại phiên tòa bị cáo Phạm Lê H không có khiếu nại gì về hành vi và quyết định tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố; bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng Việm kiểm sát đã truy tố, bị cáo không có ý kiến gì về điều luật áp dụng, không tranh luận gì với bản luận tội và đề nghị của Kiểm sát viên.

Bị cáo thừa nhận đã tác động gia đình tự nguyện bồi thường cho bị hại số T 80.000.000 đồng.

Khi nói lời nói sau cùng bị cáo nhận thức được hành động của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo tỏ ra ăn năn và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Khi tranh luận bị hại đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định của cơ quan và người tiến hành tố tụng : Qúa trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo H và người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc kiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy Điều tra viên, Cơ quan cảnh sát đi ều tra Công an huyện Đất Đỏ và Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đất Đỏ trong quá trình điều tra, truy tố đã cơ bản thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, cơ quan CSĐT xác đinh Phạm Lê H có tên gọi khác là “Tí”, nhưng có lúc lại xác định H có tên gọi khác là “Tý” (BL 21-CAH) là chưa thống nhất, chưa làm rõ Phạm Lê H và Lý Thanh T với Phạm Văn H và Lý văn T trong đơn yêu cầu xử lý hình sự (BL67-CAH) có phải là một hay không; VKSND huyện Đất Đỏ tại Công văn số 63/CV-VKS ngày 27/9/2018 xác định, sau khi uống rượu thì H rủ T tới nhà ông P…khi đi T có nhìn thấy H đem theo một con dao giấu trong người…lúc nói chuyện H và ông P có xảy ra cãi vã…H rút dao ra đâm vào bụng ông P hai nhát gây thương tích…(BL 07-CAH), nhưng cáo trạng VKSND huyện Đất Đỏ lại xác định trong lúc uống rượu H nói cho T biết việc cha H bị ông P dọa đánh, khi xảy ra xô xát H dùng dao đâm ông P một nhát vào ngực bên phải…khi T đi vào giữ tay vợ chồng ông P lại để can ngăn thì H tiếp tục cầm dao xông tới đâm ông P 01 nhát vào bụng…và không đề cập tới việc T có biết việc H khi đi có mang theo con dao hay không, đồng thời xác định H không có tên gọi khác là còn mâu thuẫn, chưa phản ánh đúng thực tế sự việc được ghi nhận theo các tài liệu được thu thập có trong hồ sơ vụ án.

Những thiếu sót và mâu thuẫn nêu trên đã được HĐXX làm rõ tại phiên tòa nên vẫn đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật; do đó chỉ nêu ra để rút kinh nghiệm chung.

[2] Về áp dụng pháp luật: Áp dụng Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xét xử đối với bị cáo.

[3] Về hành vi phạm tội của bị cáo:

Xét thấy lời khai nhận tội tại phiên tòa của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cả về thời gian, địa điểm phạm tội, đặc điểm vật chứng và lời khai của bị hại, người làm chứng, kết luận giám định thương tích và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa;

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Khi thực hiện hành vi dùng dao gây thương tích cho bị hại bị cáo đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng vì xem thường pháp luật và tính mạng, sức khỏe của người khác nên bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Bị cáo không chỉ gây tổn thương nặng cho cơ thể bị hại mà bị cáo còn dùng dao là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bị hại, là tình tiết định khung tăng nặng đối với bị cáo được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017. HĐXX có đủ căn cứ để kết luận: Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 13/8/2018 tại nhà ông Đoàn Phong P ở ấp A, xã B, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Lê H đã có hành vi dùng dao (chiều dài khoảng 15cm, chiều rộng 02cm bằng kim loại màu trắng, lưỡi dao sắc, đầu dao nhọn) là hung khí nguy hiểm đâm trúng vào vùng ngực phải và vùng bụng của ông Đoàn Phong P gây tổn thương cơ thể 69%.

Hành vi nêu trên của bị cáo Phạm Lê H đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 4, Điều 134 BLHS như cáo trạng VKSND huyện Đất Đỏ đã truy tố.

[4] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội; xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác mà pháp luật có nghĩa vụ bảo vệ; gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy cần có hình phạt tù có thời hạn tương xứng, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định nhằm tạo điều kiện cho bị cáo được giáo dục, học tập và phấn đấu để trở thành người tốt hơn, biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng và sức khỏe của người khác, đồng thời cũng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

[5] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:

[5.1] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo Phạm Lê H sau khi đâm bị hại Phú 01 nhát vào ngực phải, vợ bị hại chạy ra hô hoán đã được ông T là bạn của bị cáo chạy vào can ngăn và giữ tay vợ chồng bị hại không cho hai bên xô xát; tuy nhiên bị cáo vẫn cầm dao xông tới đâm thêm bị hại 01 nhát vào bụng, khi thấy bị hại máu chảy ra nhiều bị cáo mới dừng lại. Thấy rằng bị cáo khai là đi đến nhà bị hại để nói chuyện nhưng khi đi đã chuẩn bị sẵn dao nhọn là hung khí nguy hiểm, khi đã được can ngăn bị cáo không dừng lại, cho thấy bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng nên bị cáo có 01 tình tiết tăng nặng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS.

[5.2] Về tình tiết giảm nhẹ: Tại Cơ quan cảnh sát điều tra cũng như qua diễn biến phiên tòa sơ thẩm bị cáo đã thành khẩn khai báo và tự nguyện tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho bị hại quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51

BLHS; ngoài ra bị cáo có nhân thân tốt, trong vụ việc này bị hại xác định cũng có một phần lỗi, có đơn bãi nại và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS để xem xét giảm nhẹ một phần mức án cho bị cáo mà lẽ ra bị cáo phải chịu.

[6] Về xử lý vật chứng: Đối với con dao mà Phạm Lê H sử dụng để gây thương tích cho Đoàn Phong P, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đất Đỏ đã truy tìm nhưng không tìm được nên không xem xét.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Các bên đã bồi thường xong cho nhau, bị hại không có yêu cầu gì thêm nên không xem xét.

[8] Về các vấn đề khác:

[8.1] Đối với Lý Thanh T có đi cùng H đến nhà bị hại, nhưng T chỉ được bị cáo rủ đi cùng để bị cáo nói chuyện về việc bị hại dọa đánh cha bị cáo, khi đến T đứng ngoài chỗ xe, T và bị cáo không có bàn bạc, phân công nhiệm vụ gì khác, hung khí là con dao bị cáo dấu mang theo nên T không biết; hành động T giữ tay vợ chồng bị hại là để can ngăn hai bên xô xát, không có mục đích giúp sức cho bị cáo, cơ quan CSĐT Công an huyện Đất Đỏ không xử lý đối với T là đúng quy định pháp luật nên chỉ đưa vào tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[8.2] Đối với chiếc xe máy H dùng chở T đến nhà ông P là của ông Phạm Quang N (cha H), nhưng ông N không biết H sử dụng chở T đến nhà ông P nên cơ quan CSĐT huyện Đất Đỏ không tạm giữ nên HĐXX không xem xét.

[8.3] Đối với ông Phạm Quang N (cha bị cáo), cơ quan CSĐT và VKSND không xác định tư cách tham gia tố tụng, nhưng xét thấy sự việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa cha bị cáo và bị hại nên cần triệu tập ông N tham gia với tư cách người làm chứng.

[9] Về đề nghị của đại diện Viện kiểm sát: Tại phiên tòa đại diện VKSND huyện Đất Đỏ giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo từ 07 (bảy) năm đến 07 (bảy) 06 (sáu) tháng tù; thấy rằng, đề nghị trên đề cao tinh thần của BLHS 2015 theo hướng có lợi cho bị cáo, thể hiện tính khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên bị cáo khai do bực tức nên rủ T đến nhà bị hại để nói chuyện, đồng thời bị cáo giấu T mang theo dao nhọn là hung khí nguy hiểm, cho thấy mục đích của bị cáo là đến gây sự với bị hại; khi bị cáo bị bị hại xô ngã xuống nền nhà thay vì hô hoán hoặc vùng chạy nhưng bị cáo lại rút dao nhọn nhằm vùng trọng yếu của bị hại là ngực để gây thương tích; khi đã được T là bạn của bị cáo giữ tay vợ chồng bị hại để can ngăn, thay vì dừng lại để làm rõ có hay không việc bị hại dọa đánh cha bị cáo bị cáo lại tiếp tục xông tới đâm vào bụng bị hại, chỉ khi bị hại máu chảy ra nhiều bị cáo mới dừng tay, chứng tỏ, mục đích của bị cáo khi tới nhà bị hại là gây gổ và gây thương tích cho bị hại đồng thời quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, vì vậy cần phạt bị cáo một mức án cao hơn mức án đại diện VKSND đề nghị mới đủ tác dụng răn đe, giáo dục.

[10] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật;

 [11] Về quyền kháng cáo: Bị cáo và bị hại được quyền kháng cáo theo quy định khoản 1 Điều 331 và khoản 1 Điều 333 BLTTHS.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Lê H (Tí) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ vào điểm d khoản 4 Điều 134, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điểm e khoản 1 Điều 52, Điều 32 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Phạm Lê H (Tí) 08 (tám) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn tù tính từ ngày 02/10/2018.

2. Về án phí:

Căn cứ khoản 2 Điều 136 BLTTHS 2015; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo Phạm Lê H phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

3. Về quyền yêu cầu thi hành án: Áp dụng Điều 26 Luật thi hành án dân sự 2008;

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy địnhĐiều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4.Về quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331 và Điều 333 BLTTHS 2015, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 30/11/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

237
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 47/2018/HS-ST ngày 30/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:47/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đất Đỏ - Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về