TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 47/2017/HSST NGÀY 19/07/2017 VỀ TỘI BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 19 tháng 7 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện CT, tỉnh KG, xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 101/2016/HSST ngày 25 tháng 11 năm 2016 về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 56/QĐXX-ST ngày 30 tháng 6 năm 2017 đối với các bị cáo:
1/ Lê Văn Đ; sinh ngày 05/02/1993; HKTT: ấp TH, xã ML, huyện HĐ, tỉnh KG; Chổ ở hiện nay: Không có nơi cư trú nhất định; Trình độ văn hóa: 5/12; Nghề nghiệp: Làm thuê; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông Lê Văn U; sinh năm 1969 (chết) và bà Lê Thị O; sinh năm 1975; Tiền sự: Không.
Tiền án: Vào ngày 10/5/2013 bị Tòa án nhân dân huyện HĐ, tỉnh KG, xử phạt 12 tháng tù, về tội “Gây rối trật tự cộng cộng”, tại bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2013/HSST ngày 10/5/2013, đến ngày 12/9/2013 bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/8/2016 cho đến nay, bị cáo có mặt tại phiên Tòa.
2/ Hồ Văn Đ; sinh ngày 06/4/2000; HKTT: ấp ML, xã MH, huyện CT, tỉnh KG; Trình độ văn hóa: 5/12; Nghề nghiệp: Ngư phủ; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông Hồ Văn S; sinh năm 1957 (chết) và bà Thị H, sinh năm 1960; Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 30/6/2017 cho đến nay (có mặt)
Người đại diện hợp pháp cho bị cáo Đ: Bà Thị H; sinh năm 1960 (mẹ ruột bị cáo) (có mặt).
Trú tại: ấp TH, xã ML, huyện HĐ, tỉnh KG
Người bào chữa chỉ định cho bị cáo Đ: Ông Trần Hữu Phúc – Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh KG (có mặt).
Người bị hại:
1/ Anh Danh T; sinh năm 1998 (có đơn xin xét xử vắng mặt).
Trú tại: Tổ 4, ấp HS, xã TS, huyện HĐ, tỉnh KG.
2/ Anh Danh C (H); sinh năm 1997 (có đơn xin xét xử vắng mặt). Trú tại: ấp VT, xã TS, huyện HĐ, tỉnh KG
3/ Anh Danh C1; sinh năm 2000 (có đơn xin xét xử vắng mặt). Trú tại: ấp HS, xã TS, huyện HĐ, tỉnh KG
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người bị hại: Bà Nguyễn Thị Khoa- Trợ giúp viên thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh KG (có mặt).
Người phiên dịch cho những người bị hại: Ông Danh Cương; sinh năm 1960 (có mặt)
Nghề nghiệp: Giáo viên - Trường Cao Đẳng Sư Phạm tỉnh KG.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1/ Ông Lý Văn H; sinh năm 1969 (có mặt)
2/ Em Lý Bé N; sinh ngày 01/11/2000 (có mặt) Cùng trú tại: ấp ML, xã MH, huyện CT, tỉnh KG.
3/ Em Nguyễn Văn H; sinh ngày 13/12/2000 (có mặt)
HKTT: Thôn AS 2, xã AB, huyện LT, tỉnh HB
Chổ ở hiện nay: Tổ 14, KP. 2, P. VL, thành phố RG, tỉnh KG
Người làm chứng:
1/ Anh Lê Văn T; sinh năm 1988 (vắng mặt)
Trú tại: Tổ 32, KP. MA, TT. ML, huyện CT, KG.
2/ Bà Trần Thị U; sinh năm 1967 (vắng mặt)
Trú tại: Số 70, tổ 33, KP. MA, TT. ML, huyện CT, tỉnh KG.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 19 giờ, ngày 21/8/2016 Lê Văn Đ cùng với Hồ Văn Đ, Nguyễn Văn T, Lý Bé N, Nguyễn Văn H, Danh L và T1 (không xác định được nhân thân) đến nhà của Lê Văn T ở khu phố MA, thị trấn ML, huyện CT, tỉnh KG tổ chức uống rượu, trong lúc uống rượu Đ biết T đang có nhu cầu tìm người đi ghe biển. Sau khi uống rượu xong Đ rũ N, H, Đ, T2, L, T1 cùng đi tìm người cho T đưa đi ghe biển, tất cả đồng ý. Đến khoảng 23 giờ 30 cùng ngày, nhóm người của Đ chạy 4 xe honda đi đến huyện HĐ để tìm người, khi cả nhóm chạy xe đến đoạn đường thuộc khu phố TT, thị trấn HĐ, huyện HĐ, tỉnh KG thì nhìn thấy Danh T (sinh năm 1997, thường trú ấp HS, xã TS, huyện HĐ, tỉnh KG), Danh C (tên thường gọi là H, sinh năm 1997, thường trú ấp VT, xã TS, huyện HĐ, tỉnh KG) và Danh C (sinh năm 2000, thường trú ấp HS, xã TS, huyện HĐ, tỉnh KG) đang đi bộ về hướng RG nên cả nhóm của Đ chặn lại kêu lên xe chở đi nhậu nhưng cả ba không đi, lúc này H nói “Chúng tôi là Công an” và kêu Danh T, Danh C, Danh C lên xe chở về Công an phường. Ngay lập tức nhóm của Đ bước xuống kéo T, C, C lên xe, Đ điều khiển xe mô tô loại dream màu đen (chưa xác định được biển số) chở C ngồi giữa để hai tay ra sau lưng cho T1 ngồi sau giữ lại; Đ điều khiển xe máy loại Wave 50 Trung Quốc màu đen, biển số 68HB – 5087 chở T ngồi giữa để hai tay ra sau cho H ngồi phía sau giữ lại; Lượm điều khiển xe máy loại xe Wave 50 Trung Quốc màu xanh (chưa xác định được biển số) chở C ngồi giữa để hai tay ra sau cho N ngồi phía sau giữ lại; T điều khiển xe máy loại Wave 50 Trung Quốc màu đỏ, biển số 68HB – 3329 chạy một mình. Nhóm người của Đ chở C, T, C đến nhà trọ “Chí Thành” thuộc khu phố MA, thị trấn ML, huyện CT, tỉnh KG; Đ cho T, C, C vào phòng rồi lấy máy tính bảng của H chụp ảnh lại, sau đó để Đ cùng ở lại trong phòng để canh giữ đồng thời nhóm người của Đ canh giữ ở bên ngoài và dùng ổ khóa khoá cửa phòng lại. Đến sáng ngày 22/8/2016, anh T đến nhà trọ Chí hành để gặp Đ xem có người đi ghe biển không thì T gặp được T, C, Ch, T hỏi thì cả 3 không đồng ý đi ghe nên anh T bỏ về. Lúc này lợi dụng sơ hở của nhóm người Đ nên T, C, Ch bỏ chạy ra ruộng rồi đi về nhà, sau đó đến trình báo Cơ quan Công an huyện CT.
Vật chứng trong vụ án:
- 01 chiếc xe máy, nhãn hiệu YOSHIDA, màu đen, số máy 000925, số khung 000925, biển số 68HB – 5087; 01 máy tính bảng (ipad) nhãn hiệu apple (32G), số imei 01336900 495331 5, màu trắng, được để trong bao màu đen; 01 (một) bóp nam kích thước 19,5cm x 8,3 cm hình tờ 100 USD (hiện đang quản lý tại kho vật chứng Công an huyện CT) là của Nguyễn Văn H.
- 01 xe máy, nhãn hiệu Warm, màu đỏ, số máy 003469, số khung 003469, biển số 68HB - 3329 (hiện giao cho ông Lý Văn H quản lý).
- Đối với chiếc xe mô tô, loại xe dream màu đen và 01 xe máy loại Wave 50 Trung Quốc màu xanh không xác định được biển số và chưa tìm được nên không xem xét.
Trách nhiệm dân sự: Các bị hại yêu cầu bồi thường các khoản tiền tổn thất tin thần, chi phí đi lại, chi phí điều trị tổn hại sức khỏe với tổng số tiền là 11.000.000đồng Cụ thể Danh C yêu cầu bồi thường 4.000.000đồng, Danh C yêu cầu bồi thường 4.400.000đồng, Danh T yêu cầu bồi thường 2.600.000đồng.
Đối với Nguyễn Văn T, Danh L hiện tại đã bỏ đi khỏi địa phương, T chưa xác định được nhân thân và chưa đủ chứng cứ để xác định có phạm tội nên Cơ quan CSĐT Công an huyện CT sẽ tiếp tục xác minh và xem xét xử lý sau.
Riêng đối với Lý Bé N, sinh ngày 01/11/2000, Nguyễn Văn H, sinh ngày 13/12/2000 tại thời điểm thực hiện hành vi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện CT chuyển sang xử lý hành chính.
Tại bản cáo trạng số: 108/CTr- VKS ngày 24/11/2016 của Viện kiểm sát nhân dân huyện CT, tỉnh KG đã truy tố các bị cáo Lê Văn Đ và Hồ Văn Đ về tội: “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 2 Điều 123 BLHS. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện CT vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo Lê Văn Đ và Hồ Văn Đ phạm tội: “Bắt giữ người trái pháp luật”. Đề nghị Hội đồng xét xử:
1/ Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 123; điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Lê Văn Đ từ 12 đến 18 tháng tù.
2/ Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 123; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69; Điều 74 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Hồ Văn Đ từ 03 đến 06 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự đề nghị HĐXX áp dụng Điều 42 BLHS; Điều 584 và Điều 590 BLDS, tuyên xử buộc các bị cáo liên đới bồi thường các khoản tiền tổn thất tin thần, chi phí đi lại, chi phí điều trị tổn hại sức khỏe cho người bị hại với tổng số tiền là 11.000.000đồng. Cụ thể bồi thường cho anh Danh C số tiền là 4.000.000đồng, bồi thường cho anh Danh C1 số tiền là 4.400.000đồng, bồi thường cho anh Danh T số tiền là 2.600.000đồng. Hiện tại gia đình bị cáo Đen đã nộp số tiền 5.500.000 đồng ở Chi cục Thi hành án dân sự huyện CT để khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Vật chứng trong vụ án đề nghị HĐXX áp dụng Điều 41 BLHS và khoản 2 Điều 76 BLTTHS, tuyên xử:
- Trả lại cho Nguyễn Văn H 01 chiếc xe máy, nhãn hiệu YOSHIDA, màu đen mang biển số 68HB – 5087; 01 máy tính bảng (ipad) nhãn hiệu apple (32G), màu trắng, được để trong bao màu đen; 01 (một) bóp nam kích thước 19,5cm x 8,3 cm hình tờ 100 USD;
-Đối với 01 xe máy, nhãn hiệu Warm màu đỏ mang biển số 68HB - 3329 đây là chiếc xe Lý Bé N sử dụng vào mục đích phạm tội nhưng trong quá trình điều cho cho thấy chiếc xe này thuộc quyền sở hữu của ông Lý Văn H (cha ruột N) việc N dùng chiếc xe trên đi phạm tội ông H không hay biết. Do đó, trong quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện CT đã trả lại chiếc xe trên cho cho ông H quản lý, sử dụng là phù hợp với quy định pháp luật nên đề nghị HĐXX không xem xét.
- Đối với chiếc xe mô tô, loại xe dream màu đen và 01 xe máy loại Wave 50 Trung Quốc màu xanh không xác định được biển số và chưa tìm được nên đề nghị HĐXX không xem xét.
Các bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị cáo không có ý kiến tranh luận về quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện CT. Riêng đối với Luật sư ông Trần Hữu Phúc và Trợ giúp viên bà Nguyễn Thị Khoa có ý kiến tranh luận về quan điểm luận tội của KSV như sau:
- Ý kiến của ông Trần Hữu Phúc – Luật sư, cộng tác viên của Trung Tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh KG bào chữa chỉ định cho bị cáo Hồ Văn Đ trình bày như sau: Về tội danh mà VKS truy tố bị cáo Đ về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” được quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS thì luật sư hoàn toàn thống nhất với quan điểm của VKS. Riêng về hình phạt cũng mong HĐXX xem xét: Tại Tòa hôm nay bị cáo đã thành khẩn khái báo, ăn năn hối cải; nhân thân bị cáo không có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ích nghiêm trọng; phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn; khi phạm tội bản thân bị cáo vẫn chưa thành niên nên khả năng nhận thức pháp luật có phần còn hạn chế; sau khi phạm tội tuy bị cáo đã bỏ trốn nhưng sau đó nhận thấy hành vi phạm tội của bị cáo là vi phạm pháp luật nên bị cáo đã tự nguyện ra đầu thú trước pháp luật, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn. Do đó, Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được quy định tại điểm g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS, Điều 69 và Điều 74 BLHS xử phạt bị cáo mức án 03 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
- Bị cáo Hồ Văn Đ cũng như người đại diện hợp pháp cho bị cáo Đ bà Thị H không bổ sung gì thêm về quan điểm bào chữa của luật sư.Ý kiến của bà Nguyễn Thị Khoa – Trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh KG bảo vệ quyền lợi và lợi ịch hợp pháp cho những người bị hại trình bày như sau: Về tội danh mà VKS truy tố các bị cáo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” được quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS và đề nghị khung hình phạt từ 12 đến 18 tháng tù đối với bị cáo Lê Văn Đ, từ 03 đến 06 tháng tù đối với bị cáo Hồ Văn Đ là thỏa đáng. Riêng về trách nhiệm dân sự Trợ giúp viên đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận là các bị cáo sẽ bồi thường thiệt hại cho các bị hại cụ thể như sau: Bị cáo Lê Văn Đen sẽ bồi thường chi phí đi lại, chi phí tổn hại sức khỏe và tổn thất tinh thần cho anh Danh C với số tiền là 2.000.000 đồng, bồi thường cho anh Danh C1 với số tiền là 2.200.000 đồng, bồi thường cho anh Danh T với số tiền là 1.300.000 đồng. Bị cáo Hồ Văn Đ sẽ bồi thường chi phí đi lại, chi phí tổn hại sức khỏe và tổn thất tinh thần cho anh Danh C với số tiền là 2.000.000đồng, bồi thường cho anh Danh C1 với số tiền là 2.200.000 đồng, bồi thường cho anh Danh T với số tiền là 1.300.000đồng.
VKS nhận thấy ý kiến tranh luận của Trợ giúp viên bà Nguyễn Thị Khoa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại phù hợp với quan điểm luận tội của VKS nên VKS không tranh luận gì với Trợ giúp viên. Riêng đối với ý kiến của Luật sư Trần Hữu Phúc thì đại diện VKS có ý kiến tranh luận như sau: Việc Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Điền là “gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS và đề nghị cho bị cáo Hồ Văn Đ được hưởng án treo là chưa phù hợp. Bởi sức khỏe, tính mạng và danh dự của con người không thể nào xem xét thiệt hại như thế nào là lớn và không lớn được, quyền con người đã được quy định cụ thể trong hiến pháp và VKS nhận thấy hành vi của bị cáo Hồ Văn Đ là nguy hiểm cho xã hội nên nếu cho bị cáo Đ hưởng án treo sẽ không có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội, ngoài ra sau khi phạm tội bị cáo cũng chưa khắc phục hậu quả gì cho các bị hại. Do đó, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố của mình, VKS không tranh luận gì thêm.
Các bị cáo được nói lời nói sau cùng, các bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy như sau:
[1] - Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện CT, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện CT, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hay khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiền hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] - Tại phiên tòa, các bị cáo Lê Văn Đ và Hồ Văn Đ đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của các bị cáo như bản Cáo trạng đã nêu. Lời khai của các bị cáo phù hợp lời khai tại Cơ quan điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ, thể hiện: Vào khoảng 19 giờ, ngày 21/8/2016 Lê Văn Đ cùng Hồ Văn Đ, Nguyễn Văn T, Lý Bé N, Nguyễn Văn H, Danh L và T1 đi đến nhà anh Lê Văn T để tổ chức uống rượu. Trong quá trình uống rượu Lê Văn Đ biết được anh T có nhu cầu tìm người đi ghe biển nên sau uống rượu xong Đ rủ cả nhóm đi tìm người đi ghe biển cho anh T thì tất cả đồng ý. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, cả nhóm điều khiển 04 chiếc xe honđa đi từ ML đi lên huyện HĐ, khi đi đến khu phố TT, thị trấn HĐ, huyện HĐ thì nhìn thấy Danh T, Danh C và Danh C1 đang đi bộ trên đường nên tất cả dừng xe lại, nói dối là “Công an” để buộc anh T, anh C1 và anh C lên xe để cả nhóm trở về trụ sở làm việc. Khi anh T, anh C và anh C1 leo lên xe thì cả nhóm chở 03 anh về nhà trọ “Chí Thanh” thuộc khu phố MA, thị trấn ML, huyện CT giam giữ tại đây. Đến sáng ngày 22/8/2016 anh T đến gặp anh T anh C1 và anh C hỏi cả 03 có đi ghe biển không thì tất cả không đồng ý nên anh T đi về. Lúc này, lợi dụng sự sơ hở của nhóm người Đ nên anh T, anh C và anh C1 bỏ trốn về nhà. Theo quy định tại điểm a, đ khoản 2 Điều 123 BLHS thì hành vi bàn bạc, rủ rê, chuẩn bị xe để chở nhiều người đem về nhà trọ giam giữ của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật.
Xét về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội không những trực tiếp xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương nơi xảy ra vụ án. Các bị cáo nhận thức được “Bắt giữ người trái pháp luật” là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm. Thế nhưng chỉ vì muốn tìm người đi ghe biển cho anh T mà các bị cáo đã bất chấp pháp luật cố ý tổ chức thành băng nhóm bắt giữ anh Danh T, anh Danh C và anh Danh C1 để đi ghe biển cho anh T. Trong vụ án này cho thấy trước và sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì giữa các bị cáo đã có sự câu kết chặt chẽ với nhau, các bị cáo chuẩn bị xe hon đa để chở người bị hại về nhà trọ rồi sau đó đưa người bị hại vào phòng trọ, Đ ở trong phòng canh giữ người bị hại, còn Đ thì canh giữ bên ngoài đồng thời dùng ổ khóa để khóa phòng trọ lại. Hành vi phạm tội của các bị cáo không những gây ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần cũng như về thể xác của người bị hại mà còn gây hoang mang lo sợ cho người dân trong việc đi lại của mình. Với tính chất cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra, HĐXX nghị án thảo luận cần có mức án tương xứng để răn đe giáo dục các bị cáo, đồng thời cũng nhằm ngăn ngừa chung cho xã hội.
[3]- Xét về tình tiết tăng nặng: Vào ngày 10/5/2013 bị cáo Lê Văn Đ bị Tòa án nhân dân huyện HĐ, tỉnh KG, xử phạt 12 tháng tù, về tội “Gây rối trật tự công cộng” đến khi phạm tội mới bản thân bị cáo vẫn chưa được xóa án tích. Do đó, trong lần phạm tội này bị cáo bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là tái phạm được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS là có căn cứ pháp luật.
[4]- Xét về tình tiết giảm nhẹ:
4.1 Đối với bị cáo Lê Văn Đ: Tại phiên tòa hôm nay bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, sau khi phạm tội bị cáo đã tích cực động viên gia đình khắc phục xong toàn bộ hậu quả cho người bị hại nên cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 BLHS.
4.2 Đối với bị cáo Hồ Văn Đ: Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã tỏ rỏ thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân bị cáo tốt không có tiền án, tiền sự; trong quá trình đưa vụ án ra xét xử bị cáo đã bỏ trốn gây khó khăn và kéo dài cho việc giải quyết vụ án nhưng sau đó nhận thấy được hành vi của mình là sai phạm nên bị cáo đã ra đầu thú trước pháp luật, ngoài ra cho thấy khi phạm tội bản thân bị cáo vẫn chưa thành niên nên khả năng nhận thức pháp luật có phần còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình bị cáo hiện rất khó khăn bị cáo là lao động chính trong gia đình. Do đó, cần xem xét áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS, Điều 47 BLHS và áp dụng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 69 và Điều 74 BLHS.
Từ những phân tích nêu trên, HĐXX nghị án thảo luận sẽ xem xét hình phạt khi lượng hình để có mức án phù hợp với từng bị cáo, để nhằm giáo dục các bị cáo trở thành một công dân tốt, biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng tài sản của người khác, đồng thời cũng nhằm thể hiện tính khoan hồng của Nhà Nước.
[5]- Xét đề nghị của vị đại diện VKS tại phiên tòa hôm nay là có căn cứ pháp luật nên HĐXX ghi nhận để xem xét.
[6]- Xét quan điểm bào chữa của Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang bào chữa cho bị cáo Hồ Văn Đ là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội và gây dư luận xấu trong nhân dân. Do đó, nếu không tách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian sẽ không có tác dụng răn đe, giáo dục đối với bị cáo. [7]- Xét quan điểm của Trợ giúp viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các bị hại là có căn cứ pháp luật nên HĐXX ghi nhận để xem xét.
[8] - Về trách nhiệm dân sự: Tại Tòa hôm nay người bị hại anh Danh C, anh Danh C1 và anh Danh T có đơn xin xét xử vắng mặt và trong đơn cũng như trong hồ sơ có thể hiện rỏ là các anh yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cụ thể như sau:
8.1 Anh Danh C yêu cầu bị cáo Lê Văn Đ bồi thường chi phí đi lại, chi phí điều trị thương tích và tổn thất tinh thần cho anh với số tiền là 2.000.000đồng, anh Danh C1 yêu cầu bị cáo Lê Văn Đ phải bồi thường cho anh số tiền là 2.200.000 đồng, anh Danh T yêu cầu bị cáo Lê Văn Đ phải bồi thường cho anh số tiền là 1.300.000 đồng.
8.2 Anh Danh C1 yêu cầu bị cáo Hồ Văn Đ bồi thường chi phí đi lại, chi phí điều trị thương tích và tổn thất tinh thần cho anh với số tiền là 2.000.000đồng, anh Danh C1 yêu cầu bị cáo Hồ Văn Đ phải bồi thường cho anh số tiền là 2.200.000 đồng, anh Danh T yêu cầu bị cáo Hồ Văn Đ phải bồi thường cho anh số tiền là 1.300.000 đồng.
Tại tòa hôm nay các bị cáo đồng ý bồi thường theo yêu cầu của anh Danh T, anh Danh C và anh Danh C1, xét sự thỏa thuận trên là tự nguyện và không trái quy định pháp luật nên HĐXX ghi nhận để xem xét. Tuy nhiên, cho thấy do bị cáo Hồ Văn Đ là người chưa thành niên và hiện Hồ Văn Đ không có tài sản gì do đó cần buộc bà Thị H mẹ ruột Hồ Văn Đ liên đới cùng Hồ Văn Đ khắc phục hậu quả cho bị hại là phù hợp.
[9] - Về xử lý vật chứng:
9.1 Đối với 01 chiếc xe máy, nhãn hiệu YOSHIDA, màu đen mang biển số 68HB – 5087; 01 máy tính bảng (ipad) nhãn hiệu apple (32G), màu trắng, được để trong bao màu đen; 01 (một) bóp nam kích thước 19,5cm x 8,3 cm hình tờ 100 USD.Trong quá trình điều tra cho thấy các tài sản này là do cha mẹ Hùng mua cho Hùng sử dụng nên cần xem xét trả lại cho Nguyễn Văn H cũng là phù hợp.
9.2 Đối với 01 xe máy, nhãn hiệu Warm màu đỏ mang biển số 68HB - 3329 đây là chiếc xe Lý Bé N sử dụng vào mục đích phạm tội nhưng trong quá trình điều cho cho thấy chiếc xe này thuộc quyền sở hữu của ông Lý Văn H (cha ruột N) việc N dùng chiếc xe trên đi phạm tội ông H không hay biết, căn cứ theo khoản 2 Điều 41BLHS và khoản 2 Điều 76 BLTTHS, Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện CT đã trả lại chiếc xe trên cho cho ông H quản lý, sử dụng là phù hợp với quy định pháp luật nên HĐXX không xem xét.
Về án phí: Xử buộc các bị cáo phải có nghĩa vụ nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố các bị cáo Lê Văn Đ và Hồ Văn Đ phạm tội: “Bắt giữ người trái pháp luật”.
1/ Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 123; điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Lê Văn Đ, 12 (mười hai) tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày 23/8/2016.
2/ Áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 123; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69; Điều 74 và Điều 33 BLHS, xử phạt bị cáo Hồ Văn Đ, 06 (sáu) tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày 30/6/2017.
Về trách nhiệm dân sự áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 584 và Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015, xử buộc các bị cáo có nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại cụ thể như sau:
- Bị cáo Lê Văn Đ sẽ bồi thường chi phí đi lại, chi phí điều trị thương tích và tổn thất tinh thần cho anh Danh C với số tiền là 2.000.000đồng, bồi thường cho anh Danh C1 với số tiền là 2.200.000đồng, bồi thường cho anh Danh T với số tiền là 1.300.000đồng; bị cáo được khấu trừ toàn bộ số tiền trên theo các biên lai thu tiền số: 03273 ngày 09/02/2017 và số: 05434 ngày 18/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện CT.
- Bị cáo Hồ Văn Đ và bà Thị H liên đới bồi thường chi phí đi lại, chi phí điều trị thương tích và tổn thất tinh thần cho anh Danh C với số tiền là 2.000.000đồng, bồi thường cho anh Danh C1 với số tiền là 2.200.000đồng, bồi thường cho anh Danh T với số tiền là 1.300.000đồng.
Kể từ ngày những người bị hại có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị cáo Đ và bà H chậm thi hành án thì bị cáo và bà H còn phải trả cho người bị hại thêm khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 357 BLDS năm 2015 đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Về biện pháp tư pháp áp dụng Điều 41 BLHS và khoản 2 Điều 76 BLTTHS, xử trả lại cho anh Nguyễn Văn H 01chiếc xe máy, nhãn hiệu YOSHIDA, màu đen mang biển số kiểm soát 68HB – 5087; 01 máy tính bảng (ipad) nhãn hiệu apple (32G) màu trắng, được để trong bao màu đen; 01 (một) bóp nam kích thước 19,5cm x 8,3 cm hình tờ 100 USD.
Vật chứng trên hiện Chi cục thi hành án dân sự huyện CT, tỉnh KG đang quản lý theo quyết định chuyển giao vật chứng số: 61/QĐCGVC ngày 23/11/2016 của VKS nhân dân huyện CT, tỉnh KG.
Về áp phí áp dụng khoản 2 Điều 99 BLTTHS và Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
Xử:
- Buộc bị cáo Lê Văn Đ phải nộp 200.000đồng, tiền án phí Hình sự sơ thẩm.
- Buộc bị cáo Hồ Văn Đ phải nộp 200.000đồng, tiền án phí Hình sự sơ thẩm; bịcáo Đ và bà Thị H phải nộp 300.000đồng, tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Báo cho các bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Báo cho người bị hại vắng mặt tại tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.
Trường hợp bản án, quyết định thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hànhán được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 47/2017/HSST ngày 19/07/2017 về tội bắt giữ người trái pháp luật
Số hiệu: | 47/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Châu Thành - Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/07/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về