Bản án 47/2017/HSPT ngày 09/11/2017 về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 47/2017/HSPT NGÀY 09/11/2017 VỀ TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Hôm nay, ngày 09 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 125/2017/HSPT ngày 05 tháng 10 năm 2017 đối với các bị cáo Lê Ngọc H và Phan Thị D do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 104/2017/HSST ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Bắc Ninh.

Các bị cáo có kháng cáo là:

1. Lê Ngọc H, sinh năm 1987; Nơi ĐKHKTT: Số 47/36 Đ, phường Đ, quận L, Hà Nội; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: y tá; con ông Lê Văn L, sinh năm 1939 và bà Trịnh Thị C, sinh năm 1947; có vợ là Mã Thị Hồng L, sinh năm 1989 và 01 con sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, Có mặt tại phiên tòa.

2. Phan Thị D, sinh năm 1993; Nơi ĐKHKTT: Thôn A, xã S, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: lao động tự do; con ông Phan Văn T (đã chết) và bà Hoàng Thị V, sinh năm 1971; Tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 01/12/2016 tại trại tạm giam công an tỉnh Bắc Ninh. Có mặt.

Trong vụ án này còn có 02 bị cáo: Ngô Xuân T và Ngô Thị D không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Y và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 5/2015, Lê Ngọc H thấy nhiều công nhân có nhu cầu mua giấy nghỉ ốm, giấy nghỉ việc, giấy khám sức khỏe của Bệnh viện để nộp cho Công ty nơi họ đang làm việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Do trước đó H đi làm qua Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long ở huyện Đông Anh, Hà Nội thấy có dán các thông báo nội dung ghi bán giấy nghỉ ốm, ai có nhu cầu liên hệ qua số điện thoại kèm theo ở cổng một số công ty, cột điện trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nên H điện thoại liên lạc với một người đàn ông theo H khai không rõ địa chỉ, tên tuổi để hỏi mua giấy nghỉ việc của Bệnh viện hưởng bảo hiểm xã hội, người đàn ông đó đồng ý bán cho H với giá 50.000 đồng/01 giấy và thỏa thuận khi nào lấy thì giao nhận tại cổng Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long. Sau khi liên lạc và biết được giá, H nảy sinh ý định mua giấy nghỉ việc, nghỉ ốm từ người đàn ông đó rồi bán lại cho các công nhân có nhu cầu để kiếm lời. Để thực hiện ý định, H đã nhờ và đánh máy, phô tô nhiều thông báo bán giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giống như của người đàn ông H đã liên lạc và kèm theo số điện thoại của H là 0975.028.523 rồi đem dán ở cổng một số Công ty và cột điện nơi H thuê trọ. Sau một thời gian, một số người đã điện thoại đặt mua giấy nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội, H đã thỏa thuận thời gian, địa điểm giao nhận, số lượng và ra giá là 100.000 đồng/01 giấy.

Cụ thể từ tháng 5/2015 đến tháng 10/2015, H đã đặt mua tổng số 23 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của bệnh viện chưa có nội dung, chỉ có chữ ký của bác sỹ và dấu đỏ hình chữ nhật mang tên khoa khám bệnh, Bệnh viện Nam Thăng Long hoặc Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương cùng dấu đỏ hình chữ nhật có nội dung Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội của người đàn ông H đã liên hệ (trong đó có 21 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của Bệnh viện Nam Thăng Long, 02 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương). Sau đó, H đem bán lại cho Phan Thị D làm công nhân Công ty Sam Sung, khu công nghiệp Y, tỉnh Bắc Ninh 05 lần tổng số 19 giấy và Ngô Xuân T làm công nhân Công ty Panasonic ở huyện Đông Anh, Hà Nội 02 lần tổng số 04 giấy, H hưởng lợi 1.150.000 đồng. Trong số 23 giấy chứng nhận nghỉ việc mà H bán cho D và T thì H viết giả nội dung thông tin 01 giấy có dấu mang tên Bệnh viện Nam Thăng Long, người được chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là Bàn Thùy Linh. Nội dung điền vào giấy H viết theo yêu cầu của D để D bán lại cho Bàn Thùy Linh sử dụng nộp vào Công ty Sam Sung.

Vào khoảng tháng 5/2015, lúc này Phan Thị D đang là sinh viên trong giai đoạn thực tập của trường Trung cấp Dược Hà Nội nên D làm công nhân hợp đồng có thời hạn cho Công ty Sam Sung, Khu công nghiệp Y. Do muốn nghỉ việc một thời gian tại Công ty Sam Sung để làm báo cáo thực tập, nên D đã gọi điện cho H hỏi mua 01 giấy chứng nhận nghỉ việc thì H có hỏi lý do mua giấy, sau đó đồng ý bán cho D với giá 100.000 đồng/01giấy. D tự viết nội dung thông tin trên giấy nghỉ việc đó và nộp vào Công ty Sam Sung. Sau đó, D đã nghỉ làm một tuần từ 25/5/2015 đến 30/5/2015. Một thời gian sau, D tiếp tục đặt mua giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để sử dụng và bán lại cho các công nhân có nhu cầu nghỉ việc nhằm kiếm lời. D đã mua 04 lần của H với số lượng 18 giấy, có 17 giấy mang tên Bệnh viện Nam Thăng Long; 01 giấy mang tên Bệnh viện Giao Thông Vận Tải Trung ương. Trong tổng số 19 giấy chứng nhận nghỉ việc mà D mua của H thì có 18 giấy chưa có nội dung mà chỉ có chữ ký của bác sỹ và con dấu; 01 giấy D nhờ H viết theo thông tin mà D điện thoại cho H về chị Bàn Thùy Linh. D sử dụng 02 giấy, bán 17 giấy cho 16 công nhân với giá 350.000 đồng/01 giấy. D hưởng lợi 4.250.000 đồng. Nội dung 16 giấy bán cho công nhân do D trực tiếp viết, còn 01 giấy mang tên Triệu Thị Giang, D bán không có nội dung thông tin còn ai viết nội dung thông tin, D không biết.

Tại bản kết luận giám định số: 57/GĐ ngày 26/8/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh kết luận:

- Chữ viết trên 17 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của Bệnh viện Nam Thăng Long (ký hiệu từ A1 đến A17) so với chữ viết của Phan Thị D là do cùng một người viết ra.

- Dấu hình chữ nhật có nội dung: “Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm” trên 21 “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” (ký hiệu từ A1 đến A18, A21, A22, A23) so với hình dấu tròn của “Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm” trên các tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M6) không phải do cùng một con dấu đóng ra. Các hình dấu này là dấu đóng trực tiếp.

- Hình dấu có nội dung: “Bệnh viện Nam Thăng Long, khoa khám bệnh” trên 21 “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” tài liệu cần giám định (ký hiệu từ A1 đến A18, A21, A22, A23) so với hình dấu của “Bệnh viện Nam Thăng Long, phòng khám bệnh” tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M5) không cùng một con dấu đóng ra. Những hình dấu này là dấu đóng trực tiếp.

Như vậy, các con dấu trên các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như dấu đỏ hình chữ nhật có nội dung: “Khoa khám bệnh - Bệnh viện Nam Thăng Long” và “Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Giao Thông Vận Tải Trung ương”, cùng con dấu đỏ hình chữ nhật có nội dung: “Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm - Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội” đều là một bộ dấu riêng, không giống với các con dấu của Phòng khám bệnh - Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện Giao Thông Vận Tải Trung ương (là dấu tròn), hay con dấu của Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm (là dấu tròn). Các hình dấu trên 23 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được đóng trực tiếp từ các con dấu giả. Khi H bán cho D 19 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì đã có đầy đủ các dấu đỏ đóng trên giấy, sau đó D đã ghi giả nội dung, thông tin vào 17 giấy, để sử dụng 02 giấy, bán 17 giấy cho 16 công nhân để kiếm lời.

Ngoài việc bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả cho Phan Thị D, khoảng tháng 8/2015, Lê Ngọc H còn bán cho Ngô Xuân T 02 lần 04 giấy với giá 100.000 đồng/01 giấy, giấy chưa có nội dung mà chỉ có chữ ký của Bác sỹ Đoàn Thị Tuyết, dấu đỏ hình chữ nhật có nội dung Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam Thăng Long, dấu đỏ hình chữ nhật có nội dung Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm, bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. T mang 02 giấy về đưa cho Ngô Thị D để bán lại cho Hà Thị Huyền, Võ Thị Hoài, Lưu Thị Thúy Ngân và Nguyễn Thị Ngân Hà với giá 300.000 đồng/01 giấy. T viết nội dung một giấy cho Huyền, Ngân và Hà, còn giấy bán cho Hoài thì không rõ ai viết, số tiền T và D thu lời do bán giấy nghỉ việc là 800.000 đồng.

Tại bản giám định số: 40/GĐ-PC54 ngày 08/3/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đã kết luận:

- Chữ viết trên “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” tài liệu cần giám định (Ký hiệu A23) so với chữ viết của Lê Thị Thúy Kiều trên “Bản tự khai” ghi ngày 23/02/2017 tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu M7) do cùng một người viết ra.

- Chữ viết trên 03 “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” tài liệu cần giám định (Ký hiệu A18, A19, A21) là do cùng một người viết ra, so với chữ viết của Ngô Xuân T trên “Bản tự khai” ghi ngày 11/02/2017 tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M3) do cùng một người viết ra.

Ngoài số 23 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nêu trên, Bảo hiểm xã hội huyện Y còn chuyển cho Cơ quan điều tra Công an huyện Y 51 “Giấy ra viện” của các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương có dấu hiệu giả mạo. Cơ quan điều tra Công an huyện Y ra Quyết định trưng cầu giám định chữ viết trên 51 “Giấy ra viện” và 01 “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội”.

Tại bản giám định số: 39/GĐ-PC54 ngày 24/3/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đã kết luận:

- Chữ viết trên “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” đứng tên Bàn Thùy Linh, ghi ngày 16/6/2015 tài liệu cần giám định (Ký hiệu A52) so với chữ viết của Lê Ngọc H trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu: M3, M7) do cùng một người viết ra.

- Chữ viết trên các “Giấy ra viện” và “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” tài liệu cần giám định (Ký hiệu từ A1 đến A51) so với chữ viết của Ngô Xuân T, Ngô Thị D, Nguyễn Sỹ Chung, Nguyễn Đỗ Mạnh Huấn và Đặng Thùy Linh trên các tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu: M1, M2, M4, M5, M6) không phải là do các đối tượng trên viết ra.

Trong quá trình điều tra Lê Ngọc H đã nộp số tiền thu lời bất chính là 1.120.000 đồng, Ngô Xuân T và Ngô Thị D nộp 800.000 đồng, bà Hoàng Thị Vân (mẹ Phan Thị D) đã nộp 4.250.000 đồng.

Công an huyện Y tiến hành làm việc với Công ty Sam Sung, Electronic Việt Nam, Khu công nghiệp Y, tỉnh Bắc Ninh; Bệnh viện Nam Thăng Long; Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải; Bảo hiểm xã hội huyện Y; Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Các đơn vị trên đều khẳng định không bị thiệt hại, không yêu cầu bồi thường chỉ đề nghị xử lý những người mua, bán và sử dụng các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả của Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương theo quy định của pháp luật.

Với nội dung trên, bản án số: 104/2017/HSST ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Y đã tuyên xử các bị cáo Lê Ngọc H, Phan Thị D, Ngô Xuân T, Ngô Thị D phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Ngọc H 36 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án. Xử phạt Phan Thị D 30 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 01/12/2016.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn áp dụng điều luật và tuyên phạt Ngô Xuân T 18 tháng tù, Ngô Thị D 24 tháng tù nhưng cho Tú, D được hưởng án treo, đồng thời tuyên về án phí, quyền kháng cáo và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/8/2017, bị cáo Lê Ngọc H có đơn kháng cáo xin hưởng án treo. Bị cáo Phan Thị D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Ngọc H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, bị cáo Phan Thị D bổ sung kháng cáo xin được hưởng án treo. Cả hai bị cáo đều thành khẩn nhận tội và thừa nhận án sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là đúng người, đúng tội.

Bị cáo H trình bày: gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, vợ bị cáo là Mã Thị Hồng Liên đang phải điều trị bệnh tâm thần, con duy nhất của bị cáo bị rối loạn tự kỷ, bị cáo là lao động chính trong gia đình và có bố được tặng Huân chương kháng chiến hạng ba, do nhận thức và quá khó khăn nên bị cáo nhất thời phạm tội, sau khi phạm tội đã tự nộp tiền thu lời bất chính là 1.120.000 đồng, bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc vợ, con.

Bị cáo D trình bày: gia đình bị cáo cũng rất khó khăn, là hộ nghèo của xã, bố bị bệnh mất sớm, chỉ còn mẹ hay đau ốm, nguồn thu nhập không có và em trai đang học lớp 10. Gia đình bị cáo cũng có nhiều người có công với cách mạng. Bị cáo đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh để đi học mong muốn thay đổi cuộc sống nhưng nhất thời không vượt qua được cám dỗ vật chất nên phạm tội. Bị cáo D đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo trở về lao động, chăm lo cho gia đình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa, sau khi phân tích hành vi phạm tội, xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các bị cáo không tham gia tranh luận, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để được hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Đơn kháng cáo của các bị cáo Lê Ngọc H và Phan Thị D nộp trong hạn luật định là hợp lệ, được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng tháng 5/2015 đến tháng 10/2015, do biết một số công nhân có nhu cầu mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và sử dụng giấy đó để nộp cho công ty nên Lê Ngọc H đã mua của một người không quen biết sau đó bán lại cho Phan Thị D, Ngô Xuân T để kiếm lời. H đã bán 07 lần, tổng số 23 giấy, thu lợi bất chính 1.150.000 đồng. D mua của H 05 lần, tổng số 19 giấy, bán và thu lợi bất chính 4.250.000 đồng. T mua 02 lần, tổng số 04 giấy sau đó đưa cho vợ là Ngô Thị D bán thu lợi bất chính 800.000 đồng. Do vậy, án sơ thẩm xử các bị cáo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 điều 267 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Xem xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, đúng đắn cũng như uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của các bị cáo chưa gây thiệt hại về vật chất cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức. Cả hai bị cáo đều có hoàn cảnh khó khăn, không vượt qua được cám dỗ vật chất nên đã phạm tội.

Đối với Lê Ngọc H, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, số tiền thu lợi bất chính không lớn, sau khi phạm tội bị cáo đã tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả. Xét thấy, gia đình bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vợ phải điều trị bệnh tâm thần, con còn nhỏ và đang phải điều trị bệnh tự kỷ, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bố bị cáo là người có công với cách mạng, bản thân bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do vậy, cần cho bị cáo hưởng lượng khoan hồng, chỉ cần giáo dục, cải tạo bị cáo tại địa phương cũng đủ để giáo dục và răn đe bị cáo trở thành công dân có ích.

Đối với Phan Thị D, bị cáo có vai trò đứng sau H trong vụ án, bị cáo phạm tội lần đầu, sau khi phạm tội đã nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Hơn nữa, gia đình bị cáo cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ không có công việc ổn định, hay đau ốm, em trai còn đang đi học, bị cáo tuổi đời còn trẻ, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Hội đồng xét xử thấy cũng cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cho Phan Thị D cơ hội để cải sửa lỗi lầm, được cải tạo, giáo dục tại địa phương cũng giúp D trở thành người lương thiện

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lê Ngọc H và Phan Thị D; Sửa án sơ thẩm.

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo Lê Ngọc H 36 (Ba mươi sáu) tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm 09/11/2017. Giao bị cáo Lê Ngọc H cho Ủy ban nhân dân phường Đ, quận L, thành phố Hà Nội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự; Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự:

Xử phạt bị cáo Phan Thị D 30 (Ba mươi) tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm 09/11/2017. Giao bị cáo Phan Thị D cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh trả tự do ngay cho bị cáo Phan Thị D nếu không bị giam giữ về tội khác.

Trường hợp bị cáo Lê Ngọc H và Phan Thị D thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo Lê Ngọc H và Phan Thị D không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1221
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 47/2017/HSPT ngày 09/11/2017 về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức

Số hiệu:47/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về