Bản án 47/2017/DS-PT ngày 27/11/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 47/2017/DS-PT NGÀY 27/11/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 27 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 27/2017/TLPT-DS ngày 02 tháng 10 năm 2017 về việc tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 15/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 79/2017/QĐ-PT ngày 30 tháng 10 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Ma Văn V; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

2. Bị đơn: Ông Ma Văn H; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt;

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện theo ủy quyền của UBND huyện H: Ông Vũ H - Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện H, theo giấy ủy quyền ngày 02/6/2017; vắng mặt.

3.2.Ủy ban nhân dân xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện theo ủy quyền của UBND xã H: Ông Luận Văn T - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H, theo giấy ủy quyền ngày 02/6/2017; vắng mặt.

3.3. Bà Ngô Thị H1; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;có mặt.

3.4. Bà Lăng Thị T7; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.5. Chị Ma Thị H2; cư trú tại:Xóm Đ, xã Y, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.6. Chị Linh Thị H3; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.7. Chị Ma Thị B; cư trú tại: Xóm H, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

3.8. Bà Ma Thị C; địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có 3.9. Anh Ma Văn Q; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

3.10. Bà Ma Thị P; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Ngô Thị H1; bà Lăng Thị T7; chị Ma Thị H2; chị Linh Thị H3; chị Ma Thị B; bà Ma Thị C; anh Ma Văn Q; bà Ma Thị P: Ông Ma Văn V, theo giấy ủy quyền ngày 15/5/2017; có mặt.

3.11. Bà Triệu Thị C; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

3.12. Anh Ma Văn H5; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

3.13. Bà Ma Thị T1, cư trú tại: Xóm T, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.14. Bà Ma Thị S; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.15. Chị Ma Thị T2; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.16. Anh Ma Văn D; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.17. Chị Ma Thị T3; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn;vắng mặt.

3.18. Anh Ma Văn T4; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

3.19. Anh Ma Văn T8; cư trú tại:Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của anh Ma Văn H5, bà Ma Thị T1, bà Ma Thị S, chị Ma Thị T2, anh Ma Văn D, chị Ma Thị T3, anh Ma Văn T4, anh Ma Văn T8: Ông Ma Văn H, theo giấy ủy quyền ngày 14/5/2017 và ngày 30/5/2017; có mặt.

4. Người kháng cáo: Ông Ma Văn H là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án dân sự sơ thẩm, các tài liệu có trong hồ sơ, lời khai của các đương sự, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Cụ Ma Văn P1, Ma Văn Q và Ma Văn P2 là ba anh em ruột.

Anh Ma Văn T5 là cháu nội cụ Ma Văn P1 (anh Ma Văn T5 con ông Ma Văn C, ông Ma Văn C đã chết); ông Ma Văn V là con cụ Ma Văn P2; ông Ma Văn P6 và ông Ma Văn H là con cụ Ma Văn Q. Ông Ma Văn H là con bác, còn ông Ma Văn V là con chú.

Từ năm 2012, giữa gia đình ông Ma Văn V và gia đình ông Ma Văn H xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất, UBND xã H đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không có kết quả. Tháng 3 năm 2015 ông Ma Văn V có đơn khởi kiện ông Ma Văn H tại Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng. Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, xác định được đất tranh chấp có diện tích 2.066m2 thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ số 42 Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn có tứ phía tiếp giáp như sau: Phía Đông giáp đất ông Ma Văn P6, có chiều dài 57,87m; phía Tây giáp ruộng mạ ông Ma Văn V, có chiều dài 67,88m; phía Nam giáp đường liên thôn khu Đ, có chiều dài 28,46m; phía Bắc giáp đường bờ ao anh Ma Văn T5, có chiều dài 24,03m. Về hiện trạng diện tích đất hiện đang tranh chấp chia thành 02 phần: 01 phần diện tích đất bằng là 418m2; 01 phần diện tích mặt nước là: 1648m2. Trên diện tích đất tranh chấp không có tài sản gì; các đương sự chưa ai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Trong đơn khởi kiện và các bản trình bày sau đó, nguyên đơn ông Ma Văn V trình bày: Nguồn gốc các thửa 15, 47, 46 thuộc tờ bản đồ số 42 là do cụ Ma Văn P1 khai phá. Năm 1968, các cụ Ma Văn P1, Ma Văn Q và Ma Văn P2 chung nhau một ao cá để thả cá, sau đó đã được chia làm ba phần là các thửa 15, 47, 46 và đã chia cho các anh em trong gia đình, cụ thể: Thửa đất số 15: Cụ Ma Văn P1 quản lý sử dụng và cụ chia cho con trai là ông Ma Văn C. Hiện nay, ông Ma Văn C đã chết nên để lại cho anh Ma Văn T5 quản lý sử dụng. Anh Ma Văn T5 đã được UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 15; Thửa đất số 47: Cụ Ma Văn P1 chia cho cụ Ma Văn Q, cụ Ma Văn Q để lại là ông Ma Văn H và hiện nay ông Ma Văn H cho em trai là ông Ma Văn P6 quản lý, sử dụng. Ông Ma Văn P6 đã được UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 47; thửa đất số 46: Cụ Ma Văn P1 chia cho cụ Ma Văn P2, cụ Ma Văn P2 để lại cho ông Ma Văn V quản lý. Gia đình ông vẫn quản lý thường xuyên liên tục mùa mưa thì thả cá, mùa khô thì trồng ngô. Đến năm 2012, ông múc đất lên để làm ruộng mạ thì ông Ma Văn H đến ngăn cản nên xảy ra tranh chấp. Ông khởi kiện đề nghị Tòa án công nhận quyền quản lý sử dụng đối với thửa đất số 46 cho gia đình ông.

Bị đơn ông Ma Văn H cho rằng nguồn gốc các thửa 15, 47, 46 thuộc tờ bản đồ số 42 là do bố ông là Ma Văn Q khai phá từ năm 1965. Bố ông đã cho ông Ma Văn P1 thửa số 15; cho ôngMa Văn P6 thửa số 47; còn thửa số 46 có diện tích 2066m2 là của bố ông để lại cho ông. Hàng năm vào những tháng mưa, nhiều nước thì phần diện tích đất làm ao thả cá. Còn vào những tháng hạn thì gia đình trồng màu. Việc gia đình ông thả cá, chính quyền địa phương đều biết và ông vẫn làm nghĩa vụ đóng góp thuế cho Nhà nước. Ông yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích đất nêu trên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ý kiến của đại diện Ủy ban nhân dân (viết tắt UBND) huyện H: Thửa đất đang tranh chấp hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai, không nằm trong quy hoạch của huyện do vậy cá nhân có đủ điều kiện có thể được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại sổ mục kê lập năm 2010- 2011, thửa đất số 46, tờ bản đồ số 42 do ông Ma Văn V kê khai sử dụng nhưng đã bị gạch, phần đính chính là ông Ma Văn H (do đơn vị đo đạc, tư vấn năm 2010 sửa đóng dấu); thửa đất số 15 hiện nay ông Ma Văn T5 đang quản lý và sử dụng; thửa đất số 47 hiện nay ôngMa Văn P6 là em trai ruột của ông Ma Văn H đang quản lý và sử dụng.

Ý kiến của Đại diện Ủy ban nhân dân xã H: Kết quả xác minh, nguồn gốc đất tranh chấp là do ông Ma Văn P1 khai phá. Ba anh em của ông Ma Văn P1 (gồm ông Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2) chung nhau thả cá. Sau đó phần đất này được chia đều làm ba phần cho ba anh em. Phần đất của ông Ma Văn Q hiện nay do ôngMa Văn P6 (em trai ruột của ông Ma Văn H) đang quản lý, sử dụng (thửa số 47 đã được UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); phần đất của ông Ma Văn P1 chia cho con trai ruột là ông Ma Văn C, ông Ma Văn C đã chết nên để lại cho con trai là ông Ma Văn T5 quản lý, sử dụng (thửa số 15 đã được UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); phần đất còn lại của ông Ma Văn P2 vẫn canh tác và sử dụng, sau khi ông Ma Văn P2 chết thì con trai của ông là ông Ma Văn V quản lý và sử dụng đến năm 2012 thì xảy ra tranh chấp. Diện tích đất khi chưa chia là do ông Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2 chung nhau thả cá. Trước năm 1993, Ủy ban nhân dân xã có thu thuế đối với đất trên và ông Ma Văn H là người đại diện đến đóng thuế. Sau khi đất được chia cho 3 hộ gia đình thì Ủy ban nhân dân xã không thu thuế nữa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Ngô Thị H1; bà Lăng Thị T; chị Ma Thị H2; chị Linh Thị H3; chị Ma Thị B; bà Ma Thị C; anh Ma Văn Q; bà Ma Thị P: Đều nhất trí với yêu cầu của ông Ma Văn V không bổ sung thêm vấn đề gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Ma Văn H5, bà Ma Thị T, bà Ma Thị S, chị Ma Thị T, anh Ma Văn D, chị Ma Thị T, anh Ma Văn T1, anh Ma Văn T2: Đều nhất trí với yêu cầu của ông Ma Văn H không bổ sung thêm vấn đề gì.

Vụ án đã được các cấp Tòa án giải quyết, xét xử như sau:

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2015/DS-ST ngày 10/9/2015 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ma Văn V. Xử cho ông Ma Văn V được quản lý và sử dụng diện tích 2066m2 đất thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ số 42, tọa tại Thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

Ông Ma Văn H kháng cáo. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 18/2017/DS-PT ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2015/DS-ST ngày 10/9/2015 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng; chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Lý do hủy án: Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng không đưa UBND huyện H và UBND xã H, huyện H tham gia tố tụng với tư cách là chủ thể quản lý nhà nước về đất đai mới có thể làm rõ ai là người quản lý, sử dụng thửa đất số 46 theo quy định của Luật Đất đaiLuật Thủy sản.

Ngày 11/5/2017, Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng thụ lý lại vụ án trên theo thủ tục sơ thẩm.

Nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu của mình.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng đã áp dụng Điều 27; Điều 186, Khoản 1 Điều 147, Khoản 1 Điều 157, 165 Bộ Luật Tố tụng Dân sự; các Điều 166, 168, 170 Luật Đất đai; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ma Văn V. Ông Ma Văn V được quản lý và sử dụng diện tích 2066m2 thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ số 42, tại thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông Ma Văn H phải chịu 300.000đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả cho ông Ma Văn V 500.000đồng tiền tạm ứng án phí.

- Về chi phí thẩm định, định giá: Ông Ma Văn H phải hoàn trả cho ông Ma Văn V số tiền chi phí thẩm định, định giá ngày 04/7/2017 là 5.000.000đ (năm triệu đồng).

Ngày 24/8/2017, ông Ma Văn H kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm công nhận quyền quản lý, sử dụng cho gia đình ông đối với thửa số 46, tờ bản đồ số 42 thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn Tại phiên tòa:

Ông Ma Văn H giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn:

- Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định về tố tụng từ khi thụ lý và tại phiên tòa; các đương sự thực hiện đủ các quyền, nghĩa vụ của mình.

- Về nội dung: Đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của ông Ma Văn H, sửa bản án sơ thẩm theo hướng ông Ma Văn V và ông Ma Văn H mỗi người được quản lý, sử dụng là 1/2 tổng diện tích đất tranh chấp là 2066m2. Với các lý do: Ông Ma Văn V và ông Ma Văn H đều không có chứng cứ chứng minh về nguồn gốc đất tranh chấp và việc phân chia đất; đều không có giấy tờ hợp pháp đối với đất tranh chấp; xác định các thửa đất 15, 47, 46 các gia đình đều thả cá chung do đó cả ông Ma Văn V và ông Ma Văn H đều có quyền quản lý, sử dụng đối với một phần diện tích đất tranh chấp...

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ và ý kiến của các đương sự, Kiểm sát viên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[2] Thứ nhất, về giấy tờ: Cả nguyên đơn và bị đơn đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp.

[3] Thứ hai, về nguồn gốc đất: Ông Ma Văn H cho rằng đất tranh chấp do bố mẹ ông khai phá từ năm 1965 (bút lục số 22; 27; 48; 60), còn vợ ông Ma Văn H là bà Triệu Thị C thì lại cho rằng do vợ chồng bà tự khai phá từ năm 1974 (bút lục số 50). Như vậy giữa vợ chồng ông Ma Văn H đã khai không thống nhất về nguồn gốc đất. Còn phía ông Ma Văn V trình bày nguồn gốc đất do ông Ma Văn P1 khai phá sau đó chia cho các ông Ma Văn P1, Ma Văn P2, Ma Văn Q cùng sử dụng. Các nhân chứng là hàng xóm, là họ hàng của cả hai ông như anh Ma Văn T5, ông Ma Văn T9, ông Ma Văn B, ông Ma Văn T8, bà Ma Thị S3, ông Ma Văn C 4 (tại các bút lục 62; 67; 99; 124 - 129;

322)... đều khẳng định đất tranh chấp có nguồn gốc do ông Ma Văn P1 khai phá sau đó chia cho ba ông là Ma Văn P1, Ma Văn P2, Ma Văn Q. UBND xã H cũng khẳng định nguồn gốc các thửa đất 15, 47, 46 do ông Ma Văn P1 khai phá, sau đó gia đình ba anh em của ông Ma Văn P1 (gồm ông Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2) chung nhau sử dụng thả cá, sau này chia làm ba phần bằng nhau, thửa đất tranh chấp là thửa số 46 ông Ma Văn P2 được chia, sau khi ông Ma Văn P2 chết thì do ông Ma Văn V quản lý, sử dụng (bút lục 303- 305).

[4] Mặt khác, sau năm 1991 có việc phân chia khu đất ao thành ba phần gồm các thửa 15, 46, 47, thì anh Ma Văn T5 (là con ông Ma Văn C và là cháu nội của cụ Ma Văn P1) được phân chia một phần đất (phần này có diện tích là 3237m2), hiện nay anh Ma Văn T5 đang quản lý, sử dụng không có tranh chấp. Vì vậy, việc ông Ma Văn H cho rằng nguồn gốc là do bố ông là Ma Văn Q khai phá là không có căn cứ.

[5] Lời trình bày của ông Ma Văn V phù hợp với lời khai của các nhân chứng; phù hợp với ý kiến của UBND xã H; phù hợp với tài liệu cụ Ma Văn P1 đã được Ủy ban hành chính xã H đồng ý cho khai thác ao năm 1971 (bút lục 09); phù hợp với thực tế cả gia đình ba anh em các cụ Ma Văn P1, Ma Văn P2, Ma Văn Q đã sử dụng chung ao để thả cá. Bởi vậy xác định nguồn gốc đất là của ông Ma Văn P1 khai phá, sau đó ba anh em cùng sử dụng chung và phân chia như ông Ma Văn V trình bày là có căn cứ.

[6] Ông Ma Văn H có đưa ra một số nhân chứng như ông Ma Văn S (bút lục 72); ôngHoàng Văn G (bút lục số 71); ông Triệu Văn Đ (bút lục 69); ông Hoàng Văn L (bút lục 327). Tuy nhiên lời khai các nhân chứng này không phù hợp với các chứng cứ khác. Cụ thể: Tại lời khai ngày 22/6/2015 (bút lục 69), ôngTriệu Văn Đ cho rằng nguồn gốc đất do gia đình ông Ma Văn H và bà mẹ khai phá, còn bản thân ông Ma Văn H thì cho rằng bố mẹ ông khai phá; tại lời khai ngày 14/6/2017 ông Hoàng Văn L khai thửa đất tranh chấp do ông Ma Văn H canh tác từ xưa đến giờ. Lời khai này không phù hợp với các nhân chứng khác như ôngMa Văn S (bút lục 72), ông Ma Văn H khai nhận do cả ba gia đình ông Ma Văn V, Ma Văn C, Ma Văn H thả cá chung...

[7] Do vậy, việc ông Ma Văn H cho rằng nguồn gốc đất tranh chấp do một mình bố mẹ ông khai phá và bà Triệu Thị C cho rằng do vợ chồng bà khai phá đều không có căn cứ vì không phù hợp với các chứng cứ khác.

[8] Thứ ba, về thực tế quá trình quản lý, sử dụng:

[9] Tại phiên tòa ông Ma Văn H đều thừa nhận: Từ năm 1991 trở về trước các thửa đất số 15, 47, 46 do gia đình ba anh em của cụ Ma Văn P1 (gồm cụ Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2) chung nhau sử dụng thả cá; ý kiến của UBND xã H cũng khẳng định trước đây các thửa đất 15, 47, 46 do gia đình ba anh em của cụ Ma Văn P1 (gồm cụ Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2) chung nhau sử dụng thả cá; ông Ma Văn H là người đi nộp thuế; như vậy xác định các chứng từ ông Ma Văn H nộp thuế không phải căn cứ chứng minh ông Ma Văn H mới là người quản lý sử dụng mà người thực tế người quản lý sử dụng bao gồm cả ba gia đình các cụ Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2.

[10] Sau năm 1991 có việc phân chia diện tích đất giữa các cụ Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2 làm ba phần:

[11] Một phần, nay là thửa đất số 15, diện tích là 3237m2: Hiện nay, anh Ma Văn T5 (anh T5 là con ông Ma Văn C và là cháu nội của cụ Ma Văn P1) quản lý, sử dụng; một phần, nay là thửa đất số 47, diện tích là 2438m2, hiện do ông Ma Văn P6 (em trai của ông Ma Văn H và là con của cụ Ma Văn Q) quản lý sử dụng; phần thứ ba là diện tích đất đang tranh chấp hiện nay (thửa số 46) với diện tích là 2066m2. Các nhân chứng như anh Ma Văn T5, ông Ma Văn T9, ông Ma Văn B, ông Ma Văn T8, bà Ma Thị S3, ông Ma Văn C 4 ( bút lục 62; 99; 124 - 129; 322)...,UBND xã H đều xác nhận do gia đình ông Ma Văn P2 sử dụng, sau khi ông Ma Văn P2 mất thì ông Ma Văn V tiếp tục quản lý sử dụng.

[12] UBND xã H khẳng định, sau khi ba anh em ông Ma Văn P1, Ma Văn P2, Ma Văn Q phân chia đất ao thửa đất số 46 gia đình ông Ma Văn P2 canh tác sử dụng, sau đó là ông Ma Văn V canh tác đến thời điểm tranh chấp.

[13] Mặt khác, kết quả xác minh tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện H: Trong sổ mục kê lập năm 2010-2011, thửa đất số 46, tờ bản đồ số 42 do ông Ma Văn V kê khai chủ sử dụng (bút lục 109b).

[14] Đồng thời thấy rằng, so sánh diện tích đất của hai thửa đất do con cụ Ma Văn Q (thửa số 47), cháu của cụ Ma Văn P1 (thửa số 15) đang quản lý sử dụng không có tranh chấp với diện tích đất tranh chấp hiện nay thì cũng tương ứng với thứ bậc giữa các cụ trong gia đình. Do vậy xét nguồn gốc đất cũng như lời trình bày việc phân chia giữa ba anh em các cụ Ma Văn P1, Ma Văn Q, Ma Văn P2 là có cơ sở.

[15] Từ các phân tích trên có căn cứ xác định sau năm 1991, thửa đất 46 do gia đình ông Ma Văn P2, sau này là ông Ma Văn V trực tiếp quản lý, sử dụng.

[16] Xét thấy, gia đình ông Ma Văn V và ông Ma Văn H chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất tranh chấp theo Luật Đất đai năm 1987; cũng chưa có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, trên đất hiện nay cũng không có tài sản, vật kiến trúc gì gắn liền với đất. Xét nguồn gốc đất cũng như quá trình quản lý, sử dụng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông Ma Văn V xử diện tích đất tranh chấp cho ông Ma Văn V quyền sử dụng đất là có căn cứ.

[17] Từ những phân tích trên, không chấp nhận kháng cáo của ông Ma Văn H, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng.

[18] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên ông Ma Văn H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[19] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Không chấp nhận kháng cáo của ông Ma Văn H, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 15/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, cụ thể:

Áp dụng Điều 27; Điều 186; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 148; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 165; khoản 2 Điều 167 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 166, 168, 170 của Luật Đất đai; khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 2 Điều 27; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Về quyền sử dụng đất:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ma Văn V. Ông Ma Văn V được quản lý và sử dụng diện tích đất là 2066m2 thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ số 42, tọa tại thôn V, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Thửa đất có các phía tiếp giáp như sau:

- Phía Đông giáp đất hộ ông Ma Văn P6 (thửa số 47) và hộ ông Ma Văn T2 (thửa số 347) có các cạnh gấp khúc dài 57,87m;

- Phía Tây giáp ruộng mạ ông Ma Văn V (thửa số 62, 45, 33, 22) có các cạnh gấp khúc dài 67,88m;

- Phía Nam giáp đường liên thôn khu Đ dài 28,46m;

- Phía Bắc giáp đường bờ ao hộ anh Ma Văn T5 (thửa số 15) có cạnh dài 24,03m.

(Có sơ họa thửa đất kèm theo- bút lục 352) Ông Ma Văn V có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản:

Buộc ông Ma Văn H phải chịu và phải thanh toán trả lại cho ông Ma Văn V toàn bộ số tiền đã chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 5.000.000đồng (năm triệu đồng).

3. Về án phí:

3.1. Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông Ma Văn H phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước.

Ông Ma Văn V không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho ông Ma Văn V 500.000đ (năm trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tiền số 00157, ngày 23/3/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

3.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Ma Văn H phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm. Được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí ông Ma Văn H đã nộp theo biên lai thu tiền số 04507 ngày 28/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ông Ma Văn H đã nộp đủ tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự  thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

646
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 47/2017/DS-PT ngày 27/11/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:47/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về