TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 46/2018/DS-PT NGÀY 02/11/2018 TRANH CHẤP LỐI ĐI
Ngày 02 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 40/2018/TLPT-DS ngày 14 tháng 9 năm 2018, về việc tranh chấp lối đi. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 16/2018/DS- ST ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 80/2018/QĐ-PT ngày 15 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
Bà Trần Thị T1, sinh năm 1954, có mặt Anh Đinh Văn L, sinh năm 1988, vắng mặt
Anh Đinh Văn L1, sinh năm 1991, có mặt.
Đều cư trú: Thôn Đ, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người đại diện theo ủy quyền của bà T1, anh L: Anh Đinh Văn L1, sinh năm 1991, có mặt.
(Theo văn bản ủy quyền ngày 21/8/2017, ngày 02/11/2018).
2. Bị đơn: Ông Tạ Xuân X, sinh năm 1950, vắng mặt Bà Phạm Thị H, sinh năm 1952, có mặt.
Đều cư trú: Thôn Đ, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người đại diện theo ủy quyền của ông X: Bà Phạm Thị H, sinh năm 1952, có mặt.
(Theo văn bản ủy quyền lại ngày 08/01/2018). Người kháng cáo: Anh Đinh Văn L1.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau:
Trong đơn khởi kiện đề ngày 23/10/2017, các lời khai tiếp theo và tại phiên tòa nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn anh Đinh Văn L1 trình bày:
Gia đình anh ở tại thửa đất số 243, tờ bản đồ số 11, diện tích 506 m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Đinh Văn K, được Ủy ban nhân dân huyện Y cũ cấp ngày 08/3/1994, địa chỉ tại Thôn Đ, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1997 ông K chết, còn mẹ anh là bà Trần Thị T1, anh Đinh Văn L và anh sinh sống tại thửa đất này.
Nguồn gốc mảnh đất này có từ năm 1965, khi cụ Đinh Văn N và Đinh Thị Z (là ông bà nội anh) ra khai hoang và sinh sống ở đây. Năm 1978, ông Đinh Văn K kết hôn và chuyển ra ở riêng làm nhà tại diện tích đất hiện tại gia đình anh đang sinh sống. Từ thời cụ N và cụ Z sinh sống trên mảnh đất này thì gia đình anh cũng như các hộ dân xung quanh đã sử dụng lối đi giữa hai thửa đất nhà ông X bà H và nhà ông H1 bà S. Năm 1985, khi nhà nước mở thêm con đường dân sinh giáp phía cánh đồng chỉ còn gia đình anh và các ông Đinh Văn J, Đinh Văn Q sử dụng lối đi này. Đến năm 2005, khi gia đình anh hạ đất xuống thấp hơn so với gia đình ông X bà H nên gia đình anh phải đi lên con dốc nhỏ để lên lối đi này. Gia đình vẫn sử dụng lối đi này cho đến năm 2016, khi gia đình ông X bà H tiến hành hạ đất để làm nhà nên xây bịt lối đi này. Hiện nay trên lối đi này gia đình bà H trồng các cây ngắn ngày (cây chuối và cây rau bí) và xây tường rào (phía Đông xây tường rào bằng với diện tích đất của nhà bà H, phía Tây xây tường rào cao hơn diện tích đất của nhà bà H khoảng 1,5m).
Hiện nay, hộ ông J và hộ ông R sử dụng con đường đi của thôn; còn hộ ông Q và hộ gia đình anh sử dụng lối đi do gia đình tự mở (trong diện tích đất của gia đình). Lối đi này là do gia đình thống nhất mở để phục vụ như cầu hương hỏa tổ tiên (vì ông K là con trưởng), không phục vụ mục đích đi lại dân sinh. Nay gia đình anh không có lối đi vào nhà nên anh khởi kiện yêu cầu ông X bà H trả lại lối đi theo bản đồ 299 có chiều dài khoảng 31m, chiều rộng khoảng 2m, có vị trí tiếp giáp với hộ ông Đinh Xuân H1; hộ bà Phạm Thị H; giáp với đường dân sinh đối diện hộ bà W và giáp với hộ ông Q. Ngoài ra, anh yêu cầu gia đình bà H thu hoạch các loại cây trồng và tháo dỡ 02 tường rào như đã nêu ở trên để trả lại lối đi cho gia đình anh.
Theo bản tự khai, biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Phạm Thị H trình bày:
Năm 1978 gia đình bà ra khai hoang và sinh sống trên mảnh đất hiện gia đình đang sử dụng. Khi đó trên mảnh đất này thì đã có gia đình cụ N-Z và gia đình ông H1-S. Đây là khu đất đồi, chưa có đường dân sinh nên các gia đình tự mở lối đi vào nhà. Gia đình cụ N- Z, ông K cũng có nhiều lối đi vào nhà trong đó có cả lối đi đang tranh chấp hiện nay. Đến năm 1980, gia đình bà được đo lại đất để cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng ruộng đất, diện tích đất của gia đình bà được cấp là 720m2 bao gồm cả lối đi hiện đang tranh chấp. Lúc đó gia đình bà vẫn để các hộ xung quanh bao gồm cả gia đình các con cụ N-Z tiếp tục sử dụng lối đi này. Vì thời điểm đó tình làng nghĩa xóm rất gần gũi; gia đình bà không có điều kiện để xây tường bao loan đối với diện tích đất nhà mình. Đến năm 1983, các hộ sử dụng lối đi theo con đường dân sinh của thôn và không sử dụng lối đi qua đất nhà bà nữa. Năm 2005 gia đình anh L1 hạ đất và sử dụng con đường dân sinh của thôn (phía giáp cánh đồng) và sử dụng lối đi đó cho đến nay. Năm 2016 gia đình hạ đất và xây tường bao loan diện tích đất đang sử dụng thì bị anh L1 đập phá tường rào của gia đình. Hiện nay trên diện tích đất đang tranh chấp này gia đình bà không xây dựng công trình hay trồng cây gì. Gia đình bà chỉ xây tường rào để chống sạt đất do diện tích đất của gia đình cao hơn so với các hộ xung quanh.
Nay anh L1 khởi kiện yêu cầu gia đình bà phải trả lại lối đi có chiều rộng 2m, chiều dài khoảng 31m, bà không đồng ý. Vì phần đất của lối đi này đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng ruộng đất cho gia đình bà từ năm 1980. Việc cấp phần đất có lối đi này từ thời cụ Z còn sống và các hộ đã được họp thống nhất, chỉ mốc giới khi Ban ruộng đất đến đo đạc.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thu thập lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, Ủy ban nhân dân xã D, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc, tiến hành xác minh, xem xét thẩm định tại chỗ để làm sáng tỏ nội dung vụ án
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 16/2018/DS-ST ngày 08/8/2018 của Toà án nhân dân huyện T đã quyết định:
Căn cứ khoản 9 Điều 26; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 175; Điều 245 và Điều 254 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ khoản 2 Điều 203 của Luật đất đai
Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đinh Văn L1 và các đồng nguyên đơn bà Trần Thị T1, anh Đinh Văn L yêu cầu Tòa án buộc ông Tạ Xuân X và bà Phạm Thị H phải trả lại lối đi có chiều dài khoảng 31m, chiều rộng khoảng 2m và tháo dỡ các bờ tường, thu hoạch cây trồng trên đất.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 08/8/2018 anh Đinh Văn L1 kháng cáo không nhất trí với bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc sau khi nhận xét về chấp hành pháp luật của Tòa án và Hội đồng xét xử đối với vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị T1, anh Đinh Văn L và anh Đinh Văn L1, không chấp nhận kháng cáo của anh Đinh Văn L1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 16/2018/DS-ST ngày 08/8/2018 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của anh Đinh Văn L1 được làm trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét giải quyết.
[2] Về nội dung kháng cáo:
Anh Đinh Văn L1 cho rằng anh đã tìm thấy chứng cứ mới chứng minh lối đi đang tranh chấp được gia đình anh sử dụng ổn định từ năm 1965 tới thời điểm tranh chấp là năm 2017. Tài liệu chứng cứ gồm có 02 ảnh chụp vào các ngày 03/12/2017, ngày 30/12/2017 và 01 Đơn đề nghị điều tra xác minh chứng cứ đề ngày 09/8/2018. Xét các tài liệu chứng cứ anh L1 xuất trình và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử thấy hình ảnh con đường được chụp lại là hình ảnh thể hiện hiện trạng theo đó là hình ảnh chiếc ô tô anh cho rằng của gia đình anh, hình ảnh bức tường bị phá dỡ, không thể hiện được những gì thuộc về lịch sử từ năm 1965 đến thời điểm 2017, cần căn cứ vào lời khai của những người làm chứng và hồ sơ tài liệu hiện còn lưu giữ tại chính quyền địa phương để xem xét. Theo những lời khai của những người làm chứng ông Phạm Văn X1, ông Đinh Xuân H1, ông Đinh Văn B, bà Trần Thị I, ông Đinh Văn Q và ông Đinh Văn J và người có thẩm quyền quản lý đất đai tại xã D thì thấy giữa hộ bà H và hộ ông H1 có lối đi chung từ những năm 1965; lối đi này đã được cấp vào diện tích đất của hộ bà H từ năm 1980, đây là thời điểm mà chính quyền địa phương các cấp đang thực hiện Chỉ thị 331 - TTG ngày 24/9/1976 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường quản lý ruộng đất như ông Học trình bày là đúng, trong đó có sự điều chỉnh diện tích đất giữa các hộ thừa và hộ thiếu đất theo quy định, hộ bà H thiếu đất so với diện tích đang sử dụng nên được cấp diện tích con đường (đang tranh chấp) vào tiêu chuẩn gia đình bà H từ năm 1980. Những lời khai này phù hợp với lời khai của bị đơn cũng phù hợp với các tài liệu chứng cứ như: giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng ruộng đất số 1480/UB cấp cho bà H tháng 11/1980 (38 năm); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông R1, hộ ông H1 và hộ ông X; biên bản xác nhận ranh giới mốc giới các thửa đất lập ngày 08/10/2009, 09/10/2009 của các hộ: bà Trần Thị T1, ông Đinh Xuân H1, anh Đinh Bá R1, ông Tạ Xuân X có chữ ký xác nhận của các hộ tứ cận, trong đó bà Trần Thị T1 (đang là đồng nguyên đơn trong vụ án) không những không có ý kiến gì khác mà còn xác nhận vào giấy của gia đình ông X, bà T1, sơ đồ của những giấy xác nhận trên đều không thể hiện lối đi đang tranh chấp (các bút lục: 72,73,74,75). Ngoài ra, yêu cầu trả lại lối đi có vị trí như anh L1 trình bày không phù hợp hiện trạng sử dụng đất và mâu thuẫn với lời khai của Ủy ban nhân dân xã D, hộ giáp ranh là ông H1 và các tài liệu chứng cứ khác như bản đồ 299, bản đồ VN2000 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được Nhà nước cấp cho các hộ sử dụng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các đương sự và quy định của pháp luật dân sự, Luật đất đai về giao, quản lý sử dụng đất để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T1, anh L và anh L1 là có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có cơ sở để chấp nhận nội dung kháng cáo của anh Đinh Văn L1, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Việc Tòa án cấp sơ thẩm đưa Ủy ban nhân dân xã D, huyện T với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp...không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng...thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Trong vụ án này Uỷ ban nhân dân xã D là cơ quan quản lý đất đai ở địa phương. Khi quyết định trong bản án Uỷ ban nhân dân xã D không có quyền lợi nghĩa vụ gì với đối tượng đang tranh chấp và họ cũng không có quyền kháng cáo bản án, cấp sơ thẩm đưa Ủy ban nhân dân xã D tham gia tố tụng với tư cách là “Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” là không đúng tinh thần điều luật trên. Cấp sơ thẩm nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xác định tư cách của đương sự trong vụ án.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[1] Không chấp nhận kháng cáo của anh Đinh Văn L1, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 16/2018/DS-ST ngày 08/8/2018 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.
[2] Căn cứ khoản 9 Điều 26; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ Điều 175; Điều 245 và Điều 254 của Bộ luật Dân sự; Căn cứ khoản 2 Điều 203 của Luật đất đai. Căn cứ vào Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đinh Văn L1 và các đồng nguyên đơn bà Trần Thị T1, anh Đinh Văn L yêu cầu Tòa án buộc ông Tạ Xuân X và bà Phạm Thị H phải trả lại lối đi có chiều dài khoảng 31m, chiều rộng khoảng 2m và tháo dỡ các bờ tường, thu hoạch cây trồng trên đất.
Án phí phúc thẩm: Anh Đinh Văn L1 phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số: 0002367 ngày 10/8/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 46/2018/DS-PT ngày 02/11/2018 về tranh chấp lối đi
Số hiệu: | 46/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 02/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về