Bản án 46/2017/HSST ngày 29/11/2017 về tội mua bán người

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
 
BẢN ÁN 46/2017/HSST NGÀY 29/11/2017 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI
 
Ngày 29 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 44/2017/HSST ngày 19 tháng 10 năm 2017 đối với các bị cáo:
 
1. Lờ A T (Tên gọi khác: Không); sinh ngày 01 tháng 11 năm 1996 tại huyện M, tỉnh Yên Bái; trú tại: Bản D, xã L, huyện M, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; con ông Lờ Páo Ch, sinh năm 1965 và bà Giàng Thị S, sinh năm 1970; có vợ là Giàng Thị X, sinh năm 1994 và 02 con (con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2015); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09-5-2017 hiện đang bị tạm giam tại Trạm tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Có mặt.
 
2. Giàng A N (Tên gọi khác: Không); sinh năm 1993 tại huyện M, tỉnh Yên Bái; trú tại: Bản H, xã L, huyện M, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hóa (học vấn): 3/12; con ông Giàng A Th, sinh năm 1970 và bà Lờ Thị V, sinh năm 1970; có vợ là Lờ Thị K, sinh năm 1992 và 01 con sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09-5-2017 hiện đang bị tạm giam tại Trạm tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Có mặt.
 
- Người bào chữa cho các bị cáo: Ông Vương Văn Đ - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Yên Bái bào chữa cho các bị cáo Lờ A T, Giàng A N. Có mặt.
 
- Người bị hại: Chang Thị C, sinh năm 1998; Nơi cư trú: Bản Y, xã P, huyện M, tỉnh Yên Bái. Có mặt.
 
- Người có quyền lợi liên quan đến vụ án:
 
1. Chang A B, sinh năm 1975 (là bố đẻ Chang Thị C); Nơi cư trú: Bản Y, xã P, huyện M, tỉnh Yên Bái. Có mặt.
 
2. Sùng Thị Q, sinh năm 1976 (là mẹ đẻ Chang Thị C); Nơi cư trú: Bản Y, xã P, huyện M, tỉnh Yên Bái. Bà Q ủy quyền cho ông Chang A B tham gia tố tụng theo văn bản ủy quyền ngày 15-8-2017.
 
3. Thào Thị E; Nơi cư trú: Bản H, xã L, huyện M, tỉnh Yên Bái. Có mặt.
 
- Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Lờ Páo Ch, sinh năm 1965; Nơi cư trú: Bản D, xã L, huyện M, tỉnh Yên Bái. Có mặt.
 
- Người phiên dịch tiếng dân tộc H’Mông: Ông Giàng A Kh, sinh năm 1962 - Trưởng phòng công tác đoàn thể, Ban Dân vận, Tỉnh ủy Yên Bái. Có mặt.
 
NHẬN THẤY
 
Các bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái truy tố về hành vi phạm tội như sau:
 
Khoảng tháng 7 năm 2015, Lờ A T đi dự đám cưới tại xã P và làm quen với chị Chang Thị C sau đó cả hai người cho nhau số điện thoại và thường xuyên liên lạc.
 
Cuối năm 2016, Lờ A T và Giàng A N có thời gian cùng làm thuê với nhau ở xã L1, huyện G, tỉnh Lào Cai. Ngày 14-01-2017 Lờ A T và Giàng A N rủ nhau cùng đi lên xã L1 để lấy tiền công. Sau khi lấy và trên đường quay về Giàng A N rủ Lờ A T vào nhà anh Vàng Văn U ở xã O, huyện A, tỉnh Lai Châu chơi và ngủ lại qua đêm; đến sáng ngày 15-01-2017 Lờ A T và Giàng A N gặp Lờ A V1, trú tại bản I, xã L, huyện M, tỉnh Yên Bái cũng ngủ qua đêm tại nhà Ù. Sau khi gặp nhau, Lờ A V1 hỏi Lờ A T và Giàng A N có quen biết cô gái nào không, nếu quen thì rủ đi chơi rồi đưa đi bán. Sau nhiều lần V1 đặt vấn đề, Lờ A T nói có quen Chang Thị C ở xã P, huyện M. V1 bảo Lờ A T gọi điện rủ C đi chơi, Lờ A T đã gọi điện và hẹn sẽ đón C đi chơi. Khoảng 06 giờ sáng ngày 16-01-2017, V1 tiếp tục bảo Lờ A T gọi điện rủ C đi chơi và bày cách cho Lờ A T tán tỉnh đưa C về làm vợ để C tin tưởng đi theo; sau đó Lờ A T gọi điện hẹn C ra đường Quốc lộ chờ, C đồng ý. Sau khi điện hẹn gặp, Lờ A T lấy xe mô tô của Giàng A N đi đón C. Khi gặp nhau Lờ A T nói “muốn đưa C về để lấy làm vợ”, C đồng ý. Sau đó, Lờ A T chở C sang tỉnh Lai Châu, trên đường đi C nói với Lờ A T không muốn đi nữa, T gọi điện thoại cho V1 để V1 nói chuyện trực tiếp với C sau đó C đồng ý đi tiếp.
 
Khoảng 14 giờ cùng ngày, Lờ A T và Chang Thị C đến khu vực bến xe khách thuộc trung tâm huyện A, tỉnh Lai Châu thì nghỉ để ăn uống. V1 bảo Lờ A T khi ăn xong đưa C ra khu vực bờ hồ gần sân vận động huyện A. Do không biết chỗ hẹn nên Lờ A T đã chở C đi qua huyện A. V1 hướng dẫn cho Lờ A T tiếp tục trở C đi sang  huyện P1, tỉnh Lào Cai còn V1 chở Giàng A N đuổi theo. Khi đuổi kịp V1 điều khiển xe vượt lên trước để dẫn đường đi qua thành phố Lào Cai rồi theo một đường bê tông được khoảng hơn một giờ đồng hồ thì dừng xe, Lờ A V1 bảo mọi người ở lại chờ còn V1 đi tiếp, một lúc sau V1 quay lại và bảo mọi người để xe lại rồi tiếp tục đi bộ theo V1. Lờ A V1 dẫn mọi người đi bộ được khoảng 20 phút gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi dẫn đường đi; đi được khoảng một giờ đồng hồ thì gặp một người đàn ông và một người phụ nữ dừng xe ô tô đợi sẵn ở ven đường. Sau khi nói chuyện với Lờ A V1, người đàn ông và người phụ nữ đưa Chang Thị C đi; Lờ A T, Giàng A N, Lờ A V1 và người đàn ông dẫn đường đi bộ quay về. Trên đường về Lờ A V1 nói bán Chang Thị C được 01 vạn Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc), V1 đưa cho người đàn ông dẫn đường 1000 Nhân dân tệ, sau đó Lờ A T, Giàng A N và Lờ A V1 đi về thành phố Lào Cai đổi tiền được 28.800.000 đồng rồi đi về nhà Vàng Văn U. Tại đây Lờ A V1 chia cho Lờ A T 8.000.000 đồng, Giàng A N 8.000.000 đồng, số tiền còn lại V1 cầm sử dụng. Sau khi được chia tiền, Lờ A T đưa cho bố đẻ là ông Lờ Páo Ch 5.000.000 đồng và tiêu sài hết số tiền còn lại; Giàng A N tiêu sài cá nhân hết số tiền 8.000.000 đồng.
 
Chang Thị C bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ, sau một thời gian đã bỏ trốn đến Công an Trung Quốc trình báo và được trở về Việt Nam tố cáo hành vi của Lờ A T, Giàng A N và Lờ A V1.
 
Ngày 09-5-2017, Lờ A T và Giàng A N bị bắt, tạm giữ, tạm giam.
 
Đối với Lờ A V1 là kẻ chủ mưu trong việc bán chị Chang Thị C, do chưa xác định được Lờ A V1 đang ở đâu nên cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra bị can và truy nã, khi bắt được sẽ xử lý sau.
 
Tại bản cáo trạng số 37/KSĐT-TA ngày 18 tháng 10 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã truy tố các bị cáo Lờ A T, Giàng A N về tội “Mua bán người” theo điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
 
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái giữ nguyên quan điểm truy tố tại bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Lờ A T, Giàng A N phạm tội “Mua bán người”, áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 119; Điều 20; Điều 53; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Lờ A T từ 07 đến 08 năm tù, bị cáo Giàng A N từ 05 đến 06 năm tù và đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo.
 
Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị áp dụng Điều 42 BLHS; các Điều 584, Điều 585, Điều 587, Điều 589, Điều 592 Bộ luật Dân sự buộc các bị cáo Lờ A T và Giàng A N phải liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản và danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm cho người bị hại Chang Thị C và chi phí tìm kiếm người bị hại cho ông Chang A B theo sự thỏa thuận của các bên tại phiên tòa.
 
Áp dụng các Điều 41 Bộ luật Hình sự và  Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự xử lý vật chứng của vụ án theo quy định và truy thu số tiền do các bị cáo phạm tội mà có trong đó: Truy thu của bị cáo Lờ A T số tiền 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng); Truy thu của bị cáo Giàng A N số tiền 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng); Truy thu của ông Lờ Páo Ch số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng)
 
Các bị cáo nhận tội như bản cáo trạng đã truy tố; Người bào chữa cho các bị cáo nhất trí với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về tội danh và điều luật áp dụng. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bị cáo là người dân tộc thiểu số, lạc hậu, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thành khẩn khai báo, tỏ rõ thái độ ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của bản thân là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự để xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp và không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo.
 
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
 
XÉT THẤY
 
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Lờ A T, Giàng A N đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản Cáo trạng đã truy tố. Lời khai nhận tội của các bị cáo đã phù hợp với lời khai của người bị hại và toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa nên đã có đủ căn cứ để kết luận: Ngày 16-01-2017, các bị cáo Lờ A T, Giàng A N đã có hành vi cùng với Lờ A V1 lừa đưa chị Chang Thị C sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông và một người phụ nữ với giá 01 vạn Nhân dân tệ (Tiền Trung Quốc). Hành vi phạm tội của các bị cáo đã phạm tội “Mua bán người” với tình tiết định khung “Để đưa ra nước ngoài”. Vì vậy cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái truy tố các bị cáo Lờ A T, Giàng A N về tội “Mua bán người” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
 
Xét hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là người có năng lực hành vi, nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, song vì mục đích tư lợi, các bị cáo đã bất chấp pháp luật coi con người như một thứ hàng hóa để mang đi trao đổi mua bán. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do về thân thể, nhân phẩm và danh dự của con người được pháp luật bảo vệ, gây tâm lý hoang mang và mất trật tự trị an xã hội. Đặc biệt bị cáo Lờ A T còn lợi dụng sự hạn chế về trình độ văn hóa xã hội, kỹ năng sống, sự nhẹ dạ, mất cảnh giác và phong tục tập quán của người dân tộc H’Mông ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa để lừa dối, tạo lòng tin nhằm mục đích bán chị Chang Thị C sang Trung Quốc. Do đó cần có hình phạt nghiêm khắc nhằm cải tạo riêng đối với các bị cáo và răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
 
Đây là vụ án đồng phạm mang tính giản đơn, không có sự cấu kết chặt chẽ trong đó Lờ A V1 là người khởi xướng, chủ mưu và thực hành tích cực trong việc liên lạc, giao dịch mua bán, còn Lờ A T và Giàng A N là những người thực hành. Trong đó bị cáo Lờ A T là người trực tiếp lợi dụng sự quen biết Chang Thị C, đã có hành vi lừa dối  C để  C tin tưởng đồng ý đi theo bị cáo, là người trực tiếp đi đón và đưa C sang Trung Quốc bán. Vì vậy, cần xác định bị cáo Lờ A T là người có vai trò cao hơn Giàng A N trong vụ án này.
 
Đối với bị cáo Giàng A N xác định là đồng phạm với vai trò là người giúp sức và người thực hành trong vụ án. Khi được Lờ A V1 rủ tìm người để bán sang Trung Quốc, bị cáo đã đồng ý ngay và cùng V1 thuyết phục Lờ A T để Lờ A T cùng thực hiện tội phạm. Trong khi thực hiện tội phạm bị cáo là người trực tiếp cho Lờ A T mượn xe mô tô để đi đón C, chở C đi bán. Bị cáo cũng là người cùng V1 và Lờ A T đưa C đi bán.
 
Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử thấy rằng: Các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế khó khăn, chưa có tiền án, tiền sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay các bị cáo đã thành khẩn khai báo là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Do đó cần xử phạt các bị cáo một mức hình phạt thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện. Ngoài ra, xét các bị cáo qua tài liệu xác minh (BL 239) là những người có thu nhập thấp và không ổn định nên Hội đồng xét xử xem xét không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo.
 
Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, người bị hại Chang Thị C yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại về tài sản bị mất bao gồm: 01chiếc điện thoại di động không rõ nhãn hiệu trị giá 500.000 đồng, 01 chiếc váy trị giá 80.000 đồng; 01 chiếc áo dân tộc H’Mông do chị C tự khâu trị giá 800.000 đồng và 01 đôi dép tông trị giá 30.000 đồng. Tổng trị giá tài sản bị mất là 1.410.000 đồng. Ngoài ra, chị  C yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại, bồi thường tổn thất về tinh thần số tiền là 13.000.000 đồng.
 
Người có quyền lợi liên quan ông Chang A B, bà Sùng Thị Q là bố mẹ đẻ chị C yêu cầu các bị cáo phải bồi thường chi phí tìm kiếm bị hại Chang Thị C là 39.000.000 đồng (Ba mươi chín triệu đồng).
 
Xét thấy, yêu cầu bồi thường của người bị hại và những người có quyền lợi liên quan ông Tủa, Bà Q là chính đáng và các bị cáo đều nhất trí bồi thường cho người bị hại và những người có quyền lợi liên quan. Xét thấy, sự thỏa thuận đó là tự nguyện của các bên, không trái pháp luật nên cần được chấp nhận, và các bị cáo phải liên đới bồi thường những khoản tiền sau:
 
+ Bồi thường thiệt hại do tài sản của người bị hại Chang Thị C bị xâm phạm tổng trị giá 1.410.000 đồng.
 
+ Bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần theo quy định tại khoản 2 Điều 592 BLDS tương đương mười tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định là 13.000.000 đồng.
 
+ Bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại chi phí trong các lần tìm kiếm và đi đón người bị hại tổng số tiền 39.000.000 đồng.
 
Các bị cáo được hưởng lợi ngang nhau nên có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị hại và người có quyền lợi liên quan theo phần bằng nhau, cụ thể:
 
Bị cáo Lờ A T phải bồi thường cho chị Chang Thị C số tiền là: 7.205.000 đồng [(13.000.000đồng + 1.410.000 đồng) : 2]; bồi thường cho ông Chang A B và bà Sùng Thị Q số tiền là: 19.500.000 đồng (39.000.000 đồng : 2).
 
Bị cáo Giàng A N phải bồi thường cho chị Chang Thị C số tiền là: 7.205.000 đồng [(13.000.000đồng + 1.410.000 đồng) : 2]; bồi thường cho ông Chang A B và bà Sùng Thị Q số tiền là: 19.500.000 đồng (39.000.000 đồng : 2).
 
Về vật chứng của vụ án:
 
+ Đối với 01 (Một) chiếc xe máy nhãn hiệu HONDA số loại WAVE RSX màu sơn đỏ - đen, BKS 21G1-08027, số máy JA32E0072153, số khung: RLHJ3226EY72184 các bị cáo đã sử dụng làm phương tiện phạm tội. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định tài sản trên thuộc sở hữu của bà Thào Thị E. Bà E không không có lỗi trong việc Giàng A N cùng đồng bọn sử dụng chiếc xe làm phương tiện khi thực hiện hành vi phạm tội. Do đó cần trả tài sản trên cho chủ sở hữu là bà Thào Thị E.
 
+ Đối với 01 (Một) chiếc quần dài được làm bằng vải màu đen, chiếc quần này có 02 túi ở hai bên và 01 túi hậu phía sau; 01 (Một) chiếc quần dài được làm bằng vải màu đen, chiếc quần này có 02 túi ở hai bên và 01 túi hậu phía sau, phần đũng quần bị rách; 02 (Hai) chiếc áo được làm bằng vải, loại áo dài tay màu trắng, hai chiếc áo này phía trước ngực có cúc bấm làm bằng kim loại; 01 (Một) đôi giày giả da, loại giày nam màu đen, mặt trên của mỗi chiếc giày có đính một mảnh kim loại màu bạc; 01 (Một) chiếc áo làm bằng vải màu đen, loại áo ngắn tay cổ tròn, ở phần ngực áo, hai tay áo có họa tiết hoa văn màu trắng; 01 (Một) chiếc quần vải màu nâu đỏ, có hai túi quần ở hai bên và hai túi hậu ở phía sau, cạp quần có dây bằng vải sợi màu vải trắng luồn bên trong cạp quần, có hai chiếc séc bằng kim loại ở hai gấu quần; 01 (Một) chiếc khăn bằng vải hình vuông, trên bề mặt có nhiều màu sắc, họa tiết hoa văn, trong đó màu đỏ, xanh lá cây là chủ đạo; 01 (Một) đôi dép bằng nhựa màu xanh nước biển; 01 (Một) chiếc áo bằng vải, loại áo dài tay cổ tròn, có chiều dài 35cm; 01(Một) chiếc quần bằng vải, loại dành cho trẻ em, có chiều dài 41cm; 01 (Một) chiếc áo loại ngắn tay cổ tròn, làm bằng vải màu vàng có ở bộ phận các gấu áo màu xanh da trời (Toàn bộ những tài sản trên có tình trạng cũ, đã qua sử dụng). Xác định những tài sản trên được mua từ số tiền do các bị cáo phạm tội mà có, nhưng không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu, tiêu hủy theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự và điểm đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
+ Đối với số tiền các bị cáo Lờ A T và Giàng A N được hưởng lợi do việc bán người mà có, trong đó mỗi bị cáo được hưởng 8.000.000 đồng, xét thấy cần truy thu, sung quỹ Nhà nước. Đối với ông Lờ Páo Ch được Lờ A T đưa cho số tiền 5.000.000 đồng, sau khi ông Ch đã sử dụng chi tiêu hết T mới nói cho ông Ch biết đấy là tiền do bán người mà có, ông Ch không có lỗi trong việc sử dụng số tiền mà bị cáo đưa nên không truy thu đối với ông Ch số tiền này.
 
Trong vụ án này còn có bị can Lờ A V1 trú tại bản I, xã L, huyện M, tỉnh Yên Bái là kẻ chủ mưu trong việc bán chị Chang Thị C, hiện đang bỏ trốn do chưa xác định được Lờ A V1 đang ở đâu nên cơ quan điều tra đã ra Quyết định truy nã số 11 ngày 18-8-2017 và đã có Quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra, khi bắt được Lờ A V1 sẽ xử lý sau.
 
Đối với hai người đàn ông lạ mặt và một người phụ nữ lạ mặt mà theo lời khai của các bị cáo và người bị hại là người dẫn đường và người trực tiếp mua Chang Thị C. Quá trình điều tra không xác định được họ tên đầy đủ và địa chỉ cụ thể của những người này nên không đề cập xử lý trong vụ án này.
 
Đối với ông Lờ Páo Ch (bố đẻ của bị cáo Lờ A T): Được Lờ A T đưa cho số tiền 5.000.000 đồng và nói nguồn gốc của số tiền này là do T cùng đồng bọn mua bán người mà có. Do ông Ch là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức về xã hội và pháp luật còn hạn chế và bản thân ông Ch không tin việc Trừ nói là sự thật, đến khi Lờ A T bị Cơ quan Công an bắt, ông Ch đã thành khẩn khai báo về toàn bộ nội dung sự việc. Hội đồng xét xử xét thấy hành vi của ông Ch chưa đủ căn cứ cấu thành tội “Không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 314 BLHS.
 
Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
 
Vì các lẽ trên,
 
QUYẾT ĐỊNH
 
1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Lờ A T, Giàng A N phạm tội: “Mua bán người”.
 
2. Về hình phạt: Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 119; Điều 20, Điều 53 và điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự:
 
- Xử phạt bị cáo Lờ A T 07 (Bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt, tạm giữ, tạm giam 09-5-2017.
 
- Xử phạt bị cáo Giàng A N 06 (Sáu) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt, tạm giữ, tạm giam 09-5-2017.
 
3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 587, Điều 589, Điều 592 Bộ luật Dân sự.
 
Buộc các bị cáo Lờ A T và Giàng A N phải liên đới bồi thường cho người bị hại Chang Thị C và những người có quyền lợi liên quan Chang A B, Sùng Thị Q, cụ thể như sau:
 
- Bị cáo Lờ A T phải bồi thường cho chị Chang Thị C số tiền là: 7.205.000 đồng (Bảy triệu hai trăm linh năm ngàn đồng); bồi thường cho ông Chang A B và bà Sùng Thị Q số tiền là: 19.500.000 đồng (Mười chín triệu năm trăm ngàn đồng);
 
- Bị cáo Giàng A N phải bồi thường cho chị Chang Thị C số tiền là: 7.205.000 đồng (Bảy triệu hai trăm linh năm ngàn đồng); bồi thường cho ông Chang A B và bà Sùng Thị Q số tiền là: 19.500.000 đồng (Mười chín triệu năm trăm ngàn đồng).
 
Kể từ ngày người bị hại Chang Thị C và những người có quyền lợi liên quan Chang A B, Sùng Thị Q có đơn yêu cầu thi hành án, đối với số tiền các bị cáo phải bồi thường thì hàng tháng các bị cáo còn phải chịu thêm khoản tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền chậm thi hành án tại thời điểm thanh toán.
 
4. Về các biện pháp tư pháp: Áp dụng Điều 41, Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự:
 
4.1. Truy thu, sung quỹ Nhà nước số tiền do các bị cáo phạm tội mà có:
 
+ Truy thu của bị cáo Lờ A T số tiền: 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng).
 
+ Truy thu của bị cáo Giàng A N số tiền: 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng).
 
4.2. Xử lý vật chứng:
 
- Trả lại cho bà Thào Thị E 01(Một) chiếc xe máy nhãn hiệu HONDA số loại WAVERSX màu sơn đỏ - đen, BKS 21G1-08027, số máy JA32E0072153, số khung: RLHJ3226EY72184; xe cũ đã qua sử dụng.
 
- Tịch thu, tiêu hủy số vật chứng, gồm:
 
+ 01 (Một) chiếc quần dài được làm bằng vải màu đen, chiếc quần này có 02 túi ở hai bên và 01 túi hậu phía sau.
 
+ 01 (Một) chiếc quần dài được làm bằng vải màu đen, chiếc quần này có 02 túi ở hai bên và 01 túi hậu phía sau, phần đũng quần bị rách.
 
+ 02 (Hai) chiếc áo được làm bằng vải, loại áo dài tay màu trắng, hai chiếc áo này phía trước ngực có cúc bấm làm bằng kim loại.
 
+ 01 (Một) đôi giày giả da, loại giày nam màu đen, mặt trên của mỗi chiếc giày có đính một mảnh kim loại màu bạc.
 
+ 01 (Một) chiếc áo làm bằng vải màu đen, loại áo ngắn tay cổ tròn, ở phần ngực áo, hai tay áo có họa tiết hoa văn màu trắng.
 
+ 01(Một) chiếc quần vải màu nâu đỏ, có hai túi quần ở hai bên và hai túi hậu ở phía sau, cạp quần có dây bằng vải sợi màu vải trắng luồn bên trong cạp quần, có hai chiếc séc bằng kim loại ở hai gấu quần.
 
+ 01 (Một) chiếc khăn bằng vải hình vuông, trên bề mặt có nhiều màu sắc, họa tiết hoa văn, trong đó màu đỏ, xanh lá cây là chủ đạo.
 
+ 01 (Một) đôi dép bằng nhựa màu xanh nước biển.
 
+ 01 (Một) chiếc áo bằng vải, loại áo dài tay cổ tròn, có chiều dài 35cm.
 
+ 01 (Một) chiếc quần bằng vải, loại dành cho trẻ em, có chiều dài 41cm.
 
+ 01 (Một) chiếc áo loại ngắn tay cổ tròn, làm bằng vải màu vàng có ở bộ phận các gấu áo màu xanh da trời.
 
Toàn bộ những vật chứng trên tình trạng cũ, đã qua sử dụng theo biên bản bàn giao vật chứng ngày 27-10-2017.
 
5. Về án phí:
 
- Bị cáo Lờ A T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.335.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
 
- Bị cáo Giàng A N phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.335.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
 
Các bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
 
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
 
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

634
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 46/2017/HSST ngày 29/11/2017 về tội mua bán người

Số hiệu:46/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về