TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BỐ TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 45/2021/HSST NGÀY 22/06/2021 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 22 tháng 6 năm 2021, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 42/2021/TLST - HS ngày 10 tháng 5 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 47/2021/QĐXXST - HS ngày 26/5/2021, đối với các bị cáo:
1. Phạm Đức H; sinh ngày 01/10/1996 tại B, Quảng Bình; nơi trú: thôn Nguyên S, xã Cự N, huyện B, tỉnh Quảng Bình; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 6/12; con ông Phạm Quyết T và bà Hoàng Thị H; đều trú tại: thôn Nguyên S, xã Cự N, huyện B, tỉnh Quảng Bình; vợ, con: chưa có.
Tiền sự - tiền án: không.
Bị cáo bị bắt tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Bố Trạch từ ngày 19/02/2021 cho đến ngày 17/3/2021 được thay đổi biện pháp “Tạm giam” sang “Bảo lĩnh”, có mặt.
2. Nguyễn Thái V; sinh ngày 22/4/2001 tại B, Quảng Bình; nơi cư trú: thôn N, xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 10/12; con ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thị N; đều trú tại: thôn N, xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình; vợ; con: chưa có.
Tiền sự; tiền án: không.
Bị cáo bị bắt tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Bố Trạch từ ngày 19/02/2021 cho đến ngày 17/3/2021 được thay đổi biện pháp “Tạm giam” sang “Bảo lĩnh”, có mặt.
3. Lê Văn S; sinh ngày 07/7/1999 tại B, Quảng Bình; nơi cư trú: thôn N, xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; con ông Lê Văn T và bà Phạm Thị H; đều trú tại: thôn N, xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình; vợ; con: chưa có.
Tiền sự; tiền án: không.
Bị cáo bị bắt tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Bố Trạch từ ngày 19/02/2021 cho đến ngày 10/3/2021 được thay đổi biện pháp “Tạm giam” sang “Bảo lĩnh”, có mặt.
- Bị hại: ông Trần Văn Đ, sinh năm 1998; nơi cư trú: thôn K, xã H, huyện B, tỉnh Quảng Bình (vắng mặt không có lý do).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà: Hoàng Thị H , sinh năm 1966; nơi cư trú: thôn N, xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình (có mặt).
+ Bà: Nguyễn Thị N, sinh năm 1974; nơi cư trú: thôn N, xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 18h00’ ngày 17/02/2021 Phạm Đức H, trú tại thôn N, xã C, huyện B đến quán “T” tại thôn K, xã H, huyện B để nhậu cùng với Trần Văn Đ và một số người khác. Đến 20h00’ cùng ngày thì giữa H và Đ xảy ra mâu thuẩn, sau đó H điện thoại cho Lê Văn S thì Nguyễn Thái V nghe máy, H nói: “đang ở mô đó, đi lên quán T anh nhờ tý việc, có thằng đòi đập anh”, V đồng ý. Khoảng 05 phút sau, H lại gọi điện thoại cho S và nói: “em đang ở mô đó, đi lên quán T anh nhờ tí việc”, S đồng ý. Đến khoảng 20h20 phút cùng ngày, S điều khiển xe mô tô chở theo V đến quán “T” rồi cả hai đi vào bàn nhậu của H đang ngồi, thì Đ đứng dậy bỏ chạy ra khỏi quán và chạy lên hướng C. Thấy vậy, H, S, V dùng xe mô tô đuổi theo Đ, khi đến giữa C B thì kịp Đ. Lúc này, V lao vào ôm lấy Đ rồi đè nằm xuống đất,H chạy lại dùng tay, chân đánh liên tiếp vào đầu, vai, lưng và bụng của Đ. Sau đó, V lấy trong người ra một cái còng số 8 nhằm đe dọa Đ, thì H bảo V còng hai tay Đ lại phía sau lưng và đưa lên xe mô tô của S chở ra khu vực đồi Tổng Hợp thuộc thôn K 1, xã H, huyện B để tiếp tục nói chuyện. Hải điều khiển xe mô tô chạy trước dẫn đường, còn S chở Đ và V theo sau. Khi đến nơi V kéo Đ xuống khỏi xe mô tô, đồng thời H lại tiếp tục dùng tay đánh hai cái vào vai và bụng của Đ. Bị đánh nên Đ đã chủ động xin lỗi thì H không đánh nữa, V lấy chìa khóa mở còng số 8 trên tay Đ ra. Sau đó, H, V, S ra về, còn Đ được bạn chở trở lại quán T lấy xe mô tô và đến Công an xã Hưng Trạch trình báo sự việc. Quá trình điều tra Trần Văn Đ từ chối giám định thương tích, do vết thương không đáng kể (BL số 32 - 34, 113 - 118, 123 - 130, 143 - 147, 149 - 157, 163, 169 - 171, 173 - 182, 187 và 188, ).
* Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; xử lý vật chứng: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch thu giữ 02 xe mô tô mang BKS 73F1 - 52255 và BKS 73N3 - 7915.
Xử lý vật chứng: Quá trình điều tra xác định xe mô tô 73F1 - 52255 là của bà Nguyễn Thị N mua nhưng đăng ký tên Nguyễn Thái D (hiện đang đi lao động tại Nhật Bản); xe mô tô 73N3 - 7915 là của Hoàng Thị H. Khi H và V lấy xe đi, sau đó dùng vào việc phạm tội bà N và bà H không biết. Nên ngày 28/02/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch đã ra Quyết định xử lý vật chứng số 05/QĐ xử lý trả lại cho Nguyễn Thị N chủ sở hữu xe mô tô BKS 73F1 - 52255, trả lại cho Hoàng Thị H chủ sở hữu xe mô tô BKS 73N3 - 7915. (Bút lục số 94, 95, 193, 194); Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Thái V khai sau khi phạm tội đã vứt còng số 8 xuống sông, trong quá trình điều tra đã phối hợp cùng bị cáo H, bị cáo S và bị hại Đ cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra truy tìm vật chứng này theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch, tuy nhiên không truy tìm được do vùng nước sâu, địa hình phức tạp.
* Trách nhiệm dân sự: Bị hại Trần Văn Đ yêu cầu các bị cáo Phạm Đức H, Nguyễn Thái V và Lê Văn S hỗ trợ tiền thuốc và các khoản chi phí có liên quan là 13.000.000đ, các bị cáo đã bồi thường đầy đủ (Bút lục số 105 - 110).
Tại bản cáo trạng số 44/THQCT- KSĐT ngày 07/5/2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch đã truy tố các bị cáo Phạm Đức Hải, Lê Văn S và Nguyễn Thái V về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch giữ nguyên Cáo trạng truy tố các bị cáo theo tội danh và điều khoản của Bộ luật Hình sự như đã nêu trên, và đề nghị Hội đồng xét xử:
- Áp dụng khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự; các điểm s, b, i khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự; Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự và Điều 23 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án đối với các bị cáo Phạm Đức H, Nguyễn Thái V và Lê Văn S.
Đề nghị xử phạt:
- Bị cáo Phạm Đức H từ 15 tháng đến 18 tháng cải tạo không giam giữ. Nhưng được trừ đi thời gian đã bị tạm giam trước, từ ngày 19/2/2021 đến ngày 17/3/2021 là 81 ngày (27 ngày tạm giam x 3 = 81 ngày cải tạo không giam giữ), thời gian cải tạo không giam giữ còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.
- Bị cáo Nguyễn Thái V từ 15 tháng đến 18 tháng cải tạo không giam giữ.
Nhưng được trừ đi thời gian đã bị tạm giam trước, từ ngày 19/2/2021 đến ngày 17/3/2021 là 81 ngày (27 ngày tạm giam x 3 = 81 ngày cải tạo không giam giữ), thời gian cải tạo không giam giữ còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.
- Bị cáo Lê Văn S từ 12 tháng đến 15 tháng cải tạo không giam giữ. Nhưng được trừ đi thười gian đã bị tạm giam trước, từ ngày 19/2/2021 đến ngày 10/3/2021 là 66 ngày (22 ngày tạm giam x 3 = 66 ngày cải tạo không giam giữ), thời gian cải tạo không giam giữ còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.
Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày Ủy ban nhân dân xã C, huyện B, tỉnh Quảng Bình được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân xã C trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Không áp dụng biện pháp khấu trừ thu nhập đối với các bị cáo.
Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên Công an huyện Bố Trạch, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:
Lời khai nhận tội của các bị cáo tại cơ quan Cảnh sát điều tra cũng như tại phiên tòa, lời khai của người bị hại có tại hồ sơ vụ án, không gian, thời gian, địa điểm... các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội bị phát hiện hoàn toàn phù hợp nhau. Do đó Hội đồng xét xử có cơ sở xác định:
Xuất phát từ việc mâu thuẩn cá nhân, vào khoảng 20h20’ ngày 17/02/2021 tại thôn K, xã H, huyện B, tỉnh Quảng Bình. Phạm Đức H, Nguyễn Thái V và Lê Văn S đã có hành vi dùng tay, chân đánh vào đầu, vai, lưng, bụng của Trần Văn Đ. Sau đó, H, V và S dùng còng số 8 còng hai tay của Đ lại rồi đưa lên xe mô tô chở ra khu vực đồi Tổng Hợp thuộc thôn K, xã H tiếp tục dùng tay đánh vào vai và bụng của Đ. Sau khi được Đ xin lỗi thì V đã mở khóa còng số 8 trên tay Đ ra và mọi người ra về. Hành vi của Phạm Đức H, Nguyễn Thái V và Lê Văn S đã cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Đúng như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch đã truy tố đối với các bị cáo và lời phát biểu luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
[3] Xét tính chất hành vi, vai trò, mức độ và hậu quả phạm tội của các bị cáo gây ra trong vụ án này thấy rằng: Các bị cáo có đủ năng lực hành vi khi thực hiện tội phạm, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo thực hiện hành vi với lổi có ý trực tiếp, và đã cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự, lý do chỉ vì mâu thuẩn cá nhân mà các bị cáo đã dùng còng số 8 để còng tay người bị hại trái pháp luật rồi đưa lên xe mô tô chở ra khu vực đồi Tổng Hợp thuộc thôn K, xã tiếp tục dùng tay đánh vào vai và bụng của họ, xâm phạm trực tiếp đến khách thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung được pháp luật bảo hộ, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, trị an và an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Do đó đối với các bị cáo cần xử phạt mức án tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra nhằm giáo dục răn đe và phòng ngừa chung về loại tội phạm này. Đối với bị cáo Phạm Đức H là người có mâu thuẩn với Đ nên khởi xướng và trực tiếp nói V còng tay Đ, trực tiếp đánh Đ nên phải chịu trách nhiệm chính; Nguyễn Thái V là người chuẩn bị còng số 8 và trực tiếp thực hiện việc còng tay Đương nên phải chịu trách nhiệm sau H, còn Lê Văn S là đồng phạm với vai trò giúp sức dùng xe mô tô chở bị hại từ chổ bị còng tay đến địa điểm khác, vai trò của Sỹ thấp hơn hai bị cáo H và V nên hình phạt cũng thấp hơn là phù hợp.
[4] Quá trình nhân thân của các bị cáo: Từ trước đến trước thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, chưa vi phạm pháp luật, nên được coi là có nhân thân tốt.
[5] Về tình tiết tăng nặng: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng.
[6] Về tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra cũng như tại phiên toà ngày hôm nay các bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội có gây thiệt hại cho bị hại, nên đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả cho người bị hại đầy đủ được bị hại làm đơn bãi nại và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; ngoài ra bị cáo Sỹ có thời gian tham gia phục vụ Quân đội và đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Những tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại các điểm s, b và i khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với cả ba bị cáo.
Đánh gía tính chất vụ án, Hội đồng xét xử thấy rằng: Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, hiện nay có nơi cư trú rỏ ràng, nên chưa cần thiết cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho các bị cáo cải tạo, giáo dục tại địa phương cũng đã có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung về loại tội phạm này.
[7] Về xử lý vật chứng:
Số vật chứng đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch xử lý đúng quy định, nên miễn xét.
[8] Về biện pháp tư pháp: Các bị cáo là lao động tự do, thu nhập không ổn định nên không áo dụng biện pháp khấu trừ thu nhập đối với các bị cáo là phù hợp.
Tại phiên toà, các bị cáo nói lời sau cùng là đã thấy được hành vi của mình thực hiện là vi phạm pháp luật, xin Hội đồng xét xử xem xét cân nhắc cho các bị cáo được hưởng mức án nhẹ và cải tạo tại địa phương để có điều kiện cải tạo tốt và hoà nhập cộng đồng làm ăn lương thiện.
Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự; các điểm s, b, i khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự; Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự và Điều 23 Nghị 326 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án đối với các bị cáo Phạm Đức H, Nguyễn Thái V, Lê Văn S.
[1] Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Phạm Đức H, Nguyễn Thái V và Lê Văn S phạm tội: “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
[2] Về hình phạt: Xử phạt:
- Bị cáo Phạm Đức H 18 tháng cải tạo không giam giữ. Nhưng được trừ vào thời gian đã bị tạm giam trước, từ ngày 19/2/2021 đến ngày 17/3/2021 là 27 ngày được quy đổi thành 81 ngày cải tạo không giam giữ (27 ngày tạm giam x 3 = 81 ngày cải tạo không giam giữ), thời gian cải tạo không giam giữ còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.
- Bị cáo Nguyễn Thái V 15 tháng cải tạo không giam giữ. Nhưng được trừ vào thời gian đã bị tạm giam trước, từ ngày 19/2/2021 đến ngày 17/3/2021 là 27 ngày được quy đổi thành 81 ngày cải tạo không giam giữ (27 ngày tạm giam x 3 = 81 ngày cải tạo không giam giữ), thời gian cải tạo không giam giữ còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.
- Bị cáo Lê Văn S 12 tháng cải tạo không giam giữ. Nhưng được trừ vào thời gian đã bị tạm giam trước, từ ngày 19/2/2021 đến ngày 10/3/2021 là là 22 ngày được quy đổi thành 66 ngày cải tạo không giam giữ (22 ngày tạm giam x 3 = 66 ngày cải tạo không giam giữ), thời gian cải tạo không giam giữ còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.
Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo là ngày Ủy ban nhân dân xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
Giao Ủy ban nhân dân xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân xã Cự Nẫm trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo.
[3] Về biện pháp tư pháp: Không áp dụng biện pháp khấu trừ thu nhập đối với các bị cáo.
[4] Về xử lý vật chứng vụ án:
Số vật chứng đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch xử lý đúng quy định, nên miến xét.
[5] Về án phí: Buộc các bị cáo Phạm Đức H, Nguyễn Thái V và Lê Văn S mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm để sung công quỹ Nhà nước.
[6] Về quyền kháng cáo: Án xử sơ thẩm, các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (22/6/2021). Riêng bị hại có quyền kháng cáo bản án này trong thười hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ cho họ để yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm./.
Bản án 45/2021/HSST ngày 22/06/2021 về tội bắt, giữ người trái pháp luật
Số hiệu: | 45/2021/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bố Trạch - Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/06/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về