Bản án 45/2018/HS-PT ngày 17/08/2018 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 45/2018/HS-PT NGÀY 17/08/2018 VỀ TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 17 tháng 8 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 48/2018/TLPT-HS ngày 05 tháng 7 năm 2018 đối với bị cáo Đặng Văn N, do có kháng cáo của bị cáo Đặng Văn N đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Tòa án Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu.

- Bị cáo có kháng cáo:

Đặng Văn N, sinh năm 1975 tại Bạc Liêu. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ấp X, xã C, huyện V, tỉnh Bạc Liêu; chỗ ở hiện nay: Tổ 4, ấp B, xã T, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa: 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Văn Q (đã chết) và bà Trần Thị X, sinh năm 1938; có vợ là Nguyễn Kim C và 02 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị xử lý hình sự, hành chính; đầu thú ngày 08/12/2017. Bị cáo đang bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 25/12/2017, (có mặt).

- Bị hại:

1. Ông Quách Văn T (tên gọi khác Dũng), sinh năm 1960; địa chỉ: Ấp C, thị trấn CH, huyện V, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

2. Ông Trần Văn T1, sinh năm 1964; địa chỉ: Ấp M, xã V, huyện P, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

3. Bà Đặng Thị N, sinh năm 1963; địa chỉ: Ấp N, xã V, huyện V, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

4. Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1968; địa chỉ: Ấp T, thị trấn CH, huyện V, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

5. Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1962; địa chỉ: Ấp T, thị trấn CH, huyện V, tỉnh Bạc Liêu, (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ năm 2001 bị cáo Đặng Văn N làm nghề thu mua lúa của các hộ dân mang đến các nhà máy xay xát lúa bán lại, trong khoảng thời gian từ tháng 03/2008 đến tháng 5/2008 bị cáo N thu mua lúa của Quách Văn T, Trần Văn T1, Đặng Thị N, Nguyễn Văn M và Nguyễn Văn S, khi mua lúa các bên thỏa thuận thuận sau khi bị cáo bán lúa xong sẽ thanh toán đủ tiền. Tuy nhiên, sau khi bán lúa thì bị cáo N không thanh toán đủ tiền cho những người bán lúa, mà bị cáo dùng tiền bán lúa có được trả nợ và tiêu xài cá nhân, dẫn đến mất khả năng thanh toán, đến ngày 29/5/2008 đi khỏi địa phương, chiếm đoạt tài sản của các bị hại với tổng số tiền là 138.973.200đ. Cụ thể: Ngày 05/3/2008 bị cáo mua của ông Quách Văn T 23.000kg lúa với số tiền 116.000.000đ, đã thanh toán 100.000.000đ, còn thiếu 16.000.000đ; ngày 20/5/2008, mua của ông Trần Văn T1 9.268kg lúa với số tiền 70.436.000đ, đã thanh toán 10.436.000đ, còn thiếu 60.000.000đ; ngày 27/5/2008 mua của bà Đặng Thị N 4.728kg với số tiền 26.004.000đ, chưa thanh toán khoản nào, còn thiếu 26.004.000đ; ngày 28/5/2008 mua của ông Nguyễn Văn M 2.506kg lúa với số tiền 19.296.200đ, đã thanh toán 700.000đ, còn thiếu 18.596.200đ và ngày 28/5/2008 mua của ông Nguyễn Văn S 2.516kg lúa với số tiền 19.373.000đ, đã thanh toán 1.000.000đ, còn thiếu 18.373.000đ.

Sau khi bị cáo bỏ đi khỏi địa phương, các bị hại Quách Văn T, Trần Văn T1, Đặng Thị N, Nguyễn Văn M và Nguyễn Văn S có đơn gửi đến chính quyền địa phương yêu cầu Đặng Văn N trả số tiền mua lúa còn thiếu, yêu cầu của các bị hại được chuyển đến Cơ quan điều tra, đến ngày 21/7/2008 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện V ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã Đặng Văn N, trong thời gian bị truy nã, tháng 5/2009 ông Đặng Văn Q là cha bị cáo Đặng Văn N bán tài sản của bị cáo Đặng Văn N để lại được số tiền 73.554.000đ và trả cho các bị hại số tiền cụ thể như sau: Trả cho ông Quách Văn T 6.700.000đ, ông Trần Văn T1 24.000.000đ, bà Đặng Thị N 26.004.000đ, ông Nguyễn Văn M 8.150.000đ và trả cho Nguyễn Văn S 8.700.000đ. Số tiền nợ còn lại 65.419.200đ, đến ngày 08/12/2017 bị cáo Đặng Văn N đầu thú tại Công an huyện V, khai báo toàn bộ vụ việc và trả đủ số tiền mà Đặng Văn N nợ các bị hại.

Từ nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày30/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu quyết định: 

Tuyên bố bị cáo Đặng Văn N phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 175; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Đặng Văn N 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án. Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12 tháng 6 năm 2018, bị cáo Đặng Văn N có đơn kháng cáo xin hưởng án treo và cung cấp Giấy ủy quyền bán tài sản lập ngày 27/5/2008. Tại phiên tòa, bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu quan điểm và đề nghị: Có đủ căn cứ để xác định bị cáo N đã thực hiện hành vi mua lúa của các bị hại, sau khi bán lúa bị cáo không trả tiền cho các bị hại mà bỏ trốn khỏi địa phương để chiếm đoạt tiền của các bị hại, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã đối với bị cáo. Do đó, việc truy tố, xét xử bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo tài liệu do bị cáo cung cấp cho cấp phúc thẩm thể hiện, trước khi bị cáo bỏ trốn bị cáo có thỏa thuận trả tiền với ông T1 theo Giấy ủy quyền lập ngày 27/5/2008 và tại phiên tòa phúc thẩm ông T cũng xác định trước khi bị cáo bỏ địa phương thì bị cáo có thỏa thuận sẽ trả dần khoản nợ của ông, nên giao dịch mua bán lúa giữa bị cáo với ông T1, ông T là giao dịch dân sự bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền của ông T và ông T1 là 76.000.000 đồng. Do đó, số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại để làm căn cứ truy tố bị cáo là tiền nợ của bà N, ông S, ông M có tổng số tiền là 62.973.200đ.

Theo điểm c khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định số tiền chiếm đoạt có giá trị từ 50.000.000đ đến dưới 200.000.000đ có mức hình phạt là từ 02 năm đến 07 năm tù, nên số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại 62.973.200đ vẫn thuộc điểm c khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như thành khẩn khai báo, đã bồi thường khắc phục hậu quả, bị cáo đầu thú, các bị hại có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, phù hợp pháp luật. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm, không áp dụng điểm g khoản 1Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ 03 tháng đến 06 tháng tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đặng Văn N thừa nhận toàn bộ hành vi mua lúa của các bị hại, trước khi bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống bị cáo còn nợ các bị hại số tiền 138.973.200đ, xét thấy lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị hại và các tài liệu chứng có trong hồ sơ, nên có đủ căn cứ để xác định bị cáo trước khi bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống còn thiếu tiền lúa của các bị hại tổng số tiền 138.973.200đ. Tại thời điểm bỏ địa phương đi bị cáo còn nợ nhiều người, nhưng bị cáo không trực tiếp thương lượng, thỏa thuận việc trả nợ với các bị hại, nên các bị hại có đơn gửi đến chính quyền địa phương can thiệp, nhờ giải quyết số tiền bị cáo còn nợ.

Theo điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định “Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”.

Sau khi tiếp nhận các đơn yêu cầu của các bị hại, Cơ quan cảnh sát điều tra xác minh, thu thập chứng cứ xác định bị cáo đã bỏ trốn khỏi địa phương, nên ra quyết định truy nã. Do đó, hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại 138.973.200đ, được định khung tại điểm d khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, nên việc truy tố, xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội.

[2] Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo được thực hiện trước 00 giờ ngày 01/01/2018, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội khóa 14 hướng dẫn nguyên tắc áp dụng Điều luật có lợi cho bị cáo, thì hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cấp sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là không đúng quy định pháp luật, và việc ban hành Thông báo sửa chữa, bổ sung Bản án số 03/2018/TB-TA ngày 12/6/2018 để sửa chữa điểm a khoản 1 Điều 7 thành khoản 3 Điều 7 không được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vì Biên bản nghị án và Bản án được Hội đồng xét xử biểu quyết thông qua tại phòng nghị án vẫn quyết định áp dụng điểm a khoản 1 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, cần sửa phần này của án sơ thẩm về việc áp dụng điều luật có lợi cho bị cáo.

[3] Xét hành vi phạm tội của bị cáo, xuất phát từ những giao dịch dân sự thông qua hợp đồng mua bán, bị cáo đã lợi dụng lòng tin của các bị hại, sau khi nhận số lúa của các bị hại giao cho bị cáo để bị cáo mang đi bán, nhưng sau khi đi bán lúa về bị cáo không giao trả tiền mua lúa cho các bị hại mà bị cáo bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống, gây bức xúc cho những người bán lúa cho bị cáo, gây mất an ninh trật tự địa phương.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật cư trú năm 2006 quy định: “Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi” và tại khoản 1 Điều 23 của Luật cư trú quy định: “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”. Bị cáo đăng ký thường trú tại ấp Xó, xã C, huyện V, tỉnh Bạc Liêu. Vào thời điểm tháng 5/2008, bị cáo N không thuộc đối tượng khai báo tạm vắng theo Điều 32 của Luật cư trú nhưng bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương và đến năm 2013 đăng ký tạm trú tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến năm 2017 bị cáo đầu thú, bị cáo không đến cơ quan Công an có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nơi đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật và cũng không thông báo chỗ ở mới cho những người chủ nợ biết trong khi bị cáo là người đang thiếu nợ. Do đó, có cơ sở để xác định bị cáo bỏ trốn để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của các bị hại, bị cơ quan Công an truy nã, nên hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Xét chứng cứ do bị cáo cung cấp sau khi xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử xét thấy, Giấy ủy quyền lập ngày 27/5/2008 thể hiện nội dung bị cáo ủy quyền cho cha, mẹ bị cáo bán tài sản là nhà và chiếc ghe của bị cáo để trả nợ cho các bị hại, giấy ủy quyền có ông T1 là một trong 05 bị hại ký xác nhận, nhưng theo Biên bản xác minh ngày 15/7/2008 (BL 74), lời khai bà N ngày 24/6/2008 (BL 164), Biên bản sự việc ngày 07/6/2008 (BL 73) và Biên bản bỏ trốn ngày 07/6/2008 (BL 75), ông T1 và bà N đều xác định bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương, do thiếu tiền mua lúa của nhiều người và ông T1, bà N đều không trình bày việc bị cáo và ông T1 có làm giấy ủy quyền bán tài sản hay thỏa thuận trả nợ cho các bị hại trước khi bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống và tại phiên tòa phúc thẩm ông T xác định trước và sau khi bị cáo đi nơi khác làm ăn sinh sống thì ông và bị cáo có thường xuyên liên lạc qua điện thoại để thỏa thuận việc trả nợ. Hội đồng xét xử xét thấy, Giấy ủy quyền lập ngày 27/5/2008 cũng như lời trình bày của các bị hại không có cơ sở chấp nhận, vì hành vi phạm tội của bị cáo được hoàn thành từ thời điểm bị cáo bỏ trốn, việc thỏa thuận trả nợ, hay bán nhà trả nợ chỉ là khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội.

[5] Xét kháng cáo của bị cáo Đặng Văn N xin hưởng án treo. Hội đồng xét xử xét thấy, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người khác một cách trái pháp luật, mà còn gây tâm lý hoang man trong nội bộ quần chúng nhân dân trong các giao dịch dân sự, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, nên cần xử nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung, cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo là có căn cứ, theo đúng khoản 2Điều 3 Nghị Quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nên Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.

Khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục toàn bộ hậu quả theo quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quyết định mức hình phạt dưới khung của điều luật là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm2017 là chưa phù hợp, vì tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt được định khung tại điểm c khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mặc dù, sau khi xét xử cấp sơ thẩm ban hành Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án số 02/2018/TB-TA ngày 11/6/2018 sửa chữa việc áp dụng điều luật, bỏ điểm g khoản 1 Điều 52 và bỏ khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhưng việc sửa chữa, bổ sung Bản án của cấp sơ thẩm không thực hiện đúng theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vì Biên bản nghị án và Bản án được Hội đồng xét xử biểu quyết thông qua tại phòng nghị án vẫn quyết định áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, cần sửa phần này của án sơ thẩm về việc áp dụng điều luật.

Tuy nhiên, trên cơ sở các tình tiết giảm nhẹ và thái độ ăn năn hối cải của bị cáo, cấp sơ thẩm áp dụng mức hình phạt 01 năm 06 tháng tù đối với bị cáo là tương xứng, phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, nên giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo.

[6] Xét đề nghị của Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét trách nhiệm hình sự đối với giao dịch giữa bị cáo với ông T1 và ông T với tổng số tiền 76.000.000đ đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa một phần án sơ thẩm không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 giảm cho bị cáo từ 03 đến 06 tháng tù. Hội đồng xét xử xét thấy, như đã phân tích thì đề nghị của Kiểm sát viên chỉ có căn cứ một phần, nên được chấp nhận một phần, không chấp nhận đề nghị giảm án cho bị cáo.

[7] Về án phí: Bị cáo kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[8] Các phần quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đặng Văn N; sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HSST ngày 30/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu.

1. Tuyên bố bị cáo Đặng Văn N phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

2. Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 175; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Đặng Văn N 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

3. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm2015; điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo Đặng Văn N phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các phần Quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HSST ngày 30/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu, không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

303
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 45/2018/HS-PT ngày 17/08/2018 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:45/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về