Bản án 44/2021/HS-ST ngày 21/09/2021 về tội mua bán người

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NẬM BỒ, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 44/2021/HS-ST NGÀY 21/09/2021 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI

Ngày 21 tháng 9 năm 2021, tại Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 44/2021/TLST-HS ngày 27/8/2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 44/2021/QĐXXST-HS ngày 09/9/2021 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Giàng A H; sinh ngày 01/01/1997 tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên; Nơi cư trú: Bản H, xã K, huyện M, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ học vấn: 9/12; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Giàng A D (đã chết) và bà Sùng Thị G; Bị cáo có vợ là Cháng Thị P và 02 con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt, tạm giữ từ ngày 15/8/2020, sau đó tạm giam từ ngày 21/8/2020 cho tới nay, có mặt.

2. Họ và tên: Sùng A V; sinh ngày 03/02/1997 tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Nơi cư trú: Bản H1, xã K, huyện M, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ học vấn: 9/12; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Sùng A S và bà Vàng Thị D; Bị cáo có vợ là Giàng Thị S và 03 con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt, tạm giữ từ ngày 13/8/2020, sau đó tạm giam từ ngày 21/8/2020 cho tới nay, có mặt.

3. Họ và tên: Sùng A C; sinh năm: 1987 tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Nơi cư trú: Bản H1, xã K, huyện M, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ học vấn: 9/12; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo:

Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Sùng A S và bà Vàng Thị D; Bị cáo có vợ là Chang Thị V và 05 con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt theo quyết định truy nã của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N, tỉnh Điện Biên ngày 21/7/2021, sau đó bị tạm giữ, tạm giam kể từ ngày 21/7/2021 cho tới nay, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Giàng A H: Bà Lê Thị Thúy An, sinh năm 1988 – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Sùng A V: Ông Lường Văn Bình, sinh năm 1983 – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Sùng A C: Ông Lê Đình Thu, sinh năm 1960 – Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Bị hại: Chị Hạng Thị P, sinh năm 2001; địa chỉ: Bản H, xã T, huyện N, tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh năm 1992 - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Anh Giàng A B, sinh năm 1978; địa chỉ: Bản H, xã K, huyện M, tỉnh Điện Biên, có mặt.

Chị Giàng Thị S, sinh năm 1999; địa chỉ: Bản Huổi Khon 1, xã K, huyện M, tỉnh Điện Biên, vắng mặt.

- Những người làm chứng:

Ông Hạng A D, sinh năm 1968, có mặt. Anh Lý A P, sinh năm 1991, vắng mặt. Anh Hạng A H, sinh năm 1991, vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Bản H, xã T, huyện N, tỉnh Điện Biên.

- Người được Tòa án triệu tập: Ông Lầu A Thắng, Điều tra viên – Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N, tỉnh Điện Biên, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 13/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N, tỉnh Điện Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị Hạng Thị P về việc vào cuối tháng 3/2020, chị Hạng Thị P bị Giàng A H, Sùng A V, Sùng A C chuyển giao cho 01 người đàn ông, sau đó ông ta đã bán chị P cho 03 người đàn ông Trung Quốc. Qua điều tra, xác minh Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N đã xác định được như sau:

Khoảng cuối năm 2019, Giàng A H có quen biết với chị Hạng Thị P qua mạng xã hội Facebook. Đến tháng 01/2020, Giàng A H và chị Hạng Thị P hẹn gặp nhau tại xã Q, huyện M, tỉnh Điện Biên, sau đó 02 bên vẫn thường xuyên liên lạc và có tình cảm với nhau. Đầu tháng 3/2020, chị P nhắn tin cho H là muốn sang Trung Quốc lấy chồng và nhờ H đưa đi. Do không biết đường nên H đã gọi điện thoại cho Sùng A V, rủ V cùng mình đưa chị P sang Trung Quốc, V đồng ý và gọi điện rủ anh trai V là Sùng A C đi cùng. Trước đó, Sùng A C có quen biết qua mạng xã hội Facebook với 01 người đàn ông Trung Quốc tên S, người đàn ông này nhờ C giới thiệu phụ nữ Việt Nam cho ông ta lấy làm vợ và nói sẽ trả công cho C 20.000.000 đồng. Khi thấy V rủ, C đồng ý và bảo V trả tiền công dẫn đường sang Trung Quốc là 3.000.000 đồng. Đến cuối tháng 3/2020 (các bị cáo và bị hại không nhớ rõ ngày), Giàng A H điều khiển xe máy đi từ huyện M, tỉnh Điện Biên tới đón chị P ở bản H, xã T, huyện N, tỉnh Điện Biên, còn Sùng A V điều khiển xe máy chở Sùng A C đi từ huyện M, tỉnh Điện Biên đến khu vực ngã ba xã C, huyện N, tỉnh Điện Biên chờ Hồng đón chị P đi tới. Sau khi gặp nhau, H chở chị P, V chở C đi từ ngã ba xã C, huyện N, tỉnh Điện Biên tới xã T, huyện E, tỉnh Lai Châu thuê nhà nghỉ qua đêm. Đến 21 giờ cùng ngày, C gọi điện thoại qua mạng xã hội Messeger cho người đàn ông Trung Quốc tên S, bảo với ông ta là đã tìm được 01 người phụ nữ Việt Nam muốn sang Trung Quốc lấy chồng và hẹn ông ta sáng ngày hôm sau gặp mặt tại khu vực cửa khẩu MT, huyện P, tỉnh Lai Châu. Đến khoảng 07 giờ sáng ngày hôm sau, C chở chị P lên khu vực cửa khẩu MT, huyện P, tỉnh Lai Châu, H và V không đi cùng. Khi đến điểm hẹn, C và chị P ngồi đợi khoảng 02 tiếng thì người đàn ông Trung Quốc đi sang lãnh thổ Việt Nam gặp C và chị P tại khu vực cửa khẩu MT. Sau khi xem mặt người đàn ông Trung Quốc, chị P nói với C là không muốn lấy ông ta nên C đã chở Plìa về chỗ V và H đợi rồi tiếp tục đi sang tỉnh Lào Cai.

V và H điều khiển xe máy sang tỉnh Lào Cai trước rồi thuê nhà nghỉ ở khu vực cầu L, thành phố Lào Cai, còn C và chị P đón xe khách đi sau. Trong lúc ở nhà nghỉ, V trao đổi qua điện thoại với 01 người đàn ông Trung Quốc mà V đã biết từ trước để dẫn chị chị P đi gặp mặt ông ta lấy làm vợ. Đến khoảng 17 giờ, Hồng chở chị P, V chở C bằng xe máy đi tới khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc xã L, huyện Kh, tỉnh Lào Cai, C ở lại lãnh thổ Việt Nam trông 02 chiếc xe máy, V, H dẫn chị P đi bộ qua 01 con suối cạn, sang trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa (từ mốc biên giới 112 đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc khoảng 50 mét) gặp mặt người đàn ông Trung Quốc tại điểm hẹn. V và người đàn ông Trung Quốc nói chuyện với nhau, ông ta đồng ý lấy chị P làm vợ và trả công cho các bị cáo là 9.000 CNY (chín nghìn nhân dân tệ) nhưng chị P không đồng ý lấy ông ta. Người đàn ông Trung Quốc yêu cầu V, H ép buộc chị P phải đi theo ông ta nhưng V, H không đồng ý nên đã xảy ra đánh nhau giữa V, H với người đàn ông Trung Quốc. Ông ta đã dùng dao bấm mang theo, đâm vào sườn bên trái của H khiến H bị thương. Sau đó, cả H, V và chị P bỏ chạy về lãnh thổ Việt Nam tới chỗ C đang trông xe. Do vết thương của H chảy nhiều máu nên C đã thuê xe taxi chở H và C đi từ tỉnh Lào Cai về trung tâm y tế huyện M, tỉnh Điện Biên để chữa trị vết thương, còn V và chị P ở lại tỉnh Lào Cai.

Do thấy Hồng bị thương, chị P đã nói với V là không muốn đi Trung Quốc lấy chồng nữa và muốn về nhà. V gọi điện hỏi H phải làm như thế nào đối với chị P, H trả lời là do H đang bị thương phải cần tiền chữa trị và cần tiền trả chi phí đi lại, ăn nghỉ nên muốn bán chị P, còn bán như thế nào thì do V quyết định. Vì vậy, V đã ép buộc chị P phải lấy chồng Trung Quốc và thuê nhà nghỉ ở tỉnh Lào Cai. Sau đó, V liên hệ với 01 người đàn ông tên Thào Seo M mà V quen biết từ trước, có địa chỉ ở bản H, xã T, huyện N, tỉnh Điện Biên để chuyển giao chị P cho M. M nói với V là M giả là đàn ông Trung Quốc lấy chị P làm vợ, rồi M sẽ đưa Plìa đi bán. Khoảng 01 ngày sau M tới gặp V, V đã chuyển giao chị P cho M tại tỉnh Lào Cai và đi xe máy về nhà ở huyện M, tỉnh Điện Biên. Khoảng 03 ngày sau khi V về nhà, M đã gọi điện thoại cho V bảo đã bán được chị P với giá 9.000 CNY (chín nghìn nhân dân tệ), M lấy 3.500 CNY (ba nghìn năm trăm nhân dân tệ), còn lại 5.500 CNY (năm nghìn năm trăm nhân dân tệ), M đổi ra được 19.400.000 (mười chín triệu bốn trăm nghìn) Việt Nam đồng chuyển vào số tài khoản của V. Sau đó, V đến cây ATM ở trung tâm huyện M rút 19.000.000 đồng, còn 400.000 đồng, V để trong tài khoản (sau này V đã nạp thẻ điện thoại hết). Sau khi rút được tiền V đã tiêu xài hết 2.500.000 đồng, còn 16.500.000 đồng, V gọi điện cho H bảo đến nhà C để chia tiền. Sau khi cả 03 người gặp nhau tại nhà C, V cầm tập tiền để xuống chiếu và bảo với H và C là đã bán chị P được 16.500.000 đồng, C cầm tập tiền lên đếm lấy 3.000.000 đồng bỏ vào trong túi áo là tiền công mà C đã thỏa thuận với V lúc trước. Còn lại, V đưa cho H 5.500.000 đồng, V lấy 5.500.000 đồng và chia thêm cho C 2.500.000 đồng. Do trước đó, V nợ C 2.500.000 đồng nên V đã trả cho C số tiền 2.500.000 trong tổng số tiền 5.500.000 đồng V vừa chia được.

Về phía chị Hạng Thị P, sau khi bị V chuyển giao cho người đàn ông tên Thào Seo M tại tỉnh Lào Cai, thì M tiếp tục chuyển giao chị P cho 03 người đàn ông Trung Quốc tại khu vực rừng núi (chị P không biết địa điểm M chuyển giao chị P cho 03 người đàn ông Trung Quốc là ở đâu). Sau đó, 03 người đàn ông Trung Quốc đã đưa chị P lên ô tô chở vào nội địa Trung Quốc và chuyển giao chị P cho 01 người đàn ông dân tộc Mông Trung Quốc tên là Thào A Ph. Ông ta bảo với chị P là đã mua chị với giá 14.000 CNY (mười bốn nghìn nhân dân tệ). Chị P ở với người đàn ông tên Thào A Ph được khoảng 01 tháng thì ông ta tiếp tục chuyển giao chị P cho một người đàn ông Trung Quốc khác. Một thời gian sau, chị P đã bỏ trốn từ Trung Quốc về tỉnh Lào Cai rồi gọi điện cho gia đình sang tỉnh Lào Cai đón về nhà. Có anh Hạng A H là anh trai chị P và anh Lý A P là anh rể của chị P đi xe máy sang tỉnh Lào Cai đón chị P về. Sau khi trở về địa phương, đến ngày 13/8/2020 chị P đã tố giác hành vi của các bị cáo.

Vật chứng bị thu giữ: Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N đã thu giữ của Sùng A V 01 chiếc xe máy HONDA, loại xe Wave RSX, biển kiểm soát: 27B1 – 85599, 01 Giấy đăng ký xe mô tô mang tên Giàng Thị S, 01 Giấy chứng minh nhân dân số 040629743, 01 Giấy phép lái xe mô tô số 120197003146, 01 thẻ ATM (thẻ ngân hàng AGRIBANK) đều mang tên Sùng A V, 01 ví da màu đen đã cũ, 01 chiếc điện thoại di động ViVo màn hình cảm ứng, màu xanh; thu giữ của Giàng A H 01 chiếc xe máy HONDA, loại xe Wave BLADE màu đỏ đen, biển kiểm soát 27B1 – 98546, 01 chiếc điện thoại di động ViVo, màn hình cảm ứng, màu xanh.

Tại Cáo trạng số 16/CT-VKSNP ngày 19/4/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên đã truy tố các bị cáo Sùng A V và Giàng A H về tội Mua bán người theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 150 của Bộ luật hình sự.

Trong quá trình điều tra Sùng A C bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N đã tách vụ án hình sự, ra Quyết định truy nã bị can Sùng A C, sau đó tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra bị can. Ngày 21/7/2021, Sùng A C bị bắt theo quyết định truy nã, Cơ quan điều tra đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can. Sau khi Tòa án thụ lý hồ sơ, ngày 28/7/2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên có công văn số 70/VKSNP đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 29/7/2021, Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên ra Quyết định trả hồ sơ điều để điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện kiểm sát. Ngày 30/7/2021, Cơ quan điều tra đã nhập vụ án hình sự Sùng A C với Sùng A V và đồng phạm, kết quả điều tra bổ sung Viện kiểm sát đã thay đổi nội dung Cáo trạng.

Tại Cáo trạng số 25/CT-VKSNP, ngày 27/8/2021 (thay thế Cáo trạng số 16/CT-VKSNP, ngày 19/4/2021) của Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên đã truy tố các bị cáo Sùng A V, Giàng A H và Sùng A C về tội Mua bán người, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 150 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà, các bị cáo Sùng A V, Giàng A H và Sùng A C đã thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình phù hợp với bản Cáo trạng số 25/CT-VKSNP, ngày 27/8/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện N đã truy tố các bị cáo.

Tại phiên tòa bị hại chị Hạng Thị P có ý kiến: Chị P có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, chồng chị đang chấp hành án phạt tù, chị có 02 con nhưng đã chết. Do có tình cảm và tin tưởng Giàng A H nên chị đã tâm sự và nhờ H đưa chị sang Trung Quốc lấy chồng. Khi các bị cáo đưa chị đi gặp mặt 02 người đàn ông Trung Quốc là do chị yêu cầu và tự nguyện đi, các bị cáo không ép buộc gì chị. Đến khi thấy H bị thương thì chị không muốn lấy chồng Trung Quốc nữa nhưng V đã ép chị và chuyển giao cho người đàn ông tên Thào Seo M, M đã bán chị cho 03 người đàn ông Trung Quốc. Do thời gian gặp M ngắn lại chủ yếu là đêm tối nên chị không nhận dạng được M, khi M chuyển giao chị cho 03 người đàn ông Trung Quốc là vào ban đêm nên chị không xác định được địa điểm là ở đâu. Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa chị và các bị cáo đều nhất trí thỏa thuận là các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho bị hại với số tiền là 15.000.000 đồng, trong đó kỷ phần của mỗi bị cáo là 5.000.000 đồng. Đối với Thào Seo M, khi nào cơ quan điều tra xác minh, làm rõ được hành vi của M chị sẽ yêu cầu sau.

Tại phiên tòa, người làm chứng ông Hạng A D trình bày: Cuối tháng 3/2020, con gái ông là chị Hạng Thị P bị mất tích, gia đình không biết đi đâu, không ai liên lạc được. Khoảng 02 tháng sau, chị P gọi điện về cho gia đình là bị lừa bán sang Trung Quốc và đã trốn được về tỉnh Lào Cai, bảo gia đình sang tỉnh Lào Cai đón chị P. Sau đó, gia đình ông đã cử anh Lý A P và anh Hạng A H đi xe máy sang tỉnh Lào Cai đón chị P về.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử luận tội: Giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo Sùng A V, Giàng A H và Sùng A C về tội Mua bán người và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 150, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 và Điều 17 của Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo; đề nghị xử phạt các bị cáo Sùng A V, Giàng A H và Sùng A C từ 08 (tám) năm đến 09 (chín) năm tù.

Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, b khoản 1, khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01 thẻ ATM (thẻ ngân hàng AGRIBANK) mang tên Sùng A V. Tịch thu sung ngân sách Nhà nước 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu ViVo, màn hình cảm ứng, màu xanh thu giữ của Sùng A V, 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu ViVo, màn hình cảm ứng, màu xanh thu giữ của Giàng A H. Trả lại cho bị cáo Sùng A V 01 Giấy chứng minh nhân dân số 040629743, 01 Giấy phép lái xe mô tô số 120197003146, 01 ví da màu đen đã cũ thu giữ của Sùng A V. Trả lại cho chị Giàng Thị S 01 chiếc xe máy màu đỏ đen, hãng HONDA, loại xe Wave RSX, biển kiểm soát: 27B1 - 85599, số khung 3807KY00735, số máy JA38E0436370 và 01 Giấy đăng ký xe mô tô mang tên Giàng Thị S.

Truy thu của bị cáo Giàng A H số tiền 5.500.000 đồng, bị cáo Sùng A C số tiền 5.500.000 đồng, bị cáo Sùng A V số tiền 8.400.000 đồng sung ngân sách Nhà nước là số tiền các bị cáo thu lợi bất chính từ việc phạm tội.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 592, Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự: Đề nghị ghi nhận sự thỏa thuận bồi thường dân sự giữa các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C với bị hại chị Hạng Thị P như sau: Các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho chị Hạng Thị P số tiền là 15.000.000 đồng, trong đó kỷ phần của mỗi bị cáo là 5.000.000 đồng.

Đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền và miễn án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật đối với các bị cáo.

Tại phiên tòa, những người bào chữa cho các bị cáo Sùng A V, Giàng A H và Sùng A C nhất trí với luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát về tội danh, điều luật và mức hình phạt áp dụng đối với các bị cáo vì hành vi phạm tội của các bị cáo là rõ ràng. Những người bào chữa cho các bị cáo đều đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo, áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Những người bào chữa đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung và miễn án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm cho các bị cáo do các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số sinh sống tại xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; đề nghị ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận bồi thường về danh dự, nhân phẩm giữa các bị cáo với bị hại. Người bào chữa cho bị cáo Sùng A V đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả lại chiếc xe máy cho vợ bị cáo là chị Giàng Thị S.

Bị hại chị Hạng Thị P và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại nhất trí với nội dung bản Cáo trạng của Viện kiểm sát, không có ý kiến tranh luận gì. Tại phiên tòa các bị cáo đã nhận ra lỗi lầm, tự nguyện thỏa thuận bồi thường trách nhiệm dân sự cho bị hại, nên bị hại và người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì nguyên nhân dẫn đến sự việc này xuất phát một phần từ bị hại.

Các bị cáo Sùng A V, Giàng A H, Sùng A C, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều nhất trí với nội dung bản cáo trạng, không có ý kiến tranh luận gì. Các bị cáo đều ăn năn, hối hận về hành vi của mình và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tội danh và điều luật Viện kiểm sát nhân dân huyện N truy tố đối với các bị cáo:

Qua tranh tụng tại phiên tòa cho thấy: Khoảng cuối năm 2019 bị cáo Giàng A H và chị Hạng Thị P quen biết nhau và nảy sinh tình cảm. Đến tháng 3/2020 chị P đã nhờ H đưa chị sang Trung Quốc lấy chồng. H liên hệ với Sùng A V, rủ V cùng mình đưa chị P sang Trung Quốc, V đồng ý và rủ anh trai ruột V là Sùng A C dẫn đường. Vào cuối tháng 3/2020 (các bị cáo và bị hại không nhớ rõ ngày), H đón chị P bằng xe máy biển kiểm soát 27B1 – 98546, từ nhà chị P ở bản H, xã T, huyện N, tỉnh Điện Biên, cùng với V và C đi xe máy biển kiểm soát 27B1-85599, tới xã T, huyện E, tỉnh Lai Châu thuê nhà nghỉ qua đêm. Sau đó, các bị cáo đưa chị P đi gặp mặt 02 người đàn ông Trung Quốc. Người thứ nhất tên S là do C đưa đi gặp ở khu vực đồi thuộc cửa khẩu MT, huyện P, tỉnh Lai Châu. Người thứ hai, là H và V dẫn đi gặp ở trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa (từ mốc biên giới 112 đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc khoảng 50 mét) nhưng chị P đều không đồng ý lấy họ. Khi chị P không đồng ý lấy người đàn ông gặp mặt ở trấn Nam Khê làm chồng, ông ta đã dùng dao bấm đâm H bị thương ở lưng (hình ảnh vết thương chụp lúc 07 giờ sáng ngày 27/3/2020, BL 146). C đã gọi taxi đưa H về Trung tâm y tế huyện M, tỉnh Điện Biên để chữa trị (hồ sơ bệnh án của Giàng A H ngày 27/3/2021, BL 164 - 179), còn V và chị P ở lại tỉnh Lào Cai. Thấy H bị thương, chị P nói với V là không muốn đi Trung Quốc lấy chồng. V đã gọi điện hỏi ý kiến H thì H bảo phải bán chị P để lấy tiền trả các chi phí. Vì vậy, lúc này V đã ép buộc chị P phải đi lấy chồng Trung Quốc. V liên hệ với 01 người đàn ông tên Thào Seo M để tìm cách bán chị P và hẹn gặp M. Khoảng 01 ngày sau, M đến gặp V và V đã chuyển giao chị P cho M tại tỉnh Lào Cai rồi V quay trở về nhà ở huyện M, tỉnh Điện Biên. Khoảng 03 ngày sau M gọi điện thoại cho V bảo đã bán được chị P với giá 9.000 CNY (chín nghìn nhân dân tệ), M lấy 3.500 CNY (ba nghìn năm trăm nhân dân tệ), còn lại 5.500 CNY (năm nghìn năm trăm nhân dân tệ), M đổi ra được 19.400.000 (mười chín triệu bốn trăm nghìn) Việt Nam đồng chuyển vào số tài khoản 7807205044453 của Sùng A V vào ngày 31/3/2020. Cùng ngày V đến cây ATM ở trung tâm huyện M rút tiền 05 lần được 19.000.000 đồng, còn 400.000 đồng V để trong tài khoản nạp thẻ điện thoại hết. Sau khi rút được tiền V đã tiêu xài hết 2.500.000 đồng, còn 16.500.000 đồng V chia đều cho H, C và V mỗi người được 5.500.000 đồng, các bị cáo đã chi tiêu hết số tiền này, cơ quan điều tra không thu giữ được.

Sau khi tiếp nhận chị P, người đàn ông tên Thào Seo M đã chuyển giao chị P cho 03 người đàn ông Trung Quốc tại khu vực rừng núi. Sau đó, 03 người đàn ông này đưa chị P vào nội địa Trung Quốc chuyển giao cho 01 người đàn ông Trung Quốc tên Giàng A Ph. Chị P ở với Giàng A Ph khoảng 01 tháng, sau đó ông ta lại tiếp tục chuyển giao chị P cho 01 người đàn ông Trung Quốc khác khoảng 37 tuổi. Khoảng 01 tháng sau chị P đã bỏ trốn được về tỉnh Lào Cai rồi gọi điện thông báo cho gia đình, anh trai chị P là Hạng A H và anh rể là Lý A P mỗi người đi 01 xe máy sang tỉnh Lào Cai đón chị P về. Đến ngày 13/8/2020 chị P đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N tố giác hành vi của các bị cáo.

Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, những người làm chứng; phù hợp với biên bản xác định hiện trường, sơ đồ hiện trường; các biên bản nhận dạng; hồ sơ bệnh án ngày 27/3/2020 của Giàng A H do Trung tâm y tế huyện M cung cấp; Giấy xác nhận mở tài khoản mới số tài khoản 7807205044453, chủ tài khoản là Sùng A V, Lịch sử giao dịch của tài khoản (sổ phụ) ngày 31/3/2020 chủ tài khoản Sùng A V nhận chuyển khoản 19.400.000 đồng, tại cây ATM huyện M, tỉnh Điện Biên khách hàng rút 05 lần với tổng số tiền 19.000.000 đồng vào ngày 31/3/2020, chứng cứ do Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, chi nhánh huyện T cung cấp; phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Mục đích các bị cáo thực hiện hành vi mua bán người là để lấy tiền tiêu xài cho bản thân.

Do đó, đã có đủ cơ sở kết luận các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C phạm tội Mua bán người theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 150 của Bộ luật hình sự như Cáo trạng số 25/CT-VKSNP, ngày 27/8/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên đã truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại điểm a khoản 1 Điều 150 của Bộ luật hình sự quy định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;…” [2] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của các bị cáo rất nghiêm trọng, có tính chất, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội rất lớn, xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm của con người nói chung và của phụ nữ nói riêng. Các bị cáo lợi dụng tình cảm và sự cả tin của phụ nữ sinh sống tại vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết để đưa đi bán nhằm thu lợi bất chính, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Hành vi của các bị cáo đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện N và gây bức xúc, bất bình trong Nhân dân. Bản thân các bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì vụ lợi cá nhân mà coi thường pháp luật, cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời hạn nhất định để giữ vững kỷ cương của pháp luật và làm gương răn đe, giáo dục trong Nhân dân.

[3] Về vị trí, vai trò của các bị cáo: Trong vụ án này, các bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội, nhưng không có sự cấu kết chặt chẽ nên chỉ là đồng phạm giản đơn. Tuy vậy, cần phân tích đánh giá cụ thể hành vi của từng bị cáo tham gia vào việc phạm tội để việc quyết định hình phạt được chính xác. Bị cáo Giàng A H là người khởi xướng cũng là người thực hành, lợi dụng tình cảm và lòng tin của chị P đã nảy sinh ý định bán chị P. Mặc dù, khi bị cáo bị thương, không thể trực tiếp đưa bị hại đi bán nhưng bị cáo vẫn bảo V phải nghĩ cách bán bị hại để lấy tiền tiêu xài. Bị cáo Sùng A V là người thực hành tích cực, trực tiếp liên hệ mua bán, nhận tiền và chia tiền cho các bị cáo khác, bị cáo là người được hưởng lợi nhiều tiền nhất từ việc phạm tội. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo H và V có vai trò như nhau trong vụ án và phải chịu trách nhiệm như nhau. Đối với cáo Sùng A C khi biết mục đích của Giàng A H và Sùng A V là đưa chị P đi bán không những không ngăn cản mà đã đồng tình thực hiện, yêu cầu trả tiền công. Khi Hồng bị thương, C đã thuê xe taxi cùng H về Trung tâm y tế huyện M, tỉnh Điện Biên để chữa trị, không trực tiếp chuyển giao chị P nên bị cáo có vai trò thấp hơn H và V. Tuy nhiên, khi bị phát hiện hành vi phạm tội, bị cáo Sùng A C đã bỏ trốn một thời gian, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

[4] Về nhân thân: Các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C đều xuất thân trong gia đình nông dân, nhưng không chịu lao động, để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài của bản thân, các bị cáo đã thực hiện hành vi mua bán người để thu lợi bất chính. Tuy nhiên, ngoài lần phạm tội này, các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự: Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo luôn thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Do đó, các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị hại chị Hạng Thị P đã có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, do đó các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự.

[6] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4 Điều 150 của Bộ luật Hình sự thì Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, do đó các bị cáo có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy, các bị cáo có nghề nghiệp chính là làm nương, không có thu nhập ổn định, gia đình các bị cáo đều có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản giá trị nên không có khả năng thi hành hình phạt bổ sung là phạt tiền. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên, các bị cáo và những người bào chữa cho các bị cáo đều đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[7] Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, bị hại là chị Hạng Thị P đã nhất trí thỏa thuận với các bị cáo như sau: Các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại Hạng Thị P tổng số tiền là 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, trong đó kỷ phần của mỗi bị cáo là 5.000.000 (năm triệu) đồng. Xét thấy, thỏa thuận này là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 48 của Bộ luật Hình sự, Điều 584, Điều 585, Điều 592, Điều 375, Điều 468 của Bộ luật Dân sự; Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự ghi nhận sự thỏa thuận của các bên.

[8] Về vật chứng của vụ án:

Đối với 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu ViVo, màn hình cảm ứng, màu xanh thu giữ của Sùng A V và 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu ViVo, màn hình cảm ứng, màu xanh thu giữ của Giàng A H là phương tiện phạm tội, Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Đối với chiếc xe máy màu đỏ đen, hãng HONDA, loại xe Wave RSX, biển kiểm soát 27B1-85599 và 01 giấy đăng ký xe mô tô mang tên Giàng Thị S thu giữ của Sùng A V. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã làm rõ, chiếc xe máy này là tài sản riêng chị Giàng Thị S là vợ của bị cáo Sùng A V. Nguồn gốc chiếc xe máy là do bố mẹ đẻ chị S cho chị tiền mua vào năm 2019. Do là vợ chồng nên chị S cho bị cáo Sùng A V được sử dụng chiếc xe máy nhưng chị không biết việc bị cáo sử dụng chiếc xe máy vào việc phạm tội. Tại giai đoạn điều tra chị S có nguyện vọng được nhận lại chiếc xe máy của mình. Tại phiên tòa chị Giàng Thị S vắng mặt, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 292 của Bộ luật tố tụng hình sự vẫn tiến hành xét xử vụ án. Căn cứ vào khoản 2 Điều 47 của Bộ luật hình sự, Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo và chị Giàng Thị S, trả lại chiếc xe máy và giấy đăng ký xe mô tô cho chị Sáng.

Đối với 01 thẻ ATM, thẻ ngân hàng AGRIBANK, số tài khoản 7807205044453 mang tên Sùng A V, bị cáo đã rút hết tiền và 01 ví da màu đen đã cũ thu giữ của Sùng A V không sử dụng được là vật chứng liên quan đến việc phạm tội, Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự, điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự quyết định tịch thu tiêu hủy.

Đối với 01 chứng minh nhân dân số 040629743 mang tên Sùng A V; 01 giấy phép lái xe mô tô số 120197003146 mang tên Sùng A V là giấy tờ tùy thân của bị cáo, Hội đồng xét xử trả lại cho bị cáo.

Đối với số tiền 19.400.000 (mười chín triệu bốn trăm nghìn) đồng, theo lời khai của bị cáo Sùng A V là số tiền thu lợi bất chính từ việc bán chị P mà đối tượng Thào Seo M chuyển vào tài khoản của V. Bị cáo Sùng A V đã chia cho Giàng A H 5.500.000 đồng, Sùng A C 5.500.000 đồng, còn Sùng A V lấy 8.400.000 đồng. Các bị cáo đã sử dụng hết số tiền 19.400.000 đồng cho mục đích cá nhân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N, tỉnh Điện Biên không thu hồi được số tiền này. Do đó, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Sùng A V phải nộp 8.400.000 đồng, bị cáo Giàng A H phải nộp 5.500.000 đồng, bị cáo Sùng A C phải nộp 5.500.000 đồng vào ngân sách Nhà nước.

Đối với chiếc xe máy nhãn hiệu HONDA, loại xe Wave BLADE màu đỏ đen, biển kiểm soát 27B1 – 98546 thu giữ của Giàng A H, qua điều tra, làm rõ là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp anh Giàng A B là anh trai của bị cáo Giàng A H, do bị cáo không có phương tiện đi lại, anh B đã cho bị cáo mượn sử dụng. Anh B không biết việc bị cáo sử dụng chiếc xe máy của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tại giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N đã trả lại chiếc xe máy cho anh Giàng A B (biên bản trả lại tài sản vào ngày 09/3/2021). Tại phiên tòa anh Páo xác định đã nhận được tài sản của mình và không có yêu cầu, đề nghị gì. Căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử thấy việc xử lý vật chứng đối với chiếc xe máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N là đúng quy định pháp luật nên chấp nhận.

Theo lời khai của bị cáo Sùng A C thì bị cáo đã sử dụng 01 chiếc điện thoại di động để làm phương tiện trao đổi về hành vi phạm tội. Do chiếc điện thoại bị hỏng, bị cáo đã vứt đi, cơ quan điều tra không thu giữ được nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[9] Xét đề nghị của những người bào chữa cho các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C: Tại phiên tòa những người bào chữa cho các bị cáo đều nhất trí với luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát về tội danh, điều luật và mức hình phạt đề nghị áp dụng đối với các bị cáo. Những người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo xuất phát từ một phần từ bị hại và một phần là do các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng sâu vùng xa, không hiểu pháp luật. Đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; đề nghị ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bị cáo và bị hại về trách nhiệm bồi thường dân sự; đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung và miễn án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm cho các bị cáo. Người bào chữa cho bị cáo Sùng A V đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả lại chiếc xe máy cho vợ bị cáo là chị Giàng Thị S vì đây là tài sản riêng của chị Sáng và cũng là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình bị cáo. Xét thấy đề nghị của những người bào chữa cho các bị cáo là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[10] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện N, Kiểm sát viên và những người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Các bị cáo, người bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[11] Theo lời khai của bị cáo Sùng A V và bị hại chị Hạng Thị P thì người đàn ông tên là Thào Seo M là người tiếp nhận chị P từ bị cáo V tại tỉnh Lào Cai. Sau đó, M là người chuyển giao chị P cho 03 người đàn ông Trung Quốc để nhận tiền và chuyển tiền vào tài khoản của Sùng A V. Sau khi chuyển giao chị P cho M, V quay về nhà và không biết M đã chuyển giao chị P cho ai và ở địa điểm nào. Chị P không nhận đạng được Thào Seo M, không biết địa điểm M chuyển giao chị cho 03 người đàn ông Trung Quốc là ở đâu. Cơ quan điều tra không đủ căn cứ xác định nạn nhân là chị P đã bị M đưa ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để chuyển giao và nhận tiền hay chưa, Viện kiểm sát không đề cập xử lý, Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N, tỉnh Điện Biên đã xác minh được nhân thân, lai lịch của Thào Seo M nhưng hiện tại Thào Seo M không có mặt tại địa phương, tại phiên tòa Điều tra viên cho rằng chưa có đủ căn cứ để khởi tố Thào Seo M. Hội đồng xét xử đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N tiếp tục tiến hành điều tra, xác minh và xem xét khởi tố đối với Thào Seo M.

Theo lời khai của bị hại, có 03 người đàn ông Trung Quốc đã tiếp nhận bị hại từ Thào Seo M và bị hại đã tiếp tục bị bán cho 02 người đàn ông Trung Quốc, trong đó 01 người tên là Thào A Ph và 01 người khoảng 37 tuổi. Do bị hại không biết tên tuổi, địa chỉ cụ thể của những người đàn ông này, Cơ quan Cảnh sát điều tra không đủ thông tin để xác minh làm rõ nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét.

[12] Các vấn đề khác:

Đối với việc Sùng A C dẫn chị P đi gặp mặt người đàn ông Trung Quốc tại khu vực gần cửa khẩu MT, huyện P, tỉnh Lai Châu là do chị P tự nguyện đi theo bị cáo để xem mặt người đàn ông đó. Khi chị P không đồng ý lấy ông ta làm chồng, bị cáo C không chuyển giao chị P cho người đàn ông Trung Quốc, các bị cáo cũng không nhận được tiền, tài sản hay lợi ích vật chất từ người đàn ông Trung Quốc này. Do đó Viện kiểm sát cho rằng không có căn cứ xác định các bị cáo thực hiện hành vi mua bán người với người đàn ông Trung Quốc này nên không đề cập xử lý, Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét trong vụ án này.

Đối với việc Giàng A H, Sùng A V đưa chị P đi từ xã L, huyện Kh, tỉnh Lào Cai sang trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa (từ mốc biên giới 112 đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc khoảng 50 mét) là chị P tự nguyện đi theo các bị cáo để xem mặt người đàn ông Trung Quốc. Các bị cáo không những không ép buộc chị P mà còn chống trả người đàn ông Trung Quốc khi ông ta yêu cầu các bị cáo phải ép buộc chị P đi theo ông ta, các bị cáo cũng không nhận tiền, tài sản hay lợi ích vật chất từ người đàn ông Trung Quốc này. Do đó, Viện kiểm sát cho rằng không có căn cứ xác định các bị cáo thực hiện hành vi mua bán người với người đàn ông Trung Quốc nên cũng không thuộc trường hợp “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150 của Bộ luật hình sự nên không đề cập xử lý, Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét trong vụ án này.

Đối với hành vi qua lại biên giới nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trái phép của các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và bị hại Hạng Thị P vào tháng 3/2020, do vụ án phức tạp xảy ra tại nhiều địa phương, quá trình điều tra phải gia hạn, các bị cáo và bị hại chưa bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng đến nay thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết, Viện kiểm sát không đề cập, Hội đồng xét xử không đặt vấn đề xem xét, xử lý.

Về việc Giàng A H bị người đàn ông Trung Quốc đâm bị thương ở vùng bụng, do sợ bị phát hiện hành vi đánh nhau của mình nên bị cáo H đã khai báo với Trung tâm y tế huyện M, tỉnh Điện Biên nguyên nhân vết thương là do trèo cây lấy mật ong và bị ngã vào con dao để ở dưới đất. Bị cáo H không biết nhân thân, lai lịch của người đàn ông Trung Quốc này, đến nay vết thương bị cáo đã khỏi, bị cáo không tiến hành giám định, không đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự đối với người đàn ông này, Hội đồng xét xử không đặt vấn đề xem xét, xử lý.

Các bị cáo, bị hại khai trong quá trình di chuyển đã thuê nhà nghỉ ở khu vực xã T, huyện E, tỉnh Lai Châu và nhà nghỉ ở khu vực cầu L, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, do không có đủ thông tin nên Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh, làm rõ, Hội đồng xét xử không xem xét.

Đối với xe khách mà C và chị P đón từ tỉnh Lai Châu đi tỉnh Lào Cai và người lái xe taxi mà bị cáo C và H thuê từ tỉnh Lào Cai về Trung tâm y tế huyện M, tỉnh Điện Biên khi H bị thương, do không có đủ thông tin để Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh, làm rõ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Theo lời khai của các bị cáo, sau khi Hồng đi taxi về huyện M, tỉnh Điện Biên, Sùng A V đã gửi chiếc xe máy biển kiểm soát 27B1 – 98546 mà H điều khiển, qua xe khách từ tỉnh Lào Cai về huyện M, tỉnh Điện Biên cho H, do không có đủ thông tin về nhà xe để Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh, làm rõ, Hội đồng xét xử không xem xét.

Đối với việc anh Lý A P và anh Hạng A H đi xe máy từ huyện N, tỉnh Điện Biên sang tỉnh Lào Cai để đón chị Hạng Thị P về nhà, tại phiên tòa anh P và anh H vắng mặt nhưng đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên không ảnh hưởng tới việc xét xử. Trong quá trình điều tra, anh P và anh H không có yêu cầu, đề nghị gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[13] Về án phí: Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát, những người bào chữa cho các bị cáo và các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm cho các bị cáo; bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đề nghị miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bị hại do các bị cáo, bị hại đều là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo là dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) sống tại xã K, huyện M, tỉnh Điện Biên; bị hại là dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) sống tại xã T, huyện N, tỉnh Điện Biên là xã có điều kiện - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định miễn án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm cho các bị cáo; miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bị hại.

[14] Về quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, khoản 1 Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 150 của Bộ luật hình sự;

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C phạm tội Mua bán người.

2. Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 150, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 38, Điều 58 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C.

Xử phạt bị cáo Giàng A H 08 (tám) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày 15/8/2020.

Xử phạt bị cáo Sùng A V 08 (tám) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày 13/8/2020.

Xử phạt bị cáo Sùng A C 08 (tám) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày 21/7/2021.

3. Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585, 592, 357 và 468 của Bộ luật Dân sự; Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự, ghi nhận sự thỏa thuận của các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C với bị hại chị Hạng Thị P như sau:

Các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho chị Hạng Thị P số tiền là 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng, trong đó kỷ phần của mỗi bị cáo là 5.000.000 (năm triệu) đồng.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, chị Hạng Thị P có đơn yêu cầu thi hành án, nếu các bị cáo chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

4. Về vật chứng: Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự;

khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Tịch thu tiêu hủy 01 ví da màu đen đã cũ thu giữ của Sùng A V, 01 thẻ ATM (thẻ ngân hàng AGRIBANK) mang tên Sùng A V;

- Tịch thu sung ngân sách nhà nước 01 chiếc điện thoại di động ViVo, màn hình cảm ứng, màu xanh thu giữ của Sùng A V; 01 chiếc điện thoại di động ViVo, màn hình cảm ứng, màu xanh thu giữ của Giàng A H;

- Trả lại cho bị cáo Sùng A V 01 Giấy chứng minh nhân dân số 040629743 mang tên Sùng A V, 01 Giấy phép lái xe mô tô số 120197003146 mang tên Sùng A V.

- Trả lại cho chị Giàng Thị S 01 chiếc xe máy màu đỏ đen, nhãn hiệu HONDA - Wave RSX, loại xe nữ, biển kiểm soát: 27B1 - 85599, số khung 3807KY000735, số máy JA38E0436370 và 01 Giấy đăng ký xe mô tô mang tên Giàng Thị S.

(Vật chứng được niêm phong như biên bản giao, nhận vật chứng ngày 21/4/2021 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N và Chi cục thi hành án dân sự huyện N) - Truy thu của bị cáo Giàng A H số tiền 5.500.000 (năm triệu năm trăm nghìn) đồng, bị cáo Sùng A C số tiền 5.500.000 (năm triệu năm trăm nghìn) đồng, bị cáo Sùng A V 8.400.000 (tám triệu bốn trăm nghìn) đồng sung ngân sách Nhà nước.

5. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự và điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Miễn án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm cho các bị cáo Giàng A H, Sùng A V và Sùng A C; miễn án phí dân sự sơ thẩm cho chị Hạng Thị P.

6. Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331, khoản 1 Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự, các bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, trường hợp vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

294
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2021/HS-ST ngày 21/09/2021 về tội mua bán người

Số hiệu:44/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Nậm Bồ - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về