TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 44/2019/HS-PT NGÀY 24/04/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 23, 24 tháng 4 năm 2019, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử Ph thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 73/2019/TLPT-HS ngày 08 tháng 3 năm 2019 đối với bị cáo Vũ Duy L, do có kháng cáo của bị hại ông Vũ Duy Ph đối với bản án hình sự sơ thẩm số 03/2019/HS-ST ngày 18-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện Gi, tỉnh Hải Dương.
Bị cáo bị kháng cáo: Vũ Duy L, sinh năm 1987, tại xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương. Nơi cư trú: Thôn B, xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương. Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vũ Duy L1 (đã chết) và bà Vũ Thị L2; Có vợ và 02 con; tiền án: không, tiền sự: không. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
Người kháng cáo ( bị hại trong vụ án): Ông Vũ Duy Ph, sinh năm 1958. Địa chỉ: Thôn B, xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương.
Có mặt tại phiên toà.
- Bị đơn dân sự: Bà Vũ Thị L2, sinh năm 1963.
Địa chỉ: Thôn B, xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương. Có mặt tại phiên toà, vắng mặt khi tuyên án.
- Người tham gia tố tụng khác: Người làm chứng:
+ Bà Vũ Thị Tr, sinh năm 1960.
+ Chị Vũ Thị T, sinh năm 1987.
+ Chị Nguyễn Thị Ph1, sinh năm 1993.
+ Anh Vũ Xuân H, sinh năm 1991.
+ Bà Phạm Thị L3, sinh năm 1963.
Đều có địa chỉ: Thôn B, xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương.
+ Bà Vũ Thị Ng, sinh năm 1969.
Địa chỉ: Thôn A, xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương.
+ Anh Vũ Duy Tr1, sinh năm 1971.
Địa chỉ: Thôn M, xã BM, huyện Gi, tỉnh Hải Dương.
Bà L3 có mặt tại phiên tòa, những người làm chứng còn lại vắng mặt tại phiên tòa.
- Điều tra viên: Ông Bùi Quang M1 - Điều tra viên cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Gi, có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
- Cán bộ điều tra: Ông Trần Văn K - Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Gi, có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
- Cán bộ điều tra: Ông Nguyễn Văn D - Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Gi, có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 17 giờ ngày 25/9/2016 bà Vũ Thị Ng, sinh năm 1969, trú tại thôn A, xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương cùng anh trai là Vũ Duy H1, sinh năm 1963, trú tại tỉnh HB đến nhà bà Vũ Thị L2, sinh năm 1963 ở thôn B, xã Kh (là chị dâu ) để thăm bố mẹ đẻ là ông Vũ Duy Th và bà Nguyễn Thị Ng1 (ông Th và bà Ng1 ở cùng khuôn viên đất nhà bà L 2). Do co mâu thuân từ trước nên bà L 2 đã đuổi bà Ng, ông H1 ra khỏi nhà dân đên hai bên xảy ra xô sát, lời qua tiếng lại . Cùng lúc đó Vũ Duy L là con trai bà L2 đi chơi về đến nhà , tiếp tục xô sát với bà Ng và ôn g H1. Thấy vậy, ông Vũ Duy Ph, sinh năm 1958 (là bác ruột L) ở nhà bên cạnh chay sang can ngăn , giưa ông Ph và L tiếp tục xảy ra xô sát , ông Ph dùng gậy dài khoảng 01m đánh vào người L, L nhặt viên gạch đáp về phía ông Ph nhưng không trúng, sau đó anh Vu Duy Tr1 đã can ngăn đưa L vào trong nhà. Ngay sau đo ông Ph dùng gậy vụt nhiều nhát vào người bà L2, bà L2 giơ tay lên đỡ thì bị ông Ph vụt trúng vào cẳng tay trái, khuỷu và bàn tay phải. Do bị đánh nên bà L2 nhặt nửa viên gạch ở dưới đất ném về phía ông Ph làm ông Ph bị thương ở đầu, sau đó được mọi người can ngăn nên ông Ph đi về nhà. Khoảng 10 phút sau, ông Ph đi tư nhà sang hướng cổng nhà bà L 2 câm theo 01 đoạn gậy gỗ dài khoảng 1m, thấy vậy L lấy thanh kiếm tự chế dài 73 cm, đầu nhọn, phần lưỡi bằng kim loại dựng ở góc nhà ra để đánh nhau với ông Ph. Khi L ra ngoài cổng tại vị trí đường 39E thì gặp ông Ph, giữa 2 bên đã lao vào đánh nhau , ông Ph câm gậy vụt L nhưng không trúng, L giơ kiếm chém 02 nhát trúng vào cẳng tay trái ông Ph , sau đó được mọi người can ngăn nên L bỏ về nhà, ông Ph được gia đình đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Gi từ ngày 25/9/2016 đến ngày 05/10/2016. Ông Ph đã có đơn yêu câu khởi tố vụ án hình sự đối với L và bà L2.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 166/TgT ngày 09/01/2017 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đã kêt luân về thương tích của ông Ph:
“ - Vết thương 1/3 dưới cẳng tay trái gây đứt gân cẳng tay, ngón tay, đã mổ xử lý. Hiện để lại sẹo, vận động cổ tay, ngón tay trái hạn chế mức độ ít, đau tại vết thương. Hai sẹo vết thương phần mềm nhỏ vùng kẽ ngón 1,2 và đốt 2 ngón II tay trái. Các tổn thương trên có đặc điểm do vật sắc gây nên. Được xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 10%.
- 01 sẹo vết thương phần mềm vùng đỉnh trái, có đặc điểm do vật tày có cạnh gây ra, được xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 2%”.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 03/2019/HS- ST ngày 18-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện Gi, tỉnh Hải Dương Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b,i,s,h khoản 1 và khoản 2 điều 51; Khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự 2015; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
Tuyên bố: Bị cáo Vũ Duy L phạm tội Cố ý gây thương tích.
Xử phạt bị cáo Vũ Duy L 09 (chín) tháng tù, cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (18/01/2019).
Giao bị cáo Vũ Duy L cho Ủy ban nhân dân xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 (hai) lần trở lên thì Tòa án có thể áp quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án này.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 25/01/2019 bị hại ông Vũ Duy Ph kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm với các nội dung:
- Về phần hình phạt: Hình phạt đối với bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất côn đồ, mức độ nguy hiểm mà bị cáo đã gây ra.
- Tại phiên tòa xét xử lần 2 ngày 18/01/2019 không cho ông được tranh tụng nhiều nội dung.
- Trong phiên tòa xét xử lần 2 không có bút lục hồ sơ gốc của bà Phạm Thị L3 ký với công an huyện Gi ngày 25/9/2016 ( Do ông Vũ Duy H2 - trưởng thôn B đã dẫn, đưa công an huyện Gi đến chụp ảnh vũng máu, lập biên bản hiện trường ghi lời khai tại trong nhà ông Ph, đã được ký kết.
- Hồ sơ không có bút lục ghi rõ lời khai làm việc với ông Vũ Duy H2 với ông Thiếu tá B2 công an huyện Gi; không có bút lục ghi lời khai nhân chứng của ông Vũ Mạnh Đ và ông Vũ Duy B3 làm việc với ông Trung tá Q, cảnh sát điều tra công an huyện, văn bản được ký kết ngày 20/11/2018; không có bút lục làm việc với ông Ph với ông Trung tá Q, cảnh sát điều tra công an huyện Gi ngày 07/11/2018; không có bút lục biên bản làm việc của bà Phạm Thị L3 với ông Trung tá Q, cảnh sát điều tra công an huyện Gi ngày 06/11/2018. Không có kết quả giám định pháp y thương tích của L2 và L thể hiện trong bút lục 114.
- Khi xét xử không đầy đủ tang vật chứng công cụ gây án gồm gậy tre, gậy gỗ, ½ viên gạch nung; chỉ có 01 thanh kiếm đã bị tráo đổi.
- Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Việc không khởi tố đối với Vũ Thị L2 là trái pháp luật vì Vũ Thị L2 có hành vi dùng ½ viên gạch là hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho người khác ( ông Ph) 02% là phạm vào tội quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự ( năm 1999).
- Về trách nhiệm dân sự:
Đề nghị Tòa án buộc bị cáo Vũ Duy L, và bà Vũ Thị L2 phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế mà họ đã gây ra đối với ông Ph, theo bản thống kê thiệt hại mà ông đã gửi Tòa án ngày 12/7/2017.
Do vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo, tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông ( Ph)
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị hại ông Vũ Duy Ph trình bày kháng cáo và giữ nguyên nội dung kháng cáo. Ông khẳng định, chiều tối ngày 25/9/2016, ông không đánh ai mà chỉ bị bà L2 và bị cáo L đánh. Bà L2 cầm gạch đánh chảy máu đầu ông, còn bị cáo L dùng thanh kiếm sáng loáng chém ông tại trong nhà ông.
Bị cáo Vũ Duy L trình bày: Bá L2 ( mẹ bị cáo) có cầm gạch ném chảy máu đầu ông Ph khi ông Ph đang dùng gậy vụt bà L2.
Bị cáo không chém ông Ph tại nhà ông Ph mà khi thấy ông Ph cầm gậy chạy sang thì bị cáo có cầm kiếm tự chế chạy về phía ông Ph, hai người gặp nhau trên đường 39E. Khi ông Ph vụt bị cáo, bị cáo cầm kiếm khua về phía ông Ph và đã gây thương tích cho ông Ph.
Bị cáo nhất trí với tội danh và hình phạt như cấp sơ thẩm đã tuyên; không nhất trí với nội dung kháng cáo của bị hại.
Bà Vũ Thị L2 trình bày: Khi bà cùng L đang đùn đẩy bà Ng, ông H1 ra khỏi khu đất mà bà đang sử dụng thì ông Ph có cầm gậy từ nhà chạy đến vụt vào người L, mọi người can ngăn đẩy L về phía trong nhà thì ông Ph quay sang cầm gậy vụt bà nhiều nhát. Khi đang bị ông Ph vụt, bà có cúi xuống cầm gạch ném làm chảy máu đầu ông Ph. Bà không nhất trí với nội dung kháng cáo của ông Ph.
Người làm chứng bà Phạm Thị L3 trình bày: Bị cáo L cầm 01 thanh kiếm sáng loáng chém ông Ph tại nhà ông Ph. Sau khi sự việc xảy ra, ông Vũ Duy H2 có dẫn 01 người đến nhà bà giới thiệu là công an huyện Gi, người này mặc quân phục, bà không biết tên, có chụp ảnh vũng máu, lập biên bản và bà có ký biên bản đó.
Ông Bùi Quang M1 trình bày: Khi được giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc thì không có bản ảnh chụp vết máu tại nhà bà L3, ông Ph, không có biên bản hiện trường ghi lời khai tại nhà ông Ph như ông Ph trình bày. Đối với vật chứng của vụ án, quá trình điều có thu giữ 01 thanh kiếm do bị can L giao nộp, đối với 02 chiếc gậy và ½ viên gạch , có truy tìm nhưng không thấy, không thu giữ được. Đối với những lời khai người làm chứng mà ông Ph cho rằng biên bản ghi lời khai có nhiều mầu thuẫn, chưa rõ ràng, là do những người làm chứng trình bày, điều tra viên đã ghi chép một cách trung thực, khách quan lời trình bày đó. Ông M1 khẳng định mọi chứng cứ đều được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục quy định và cơ quan điều tra, điều tra viên không bỏ sót tài liệu, chứng cứ nào khỏi hồ sơ vụ án.
Cán bộ điều tra ông Trần Văn K, Nguyễn Văn D đều trình bày: Chiều tối 25/9/2016 trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hai ông có mặt tại hiện trường nơi xẩy ra xô xát liên quan đến bị cáo L, ông Ph, bà L2 nhưng hai ông đều không vào nhà bà L3, không chụp ảnh hiện trường, không làm việc với bà L3.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hải Dương tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:
Không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bị hại ông Vũ Duy Ph, cần giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 03/2019/HS-ST ngày 18-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện Gi.
Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận, do vậy người kháng cáo phải chịu án phí HSPT theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của kháng cáo: Kháng cáo của bị hại trong thời gian luật định nên là kháng cáo hợp lệ, được cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, vắng mặt một số người làm chứng, tuy nhiên sự vắng mặt này không ảnh H1 đến việc xét xử phúc thẩm nên HĐXX tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2]. Căn cứ lời nhận tội của bị cáo, bị hại, người làm chứng, vật chứng thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận:
Vào khoảng 17 giờ ngày 25/9/2016, do mâu thuẫn gia đình, tại gia đình bà Vũ Thị L2 ở thôn B, xã Kh đã xảy ra việc to tiếng, đùn đẩy nhau giữa bà Vũ Thị Ng với bà Vũ Thị L2 và Vũ Duy L. Ông Ph đứng ở nhà mình, bên cạnh nhà bà L2 chứng kiến sự việc mâu thuẫn đó, đã dùng từ ngữ mang tính xúc phạm đối với mẹ con bà L2. Sau đó ông Ph cầm gậy đi sang nhà bà L2. Tại đây, ông Ph cầm gậy đánh L, bị L ném gạch lại nhưng không trúng. Anh Vũ Duy Tr1 vào can, đẩy L vào trong khu gian bếp thì ông Ph lại quay ra dùng gậy vụt bà L2. Trong lúc bị đánh, bà L2 đã cúi xuống nhặt nửa viên gạch đáp vào đầu ông Ph, gây thương tích cho ông Ph với tỉ lệ tổn hại sức khỏe 2%. Ông Ph ôm đầu đi về nhà, nhưng sau đó, lại cầm theo 01 cây gậy bằng gỗ đi từ nhà ông hướng sang nhà bà L2. Lúc này Vũ Duy L ngồi ở nhà nhìn thấy, sẵn đang bực tức, L cho rằng ông Ph cầm gậy sang để đánh mẹ con L, nên Vũ Duy L đã cầm theo cây kiếm đi ra khỏi nhà và hướng sang nhà ông Ph, hai bên gặp nhau ở đoạn đường tỉnh lộ 39E đoạn ở giữa hai nhà thì hai bên lao vào đánh nhau, ông Ph cầm gậy vụt, còn L cầm kiếm chém 02 nhát trúng vào cẳng tay trái của ông Ph, khiến ông Ph bị thương tích với tỉ lệ tổn hại sức khỏe 10%.
Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội: Cố ý gây thương tích, theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị về tội danh.
[3] Xét kháng cáo của bị hại
[3.1] Nội dung kháng cáo cho rằng hình phạt áp dụng đối với bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất côn đồ, mức độ nguy hiểm mà bị cáo đã gây ra, HĐXX thấy:
Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; gây tổn hại sức khỏe với tỉ lệ 10% cho bị hại nhưng vì sử dụng hung khí nguy hiểm, nên phạm tội theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, do đó hành vi của bị cáo thuộc trường hợp gây thiệt hại không lớn; bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại tổng số tiền là 15.200.000 đồng; bị cáo là người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng ông nội là ông Vũ Duy Th là người có công với nước, được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì quy định tại các điểm b, i, s, h khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
Việc bị cáo gây thương tích cho ông Ph xuất phát từ mâu thuân âm ỉ có từ trước giữa hai bên, mặt khác trước khi bị cáo thực hiện hành vi gây thương tích cho ông Ph ngoài đường 39E, thì ông Ph cũng đã có lời nói xúc phạm đến bị cáo và mẹ bị cáo; sử dụng gậy đánh bị cáo và mẹ bị cáo. Sau đó, tại đoạn đường 39E chính ông Ph cũng sử dụng gậy để đánh nhau với bị cáo. Do vậy, việc bị cáo gây thương tích cho ông Ph không phải là vô cớ hay xuất phát từ nguyên cớ nhỏ nhặt, nên không phải chịu tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Việc bị cáo dùng kiếm là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác, tuy nhiên, vết thương chỉ ở phần tay người bị hại và có tỷ lệ tổn thương sức khỏe dưới 11%.
Cấp sơ thẩm đã phân tích và áp dụng đúng, đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đánh giá đúng về nhân thân, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội từ đó xử phạt bị cáo 09 (chín) tháng tù và cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 18 (mười tám) là có căn cứ, phù hợp với pháp luật.
[3.2]. Nội dung kháng cáo về những vi phạm: Điều tra viên không đưa một số tài liệu, bút lục vào hồ sơ vụ án; khi xét xử lần 2 phiên tòa ngày 18/01/2019 đã căt bỏ , bỏ qua không cho ông Ph tranh tụng nhiều nội dung; khi xét xử và tuyên án không có đầy đủ vật chứng, công cụ gây án HĐXX thấy:
- Ông Ph có ý kiến về hành vi tố tụng của điều tra viên không đưa tài liệu, chứng cứ thu thập được vào trong hồ sơ vụ án, hành vi mạo dựng tài liệu chứng cứ và đã có đơn tố cáo đến công an huyện Gi. Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an huyện Gi đã giải quyết tố cáo của ông Ph và bác các nội dung tố cáo của ông Ph, quyết định giải quyết tố cáo đã có hiệu lực.
Tại phiên tòa, Điều tra viên ông Bùi Quang M1 khẳng định mọi chứng cứ đều được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục quy định và cơ quan điều tra, điều tra viên không bỏ sót tài liệu, chứng cứ nào khỏi hồ sơ vụ án.
Cán bộ điều tra ông Trần Văn K, ông Nguyễn Văn D đều xác định hai ông có mặt tại hiện trường nơi xẩy ra xô xát liên quan đến bị cáo L, ông Ph, bà L2 chiều tối ngày 25/9/2016 nhưng không có việc vào nhà bà L3, ông Ph chụp ảnh hiện trường, không làm việc với bà L3.
Ông Ph có ý kiến về hành vi tố tụng của Điều tra viên là không hợp pháp, nhưng lại không đưa thêm được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho quan điểm của mình, nên có đủ căn cứ khẳng định hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện hợp pháp.
- Về quyền tranh luận của ông Ph tại phiên tòa cấp sơ thẩm:
Biên bản phiên tòa ngày 18/01/2019 thể hiện việc ông Ph thực hiện quyền tranh luận của mình tại phiên tòa về các nội dung liên quan đến vụ án.
- Về nội dung khi xét xử không có đầy đủ vật chứng, công cụ gây án tại phiên tòa:
Quá trình điều tra vụ án chỉ thu giữ được 01 thanh kiếm do bị cáo giao nộp và bị cáo khẳng định đây là công cụ bị cáo dùng để gây thương tích cho ông Ph; không thu giữ được 02 gậy, ½ viên gạch mặc dù Cơ quan điều tra đã truy tìm nhưng không có kết quả. Nên không có vật chứng xem xét tại phiên tòa.
- Về nội dung: Không có Kết luận giám định thương tích đối với bà L2 và bị cáo L.
Sau khi việc xô xát xẩy ra và trong quá trình điều tra vụ án, bà Vũ Thị L2 và bị cáo Vũ Duy L đã từ chối yêu cầu giám định thương tích nên cơ quan có thẩm quyền không giám định tỷ lệ thương tích đối với bà L2 và L. Do vậy, trong hồ sơ vụ án không có kết luận giám định thương tích đối với bị cáo L và bà L2.
[3.3] Về nội dung kháng cáo có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với bà Vũ Thị L2 có hành vi dùng ½ viên gạch là hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho người khác HĐXX thấy:
Căn cứ lời khai của bà L2, bị cáo L, lời khai của những người làm chứng bà Vũ Thị Ng, bà Vũ Thị Tr, anh Vũ Xuân H, anh Vũ Duy Tr1, căn cứ Bệnh án của Bệnh viện đa khoa huyện Gi , kết luận giám định đối với ông Ph xác định: Khi chứng kiến việc giữa Bà L2 và L đang đùn đẩy bà Ng ra khỏi cổng sau (ông Th và bà Ng1 ở cùng khuôn viên đất nhà bà L 2) thì ông Ph đứng ở tầng hai nhà mình có lời nói mang tính xúc phạm đối với mẹ con bà L2 rồi sau đó chạy sang, có cầm gậy vụt vào người L nhưng được mọi người can đẩy L vào nhà thì ông Ph quay sang vụt bà L2 nhiều nhát. Khi đang bị ông Ph vụt, bà L2 có cầm gạch ném chảy máu đầu ông Ph. Hậu quả: bà L2 bị bầm tím ở hai tay. Ông Ph bị thương tích ở đầu, tổn thương 02% sức khỏe.
Như vậy, bà L2 không tự nhiên, vô cớ ném gạch, gây thương tích cho ông Ph. Bà chỉ gây thương tích cho ông Ph khi đang bị ông Ph dùng gậy vụt vào người. Hành vi của bà L2 là tự vệ để ngăn chặn, hạn chế và chống lại sự tấn công từ phía ông Ph nhằm bảo vệ sức khỏe của mình. Nhưng việc bà L2 dùng ½ viên gạch ném vào đầu ông Ph rõ ràng là vượt quá mức cần thiết, không tương xứng với tính chất và mức độ tấn công, là trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Hành vi cố ý gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng của bà L2 gây tổn thương sức khỏe 02% cho ông Ph chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, hành vi của bà L2 được thực hiện trước và độc lập với hành vi của bị cáo L, nên bà L2 không phải cùng chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của bị cáo L gây thương tích cho ông Ph.
Đối với hành vi của bà L2, Cơ quan điều tra không xử lý về hình sự mà xử lý vi phạm hành chính là có cơ sở pháp luật.
[3.4] Về trách nhiệm dân sự:
Ông Ph yêu cầu bị cáo L và bà Vũ Thị L2 phải bồi thường cho ông các khoản theo bản thống kê ông đã nộp cho Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương ngày 12/7/2017, cụ thể các khoản bồi thường mà ông Ph yêu cầu là:
- Chi phí hợp lý cho cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, gồm: Tiền viện phí là 213.000 đồng Tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe trong thời gian 3 tháng (90 ngày) với chi phí bình quân một ngày là 150.000 đồng (gồm tiền thuốc và tiền ăn uống bồi dưỡng) là: 150.000 đồng/ngày, tổng là 150.000 x 90 = 13.500.000 đồng.
- Khoản thu nhập thực tế bị mất/giảm sút: trong thời gian điều trị, phục hồi sức khỏe là 168 ngày, gồm 10 ngày nằm viện và 6 tháng phục hồi sức khỏe tại nhà, ông Ph bị mất thu nhập từ việc đi làm thêm theo mức thu nhập bình quân đầu người tại địa phương là 89.000 đồng/ ngày. Tổng thu nhập bị mất là 168 ngày x 89.000 đồng/ ngày = 14.952.000 đồng.
- Khoản chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị của người chăm sóc: Bà Phạm Thị L3 là vợ ông Ph chăm sóc ông trong thời gian điều trị tại bệnh viện (10 ngày) và 3 tháng phục hồi sức khỏe tại nhà, chi phí và thu nhập bị mất như sau:
+ 10 ngày tại viện hết: 10 ngày x 200.000 đồng/ngày = 2.000.000 đồng.
+ 3 tháng ở nhà hết: 90 ngày x 100.000 đồng/ngày = 9.000.000 đồng.
Tổng là 11.000.000 đồng.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm: tương đương với 20 tháng lương tối thiểu. Mặc dù lương tối thiểu tại thời điểm xét xử lần này là 1.390.000 đồng/tháng, nhưng ông Ph tự nguyện xác định mức lương tối thiểu theo lần xét xử sơ thẩm lần đầu năm 2017 là 1.210.000 đồng. Do vậy, khoản bù đắp tinh thần ông yêu cầu được bồi thường là 20 x 1.210.000 = 24.200.000 đồng.
Tổng cộng yêu cầu bồi thường: 63.865.000 đồng. HĐXX thấy:
Cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ, lời khai liên quan đến yêu cầu bồi thường của ông Ph một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, từ đó xác định thiệt hại và chấp nhận các khoản yêu cầu bồi thường của ông Ph gồm:
- Tiền viện phí 213.000 đồng
- Khoản thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị: là 10 ngày x 89.000 đồng/ngày = 890.000 đồng.
- Khoản chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị của người chăm sóc: Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất trong thời gian chăm sóc ông Ph 10 ngày ở bệnh viện của người chăm sóc (bà L3) là 10 ngày x 89.000 đồng/ngày = 890.000 đồng.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm: bằng 8 tháng x 1.210.000 đồng = 9.680.000 đồng.
Tổng các khoản thiệt hại được xác định của ông Ph là 11.673.000 đồng.
Các yêu cầu bồi thường khác của ông Ph không có căn cứ nên không được chấp nhận.
Cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo L phải bồi thường cho ông Ph số tiền là (11.673.000 đồng : 12% )x 10%= 9.727.500 đồng; buộc bà Lý phải bồi thường cho ông Ph số tiền là (11.673.000 đồng : 12%) x 2% = 1.945.500 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.
Bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho ông Ph bằng việc nộp tiền tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Gi là 15.200.000 đồng. Do vậy, cần chấp nhận sự tự nguyện của bị cáo về việc bồi thường cho ông Vũ Duy Ph tổng số tiền là 15.200.000 đồng và xác định bị cáo đã bồi thường xong cho ông Ph số tiền này.
Từ những phân tích trên, HĐXX thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị hại ông Vũ Duy Ph, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2019/HS- ST ngày 18-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện Gi, tỉnh Hải Dương.
[4] Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo không được chấp nhận tuy nhiên ông Ph là người trên 60 tuổi, đồng thời là người yêu cầu bồi thường về sức khỏe nên được miễn án phí phúc thẩm theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[5] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị HĐXX không xem xét và có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự;
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị hại ông Vũ Duy Ph; Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2019/HS- ST ngày 18-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện Gi, tỉnh Hải Dương.
2. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b,i,s,h khoản 1 và khoản 2 điều 51; Khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự 2015; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Xử:
- Tuyên bố: Bị cáo Vũ Duy L phạm tội Cố ý gây thương tích.
Xử phạt bị cáo Vũ Duy L 09 (chín) tháng tù, cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (18/01/2019).
Giao bị cáo Vũ Duy L cho Ủy ban nhân dân xã Kh, huyện Gi, tỉnh Hải Dương giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 (hai) lần trở lên thì Tòa án có thể áp quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án này.
- Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Căn cứ vào Điều 604, 609 Bộ luật dân sự 2005; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015;
Chấp nhận sự tự nguyện của bị cáo Vũ Duy L về việc bồi thường do gây thiệt hại về sức khỏe cho ông Vũ Duy Ph các khoản gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, khoản thu nhập bị mất của ông Ph trong thời gian điều trị; khoản thu nhập bị mất của người chăm sóc ông Ph trong thời gian điều trị; khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho ông Ph với tổng số tiền là 15.200.000 đồng. Đối trừ với tổng số tiền 15.200.000 đồng bị cáo đã nộp để bồi thường tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Gi, theo biên lai thu tiền số AA/2011/0004121 ngày 08/5/2017 và AA/2011/0004171 ngày 17/01/2019, xác định bị cáo đã bồi thường xong khoản tiền trên.
Ông Ph có quyền làm đơn yêu cầu đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gi để nhận khoản tiền trên.
Buộc bà Vũ Thị L2 phải bồi thường do gây thiệt hại về sức khỏe cho ông Vũ Duy Ph các khoản gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, khoản thu nhập bị mất của ông Ph trong thời gian điều trị; khoản thu nhập bị mất của người chăm sóc ông Ph trong thời gian điều trị; khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho ông Ph với tổng số tiền là 1.945.500 (một triệu chín trăm bốn mươi lăm nghìn năm trăm) đồng.
Kể từ ngày ông Vũ Duy Ph có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Vũ Thị L2 không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bồi thường, thì hàng tháng phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
- Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp:
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; điểm a,c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự;
Tịch thu tiêu hủy số 01 chiếc kiếm là vật chứng của vụ án hiện đang được quản lý tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Gi có đặc điểm dài 73 cm, phần lưỡi bằng kim loại dài 60 cm, phần chuôi bằng gỗ dài 13 cm, bản kiếm rộng 4 cm, phần lưỡi kiếm có màu han rỉ (theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 12/4/2017 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Gi với Chi cục thi hành án dân sự huyện Gi).
- Về án phí sơ thẩm:
Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.
Buộc bị cáo Vũ Duy L phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Buộc bà Vũ Thị L2 phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
- Án phí phúc thẩm: Miễn án phí HSTP, DSPT đối với bị hại ông Vũ Duy Ph.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án phúc thẩm 24/4/2019./.
Bản án 44/2019/HS-PT ngày 24/04/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 44/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về