TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 44/2018/HS-ST NGÀY 24/10/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 24 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 41/2018/TLST-HS ngày 29/8/2018, đối với bị cáo:
Họ và tên: Mạc Xuân T, sinh năm 1993 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Buôn R, xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 6/12; giới tính: Nam; dân tộc: Thái; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mạc Văn T (đã chết) và bà Hà Thị X; bị cáo có vợ là Hà Thị B và 02 con, con lớn sinh năm 2015, con nhỏ sinh năm 2017; tiền sự, tiền án: Không; bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/4/2018, hiện đang tạm giam, có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Mạc Xuân T: Bà Nguyễn Thị X - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đ; địa chỉ: Đường L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
Người bị hại: Ông Mạc Văn T1 (đã chết).
Người đại diện hợp pháp của người bị hại:
1. Ông Mạc Xuân T2, sinh năm: 1991; nơi cư trú: Buôn R, xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, là con của bị hại, có mặt.
2. Bà Hà Thị X, sinh năm: 1971; nơi cư trú: Buôn R, xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, là vợ của bị hại, vắng mặt.
3. Bà Mạc Thị C, sinh năm : 1997; nơi cư trú: Làng C, xã T, huyện Q, tỉnh Thanh Hóa, là con của bị hại, vắng mặt.
Bà Hà Thị X và bà Mạc Thị C đã ủy quyền cho ông Mạc Xuân T2 tham gia tố tụng (Văn bản ủy quyền ngày 14/5/2018).
Người làm chứng:
1. Bà Hà Thị B, sinh năm 1998; địa chỉ: Buôn R, xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
2. Anh Lương Văn C, sinh năm 1972; địa chỉ: Buôn R, xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
3. Bà Nguyễn Thị N; địa chỉ: Buôn R, xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
4. Chị Phạm Thị Th; địa chỉ: Buôn R, xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dungvụ án được tóm tắt như sau:
Vào sáng ngày 10/4/2018, ông Mạc Văn T1 và vợ là Hà Thị X cùng con trai và con dâu là Mạc Xuân T2 và V đi đến nhà anh Lương Văn N, cùng trú tại Buôn R, để ăn cúng vía hàng năm theo phong tục người dân tộc Thái. Tại đây, ông T1 cùng mọi người uống rượu đến 13 giờ cùng ngày thì cùng bà X về nhà, ông T1 mang theo 0,5 lít rượu về nhà để uống. Sau khi uống rượu xong thì ông T1 chửi bới và đuổi đánh đập bà X nhưng bà X chạy vào vườn cà phê gần nhà để trốn. Tiếp đó, ông T1 cầm một chiếc bồ cào đi sang nhà con trai là Mạc Xuân T ở gần đó chửi bới, nhưng không có T ở nhà mà chỉ có chị Hà Thị B, là vợ của T ở nhà. Lúc này, chị B bế con sang nhà chị Phạm Thị Th, là hàng xóm để trốn, còn ông T1 dùng bồ cào bổ vào nhà T, làm thủng tấm tôn thưng làm vách nhà và đập phá vỡ một số đồ đạc trong nhà T. Chị B nhờ chị Th gọi điện thoại cho chồng là Mạc Xuân T, nhưng T không nghe máy, nên chị Th nói chị V gọi thì T nghe điện thoại và biết việc ông T1 sang nhà chửi bới và quậy phá. Sau khi nghe tin và biết sự việc thì Mạc Xuân T điều khiển xe máy đi về nhà mình rồi đi bộ sang nhà ông T1 để hỏi sự việc vì sao ông T1 sang nhà mình chửi bới và đập phá đồ đạc trong nhà, khi đến nhà thì bị ông T1 cầm bồ cào từ trong nhà đi ra đuổi T, nên T chạy về nhà. Khi vào nhà thì T thấy đồ đạc trong nhà bị đổ vỡ và rơi xuống đất nên T bực tức cầm dao sang nhà ông T1 để hỏi tiếp tại sao ông T1 đập phá nhà T. Khi đi đến cổng, ông T1 tiếp tục cầm bồ cào đi ra đuổi đánh T, thì T đi lùi lại được khoảng 03 mét và quay người bỏ chạy. Ông T1 tiếp tục đuổi theo và lúc này khoảng cách giữa T với ông T1 là khoảng 03 mét, thì T cầm dao bằng tay phải đưa lên ngang ngực, rồi vặn người về bên phải ném con dao về phía ông T1 và đã trúng vào vùng bẹn bụng bên phải người ông T1, rồi bỏ chạy về nhà. Ông T1 đuổi theo thêm một đoạn đường thì ngã gục xuống đường, thấy ông T1 gục ngã thì T gọi điện thoại cho anh trai là Mạc Xuân T2 về đưa ông T1 đi cấp cứu. Ông T1 được mọi người đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã B, huyện L, nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong ngay sau đó. Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày Mạc Xuân T đã đến Công an xã B đầu thú. Kết quả khám nghiệm tử thi:
Khám ngoài: Đầu, mặt, cổ: Mắt nhắm, miệng ngậm. Niêm mạc mắt, niêm mạc môi nhợt nhạt; ngực, lưng, bụng: Vùng hố chậu phải cách đường giữa 10cm, cách gót chân phải 83cm có vết thương rách da hình cung hướng xuống dưới, dây cung dài 04cm, bờ mép sắc gọn, vuốt đuôi chuột hướng về bên phải, mép trái vết thương có vết tỳ đè khô da kích thước 0,9cm x 0,7cm, chiều hướng vết thương chếch từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, từ trước ra sau; tứ chi: Các đầu ngón tay tái nhợt.
Mổ tử thi: Bộc lộ vào bụng thấy khoang bụng không chứa máu. Các cơ quan gan, thận, ruột, dạ dày không phát hiện tổn thương. Tại hố chậu phải, vùng ống bẹn phát hiện bầm tụ máu lan rộng trong tổ chức cơ, động mạch chậu ngoài phải bị đứt gần toàn bộ thành trước và bên phải kích thước 1,5cm x 01cm, vết đứt sắc gọn. Từ vết thương vùng bẹn tới sau động mạch chậu ngoài phải có độ sâu 04cm. Hệ thống động mạch không phát hiện còn máu bên trong.
Tại Kết luận giám định pháp y tử thi số 399/GĐPY ngày 24/4/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: 1. Nguyên nhân tử vong của ông Mạc Văn T1 là: Vết thương bẹn bụng phải gây đứt động mạch chậu ngoài phải dẫn đến choáng mất máu cấp, suy tuần hoàn không hồi phục; 2. Cơ chế hình thành vết thương: Vết thương vùng bẹn bụng phải ông Mạc Văn T1 được tạo thành do vật cứng, có cạnh sắc, mũi nhọn tác động, có hướng chếch từ trên xuống dưới và từ trước ra sau.
Bản Cáo trạng số 43/CT-VKS-P2 ngày 27/8/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã truy tố bị cáo Mạc Xuân T về tội: “Giết người” theo điểm đ khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự 2015.
Kết quả xét hỏi tại phiên tòa bị cáo Mạc Xuân T khai nhận: Ông Mạc Văn T1 là cha đẻ của bị cáo, trong cuộc sống hàng ngày thì ông T1 thường hay uống rượu say, đập phá đồ đạc và chửi bới vợ con. Vào khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 10/4/2018, ông Mạc Văn T1 sang nhà bị cáo chửi bới, dùng bồ cào đập phá nhà và đồ đạc trong nhà của bị cáo, nên vợ bị cáo chạy sang nhà hàng xóm để trốn và nhờ người báo cho bị cáo biết. Bị cáo đi về và sang nhà cha bị cáo để hỏi lý do tại sao lại đập phá nhà bị cáo, thì bị ông T1 cầm bồ cào đuổi đánh, bị cáo về nhà lấy 01 con dao nhọn, dài khoảng 44cm, rồi tiếp tục đi sang nhà ông T1, khi đi đến cổng thì ông T1 tiếp tục cầm bồ cào đuổi đánh nên bị cáo quay người bỏ chạy. Ông T1 đuổi theo và cách bị cáo khoảng 03 mét, do tức giận vì bị ông T1 đuổi đánh, nên bị cáo đã cầm dao bằng tay phải, quay người lại và ném dao về phía ông T1, thì đã trúng vào vùng bẹn bụng bên phải của ông T1, hậu quả làm cho ông T1 bị tử vong.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, giữ nguyên quyết định truy tố như Cáo trạng và khẳng định hành vi của bị cáo Mạc Xuân T đã phạm tội “Giết người” theo điểm đ khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 2015; về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo đã tác động gia đình bồi thường một phần tiền để lo chi phí mai táng cho người bị hại; bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã đến cơ quan công an đầu thú; bị cáo là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật có phần hạn chế; người đại diện hợp pháp của bị hại đã bãi nại đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 123; điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Mạc Xuân T mức án từ 12 năm đến 13 năm tù. Về trách nhiệm dân sự: Đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường gì thêm, nên không đặt ra để giải quyết.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tịch thu tiêu huỷ vật chứng gồm: 01 con dao bằng kim loại dài 44,5cm; 01 chiếc cào dài 58cm, cán bằng gỗ đã bị gãy; 01 chiếc quần đùi màu đen - đỏ.
Người bào chữa cho bị cáo trình bày quan điểm bào chữa cho rằng: ViệcViện kiểm sát truy tố bị cáo Mạc Xuân T về tội “Giết người” theo điểm đ khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 2015, là chưa phù hợp và mức hình phạt là quá nghiêm khắc. Vì khi thực hiện hành vi ném dao về phía bị hại, bị cáo không ý thức được sẽ gây nên cái chết cho ông T1, nguyên nhân ông T1 chết là do con dao bị cáo ném vào vị trí động mạch, mất máu nhiều và không được cấp cứu kịp thời, nếu con dao trúng vào bộ phận khác thì sẽ không dẫn đến cái chết của ông T1. Do đó hành vi của bị cáo là hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, nên bị cáo chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 của Bộ luật hình sự. Đồng thời bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Đã tự nguyện tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại; bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo là người dân tộc thiểu số khả năng nhận thức pháp luật còn hạn chế, được đại diện hợp pháp của bị hại bãi nại. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và áp dụng Điều 54 của Bộ luật hình sự, xử bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định. Bị cáo Mạc Xuân T đồng ý với phần bào chữa của người bào chữa và không có ý kiến tranh luận gì, bào chữa gì thêm.
Người đại diện hợp pháp của bị hại trình bày ý kiến xác định: Nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội cũng do lỗi một phần do ông Mạc Văn T1 gây ra; ông T1 khi uống rượu vào thì hay chửi bới và đuổi đánh vợ con, nên khi bị đuổi đánh bị cáo bực tức đã ném dao trúng vùng nguy hiểm làm ông T1 tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, vợ bị cáo đã góp một phần tiền để lo chi phí mai táng cho ông T1, do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Qua tranh luận, đối đáp, đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa cho bị cáo, và bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến như đã trình bày trên.
Bị cáo nói lời sau cùng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo, bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại không có ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Lời khai của bị cáo Mạc Xuân T tại phiên tòa là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người làm chứng và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án.
[3] Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về tội danh truy tố và ý kiến luận tội đối với bị cáo là có căn cứ, phù hợp với pháp luật. Đối với ý kiến bào chữa của người bào chữa cho bị cáo về các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là có căn cứ, nên cần chấp nhận. Đối với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo cho rằng khi thực hiện hành vi ném dao về phía bị hại, bị cáo không ý thức được sẽ gây nên cái chết cho ông T1 và nguyên nhân ông T1 chết là do bị mất máu nhiều và không được cấp cứu kịp thời, nên bị cáo chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 của Bộ luật hình sự, là không có căn cứ, bởi lẽ: Con dao bị cáo sử dụng ném ông T1 là loại dao sắc, nhọn, bị cáo đã hướng về phía người bị hại để ném dao và bị cáo nhận thức rõ hành vi ném dao như vậy nếu trúng vào vị trí nguy hiểm thì có thể gây nên hậu quả chết người, mặc dù bị cáo không mong muốn gây nên cái chết cho bị hại nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra; bị cáo đã phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và hành vi của bị cáo đã làm cho ông T1 tử vong, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả đã gây ra.
[4] Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Bị cáo và người bị hại ông Mạc Văn T1 có quan hệ cha đẻ và con ruột với nhau, mặc dù bị cáo đã có gia đình và ra ở riêng nhưng cha bị cáo thường hay uống rượu say và đập phá đồ đạc, chửi bới vợ con. Vào khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 10/4/2018, khi nghe tin ông T1 uống rượu say và sang nhà bị cáo chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà, bị cáo đã về và đến nhà ông T1 để hỏi lý do, thì bị ông T1 cầm bồ cào đuổi đánh. Sau đó, bị cáo đi về nhà lấy 01 con dao nhọn, dài khoảng 44cm, rồi tiếp tục đi sang nhà ông T1, khi đi đến cổng thì ông T1 tiếp tục cầm bồ cào đuổi đánh nên bị cáo quay người bỏ chạy, lúc này khoảng cách giữa bị cáo với ông T1 là khoảng 03 mét, do tức giận vì bị ông T1 đuổi đánh, nên bị cáo đã cầm dao bằng tay phải, quay người lại và ném dao về phía ông T1, thì con dao đã trúng vào vùng bẹn bụng bên phải của ông T1, hậu quả làm cho ông T1 bị tử vong. Do đó, hành vi của bị cáo Mạc Xuân T đã phạm tội “Giết người” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tại Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
Bị cáo là công dân đã trưởng thành, có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của bản thân trong cuộc sống, bị cáo biết được rằng tính mạng của con người là vốn quý và được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi trái pháp luật xâm phạm, tước đoạt tính mạng của người khác đều sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, song xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt gia đình và do bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại đã chửi bới, đập phá nhà bị cáo và đuổi đánh bị cáo, nên bị cáo đã không là chủ được bản thân và đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội.
Tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã tước đoạt tính mạng của người bị hại, gây đau thương mất mát lớn cho gia đình người bị hại, đồng thời còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an chung của xã hội. Do đó bị cáo phải chịu tránh nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đã gây ra và cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo với xã hội một thời gian nhất định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do bị cáo đã gây ra. Như vậy mới đảm bảo được việc cải tạo, giáo dục bị cáo và đảm bảo tác dụng răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
[5] Về tình tiết giảm nhẹ: Sau khi phạm tội, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường một phần tiền để lo chi phí mai táng cho người bị hại; bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã chủ động đến cơ quan công an đầu thú; bị cáo là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật có phần hạn chế, đồng thời người đại diện hợp pháp của bị hại đã bãi nại, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm b, e, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, nên Hội đồng xét xử cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo và áp dụng Điều 54 của Bộ luật hình sự, quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo, là phù hợp với quy định của pháp luật.
[6] Về xử lý vật chứng: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ vật chứng gồm: 01 con dao bằng kim loại có chiều dài 44,5cm, trong đó cán dao bằng gỗ dài 13,5cm, cán dao tròn, phía cuối cán dao hình tròn nhỏ hơn dài 3,5cm, phía tiếp giáp cán dao và lưỡi dao được bọc bằng kim loại màu trắng dài 3,5cm, lưỡi dao bằng kim loại màu đen chiều dài 31cm, mũi dao nhọn, bề mặt lưỡi dao chỗ nhỏ nhất là 02cm, chỗ lớn nhất 4,5cm; 01 chiếc cào dài 58cm, cán bằng gỗ đã bị gãy, đường kính nơi rộng nhất của cán cào rộng 4,5cm, phần lưỡi cào bằng sắt rộng 40cm, có 10 răng, mỗi răng dài 10,5cm; 01 chiếc quần đùi màu đen - đỏ, tại vị trí cách đường chỉ giữa 10cm, cách lưng quần phải 03cm có 01 vết rách vải nằm ngang hình cung hướng dây lên trên, dây cung dài 03cm, bờ mép sắc gọn. Xét thấy, đây là vật chứng của vụ án và không có giá trị sử dụng, nên cần tịch thu tiêu hủy là đúng đắn.
[7] Về bồi thường thiệt hại: Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm khoản thiệt hại nào. Xét thấy, ý kiến của người đại diện hợp pháp của bị hại là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử không đặt ra để giải quyết.
[6] Về án phí:
Bị cáo Mạc Xuân T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định, tuy nhiên bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại xã B, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên được miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Tuyên bố: Bị cáo Mạc Xuân T phạm tội “Giết người”.
Áp dụng: Điểm đ khoản 1 Điều 123; các điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt: Bị cáo Mạc Xuân T 11 (mười một) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam, ngày 10/4/2018.
[2] Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 2015; điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Tịch thu tiêu hủy vật chứng của vụ án gồm: 01 con dao bằng kim loại có chiều dài 44,5cm, trong đó cán dao bằng gỗ dài 13,5cm, cán dao tròn, phía cuối cán dao hình tròn nhỏ hơn dài 3,5cm, phía tiếp giáp cán dao và lưỡi dao được bọc bằng kim loại màu trắng dài 3,5cm, lưỡi dao bằng kim loại màu đen chiều dài 31cm, mũi dao nhọn, bề mặt lưỡi dao chỗ nhỏ nhất là 02cm, chỗ lớn nhất 4,5cm; 01 chiếc cào dài 58cm, cán bằng gỗ đã bị gãy, đường kính nơi rộng nhất của cán cào rộng 4,5cm, phần lưỡi cào bằng sắt rộng 40cm, có 10 răng, mỗi răng dài 10,5cm; 01 chiếc quần đùi màu đen - đỏ, tại vị trí cách đường chỉ giữa 10cm, cách lưng quần phải 03cm có 01 vết rách vải nằm ngang hình cung hướng dây lên trên, dây cung dài 03cm, bờ mép sắc gọn.
(Vật chứng có đặc điểm cụ thể như Biên bản giao nhận vật chứng ngày 28/8/2018 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục thi hành án dân sự tỉnh Đ).
[3] Về bồi thường thiệt hại: Người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu bồi thường, nên không đặt ra giải quyết.
[4] Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Mạc Xuân T được miễn nộp tiền án phí Hình sự sơ thẩm.
Bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 44/2018/HS-ST ngày 24/10/2018 về tội giết người
Số hiệu: | 44/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/10/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về