TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGỌC HIỂN, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 44/2017/DS-ST NGÀY 12/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY CÓ THẾ CHẤP TÀI SẢN
Ngày 12 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện H xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 68/2017/TLST - DS ngày 31 tháng 5 năm 2017 về việc: “Tranh chấp hợp đồng vay có thế chấp tài sản” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 90/2017/QĐXXST - DS ngày 25 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê M, sinh năm: 1973; Địa chỉ cư trú: ấp Đ, xã M, huyện H, tỉnh Cà Mau.
- Bị đơn: Ông Trần L, sinh năm: 1975; bà Võ H, sinh năm 1938; ông Trần T, sinh năm: 1983; Cùng địa chỉ nơi cư trú: ấp Đ, xã M, huyện H, tỉnh Cà Mau.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần M, sinh năm: 1980; Địa chỉ cư trú: ấp Đông, xã M, huyện H, tỉnh Cà Mau.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai ngày 31 tháng 5 năm 2017 và biên bản hòa giảingày 27 thán g 6 năm 2017 nguyên đơn ông Lê M trình bày:
Ông Lê M có cho ông Trần L, ông Trần T và bà Võ Thị H vay số tiền 60.000.000 đồng, ngày 17/12/2015 âm lịch ông M cùng với ông L, ông T và bà H mới lập hợp đồng cầm cố cho ông M căn nhà cấp 4 và diên tích đất 3,6m chiều ngang, chiều dài 35m, tại ấp Đ, xã M, huyện H, tỉnh Cà Mau. Lãi suất hai bên tự thỏa thuận và cam kết trong vòng 03 tháng nếu không đóng lãi thì ông L, ông T và bà H có trách nhiệm giao nhà và đất cho ông M toàn quyền sử dụng. Số tiền hai lần cho vay cụ thể như sau: Ngày 29/11/2015 âm lịch ông L vay 22.500.000 đồng; ngày 17/12/2015 âm lịch ông T và bà H vay 37.500.000 đồng (vay nhiều lần) có ông L hay và biết. Hiện nay số tiền này đã đến hẹn trả nhưng ông L, ông T và bà H không trả nên ông M yêu cầu ông L, ông T và bà H có nghĩa vụ trả lại cho ông M 60.000.000 đồng. Nếu không thì phải chuyển nhượng đất cho ông M.
Tại bản tự khai và biên bản hòa giải ngày 27 tháng 6 năm 2017 bị đơn ông Trần L trình bày:
Vào khoảng năm 2011, ông L có cầm cố phần đất tại ấp Đ, xã M cho ông M với số tiền là: 20.000.000 đồng, lãi suất 15%/tháng. Đến năm 2015 ông L trả vốn và lãi cho ông M chỉ còn thiếu lại 4.000.000 đồng và thỏa thuận với ông M là hủy bỏ hợp đồng cầm cố, tiền gốc và lãi còn lại ông L sẽ đóng cho đến khi nào hết nợ. Khoảng 01 tháng sau thì ông L có hỏi ông M thêm 9.000.000 đồng, tổng cộng là 13.000.000 đồng. Lãi suất của 4.000.000 đồng vẫn là 15%/tháng còn lãi suất của 9.000.000 là từ 20% đến 25%/tháng. Tháng nào không đóng lãi thì ông M cộng lãi vào vốn. Trong khoảng thời gian ông L đi làm ăn xa không đóng lãi nên ông M cộng lãi vào vốn cho đến khi ông L không còn khả năng thanh toán. Khi ông L rước mẹ ông là bà H và em là ông T lên Đồng Nai sinh sống, ông M yêu cầu bà H và ông T ký giấy cầm cố đất với số tiền 60.000.000 đồng mới được đi, ông L không đồng ý nên có nhờ địa phương làm biên bản xác định ông L còn nợ ông M 13.000.000 đồng và ông L đồng ý ký nợ đối với ông M. Còn việc bà H mẹ ông L và ông T em ông L không có mượn ông M tiền như ông M trình bày.
Đối với bị đơn bà Võ H trình bày:
Theo lời của con bà là ông L trình bày khi hòa giải tại Tòa án là đúng, ông M và vợ ông M trình bày có đưa cho bà H 40.000.000 đồng là không có và cũng không có đưa cho con bà là ông T số tiền 6.000.000 đồng. Lý do khi bà H không còn sức lao động nên sống nhờ vào con trai là Trần L, mọi chuyện trong gia đình đều do ông L quyết định. Theo bà H được biết trước đây con bà là ông L có cầm miến đất cho ông M 20.000.000 đồng, lãi suất 15%/tháng là 3.000.000 đồng, khoảng năm 2013 thì ông L có trả cho ông M còn thiếu lại mấy triệu và hủy giấy cầm cố đất số tiền còn nợ lại vẫn tính lãi. Khoảng 01 tháng sau thì ông L có mượn thêm nên vợ ông M tính tổng cộng là 13.000.000 đồng. Sau đó vợ ông M cho hay lấy lại cả vốn và lãi nếu không có thì tính lãi 20%/tháng, cứ mỗi tháng con bà là ông L gửi tiền về thì bà H đóng cho ông M hơn 4.000.000 đồng, tháng nào không đóng lãi thì vợ ông M lấy lãi cộng vào vốn. Việc làm giấy cầm cố đất bà H ký vào là để ông M không lấy lãi nửa và làm chứng cứ sau này nên bà H với con bà là ông T mới ký. Bà H có đơn xin xét xử vắng mặt.
Ý kiến bị đơn ông Trần T trình bày:
Ông T xác định là ông không có mượn ông M 6.000.000 đồng, ông T có ký giấy cầm cố là vì ông M nói nếu ký giấy cầm cố nhà và đất thì không tính lãi nửa để anh ông là ông L có cơ hội trả nợ nên ông T mới ký, ông T xác định không có nợ ông M, còn việc ông L nợ bao nhiêu ông T không biết, chỉ biết ông L đóng lãi ban đầu là 2.600.000 đồng, sau lên 4.000.000 đồng và khi lên đến 6.000.000 đồng/tháng thì ông L không đóng nửa. Lý do ông T ký vào giấy cầm cố nhà đất là do ông M buộc phải ký mới được đi lên Đông Nai làm vì vậy ông T mới ký. Ông T có đơn xin xét xử vắng mặt.
Tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn ông M yêu cầu ông L, bà H, ông T có nghĩa vụ trả lại cho ông số tiền 60.000.000 đồng, nếu không thì giao đất cho ông để trừ khoảng nợ. Ông L không đồng ý trả 60.000.000 đồng vì ông L xác định chỉ có vay và còn nợ ông M 13.000.000 đồng, phần còn lại là lãi ông L đã đóng nhiều nên ông không có khả năng trả lãi nửa. Việc thế chấp nhà và đất mẹ ông là bà H và em ông là ông T có ký giấy cầm cố là do ông M yêu cầu ký mới được đi làm và để không tính lãi nửa. Vì vậy ông M yêu cầu giao đất ông L không chấp nhận. Đối với bà Trần M xác định bà là người trực tiếp đưa tiền cho ông L, bà H và ông T với tổng số là 60.000.000 đồng, bà H, ông T đồng ý ký giấy thế chấp đất, quá trình ký giấy thế chấp đất có sự đồng ý của ông L. Vì vậy bà Trần M yêu cầu ông L, bà H và ông T phải có nghĩa vụ giao trả lại cho vợ chồng bà M 60.000.000 đồng mà ông L, bà H và ông T đã hỏi vay, lãi suất bà Trần M không yêu cầu.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Qua thẩm vấn các đương sự công khai tại phiên tòa; nghe ý kiến của các đương sự trình bày và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1] Ông Lê M có cho ông Trần L vay tiền và lập hợp đồng cầm cố nhà đất tại ấp Đ, xã M, huyện H, tỉnh Cà Mau là thực tế có xảy ra được ông M và ông L, bà H và ông T thừa nhận. Ông M xác định là có cho ông L, bà H và ông T vay tiền nhiều lần với số tiền là 60.000.000 đồng, lãi suất theo thỏa thuận. Do hiện nay ông L, bà H, ông T không thanh toán nên M yêu cầu thanh toán lại, nếu không thì ký giấy chuyển nhượng nhà và đất cho ông M. Ông L cho rằng có ký hợp đồng thế chấp nhà và đất cho ông M nhưng khi ông L đã thanh toán chỉ còn lại 4.000.000 đồng thì hai bên đã thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng cầm cố. Sau đó ông L có hỏi vay thêm 9.000.000 đồng, tổng cộng khoảng nợ củ và mới là 13.000.000 đồng và ông L đã đóng lãi hàng tháng cho đến khi ông L đi làm xa và không còn khả năng đóng lãi cho nên ông M mới nhập lãi vào vốn lên đến số tiền 60.000.000 đồng và buộc mẹ ông L và em ông L là bà H và ông T ký giấy cầm cố nhà đất, còn ông L không ký giấy cầm cố với ông M. Do đó ông L không đồng ý trả số tiền 60.000.000 đồng mà chỉ đồng ý trả nợ gốc là 13.000.000 đồng.
[2] Xét thấy, hợp đồng cầm cố được xác lập ngày 07/11/2015 âm lịch do bà H và ông T ký cầm cố nhà và đất cho ông M 60.000.000 đồng, bà H, ông T và ông L thừa nhận là có ký để khoanh lại lãi suất khi mẹ ông L và em ông L là bà H và ông T đi Đồng Nai.
Ông L cho rằng chỉ có nợ 13.000.000 đồng, số tiền còn lại là lãi suất cộng vào mới lên đến 60.000.000 đồng nhưng ông L, bà H và ông T không có tài liệu, chứng cứ chứng minh là chỉ vay ông M số tiền 13.000.000 đồng. Vì vậy không có cơ sở xác định ông L, bà H và ông T chỉ nợ ông M 13.000.000 đồng và số tiền còn lại là lãi suất vay nên không có cơ sở tính lãi theo quy định của pháp luật để đối trừ. Xét về hợp đồng cầm cố về hình thức của hợp đồng là không đúng quy định pháp luật, về nội dung hợp đồng ông L, bà H và ông T cũng không thừa nhận. Căn cứ theo quy định tại Điều 119 và Điều 122 Bộ luật dân sự xác định hợp đồng được xác lập giữa bà H, ông T ký với ông M là vô hiệu. Do ông L, bà H và ông T không chứng minh được chỉ nợ ông M 13.000.000 đồng không phải là 60.000.000 đồng nên khi hủy hợp đồng cần xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng được quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự buộc ông L, bà H và ông T có nghĩa vụ trả lại cho ông M 60.000.000 đồng theo yêu cầu của ông M là phù hợp nên được chấp nhận.
Kể từ khi ông M có đơn yêu cầu thi hành án nếu ông L, bà H và ông T chậm trả khoảng tiền trên cho ông M thì hàng tháng ông L, bà H và ông T còn phải chịu thêm khoảng tiền lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
[3] Về án phí áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch ông L, bà H và ông T phải nộp là: 3.000.000 đồng. Phần dự nộp của ông M được nhận lại.
Các đương sự được quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự; xét xử vắng mặt bị đơn là ông Trần T và bà Võ H tại phiên tòa.
Áp dụng Điều 119, Điều 122, Điều 123, Điều 131 Bộ luật dân sự; áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
- Chấp nhận yêu cầu của ông Lê M đối với ông Trần L, bà Võ H và ông Trần T về việc yêu cầu đòi lại tiền vay có thế chấp tài sản. Buộc ông Trần L, bà Võ H và ông Trần T có trách nhiệm thanh toán cho ông Lê M tổng số tiền là: 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng). Hủy hợp đồng cầm cố nhà và đất ngày 17/12/2015 giữa ông Lê M với ông Trần T và bà Võ H.
Kể từ khi ông Lê M có đơn yêu cầu thi hành án nếu ông Trần L, bà Võ H và ông Trần T chậm trả khoảng tiền trên cho ông M thì hàng tháng ông L, bà H và ông T còn phải chịu thêm khoảng tiền lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
- Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch ông Trần L, bà Võ H và ông Trần T phải nộp là: 3.000.000 đồng. Phần dự nộp của ông Lê M số tiền 1.500.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0013653 ngày 31 tháng 5 năm 2017 tại Cơ quan thi hành án dân sự huyện H được nhận lại.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án 44/2017/DS-ST ngày 12/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay có thế chấp tài sản
Số hiệu: | 44/2017/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Ngọc Hiển - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về