Bản án 438/2020/HC-PT ngày 25/08/2020 về khiếu kiện quyết định hành chính thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 438/2020/HC-PT NGÀY 25/08/2020 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 25 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 91/2020/TLPT-HC ngày 03 tháng 02 năm 2020; về việc “KHiếu kiện quyết định hành chính về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 1081/2019/HC-ST ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2080/2020/QĐPT-HC ngày 20 tháng 7 năm 2020; giữa các đương sự:

- Người khởi kiện:

1. Ông Nguyễn Tấn S, sinh năm 1947; Địa chỉ cư trú: 01 đường L, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Tấn S: Ông Phan Hồng Việt, là Luật sư của Công ty Luật TNHH LVT, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Cụ Nguyễn Văn N, sinh năm 1923; Địa chỉ cư trú: 01 đường L, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (đã chết ngày 11/4/2014)

 Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ Nguyễn Văn N; đồng thời là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

2.1 Ông Nguyễn Tấn S (có địa chỉ nêu trên, có mặt).

2.2 Bà Nguyễn Thị L (có mặt) 2.3 Bà Nguyễn Thị Kiều O (có mặt) Cùng địa chỉ cư trú: tổ 16 ấp P, xã P, huyện C, tỉnh Long An.

2.4 Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1959; Địa chỉ cư trú: 1168/24A đường B, Phường 12, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người bị kiện: UBND huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ trụ sở:349 đường T, thị trấn T, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật của UBND huyện B: Ông Trần Phú Lữ;

Chức vụ: Chủ tịch (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của UBND huyện B: Ông Nguyễn Văn Hồng; Chức vụ: Phó Chủ tịch (Văn bản uỷ quyền số 10/UQ-UBND ngày 03/01/2018, có đơn xin vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND huyện B:

1. Bà Hồ Ngọc H, Địa chỉ cư trú: B10/50 ấp 2, xã Bình Chánh, huyện B (vắng mặt).

2. Bà Trương Thị Minh TR, Địa chỉ cư trú: D4/15 Khu phố 4 xã T, huyện B (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Trần Nhựt K, sinh năm 1972; Địa chỉ cư trú: D15/21 ấp 4, xã T, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

2. Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ trụ sở: Chùa Ấ (243 đường S, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh).

Người đại diện hợp pháp của Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh: Ông Trương Văn N, sinh năm 1965; Địa chỉ cư trú: TK13/16 đường V, phường C, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 19/6/2013, có đơn xin vắng mặt).

3. Ông Nguyễn Ngọc C, sinh năm 1976; Địa chỉ cư trú: 41 tổ 16, ấp P, xã P, huyện C, tỉnh Long An (vắng mặt).

4. Bà Trần Thị C1, sinh năm 1942; Địa chỉ cư trú: B8/30 khu phố 2, thị trấn T, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

5. Bà Trần Thị U, sinh năm 1944; Địa chỉ cư trú: E5/97 ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

6. Bà Trần Thị N1, sinh năm 1948; Địa chỉ cư trú: ấp Hậu, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

7. Ông Trần Văn L1, sinh năm 1951; Địa chỉ cư trú: A15/16 ấp 1, xã T, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

8. Ông Trần Văn T, sinh năm 1956; Địa chỉ cư trú: A15/17 ấp 1, xã T, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Tấn S là người khởi kiện; các ông bà Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ Nguyễn Văn N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung nộp đến Tòa án ngày 15/10/2012 và ngày 21/9/2017 cùng các lời trình bày trong quá trình tố tụng cũng như tại phiên toà sơ thẩm, người khởi kiện là ông Nguyễn Tấn S, cụ Nguyễn Văn N (những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ N là các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O, Nguyễn Văn D) trình bày:

Cụ Nguyễn Văn N từng tham gia cách mạng từ những năm 1945, địa bàn hoạt động giữa Tân Kiên, Bình Chánh và Phước Lý, Cần Giuộc (Long An). Thấy cụ N có căn tu, thường ăn chay niệm Phật, năm 1971-1972 cụ Huỳnh (là người cô họ của cụ N) cho cụ N phần đất trên dưới 5.000m2 tại đây làm am để thờ tự (giấy tay cụ Huỳnh cho lập năm 1974). Cụ N cũng tự coi mình là tu sĩ tu tại gia, dần cơi nới, mở rộng am thành hình dạng tựa như một ngôi chùa, đặt tên Pháp Tịnh, tạo vỏ bọc hoạt động cách mạng. Cụ N tiến hành xây căn nhà có địa chỉ D15/21 Nguyễn Cửu Phú, Ấp 4, xã T, huyện B, mục đích sử dụng là đất ở, ngoài ra còn để thờ tự cá nhân.

Sau giải phóng, do nhu cầu công tác ở Phòng Nông nghiệp huyện Cần Giuộc nên cụ N có nhờ người bà con chú bác là ông Hai Phiến ở coi sóc nhà đất, nhang khói dùm, cụ N thì đi đi về về. Khoảng năm 1984, khi có đợt kê khai, do giao thông, liên lạc thời đó khó khăn nên ông Hai Phiến thay cụ N đứng ra đăng ký kê khai dùm, và đến năm 1988 khi cụ N nghỉ công tác trở về, ông Hai Phiến giao toàn bộ nhà, đất lại cho cụ N. Năm 1992 có đợt kê khai làm giấy đất, cụ N làm thủ tục, kê khai đây là đất “Chùa Pháp Tịnh”. Sau khi xem xét hồ sơ, xác định đúng là đất của cá nhân cụ N, có làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước, cụ N sử dụng phần đất này ổn định từ thời điểm tạo lập nhà đất cho đến khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có ai tranh chấp và kH nại gì, Cụ N chỉ tu tại gia theo tín ngưỡng riêng, không phải đất tôn giáo, chưa từng hiến đất làm cơ sở tôn giáo, trong Danh mục của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993 cũng không có tên “Chùa Pháp Tịnh” của cụ N, nên đến tháng 07/1993 căn nhà và phần đất nói trên được UBND huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 vào ngày 15/7/1993, trên cơ sở đó cụ N được công nhận sử dụng hợp pháp phần diện tích đất là 904m2 thuộc các thửa 2848, 2849 và 2850 tờ bản đồ số 03 tại Ấp 4, xã T, huyện B. Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993 thì đây chưa là chùa được Thành hội Phật giáo công nhận nên chỉ coi là thờ tự cá nhân. Việc cụ N tu thờ chỉ là với tư cách cá nhân (tu tại gia), không thuộc Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình sử dụng đất và nhà ở do tuổi cao sức yếu, cụ N có cho ông Trần Nhựt K đến ở nhờ và tu học đồng thời giúp đỡ việc bảo quản đất đai nhà cửa. Quá trình ở nhờ ông K đã tự ý xây dựng nhà mà không hỏi ý kiến của cụ N và cũng không xin phép xây dựng. Sự việc này đã tạo nên tranh chấp giữa cụ N và ông K từ năm 2008. Việc ông K cho rằng ngày 27/02/2008 cụ N tiến hành bàn giao việc quản lý chùa Pháp Tịnh là không đúng, vì đây là ngày đặt đá trùng tu chùa Pháp Tịnh (thờ tự cá nhân, tu tại gia).

Đến tháng 02/2012 cụ N đã nộp đơn khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất với ông K tại Tòa án nhân dân huyện B và được thụ lý vào ngày 20/3/2012. Tuy nhiên đến tháng 5/2012 cụ N nhận thư mời từ ông K để đến UBND huyện B nhận Quyết định 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND huyện B về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15/7/1993 do UBND huyện B cấp cho “hộ” cụ N, với lý do là cấp không đúng mục đích sử dụng đất và không đúng đối tượng sử dụng đất.

Từ những căn cứ như đã trình bày trên về việc cụ N sử dụng đất ổn định, sử dụng đúng mục đích như giấy chứng nhận cấp, cụ N xây dựng nhà để ở và bên trong có thờ tự chỉ nhằm thực hiện tín ngưỡng cá nhân của mình. Như vậy theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 cấp cho cụ N là đúng đối tượng, do đó việc UBND huyện B ban hành Quyết định 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ảnh hưởng đến quyền lợi của cụ N, yêu cầu Tòa án thu hồi hủy bỏ Quyết định 2484/QĐ-UBND này.

Ngày 18/5/2017 UBND huyện B ban hành Quyết định số 6023/QĐ- UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND huyện B về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 sau khi cụ N chết. Do vậy, với tư cách là con cụ N, ông S khởi kiện bổ sung yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 6023/QĐ-UBND.

Tại văn bản ngày 17/12/2018 cùng các lời trình bày trong quá trình tố tụng, người bị kiện là UBND huyện B do ông Nguyễn Văn Hồng là người đại diện theo uỷ quyền trình bày:

Năm 2008, cụ N phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất đối với phần đất có diện tích 904m2 thuộc các thửa 2848, 2849, 2850 tờ bản đồ số 3 tại xã T, huyện B với ông Trần Nhựt K. Tòa án nhân dân huyện B đề nghị cung cấp tài liệu liên quan, dẫn đến phát hiện việc sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ N (do cụ N sử dụng đất vào mục đích xây chùa).

* Trình tự thủ tục ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993:

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quy định:

b) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tự kiểm tra và phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra. Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra đối với Giấy chứng nhận do UBND cấp huyện cấp, Thanh tra cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra đối với Giấy chứng nhận do UBND cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp. Nếu qua thẩm tra có kết luận là Giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp”.

Ngày 27 tháng 02 năm 2012, UBND huyện giao Thanh tra huyện thẩm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993.

Ngày 12 tháng 4 năm 2012, UBND xã T có Báo cáo số 196/BC-UBND về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất tại Chùa Pháp Tịnh, địa chỉ D15/21.

Ngày 25 tháng 4 năm 2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có Báo cáo số 167/BC-TNMT-PC về thẩm tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông N tại xã T, có nội dung:

“UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15 tháng 7 năm 1993 cho ông N là chưa đúng quy định tại điểm b khoản 3, mục II của Thông tư 302/TT-RĐ-ĐKTK ngày 28 tháng 10 năm 1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất. Đồng thời, trên thực tế thửa 2849 (632m2) có mục đích sử dụng là xây dựng chùa Pháp Tịnh nhưng UBND huyện B công nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng đất thổ cho cá nhân ông N là không đúng mục đích sử dụng và chủ sử dụng đất trên thực tế”.

Ngày 27 tháng 4 năm 2012, Thanh tra huyện B có Báo cáo số 107/BC- TTH về kết quả thẩm tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993, có nội dung:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15 tháng 7 năm 1993 do UBND huyện B cho ông N là trái quy định tại Khoản 3, mục II của Thông tư 302/TT-RĐ-ĐKTK ngày 28 tháng 10 năm 1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất và Khoản 2, mục II của Quyết định 201/QĐ-ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định về điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Ngày 21 tháng 5 năm 2012, UBND huyện B ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND về thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 848/QSDĐ/1993 cấp cho hộ ông N, do không đúng mục đích sử dụng đã đăng ký và không đúng đối tượng đăng ký theo tài liệu 299/TTg.

Do sai sót trong quá trình soạn thảo, tại Quyết định số 2484/QĐ-UBND có sử dụng cụm từ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15 tháng 7 năm 1993 cấp cho hộ ông N” nên ngày 18 tháng 5 năm 2017, UBND huyện B đã ban hành Quyết định số 6023/QĐ-UBND về điều chỉnh Quyết định số 2484/QĐ-UBND, có nội dung điều chỉnh bỏ từ “hộ” trong cụm từ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15 tháng 7 năm 1993 cấp cho hộ ông N”.

Do ông N đã chết ngày 11 tháng 4 năm 2014 (theo Giấy chứng tử số 22/2014, quyển số 01/2013 do UBND xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cấp ngày 14 tháng 4 năm 2014), ông Nguyễn Tấn S, ông Nguyễn Văn Dễ, bà Nguyễn Thị L và bà Nguyễn Thị Kiều O là những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông N, ngày 13 tháng 12 năm 2018, UBND huyện B ban hành Quyết định số 11601/QĐ-UBND về việc điều chỉnh cụm từ “ông N chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này” thành “những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông N chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này”, theo Thông báo số 282/TB- TLVA ngày 21 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố.

* Kết quả thẩm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993:

- Về trình tự cấp Giấy chứng nhận:

Ngày 26 tháng 6 năm 1992 ông N gửi Đơn đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với các thửa 2849, 2848, 2850 tờ bản đồ số 3 ấp 4 xã T.

Ngày 08 tháng 7 năm 1992, Hội đồng xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất xã T “đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức”.

Ngày 21 tháng 7 năm 1992, UBND xã T kết thúc niêm yết công khai hồ sơ đăng ký và xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất.

Ngày 22 tháng 9 năm 1992, Phòng Nông nghiệp - Thủy lợi có Tờ trình số 28/TT-RĐ/GCN trình Chủ tịch UBND huyện B phê duyệt để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã T, huyện B (kèm theo Danh sách các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ông N, gồm các thửa 2849, 2850, thửa 2849 ghi 02 lần).

Ngày 13 tháng 10 năm 1992, Chủ tịch UBND huyện B ban hành Quyết định số 180-QĐ/UB về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 15 tháng 7 năm 1993, UBND huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 cho ông N, gồm: thửa 2849 (diện tích 632m2, mục đích thổ); thửa 2848(diện tích 112m2, mục đích Ao); thửa 2850 (diện tích 160m2, mục đích Ao).

Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ của hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 thì không có Biên bản họp Hội đồng xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Biên bản công khai hồ sơ đăng ký và xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa đủ cơ sở để khẳng định, kết luận về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993.

Đồng thời, qua rà soát danh sách các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông N được cấp theo danh sách với các thửa đất đủ điều kiện cấp là: 2849, 2849, 2850 (không có thửa 2848, thửa 2849 ghi 2 lần). Đối cH với các thửa đất được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 gồm các thửa: thửa 2849 (diện tích 632m2, mục đích thổ), thửa 2848 (diện tích 112m2, diện tích Ao) và thửa 2850 (diện tích 160m2, mục đích Ao). Do đó, chưa có sự thống nhất về nội dung thửa đất cấp cho ông N giữa danh sách đề xuất cấp và Giấy chứng nhận được cấp.

- Về điều kiện cấp giấy chứng nhận:

Trong Đơn đăng ký quyền sử dụng đất do ông N ký đề ngày 26 tháng 6 năm 1992 và được Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác nhận ngày 08 tháng 7 năm 1992 có nội dung kê khai nguồn gốc đất: bà Nguyễn Thị Huỳnh cho năm 1974 (Chùa Pháp Tịnh của ông N).

Ngày 30 tháng 3 năm 2012, UBND xã T có Báo cáo số 172/BC-UBND.

Căn cứ khoản 3 mục II của Thông tư 302/TT-RĐ-ĐKTK ngày 28 tháng 10 năm 1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất về việc hướng dẫn thi hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định người sử dụng đất khi có đủ đồng thời 02 điều kiện sau:

“a) Khu đất đang sử dụng đã được thể hiện đầy đủ trên bản đồ địa chính, nghĩa là đã xác định rõ vị trí, hình thể, ranh giới sử dụng, loại ruộng đất và diện tích của từng thửa” b) Diện tích đất đang sử dụng đã được ghi vào sổ địa chính mà đến nay không có biến động, nghĩa là đã xác định được quyền sử dụng hợp pháp đến thời điểm xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Căn cứ tại khoản 2 Mục II của Quyết định 201/QĐ-ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định về điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: “người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi diện tích đất đang sử dụng được thể hiện đầy đủ trên bản đồ địa chính và được ghi vào sổ địa chính”.

Theo sổ bộ địa chính lập theo tài liệu chỉnh lý năm 1992, các thửa đất số 2848, 2849, 2850 tờ bản đồ số 3 xã T do ông N kê khai nhưng tương ứng với thửa 682, 684, 686 theo Tài liệu 299/TTg do ông Nguyễn Ngọc Phiến đăng ký. Do đó, tại thời điểm xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có biến động giữa nội dung về người đăng ký được ghi vào sổ địa chính (theo Tài liệu 299/TTg) và người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận (theo tài liệu chỉnh lý năm 1992).

- Về mục đích sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đối với thửa 2848 (TLCL 1992), diện tích 632m2, loại đất T là không đúng mục đích sử dụng so với hiện trạng thực tế tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (phần đất trên được sử dụng theo mục đích xây dựng chùa Pháp Tịnh).

Do đó, ông N được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 khi chưa đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 mục II của Thông tư 302/TT-RĐ-ĐKTK ngày 28 tháng 10 năm 1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất và khoản 2 Mục II của Quyết định 201/QĐ-ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất.

- Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận: theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Chương II Luật Đất đai năm 1987, việc cấp Giấy chứng nhận cho ông N chỉ thuộc thẩm quyền của UBND huyện B trong điều kiện ông N sử dụng thửa 2849 vào mục đích đất ở. Tuy nhiên, trên thực tế, thửa 2849 (632m2) có mục đích sử dụng là xây chùa Pháp Tịnh, do đó, UBND huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 là không đúng mục đích sử dụng và người sử dụng.

Từ các cơ sở nêu trên, UBND huyện B ban hành Quyết định số 2484/QĐ- UBND ngày 21 tháng 5 năm 2012, Quyết định số 6023/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2017 và Quyết định số 11601/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2018 là đúng quy định pháp luật.

Ngày 15/8/2019, UBND huyện B ban hành Thông báo số 1617/TB-UBND về việc đính chính Quyết định số 11601/QĐ-UBND. Vì vậy, UBND huyện B đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố giữ nguyên các Quyết định nêu trên, bác yêu cầu khởi kiện của ông N và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông N.

Tại bản tự khai ngày 18/9/2015 cùng các lời trình bày trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trần Nhựt K trình bày:

Vào năm 2007 khi đó ông đang ở Chùa Giác Thông tại quận Gò Vấp và có gặp ông S (là con ruột của ông N, pháp danh là Thích Thiện Xuân), khi đó ông S có nói về việc mời ông đến chùa Hạnh Nguyện (nơi mà ông Xuân đang trụ trì) để bàn về việc quản lý chùa Pháp Tịnh. Vì vậy trong năm 2007 ông S và ông N (pháp danh Thích Thiện Huệ) mời ông về ở để quản lý chùa Pháp Tịnh do ông N tuổi đã cao. Việc mời chỉ thực hiện bằng miệng, chứ không có văn bản.

Khi về tiếp quản ông đã trùng tu một phần vào năm 2007, đến ngày 27/02/2008 tại chùa Pháp Tịnh, ông S và ông N tổ chức lễ bàn giao cho ông quản lý và tu học tại chùa Pháp Tịnh với sự chứng kiến của các cấp lãnh đạo của địa phương, lãnh đạo của Giáo hội Phật Giáo.

Sau khi được giao quản lý thì ông đã tiến hành tôn tạo lại ngôi chùa. Đơn xin phép tiến hành sửa chữa, trùng tu là ông N làm và gửi đến cơ quan có thẩm quyền và Phòng Nội vụ xem xét. Chi phí tôn tạo ngôi chùa Pháp Tịnh mà ông đã bỏ ra cho đến thời điểm này hơn 3 tỷ đồng.

Đến khoảng năm 2009 khi thấy các phật tử đến đông đảo thì phía ông N cho rằng ông cướp chùa nên xảy ra tranh chấp. Hiện ông N đang khởi kiện dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất với ông tại Tòa án nhân dân huyện B.

Nay UBND huyện B ban hành Quyết định 2484/QĐ-UBND và các quyết định điều chỉnh bổ sung thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 và người khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định này, ông không có ý kiến và yêu cầu độc lập gì trong vụ án này, đề nghị Tòa án xem xét theo quy định pháp luật.

Tại bản tự khai ngày 19/7/2013 cùng các lời trình bày trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh do ông Trương Văn Nhứt là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Hoạt động của Giáo hội P như sau: Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường hiện nay trên phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sự điều hành Phật sự và là tài sản của Giáo hội P, được thành lập qua nhiều giai đoạn như sau:

Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường hình thành trước khi có Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004, bao gồm:

Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường được hình thành trước năm 1975 (mốc lịch sử về cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước): các chùa này do các tu sỹ, Phật tử tạo lập trước năm 1975, lúc này Nhà nước mới tiếp quản, Giáo hội chưa thống nhất các hệ phái trên cả nước và hoạt động chưa có cơ chế chính thức, chủ yếu là phối hợp với Nhà nước trong quản lý đất đai, các chùa này vẫn được tổ chức Phật giáo thừa nhận để Nhà nước không thu hồi khi thực hiện chính sách quản lý, cải tạo xã hội chủ nghĩa, để các chùa này được tồn tại và sau này Giáo hội khi thống kê thì đưa vào danh mục niên giám.

Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường được hình thành từ sau năm 1975 đến năm 1981 (năm của Hiến chương Giáo hội P năm 1981): các chùa hình thành tự phát do các tu sỹ Phật giáo tạo lập và tình hình quản lý của Giáo hội cũng tương tự như trên, sau này Giáo hội khi thống kê thì đưa vào danh mục Tự Viện.

Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường được hình thành từ sau năm 1981 đến năm 2004 (năm của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004): lúc này Giáo hội đã thống nhất được các hệ phái, chính thức có cơ chế hoạt động, có tổ chức bộ máy, cơ cấu rõ ràng, hoạt động độc lập so với Nhà nước căn cứ theo Hiến chương nên các chùa lúc này hoạt động cũng dựa theo Hiến chương, Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường mà do tăng, ni, Phật tử tạo lập, xây dựng là được Giáo hội bảo hộ, không có quy định là buộc họ phải hiến, cúng, tặng cho Giáo hội thì Giáo hội vẫn thừa nhận và thống kê đưa vào danh mục Tự Viện.

Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường hình thành sau khi có Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004:

Được thực hiện theo Nội Quy Ban Tăng sự Trung Ương Giáo hội P - Nhiệm kỳ VII (2012-2017) được qui định tại Chương V “Quản lý Tự Viện và Tăng Ni” tại Điều 16, 17, 18, 19 và Điều 20.

Việc thống kê Các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường để đưa vào danh bạ: Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 02 (hai) lần thống kê, vào các năm 1997 và 2002.

Chùa Pháp Tịnh, tại địa chỉ D15/21 được đưa vào Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường của Thành hội phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 theo tư liệu thống kê từ năm 1997.

Căn cứ theo các thông tin dữ liệu của Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh lưu trữ, chùa Pháp Tịnh, tại địa chỉ D15/21 được thành lập năm 1972, nghĩa là thuộc dạng “Chùa được hình thành trước năm 1975”. Người sáng lập là Thượng tọa Thích Thiện Huệ, thế danh là Năm, thuộc hệ phái Bắc Tông. Trong quá trình hình thành và phát triển, chùa Pháp Tịnh đã có 2 lần trùng tu, sửa chữa lớn là năm 1991 và 2000, thể hiện tại Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Pháp Tịnh là do các tu sỹ của Phật giáo lập ra từ trước năm 1975 (mốc lịch sử về cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước) và chùa vẫn tiếp tục được hoạt động, duy trì, phát triển cho đến nay dưới sự công nhận của Nhà nước theo pháp luật và điều phối của Giáo hội, cụ thể là Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây có tên gọi là Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, để thực hiện thẩm quyền của Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đối với việc điều hành hoạt động Phật sự tại chùa Pháp Tịnh, Ban trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 038B/CV.THPG ngày 15/5/2013 v/v cử đại đức Thích Trí Thanh (Trần Nhựt K) làm Quản tự chùa Pháp Tịnh, xã T, huyện B.

Từ nội dung trình bày trên, Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh xác định là có sự công nhận của Giáo hội đối với chùa Pháp Tịnh, tại địa chỉ D15/21 cũng như đối với các chùa khác trên thành phố mà hình thành trước năm 1975 thông qua Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không có việc “bắt đầu thành lập và bắt đầu quản lý” đối với các dạng chùa này (hình thành trước 1975). Theo đó, đối với dạng chùa được tạo lập trước năm 1975 cũng không có vấn đề về hiến, cúng hay tặng cho gì như chùa Pháp Tịnh vì theo quy định của Giáo hội, quy định pháp luật thời điểm đó không yêu cầu bắt buộc điều này. Chùa Pháp Tịnh được xác định là tài sản của Giáo hội theo Điều 45 của Hiến chương Giáo hội P năm 1981. Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử đất cho Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện theo các trình tự thủ tục mà pháp luật quy định sau khi các mâu thuẫn, tranh chấp đã được giải quyết ổn thỏa qua hòa giải nội bộ hoặc qua các cấp Ban ngành hoặc bằng quyết định cuối cùng của cấp Tòa án.

Tóm lại, phần đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 do UBND huyện B cấp cho ông N đang là chùa Pháp Tịnh là tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện.

Tại bản tự khai ngày 27/10/2017 cùng các lời trình bày trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O, Nguyễn Văn D, Nguyễn Ngọc C (bà Linh, bà Oanh, ông Chiêu do bà Nhã là người đại diện theo ủy quyền) trình bày: Các ông bà có cùng ý kiến và yêu cầu với người khởi kiện.

Tại Biên bản lấy lời khai từ ngày 10/9/2014 đến ngày 24/10/2014, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông bà Trần Thị C1, Trần Thị U, Trần Thị N1, Trần Văn L1, Trần Văn T trình bày: Ông Nguyễn Ngọc Phiến là cậu ruột của các ông bà, có vợ đã chết từ lâu và không có con cái. Các ông bà không có yêu cầu hay tranh chấp gì về việc ông Phiến có tên đăng ký theo Tài liệu 299/TTg những thửa đất 682, 684, 686 Tờ bản đồ số 02 tại xã Tân Kiên trong vụ án này.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 1081/2019/HC-ST ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:

Áp dụng Điều 116, Điều 143, Điều 165 của Luật Tố tụng hành chính;

Áp dụng Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 2003;

Áp dụng Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Áp dụng Thông tư 302/TT-RĐ-ĐKTK ngày 28 tháng 10 năm 1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất về việc hướng dẫn thi hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Áp dụng Quyết định 201/QĐ-ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định về điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tấn S và ông Nguyễn Văn N (những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng là các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O, Nguyễn Văn D), về việc yêu cầu huỷ bỏ Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND huyện B về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15/7/1993 do UBND huyện B cấp cho hộ ông N, tại xã Tân Kiên; Quyết định số 6023/QĐ- UBND ngày 18/5/2017 của UBND huyện B về việc điều chỉnh Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND huyện B về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15/7/1993 do UBND huyện B cấp cho hộ ông N tại xã Tân Kiên; Quyết định số 11601/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 của UBND huyện B về việc điều chỉnh Quyết định số 6023/QĐ- UBND ngày 18/5/2017 của UBND huyện B về việc điều chỉnh Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND huyện B về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15/7/1993 do UBND huyện B cấp cho hộ ông N, tại xã Tân Kiên; và Thông báo số 1617/TB-UBND ngày 15/8/2019 của UBND huyện B về việc đính chính văn bản.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng của đương sự.

Từ ngày 10 đến ngày 18 tháng 9 năm 2019, các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông S.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Người khởi kiện không thay đổi, bổ sung, không rút đơn khởi kiện; không thay đổi, bổ sung, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo ban đầu. Người bị kiện vắng mặt tại phiên toà nên không thể hiện ý kiến. Các ông bà Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O không thay đổi, bổ sung, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo ban đầu.

Trong phần tranh luận, các đương sự và Luật sư trình bày như sau:

Các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O và Luật sư:

Phần nhận định của bản án sơ thẩm cho rằng việc cấp giấy chứng nhận cho ông N là đúng đối tượng, đúng mục đích nhưng phần quyết định lại bác yêu cầu khởi kiện của ông S, như vậy là mâu thuẫn. Nếu cho rằng việc cấp giấy chứng nhận cho ông N là sai, thì cũng chỉ sai ở thửa 2849 có diện tích 100 m2, hơn 800 m2 còn lại chưa được giải quyết. Như vậy, bản án sơ thẩm chưa giải quyết triệt để vụ án. Mặt khác, bản án sơ thẩm áp dụng Luật Đất đai năm 2003 để thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp từ năm 1993 là không đúng quy định của pháp luật. Ông N chết ngày 11/4/2014 thì toàn bộ diện tích đất này phát sinh thừa kế, trên thực tế những người con của ông N đã lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Nếu không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S thì những tờ khai di sản thừa kế nêu trên được xử lý thế nào. Từ những phân tích nêu trên, các đương sự và Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S. Trường hợp nếu thấy rằng các tH sót của cấp sơ thẩm không thể bổ sung, khắc phục được tại cấp phúc thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:

1/ Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán chủ toạ phiên toà, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng: Xét thấy Thẩm phán chủ toạ phiên toà, các thành viên Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã tuân thủ và chấp hành đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

2/ Về tính hợp lệ của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O làm trong hạn luật định, đúng hình thức. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận về mặt hình thức.

3/ Về nội dung kháng cáo: Bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tài liệu chứng cứ mà các đương sự đã cung cấp và tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, những đương sự có kháng cáo không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào mới. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tính hợp lệ của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O làm trong hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm, nên đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O, về yêu cầu huỷ Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012, nhận thấy:

[2.1] Về nguồn gốc đất: Các đương sự đều trình bày thống nhất rằng phần đất này có nguồn gốc của cụ Huỳnh, cho cụ Nguyễn Văn N vào năm 1974. Cụ N lập am để tu tại gia theo kiểu chùa và lấy tên là Chùa Pháp Tịnh. Do điều kiện công tác, nên cụ N nhờ người bà con là ông Hai Phiến trông giữ đất và kê khai năm 1984. Từ năm 1988, cụ N trực tiếp quản lý và kê khai vào năm 1992, khi kê khai, cụ N ghi đất của Chùa Pháp Tịnh. Ngày 15/7/1993, cụ N được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993. Đây là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 80 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

[2.2] Về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012:

Tại khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai 2003 quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Như vậy, UBND huyện B ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 đã cấp cho cụ N và Quyết định số 6023/QĐ-UBND đính chính Quyết định số 2484/QĐ-UBND nêu trên là đúng trình tự, thẩm quyền theo điều luật vừa viện dẫn.

[2.3] Về nội dung Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012: [2.3.1] Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 cấp cho cá nhân cụ N thửa 2849/632m2: Thổ, thửa 2848/112m2: Ao, thửa 2850/160m2:

Ao. Tuy nhiên, tại Đơn đăng ký quyền sử dụng đất của cụ N đề ngày 26/6/1992, có xác nhận của Hội đồng xét cấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ N tự nguyện khai là đất “Chùa Pháp Tịnh của Nguyễn Văn N”. Như vậy, việc UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ N là sai đối tượng sử dụng đất.

[2.3.2] Năm 1984, ông Phiến kê khai các thửa 682, 684 và 686 (tài liệu 299/TTg), tương ứng với các thửa 2848, 2849 và 2850 do cụ N kê khai năm 1992. Như vậy, cùng số thửa, cùng diện tích đất, nhưng do hai cá nhân kê khai khác nhau. Do đó, việc UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ N mà chưa xác minh làm rõ tại sao có hai người cùng kê khai, ai là người đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận.

[2.3.3] Tại Danh sách niêm yết các cá nhân, tổ chức được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trường hợp của cụ N chỉ niêm yết thửa 2849 và 2850, nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ N cả thửa 2848 là không đúng trình tự, thủ tục luật định.

[2.3.4] Tất cả các văn bản, lời trình bày của Giáo hội P Thành phố Hồ Chí Minh, đều xác định Chùa Pháp Tịnh là tài sản của Giáo hội theo quy định tại Điều 45 Hiến chương Giáo hội P năm 1981.

Như vậy, Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 đã cấp cho cụ N là đúng thẩm quyền, trình tự và nội dung theo quy định của pháp luật. Do đó, kháng cáo của các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O, về việc huỷ các quyết định nêu trên là không có căn cứ để chấp nhận.

[3] Xét kháng cáo của các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O, về yêu cầu huỷ Quyết định số 6023/QĐ-UBND ngày 18/5/2017, Quyết định số 11601/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 và Thông báo số 1617/TB-UBND ngày 15/8/2019, nhận thấy:

[3.1] Về thẩm quyền ban hành: UBND huyện B là đơn vị ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND, do phát hiện quyết định này có sai sót, nên UBND huyện B có thẩm quyền ban hành Quyết định số 6023/QĐ-UBND ngày 18/5/2017, Quyết định số 11601/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 và Thông báo số 1617/TB- UBND ngày 15/8/2019, đính chính Quyết định số 2484/QĐ-UBND.

[3.2] Về nội dung: Như phần trên đã nhận định, Quyết định số 2484/QĐ- UBND thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 đã cấp cho cụ N là đúng thẩm quyền, trình tự và nội dung theo quy định của pháp luật. Quyết định số 6023/QĐ-UBND chỉ điều chỉnh cụm từ “hộ ông Nguyễn Văn N” sang “ông Nguyễn Văn N” của Quyết định số 6023/QĐ-UBND và giữ nguyên các nội dung khác. Quyết định số 11601/QĐ-UBND và Thông báo số 1617/TB- UBND, có nội dung đính chính các sai sót về chính tả, về cách dùng từ của các quyết định đã ban hành, không làm thay đổi bản chất, quyền, nghĩa vụ của cụ N, so với Quyết định 2484/QĐ-UBND. Do đó, kháng cáo của các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O, về việc huỷ các quyết định, thông báo nêu trên là không có căn cứ để chấp nhận.

Tại phiên toà phúc thẩm, các ông, bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O, cũng như Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào mới, do đó kháng cáo của các ông bà này là không có căn cứ để chấp nhận. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà.

Các nhận định trên đây cũng là căn cứ để Hội đồng xét xử không chấp nhận các lập luận và yêu cầu của Luật sư bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

[4] Về án phí hành chính phúc thẩm: Các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O mỗi người phải nộp 300.000 (ba trăm ngàn) đồng, được trừ vào 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm đã nộp theo các biên lai thu số 0024463 ngày 18/9/2019, 0024684 ngày 10/10/2019, 0024685 ngày 10/10/2019, 0024686 ngày 10/10/2019 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O đã nộp đủ án phí hành chính phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, Không chấp nhận kháng cáo của các ông, bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị Kiều O. Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 1081/2019/HC-ST ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Áp dụng Điều 116, Điều 143, Điều 165 của Luật Tố tụng hành chính;

Áp dụng Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 2003;

Áp dụng Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Áp dụng Thông tư 302/TT-RĐ-ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất về việc hướng dẫn thi hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Áp dụng Quyết định 201/QĐ-ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định về điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, [1] Bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tấn S và cụ Nguyễn Văn N (có những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng là các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O, Nguyễn Văn D), về việc yêu cầu huỷ các quyết định sau đây:

- Quyết định số 2484/QĐ-UBND, ngày 21/5/2012 của UBND huyện B, về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15/7/1993 do UBND huyện B cấp cho hộ cụ Nguyễn Văn N;

- Quyết định số 6023/QĐ-UBND, ngày 18/5/2017 của UBND huyện B, về việc điều chỉnh Quyết định số 2484/QĐ-UBND, ngày 21/5/2012 của UBND huyện B, về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15/7/1993 do UBND huyện B cấp cho hộ cụ Nguyễn Văn N;

- Quyết định số 11601/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 của UBND huyện B, về việc điều chỉnh Quyết định số 6023/QĐ-UBND ngày 18/5/2017 của UBND huyện B, về việc điều chỉnh Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND huyện B, về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 848/QSDĐ/1993 ngày 15/7/1993 do UBND huyện B cấp cho hộ cụ Nguyễn Văn N;

- Thông báo số 1617/TB-UBND ngày 15/8/2019 của UBND huyện B về việc đính chính văn bản.

[2] Về án phí hành chính phúc thẩm: Các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O mỗi người phải nộp 300.000 (ba trăm ngàn) đồng, được trừ vào 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm đã nộp theo các biên lai thu số 0024463 ngày 18/9/2019, 0024684 ngày 10/10/2019, 0024685 ngày 10/10/2019, 0024686 ngày 10/10/2019 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Các ông bà Nguyễn Tấn S, Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Kiều O đã nộp đủ án phí hành chính phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

352
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 438/2020/HC-PT ngày 25/08/2020 về khiếu kiện quyết định hành chính thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Số hiệu:438/2020/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 25/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về