Bản án 435/2017/HS-PT ngày 15/08/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 435/2017/HS-PT NGÀY 15/08/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 15 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 701/2016/TLPT-HS ngày 10 tháng 11 năm 2016 đối với bị cáo Lê Khánh H;

Do có kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 86/2016/HS-ST ngày 26/09/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo: Lê Khánh H, sinh năm 1955, tại tỉnh Bắc Giang.

HKTT: Ấp T1, xã X, huyện L, Đồng Nai.

Quốc tịch: Việt Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Trình độ học vấn: 07/10.

Nghề nghiệp: Làm rẫy.

Họ tên cha: Lê Duy A (chết); Họ tên mẹ: Nguyễn Thị V (chết). Họ tên vợ: Lê Thị C, sinh năm 1956, có 03 con, lớn sinh năm 1980, nhỏ sinh năm 1987.

Tiền án, tiền sự: Không.

Tạm giữ ngày 28/02/2016 đến ngày 07/3/2016 chuyển lệnh giam. (Có mặt)

- Người bị hại: Nguyễn Tiến D, sinh năm: 1982 (chết). HKTT: Khu phố 2, TT. R, huyện L, Đồng Nai.

Đại diện hợp pháp cho người bị hại:

1. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm: 1955 (bố bị hại).

2. Bà Phạm Thị D1, sinh năm: 1956 (mẹ bị hại).

3. Chị Trần Thị Mỹ D2, sinh năm: 1988 (vợ bị hại).

Cùng HKTT: Tổ 1, khu phố 2, TT. R, huyện L, Đồng Nai.

Ông T, chị D2 ủy quyền cho Bà Phạm Thị D1 (văn bản ủy quyền ngày 16/6/2016).

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Khánh H: Luật sư Đoàn Như V1 – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai (Có mặt)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp người bị hại: Luật sư Nguyễn Duy B – VPLS Duy Trinh thuộc Đoàn Luật sư Tp. HCM.

Địa chỉ: 67B, đường 11, khu phố 9, phường T1, quận T2, Tp. HCM.

Người làm chứng:

1/ Ông Thạch Hương T1 (Vắng mặt)

2/ Bà Đào Thị Thanh T2 (Vắng mặt)

3/ Bà Trần Thị T3 (Vắng mặt)

4/ Bà Lê Thị H1 (Có mặt)

5/ Ông Đoàn Hoài V2 (Có mặt)

6/ Ông Trần Võ H2 (Vắng mặt)

Người liên quan khác: Giám định viên pháp y: ông Trần Thanh H3 - Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Đồng Nai (Có mặt).

NHẬN THẤY

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thì vụ án được tóm tắt như sau:

Lê Khánh H là chủ thửa đất rẫy trồng điều, tiêu tại ấp S, xã X, huyện L, Đồng Nai. Vào cuối tháng 02/2016, do phát hiện rẫy của H thường bị trộm điều nên H báo sự việc trên cho Công an xã X nhờ tìm đối tượng trộm cắp. Khoảng 03 giờ 30 phút ngày 28/02/2016, H vào rẫy để rình bắt trộm. Khi đi, H mang theo một cây ba chỉa cán bằng tre dài 1,74 m, ba mũi chỉa nhọn bằng sắt dài 14cm để phòng thân.

Khoảng 5 giờ cùng ngày, H phát hiện anh Nguyễn Tiến D (sinh năm 1982, ngụ tại khu phố 2, thị trấn R, huyện L) điều khiển xe mô tô biển số 60R3-6384 vào trong rẫy điều của mình. Do nghi ngờ D là người trộm điều nên H đi theo. Thấy D dừng xe lại và nhặt trộm hạt điều nên H đi tới rút chìa khóa xe của D, thì D cầm bịch hạt điều trọng lượng khoảng 01 kg đi từ gốc điều ra và nói “chú cho cháu xin”. H yêu cầu D dẫn xe về nhà mình để giải quyết nhưng D không đồng ý và lên tiếng chửi tục “có mấy ký điều làm gì mà dữ vậy” và D tiến lại phía H. H sợ bị đánh nên giơ cây ba chỉa về phía D và đe dọa nếu D tấn công là H sẽ đâm. Nghe vậy, D không xông vào nữa, vứt bịch hạt điều xuống đất và dẫn xe máy đi, H nhặt bịch điều và đi theo. Khi đi đến rẫy của ông Bùi Văn L1 (cách rẫy của H 260m), do thấy đi xa rẫy của mình, sợ bị đánh nên H điện thoại cho Đoàn Hoài V2 (con rể H) nhưng V2 không nghe máy. H tiếp tục gọi điện cho Lê Thị H1 (con gái). Thấy H điện thoại, D liền xông đến dùng tay trái giữ tay phải của H đang cầm điện thoại còn tay phải của D giằng cây ba chỉa của H và ngăn cản không cho H gọi điện, hai bên giằng co xô đẩy, D dùng chân trái đạp vào đùi trái của H, làm H té nghiêng xuống đất đè lên cây ba chỉa làm gãy cán. Trong lúc giằng co, xô xát cẳng chân của D đụng vào mũi ba chỉa gây thương tích. D xông tới đè H xuống đất và dùng tay đấm vào đầu H, rồi D dùng chìa khóa xe và điều khiển xe đi, nhưng đi được 33m thì bánh xe của D bị vướng vào rễ cây điều (rộng 14cm, cao hơn mặt đất 10cm). Cùng lúc này, H đứng dậy nhặt cây ba chỉa đuổi theo D. Khi gần tới nơi thì D xuống xe đi về phía H. H liền chạy vòng tránh D và đi lên đứng phía trước xe máy của D. D định dẫn xe đi, thì H dùng cây ba chỉa đâm vào tay phải (tay cầm ga) của D. Cứ mỗi lần D đưa tay lên để lái xe thì H dùng cây ba chỉa đâm vào người, tay của D. Do bị cản trở nhiều lần nên D tức giận, đi vòng ra phía sau đuôi xe để tới chỗ H. H liền xông tới giật chìa khóa xe máy rồi lùi lại. Lúc này, D xông tới tư thế đối diện với H. H giơ mũi cây ba chỉa  về phía D và nói “mày mà đánh tao nữa, tao đâm chết đấy”, nhưng D vẫn xông vào. H liền dùng cây chỉa đâm trúng vào vùng mắt phải của D. Khi bị đâm, D bị té ngửa xuống đất. Thấy D chảy máu ở vùng mắt, H liền quay lại vị trí bị D đánh trước đó tìm điện thoại với ý định gọi người tới đưa D đi cấp cứu. Cùng lúc này, vợ chồng chị H1 đến. H nói vợ chồng chị H1 điện báo cho Công an xã X biết sự việc và đưa D đi cấp cứu. Anh V2 điện báo sự việc cho Công an xã X. H đưa cây ba chỉa cho chị H1 cầm về nhà và kêu xe taxi đưa D đi cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện L. Do vết thương nặng nên D đã tử vong. Sau khi biết D tử vong, H đến Công an xã X đầu thú.

Tại bản kết luận giám định số 106/PC54-KLGĐPY ngày 17/3/2016 của Giám định viên Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Nai kết luận thương tích và nguyên nhân làm anh Nguyễn Tiến D tử vong như sau:

a) Khám ngoài:

- Đầu, mặt: Hai mắt nhắm; miệng ngậm; hai tai, miệng khô; mũi phải có dịch màu hồng, mũi trái có bẩn màu đen; răng không bị gãy.

+ Vết rách da hình bầu dục l,6cm x 0,3cm ngay đuôi cung lông mày phải; mép gọn, tụ máu; hai đầu nhọn; trục vết nằm ngang so với trục cơ thể; hướng rãnh thương từ trước ra sau, chếch từ dưới lên trên; mép vết phía dưới cách đâu vết bên phải có vết xây sát da thăng 2,5cm x 0,5cm, trục vết vuông góc với trục vết rách da, hướng từ trên xuống dưới; bầm tím da mí trên mắt phải.

+ Vết rách da hình tam giác cân 0lcm x 0,4cm cách 2cm trước nắp tai phải; mép gọn tụ máu, trục vết xiên góc 45 độ so với trục cơ thê, hướng rãnh thương từ phải qua trái, sâu 1,3cm.

+ Vết sưng u dưới da không hình 8cm x 5cm trên gốc vành tai trên tai phải.

- Tay, chân:

+ Vết rách da thẳng 0,8cm x 0,3cm cách 3,5cm dưới mặt cá ngoài cổ tay phải, mu bàn tay; mép gọn tụ máu, rãnh thương sâu 0,7cm; xung quanh sưng u: 7cm x 6cm.

+ Vết rách da thẳng 0,4cm x 0,3cm cách 2,5cm, dưới mắt cá trong cổ tay phải, mu bàn tay; mép gọn tụ máu, rãnh thương sâu 0,6cm.

+ Vết rách da thẳng 05cm x 0lcm ở mu bàn tay, khe giữa gốc ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải; mép gọn tụ máu, rãnh thương sâu 0lcm; đầu trên bên trái cách 0,2cm có vết xước da thẳng song song dài 1,5cm.

+ Vết xước da thẳng 0,5cm cách 10cm dưới bẹn phải, mặt trong đùi phải.

+ Vết rách da thẳng 0,5cm trên đầu gối phải, mặt trước ngoài; mép gọn tụ máu, rãnh thương sâu 0,6cm.

+ Vết rách da thẳng 0,6cm trên đầu gối phải, mặt trước trong; mép gọn tụ máu, rãnh thương sâu 1,2cm.

+ Nhiều vết xây sát da trên diện 2,2cm x 0lcm 7cm dưới mắt cá trong cổ chân phải, mặt trong bàn chân.

+ Vết rách da thẳng 0,5cm dưới đầu gối trái, mặt trước cẳng chân; mép gọn tụ máu, rãnh thương sâu 0,5cm.

+ Vết rách da thẳng 19cm x l,3cm, mặt trước ngoài cẳng chân và mật trước cổ chân trái, đầu trên cách 17cm trên mắt cá ngoài cổ chân trái; mép gọn tụ máu, rãnh thương sâu 0,5cm; hướng rãnh thương từ trên xuống dưới.

+ Vết xây sát da không hình 0,7cm x 0,5cm dưới mắt cá trong cổ chân trái.

+ Vết xước da thẳng dài 0,3cm cách 05cm, dưới trước mắt cá trong cổ chân trái.

+ Vết xước da thẳng 0lcm cách 04cm trên gốc ngón cái bàn chân trái, mu bàn chân trái.

b) Khám trong:

- Đầu:

+ Tụ máu dưới da đầu vùng thái dương đỉnh phải 09cm x 07cm.

+ Xương hộp sọ vùng trán, đỉnh, chẩm, thái dương hai bên không thấy tổn thương.

+ Vỡ xương nền sọ trước và bờ trước hố tuyến yên bên phải (xương cánh bướm nhỏ và thân xương bướm bên phải) 3,5cm x 0lcm. Tụ máu ngoài màng cứng bờ trước hố tuyến yên.

+ Xuất huyết dưới màng não mềm (dưới nhện) hai bán cầu và thấy có khối máu cục ngoài màng não mềm vùng cuống não và hành não; rách nhu mô não mặt dưới thùy trán bên phải dài 03cm, rãnh thương rách nhu não xuyên vào não thất bên và thành trên não thất bên sâu 04cm. Trong buồng não thất bên hai bên và não thất IV thấy dịch não tủy có màu đỏ và có nhiều khối máu cục.

- Cổ, ngực, bụng:

+ Xương móng, sụn thanh quản, khí quản, phế quản không bị dập gãy; trong phế quản có dịch bọt màu hồng.

+ Hai phổi xung huyết, xuất huyết; mặt cắt qua nhu mô phổi thấy có màu đỏ sẫm và có máu, ít dịch bọt trào ra.

+ Tim không thấy tổn thương, trong buồng tim có máu loãng.

+ Ổ bụng khô sạch.

+ Gan, thận xung huyết, lách to.

+ Trong dạ dày có ít dịch màu đen.

c) Kết quả xét nghiệm:

- Test thu ma túy trong nước tiểu (+), dương tính.

- Về hóa pháp:

+ Nồng độ Morphine trong máu 2,774mg/L.

+ Nồng độ Morphine trong nước tiểu l,134mg/L.

d) Kết luận: Dấu hiệu chính: 09 vết rách da ở vùng trán, mặt bên phải, tay phải, chân hai bên, mép các vết gọn, 01 vết sưng u dưới da vùng thái dương, đỉnh phải. Vỡ nền sọ trước và nền sọ giữa bên phải, rách nhu mô não, trong buồng não thất có máu loãng và máu cục; xuất huyết dưới màng não mềm hai bán câu.

- Nguyên nhân tử vong: Vết thương sọ não vùng nền sọ trước bên phải, vỡ xương nền sọ, rách nhu mô não, xuất huyết não/Cơ địa có sử dụng chất ma túy (Morphine).

Về trách nhiệm dân sự: Gia đình nạn nhân Nguyễn Tiến D yêu cầu bồi thường chi phí điều trị, tiền mai táng phí, tiền tổn thất tinh thần, trợ cấp nuôi cháu Nguyễn Trung T4, sinh ngày 04/02/2016 (con anh D) đến tuổi trưởng thành theo quy định pháp luật. Gia đình bị cáo đã bồi thường số tiền 100.000.000đ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 86/2016/HS-ST ngày 26/9/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định: Tuyên bố: Bị cáo Lê Khánh H phạm tội “Giết người”; Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; Xử phạt bị cáo:  Lê Khánh H 10 (mười) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 28/02/2016.

Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 610 Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo Lê Khánh H phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của bị hại Nguyễn Tiến D số tiền: 124.418.000đ (gia đình bị hại đã nhận 100.000.000đ, bị cáo bồi thường thêm 24.418.000đ).

Và trợ cấp hàng tháng cho cháu Nguyễn Trung T4  605.000đ/1 tháng kể từ tháng 3/2016 cho đến khi cháu Nguyễn Trung T4 đủ 18 tuổi.

Toàn bộ các khoản bồi thường trên, buộc bị cáo phải bồi thường cho Bà Phạm Thị D1 là mẹ của bị hại Nguyễn Tiến D).

Ngoài ra, Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 30/9/2016, bị cáo Lê Khánh H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 04/10/2016, đại diện hợp pháp người bị hại Bà Phạm Thị D1 kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung vì vụ án xử không khách quan, bỏ lọt tội phạm, yêu cầu khắc phục đầy đủ thiệt hại cho gia đình bị hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Lê Khánh H khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại vì bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, mức án sơ thẩm đối với bị cáo là quá nhẹ và quyết định bồi thường chưa thỏa đáng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi phân tích chứng cứ vụ án đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy bán án sơ thẩm vì cần làm rõ như cơ chế hình thành vết thương, tư thế ngã của nạn nhân là ngã ngửa mâu thuẫn với vết thương ở vùng nền sọ trước bên phải. Lời khai của bị cáo, của người làm chứng tại phiên toà sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm có nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, đại diện hợp pháp người bị hại kháng cáo bỏ lọt tội phạm là có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Khánh H phát biểu quan điểm: bản án sơ thẩm xét xử bị cáo với mức án 10 năm tù là quá nặng, bởi lẽ người bị hại đã có hành vi sai trái khi vào vườn nhà bị cáo trộm cắp, tấn công nhiều lần dẫn đến bị cáo cũng bị thương tích, khi bị cáo cầm cây ba chỉa lên là do lo sợ bị người bị hại tiếp tục tấn công và đã có cảnh báo trước nhưng người bị hại vẫn xông tới.

Đồng thời, bị cáo đã khắc phục hậu quả bằng cách sau khi đâm người bị hại đã kêu người nhà đưa người bị hại đi cấp cứu, bồi thường cho gia đình người bị hại, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, sau khi phạm tội bị cáo đã ra đầu thú, gia đình có công với cách mạng và được tặng thưởng Huân chương kháng chiến. Trong quá trình điều tra đã khẳng định chỉ có bị cáo là người gây ra cái chết của người bị hại, cơ quan điều tra đã điều tra đầy đủ toàn diện. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo đồng thời không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại phát biểu quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm đã có vi phạm tố tụng khi chưa làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án, có dấu hiệu gợi ý, mớm cung nhằm hợp thức hóa tình tiết quan trọng của vụ án, có dấu hiệu làm sai lệch nội dung biên bản phiên tòa. Trong hồ sơ vụ án còn nhiều điểm mâu thuẫn nhưng không được tổ chức đối chất giữa bị cáo với ông V2 và bà H1; tại cơ quan điều tra bà H1 có khai là ông V2 có cầm theo khúc gỗ dài khoảng 70cm còn ông V2 không đề cập tới, tại phiên tòa ông V2 khai có cầm theo cành cây. Ngoài ra, khi thu giữ tại hiện trường còn có 01 khẩu trang và 02 chìa khóa mà chưa làm rõ là của ai và tại sao lại có ở hiện trường. Tại kết luận giám định đã kết luận “vết sung u vùng thái dương, đỉnh phải do tác động vào vật tày, không phải là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong”, kết luận “do tác động vào vật tày” mang tính chất phỏng đoán mà không phải mang tính khoa học và chưa khẳng định vết thương trên là do đâu mà có, do tác động vào vật gì gây ra chưa được làm rõ, liệu vết thương này có thể do vật tày tác động vào hay không? Khúc gỗ, cành cây có kích thước 8cm x 5cm có thể gây ra vết thương này hay không? Ngoài ra, phần bồi thường chưa thỏa đáng. Vì vụ án có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đảm bảo tính khách quan của vụ án nên đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thẩm quyền.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tranh luận: Do vụ án còn nhiều mâu thuẫn như đã phân tích, cần phải điều tra làm rõ để đảm bảo xử đúng người, đúng tội và tránh bỏ lọt tội phạm. nên giữ nguyên quan điểm chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại.

Luật sư bào chữa cho bị cáo tranh luận: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp người bị hại trình bày những quan điểm không liên quan đến vụ án, không nêu lên được thực tế của vụ án. Về cơ chế hình thành vết thương giám định viên đã giải thích rõ ràng. Luật sư còn cho rằng Chủ toạ cấp sơ thẩm mớm cung là kết luận không có căn cứ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp người bị hại tranh luận: Mặc dù lời khai của người làm chứng là nhỏ nhặt nhưng là thiếu chính xác. Về cơ chế hình thành vết thương Giám định viên chỉ giải thích là cây chỉa đó có thể gây ra vết thương lõm sọ và vết rách ngoài da chứ không thể gây ra vết thương ở vùng thái dương. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến của Luật sư, hủy bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư, đại diện hợp pháp của người bị hại, bị cáo.

XÉT THẤY

Theo hồ sơ vụ án thì khoảng 05 giờ sáng ngày 28/02/2015, Lê Khánh H phát hiện Nguyễn Tiến D chạy xe vào rẫy của mình nhặt hạt điều nên yêu cầu anh D về nhà giải quyết nhưng anh D không đi mà chửi tục và tiến về phía H. Do sợ bị đánh nên H cầm cây ba chỉa mà H mang theo từ trước đó đe dọa nếu Dũng tấn công thì H sẽ đâm. Nghe vậy D dắt xe bỏ đi thì H đuổi theo. Khi đi được một đoạn thấy cách xa rẫy của mình sợ bị đánh nên H gọi cho con rể là Đoàn Hoài V2 nhưng V2 không nghe máy, H tiếp tục gọi cho con gái mình là Lê Thị H1. D thấy H gọi điện liền xông đến dùng tay trái giữ tay phải của H còn tay phải thì giằng cây ba chỉa của H và ngăn cho H không gọi điện. Hai bên giằng co xô đẩy nhau, anh D dùng chân trái đạp vào đùi trái của H làm H ngã xuống đất đè làm cây ba chỉa gãy cán. Trong lúc này, chân anh D đụng vào mũi ba chỉa gây thương tích. Anh D xông tới đè H xuống đất và dùng tay đấm vào đầu H rồi điều khiển xe đi nhưng được 33m thì bánh xe vướng vào rễ điều làm anh D ngã xuống. Lúc này, H đuổi theo anh D, anh D xuống xe đi về phía H, H liền chạy vòng để tránh anh D rồi đi lên đứng trước xe máy của anh D. Anh D định dẫn xe đi thì H dùng cây ba chỉa đâm vào tay và người anh D. Anh D xông tới tư thế đối diện với H, H giơ mũi ba chỉa về phía anh D nói không được xông lại nếu không sẽ giết nhưng anh D vẫn xông tới nên H dùng cây ba chỉa đâm trúng vào mắt của D. Khi bị đâm anh D té ngửa xuống đất. Thấy anh D chảy máu H quay lại tìm điện thoại định gọi người đưa anh D đi cấp cứu thì đúng lúc Hoài và V2 chạy tới và V2 đã gọi Công an xã đưa D đi cấp cứu nhưng anh D đã chết trên đường đi cấp cứu.

Hội đồng xét xử căn cứ vào hồ sơ vụ án cũng như diễn biến của phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm thấy trong vụ án có nhiều vấn đề mâu thuẫn cần làm rõ như lời khai của bị cáo cầm cây ba chỉa ngã ra phía sau và người bị hại lao tới, nếu như vậy tại sao cây ba chỉa lại đâm được vào mắt người bị hại? tại cơ quan điều tra bị cáo khai bị cáo không cầm theo khúc cây mà một tay cầm cây chỉa sau này giao cho bà H1, một tay cầm bịch hạt điều, tuy nhiên tại phiên tòa bị cáo lại cho rằng bị cáo có cầm theo khúc cây để tìm điện thoại; ban đầu bị cáo khai rằng bị cáo quay lại vị trí giằng co ban đầu với người bị hại để tìm điện thoại nhưng sau lại khai rằng tìm điện thoại ở hiện trường; tại cơ quan điều tra ông V2 khai không cầm theo vật gì khi đi tìm bị cáo, bà H1 lại khai ông V2 có cầm theo khúc cây dài khoảng 70cm, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm ông V2 lại khai có cầm theo cây nhưng vứt đi chỗ khác.

Theo kết luận giám định thì người bị hại có “ 01 vết thương sưng u dưới da vùng thái dương, đỉnh phải do tác động vào vật tày” tuy nhiên không có giải thích về nguyên nhân, cơ chế hình thành vết thương này, vết thương do đâu mà có và do tác động vào vật nào gây ra? Tại phiên tòa, Giám định viên có giải thích khi khám ngoài không thể thấy được vết thương này mà khi mổ khám nghiệm tử thi mới có thể thấy được, vết sung u thái dương đỉnh phải và vết sung u dưới da trên gốc vành tai trên tai phải là vết thương diện rộng và không dẫn đến nứt hộp sọ nên có thể bị cùng lúc và do tác động vào diện tích rộng, không phải do cây gây ra mà nguyên nhân là do tác động vào vật tày, có thể bị hại té ngã gây nên. Tuy nhiên, đây là phỏng đoán và giải thích của Giám định viên tại phiên tòa và Hội đồng xét xử thấy cần thiết có kết luận về nguyên nhân hình thành vết thương. Đồng thời, theo hồ sơ vụ án thì bị hại bị ngã với tư thế ngửa ra sau, ngã xuống nền đất còn vết thương của bị hại là vùng thái dương đỉnh phải, liệu vết thương này có phải do bị cáo ngã xuống đất gây ra không cần phải được làm rõ.

Ngoài ra, theo kết luận giám định thì nguyên nhân tử vong của người bị hại là do: “vết thương sọ não vùng nền sọ trước bên phải, vỡ xương nền sọ, rách nhu mô não, xuất huyết não” còn theo lời khai của bị cáo dùng cây ba chỉa đâm trúng vào vùng mắt phải và té ngửa xuống đất, đây là nguyên nhân gây ra cái chết của người bị hại. Tại phiên tòa phúc thẩm giám định viên đã giải thích do vùng nền sọ trước của não rất mềm nên khi cây ba chỉa đâm vào hốc mắt có thể gây ra vỡ xương nền sọ, rách nhu mô não và xuất huyết não như kết luận giám định. Đây là giải thích của giám định viên tại phiên tòa còn trong hồ sơ, tại các bản kết luận giám định không có bất kì giải thích và kết luận nào về cơ chế hình thành vết thương này, nên yêu cầu của đại diện hợp pháp người bị hại cần có văn bản của cơ quan chuyên môn về vấn đề này là phù hợp.

Do vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ như phân tích trên mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên chấp nhận đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đại diện hợp pháp người bị hại, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều tra làm rõ. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm cũng không xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Do hủy án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử không xét kháng cáo xin giảm án của bị cáo.

Án phí hình sự phúc thẩm: Do hủy án nên bị cáo và đương sự không phải chịu án phí.

Vì các lẽ nêu trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Khoản 1 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự. Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 86/2016/HSST ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Giao toàn bộ hồ sơ vụ án về cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai để giải quyết theo thủ tục chung.

Tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai thụ lý vụ án.

Bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

933
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 435/2017/HS-PT ngày 15/08/2017 về tội giết người

Số hiệu:435/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về