Bản án 43/2020/HS-ST ngày 22/12/2020 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN 

BẢN ÁN 43/2020/HS-ST NGÀY 22/12/2020 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI

Trong ngày 22 tháng 12 năm 2020, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 44/2020/TLST-HS, ngày 19 tháng 10 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 46/2020/QĐXXST-HS ngày 07 tháng 12 năm 2020 đối với bị cáo:

Triu Văn V - Tên gọi khác: Không;

Sinh ngày: 27/12/1994, tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: thôn B, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 01/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Triệu Văn P và bà Triệu Mùi L; vợ là Hoàng Mùi D, có 02 con (con lớn sinh năm 2011, con nhỏ sinh năm 2013); tiền án: Không Tiền sự: 01 (một) ngày 26/6/2020 bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại quyết định số 246/QĐ-XPHC của Công an huyện P, tỉnh Bắc Kạn.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 28/5/2020 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Đinh Xuân Diệu - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt * Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Triệu Phụ N1- sinh năm 1965; Vắng mặt.

2. Triệu Thị V- sinh năm 1986; Có mặt.

3. Lý Văn C - sinh năm 1984; Có mặt.

Cùng trú tại: Thôn B, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn.

4. Đặng Phụ N2 - sinh năm 1955; Có mặt.

5. Triệu Chòi P - sinh năm 1964; Có mặt.

6. Phùng Thị T - sinh năm 1968; Vắng mặt.

7. Hừa Văn M - sinh năm 1968; Vắng mặt.

8. Đặng Dào P3 - sinh năm 1961; Vắng mặt.

9. Hoàng A T1 - sinh năm 1994; Vắng mặt.

Cùng trú tại: Thôn C, xã G, huyện P, tỉnh Bắc Kạn.

10. Triệu Văn P1 - sinh năm 1981; Vắng mặt.

11. Trang A L1 - sinh năm 1965; Vắng mặt.

Cùng trú tại: Thôn Nà Bản, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

12. Trang A V1 - sinh năm 1967; Có mặt.

13. Giàng Thị M3- sinh năm 1969; Có mặt.

14. Giàng Thị M3- sinh năm 1978; Vắng mặt.

Cùng trú tại: Thôn K, xã G, huyện P, tỉnh Bắc Kạn.

15. Trương Thị K2- sinh năm 1985; Vắng mặt.

16. Sùng A D - sinh năm 1970; Có mặt.

17. Trang Thị S1 - sinh năm 1966; Vắng mặt.

Cùng trú tại: Thôn Phiêng Luông (nay là thôn Tân Trào), xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

18. Trương Văn L3 - sinh năm 1961; trú tại: Thôn Lủng Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

19. Lý Phú C - sinh năm 1981; trú tại: Thôn Tiền Phong, xã Địa Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2018, Triệu Văn Vạng, sinh năm 1994, trú tại thôn B, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn sang Trung Quốc làm thuê có quen biết với người phụ nữ tên P (tên gọi khác là Trang và Cò, không biết họ, tên đệm và địa chỉ cụ thể) khoảng 40 tuổi, nhà ở tỉnh Lạng Sơn, hai người đã trao đổi số điện thoại để liên lạc với nhau. Đến năm 2019, P đã nhiều lần nhờ V tìm người sang Trung Quốc làm thuê cho P , trong tháng 11, 12 năm 2019 Triệu Văn V đã 03 (ba) lần bố trí, sắp xếp, dẫn đường đưa 18 (mười tám) người dân sinh sống ở huyện P, B, tỉnh Bắc Kạn trốn sang Trung Quốc lao động, cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Ngày 12/11/2019, P đến thôn B, xã C, huyện P với mục đích tìm người đi lao động tại Trung Quốc. P thuê Triệu Văn V và Triệu Phụ N1, sinh năm 1965, trú tại thôn B, xã C, tìm người đi Trung Quốc lao động cho P, V và N1 mỗi người được P trả số tiền là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng). Ngày 13/11/2019, Triệu Văn V và Triệu Phụ N1 đến nhà Đặng Phụ N2, sinh năm 1955 và Triệu Chòi Phu, sinh năm 1964 cùng trú tại thôn C, xã G, huyện P để rủ đi Trung Quốc. Quá trình rủ V là người trực tiếp nói chuyện với Đặng Phụ N2 về việc sang Trung Quốc làm công việc chặt mía, tiền công tính theo sản phẩm 120 nhân dân tệ (khoảng gần 400.000đ) trên một tấn mía và có hứa hẹn sẽ được trả tiền công đầy đủ, nếu đi thì đi theo Vạng. Sau đó thì 03 (ba) người gồm: Đặng Phụ N2, Triệu Chòi P1 và Phùng Thị T, sinh năm 1968 (vợ của Triệu Chòi P1) đã đồng ý đi theo V. Trong khi rủ số người trên, V đã nhờ số người này thông báo giúp trong xã nếu người nào có nhu cầu đi Trung Quốc thì đi theo V và hẹn ngày 14/11/2019 sẽ có xe khách của nhà xe L biển kiểm soát 97B-002.21 qua đón để đi. Do vậy, một số người khi nghe được thông tin Triệu Văn V đang tìm người đi sang Trung Quốc lao động, nên bằng nhiều hình thức khác nhau đã tự liên hệ với V để xin đi cùng. Đến sáng ngày 14/11/2019, như đã hẹn Triệu Văn Vạng, P và 15 người, trong đó có 11 người ở xã Cổ Linh, xã Giáo Hiệu và xã Công Bằng, huyện Pác Nặm gồm: Đặng Phụ N2; Triệu Thị V, sinh năm 1981 và Lý Văn C, sinh năm 1984, Triệu Phụ N1, Triệu Chòi P1, Hừ Văn M, sinh năm 1968, Đặng Dào P, sinh năm 1961, Trang A L1, sinh năm 1965, Triệu Văn P3, sinh năm 1981, Hoàng A T1, sinh năm 1994 và Phùng Thị T, sinh năm 1965 cùng đi xe khách Long Thủ biển kiểm soát 97B- 002.21 để xuống Thái Nguyên. Khi đến bến xe khách Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên thì V và P bố trí xe khách cho những người trên tiếp tục đi lên tỉnh Lạng Sơn. Khoảng 15 giờ cùng ngày thì xe chạy đến Lạng Sơn, P và V đưa mọi người đi làm sổ thông hành tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn với mục đích làm giấy tờ để xuất cảnh sang Trung Quốc. Sau khi làm xong sổ thông hành thì V và P gọi xe đón mọi người đến khu vực bến xe khách phía Bắc tại thành phố Lạng Sơn để ngủ lại tại một nhà nghỉ gần đó (không rõ tên nhà nghỉ). Sáng ngày 15/11/2019, V không đi cùng do không làm được sổ thông hành, còn P gọi xe dẫn 11 người làm được giấy thông hành đi lên cửa khẩu Hữu Nghị thuộc huyện C, tỉnh Lạng Sơn để xuất cảnh sang Trung Quốc, nhưng đến nơi do nhiều người nên phía Trung Quốc không cho nhập cảnh. Sau đó, P dẫn mọi người quay về bến xe khách phía Bắc tại thành phố Lạng Sơn để nghỉ lại tại một nhà nghỉ gần đó (không rõ tên nhà nghỉ). Sáng ngày 16/11/2019, P cùng Triệu Văn V dẫn 11 người trên đi lên khu vực cửa khẩu C thuộc huyện L, tỉnh Lạng Sơn, sau đó P thuê một người phụ nữ và một người đàn ông lạ mặt dẫn đường để vượt biên bằng đường mòn gần Đồn biên phòng cửa khẩu C để sang Trung Quốc trái phép. Quá trình vượt biên sang Trung Quốc, P không đi cùng V và mọi người, sang đến tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thì V và mọi người được P sắp xếp, tổ chức chỗ nghỉ và đưa đi làm việc chặt mía tại các bãi mía. Khi làm việc tại Trung Quốc, P đưa cho V 1200 nhân dân tệ (khoảng 3.600.000đ tiền Việt Nam) số tiền này dùng để mua điện thoại với mục đích liên lạc, trao đổi với nhau về tình hình của số người mà V và P đưa sang Trung Quốc và liên lạc, trao đổi trong việc tìm kiếm người sang Trung Quốc lao động. Còn 04 (bốn) người không biết họ tên, địa chỉ cụ thể, Triệu Văn V khai nhận được cùng P đưa vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, quá trình điều tra không xác định được tên, tuổi, địa chỉ cụ thể của 04 (bốn) người này, còn Trang A L1 không có mặt tại địa P nên chưa lấy được lời khai. Xác định lần thứ nhất Triệu Văn V bố trí, dẫn đường cho 10 (mười) người trốn sang Trung Quốc lao động.

Lần thứ hai: Khoảng đầu tháng 12/2019, sau khi làm tại Trung Quốc được hơn 10 ngày, V trở về Việt Nam để tiếp tục tìm người sang Trung Quốc lao động cho P . Triệu Văn V đã đến nhà của ông Trang A V1, sinh năm 1967, trú tại Thôn K, xã G, huyện P để rủ ông Và đi Trung Quốc, quá trình rủ V nói đi làm công việc chặt mía, tiền công tính theo sản phẩm 120 nhân dân tệ (khoảng gần 400.000đ- VNĐ/01 tấn mía) và sẽ được trả tiền công đầy đủ, nếu đi thì đi theo Vạng. Sau khi được hai vợ chồng ông Trang A V1 đồng ý, thì V cũng nhờ ông Và thông báo giúp trong xã người nào có nhu cầu đi Trung Quốc thì bảo họ đi cùng. V hẹn hai vợ chồng ông V1 ngày đi (không rõ ngày cụ thể). Đến khoảng đầu tháng 12/2019, V dẫn tất cả 07 (bảy) người gồm: Trương Thị K, sinh năm 1985; Giàng Thị M3, sinh năm 1978; Sùng A D, sinh năm 1970; Trang Thị S, sinh năm 1966 cùng trú tại thôn P (nay là thôn Tân Trào), xã C; Trương Văn L1, sinh năm 1961 trú tại thôn L, xã C; Trang A V1, sinh năm 1967; Giàng Thị M3, sinh năm 1969 cùng trú tại Thôn K, xã G, huyện P đi xe L biển kiểm soát 97B-002.21 từ Pác Nặm xuống Thái Nguyên, sau đó tiếp tục đi xe khách đến tỉnh Lạng Sơn rồi lên khu vực cửa khẩu C để người của P là một người phụ nữ và một người đàn ông lạ mặt dẫn sang Trung Quốc lao động, khi đưa số người này đến giáp biên giới thì V quay trở về nhà tại thôn B, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn.

Lần thứ ba: Vào khoảng giữa tháng 12/2019, Triệu Văn V liên hệ với Lý Phú C, sinh năm 1981 trú tại thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Bắc Kạn để rủ đi sang Trung Quốc lao động. Sau khi được Cán đồng ý, V hẹn ngày đi (nhưng không rõ ngày cụ thể). Đến khoảng giữa tháng 12/2019 thì V dẫn C đi sang Trung Quốc, đón xe khách L biển kiểm soát 97B-002.21 từ B xuống Thái Nguyên, sau đó tiếp tục đi xe khách đến tỉnh sang Lạng Sơn rồi lên khu vực cửa khẩu Chi Ma. Tại đây, V liên lạc với P và được một người phụ nữ cùng với một người đàn ông lạ mặt dẫn V và C theo đường mòn vượt biên đi sang Trung Quốc.

Những người trên và Triệu Văn V đều khẳng định nếu không có Triệu Văn V thì những người này không biết bên Trung Quốc có việc làm và không biết đường sang Trung Quốc làm việc, sau khi được Triệu Văn V và P đưa sang Trung Quốc thì P chia thành các nhóm từ 03 đến 05 người để làm việc tại các bãi mía ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với công việc chính là chặt mía. Những người đi trong ngày 14/11/2019 làm được gần 02 tháng thì trở về địa P nơi cư trú. Số người đi trong đợt đầu và giữa tháng 12/2019 làm được khoảng hơn 01 tháng thì trở về địa P nơi cư trú. Số người trên khi trở về không được P và chủ người Trung Quốc trả số tiền công như ban đầu đã hứa. Việc tìm và đưa người sang Trung Quốc, V được P hứa trả thêm cho 05 (năm) đồng nhân dân tệ trên một tấn mía (khoảng 17.000đ (mười bảy nghìn đồng) tiền Việt Nam) từ những người V đưa sang Trung Quốc, nhưng P chưa đưa cho V.

Tại bản cáo trạng số: 47/CT-VKS-P1 ngày 16/10/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã truy tố Triệu Văn V về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo điểm a khoản 3, Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Điều luật có nội dung:

1. Người nào tổ chức… cho người khác trốn đi nước ngoài…trái phép,nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. … 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

….

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tại phiên tòa bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bị cáo khẳng định bị cáo chính là người dẫn đường đưa 18 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Do không hiểu biết pháp luật nên bị cáo mới dẫn những người này sang Trung Quốc làm thuê. Mặc dù, bị cáo được người phụ nữ tên P hứa sẽ trả công 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) nếu đưa được một người đi làm thuê ở Trung Quốc nhưng thực tế bị cáo chưa nhận được tiền công. Bản thân bị cáo cũng đi làm thuê bên Trung Quốc và bị bà P lừa tiền công. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn giữ nguyên quan điểm truy tố như bản cáo trạng. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Triệu Văn V phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo từ 07 đến 08 năm tù.

Về hình phạt bổ sung: Bị cáo là sống ở vùng đặc biệt khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập ổn định nên không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị xử lý theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để nghị bị cáo phải trả lại khoản tiền công lao động mà những người liên quan đi làm thuê ở bên Trung Quốc chưa được thanh toán. Xét thấy bị cáo chỉ đưa người sang Trung Quốc con tiền công lao động bị cáo không biết. Do đó, Cơ quan điều tra tách ra để xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.

Ý kiến của người bào chữa tại phiên tòa: Người bào chữa cho bị cáo khẳng định việc truy tố, xét xử bị cáo Triệu Văn V về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo điểm a khoản 3 Điều 349 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Bản thân bị cáo cũng tin lời người phụ nữ tên P để sang Trung Quốc làm thuê kiếm thêm thu nhập, Người phụ nữ tên P mới là chủ mưu, bị cáo phạm tội do nhận thức pháp luật hạn chế. Quá trình điều tra, bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan điều tra nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 và 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo mức án thấp nhất của khung hình phạt và không áp dụng hình phạt bổ sung.

Ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa: Những người liên quan đề nghị bị cáo phải bồi thường số tiền công lao động tuy nhiên sau khi HĐXX giải thích, những người liên quan không có yêu cầu gì về phần dân sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án và căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại hành vi, quyết định của những người tiến hành tố tụng Điều tra viên, Kiểm sát viên. Như vậy, các hành vi, quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, có đủ cơ sở để kết luận: Trong thời gian tháng 11 và tháng 12 năm 2019 Triệu Văn V, sinh năm 1994; trú tại: Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn đã 03 (ba) lần rủ rê, bố trí, sắp xếp cho 18 người dân trên địa bàn các xã thuộc huyện P và huyện B, tỉnh Bắc Kạn trốn sang Trung Quốc để làm thuê.

Với hành vi nêu trên cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn truy tố bị cáo Triệu Văn V về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 phạm tội “Đối với 11 người trở lên” là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3]. Xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội thấy: Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi bị cáo vẫn thực hiện với lỗi cố ý. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật, để giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe phòng ngừa chung trong xã hội.

[4]. Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51/BLHS. Bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn nhận thức pháp luật về thủ tục xuất nhập cảnh còn hạn chế do vậy HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bị cáo 03 (ba) lần tổ chức cho 18 người trốn đi nước ngoài trái phép. Do đó phải chịu 01 tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 “phạm tội 02 lần trở lên”. Về nhân thân, bị cáo không có tiền án nhưng có 01 (một) tiền sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

[5]. Về hình phạt bổ sung: Xét thấy bị cáo là hộ nghèo sống ở vùng đặc biệt khó khăn không có thu nhập ổn định. Bị cáo phạm tội với mục đích kiếm lời nhưng trên thực tế bị cáo chưa được hưởng lợi. Do đó, không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

[6]. Về trách nhiệm dân sự: Xét thấy đề nghị của Đại diện VKS tại phiên tòa là có căn cứ. Bởi lẽ, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đi làm thuê ở bên Trung Quốc như thế nào bị cáo không biết, số tiền cụ thể những người liên quan chưa được thanh toán hiện nay cũng chưa xác định được do vụ việc xảy ra ở bên Trung Quốc nên Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục, điều tra, xác minh xử lý sau là đúng quy định.

Xem xét, đánh giá đối với các vấn đề liên quan khác:

- Đối với Long Văn T, sinh năm 1978, trú tại thôn N, xã B, huyện P, tỉnh Bắc Kạn - Là chủ của xe khách BKS 97B-002.21 đã ba lần được Triệu Văn V đón chở người đi xuống Thái Nguyên nhưng ông Thủ không biết mục đích của những người trên là để trốn sang Trung Quốc nên Cơ quan An ninh điều tra không xem xét xử lý là có căn cứ.

- Đối với Triệu Phụ N1, sinh năm 1965, trú tại thôn B, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn: bị can Triệu Văn V khai Triệu Phụ N1 được đưa V đi tìm người đi sang Trung Quốc lao động và được P đưa cho V và Nần mỗi người 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) là tiền ăn, mua xăng xe. Quá trình điều tra xác định Triệu Phụ N1 được dùng xe máy cá nhân chở V đi tìm người cho P, nhưng N1 không biết và không trực tiếp nói chuyện đặt vấn đề rủ đi Trung Quốc với những người trên, kết quả đối chất giữa N1 và Triệu Văn V cả hai giữ nguyên lời khai của mình. Lời khai nhận của Triệu Chòi P1, Phùng Thị T và Đặng Phụ N2 đều khẳng định Triệu Phụ N1được đưa V đến nhà 03 người trên để V nói chuyện, Nần không được đặt vấn đề đi Trung Quốc với những người trên. Xét thấy, hành vi của Triệu Phụ N1 không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với Triệu Phụ N1 là đúng quy định của pháp luật.

- Đối với người phụ nữ tên P (tên gọi khác là Trang, Cò) ở tỉnh Lạng Sơn: Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh, ra thông báo truy tìm, nhưng không xác định được danh tính, địa chỉ cụ thể. Do đó, chưa làm rõ được vị trí, vai trò của P trong việc tổ chức đưa người sang Trung Quốc lao động cùng với bị can Triệu Văn V. Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra, xác minh là đúng quy định của pháp luật.

- Đối với người phụ nữ và người đàn ông lạ mặt ở khu vực cửa khẩu C, huyện L, tỉnh Lạng Sơn là người đã cùng Triệu Văn V đưa người vượt biên trái phép thông qua đường mòn gần Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma để sang Trung Quốc lao động. Quá trình điều tra không xác định được danh tính, địa chỉ cụ thể. Vì vậy, Cơ quan điều tra không đủ căn cứ điều tra, xác minh.

- Đối với những người cùng Triệu Văn V trốn đi nước ngoài, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã gửi công văn đề nghị Công an huyện Pác Nặm và Công an huyện Ba Bể ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép ra nước ngoài.

- Đối với chiếc điện thoại di động mà P cho tiền Triệu Văn V mua để phục vụ liên lạc, nhưng khi V về địa P nơi cư trú, P đã lấy lại nên Cơ quan điều tra không thu giữ được.

[7] Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Miễn án phí HSST cho bị cáo Triệu Văn V Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Triệu Văn V phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Triệu Văn V 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam 28/5/20202.

2. Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Miễn án phí Hình sự sơ thẩm cho bị cáo Triệu Văn V.

3. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

294
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 43/2020/HS-ST ngày 22/12/2020 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài

Số hiệu:43/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về