Bản án 43/2020/DS-PT ngày 11/12/2020 về tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 43/2020/DS-PT NGÀY 11/12/2020 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Ngày 11 tháng 12 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 42/2020/TLPT- DS ngày 23 tháng 7 năm 2020 về tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2020/DS-ST ngày 04/06/2020 của Tòa án nhân dân huyện V bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 63/2020/QĐ-PT ngày 23 tháng 10 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lê Văn V1, sinh năm 1970. Địa chỉ: Thôn C, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. (có mặt).

2. Bị đơn: Bà Phan Thị C1, sinh năm 1951. Địa chỉ: Thôn C2, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. (có mặt).

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Phan Thị N1, sinh năm 1972(vợ ông V1).Địa chỉ: Thôn C, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. (có mặt)

3.2. Ông Bạch Văn B, sinh năm 1949 (chồng bà C1). Địa chỉ: Thôn C, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. (có mặt)

3. 3. Ông Bạch Văn H, sinh năm 1956. (có mặt)

3.4. Bà Lê Thị T, sinh năm 1958 (vợ ông H vắng mặt) Đều địa chỉ: Thôn C, xã N, V, Vĩnh Phúc.

3.5.Chị Bùi Thị N2, sinh năm 1983 (con dâu bà C1 vắng mặt).

3.6. Anh Bạch Văn T1, sinh năm 1982 (con trai bà C1 vắng mặt).

Đều địa chỉ: Thôn C, xã N, V, Vĩnh Phúc.

3.7. Bà Phan Thị T3, sinh năm 1960.Địa chỉ: Thôn C, xã N, V, Vĩnh Phúc. (vắng mặt)

3.8. Bà Nghiêm Thị T4, sinh năm 1951. (vắng mặt)

3.9. Ông Nguyễn Tô L, sinh năm 1950 (chồng bàị T4 vắng mặt).

Đều địa chỉ: Thôn C, xã N, V, Vĩnh Phúc.

3.10. Bà Phan Thị Y, sinh năm 1955. Địa chỉ: Thôn Y1, xã Y2, huyện Y3, tỉnh Phú Thọ. (vắng mặt)

3.11. Bà Phan Thị Z, sinh năm 1968. Địa chỉ: Thôn Y1, xã Y2, huyện Y3, tỉnh Phú Thọ. (vắng mặt)

3.12. Ông Phan Văn Z1, sinh năm 1965. Địa chỉ: Thôn Y1, xã Y2, huyện Y3, tỉnh Phú Thọ. (vắng mặt)

3.13. Bà Phan Thị Thúy V, sinh năm 1971.Địa chỉ: Thôn Y1, xã Y2, huyện Y3, tỉnh Phú Thọ. (vắng mặt)

3.14. Ông Phan Văn Z3, sinh năm 1975. Địa chỉ: Thôn Y1, xã Y2, huyện Y3, tỉnh Phú Thọ (vắng mặt)

3.15. Ủy ban nhân dân xã N, huyện V Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn U– Chủ tịch UBND xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Địa chỉ: Xã N, V, Vĩnh Phúc.

4. Người kháng cáo:

- Ông Lê Văn V1, là nguyên đơn - Bà Phan Thị C1, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 25/9/2017 cùng các lời khai tiếp theo và tại phiên tòa nguyên đơn ông Lê Văn V1 và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị N1 trình bày: Năm 1993 gia đình ông bà được Nhà nước chia cho 1.488m2 đất nông nghiệp (chia theo Nghị định 64-CP) ở nhiều sứ đồng khác nhau đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); diện tích đất trên là tiêu chuẩn của ông bà, bà Trần Thị Z2 (mẹ ông V1 chết năm 2014), ông Lê Văn Z3 (em ông V1). Sau khi được chia ruộng thì bà Z2 (lúc đó còn sống) đã tách riêng tiêu chuẩn ruộng của ông bà, của ông Z3 và bà Z2. Tiêu chuẩn ruộng của bà Z2, ông Z3 hiện nay ông Lê Văn Y4 (anh trai ông V1) quản lý sử dụng. Các con của ông bà là anh Lê Văn O, chị Lê Thị O1 không được chia đất nông nghiệp. Năm 2007 ông bà có đổi cho bà Phan Thị C1 240m2 đất nông nghiệp ở sứ đồng Cửa Chùa (trong đó có 48m2 đất nông nghiệp của vợ chồng ông Bạch Văn H, bà Lê Thị T là chị gái ông V1) cho ông bà sử dụng từ năm 2004 để lấy 240m2 đất nông nghiệp ở sứ đồng Cây Sanh Giống của bà C1. Thửa đất mà bà dùng để đổi cho bà C1 có nguồn gốc là của ông Phan Văn O2 (bố bà C1). Khi đổi hai bên không có giấy tờ gì, chỉ nói với nhau bằng miệng, không thỏa thuận cụ thể thời gian đổi, nhưng hai bên có thỏa thuận là khi nào ông bà đòi lại ruộng thì bà C1 phải trả, khi đổi hai bên thống nhất chỉ là đổi cho tiện canh tác không được chuyển đổi sang mục đích khác. Khi đổi ruộng cho bà C1 thì ông bà có nói cho ông H, bà T biết và được ông H, bà T đồng ý không có ý kiến phản đối gì.

Sau khi đổi ruộng gia đình bà C1 cấy lúa được vài năm sau đó đổ đất vào ruộng, đổ đất cao hơn mặt ruộng khoảng 75cm đến 77cm để trồng rau, cây ăn quả. Đến khoảng năm 2009, gia đình bà C1 làm 03 gian nhà tạm để ở và chăn nuôi gà, vịt ông bà có biết nhưng không có ý kiến gì. Vào năm 2016 bà C1 cho vợ chồng anh Bạch Văn T1, chị Bùi Thị N2 (là con trai, con dâu) làm 03 gian móng nhà, ông bà biết không đồng ý có ra bảo thì ông Bạch Văn B (chồng bà C1) nói “tôi bảo các cháu nó không nghe, nó cứ làm”, ông bà nói “nếu mà làm nhà là em đòi lại ruộng đấy chứ em không để như thế đâu”. Sau đó ông bà cùng bà T ra đập một ít tường của vợ chồng anh T1, N2 nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. Khi giải quyết ở xã gia đình bà C1 có yêu cầu ông bà bồi thường thì ông bà không đồng ý, sau đó bà C1 nói phải cho gia đình một thời gian để chuyển các tài sản trên đất đi ông bà đồng ý, tuy nhiên sau đó khoảng 01 năm gia đình bà C1 không tháo dỡ các tài sản cùng cây cối trên đất.

Về thửa ruộng bà C1 đổi cho ông bà thì ông bà đã trả cho bà C1 từ năm 2016, khi trả hai bên không có giấy tờ gì chỉ nói với nhau bằng miệng, thửa đất này hiện nay bà Phan Thị T3 (em gái bà C1) đang sử dụng. Thửa ruộng ở sứ đồng Cửa Chùa của ông bàcó 01 chiều giáp với thửa ruộng của ông H, bà T còn thửa ruộng của ông H, bà T lại giáp với đất bờ hồ do Hợp tác xã Nông nghiệp N quản lý. Thửa ruộng hiện nay bà C1 đang sử dụng có diện tích 309,9m2, so với diện tích có trong GCNQSDĐ của ông bà và của ông H, bà T có tăng 69,9m2 là do những người trong nhóm đi chia ruộng ở sứ đồng Cửa Chùa đã tự thống nhất với nhau bình từng ruộng một. Ruộng nào ở gần đầu bờ cao, bờ hồ thì tự điều chỉnh rút diện tích xuống để các ruộng khác gánh diện tích lên, nên thửa ruộng của ông bà được tăng thêm diện tích. Khi ông bà còn sử dụng ruộng chưa đổi cho bà C1 thì không lấn sang đất của ai. Nay ông bà yêu cầu gia đình bà C1 phải trả lại toàn bộ diện tích đất đã đổi (hiện nay đo thực tế là 309,9m2,trong đó có 48m2 đất của ông H bà T, phải tháo rỡ các công trình xây dựng, cây cối trên đất và xúc phần đất đã đổ đi để trả lại mặt bằng ruộng ban đầu cho ông bà.

Bị đơn bà Phan Thị C1 trình bày: Gia đình bà và bà Phan Thị N1, ông Bạch Văn H có quan hệ họ hàng với nhau hai bên không có mâu thuẫn gì. Trước kia gia đình bà có thầu 01 cái hồ của thôn C2, hồ lại giáp với thửa ruộng của ông V1, ông H nên năm 1995 bà có đổi ruộng cho vợ chồng ông Lê Văn V1, bà Phan Thị N1, ruộng của gia đình bà ở khu 6 còn ruộng của ông Vĩnh ở khu 5. Do ông V1 muốn đổi ruộng cùng khu để tiện việc canh tác nên bà phải lấy thửa ruộng của ông Phan Văn O2 (bố bà) ở khu 5 để đổi cho ông V1, bà N1. Bố bà là ông O2 đồng ý và đã viết giấy chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp 05 sào 11,5 thước cho bà. Cụ thể bà đổi cho ông V1, bà N1 10 thước đất ở sứ đồng Cây Sanh Giống để lấy 240m2 đất ở sứ đồng Cửa Chùa, trong đó vợ chồng ông V1 có 192m2, vợ chồng ông H có 48m2 thời gian này ông V1, bà N1 đang sử dụng ruộng của ông H, bà T. Vì tình cảm anh em họ hàng trong gia đình nên khi đổi hai bên chỉ nói với nhau bằng miệng không có giấy tờ gì và không đo lại diện tích đất, thời hạn đổi cũng không nói là bao nhiêu năm thì phải trả lại ruộng cho nhau. Sau khi đổi ruộng bà cấy lúa được khoảng 03 năm, nhưng năng suất thấp có năm lại không được ăn vì các hộ dân xung quanh thả lợn, gà, vịt, trâu, bò ngoài ra còn bị ngập nên bà không cấy lúa nữa mà đổ đất cao lên để trồng mía, chuối, rau và cây ăn quả. Cuối năm 2009 gia đình bà cho vợ chồng anh Bạch Văn T1, chị Bùi Thị N2 ra ở riêng vào thửa ruộng đã đổi của ông V1. Sau đó anh T1, chị N2 đổ đất, cát vào để làm 03 gian nhà cấp 4 lợp Proxi măng, 04 gian công trình chăn nuôi, 02 gian bếp, 01 giếng khoan, 01 sân gạch hết khoảng 60.000.000đ. Tiền làm nhà là của anh T1, N2, ông bà không có đóng góp gì. Khi anh T1, N2 làm nhà ông V1, bà N1, ông H và bà T có biết nhưng không ai có ý kiến phản đối gì. Năm 2016 do bị ngập nên anh T1, N2 lại đổ đất cao thêm (đổ đất nhiều lần tính từ mặt ruộng lên khoảng 01m) và xây 04 gian móng công trình phụ thì ông V1, bà N1, bà T ra chửi bới đập phá nên hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Các con của ông Phan Văn O2 (bố bà) là bà Phan Thị Y, bà Phan Thị Z, bà Phan Thị V5, ông Phan Văn Z1, ông Phan Văn Z3, bà Phan Thị T3; chồng bà ông Bạch Văn B và các con bà là anh Bạch Văn B4, chị Bạch Thị B5, chị Bạch Thị B3, anh Bạch Văn B6 không có liên quan gì đến thửa ruộng bà đã đổi cho ông V1, bà N1. Thửa ruộng bà đổi cho ông V1, bà N1 thì ông V1 bà N1 có lần chỉ nói miệng là trả ruộng, nhưng không có giấy tờ hay bàn giao gì, sau đó bà Phan Thị T3 (em gái bà) tự canh tác một thời gian, hiện ai canh tác thửa ruộng này bà không biết, đối với thửa ruộng này bà không có ý kiến và không yêu cầu gì. Thửa ruộng của ông V1 có 01 chiều giáp với hồ do Hợp tác xã Nông nghiệp N quản lý,nên gia đình bà có lấn ra hồ, còn lấn bao nhiêu mét bà không biết. Theo đo đạc thực tế thửa ruộng gia đình bà đang sử dụng có diện tích là 309,9m2, so với diện tích có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông V1, bà N1, ông H và bà T tăng 69,9m2 là do gia đình bà lấn ra hồ, năm 2017 thôn C2 lấy hồ để xây nhà văn hóa nên bà đã trả lại hồ cho thôn. Nay ông V1, bà N1 yêu cầu gia đình bà trả lại toàn bộ diện tích đất đã đổi bà không đồng ý vì lý do gia đình hai bên đổi ruộng đã lâu, gia đình bà có nhiều công sức đổ đất cải tạo đất. Bà đề nghị ông V1 và bà N1 tạo điều kiện tiếp tục đổi ruộng cho gia đình bà, phần tăng thêm gia đình bà hỗ trợ thanh toán một phần tiền. Ông bà không có đơn yêu cầu phản tố.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Bạch Văn H và bà Lê Thị T trình bày: Năm 1993 gia đình ông bà được Nhà nước chia cho 4.236m2 đất nông nghiệp ở nhiều sứ đồng khác nhau, trong đó có 48m2 đất ở sứ đồng Cửa Chùa. Thửa ruộng này có 01 chiều giáp với thửa ruộng của ông V1, bà N1 ông bà canh tác vài vụ thì không làm nữa mà cho ông V1, bà N1 mượn. Khi cho vợ chồng ông V1 làm hai bên không có giấy tờ gì, chỉ nói với nhau bằng miệng, thời gian đầu vợ chồng ông V1 có trả cho gia đình ông 10kg thóc/01 năm, sau đó ông bà không lấy thóc nữa mà cho vợ chồng ông V1 làm, không phải trả bất cứ một khoản gì. Khoảng năm 2006, 2007 vợ chồng ông V1 đổi thửa ruộng trên cho bà Phan Thị C1 (trong đó có 192m2 đất của ông V1 và 48m2 đất của ông bà) để lấy 240m2đất của bà C1 ở sứ đồng Cây Xanh Giống. Trước khi đổi vợ chồng ông V1 có nói cho ông bà biết và ông bà đồng ý không có ý kiến thắc mắc gì, sau khi đổi ruộng gia đình bà C1 cấy lúa một vài năm, sau đó đổ đất để trồng cây, làm nhà tạm, chăn nuôi gà vịt ông bà có biết và không có ý kiến gì. Đầu năm 2016 gia đình bà C1 đào móng làm nhà kiên cố, ông V1, bà N1 và vợ chồng ông không đồng ý vì trước đó thỏa thuận chỉ đổi để canh tác, không được làm nhà ở. Từ đó hai bên xảy ra mâu thuẫn va chạm, ông V1 đã làm đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã N giải quyết.

Đối với diện tích đất 48m2 là tiêu chuẩn của ông bà, còn chị Bạch Thị B5, anh Bạch Văn B3, anh Út Bạch B6 (các con ông bà), bà Phan Thị B8 (bác dâu chết năm 2000) không có liên quan gì đến thửa đất trên. Thửa ruộng này những người trong nhóm đi chia ruộng ở sứ đồng Cửa Chùa gồm bà Nghiêm Thị T4, ông Bạch Quyết A, ông Lê Văn A1, bà Bạch Thị A2, ông Phan Văn A3, ông Lê Văn A4, ông Lê Chí A5, bà Lê Thị A7, ông Lê Văn A8, bà Lê Thị C5, ông Bạch Văn C6 đã tự thống nhất với nhau bình từng ruộng một. Ruộng nào ở gần đầu bờ cao, bờ hồ thì tự điều chỉnh rút diện tích xuống để các ruộng khác phải gánh diện tích lên, nên thửa ruộng của ông bà được tăng thêm khoảng 24m2, còn lại chia cho các gia đình khác gồmbà Phan Thị N1 khoảng 30m2, bà Nghiêm Thị T4 khoảng 18m2. Nay ông bà đồng ý với việc ông V1 khởi kiện đòi ruộng, đề nghị Tòa án buộc bà C1 phải trả cho ông V1, bà N1 toàn bộ diện tích đất đã đổi, còn 48m2đất ông bà đã cho ông V1, bà N1 sử dụng thì ông bà không yêu cầu Tòa án giải quyết, việc đó để hai gia đình giải quyết với nhau sau, ông bà không có đơn yêu cầu độc lập.

Anh Bạch Văn T1, chị Bùi Thị N2 trình bày: Việc bà Phan Thị C1 (mẹ anh chị) đổi đất nông nghiệp cho ông V1, bà N1 như thế nào anh chị không biết, cuối năm 2008 bố mẹ cho vợ chồng anh chị ra ở riêng nên anh chị đổ đất, cát (đổ làm nhiều lần) tính từ mặt ruộng lên khoảng 01m, chi phí hết khoảng 60.000.000đ. Sau đó làm 03 gian nhà tạm, 01 gian bếp, 03 gian công trình phụ, 01 sân gạch, 01 giếng khoan để ở và chăn nuôi gà, vịt, lợn ông V1, bà N1 có biết nhưng không ai có ý kiến phản đối gì. Năm 2016, do bị ngập nên anh chị tiếp tục đổ đất cao thêm và xây lại 04 gian móng công trình phụ hết khoảng 40.000.000đ thì ông V1, bà N1 nghĩ anh chị xây nhà kiên cố nên ra đập phá, sau đó Công an xã đến giải quyết. Quá trình sử dụng anh chị có lấn ra hồ khoảng 50 đến 60m2 hồ do bố mẹ anh chị thầu của Hợp tác xã Nông nghiệp N, năm 2017 thôn C2 lấy đất làm nhà văn hóa nên gia đình đã trả lại hồ cho Hợp tác xã. Nay ông V1, bà N1 yêu cầu bà C1 phải trả lại toàn bộ diện tích đất đã đổi, ngoài ra còn yêu cầu anh chị phải tháo rỡ các công trình xây dựng cùng cây cối trên đất và xúc phần đất đã đổ để trả lại mặt bằng ruộng anh chị không đồng ý. Do điều kiện bận công việc anh chị đã ủy quyền toàn bộ cho bà C1, anh chị không có đơn yêu cầu độc lập.

Ông Bạch Văn B trình bày: Ông có biết việc bà Phan Thị C1 đổi ruộng cho vợ chồng ông Lê Văn V1, bà Phan Thị N1 như bà C1 trình bày là đúng. Mục đích đổi để tiện canh tác vì gần nhà, sau khi đổi gia đình canh tác được vài năm thì chuyển sang trồng mía, chuối. Quá trình sử dụng do ruộng hay bị ngập nên gia đình đổ đất tính từ mặt ruộng lên khoảng 01m và làm nhà tạm để chăn nuôi gà, vịt, lợn việc đổ đất làm nhà do vợ chồng anh T1, N2 làm còn ông và bà C1 không có đóng góp gì. Ông và các con không có liên quan gì đến việc đổi ruộng giữa bà C1 và ông V1, gia đình ông không yêu cầu ông V1, bà N1 phải trả lại thửa ruộng đã đổi coi như đổi vĩnh viễn. Tháng 11/2015, vợ chồng anh T1, N2 có nâng móng nhà chăn nuôi cao thêm thì ông V1, bà N1 cho rằng anh chị xây nhà kiên cố nên hai bên xảy ra mâu thuẫn.Nay ông V1, bà N1 yêu cầu bà C1 phải trả lại toàn bộ diện tích đất đã đổi, phải thu dọn các tài sản cây cối trên đất và phần đất đã tôn tạo ông không nhất trí. Vì các bên đã thỏa thuận đổi ruộng cho nhau từ nhiều năm nay, khi vợ anh T1, N2 đổ đất làm nhà tạm để chăn nuôi ông V1, bà N1, ông H, bà T có biết không ai có ý kiến phản đối gì. Ông yêu cầu ông V1, bà N1 phải đền bù những tài sản, cây cối, công tôn tạo đổ đất cho anh T1, N2 theo pháp luật, do bận công việc nên ông đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt tại các buổi công khai chứng cứ, hòa giải và khi xét xử (ông B có đơn đề nghị xét xử vắng mặt), ông B không có đơn yêu cầu độc lập.

Ủy ban nhân dân xã N vắng mặt nhưng theo bản tự khai ngày 30/8/2018 ông Trần Văn U- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N trình bày: Ngày 25/01/2016, Ủy ban nhân dân xã N nhận được đơn đề nghị giải quyết việc đổi ruộng giữa gia đình ông Lê Văn V1 và bà Phan Thị C1, Ủy ban xã đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành sau đó ông V1 làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết. Thửa ruộng nông nghiệp của gia đình ông V1, ông H liền kề với diện tích ao thuộc đất 05% do Ủy ban nhân dân xã quản lý hiện nay quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn C2. Tòa án đã đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ thì thửa ruộng của ông V1, đổi cho bà C1 thừa 69,9m2 là do giáp với bờ ao đất 5% Ủy ban xã quản lý (hồ ông Mạo). Hiện tại ranh giới giữa bờ ao và ruộng chưa xác định được, yêu cầu các hộ chứng minh diện tích đất thừa, nếu các hộ chứng minh được đây là đất của các hộ được giao thì Ủy ban không có ý kiến gì; trường hợp các hộ không chứng minh được Ủy ban xã đề nghị Tòa án trả đủ diện tích đất nông nghiệp cho các hộ, diện tích đất thừa này sẽ lấy ra để xây dựng công trình nhà văn hóa thôn C2. Do bận công việc của địa phương nên ông đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt tại các buổi công khai chứng cứ, hòa giải và khi xét xử (ông Thái có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Bà Phan Thị T3 vắng mặt nhưng theo biên bản lấy lời khai ngày 09/8/2018 bà T3 trình bày:Thửa ruộng ở sứ đồng Cây Xanh Giống là của ông Phan Văn O2 (bố bà) để lại cho bà C1 (chị gái bà) sử dụng từ năm nào bà không nhớ, nay bà không có ý kiến thắc mắc gì về thửa ruộng trên. Việc bà C1 đổi ruộng cho ông V1 như thế nào bà không biết, thửa ruộng ở sứ đồng Cây Xanh Giống hiện nay bà đang sử dụngvì thửa ruộng này bỏ không, không ai làm nên bà cấy lúa từ năm 2018. Nếu sau này đất đó giao cho ai sử dụng thì bà sẽ tự nguyện trả lại đất không có thắc mắc gì, tiêu chuẩn ruộng của bà Trần Thị Z2 (mẹ chồng bà) và ông Lê Văn Z3 (em chồng bà) hiện nay gia đình bà đang sử dụng, thửa ruộng mà ông V1 đổi cho bà C1 không có liên quan gì đến gia đình bà, vậy bà đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật. Do công việc bận nên bà đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt tại các buổi công khai chứng cứ, hòa giải và khi xét xử.

Ông Phan Văn Z1, bà Phan Thị Y, Phan Thị Z, Phan Thị Thúy V vắng mặt nhưng theo bản tự khai ngày 20/3/2018, biên bản lấy lời khai ngày 21/6/2018 ông Thọ, bà Thìn, bà Thanh, bà V5 trình bày: Về đất nông nghiệp thì bố mẹ và toàn thể gia đình đã thống nhất để cho bà Phan Thị C1 sử dụng từ nhiều năm nay, thửa ruộngở sứ đồng Cây Xanh Giống là tài sản của bố mẹ để lại cho bà C1 nên các ông bà không đòi hỏi quyền lợi gì đối với thửa ruộng trên. Việc bà C1 đổi ruộng cho ông V1 như thế nào các ông bà không biết, nay ông V1 yêu cầu bà C1 phải trả lại toàn bộ diện tích đất đã đổi các ông bà không có ý kiến gì, đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt (ông Thọ, bà Thìn, bà Thanh và bà V5 có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Ông Phan Văn Z3 vắng mặt nhưng theo biên bản lấy lời khai ngày 21/6/2018 ông Trường trình bày: Thời gian từ năm 1981 đến năm 1996 ông có hộ khẩu ở xã N có được chia đất nông nghiệp, nhưng không biết được bao nhiêu m2 ở sứ đồng nào. Năm 1996 ông Phan Văn O2 (bố ông) bán nhà đất ở xã N để lên Đoan Hùng ở, sau đó gia đình đã thống nhất cho bà C1 sử dụng toàn bộ đất nông nghiệp ở xã N, nay ông không đòi hỏi quyền lợi gì đối với thửa ruộng ở sứ đồng Cây Xanh giống. Ông không biết bà C1 và ông V1 đổi ruộng cho nhau như thế nào nên không có ý kiến gì, đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt (ông Trường có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Với nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2020/DSST ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V đã quyết định:

Áp dụng Điều 264 của Bộ luật dân sự năm 1995; các Điều 256 và 688 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 166 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 203 Luật đất đai năm 2013; các Điều 147, 156, 157, 158, 163, 164, 165 và Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 2 của Luật Người cao tuổi năm 2009; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn V1, bà Phan Thị N1:

- Buộc bà Phan Thị C1, ông Bạch Văn B, anh Bạch Văn T1 và chị Bùi Thị N2 phải trả lại cho ông Lê Văn V1 và bà Phan Thị N1 diện tích 240m2 đất nông nghiệp, thửa số 340, tờ bản đồ 18, ở sứ đồng Cửa Chùa, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. Ranh giới thửa đất có các chiều tiếp giáp như sau: Cạnh 3-5 kích thước 10,93m; Cạnh 5-6 kích thước 20,5m; Cạnh 6-8 kích thước 12,11m; Cạnh 8-3 kích thước 21,28m. Đồng thời buộc bà C1, ông B, anh T1 và N2 phải xúc bỏ phần đất đã đổ cao 75cm (trong phần diện tích 240m2) để trả lại mặt bằng thửa ruộng cho ông Lê Văn V1 và bà Phan Thị N1.

- Buộc anh Bạch Văn T1 và chị Bùi Thị N2 phải thu dọn toàn bộ các cây cối gồm có 18 cây cau trong đó có 01 cây cau lùn, 03 cây soài, 02 cây chuối, 02 khóm chuối; 05 cây nhãn, 01 cây ổi, 02 cây xoan, 02 cây mít, 02 cây chanh, 02 cây sy, 01 cây sạ đen, 03 cây bưởi (trên diện tích 240m2 đất).Đồng thời anh T1, N2 phải tháo dỡ các công trình gồm 02 gian nhà xây cấp 4 lợp proximăng, 01 gian bếp, 01 nhà vệ sinh, một phần của 03 gian móng nhà (30,28m2) nằm trong diện tích 240m2 đất phải trả lại, được giới hạn bởi các cạnh 8-B’-C-D; 01 sân gạch, 01 giếng khoan, (Có sơ đồ chi tiết kèm theo).

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, án phí dân sự và tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17 tháng 6 năm 2020 bà Phan Thị C1 là bị đơn có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn; Ngày 18 tháng 6 năm 2020 ông Lê Văn V1 kháng cáo đề nghị sửa bản án buộc gia đình bà C1 phải trả cho gia đình ông diện tích 309m2 đất nông nghiệp thuộc thửa số 340, tờ bản đồ 18 sứ đồng Cửa Chùa, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phan Thị C1 và ông Lê Văn V1 vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, Thẩm phán; Thư ký Toà án và Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn và những người tham gia tố tụng khác đã chấp hành đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý vụ án cho đến khi đưa vụ án ra xét xử.

Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Văn V1 và bà Phan Thị C1; giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 01/2020/DS-ST ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của bà Phan Thị C1 và ông Lê Văn V1 trong thời hạn luật định, đơn hợp lệ được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét, giải quyết.

[2] Về nội dung vụ án và kháng cáo của bà Phan Thị C1; Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Năm 1995 giữa vợ chồng ông V1, bà N1 và vợ chồng bà C1, ông B có thực hiện việc đổi ruộng canh tác cho nhau theo đó ông V1, bà N1 đổi 240m2 đất canh tác ở sứ đồng Cửa Chùa (trong đó diện tích đất của vợ chồng ông V1 là 192m2 và diện tích đất của vợ chồng bà T ông H là 48m2) để lấy 11,5 thước đất ở sứ đồng Cây Xanh giống của bà C1 ông B. Do xuất phát từ quan hệ anh em họ hàng nên khi đổi hai bên chỉ nói với nhau bằng miệng, không viết giấy tờ gì, thời hạn đổi cũng không nói cụ thể là bao nhiêu năm thì phải trả lại. Quá trình giải quyết vụ án phía gia đình ông V1, bà N1 và ông H cho rằng để thuận tiện cho việc canh tác nên trước đây hai gia đình đổi cho nhau, khi nào không có nhu cầu canh tác sẽ trả lại cho nhau; trong khi đó gia đình bà C1, ông B cho rằng hai bên gia đình đã đổ cho nhau vĩnh viễn, gia đình bà không làm thuê, không mượn ruộng của ông V1 bà N1, nên không đồng ý trả. Thực tế việc đổi ruộng giữa hai gia đình là hoàn toàn tự nguyện, không lừa dối ép buộc, sau khi đổi ruộng các bên đã trực tiếp canh tác, mãi đến năm 2016 khi gia đình bà C1 ông B và các con là anh T1, N2 cải tạo, đào đất làm móng xây dựng công trình thì dẫn đến tranh chấp. Ông V1, bà N1 cho rằng hai gia đình chỉ đổi cho tiện canh tác, khi nào cần sẽ trả lại, lý do trước đó khi gia đình bà C1 ông B và các con đổ đất, làm nhà tạm để chăn nuôi ông bà không có ý kiến gì vì các công trình đó chỉ là tạm phục vụ để chăn nuôi không ở được. Đến năm 2016 khi gia đình bà C1, ông B đào đất làm móng nhà thì ông bà không đồng ý và đòi lại vì nếu làm móng xây nhà sẽ ở cố định, sau này tranh chấp phức tạp. Phía ông B và bà C1 cho rằng đã đổi vĩnh viễn, không đồng ý trả lại mà không đưa ra được tài liệu chứng minh việc đổi vĩnh viễn; Kể từ khi đổi ruộng đến nay hai bên không làm bất kỳ thủ tục gì, không báo chính quyền, không đăng ký kê khai diện tích ruộng đã đổi để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính.

Căn cứ vào bản đồ 299 can vẽ năm 1987, sổ địa chính lưu tại UBND xã N thì diện tích đất 192m2 ở sứ đồng Cửa Chùa là của vợ chồng ông Lê Văn V1, bà Phan Thị N1; diện tích đất 48m2 ở sứ đồng Cửa Chùa mà vợ chồng ông Bạch Văn H, bà Lê Thị Thuỵ cho vợ chồng ông V1, bà N1 sử dụng là của ông H, bà T; thửa số 323 diện tích 240m2 đất nông nghiệp ở sứ đồng Cây Xanh Giống, tờ bản đồ số 14 ở Thôn C, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn của gia đình bà Phan Thị C1. Quá trình giải quyết vụ án cả nguyên đơn, bị đơn đều thừa nhận có việc đổi ruộng để canh tác không lập văn bản, giấy tờ gì ghi rõ thời gian. Tuy nhiên nguyên đơn cho rằng thỏa thuận việc đổi ruộng nhằm mục đích canh tác, khi nào nguyên đơn có nhu cầu thì đòi lại, còn bị đơn cho rằng việc đổi ruộng là đổi vĩnh viễn mà không đưa ra được tài liệu, chứng cứ gì. Hội đồng xét xử thấy rằng: Đối tượng các bên đổi cho nhau là đất ruộng, mục đích là dùng để canh tác, sản xuất và thực tế sau khi đổi ruộng các bên đều canh tác, sản xuất một thời gian. Hiện nay gia đình bà Phan Thị C1, ông B không canh tác trên diện tích đất đã đổi với gia đình ông V1, bà N1 mà sử dụng vào việc xây dựng công trình làm nơi ở cho các con là vi phạm quy định về Luật đất đai. Do đó gia đình ông V1, bà N1 có quyền yêu cầu gia đình bà C1, ông B trả lại diện tích đất đã đổi là phù hợp. Tòa án cấp sơ thẩm xác định việc đổi ruộng giữa gia đình ông V1 bà N1 và gia đình bà C1 ông B không phải là đổi ruộng vĩnh viễn mà chỉ là đổi ruộng để thuận tiện việc canh tác nên ông V1 bà N1 yêu cầu đòi lại đất và chấp nhận yêu cầu này là phù hợp.

Tại phiên tòa phúc thẩm bà C1 vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V1 nhưng không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

3. Xét kháng cáo của ông Lê Văn V1 đề nghị Tòa án buộc gia đình bà C1 trả lại tổng diện tích 309,9 m2 , Hội đồng xét xử thấy rằng: Đối với thửa rộng ông V1, bà N1 đang khởi kiện đòi lại, kết quả thẩm định thửa ruộng có diện tích là 309,9m2, như vậy diện tích đất thực tế hiện nay gia đình bà C1 quản lý sử dụng lớn hơn diện tích đất được cấp tại GCNQSDĐ của hộ ông V1, ông H là 69,9m2. Việc diện tích tăng theo bà C1, ông B, anh T1 và N2 là do quá trình canh tác gia đình lấn ra hồ (hồ do UBND xã N quản lý). Còn phía ông V1, bà N1, ông H, bà T cho rằng diện tích đất tăng này do những người trong nhóm đi chia ruộng năm 1994 ở sứ đồng Cửa Chùa tự thống nhất, theo đó ruộng nào ở gần dân, gần đường cái hay giáp bờ cao, bờ hồ khó canh tác thì được tăng thêm diện tích; còn ruộng canh tác thuận tiện sẽ bị giảm diện tích. Phần diện tích tăng thêm nằm trong diện tích 48m2 mà ông H, bà T được chia. Việc ông V1, bà N1, ông H và bà T trình bày lý do diện tích tăng như vậy nhưng không đưa ra được chứng cứ, tài liệu chính xác để chứng minh việc tăng lên diện tích.

Xét việc ông H có đưa ra cuốn sổ theo dõi, viết tay về việc tăng diện tích tuy nhiên đây chỉ là sổ cá nhân, không có xác nhận của chính quyền địa phương, không nằm trong hệ thống sổ sách địa chính, số liệu không có cơ sở vững chắc. Mặt khác ông V1, bà N1 thừa nhận khi ông bà còn sử dụngruộng chưa đổi cho bà C1 thì không lấn sang đất của ai, khi đổi ruộng cho gia đình bà C1 hai bên không kiểm tra lại diện tích mà giao cho nhau theo diện tích ghi trong GCNQSDĐ. Theo GCNQSDĐ ngày 20/11/2001 thì ở sứ đồng Cửa Chùa hộ ông Lê Văn V1 có 192m2 đất (tờ bản đố số 18, thửa số 340). Hộ ông Bạch Văn H có 192m2 đất (tờ bản đồ số 18 thửa 340- 371 trong đó thửasố 340 có 48m2 thửa số 371 có 144m2). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà C1, ông B, anh T1 và N2 trả đủ diện tích đất cho các hộ như trong GCNQSDĐ của các hộ được cấp, còn phần diện tích 69,9m2 đất thừa sau này do gia đình bà C1 ông B đang quản lý sử dụng là đất thuộc UBND xã N quản lý và giải quyết theo quy định.

Đối với các công trình do bà C1, ông B, anh T1 và N2 xây dựng do là đất nông nghiệp nên việc xây dựng là trái phép nên cần buộc thu dọn để trả lại diện tích cho nguyên đơn.

[4]. Án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận, ông V1 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, bà C1 được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của ông Phan Văn V và bà Phan Thị C1; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Áp dụng Điều 264 của Bộ luật Dân sự năm 1995; các Điều 256 và Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 203 Luật đất đai năm 2013; các Điều 147, Điều 156, Điều 157, Điều 158, Điều 163, Điều 164, Điều 165 và Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 2 của Luật Người cao tuổi năm 2009; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn V1, bà Phan Thị N1 về việc kiện đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp:

- Buộc bà Phan Thị C1, ông Bạch Văn B, anh Bạch Văn T1 và chị Bùi Thị N2 phải trả lại cho ông Lê Văn V1 và bà Phan Thị N1 diện tích 240m2 đất nông nghiệp, thửa số 340, tờ bản đồ 18, ở sứ đồng Cửa Chùa, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. Ranh giới thửa đất có các chiều tiếp giáp như sau: Cạnh 3-5 kích thước 10,93m; Cạnh 5-6 kích thước 20,5m; Cạnh 6-8 kích thước 12,11m; Cạnh 8-3 kích thước 21,28m. Đồng thời buộc bà C1, ông B, anh T1 và N2 phải xúc bỏ phần đất đã đổ cao 75cm (trong phần diện tích 240m2) để trả lại mặt bằng thửa ruộng cho ông Lê Văn V1 và bà Phan Thị N1.

- Buộc anh Bạch Văn T1 và chị Bùi Thị N2 phải thu dọn toàn bộ các cây cối gồm có 18 cây cau trong đó có 01 cây cau lùn, 03 cây soài, 02 cây chuối, 02 khóm chuối; 05 cây nhãn, 01 cây ổi, 02 cây xoan, 02 cây mít, 02 cây chanh, 02 cây sy, 01 cây sạ đen, 03 cây bưởi (trên diện tích 240m2 đất). Đồng thời anh T1, N2 phải tháo dỡ các công trìnhgồm 02 gian nhà xây cấp 4 lợp proximăng, 01 gian bếp,01 nhà vệ sinh, một phần của 03 gian móng nhà (30,28m2) nằm trong diện tích 240m2 đất phải trả lại, được giới hạn bởi các cạnh 8-B’-C-D; 01 sân gạch, 01 giếng khoan, (Có sơ đồ chi tiết kèm theo).

2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông Phan Văn V tự nguyện chịu toàn bộ 850.000đ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 29/01/2019, xác nhận ông V1 đã nộp đủ.

3.Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lê Văn V1 không phải chịuán phí dân sự sơ thẩm, được trả lại số tiền tạm ứng án phí là 300.000đ đã nộp theo biên lai số AA/2016/0004027 ngày 04/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện V.

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phan Văn V phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số: AA/2017/0005058 ngày 22 tháng 6 năm 2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Lạc. Ông Phan Văn V đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

Bà Phan Thị C1 được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

213
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 43/2020/DS-PT ngày 11/12/2020 về tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp

Số hiệu:43/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về