Bản án 43/2018/HS-PT ngày 15/08/2018 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 43/2018/HS-PT NGÀY 15/08/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 15 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 68/2018/TLPT-HS ngày 29 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Văn T, do kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2018/HS-ST ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Nguyễn Văn T (tên khác: Lê Văn T); Sinh năm 1980 tại Campuchia; Nơi ĐKNKTT: Không; Nơi cư trú: Tổ dân phố A, thị trấn ĐT, huyện ĐT, tỉnh Lâm Đồng; Dân tộc: Không rõ; Học vấn: Biết đọc, biết viết; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Con ông: Không rõ, con bà: Không rõ; Tiền án: Tiền sự: Không; Vợ: Ka H (không đăng ký kết hôn); Con: Có 06 con, lớn nhất sinh năm 2007, nhỏ nhất 2017; Tiền án, tiền sự: Không. Hiện bị cáo đang được tại ngoại tại địa phương. Có mặt.

Trong vụ án này còn có các bị cáo Vi Văn H, K’Dê, K’T; Nguyên đơn dân sự Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh không có kháng cáo, vụ án không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 16-02-2017 qua công tác tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đạ Tẻh đã phát hiện bắt quả tang 05 đối tượng gồm: Nguyễn Văn T, K’M, K’D, K’Tvà Lâm Văn T đang có hành vi dùng dao phát phá rừng trái phép tại vị trí có tọa độ X: 0466150 – Y: 1283556 thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 535 A xã Đạ Lây và Tiểu khu 535 B xã HL, huyện ĐT thuộc lâm phận do công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý, diện tích bị thiệt hại là 7.700 m2 . Sau khi xác minh các đối tượng trên, ngoài Nguyễn Văn T khai tên thật, 04 đối tượng còn lại không khai tên thật được xác định là K’M tên thật là K’Mỡ, K’D tên thật là K’Dê, K’T tên thật là K’T, còn Lâm Văn Tuấn tên thật là Long Văn T.

Ngày 02-3-2017 Hạt kiểm lâm huyện Đạ Tẻh tiến hành khám nghiệm hiện trường, kết quả xác định như sau: Tổng diện tích rừng bị phá trái phép là 22.460 m2, trong đó: Diện tích rừng đã bị phát trắng là 9.450 m2 , toàn bộ gốc của những cây bụi, dây leo, lồ ô, tre, nứa và những cây gỗ nhỏ có đường kính dưới 12 cm có dấu vết bị chặt hạ bằng dao, những cây gỗ có lớn hơn có dấu vết cưa máy cầm tay. Xác định có 36 cây gỗ lớn bị cắt hạ có tổng khối lượng là 20,519 m2 gỗ. Diện tích bị luỗng phát chủ yếu bằng dao là 1.100 m2 . Diện tích 11.910 m2 chủ yếu là cây Hu đay, cây lồ ô cũng bị phát trắng bằng dao phát, phần lớn thân và gốc cây trên diện tích này đã bị cháy đen một phần.

Các đối tượng khai nhận: Vào khoảng tháng 02-2017, Vi Văn H đã liên hệ và thuê Nguyễn Văn T đến phá rừng trái phép tại khu vực thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 535A xã Đạ Lây giáp với Tiểu khu 535B xã HL, huyện ĐT để lấy đất làm rẫy trồng điều. H dẫn Tâm đi chỉ chỗ và ranh giới thuê và ước bằng mắt thường diện tích sẽ phát khoảng 1,6 hecta, nên giữa hai bên thống nhất thỏa thuận với T về giá cả phát là 8.000.000đ. Sau khi thỏa thuận với H, Nguyễn Văn T tự đứng ra thuê và tổ chức cho các đối tượng phát rẫy cho H làm 02 đợt như sau:

- Đợt thứ nhất: Nguyễn Văn T đã thuê K’Mỡ, K’Dê, K’T và Long Văn T với giá 230.000đồng/ngày rồi cùng Tâm phát từ ngày 14-02-2017 đến trưa ngày 16-02-2017 thì bị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh phát hiện bắt quả tang, lúc này cả nhóm mới phát được 03 đám rừng với diện tích là 7.700 m2 . Trước khi phát rừng, các đối tượng thấy đa phần diện tích rừng này trước đó đã bị phá, đang tái sinh lại toàn cây bụi và cây lồ ô, chỉ còn một vài chỗ có cây gỗ lớn, hơn nữa thấy xung quanh đó toàn là rẫy điều của các hộ dân nên nghĩ là đất lâm nghiệp đã được giao khoán cho các hộ dân canh tác, không biết đây là rừng của Nhà nước quản lý. Chỉ đến khi nhân viên Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh phát hiện, thông báo, ngăn chặn và yêu cầu các đương sự ký cam kết không được phát rừng nữa thì các đối tượng mới biết là rừng do Nhà nước quản lý. Do vậy, K’Mỡ, K’Dê, K’T và Long Văn T đã ký vào biên bản làm việc viết cam kết bằng tên giả như đã nêu trên.

- Đợt thứ hai: Sau khi bị phát hiện và cho viết cam kết không được phát nữa, vào ngày 17-02-2017, T đến gặp vợ H là Triệu Thị P để ứng thêm 3.000.000đ, sau đó nói với H biết việc phát rừng đã bị cơ quan chức năng phát hiện bắt và yêu cầu không được phát nữa. Nhưng sau đó giữa H và T vẫn tiếp tục thỏa thuận: Tâm phải phát hết toàn bộ khu vực mà H đã thỏa thuận trước đó thì H mới thanh toán hết số tiền còn lại 4.000.000đ. T nghe vậy thì đồng ý nhưng nói H phải bố trí người cảnh giới cơ quan chức năng, còn T sẽ tập trung đông người phát trong vòng 01 ngày nữa, được bao nhiêu diện tích thì cũng dừng lại không phát nữa. Sau khi thống nhất, Tâm một mặt tiếp tục thuê K’Dê, K’T và Long Văn T phát tiếp với giá 250.000đồng/ngày nhưng chỉ có K’Dê, K’T và K’V (tức anh vợ của K’Dê) đồng ý. Mặt khác, T gọi điện nhờ K’B ở huyện TP, tỉnh ĐN để thuê người thi có thêm K’Ch, K’T, K’Đ, K’K, K’H cùng tham gia. Nhóm của T tiếp tục đến khu vực đã bị bắt vào ngày 16-02-2017 để phát, mỗi người sử dụng một con dao phát, còn T thì sử dụng 01 cưa máy cầm tay cùng phát từ 08 giờ sáng đến 16 giờ chiều cùng ngày thì nghỉ. Ngoài những đối tượng trên, H còn nhờ 02 người em ruột là Vi Văn T và Vi Văn T đi cùng T đến hiện trường để cảnh giới cho nhóm của T phát rừng. Đến chiều cùng ngày, vợ của H trả cho T 4.000.000đ như đã thỏa thuận.

Kết quả Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện Đạ Tẻh xác định giá trị của 36 cây gỗ với tổng khối lượng 20,519 m2 mà Hạnh và đồng phạm đã chặt hạ là 38.642.879đ.

Bản án số 04/2018/HS-ST; ngày: 17-4-2018, Tòa án nhân dân huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng:

Tuyên bố bị cáo Vi Văn H, Nguyễn Văn T, K’Dê và K’T phạm tội “Hủy hoại rừng”.

- Áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Vi Văn H.

Xử phạt bị cáo Vi Văn H 03 (Ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

- Áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn T.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 03 (Ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

- Áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo K’Dê và bị cáo K’T.

Xử phạt bị cáo K’Dê 24 (Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 48 (Bốn mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo K’Dê cho UBND xã QO, huyện ĐT, tỉnh Lâm Đồng và gia đình phối hợp theo dõi giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Xử phạt bị cáo K’T 24 (Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 48 (Bốn mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo K’T cho UBND xã QO, huyện ĐT, tỉnh Lâm Đồng và gia đình phối hợp theo dõi giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng: Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 357; khoản 5 Điều 275; Điều 584; 585; 586; 589 của Bộ luật dân sự buộc bị cáo Vi Văn H phải bồi thường cho Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp huyện Đạ Tẻh số tiền 38.642.879đ. Bị cáo Vi Văn H đã tạm nộp được số tiền 10.000.000đ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đạ Tẻh, bi cáo H còn phải nộp số tiền 28.642.879đ.

Ngoài ra bản án còn xử lý vật chứng, tuyên án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 27-4-2018 bị cáo Nguyễn Văn T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Đối chiếu lời khai nhận tội của các bị cáo Nguyễn Văn T, Vi Văn H, K’Dê, K’T, những người tham gia tố tụng khác, vật chứng đã thu giữ và các tài liệu chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án đã có đủ cơ sở xác định:

Vào khoảng tháng 02-2017, Vi Văn H đã thỏa thuận với Nguyễn Văn T đến phá rừng trái phép tại khu vực thuộc khoảnh 4, Tiểu khu 535A xã ĐL giáp với Tiểu khu 535B xã HL, huyện ĐT để lấy đất làm rẫy trồng điều. H dẫn T đi chỉ chỗ và ranh giới thuê và ước bằng mắt thường diện tích sẽ phát khoảng 1,6 hecta, nên giữa hai bên thống nhất thỏa thuận với T về giá cả phát là 8.000.000đ. Sau khi thỏa thuận phá rừng với H, Nguyễn Văn T tự đứng ra thuê và tổ chức cho các đối tượng phát rẫy cho H làm 02 đợt: Đợt thứ nhất: từ ngày 14-02-2017 đến trưa ngày 16-02-2017 phát được 03 đám rừng với diện tích là 7.700 m2; Đợt thứ hai: vào ngày 17-02-2017 nhóm của T tiếp tục đến khu vực đã bị bắt vào ngày 16-02-2017 để phát, mỗi người sử dụng một con dao phát, còn T thì sử dụng 01 cưa máy cầm tay cùng phát từ 08 giờ sáng đến 16 giờ chiều cùng ngày thì nghỉ với diện tích là 14.760 m2; tổng diện tích rừng bị phá 22.460 m2. Kết quả Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện Đạ Tẻh xác định giá trị của 36 cây gỗ với tổng khối lượng 20,519 m2 mà Hạnh và đồng phạm đã chặt hạ là 38.642.879đ.

 [2] Xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ đã có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Văn T cùng các bị cáo Vi Văn H, K’Dê, K’T phạm tội “Hủy hoại rừng” như bản án sơ thẩm đã tuyên.

 [3] Xét kháng cáo của các bị cáo, đối chiếu với tài liệu chứng cứ thể hiện: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến khách thể môi trường, đối tượng là rừng được nhà nước bảo vệ. Bị cáo T biết rõ việc phá rừng là trái phép nhưng vì muốn có tiền tiêu xài nên ngang nhiên hợp đồng miệng với bị cáo H để nhận làm việc đi phát rừng lấy đất sản xuất cho bị cáo H, sau đó bị cáo đi thuê người về chặt phá và bản thân bị cáo đã trực tiếp dùng cưa máy cùng với những bị cáo khác, những người làm thuê khác phá rừng với diện tích thiệt hại là 22.460 m2 tại khoảnh 4, tiểu khu 535 A, xã Đạ Lây và khoảnh 4 tiểu khu 535B, xã HL, ĐT, Lâm Đồng. Đồng thời làm thiệt hại 36 cây gỗ với tổng khối lượng là 20. 519 m3 trị giá là 38.642.879đ. Vai trò của bị cáo trong vụ án này là đồng phạm tích cực nhất, khi phát rừng lần thứ nhất hành vi vi phạm bị phát hiện và bị lập biên bản nhưng bị cáo không dừng lại mà lại tiếp tục đi gọi thêm người, tiếp tục lên vị trí cũ cố tình thực hiện hành vi đến cùng.

Tại phiên tòa bị cáo giữ nguyên kháng cáo nhưng không xuất trình được tình tiết nào mới nên kháng cáo là không có cơ sở để xem xét.

Do vậy, không chấp nhận kháng cáo như ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp.

 [4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Nguyễn Văn T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

1. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 03 (Ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

2. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Nguyễn Văn T phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

390
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 43/2018/HS-PT ngày 15/08/2018 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:43/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về