Bản án 426/2017/HS-PT ngày 11/08/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 426/2017/HS-PT NGÀY 11/08/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 11 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 145/2017/HSPT ngày 05 tháng 4 năm 2017 đối với bị cáo Lưu Kiến C và các bị cáo khác; Do có kháng cáo đại diện hợp pháp của người bị hại và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh đối với bản án hình sự sơ thẩm số 54/2017/HSST ngày 22 tháng 02 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh.

* Bị cáo bị kháng cáo, kháng nghị:

1/ Lưu Kiến C; giới tính: nam; sinh năm: 1960 tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi đăng ký NKTT: 962/3 ADV, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở: 1/79B khu phố 5, phường Đ, 12, phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Hoa; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 5/12; nghề nghiệp: lái xe; con ông: Tân T (chết) và bà Lưu Kim N (chết); hoàn cảnh gia đình: chưa có vợ; tiền án, tiền sự: không; tạm giam: ngày 03/11/2015 (có mặt).

2/ Trần Nhựt T; giới tính: nam; sinh năm: 1986 tại Tiền Giang; nơi đăng ký NKTT: ấp 1, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang; chỗ ở: 17/53 khu phố 5, phường Đ, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (nhà trọ); quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 7/12; nghề nghiệp: làm thuê; con ông Trần Văn H, sinh năm 1953 và bà Phan Thị L, sinh năm 1952; hoàn cảnh gia đình: có vợ là Lê Thị Thùy N1 và 03 con, lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: không; tạm giam: ngày 15/3/2016 (đã chấp hành xong hình phạt tù) (có mặt).

3/ Lê An G; giới tính: nam; sinh năm: 1988 tại An Giang; nơi đăng ký NKTT: Ấp L, xã LK, huyện C, tỉnh An Giang; chỗ ở: 17/53 khu phố 5, phường Đ, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (nhà trọ); quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 9/12; nghề nghiệp: công nhân; con ông Lê Văn L1, sinh năm 1965 và bà Cao Thị H, sinh năm 1966; hoàn cảnh gia đình: có vợ là Nguyễn Thị T1 và 01 con, sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: không; tạm giam: ngày 15/3/2016 (đã chấp hành xong hình phạt tù) (có mặt).

* Người bào chữa cho bị cáo Lưu Kiến C: Luật sư Hà Ngọc T2 - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

* Người bị hại:

1/ Lưu Kiến C (là bị cáo trong vụ án).

Nơi đăng ký NKTT: 962/3 ADV, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở: 1/79B khu phố 5, phường Đ, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2/ Phạm Trường T3, sinh năm 1983 (đã chết).

* Người đại diện hợp pháp của người bị hại Phạm Trường T3: chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1983 (vợ anh T3). (có mặt).

Thường trú: xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

(Ngoài ra trong vụ án còn bị cáo Lê Khoa L2 và 04 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng cáo kháng nghị nên Tòa không triệu tập).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lưu Kiến C là lái xe di chuyển hàng trong nội bộ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MHP tại số 1/79B khu phố 5, phường Đ, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lê Khoa L2, Trần Nhựt T, Lê An G là công nhân làm việc tại Công ty thời trang HaLo tại số 1/233 tổ 4, khu phố 5, phường Đ, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều ngày 01/11/2015, nhóm công nhân Công ty MHP tổ chức uống bia tại xưởng của Công ty. Khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, Tô Hoài N1 nhờ Lê Văn T4 (tên gọi khác: Mười Hai) đi mua hủ tiếu, xe đặt trước nhà số 16, đường ĐHT 10B, khu phố 5, phường Đ, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. T4 gặp bạn tên Bùi Thị D nên đứng trò chuyện với nhau. Lúc này, Lê Khoa L2 đang ngồi ăn hủ tiếu. L2 cho rằng T4 nhìn mình không thiện cảm nên dùng ghế nhựa đánh vào đầu T4, làm gãy ghế, dùng tay đánh vào mặt T4 một cái nhưng không có thương tích gì.

T4 đem hủ tiếu về xưởng đưa cho N1 rồi vào trong xưởng vừa điều khiển máy sản xuất quạt máy vừa khóc. Tô Hoài D1 đến hỏi lý do thì Lê Văn T4 kể lại sự việc bị L2 đánh. D1 kể lại việc T4 bị đánh cho Ngô Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Thoại, Tô Hoài N1, Nguyễn Quang Lên cùng nghe và sau đó dùng xe gắn máy chở Lê Văn T4 ra gặp L2. L2 bảo do hiểu nhầm và bắt tay giảng hòa. D1 chở Lê Văn T4 quay về xưởng làm.

Sau khi Lê Văn T4 và D1 ra về, L2 điện thoại kể sự việc với Phạm Trường T3. Sau đó, T3 và Trương Văn A (làm cùng Công ty Halo) đến gặp L2 để cùng đi đánh nhau. L2 chỉ hướng T4 vừa đi cho cả bọn. Trên đường đi đến Công ty MHP, L2, A nhặt cây tre và T3 nhặt cây gỗ cầm theo, khi đến trước Công ty MHP cả bọn chửi mắng và thách thức đánh nhau.

Thấy nhóm của L2 cầm cây đến, D1 lấy một ống sắt dài khoảng 01 mét, đường kính khoảng 03 cm cầm theo và từ bên trong xưởng đi ra cổng Công ty để đóng cửa cổng lại nhưng bị Phạm Trường T3 dùng cây gỗ đánh trúng ngón tay trỏ bên tay phải gây thương tích và bị rơi ống sắt. D1 bỏ chạy vào trong Công ty rồi cùng Nguyễn Văn T4, mỗi người cầm một cờ lê (dụng cụ sửa máy) và Ngô Ngọc Tuấn cầm ống sắt (dài khoảng 40 cm, đường kính 04 cm) đi ra bên hông xe ô tô tải (đậu bên trong công ty, cách cổng khoảng 74 mét).

T3, L2 cùng một số đối tượng (chưa xác định được) dùng gạch, đá, cây tre, cây gỗ ném vào Công ty MHP. D2, Nguyễn Văn T4, Tuấn cũng dùng đá, cờ lê ném lại nhóm của L2 rồi bỏ chạy vào trong xưởng.

Nghe nói có việc đánh nhau, Trần Nhựt T cầm cây tre, Lê An G cầm cây sắt cùng một số đối tượng (chưa xác định được) chạy đến tham gia cùng nhóm L2 chửi mắng và thách thức nhóm công nhân Công ty MHP. Khi nghe tiếng tri hô “dân phòng”, G ném bỏ cây sắt, nhưng không thấy dân phòng nên G lại nhặt đá cầm trên tay tiếp tục chửi bới và chạy vào trong Công ty đuổi đánh những người ở đây.

Lưu Kiến C ở trong Công ty MHP, thấy nhóm của L2 đông người và có hung khí kéo đến gây sự nên lấy một đoạn cây cơ bi da, dài khoảng 68 cm cầm trên tay phải, tay trái cầm một con dao làm cá (dài khoảng 30 cm) đứng nấp sau xe ô tô tải. Thấy Phạm Trường T cầm cây sắt, L2 cầm cờ lê, G cầm đá, T cầm cây tre và các đối tượng khác (chưa xác định được) cầm cây sắt cùng xông vào công ty MHP thì C chạy ra và dùng đoạn cây cơ bi da đánh anh T3 nhưng không trúng, anh T3 tiếp tục chạy hướng vào trong xưởng. Lúc này L2 chạy đến dùng cờ lê đánh nhiều cái trúng vào đầu và tai C làm rơi cây cơ bị da, C chuyển dao từ tay trái sang tay phải rồi chạy vào hướng bên trong Công ty MHP, khi gặp T3 đứng đối diện, Lưu Kiến C dùng dao đâm một nhát trúng vào ngực anh T3. Thấy T3 bị đâm, L2 đuổi theo đánh C nhiều cái trúng vào đầu ngất xỉu.

Phạm Trường T3 được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng đã tử vong trước khi đến bệnh viện Hóc Môn.

Lưu Kiến C được đưa đến bệnh viện 175 cấp cứu và điều trị đến ngày 03/11/2015 thì bị bắt giữ.

Quá trình điều tra, Lưu Kiến C có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Lê Khoa L2 về hành vi gây thương tích cho C.

Theo Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 871-15/KLGĐ- PY ngày 25/01/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Nguyên nhân chết: Phạm Trường T3 chết do sốc mất máu cấp bởi vết thương đâm thủng phổi phải và quai động mạch chủ”

* Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 65/Tg.T.16 ngày 15/02/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của Lưu Kiến C: “Đa chấn thương phần mềm đã được điều trị hiện còn: 01 sẹo kích thước 2,5 cm x 0,2 cm tại đỉnh đầu phải, thương tích do vật tày gây ra; 01 sẹo kích thước 3 cm x 0,2 cm tại trong vành tai trái, thương tích do vật tày, vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vật có cạnh sắt gây ra. Cây cờ lê như quí cơ quan cung cấp có thể tạo ra được các vết thương này... Tỷ lệ tổn thương do thương tích gây nên hiện tại là: 05%”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 54 ngày 22 tháng 02 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Tuyên bố Lưu Kiến C phạm tội “Giết người”; Lê Khoa L2 phạm tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Gây rối trật tự công cộng”; Lê An G và Trần Nhựt T phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

* Áp dụng khoản 2 Điều 93, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự:

1/ Xử phạt: Lưu Kiến C 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 03/11/2015.

2/ Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự: Buộc Lưu Kiến C phải bồi thường 90.000.000 đồng cho gia đình bị hại Phạm Trường T3, được khấu trừ vào số tiền 90.000. 000 đồng đã bồi thường trước nên không phải thi hành thêm (Theo Biên nhận tiền bồi thường ngày 18/7/2016 giữa bên giao tiền là bà Lưu Thiếu M1 và bên nhận tiền là ông Phạm Ngọc và Nguyễn Thị M).

Buộc Lê Khoa L2, Lê An G và Trần Nhựt T phải cấp dưỡng mỗi tháng 1.210.000 đồng (cụ thể: Lê Khoa L2 phải chịu nửa; Lê An G và Trần Nhựt T mỗi người chịu một nửa của nửa còn lại) để nuôi trẻ Phạm Thị Mỹ Kiều sinh ngày 03/02/2002 cho đến khi đủ 18 tuổi. Thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 01/11/2015.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định hình phạt đối với bị cáo Lê Khoa L2, Nguyễn Nhựt T, Lê An G; xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 02/3/2017, đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Nguyễn Thị M có đơn kháng cáo yêu cầu đưa bà Lưu Kiến M1 là chủ công ty Halo vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để buộc bà M1 phải bồi thường thiệt hại cho bị hại do người làm công của bà M1 gây ra và yêu cầu xem xét lại phần trách nhiệm dân sự,

Ngày 10/3/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Lưu Kiến C và xét lại phần bồi thường dân sự đối với bị cáo Lê An G và Trần Nhựt T.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị cáo Lưu Kiến C thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo như nội dung án sơ thẩm đã xét xử, bị cáo đề nghị bác kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và kháng cáo của bà Nguyễn Thị M.

- Bị cáo Lê An G và Trần Nhựt Tr đề nghị Hội đồng xét xử, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xem xét lại phần dân sự của hai bị cáo. Tuy nhiên, Trần Nhựt T và Lê An G mỗi bị cáo tự nguyện bồi thường tiếp cho gia đình bị hại 10.000.000 đồng.

- Đại diện hợp pháp của bị hại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị bà Lưu Thiếu M1 là chủ doanh nghiệp MHP bồi thường cho người bị hại và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo T và bị cáo G.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu, phân tích tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận toàn bộ quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; sửa bản án sơ thẩm, tăng hình phạt đối với bị cáo Lưu Kiến C, xử phạt bị cáo C từ 8 đến 10 năm tù; xem xét lại trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Lê An G và Trần Nhựt T. Ghi nhận sự tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại của Trần Nhựt T và Lê An G. Bác yêu cầu kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại là bà Nguyễn Thị M.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo C trình bày: Thống nhất với tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo C. Bản thân bị cáo là đối tượng bị tâm thần nhẹ, hạn chế khả năng nhận thức và hành vi. Nguyên nhân xảy ra vụ án có phần lỗi của phía người bị hại, bị cáo C đồng thời cũng là bị hại trong vụ án. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự: gia đình bị cáo đã bồi thường xong phần dân sự cho gia đình bị hại 90.000.000 đồng và gia đình bị hại có đơn xin bãi nại cho bị cáo. Mức án Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo là tương xứng. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, ý kiến của các luật sư;

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Về hình thức đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị M là nộp trong hạn luật định và hợp lệ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lưu Kiến C, bị cáo Trần Nhựt T và Lê An G khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của các bị cáo như nội dung vụ án nêu trên.

Xét, lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với các tài liệu có tại hồ sơ vụ án, lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng; Tòa án cấp sơ thẩm đã thẩm tra và nhận định hành vi của các bị cáo; có cơ sở xác định:

Lê Khoa L2 cho rằng Lê Văn T4 (là công nhân của công ty MHP) nhìn L2 không thiện cảm nên Luân đã dùng ghế và tay đánh nhiều cái vào người T4. Khi bạn của T4 đến hỏi chuyện thì L2 giải thích là do hiểu nhầm rồi bắt tay giản hòa. Tuy nhiên, sau đó L2 đã rủ Phạm Trường T, Lê An G, Trần Nhựt T cùng một số đối tượng khác mang hung khí nguy hiểm là cây sắt, cờ lê, gạch đá, cây tre đến Công ty MHP khiêu khích đánh nhau. Các đối tượng này đã ném gạch đá và hung khí nguy hiểm vào Công ty MHP. Lúc này, bị cáo Lưu Kiến C đang ở trong Công ty MHP đã chuẩn bị dao và một đoạn cây cơ bi da để tấn công lại. Quá trình ẩu đã, xô xát nhau bị cáo C đã dùng dao đâm anh T3 một nhát vào ngực của anh T3 hậu quả làm cho anh T3 chết do sốc mất máu cấp bởi vết thương đâm thủng phổi phải và quai động mạch chủ. Riêng bị cáo C bị đa chấn thương phần mềm với tỷ lệ thương tích là 05% do Lê Khoa L2 và bị hại T3 tấn công gây ra. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo Lưu Kiến C3 về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 93; bị cáo Lê Khoa L2 tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104; bị cáo Lê An G và Trần Nhựt T về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh và kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại; Hội đồng xét xử xét thấy:

- Về phần hình phạt đối với bị cáo Lưu Kiến C: Nguyên nhân xảy ra vụ án là do hành vi trái pháp luật của bị hại Phạm Trường T và bị cáo Lê Khoa L2 cùng các đồng phạm khác gây ra. Bản thân bị cáo bị bệnh tâm thần nhẹ, hạn chế về khả năng nhận thức và hành vi. Sau khi phạm tội, gia đình bị cáo đã khắc phục trách nhiệm dân sự cho phía bị hại, phía bị hại có đơn xin bãi nại cho bị cáo. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và xử phạt bị cáo mức án 4 năm tù là phù hợp, tương xứng với tính chất và hành vi phạm tội và hậu quả do bị cáo gây ra. Xét thấy mức án 4 năm tù cũng đủ tác dụng để giáo dục cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội nên không cần thiết phải tăng hình phạt đối với bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

- Về trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Trần Nhựt T và Lê An G, xét thấy: Trong vụ án này, bị cáo Lê Khoa L2 là nhân tố chủ yếu gây ra vụ án; bị cáo C là người gây ra cái chết của người bị hại Phạm Trường T; còn bị cáo Trần Nhựt T và Lê An G chỉ là người theo sau T3 và L2, hành vi của hai bị cáo này có phần hạn chế, chỉ là gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên buộc bị cáo Trần Nhựt T và Lê An G liên đới bồi thường dân sự do bị cáo L2 và bị cáo C là không đúng mối quan hệ nhân quả và không đúng với mức độ phạm tội do bị cáo T và bị cáo G gây ra. Nên buộc bị cáo L2 liên đới cùng với bị cáo C để bồi thường dân sự cho bị hại là thỏa đáng và hợp lý. Do đó, nghĩ nên chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sửa bản án sơ thẩm về phần dân sự đối với bị cáo T và bị cáo G. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo T và bị cáo G mỗi bị cáo tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại 10.000.000 đồng. Xét thấy, sự tự nguyện bồi thường của bị cáo T và bị cáo G phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện này của các bị cáo.

Đối với yêu cầu tăng mức bồi thường và yêu cầu cấp dưỡng của bà Nguyễn Thị M không được bị cáo C, bà Lưu Thiếu M1 đồng ý và không phù hợp với quy định của pháp luật, không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Từ những phân tích nêu trên; Hội đồng xét xử chấp nhận một phần ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại Nguyễn Thị M.

Đại diện hợp pháp của bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự;

Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp bị hại - bà Nguyễn Thị M. Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 54/2017/HS-ST ngày 22/02/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

1/ Tuyên bố Lưu Kiến C phạm tội “Giết người”.

Áp dụng khoản 2 Điều 93, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự: Xử phạt: Lưu Kiến C 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 03/11/2015.

2/ Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự:

- Buộc Lưu Kiến C phải bồi thường 90.000.000 đồng cho gia đình bị hại Phạm Trường T3, được khấu trừ vào số tiền 90.000.000 đồng đã bồi thường trước nên không phải thi hành thêm đối với phần này (Theo Biên nhận tiền bồi thường ngày 18/7/2016 giữa bên giao tiền là bà Lưu Thiếu M1 và bên nhận tiền là ông Phạm Ngọc và Nguyễn Thị M).

- Buộc Lê Khoa L2 và Lưu Kiến C phải cấp dưỡng mỗi tháng 1.210.000 đồng (cụ thể: Lê Khoa L2 phải chịu nửa; Lưu Kiến C chịu một nửa) để nuôi trẻ Phạm Thị Mỹ Kiều sinh ngày 03/02/2002 cho đến khi đủ 18 tuổi. Thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 01/11/2015.

- Buộc bị cáo Trần Nhựt T và Lê An G mỗi bị cáo bồi thường cho gia đình người bị hại (do bà Nguyễn Thị M đại diện nhận) 10.000.000 đồng.

Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

290
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 426/2017/HS-PT ngày 11/08/2017 về tội giết người

Số hiệu:426/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về