TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN P, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
BẢN ÁN 42/2018/HS-ST NGÀY 01/11/2018 VỀ TỘI XÂM PHẠM MỒ MẢ
Ngày 01 tháng 11 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh ThừaThiên Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 35/2018/TLST-HS, ngày 10/9/2018, đối với bị cáo:
Phạm N, tên gọi khác: Không có; sinh ngày 20 tháng 02 năm 1961 tại huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: Thôn P, xã T, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi ở hiện nay: Số X đường C, phường H, quận T, thành phố Đà Nẵng; nghề nghiệp: Bán vé số; trình độ học vấn: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm C (đã chết) và bà Bùi Thị H; có vợ là Phan Thị G và 05 người con; tiền án, tiền sự: Không có; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 09/5/2018 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.
- Bị hại:
+ Ông Phan Văn H, sinh năm 1940. Nơi cư trú: Thôn T, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; vắng mặt.
+ Ông Phan Đình K, sinh năm 1945. Nơi cư trú: Thôn T, xã L, huyện P, tỉnhThừa Thiên Huế; có mặt.
+ Dòng họ P ở thôn C, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Anh T1, sinh năm 1981. Nơi cư trú: Số Y, đường M, phường B, thị xã H, tỉnh Thừa Thiên Huế (văn bản ủy quyền ngày 09/5/2018); ông T1 có mặt.
- Người làm chứng:
+ Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1943. Nơi cư trú: Thôn T, xã L, huyện P, tỉnhThừa Thiên Huế; có mặt.
+ Bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1960. Nơi cư trú: Thôn T, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.
+ Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1964. Nơi cư trú: Tổ S, phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng; vắng mặt.
+ Đại diện Ủy ban nhân dân xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế: Ông Nguyễn Văn H, chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; có mặt.
+ Ông Nguyễn Quang M. Nơi cư trú: Thôn A, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.
+ Ông Nguyễn Đức D. Nơi cư trú: Thôn T, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.
+ Ông Nguyễn Văn S. Nơi cư trú: Thôn C, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bị cáo Phạm N do có ý định xâm phạm mồ mả của những người thuộc dòng họ P (họ P là họ bên vợ của bị cáo) để thỏa mãn động cơ, mục đích cá nhân nên N đã mua một số công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội như: Quần lót phụ nữ, bao tay, bút lông, búa, xẻng, đinh, các lon sơn màu đỏ… đem về cất giấu tại phòng trọ thuê ở Số X đường C, phường H, quận T, thành phố Đà Nẵng. Vào khoảng 17 giờ ngày 16/01/2018, Phạm N đón xe khách từ thành phố Đà Nẵng ra Huế. Khi đi đến địa phận xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế, N xuống xe và đi bộ đến khu lăng mộ của dòng họ P ở thôn B, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 03 (ba) ngôi mộ của những người đã chết là ông Phan Văn K, bà Huỳnh Thị L và bà Phan Thị Kim L; các ngôi mộ này là của ông cố, bà cố và con gái của ông Phan Văn H - là con trai duy nhất và là Trưởng tộc của nhánh dòng họ P ở thôn T, xã L thờ phụng, trông nom và quản lý. N dùng xẻng đào phần đất cát ở phía trên 03 (ba) ngôi mộ, dùng quần lót phụ nữ đã bôi sơn màu đỏ đặt ở phía đầu ngôi mộ, dùng búa đóng đinh cố định quần lót phụ nữ đã được bôi sơn màu đỏ lên bia mộ và dùng sơn màu đỏ bôi lên bia mộ. Đối với ngôi mộ bà Phan Thị Kim L, N dùng bút lông viết mực màu đen lên phía sau tấm bia mộ: “Tất cả ……….”.
Sau khi xâm phạm 03 (ba) ngôi mộ nêu trên, N đi bộ đến khu lăng mộ thứ hai của dòng họ P ở thôn T, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khu lăng mộ này gồm 11 (mười một) ngôi mộ có tên là: Ông Phan T, bà Phan N, ông Phan C, bà Phan Thị Th, ông Phan C1, bà Phan Thị C2 và 05 ngôi mộ không có tên. Các ngôi mộ này là của ông Tổ, ông cố, ông bà nội, bác dâu và con gái của ông Phan Đình K - là con trai duy nhất và là Trưởng tộc của dòng họ P ở thôn T, xã L thờ phụng, trông nom và quản lý. N dùng xẻng đào phần đất cát ở phía trên 11 (mười một) ngôi mộ, dùng quần lót phụ nữ đã bôi sơn màu đỏ đặt ở phía đầu ngôi mộ. Đối với ngôi mộ của ông Phan C và ngôi mộ của bà Phan Thị C2, N dùng 03 (ba) cái đinh đóng cố định hai cái quần lót phụ nữ đã bôi sơn màu đỏ lên trên bia mộ, dùng sơn màu đỏ bôi lên bia mộ và dùng bút lông viết mực màu đen lên phía sau tấm bia mộ: “Tất cả ……”.
Sau đó, N tiếp tục đi đến khu vực lăng mộ thứ ba của dòng họ P ở thôn C, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu lăng mộ này gồm 08 (tám) ngôi mộ có tên là: Ông Phan C, ông Phan H, ông Phan Th, ông Phan Anh T và 04 ngôi mộ không có tên. Các ngôi mộ này là của ông nội, cha đẻ, em ruột, cô ruột và chú họ của ông Phan Anh T1 và do ông T1 thờ phụng, trông nom và quản lý. N dùng xẻng đào đất cát ở phía trên 08 (tám) ngôi mộ, dùng quần lót phụ nữ đã bôi sơn màu đỏ đặt ở phần đầu ngôi mộ, dùng 02 (hai) cái đinh đóng cố định quần lót phụ nữ đã bôi sơn màu đỏ lên trên bia mộ, dùng sơn màu đỏ bôi lên bia mộ và dùng búa đập vỡ ly hương ngôi mộ ông Phan Anh T. Đối với ngôi mộ ông Phan Th, N dùng bút lông viết mực màu đen lên phía trước ngôi mộ: “Vi phạm …….”.
Sau khi đã thực hiện hành vi xâm phạm 22 (hai mươi hai) ngôi mộ của dòng họ P nêu trên, N vứt xẻng và chôn giấu các công cụ phạm tội như: Búa, đinh, bao tay, bút lông, lon sơn màu đỏ… ở gần khu vực lăng mộ dòng họ P ở thôn C, xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó N đi ra đường đón xe khách Huế - Đà Nẵng vào lại phòng trọ thuê ở số Số X đường C, phường H, quận T, thành phố Đà Nẵng. Hành vi của Phạm N gây tâm lí hoang mang, bức xúc, lo lắng cho những người trong họ P ở xã L và trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Sau khi N thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả nêu trên thì Ủy ban nhân dân, Ban Công an xã L và Trưởng các thôn B, thôn T, thôn C, thuộc xã L và đại diện những người trong dòng họ P của 03 thôn nói trên đã có báo cáo, đề nghị xử lý và khởi tố đối với N.
Tại Kết luận định giá tài sản số: 19/HĐĐG ngày 12/6/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện P, kết luận thiệt hại tài sản của 22 (hai mươi hai) ngôi mộ dòng họ P tại thời điểm ngày 16/01/2018 là: 4.410.000 đồng (bốn triệu bốn trăm mười nghìn đồng).
Vật chứng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P tạm giữ gồm:
- 33 (ba mươi ba) quần lót phụ nữ gồm nhiều màu khác nhau (màu trắng, xanh, hồng…), trên mỗi quần đều có dính sơn màu đỏ.
- 01 (một) cái xẻng bằng sắt không có cán.
- 03 (ba) vỏ lon sơn hiệu MOTOKIEU có dính sơn màu đỏ.
- 07 (bảy) vỏ lon sơn hiệu KIC có dính sơn màu đỏ.
- 08 (tám) cây bút lông hiệu Maket.
- 01 (một) cái búa bằng sắt có cán bằng gỗ dài 40cm.
- 01 (một) đôi bao tay bằng len màu xám hiệu SPORT có dính sơn màu đỏ.
- 01 (một) đùi (gậy) tre dài 47cm, đường kính 5cm, một đầu được gọt nhọn.
- 01 (một) đôi bằng bao tay ni lông màu trắng dính sơn màu đỏ.
- 05 (năm) vỏ lon bia hiệu Huda.
- 14 (mười bốn) cây đinh sắt có chiều dài khoảng 5cm.
- 01 (một) vỏ bao thuốc lá hiệu Priue màu xanh.
Về trách nhiệm dân sự: Những người đại diện của dòng họ P và đại diện của gia đình của những ngôi mộ bị xâm phạm không yêu cầu bị cáo N bồi thường.
Tại Cáo trạng số 34/CT-VKS ngày 06/9/2018, của Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố Phạm N về tội “Xâm phạm mồ mả” theo điểm a khoản 2 Điều 319 của Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện P luận tội và xác định hành vi phạm tội của bị cáo Phạm N đúng như Cáo trạng đã truy tố về tội danh và điều luật trên đây, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm về hoàn cảnh của bị cáo như đại diện chính quyền xã L đã phát biểu tại phiên tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điểm a khoản 2 Điều 319; Điều 38; điểm s khoản 1, Điều 51 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm N từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù.
Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên tịch thu, tiêu hủy các vật chứng đã thu giữ trong vụ án.
Về vấn đề dân sự: Những người đại diện của dòng họ P và đại diện của gia đình của những ngôi mộ bị xâm phạm không yêu cầu bị cáo Phạm N bồi thường, nên đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Về án phí: Đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.
Ý kiến của đại diện chính quyền địa phương xã L tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự trị an trên địa bàn. Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm N đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân, bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh, nên đề nghị Hội đồng xét xử xét xử nghiêm minh để răn đe các đối tượng có những hành vi tương tự bị cáo N. Xét về hoàn cảnh gia đình của bị cáo thực sự có khó khăn, vợ con đều đã bỏ đi làm ăn ở địa phương khác, bị cáo sống một mình bằng nghề bán vé số, có khó khăn về kinh tế, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo.
Trong lời nói sau cùng bị cáo Phạm N công nhận Cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; bị cáo tỏ thái độ ăn năn hối cải, xin lỗi chính quyền địa phương, xin lỗi gia đình những người bị hại về những hành vi bị cáo đã thực hiện; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Hội đồng xét xử xét thấy: Trong quá trình điều tra, truy tố thì Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng trong vụ án này không ai có ý kiến, yêu cầu hoặc khiếu nại liên quan đến các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện. Vì vậy, các hành vi, quyết định tố tụng của những người tiến hành tố tụng nói trên là hợp pháp.
[2] Về tội danh “Xâm phạm mồ mả” của bị cáo Phạm N, Hội đồng xét xử xét thấy: Lời khai của bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu; kết quả khám nghiệm dựng hiện trường; vật chứng; lời khai của những người bị hại, người làm chứng; kết luận định giá và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có căn cứ để kết luận:
Vào khoảng 17 giờ 00 phút ngày 16/01/2018 đến sáng ngày 17/01/2018, tại xã L, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bị cáo Phạm N sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các công cụ phạm tội, đã có hành vi xâm phạm đến 22 ngôi mộ của dòng họ P ở 03 khu vực thuộc các thôn T, B và C của xã L. Cụ thể: Bị cáo dùng xẻng đào đất cát trên các mộ, đập vỡ 01 ly hương, lấy quần lót phụ nữ đã được bôi sơn màu đỏ ở đáy quần đặt lên phần đầu những ngôi mộ, dùng búa đóng đinh rồi treo cố định các quần lót phụ nữ đã được bôi sơn màu đỏ ở đáy quần lên trên nhiều tấm bia mộ, đổ sơn màu đỏ lên các tấm bia mộ, dùng bút lông mực màu đen viết các dòng chữ phản cảm, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của dòng họ P. Gây thiệt hại về tài sản liên quan đến các ngôi mộ đã được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện P kết luận trị giá 4.410.000 đồng (bốn triệu bốn trăm mười nghìn đồng).
Động cơ phạm tội của bị cáo là để thỏa mãn mục đích và nhu cầu cá nhân của bị cáo. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến đời sống tinh thần và tâm linh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bức xúc của những người con, người cháu, người thân của những người đã chết trong 22 ngôi mộ nói trên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã L; xâm phạm đến phong tục, tập quán truyền thống, gây dư luận phẫn nộ trong quần chúng nhân dân trên địa bàn. Hành vi phạm tội của bị cáo đã bị nhiều cơ quan báo chí và dư luận xã hội lên án. Vì vậy, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định hành vi của bị cáo Phạm N đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Xâm phạm mồ mả” theo điểm a khoản 2 Điều 319 của Bộ luật hình sự.
Bị cáo Phạm N là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, có trình độ học vấn, đã có thời gian làm Kế toán Hợp tác xã nông nghiệp T, xã L. Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận bị cáo thực hiện hành vi vào ban đêm vì sợ bị người khác phát hiện, nên nhận thức được đầy đủ hành vi và hậu quả bị cáo đã gây ra. Do vậy, cần phải xét xử nghiêm minh và áp dụng hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
[3] Xét các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhân thân bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Bị cáo không phạm vào tình tiết tăng nặng nào theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Về nhân thân, bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Hoàn cảnh bị cáo có khó khăn về kinh tế, sống một mình bằng nghề bán vé số, vợ con bị cáo đã bỏ đi sinh sống ở địa phương khác. Hội đồng xét xử thấy cũng cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần khi quyết định hình phạt.
Sau khi xem xét đầy đủ, toàn diện hành vi, hậu quả của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và quá trình nhân thân của bị cáo Phạm Ẩn. Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải áp dụng hình phạt tù và cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để răn đe, giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
[4] Về xử lý vật chứng: Đối với các vật chứng đã thu giữ đều là những công cụ bị cáo đã sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, nên Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự, Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên tịch thu, tiêu hủy như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện P tại phiên tòa là có căn cứ.
[5] Về trách nhiệm chịu án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[6] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh và hình phạt:
Tuyên bố bị cáo Phạm N phạm tội “Xâm phạm mồ mả”
Áp dụng: Điểm a khoản 2 Điều 319; Điều 38; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm N 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.
2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuyên bố: Tịch thu, tiêu hủy: 33 (ba mươi ba) quần lót phụ nữ gồm nhiều màu khác nhau (màu trắng, xanh, hồng…), trên mỗi quần đều có dính sơn màu đỏ; 01 (một) cái xẻng bằng sắt không có cán; 03 (ba) vỏ lon sơn hiệu MOTOKIEU có dính sơn màu đỏ; 07 (bảy) vỏ lon sơn hiệu KIC có dính sơn màu đỏ; 08 (tám) cây bút lông hiệu Maket; 01 (một) cái búa bằng sắt có cán bằng gỗ dài 40cm; 01 (một) đôi bao tay bằng len màu xám hiệu SPORT có dính sơn màu đỏ; 01 (một) đùi tre dài 47cm, đường kính 5cm, một đầu được gọt nhọn; 01 (một) đôi bằng bao tay ni lông màu trắng dính sơn màu đỏ; 05 (năm) vỏ lon bia hiệu Huda; 14 (mười bốn) cây đinh sắt có chiều dài khoảng 5cm; 01 (một) vỏ bao thuốc lá hiệu Priue màu xanh.
Các vật chứng trên có số lượng, đặc điểm theo biên bản giao nhận vật chứng số: 32/BBVC-CCTHADS ngày 06/9/2018 giữa cơ quan Công an huyện P với Chi cục Thi hành án dân sự huyện P.
3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 23, khoản 1 mục I phần A của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Phạm N phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
4. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Bản án 42/2018/HS-ST ngày 01/11/2018 về tội xâm phạm mồ mả
Số hiệu: | 42/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về