Bản án 42/2018/HS-PT ngày 15/05/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 42/2018/HS-PT NGÀY 15/05/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 15 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 17/2018/TLPT-HS ngày 01 tháng 02 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Minh T do có kháng cáo của bị cáo và bị hại Đỗ Thanh T1 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2017/HS-ST ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện PH, tỉnh Hậu Giang.

Bị cáo có kháng cáo:

NGUYỄN MINH T – sinh năm 1991 tại PH, tỉnh Hậu Giang; nơi cư trú: Ấp MH, thị trấn CD, huyện PH, tỉnh Hậu Giang; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 6/12; con ông Nguyễn Văn Tr, sinh năm 1964 và bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1965; có vợ là Hồ Thị P và 01 người con; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 18/4/2016 đến ngày 16/7/2016 cho gia đình bảo lãnh đến nay. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Những người tham gia tố tụng khác có kháng cáo hoặc có liên quan đến kháng cáo:

Người bị hại có kháng cáo: Đỗ Thanh T1, sinh năm: 1990. (Có mặt) Địa chỉ: Ấp MQ, thị trấn CD, huyện PH, tỉnh Hậu Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Luật sư Phạm Văn L –Văn phòng Luật sư Phạm Văn L, thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ. (Có mặt)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo được Tòa án triệu tập:

1. Trần Huệ A, sinh năm 1990. (Vắng mặt)

Địa chỉ: Khu vực 2, phường HT, thị xã NB, tỉnh Hậu Giang.

2. Nguyễn Hữu C, sinh năm 1986. (Có đơn xin vắng mặt)

Địa chỉ: Ấp PX, thị trấn MD, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

3. Nguyễn Thị V, sinh năm 1965. (Có mặt)

Địa chỉ: Ấp MH, thị trấn CD, huyện PH, tỉnh Hậu Giang.

Người làm chứng được Tòa án triệu tập: Lê Thị Hồng G, sinh năm 1990. (Vắng mặt)

Địa chỉ: ấp TM, xã BT, huyện PH, tỉnh Hậu Giang

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 20 giờ ngày 27/01/2016, Nguyễn Minh T điều khiển xe mô tô biển số kiểm soát 95P2-5869 đi từ nhà đến dự đám cưới tại nhà anh Dương Hoài N ở ấp MQ, thị trấn Cây Dương, huyện PH, tỉnh Hậu Giang. Khi vào đám cưới, T ngồi chung bàn với Đào Thanh Th, Lê Văn Đ, Trần Huệ A, Nguyễn Hữu C, Phạm Hải Đ và một người khác không biết tên. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, Đỗ Thanh T1 ngồi bàn khác trong đám cưới, cầm ly bia đi qua bàn của T mời uống giao lưu, nhưng T không uống vì giữa T và T1 có xảy ra mâu thuẫn từ trước. Đến khoảng 22 giờ, thì T và A đi ra ngoài vệ sinh, trong lúc đi vệ sinh thì A hỏi T: Thằng đó là thằng nào mà nó qua mời bia cưng không uống mà nó nhìn cưng quá trời. T trả lời: Nó là T1 Lùn, nó đòi đánh em hoài nên em không uống với nó. A nói: Nó đánh được thì cho nó đánh. Sau đó, T và A tiếp tục vào bàn uống bia tiếp. Lúc này, Nguyễn Hữu C ra về, đồng thời nói với T, A, Th, Đ (người làm thuê cho C) tranh thủ về sớm để đi xà lan. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, thì T, A, Th, Đ đi ra về, khi T và A đi ra khỏi cổng đám cưới thì nhìn thấy T1 đang đứng trên vĩa hè đường Trần Văn S (đối diện đám cưới), T1 kêu T lại nói chuyện, khi T đến nói chuyện với T1, thì giữa T và T1 xảy ra cự cãi với nhau, T dùng tay phải đấm trúng vào mặt T1 01 cái làm cho T1 té ngã ngữa xuống vĩa hè và đầu đập trúng vào cục đá bằng bê tông đặt dưới chân cây dù của quán cà phê 9999, T1 vừa chuẩn bị ngồi dậy thì T tiếp tục dùng chân trái đạp vào vùng cằm của T1 01 cái, tiếp theo đó An chạy đến dùng chân phải đạp vào vùng vai phải của T1 01 cái, Thuận và Đ chạy đến can ngăn thì T và A bỏ đi về, T1 bị ngất xỉu được mọi người đưa đến bệnh viện đa khoa huyện PH cấp cứu.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 53/TgT ngày 11/3/2016 của Trung tâm pháp y – Sở Y tế tỉnh Hậu Giang kết luận tỷ lệ thương tích tổn hại đến sức khỏe hiện tại đối với Đỗ Thanh T1 là 26% (Hai mươi sáu phần trăm). 

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 53/2017/HSST ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện PH, tỉnh Hậu Giang quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Minh T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Khoản 1, Điều 104; Điều 20; Điều 33; các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Minh T 09 (chín) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày chấp hành án, được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 18 tháng 4 năm 2016 đến ngày 16 tháng 7 năm 2016.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 604; 605; 606; 609 của Bộ luật dân sự năm 2005;

Buộc bị cáo Nguyễn Minh T có nghĩa vụ bồi thường thêm cho anh Đỗ Thanh T1 số tiền là 25.932.421đ (Hai mươi lăm triệu chín trăm ba mươi hai nghìn bốn trăm hai mươi mốt đồng); anh Đỗ Thanh T1 được quyền nhận số tiền 5.000.000đ (Năm triệu đồng) do gia đình bị cáo nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện PH theo biên lai thu số 0000871 ngày 04 tháng 7 năm 2016.

Về án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003; các điểm a, c khoản 1 Điều 23 và khoản 4 Điều 26 của Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bị cáo Nguyễn Minh T phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 1.296.600đ (Một triệu hai trăm chín mươi sáu nghìn sáu trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/11/2017, bị cáo Nguyễn Minh T kháng cáo xin cho bị cáo được hưởng án treo.

Ngày 01/12/2017, bị hại Đỗ Thanh T1 kháng cáo yêu cầu hủy bản sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung vì bỏ lọt đồng phạm là Nguyễn Hữu C và Trần Huệ An, yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với Nguyễn Minh T và yêu cầu tăng mức bồi thường trách nhiệm dân sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm: Tại cấp phúc thẩm bị cáo xác định gia đình bị cáo gặp khó khăn, có vợ và con nhỏ, có ông ngoại có công với nước, khi phạm tội bị cáo đầu thú, cha bị bệnh, tại phiên tòa bị cáo có ý chí tự nguyện bồi thường thêm toàn bộ chi phí cho bị hại. Tuy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới tại phiên tòa phúc thẩm, nhưng hành vi bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xem thường tính mạng của người khác . Do vậy cần có hình phạt nghiêm khắc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, lẽ ra cần áp dụng tình tiết côn đồ với bị cáo nhưng bị cáo có nhiều tì nh tiết giảm nhẹ nên đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm là 09 tháng tù. Về kháng cáo tăng hình phạt của bị hại, xét thấy mức án 09 tháng tù mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là phù hợp và tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tại phiên tòa bị hại cũng không cung cấp thêm tình tiết nào mới khác để tăng nặng cho bị cáo nên yêu cầu của bị hại không xem xét.

- Đối với kháng cáo bỏ lọt tội phạm của bị hại, sau khi xét xử sơ thẩm lần đầu cấp phúc thẩm đã hủy bản án và điều tra làm rõ thì không có hành vi phạm tội xảy ra nên không xem xét hành vi của C và A.

- Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa bị cáo đồng ý bồi thường cho bị hại là 65.000.000đ (Sáu mươi lăm triệu đồng), bị hại thống nhất, nên đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận này của bị cáo và bị hại.

- Từ cơ sở đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của bị hại về bỏ lọt tội phạm và tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bị cáo, ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận bồi thường của bị cáo và bị hại, sửa bản án sơ thẩm

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại luật sư Phạm Văn Lai trình bày:

- Về trách nhiệm dân sự ghi nhận sự tự nguyện giữa bị cáo và bị hại nên không đề cập.

- Về trách nhiệm hình sự: Vụ án đã hủy một lần nhưng khi làm lại thì không làm rõ, còn nhiều mâu thuẫn, nay Nguyễn Hữu C và Trần Huệ A vẫn vắng mặt nên không có lời khai nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Đối với yêu cầu tăng nặng, bị cáo kháng cáo nhưng không có tình tiết nào mới, xét hành vi bị cáo là thể hiện tính côn đồ, chỉ gì mâu thuẫn nhỏ mà gây thương tích cho bị hại nên đề nghị xử phạt bị cáo với mức án từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù.

Bị cáo trình bày: Bị cáo yêu cầu được hưởng án treo bởi gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, cha bị bệnh não, bị cáo có con nhỏ, bị cáo là lao động C, bị cáo có ông ngoại là liệt sĩ, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo đầu thú, những tình tiết này chưa được xem xét.

Bị hại trình bày: Yêu cầu làm rõ việc bỏ lọt tội phạm, yêu cầu tăng trách nhiệm hình sự, về dân sự đồng ý tự nguyện bồi thường của bị cáo cho người bị hại 65.000.000đ.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà V trình bày: Đề nghị cho bị cáo hưởng án treo do cha bị cáo bị bệnh não đang điều trị, tôi bị hở van tim nên có sức khỏe yếu, bị cáo là lao động C, gia đình có hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Minh T, bị hại Đỗ Thanh T1 có đơn kháng cáo, xét đơn kháng cáo của bị cáo và bị hại có hình thức và nội dung phù hợp với quy định pháp luật nên chấp nhận xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận vào khoảng 23 giờ ngày 27/01/2016, sau khi xảy ra mâu thuẫn với Đỗ Thanh T1, bị cáo Nguyễn Minh T dùng tay phải đấm trúng vào mặt T1 01 cái làm cho T1 té ngã ngữa xuống vĩa hè và đầu đập trúng vào cục đá bằng bê tông đặt dưới chân cây dù của quán cà phê 9999, T1 vừa chuẩn bị ngồi dậy thì bị cáo T tiếp tục dùng chân trái đạp vào vùng cằm của T1 01 cái, tiếp theo đó A chạy đến dùng chân phải đạp vùng vai phải của T1 01 cái, Th và Đ chạy đến can ngăn thì T và A bỏ đi về. Lời thừa nhận của bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với kết luận điều tra, truy tố và bản án sơ thẩm. Do đó có cơ sở xác định bị cáo đã trực tiếp gây thương tích cho bị hại với kết quả giám định tỷ lệ chung là 26%. Do vậy, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật.

[3] Xét về tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo: Nguyễn Minh T là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo nhận thức rõ dùng tay phải đấm trúng vào mặt và dùng chân trái đạp vào vùng cằm khi bị hại đang bị té là gây thương tích hoặc có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bị hại; Nhưng vì mâu thuẫn nhỏ không kiềm chế bản thân mà bị cáo đã cố ý gây thương tích cho người bị hại với tỷ lệ thương tật 26%. Hành vi trên là nguy hiểm cho xã hội, nó không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bị hại, mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh của địa phương; nên cần phải xử lý bị cáo một mức án tương xứng, phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo.

Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt có xem xét đến những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo; cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo các tình tiết như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả cho bị hại; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, đây là những tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[4] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo nhận thức được lỗi của mình và tự nguyện bồi thường toàn bộ chi phí cho bị hại với số tiền lên đến 65.000.000đ thể hiện sự ăn năn nhằm bù đắp những lỗi lầm mà bị cáo đã gây ra; đồng thời, bị cáo cũng cung cấp thêm chứng cứ mới mà cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng cho bị cáo như: Bị cáo có người thân có công với cách mạng; bị cáo có con nhỏ; là lao động C; cha bị cáo bị bệnh não; sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đến cơ quan Công an đầu thú. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự (Sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Trong thời giai đoạn điều tra, truy tố bị cáo đã bị chế tài của pháp luật, bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 18/4/2016 đến ngày 16/7/2016 gần 03 tháng, thời gian này đủ để răn đe bị cáo nhằm nhận thức được những sai phạm và thật sự ăn năn, hối cải; Bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ được qui định tại b, h, p khoản 1, nhiều tình tiết giảm nhẹ được qui định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009); bị cáo có lý lịch, nơi cư trú rõ ràng, căn cứ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm Phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Điều 60 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009), xét thấy bị cáo có đầy đủ điều kiện để được hưởng án treo. Vì vậy, không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà giao bị cáo cho C quyền địa phương theo dõi, giám sát, giáo dục bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo có cơ sở chấp nhận.

[5] Đối với kháng cáo yêu cầu tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị hại đối với bị cáo, Hội đồng xét xét thấy, khi xét xử lần đầu cấp sơ thẩm cũng đã cân nhắc, xem xét những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo 15 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Bị hại kháng cáo cho rằng bị cáo có tiền sự, ...Tuy nhiên, do vi phạm thủ tục tố tụng cần phải hủy để điều tra bổ sung. Sau khi cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố kết luận bổ sung bị cáo không có tiền sự, không có tình tiết nào mới làm thay đổi nội dung vụ án, nhưng khi xét xử lại lần 2 cấp sơ thẩm giảm từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo xuống còn 09 tù và áp dụng hình phạt giam đối với bị cáo là chưa đủ cơ sở. Cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt giam là chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ và điều kiện cho bị cáo được hưởng án treo theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; nhưng khi áp dụng tù có điều kiện cho bị cáo được hưởng án treo thì thời gian 09 tháng chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo cũng như chưa đủ thời gian giáo dục và thử thách cho bị cáo, nên cần tăng hình phạt cho bị cáo từ 09 tháng tù lên 15 tháng tù và áp dụng các qui định của pháp luật về điều kiện cho bị cáo được hưởng án treo, như bản án đã số 59/2016/HSST ngày 27/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện PH được xét xử trước đó. Do đó, kháng cáo tăng nặng hình phạt của bị hại có cơ sở chấp nhận.

[6] Xét kháng cáo của bị hại yêu cầu làm rõ về bỏ lọt tội phạm đối với Nguyễn Hữu C và Trần Huệ A, bị hại cho rằng vết thương của bị hại là do Nguyễn Hữu C dùng khúc sắt (cây dũ) đánh từ phía sau tới. Hội đồng xét xử xét thấy lời khai của bị hại chưa thống nhất, cụ thể tại bút lục số 52 bị hại khai “Tôi không biết ai đánh tôi bằng vật gì”, “nhậu đến khoảng 23 giờ say rượu nên tôi đi ra một mình lấy xe về thì thấy C cũng đứng gần xe tôi nên tôi và C nói chuyện qua lại thì vợ của C nắm tay kéo C về, nên tôi bước tới dẫn xe thì bất ngờ có người đánh vào đầu một cái ngất xỉu không biết gì, lúc tỉnh dậy đã được đưa vào bệnh viện huyện PH”. Tại bút lục 99 -100 bị hại khai “Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày tôi có biểu hiện say nên đi bộ ra lấy xe”, “Khi tôi vừa ra khỏi đám cách khoảng 04m thì bất ngờ một nhóm thanh niên, trong đó có thằng C lửa, T (kênh ngang) và khoảng 02-3 người nữa nhào tới đánh tôi từ phía sau. Tôi chỉ nhớ bị vật cứng đánh trúng sau đầu dẫn tới ngất xỉu, không còn biết gì thêm sau đó”, “do lúc đó đã say nên không nhớ rõ đã nói những gì do không nhớ”. Tại bút lục 101-102, 105-106 bị hại khai “tôi bị ai đó đánh 01 cái trúng vào đầu, đánh từ phía sau tôi, đánh tôi một cái thật mạnh làm tôi té xuống vĩa hè bất tỉnh, sau đó mọi chuyện như thế nào tôi không biết”, “Tôi mâu thuẫn với T trước nên tôi nghĩ T đánh tôi, tôi cũng nghĩ C lửa đánh tôi vì lúc ra lấy xe thằng C lửa nhào nhào lại tôi”. Tại bút lục 107-108 bị cáo khai “Tôi bị đánh từ phía sau nên không trực tiếp thấy hung khí là gì. Tuy nhiên, tôi có cảm giác bị 01 cây sắt đập từ phía sau tới trúng đầu”. Tại bút lục 109-112 bị hai khai “Tôi bị đánh theo hướng từ sau đánh tới, tôi không có quan sát được toàn bộ ở phía sau chỉ ngoái lại nhìn thì thấy C lửa cầm cây đập tôi”. Qua các lời khai thể hiện bị hại có nhiều lời khai khác nhau lúc đầu không biết bị ai đánh và đánh bằng vật gì, sau đó là bị hại suy đoán là T hay C đánh bị hại do trước đó có mâu thuẫn với bị hại, lúc khai đi ra khỏi đám thì nói chuyện với C, lúc khai khi ra thì gặp một nhóm người nhào tới đánh và ngất xỉu không biết gì, lúc thì lại khai khi bị đánh ngoái nhìn lại thấy C dùng cây đập bị hại từ phía sau. Về thời gian cũng không rõ ràng, lúc khai ra về lúc 22 giờ, lúc thì 22 giờ 30 và 23 giờ.

Lời khai của Trần Huệ A khẳng định C và G đã ra về trước khi xảy ra sự việc đánh nhau (Bút lục 493-494). Lời khai này hoàn toàn trùng khớp với lời khai của Lê Văn Đ, Đào Thanh Th (Bút lục 507-510), Lê Thị Ngọc Tr, Nguyễn Thị Hồng L, Vũ Hoàng Thiên Tr, Nguyễn Thị Bích Th1 xác định Gấm mặc đầm màu đỏ và khi xảy ra đánh nhau thì C và G đã về trước đó, khi về thì C và G có nói với những người ngồi chung bàn (Bút lục 497-506).

Mặt khác, lời khai Lê Văn Th2 khẳng định “có một thanh niên dùng tay đánh vào mặt một thanh niên có dáng người mập lùn, làm người này té xuống vĩa hè đầu gần chân cây dù quán cà phê 9999. Sau đó có nhiều người chạy lại trong đó có một người phụ nữ mặc váy màu đen tóc để dài”, Th2 xác định nhóm thanh niên đánh nhau bằng tay không, không có ai sử dụng hung khí (Bút lục 517-518).

Lời khai của C và G thì khoảng 22 giờ cả hai ra về, khi về thì không gặp Nguyễn Tuấn E. C đưa Gấm về vật liệu xây dựng Hồng G sau đó C điều khiển xe ra xà lan cát đậu ở phía sau bệnh viện huyện PH. Tại đây C có gặp Q. Qua lời khai của Q cũng xác định C có về xa lan trước đó khoảng 30 phút, đến một giờ sau thì A và Th về (Bút lục số 511 -512, 513-514, 515-516).

Theo kết quả giám định vết thương của bị hại xác định: “Thương tích thái dương chẩm trái, kích thước 2,5 x 0,5cm đã lành bờ mép nham nhỡ” phù hợp với vật chứng là cục đá bê tông có bề mặt và cạnh nham nhở. Đối với cây dũ ba khúc có đường kính tròn, bề mặt nhẵn nên không thể gây nên thương tích có bờ mép nham nhở cho bị hại.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chưa có cơ sở xác định tại thời điểm xảy ra vụ đánh nhau có Nguyễn Hữu C tại hiện trường. Đối với hành vi của Trần Huệ A chỉ là bộc phát, không có bàn bạc hay rủ rê gì trước, không có sự thống nhất ý chí để đánh bị hại. Do vậy, hành vi của A không có tính chất đồng phạm và cũng không ra thương tích cho bị hại nên Công an huyện PH đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành C đối với Trần Huệ A. Mặt khác, trong giới hạn xét xử của Tòa án, căn cứ theo Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”, nên trong vụ án này chỉ có căn cứ xét xử bị cáo Nguyễn Minh T, không có căn cứ xác định đồng phạm. Do đó, yêu cầu kháng cáo về bỏ lọt tội phạm của bị hại không được chấp nhận.

[7] Đối với kháng cáo yêu cầu tăng trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử xét thấy, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo tự nguyện bồi thường toàn bộ chi phí cho bị hại số tiền là 65.000.000đ và bị hại đồng ý nhận số tiền này nên ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của bị cáo và bị hại.

[8] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Minh T;

Chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt và tăng trách nhiệm bồi thường dân sự cho bị cáo của bị hại Đỗ Thanh T1;

Không chấp nhận kháng cáo yêu cầu xem xét về việc bỏ lọt tội phạm của bị hại Đỗ Thanh T1; Sửa bản án sơ thẩm.

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Minh T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Khoản 1, Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Minh T 15 (Mười lăm) tháng tù, nhưng cho bị cáo hưởng án treo. Thời gian thử thách là 30 (Ba mươi) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (15/5/2018).

Giao bị cáo Nguyễn Minh T cho Ủy ban Nhân dân thị trấn CD, huyện PH, tỉnh Hậu Giang giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 604; Điều 605; Điều 606; Điều 609 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 300 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Công nhận sự thỏa thuận giữa bị hại Đỗ Thanh T1 và bị cáo Nguyễn Minh T. Bị cáo Nguyễn Minh T tự nguyện bồi thường cho bị hại Đỗ Thanh T1 số tiền tổng cộng là 65.000.000đ (Sáu mươi lăm triệu đồng), trong đó bị cáo đã khắc phục trước cho gia đình bị hại số tiền 10.000.000đ (Mười triệu đồng) và gia đình bị cáo Nguyễn Minh T nộp số tiền bồi thường khắc phục hậu quả là 5.000.000đ (Năm triệu đồng) theo biên lai thu số 0000871 ngày 04 tháng 7 năm 2016 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện PH, tỉnh Hậu Giang.

Bị cáo Nguyễn Minh T còn phải bồi thường số tiền khắc phục hậu quả cho bị hại Đỗ Thanh T1 số tiền là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)

Kể từ ngày bị hại Đỗ Thanh T1 có đơn yêu cầu thi hành án đối với số tiền bị cáo Nguyễn Minh T có trách nhiệm bồi thường nếu bị cáo chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả và lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Minh T phải chịu là 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm nghìn đồng).

Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Minh T không phải chịu.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định Luật Thi hành án dân sự thì người được Thi hành án dân sự, người phải Thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hánh án được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 15/5/2018.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

362
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 42/2018/HS-PT ngày 15/05/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:42/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về