Bản án 418/2017/HS-PT ngày 08/08/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 418/2017/HS-PT NGÀY 08/08/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 08 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phốHồ Chí Minh mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số39/2017/HSPT ngày 24 tháng 01 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Đăng T do có kháng cáo của bị cáo, kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị cáo và kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại đối với bản án sơ thẩm số 430/2016/HSST ngày 20/12/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo:

Nguyễn Đăng T; giới tính: nam; sinh năm 1981 tại tỉnh Bình Định; thường trú: 124 Đường T, thị trấn BĐ, huyện AN, tỉnh Bình Định (nay là 150 Đường T, phường BĐ, thị xã AN, tình Bình Định); chỗ ở: 304/13 Đường C, Phường M, quận TB, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: kỹ sư; con ông: Nguyễn Văn G (chết) và bà Bùi Thị Thanh H; hoàn cảnh gia đinh; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày: 28/02/2011, (có mặt).

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo có kháng cáo:

Bà Bùi Thị Thanh H, sinh năm 1944, (có mặt).

Địa chỉ: Số 124 Đường T, thị trấn BĐ, huyện AN, tỉnh Bình Định (nay là số150 Đường T, phường BĐ, thị xã AN, tỉnh Bình Định).

- Người bào chữa cho bị cáo:

Ông Trịnh Văn T, Luật sư Văn phòng luật sư NV, thuộc Đoàn Luật sưThành phố Hồ Chí Minh, (có mặt).

- Người đại diện hợp pháp của người bị hại có kháng cáo:

Ông Vũ Đình H, sinh năm 1943, (có mặt).

Địa chỉ: Số 684/6 Đường Đ, Phường H, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Những người tham gia tố tụng khác:

Người đại diện hợp pháp của người bị hại: Bà Hoàng Thị Xuân D, sinh năm1955, (có mặt).

Thường trú: Số 121- 123, A11 Khu tập thể N, Phường B, thành phố VT, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chỗ ở: 684/6 Đường Đ, Phường H, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại và gia đình người bị hại:

1. Ông Trương Xuân T, Luật sư Văn phòng Luật sư Tường Trương Xuân T, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, (có mặt).

2. Ông Nguyễn Thành S, Luật sư Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc T, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, (có mặt).

3. Ông Trần Việt C, Luật sư Công ty Luật ST, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, (có mặt).

NHẬN THẤY

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng giữa năm 2004, Nguyễn Đăng T quen biết với chị Võ Thị Hoàng A. Đến gần cuối năm 2010, bị cáo T đơn phương có tình cảm với chị A nhưng không được chị A chấp nhận. Từ đó, Nguyễn Đăng T trở nên ghen, ghét với chị A. Vào tháng 12/2010, do nghi ngờ chị A và ông Đoàn Tuấn L (người làm việc chung với chị A tại Tổng công ty khí Việt Nam, địa chỉ: số 19A Đường H, Phường MH, quận TB, Thành phố Hồ Chi Minh) có mối quan hệ tình cảm thương yêu nhau, bị cáo T đến nơi làm việc đánh ông L nhưng mọi người can ngăn. Sau đó, Nguyễn Đăng T thường xuyên gọi điện thoại hăm dọa đánh ông L. Do đó, ông L có hẹn gặp T để nói chuyện thì T đồng ý. Đến khoảng cuối tháng 12/2010, ông L có nhờ ông Nguyễn Văn B (người cùng làm chung) đi gặp T. Khi gặp bị cáo T, ông B có cảnh cáo T về việc đánh Linh. Lo sợ bị ông B đánh, Nguyễn Đăng T lấycon dao dài 33 cm, lưỡi dài 20 cm, mũi nhọn dùng gọt trái cây, gói trong tờ báo,mang theo mỗi khi đi ra bên ngoài để phòng thân.

Vào khoảng 10 giờ 00 ngày 27/02/2011, Nguyễn Đăng T mang theo con dao giấu vào trong vớ giày bên trái, chạy xe gắn máy biển số 77M7-3477 đi đến nhà của chị A, đứng cách xa khoảng một căn nhà. Một lúc sau, bị cáo T nhìn thấy chị A đứng trước cửa nhà nói chuyện với bạn là ông Ngô Ngọc Q (hiện không rõ địa chỉ). Sau khi ông Q vừa đi về, T đi bộ đến. Thấy vậy, chị A liền quay vào nhà thì bị T dùng tay trái nắm lấy tay phải kéo lại. Chị A giật tay lại và lùi về sau. T cúi khom người xuống, dùng tay phải lấy dao từ vớ giày trái ra đứng đối diện chị A. Bị cáo cầm dao đâm thẳng vào người chị A nhiều nhát tạo ra 10 vết thương trên người bị hại. Thấy chị A gục ngã tại chỗ, T cầm dao, điều khiển xe chạy trốn. Chị A được ông Vũ Đình H (cha ruột) cùng quần chúng xung quanh đưa đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình, Quận N cấp cứu nhưng đã chết trước khi nhập viện.

* Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 259/GPTT.ll ngày 24/3/2011 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện:

1. Chẩn đoán y pháp:

- Đa vết thương do bị đâm gây:

Thấu ngực trái gây thủng xuyên tim và phổi trái.

Thấu ngực, bụng trái gây thủng cơ hoành trái, thủng dạ dày, gan và lách.

Thấu ngực, bụng phải gây thủng cơ hoành phải, thủng gan phải.

2. Nguyên nhân chết do: Choáng mất máu cấp do bị đâm nhiều vết gâythủng tim, phổi, gan, lách, dạ dày.

Vào lúc 09 giờ 30 phút ngày 28/02/2011, Cơ quan điều tra bắt giữ Nguyễn Đăng T để điều tra về hành vi “Giết người”. Khám xét nơi ở của bị cáo T (địa chỉ: Số 304/13 Đường C, Phường M, quận TB), Cơ quan điều tra thu giữ 01 áo sơ mi ngắn tay sọc trắng-vàng dính nhiều vết màu đỏ sẫm (nghi máu), 01 quần Jeans nam hiệu VETTIEN màu xanh và 01 nón 1 hiềm màu xanh hiệu SPORTY. Nguyễn Đăng T giao nộp 01 xe gắn máy nhãn hiệu Yamaha, số loại Jupiter, biển số 77M7-3477. Tại trụ sở Công an Phường 9, quận Gò vấp, Nguyễn Đăng T tự giao nộp cho Cơ quan điều tra 01 con dao dài khoảng 33 cm, cán bằng gỗ màu vàng nhạt, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng, phần lưỡi dao dài khoảng 20 cm, phần cán dài khoảng 13 cm; trên lưỡi dao gần phần cán có in chữ “Made in Japan”, bên đối diện có in một số chữ Trung Quốc, mũi dao nhọn, trên phần lưỡi dao và cán dao có dính vết màu nâu nghi là máu. Bị cáo T trình bày “Đây là con dao tôi dùng làm hung khí để đâm bạn gái tôi là Vũ Thị Hoàng A tại nhà của Hoàng A trên đường Đường Đ, Quận N” (Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu ngày 28/02/2011 - BL 216). Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn tạm giữ của T 01 điện thoại di động hiệu Motorola và 01 chứng minh nhân dân tên Nguyễn Đăng T. Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định các vật chứng thu giữ liên quan đến vụ án.

* Tại Kết luận giám định số 91/11/GĐSH ngày 14/3/2011 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện:

1. Con dao: có dính máu người, nhóm máu O

2. Áo sơ mi: có dính máu người, nhóm máu O.

3. Quần Jeans: có dính máu người, nhóm máu O.

4. Chiếc dép xốp màu vàng: có dính máu người, nhóm máu O.

5. Chiếc dép xốp màu trắng: có dính máu người, nhóm máu O.

6. Bao da điện thoại: có dính máu người, nhóm máu O.

7. Xâu chìa khóa: có dính máu người, nhóm máu O.

8. Dấu vết ghi thu hiện trường: là máu người, nhóm máu O.

9. Mẫu máu ghi thu của nạn nhân Vũ Thị Hoàng A: thuộc nhóm máu O.

* Ngày 01/6/2011, Trung tâm pháp y - Sở Y tế Thành phổ Hồ Chí Minh có Công văn số 130/TTPY.GT-ll với nội dung giải thích cơ chế gây ra vết thương trên người người bị hại:

- Các thương tích trên người Vũ Thị Hoàng A do vật sắc nhọn gây ra. Con dao như hình quý cơ quan cung cẩp có thể gây ra các thương tích trên.

- Tuy nhiên, để xác định chính xác, đề nghị giám định dấu vết DNA trên con dao so với mẫu máu của người bị hại cũng như của đối tượng tại Trung tâm pháp y.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Đăng T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu, phù hợp với các vật chứng thu giữ và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ. Tuy nhiên, trong quá trình bị tạm giam để điều tra, đến tháng 11/2011, Nguyễn Đăng T có dấu hiệu bệnh tâm thần, cảm xúc trầm cảm, không ngủ được, lo lắng... Cơ quan điều tra ra quyết định trung cầu giám định về tâm thần đối với bị cáo T.

* Tại Bản kết luận pháp y tâm thần số 226/2011/TTGĐPYTT ngày 25/8/2011 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần - Sở Y tế thể hiện:

1. Giai đoạn trầm cảm trung bình do căn nguyên tâm lý trước khi gây án ngày 27/02/2011 (F32.l-ICD10).

- Can phạm đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

2. Giai đoạn trầm cảm nặng, không có các triệu chứng loạn thần trong khi gây án ngày 27/02/2011 (F32.2-ICD10).

- Can phạm hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

3. Giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo một số triệu chứng loạn thần sau khigây án ngày 27/02/2011 (F32-2-ICD10).

- Can phạm hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

4. Để đánh giá năng lực hành vi chịu trách nhiệm hình sự đối với can phạmNguyễn Đăng T không thuộc thẩm quyền của Giám định viên.

Lưu ý đề phòng hành vi tự tử ở đương sự trên trước mắt ở trại giam và lâu dài.

* Tại Biên bản giám định pháp y tâm thần sổ 743/PYTT-PVPN ngày10/11/2011 của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phíaNam - Bộ Y tế thể hiện:

1. Về y học: Trước, trong khi gây án: Đương sự có bệnh trầm cảm tái diễn mức độ trung bình.

- Hiện nay: Đương sự đang bị trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần.

2. Về pháp luật:

- Đương sự gây án trong giai đoạn trầm cảm vừa không có triệu chứng loạn thần nên có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh.

- Hiện nay: đương sự chưa có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để tiếp xúc làm việc với cơ quan pháp luật.

3. Đề nghị:

- Cần điều trị theo chuyên khoa một thời gian, khi nào ổn định sẽ tiếp tục điều tra xét xử.

- Áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.

Ý kiến khác vớỉ kết luận của hội đồng: không.

Ngày 05/12/2011, Cơ quan điều tra ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can Nguyễn Đăng T về tội “Giết người”. Ngày 06/12/2011, Viện kiềm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đưa Nguyễn Đăng T đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại Biên Hòa để chữa bệnh.

Đến ngày 15/4/2016, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa - Bộ Y tế có Thông báo về kết quả điều trị đối tượng chữa bệnh bắt buộc đối với Nguyễn Đăng T, nội dung như sau: Hiện nay, theo báo cáo của bác sĩ điều trị: Tình trạng tâm thần của đối tượng đã ổn định, không cần thiết áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nữa. Vì vậy, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định trưng cầu giám định sau thời gian bắt buộc chữa bệnh.

* Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần sau thời gian điều trị bắt buộc số214/KLBB-VPYTW ngày 07/6/2016 Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ươngBiên Hòa - Bộ Y tế đối với Nguyễn Đăng T thể hiện:

Bị bệnh: trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần (F32.3-ICD.10).

Hiện tại bệnh đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa. Đương sựcó đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật.

Đề nghị:

- Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định đình chỉđiều trị bắt buộc cho đương sự. Đồng thời gửi Quyết định này đến Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

- Cơ quan cảnh sát điều tra Công Ạn Thành phố Hồ Chí Minh cử người đến đón đương sự về tiếp tục làm việc với cơ quan pháp luật.

Ngày 17/6/2016, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chi Minh ra Quyếtđịnh đình chỉ chữa bệnh bắt buộc đối với Nguyễn Đăng T. Ngày 22/6/2016 Cơ quan điều tra ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự và Quyết định phục hồi điều tra bị cáo Nguyễn Đăng T về tội “Giết người”. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Đăng T khai nhận hành vi phạm tội.

Tang vật thu giữ tại hiện trường: 02 chiếc dép xốp, 01 bao da màu trắng, bên trong có 01 điện thoại di dộng hiệu Nokia E71,01 xâu chìa khóa có 07 chìa và 01 rờ - mốt chống trộm xe (tất cả đã trả lại cho ông Vũ Đình H theo Biên bản trả lại tài sản ngày 07/4/2011 - BL 220) và thu giữ 01 mẫu màu nâu nghi máu.

Tang vật và tài vật thu giữ: 01 con dao, 01 bộ quần áo (áo sơ mi, quần Jean), 01 điện thoại Motorola, 01 chứng minh nhân dân, 01 xe gắn máy biển số77M7-3477.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 430/2016/HSST ngày 20/12/2016, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đăng T phạm tội: “Giết người”.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p, n khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt Nguyễn Đăng T tù chung thân.

Bị cáo bị tạm giam từ ngày 28/02/2011.

- Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự, Điều 610 Bộ luật Dân sự:

Buộc bị cáo Nguyễn Đăng T và bà Bùi Thị Thanh H có trách nhiệm liên đới bồi thuòng số tiền 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng) cho gia đình người bị hại (có ông Vũ Đình H và bà Hoàng Thị Xuân D là đại diện hợp pháp nhận) (phần mỗi người bồi thường số tiền là 150.000.000đ (một trăm năm mươi triệu đồng).

Tạm giữ số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng của bà Bùi Thị Thanh H đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0031600 ngày 28/11/2016 của Cục Thi hành án dân sự Thành phổ Hồ Chi Minh để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí sơ thẩm, trách nhiệm của người phải thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 26/12/2016, bị cáo Nguyễn Đăng T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 30/12/2016, bà Bùi Thị Thanh H là người đại diện hợp pháp của bịcáo Nguyễn Đăng T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T.

Ngày 03/01/2017, ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đăng T từ tù chung thân lên tử hình và yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại về vật chất từ 230.000.000 đồng lên 300.000.000 đồng, bồi thường về tinh thần từ 70.000.000 đồng lên 700.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đăng T vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bà Bùi Thị Thanh H là người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Đăng T vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T.

Ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại vẫn giữ nguyên kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đăng T từ chung thân lên tử hình và yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại, cụ thể: Bồi thường thiệt hại về vật chất 693.185.000 đồng và bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần 1.500.000.000 đồng cho 04 người trong gia đình người bị hại, mỗi người bằng 100 tháng lương hiện tại, theo quy định tại khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Đăng T tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, là đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo kết quả giám định của cơ quan chuyên môn thì trong giai đoạn trước và trong khi gây án bị cáo T có bệnh trầm cảm nên hạn chế năng lực nhận thức vàđiền khiển hành vi. Việc giám định được cơ quan chuyên môn tiến hành qua 02 cấp đúng theo yêu cầu, trình tự, thủ tục quy định nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T là đúng căn cứ quy định pháp luật. Đồng thời, bị cáo T còn có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác quy định tại điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo T tù chung thân là tương xứng phù hợp, đảm bảo tác dụng giáo dục, cải tạo riêng và răn đe, phòng ngừa chung. Hơn nữa, sau khi xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo T còn tự nguyện nộp thêm 100.000.000 đồng, đủ số tiền bồi thường cho gia đình người bị hại theo đúng như quyết định của bản án sơ thẩm. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt từ tù chung thân lên tử hình đối với bị cáo T của ông Vũ Đình H làngười đại diện hợp pháp của người bị hại; giữ nguyên quyết định về hình phạt của bản án sơ thẩm đối với bị cáo T.

Đối với kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp củangười bị hại yêu cầu buộc bị cáo T tăng thêm mức bồi thường cho gia đình người bị hại: Đối với khoản thiệt hại về vật chất thì Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét xác định chỉ gồm có khoản chi phí hợp lý cho việc mai táng người bị hại với số tiền 227.400.000 đồng là có căn cứ đúng theo quy định pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu buộc bị cáo T phải bồi thường khoản này tăng lên 693.185.000 đồng, nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào mới, nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận. Đối với kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại về bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần thì đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần, sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc bị cáo T và người đại diện hợp pháp của bị cáo phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình người bị hại một khoản tiền bằng 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, theo quy định tại khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Trịnh Văn T bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng T đồng ý về tội danh và điều khoản mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo T. Tuy nhiên Luật sư bào chữa cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo T tù chung thân là quá nghiêm khắc, chưa xem xét thấu đáo nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo: Trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo T bị bệnh trầm cảm là có thật được chứng minh qua lịch sử gia đình thì ông nội, cha và anh bị cáo cũng đã bị trầm cảm thời gian dài, qua kết quả giám định của cơ quan chuyên môn kết luận bị cáo T bị bệnh trầm cảm và qua thực tế chữa bệnh trầm cảm của bị cáo. Trong khi đó, giữa bị cáo T và người bị hại có mối quan hệ yêu thương nhau thực sự nhưng bị gia đình người bị hại cấm cản. Bị cáo T bị đe dọa nên đem theo dao với mục đích để phòng thân, không có ý định giết nạn nhân. Sau khi gây án thì bị cáo T không có ý thức tẩu tán tang vật gây án và không có ý định trốn chạy. Như vậy, bị cáo T đâm người bị hại có thể là lúc bệnh tâm thần của bị cáo lên cao. Đồng thời bị cáo còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như bản án sơ thẩm đã nhận định. Hơn nữa, cho đến nay gia đình bị cáo T đã tự nguyện nộp đủ số tiền 300.000.000 đồng bồi thường cho gia đình người bị hại theo đúng như quyết định của bản án sơ thẩm (trước khi xét xử sơ thẩm nộp 200.000.000 đồng và sau khi xét xử sơ thẩm nộp tiếp 100.000.000 đồng), nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo T và của ngườiđại diện hợp pháp của bị cáo, không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông VũĐình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại vì không có căn cứ.

Luật sư Trần Việt C bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại đồng ý việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo Nguyễn Đăng T về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong04 căn cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo T thì theo luật sư có 03 căn cứ không đúng, không chính xác:

- Do bị cáo T đã thực hiện hành vi giết người và đã bị bắt, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết “Thật thà khai báo” để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo là không chính xác.

- Tòa án cấp sơ thẩm xác định gia đình bị cáo là gia đình có công cáchmạng là không đúng.

- Việc giám định kết luận bị cáo T có nhược điểm về tâm thần là không khách quan vì: Khi tham gia phiên tòa sơ thẩm Giám định viên không mang theo hồ sơ giám định và việc giải thích của Giám định viên tại phiên tòa này là không có cơ sở. Hội đồng giám định có thành viên không đảm bảo theo đúng quy định. Mặc khác, nếu bị cáo T bị trầm cảm trung bình thì không có sức để thực hiện hành vi đâm người bị hại như vậy. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm cho giám định lại đối với bị cáo T.

Đối với kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp củangười bị hại về yêu cầu bị cáo T tăng mức bồi thường là thỏa đáng, có căn cứ, đềnghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

Luật sư Trương Xuân T bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại đồng ý việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Đăng T về tội “Giết người” thuộc trường hợp “Có tính chất côn đồ” theo điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự, nhưng đề nghị thêm các tình tiết định khung “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “Vì động cơ đê hèn” theo các điểm i, q khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Trương Xuân T đồng ý với quan điểm của Luật sư Trần Việt C về việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định gia đình bị cáo T là gia đình có công cách mạng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo là không đúng, vì pháp luật không quy định việc thờ cúng liệt sỹ (là chị ruột bố bị cáo) thuộc trường hợp gia đình có công cách mạng. Việc giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo T hai lần, cách nhau 04 tháng, có nhiều mâu thuẫn về nhận định khả năng nhận thức của bị cáo T, không tuân thủ đúng quy định tại Luật Giám định tư pháp năm 2012Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14/7/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần, lạm quyền trong việc đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Mặt khác, có căn cứ để xác định trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo T không bị tâm thần: Quá trình làm việc trước đó thể hiện là người bình thường, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc. Bị cáo T giết người bị hại có dự mưu, tính toán, sau khi phạm tội cũng không có biểu hiện của người bị tâm thần. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đăng T từ chung thân lên tử hình và buộc bị cáo T tăng mức bồithường thiệt hại cho gia đình người bị hại theo như kháng cáo của ông Vũ Đình Hlà người đại diện hợp pháp của người bị hại tại phiên tòa phúc thẩm.

Luật sư Nguyễn Thành S bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại đồng ý với ý kiến quan điểm của Luật sư Trần Việt C và Luật sư Trương Xuân T nêu trên.

Trong phần đối đáp tranh luận, Luật sư Trịnh Văn T bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng T cho rằng, hai bản giám định được hai cơ quan chuyên môn tiến hành đúng theo đúng yêu cầu, trình tự, thủ tục quy định, nội dung không có gì mâu thuẫn. Do đó, qua giám định kết luận bị cáo T có nhược điểm về tâm thần là bảo đảm khách quan, chính xác.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo T tội “Giết người” thuộc trường hợp “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự là đúng người,đúng tội và đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại yêu cầu xét xử bị cáo T thêm các tình tiết định khung “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “Vì động cơ đê hèn” theo các điểm i, q khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự là không có căn cứ. Việc giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo T là do cơ quan chuyên môn với cả một hội đồng tiến hành, nếu có một người nào đó từng bị kỷ luật thì cũng không làm sai lệch được kết quả giám định. Do đó, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chongười bị hại yêu cầu giám định lại đối với bị cáo T là không có căn cứ.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiếm sát viên, bị cáo, các luật sư và những người thamgia tố tụng khác,

XÉT THẤY

Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đăng T, đơn kháng cáo của bà Bùi Thị Thanh H, người đại diện hợp pháp của bị cáo T và đơn kháng cáo của ông Vũ Đình H, người đại diện hợp pháp của người bị hại, đều nộp trong thời hạn và đúng thủ tục quy định pháp luật nên hợp lệ, được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

1. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Đăng T và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T của bà Bùi Thị Thanh H là người đại diện hợp pháp của bị cáo; kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo T của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại:

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đăng T đã thừa nhận hanh vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của bị cáo T phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai người làm chứng, các vật chứng thu được, bản kết luận giám định pháp y và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác, có đủ căn cứ xác định:

Do có tình cảm với chị Vũ Thị Hoàng A nhưng bị từ chối nên Nguyễn Đăng T đã có sự ghen ghét, đố kỵ đối với chị A. Vào khoảng 10 giờ 00 ngày 27/02/2011, T mang theo con dao giấu vào trong vớ giày bên trái, chạy xe gắn máy biển số 77M7-3477 đi đến nhà của chị A, đứng cách xa khoảng một căn nhà. Sau khi nhìn thấy chị A đứng trước cửa nhà nói chuyện với bạn trai xong, T đã ghen tức đi bộ đến dùng tay trái nắm lấy tay phải của chị A kéo lại. Trong khi chị A giật tay lại và lùi về sau thì T cúi khom người xuống, dùng tay phải lấy dao từ vớ giày trái ra đứng đối diện chị A. T cầm dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực, bụng của chị A. Hậu quả chị A chết vì nguyên nhân choáng mất máu cấp do bị đâm nhiều nhát gây thủng tim, phổi, gan, lách, dạ dày. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo Nguyễn Đăng T phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại yêu cầu xét xử bị cáo T thêm các tình tiết định khung “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “Vì động cơ đê hèn” theo các điểm i, q khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự là không có căn cứ.

Xét tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội bị cáo đã gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội, bị cáo đã trực tiếp tước đi tính mạng của người bị hại, gây mất mát đau thương không gì có thể bù đắp được cho gia đình, người thân của người bị hại, gây hoang mang, tâm lý lo sợ cho người dân địa phương. Do đó cần phải xử phạt bị cáo T mức án nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo nêu trên.

Tuy nhiên, theo Bản kết luận pháp y tâm thần số 226/2011/TTGĐPYTT ngày 25/8/2011 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và tại Biên bản giám định pháp y tâm thần sổ 743/PYTT-PVPN ngày 10/11/2011 của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam - Bộ Y tế thì về y học: Trước, trong khi gây án, bị cáo T có bệnh trầm cảm tái diễn mức độ trung bình. Sau đó, tại Kết luận giám định pháp y tâm thần sau thời gian điều trị bắt buộc số 214/KLBB-VPYTW ngày 07/6/2016 Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa - Bộ Y tế đối với Nguyễn Đăng T thể hiện: Bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần (F32.3-ICD.10). Xét việc các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cho rằng các bản giám định trên không khách quan như sau:

Việc giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo Nguyễn Đăng T đã được tiến hành tuân thủ đúng thủ tục, trình tự theo quy định pháp luật, đúng quy trình khoa học về chuyên môn. Tại phiên tòa sơ thẩm, giám định viên đã giải thích đầy đủ, rõ ràng về nội dung các bản giám định. Thực tế, bị cáo đã điều trị bệnh một thời gian dài, bác sĩ cho rằng một phần do di truyền, hổ sơ vụ án thể hiện có các đơn thuốc, phiếu khám bệnh do Trung tâm y khoa Medic chẩn đoán. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo T và người đại diện hợp pháp của bị cáo cũng khai gia đình có ông nội, cha và anh bị cáo cũng có dấu hiệu trầm cảm thời gian dài, có biểu hiện bệnh tâm thần. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần sau thời gian điều trị bắt buộc số 214/KLBB-VPYTW ngày 07/6/2016 Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa - Bộ Y tế đối với Nguyễn Đăng T thể hiện: Hiện tại bệnh đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa; bị cáo T có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật. Do đó, việc các luật sư cho rằng các bản giám định trên không khách quan đề nghị giám định lại là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.

Như vậy, đủ căn cứ đã xác định bị cáo T là người có nhược điểm về tâm thần. Mặt khác, trước khi phạm tội, bị cáo T không có tiền án, tiền sự; sau khi phạm tội bị cáo T thể hiện thái độ khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, gia đình bị cáo đã bồi thường một phần tiền mai táng phí. Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm p, n khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự để giảm một phần hình phạt cho bị cáo T là phù hợp, có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Riêng việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định gia đình bị cáo là gia đình có công cách mạng là không chính xác, nhưng đây chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo T tù chung thân là tương xứng,đảm bảo tác dụng giáo dục, cải tạo riêng và răn đe, phòng ngừa chung.

Xét việc, sau khi xét xử sơ thẩm, bà Bùi Thị Thanh H là người đại diện hợp pháp của bị cáo T có tự nguyện nộp tiếp 100.000.000 đồng tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại đủ số tiền theo đúng như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nên cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự cho bị cáo T. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy như vậy vẫn không đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Đăng T và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T của bà Bùi Thị Thanh H, người đại diện hợp pháp của bị cáo.

Đồng thời, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo T từ tù chung thân lên tử hình của ông Vũ Đình H, người đại diện hợp pháp của người bị hại, cũng không đủ căn cứ để được chấp nhận.

2. Xét kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại về việc yêu cầu bị cáo T phải tăng mức bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình người bị hại như sau:

Tại phiên tòa sơ thẩm, những người đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Vũ Đình H và bà Hoàng Thị Xuân D có yêu cầu bồi thường 300.000.000 đồng tiền mai táng phí và 10.000.000.000 đồng tiền tổn thất về tinh thần, tổng số tiền là 10.300.000.000 đồng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận chi phí hợp lý cho việc mai táng là 227.400.000 đồng và tiền bồi thường tổn thất tinh thần là72.600.000 đồng, tổng cộng: 300.000.000 đồng là phù hợp, có căn cứ đúng theo quy định pháp luật tại Điều 42 Bộ luật Hình sự và Điều 610 Bộ luật Dân sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu buộc bị cáo T phải bồi thường thiệt hại về vật chất tăng lên 693.185.000 đồng, nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào mới, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.

Đối với kháng cáo về khoản bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần thì do tại thời điểm thụ lý xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành và tại khoản 2 Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Xét đây là điều khoản mới quy định có lợi hơn cho gia đình người bị hại nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của ông Vũ Đình Hlà người đại diện hợp pháp của người bị hại về việc yêu cầu tăng mức bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình người bị hại với số tiền 121.000.000 đồng (bằng một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 1.210.000 đồng) theo quy định tại khoản 2 Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Đăng T và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T của bà Bùi Thị Thanh H, người đại diện hợp pháp của bị cáo; không chấp nhận kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo T từ tù chung thân lên tử hình. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại về yêu cầu tăng mức bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình người bị hại, sửa bản án sơ thẩm theo hướng, buộc bị cáo Nguyễn Đăng T và bà Bùi Thị Thanh H có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 348.400.000đ (ba trăm bốn mươi tám triệu bốn trăm ngàn đồng) cho gia đình người bị hại.

Những ý kiến phát biểu, quan điểm đề nghị và yêu cầu của các luật sư tại phiên tòa phúc thẩm không phù hợp với phân tích, nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm nêu trên nên không được chấp nhận.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 200.000.000 đồng gia đình bị cáo T đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0031600 ngày 28/11/2016 và 100.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0034025 ngày 13/4/2017 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo thi hành án.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm như trên nên phần án phí dân sự sơ thẩm cũng được sửa lại cho phù hợp: Bị cáo Nguyễn Đăng T và bà Bùi Thị Thanh H, mỗi người phải nộp 8.710.000đ (tám triệu bảy trăm mười ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm theo Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bị cáo Nguyễn Đăng T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Đăng T và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T của bà Bùi Thị Thanh H là người đại diện hợp pháp của bị cáo; không chấp nhận kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo T từ tù chung thân lên tử hình; giữ nguyên quyết định về tội danh và hình phạt của bản án sơ thẩm số 430/2016/HSST ngày 20/12/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với bị cáo Nguyễn Đăng T:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đăng T phạm tội “Giết người”.

+ Áp dụng điềm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p, n khoản 1, khoản 2Điều 46, Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt: Nguyễn Đăng T tù chung thân.

Bị cáo bị tạm giam từ ngày 28/02/2011.

2. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Vũ Đình H là người đại diện hợp pháp của người bị hại về yêu cầu tăng mức bồi thường cho gia đình người bị hại, sửa phần bồi thường thiệt hại của bản án sơ thẩm số 430/2016/HSST ngày 20/12/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:

+ Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự, Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015:

Buộc bị cáo Nguyễn Đăng T và bà Bùi Thị Thanh H có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 348.400.000đ (ba trăm bốn mươi tám triệu bốn trăm ngàn đồng) cho gia đình người bị hại (có ông Vũ Đình H và bà Hoàng Thị Xuân D là đại diện hợp pháp nhận) (phần mỗi người bồi thường số tiền là 174.200.000đ (một trăm bảy mươi bốn triệu hai trăm ngàn đồng).

+ Tạm giữ số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng của bà Bùi Thị ThanhH đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0031600 ngày 28/11/2016 và số tiền100.000.000 đồng nộp theo biên lai thu số AA/2016/0034025 ngày 13/4/2017 của Cục Thi hành án dân sự Thành phổ Hồ Chi Minh để đảm bảo thi hành án.

Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nến bên phải thi hành án chưa thanh toán đủ số tiền trên, thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gain chưa thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thihành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Đăng T và bà Bùi Thị Thanh H, mỗi người phải nộp 8.710.000đ (tám triệu bảy trăm mười ngàn đồng) .

4. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Đăng T phải nộp 200.000đồng.

Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm số: 430/2016/HSST ngày20/12/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án là ngày 08 tháng 8 năm 2017.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

444
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 418/2017/HS-PT ngày 08/08/2017 về tội giết người

Số hiệu:418/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về