TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 416/2019/DS-PT NGÀY 14/05/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 09 và ngày 14 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 185/2019/TLPT- DS ngày 05 tháng 3 năm 2019 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản và tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 03/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1865/2019/QĐ-PT ngày 25 tháng 4 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Phạm Đình T, sinh năm 1973.
Địa chỉ: A8/212 ấp 1, xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Minh C, sinh năm 1975.
Điạ chỉ: 35 N, phường T, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn: Bà Phạm Thị S, sinh năm 1954.
Địa chỉ: B12/39 ấp 2, xã I, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Minh T - Đoàn luật sư tỉnh L.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Huỳnh Quang V, sinh năm 1988 (xin vắng mặt)
2. Bà Huỳnh Thị Yến T, sinh năm 1984 (xin vắng mặt)
Cùng địa chỉ: B12/39 ấp 2, xã I, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Ông Phạm Tấn M, sinh năm 1920 (xin vắng mặt).
Địa chỉ: D8/31 Khu phố 4, thị trấn V, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người kháng cáo: Bị đơn bà Phạm Thị S.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm nội dung vụ án như sau:
* Nguyên đơn ông Phạm Đình T do ông Nguyễn Minh C làm đại diện trình bày: Phần đất diện tích 15.984m2 thuộc thửa 93, 263 tờ bản đồ số 10 và thửa 507, 508 tờ bản đồ số 6, xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc do ông bà cố của ông Phạm Đình T để lại cho bà Phạm Thị S1 (mẹ ông T) và bà Phạm Thị S (dì ông T) canh tác.
Ngày 16/6/1995, Ủy ban nhân dân huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 549/QSDĐ cho hộ bà Phạm Thị S1 đối với phần đất nêu trên. Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, hộ bà Phạm Thị S1 có năm thành viên gồm: Bà Phạm Thị S1, bà Phạm Thị S, ông Phạm Đình T, ông Huỳnh Quang V, bà Huỳnh Thị Yến T. Bà Phạm Thị S1 đại diện hộ gia đình đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 1997, bà S1 chết. Do bà S1 không có chồng, mẹ bà S1 là bà Lê Thị T đã chết nên những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà S1 gồm cha bà S1 là ông Phạm Tấn M và ông Phạm Đình T là con duy nhất của bà S1.
Năm 2002, ông T ủy quyền cho bà Phạm Thị S đại diện hộ gia đình đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 549/QSDĐ ngày 05/9/2001. Sau đó gia đình đã chuyển nhượng 9.658m2 thuộc thửa 93, 507, 508, hiện nay còn lại 6.326m2 thửa 263.
Nay ông Phạm Đình T khởi kiện yêu cầu chia 1/5 tài sản chung của hộ gia đình đối với 6.326m2 thửa 263 tờ bản đồ số 10 xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh, ông yêu cầu được nhận 1.265m2 đất. Đồng thời, ông T yêu cầu chia thừa kế di sản 1.265m2 là phần của bà Phạm Thị S1 trong diện tích 6.326m2 thửa 263 tờ bản đồ số 10 xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng cộng ông T yêu cầu chia 2.530m2 đất.
* Bị đơn bà Phạm Thị S trình bày: Phần đất 6.326m2 thửa 263 tờ bản đồ số 10 xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc do ông bà ngoại để lại cho bà và chị gái Phạm Thị S1. Trước năm 1975, bà S1 sinh sống ở Sài Gòn, sau năm 1975 bà S1 không có chổ ở nên bà cho bà S1 và ông T về sống chung và cùng nhau canh tác đất. Khi làm thủ tục đăng ký kê khai nhà đất, bà để cho bà S1 kê khai và đại diện hộ gia đình đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời điểm đó hộ gia đình gồm năm người: Bà S1, ông T, bà và hai con của bà là Huỳnh Quang V, Huỳnh Thị Yến T.
Sau khi bà S1 chết, bà và các con tiếp tục canh tác đất. Năm 2001 ông T yêu cầu bán đất chia tiền nên bà chuyển nhượng một phần diện tích chia ½ tiền cho ông T. Sau đó ông T đã viết giấy ủy quyền cho bà đại diện đứng tên thay bà Phạm Thị S1 trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2004, ông T tiếp tục yêu cầu bà chia đất nên bà đã chia đất cho ông T bán lấy tiền. Ngày 07/10/2004, ông T viết giấy cam kết có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã N cam kết từ nay sẽ không đòi hỏi gì tài sản của bà nữa.
Năm 2008 bà chuyển nhượng một phần diện tích tích đất cho ông Trương Tòng nên diện tích đất còn lại theo Giấy chứng nhận là 6.326m2. Bà là người trực tiếp canh tác đất và có công chăm sóc bà S1, ông T đã viết cam kết không tranh chấp tài sản của bà, do đó, bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Pham Đình Trung.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị Yến T, ông Huỳnh Quang V cùng trình bày:
Tuy đất có nguồn gốc do ông bà để lại nhưng bà Phạm Thị S có công gìn giữ. Khi chuyển nhượng đất bà S có chia tiền cho ông T nên ông T đã viết giấy ủy quyền cho bà S đại diện đứng tên giấy chứng nhận đồng thời viết cam kết không đòi chia tài sản của bà S. Do đó, ông, bà không đồng ý với yêu cầu của ông T.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Tấn M trình bày:
Bà Phạm Thị S1 là con của ông và bà Lê Thị T. Sau khi bà T mất, ông lập gia đình khác. Phần đất mà bà Phạm Thị S được cấp giấy chứng nhận là tài sản của bà S1, bà S có nguồn gốc do gia đình bên ngoại để lại cho hai bà. Ông là người thừa kế của bà S1 nhưng ông không có yêu cầu gì đối với di sản của bà S1 và cũng không có tranh chấp gì trong vụ án này.
Tại Bản án sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 03/01/2019, tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Khoản 5, Khoản 14 Điều 26, điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 91, Điều 147, Khoản 1 Điều 227, Khoản 1 Điều 228, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 29 Điều 3, Khoản 2 Điều 5, Khoản 3 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 1 Điều 636, điểm a Khoản 1 Điều 678, điểm a Khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 209, Điều 212, Điều 218, Điều 219, Điều 220, Điều 623, điểm d Khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Điểm đ Khoản 1 Điều 12, Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đình T.
Ông Phạm Đình T được quyền sử dụng đất của hộ gia đình đối với phần đất 1.265m2 thuộc một phần thửa 263 tờ bản đồ số 10 (theo tài liệu 02/CT-UB) xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Đình T được hưởng di sản thừa kế của bà Phạm Thị S1 đối với phần đất 1.265m2 thuộc một phần thửa 263 tờ bản đồ số 10 (theo tài liệu 02/CT- UB) xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng diện tích ông Phạm Đình T được chia là 2.530m2 thuộc một phần thửa 263 (thửa phân chiết 263-1) tờ bản đồ số 10 (theo tài liệu 02/CT-UB) tương ứng với một phần thửa 240 tờ bản đồ số 46 (theo tài liệu đo đạc năm 2005) xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí thuộc số (1) hiện trạng tỉ lệ 1/1000 theo Bản đồ hiện trạng vị trí do Công ty TNHH Đo đạc-Thiết kế-Xây dựng-Dịch vụ bất động sản Hoàng Long lập ngày 29/10/2018.
Ông Phạm Đình T được quyền liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần đất nêu trên.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo. Ngày 17/01/2019, bà Phạm Thị S, ông Huỳnh Quang V, bà Huỳnh Thị Yến T nộp đơn kháng cáo bản án yêu cầu cấp phúc thẩm bác khởi kiện của ông Phạm Đình T với lý do ông T đã được chia tiền chuyển nhượng đất nhiều hơn phần ông T được hưởng trong tổng số diện tích đất của hộ gia đình. Hơn nữa, ông T đã viết cam kết không tranh chấp tài sản của bà Phạm Thị S. Đối với phần di sản của bà Phạm Thị S1 không đồng ý chia vì bà S là người trực tiếp quản lý di sản nên lẽ ra bà S phải được tiếp tục quản lý di sản của bà S1. Ngoài ra người kháng cáo còn yêu cầu tính công sức gìn giữ tài sản và chi phí mai táng cho bà S.
Tại phiên toà phúc thẩm:
- Nguyên đơn đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm và đồng ý hỗ trợ cho bà S số tiền 50.000.000 đồng.
- Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu ý kiến: Theo bà Phạm Thị S khai tại phiên tòa phúc thẩm, phần đất tranh chấp được ông bà ngoại tương phân cho riêng bà tuy nhiên bà vẫn thừa nhận đây là đất của hộ gia đình gồm có năm người là bà Phạm Thị S1, bà Phạm Thị S, ông Phạm Đình T, bà Huỳnh Thị Yến T, ông Huỳnh Quang V được công nhận quyền sử dụng 15.984m2 đất, vậy phần mỗi người là 3.196m2, phần bà S1 và ông T là 6.393,6m2. Trong những lần chuyển nhượng đất ông T và bà S đều được chia đôi tiền, vậy ông T đã nhận tổng cộng 4.979,3m2, như vậy phần của bà S1 và ông T chỉ còn lại 1.782,5m2. Bà S chỉ đồng ý cho ông T nhận phần thừa kế của ông T, riêng phần thừa kế của ông Minh giao bà S quản lý. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của ông T.
- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, đương sự và người tham gia tố tụng khác đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình thụ lý phúc thẩm và xét xử. Về phía các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo Bộ luật tố tụng dân sự quy định.
Về nội dung: Phần đất tranh chấp được Ủy ban nhân dân huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình gồm năm thành viên do bà Phạm Thị S1 đại diện đứng tên, sau khi bà S1 chết cấp đổi cho bà Phạm Thị S đại diện hộ gia đình đứng tên. Do các thừa kế của bà S1 chưa thực hiện việc kê khai di sản của bà S1 và đồng thời nguồn gốc đất là của gia tộc để lại nên đất vẫn thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình gồm năm thành viên, mỗi thành viên có quyền sử dụng tương ứng với phần của mình. Xét ông Phạm Tấn M không yêu cầu nhận thừa kế nên cấp sơ thẩm chia đất cho ông T và cho ông T nhận toàn bộ di sản của bà S1 là có căn cứ. Về việc bà S yêu cầu được tiếp tục quản lý di sản của bà S1, do không có căn cứ nên không được chấp nhận. Về việc bà S yêu cầu thực hiện theo Giấy cam kết ngày 07/10/2004, xét đây là tài sản của hộ gia đình không phải là đất thuộc quyền sử dụng riêng của bà S. Do đó, kháng cáo của các đương sự là không có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, ông T tự nguyện hỗ trợ cho bà S số tiền 50.000.000 đồng nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm, ghi nhận sự tự nguyện nêu trên của ông T.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Người kháng cáo bà Huỳnh Thị Yến T, ông Huỳnh Quang V và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Tấn M có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ Khoản 1 Điều 228, Khoản 1 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng các đương sự nêu trên.
[2] Về nội dung: Phần đất tranh chấp 6.326m2 thửa 263 tờ bản đồ số 10 xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh được cấp quyền sử dụng cho hộ bà Phạm Thị S theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 549/QSDĐ ngày 05/9/2001 của Ủy ban nhân dân huyện B. Nay ông Phạm Đình T khởi kiện yêu cầu chia thừa kế và chia quyền sử dụng đối với phần đất nêu trên.
[3] Xét kháng cáo của bà Phạm Thị S, bà Huỳnh Thị Yến T, ông Huỳnh Quang V, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[3.1] Về kháng cáo không đồng ý chia đất.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định phần đất 6.326m2 thửa 263 tờ bản đồ số 10 xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh trước đây là phần đất cấp cho hộ bà Phạm Thị S1 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 549/QSDĐ ngày 16/6/1995. Thời điểm được cấp giấy chứng nhận, hộ gia đình bà S1 gồm năm người là bà Phạm Thị S1, bà Phạm Thị S, ông Phạm Đình T, bà Huỳnh Thị Yến T, ông Huỳnh Quang V, trong đó nhân khẩu ở độ tuổi lao động gồm ba người là bà S1, bà S và ông T, riêng bà Tuyết và ông Vinh khi đó còn nhỏ. Sau khi bà S1 chết đã được cấp đổi qua hộ bà Phạm Thị S theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 549/QSDĐ ngày 05/9/2001 của Ủy ban nhân dân huyện B.
Căn cứ vào lời khai của các đương sự, có cơ sở xác định phần đất của hộ gia đình khi được cấp giấy lần đầu là 15.984m2, qua các lần chuyển nhượng cho nhiều người khác, diện tích hiện nay là 6.326m2. Theo quy định tại Điều 209 và Điều 212 Bộ luật dân sự, đây là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần của các thành viên gia đình, như vậy năm thành viên hộ gia đình mỗi người còn lại 1.265m2. Do đó, án sơ thẩm chia cho ông Phạm Đình T được hưởng 1.265m2 từ phần đất của hộ gia đình là có căn cứ, phù hợp với Khoản 2 Điều 209 Bộ luật dân sự quy định chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.
Xét ý kiến của người kháng cáo và Luật sư cho rằng ông T đã được chia tiền chuyển nhượng đất nên xem như ông T không còn quyền đối với phần đất tranh chấp. Nhận thấy quá trình cấp sơ thẩm giải quyết vụ án, không có đương sự nào yêu cầu xem xét về số tiền và phần đất ông T đã nhận. Tại phiên tòa sơ thẩm (BL 164) bà S trình bày không có ý kiến về phần đất đã bán. Mặt khác, những lần bà S chuyển nhượng đất đều được sự đồng thuận của ông T và các thành viên hộ gia đình, tiền chuyển nhượng cũng được các bên chia đều trên cơ sở nhất trí của các thành viên. Qua các lần chuyển nhượng, diện tích còn lại 6.326m2 vẫn thuộc quyền sử dụng chung chưa phân chia của hộ gia đình, do đây là sở hữu chung theo phần nên mỗi người đều có quyền tương ứng với phần của mình. Do đó, ý kiến của Luật sư và người kháng cáo cho rằng ông T không còn phần trong diện tích 6.326m2 là không có cơ sở chấp nhận.
Về ý kiến của người kháng cáo cho rằng ông T đã viết cam kết không tranh chấp tài sản của bà S nên không có quyền yêu cầu chia. Tại nội dung Giấy cam kết ngày 07/10/2004 ông T viết: “…Kể từ nay tôi sẽ không có quyền đòi hỏi chia sớt hoặc tranh chấp gì đến tài sản của dì tôi…”, Hội đồng xét xử thấy rằng vào thời điểm viết giấy cam kết, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 549/QSDĐ ngày 05/9/2001 của Ủy ban nhân dân huyện B cấp cho hộ bà Phạm Thị S vẫn còn hiệu lực, tài sản chung của hộ gia đình chưa được phân chia, chưa phân định phần quyền sử dụng cho từng thành viên trong hộ. Vì vậy, không có căn cứ cho rằng phần đất nêu trên đã thuộc quyền sử dụng riêng của bà S từ năm 2004 nên ông T không có quyền yêu cầu chia.
Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị S, bà Huỳnh Thị Yến T, ông Huỳnh Quang V về vấn đề này.
[3.2] Về kháng cáo yêu cầu được quản lý di sản của bà S1.
Hồ sơ vụ án và lời khai của bà Phạm Thị S xác nhận phần đất tranh chấp có nguồn gốc do ông bà để lại cho bà S1 và bà S, khi làm thủ tục kê khai đăng ký và xin cấp Giấy chứng nhận, bà S để cho bà S1 đại diện đứng tên. Như vậy về nguồn gốc đất là do thừa hưởng từ ông bà để lại cho bà S1 và bà S, sau khi được cấp giấy, các đương sự được quyền tiếp tục sử dụng và được chia thừa kế
theo quy định tại Khoản 2 Điều 76 Luật đất đai năm 1993 và điểm đ Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013.
Theo hồ sơ vụ án thể hiện bà S1 không có chồng nhưng có một người con duy nhất là ông Phạm Đình T, cha bà S1 là ông Phạm Tấn M còn sống, mẹ ruột Lê Thị T chết năm 1964. Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự, xác định những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà S1 là ông Minh và ông T. Như trên Hội đồng xét xử đã nhận định, phần đất cấp cho hộ gia đình trong đó có bà Phạm Thị S1 mẹ ông T là một trong các thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất ngang nhau. Qua các lần chuyển nhượng, diện tích hiện nay là 6.326m2, như vậy các thành viên hộ gia đình trong đó có bà Phạm Thị S1 mỗi người còn lại 1.265m2.
Lẽ ra phần di sản của bà S1 sẽ được chia đều cho ông Minh, ông T nhưng do ông Minh không có tranh chấp và không có yêu cầu gì về di sản nên ông T sẽ được hưởng toàn bộ phần di sản của bà S1 là 1.265m2 đất thuộc thửa 263 tờ bản đồ số 10 xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của ông T là có căn cứ.
Xét ý kiến bà S và Luật sư yêu cầu được tiếp tục quản lý di sản của bà S1, Hội đồng xét xử thấy rằng bà S1 chỉ có hai người thừa kế là ông Minh cha ruột và ông T con duy nhất, bà S có mối quan hệ là em gái của bà S1 nên không phải là người thừa kế của bà S1. Do đó, việc người kháng cáo yêu cầu được tiếp tục quản lý di sản của bà S1 là không có căn cứ chấp nhận.
Về yêu cầu tính công sức gìn giữ di sản và chi phí mai táng, xét tại cấp sơ thẩm bà S không đặt ra các yêu cầu này và đồng thời cũng không cung cấp được hóa đơn, biên nhận chứng minh chi phí. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ông T do ông Châu làm đại diện đồng ý hỗ trợ các chi phí trên cho bà S là 50.000.000 đồng và được bà S chấp nhận. Xét đây là ý chí tự nguyện của đươngsự nên Hội đồng xét xử ghi nhận.
[4] Từ những nhận định trên, nhận thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo bà Phạm Thị S, ông Huỳnh Quang V, bà Huỳnh Thị Yến T. Tuy nhiên do ông T tự nguyện hỗ trợ cho bà S công sức gìn giữ di sản và chi phí mai táng là 50.000.000 đồng nên cần sửa một phần bản án sơ thẩm, ghi nhận sự tự nguyện nêu trên của ông T.
Về án phí phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm. Riêng bà Phạm Thị S được miễn án phí phúc thẩm theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 228, Khoản 2 Điều 296, Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị S, bà Huỳnh Thị Yến T, ông Huỳnh Quang V.
2. Sửa một phần Bản án sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 03/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện B, như sau: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đình T. Ông Phạm Đình T được quyền sử dụng 1.265m2 đất thuộc một phần thửa263 tờ bản đồ số 10 (theo tài liệu 02/CT-UB) xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh và được hưởng di sản thừa kế của bà Phạm Thị S1 là 1.265m2 thuộc một phần thửa 263 tờ bản đồ số 10 (theo tài liệu 02/CT-UB) xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng diện tích ông Phạm Đình T được nhận là 2.530m2 thuộc một phần thửa 263 (thửa phân chiết 263-1) tờ bản đồ số 10 (theo tài liệu 02/CT-UB) tương ứng với một phần thửa 240 tờ bản đồ số 46 (theo tài liệu đo đạc năm 2005) xã N, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí số 1 theo Bản đồ hiện trạng vị trí do Công ty TNHH Đo đạc-Thiết kế-Xây dựng-Dịch vụ bất động sản Hoàng Long lập ngày 29/10/2018.
Ghi nhận ông Phạm Đình T tự nguyện hỗ trợ cho bà Phạm Thị S số tiền 50.000.000 đồng.
Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ với bà Phạm Thị S, ông Phạm Đình T được quyền liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần đất nêu trên.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
3. Những nội dung khác của phần quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật.
4. Về án phí:
- Án phí sơ thẩm: Ông Phạm Đình T phải chịu 44.485.200 đồng, được trừ vào 5.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 0020604 ngày 11/8/2016 và 4.487.500 đồng theo Biên lai số 0030111 ngày 09/8/2017 cùng của
Chi cục Thi hành án dân sự huyện B. Ông Phạm Đình T còn phải nộp thêm 34.997.700 đồng án phí sơ thẩm.
- Án phí phúc thẩm: Bà Phạm Thị S, ông Huỳnh Quang V, bà Huỳnh Thị Yến T không phải chịu.
Bà Huỳnh Thị Yến T được hoàn lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0006739 ngày 17/01/2019 (người nộp Phạm Thị S) của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.
Ông Huỳnh Quang V được hoàn lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0006738 ngày 17/01/2019 (người nộp Phạm Thị S) của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 416/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản và tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 416/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 14/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về